Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Bồi dưỡng HSG cả về tư duy, học lực và đạo đức, kĩ năng sống

Posted: 19 May 2012 08:03 PM PDT

(GDTĐ)- Sáng 19/5, tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi quốc gia, khu vực năm học 2011-2012, vinh danh các cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh giỏi các cấp. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự và có bài phát biểu tại buổi lễ.

Dự buổi lễ còn có đại diện Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Văn phòng Bộ, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục- Bộ GD-ĐT; các ông Nguyễn Minh Châu- Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Phú Thọ, Hà Kế San- Phó chủ tịch UBND tỉnh và đông đảo cán bộ quản lý các trường Phổ thông, giáo viên có thành tích xuất sắc trong phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, đông đủ học sinh giỏi (HSG) các cấp.

Vinh danh trên 1.800 HSG các cấp

1.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Vinh HIển phát biểu tại buổi lễ. Ảnh, gdtd.vn

Trong năm học 2011-2012, ngay từ đầu năm học, các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục, các trường Phổ thông, cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh Phú Thọ đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HSG. Tổ chức nghiêm túc, khoa học công tác tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh dự thi chọn HSG các cấp. Đồng thời, để bổ trợ đắc lực cho công tác này phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, ngành giáo dục Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khác như: bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng trường chuẩn quốc gia, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, đổi mới quản lý giáo dục…

Kết quả, trong năm nay, kì thi HSG ở các môn văn hóa cấp tỉnh ở cấp THCS có 966 học sinh dự thi và đã có 493 em đoạt các giải cá nhân. Ở cấp THPT, đã có 2.155 học sinh tham dự và đã có 1.244 em đạt các giải cá nhân.

Kì thi chọn HSG cấp quốc gia và khu vực, Phú Thọ có 51/56 học sinh tham dự đoạt các giải cá nhân. Trong đó, có 01 giải Nhất, 06 giải Nhì và 20 giải Ba, 24 giải khuyến khích. Đáng chú ý, trường THPT chuyên Hùng Vương có số học sinh giỏi chiếm gần tuyệt đối số học sinh tham dự, 50/56 học sinh.

Các cuộc thi khác như; giải toán trên máy tính cầm tay, thi Olympic Tiếng Anh trên internet, giải toán trên internet toàn quốc đã có sự tham gia của nhiều học sinh trong tỉnh tham dự và đạt giải.

Cùng với tổ chức các kì thi chọn HSG các cấp. Tỉnh Phú Thọ đã đăng cai và tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2011. Các học sinh năng khiếu các cấp học Phổ thông của tỉnh đã đạt 37 huy chương Vàng, 22 huy chương Bạc, 31 huy chương Đồng.

Phát triển giáo dục mũi nhọn trên cơ sở đảm bảo bền vững giáo dục toàn diện

Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, về lâu dài, trên cơ sở phát triển giáo dục toàn diện một cách bền vững để tạo cơ hội học tập cho mọi người ở hầu khắp các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Phú Thọ sẽ chú trọng phát triển giáo dục mũi nhọn, nhất là công tác phát hiện, bồi dưỡng HSG, học sinh năng khiếu. Cụ thể, giáo dục mũi nhọn sẽ được Phú Thọ chú trọng phát triển ngay từ bậc Tiểu học và THCS. Nhằm, tạo nguồn HSG, học sinh năng khiếu cho bậc THPT.

8.jpg
Các đại biểu dự buổi lễ. Ảnh, gdtd.vn

Trong những năm qua, thực hiện đúng theo quy định của ngành, bỏ hệ thống trường chuyên cấp THCS. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại mỗi huyện/thị xã và thành phố, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đầu tư, chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất cũng như các nguồn lực khác cho ít nhất một trường THCS chất lượng cao. Tại các trường THCS này, ngành giáo dục tỉnh đã tuyển chọn, điều động những giáo viên có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm giảng dạy và lòng say mê với nghề tập trung giảng dạy. Nhằm phát hiện và bồi dưỡng những HSG, học sinh năng khiếu cho cấp THPT.

Để minh chứng cho chủ trương xây dựng, đầu tư hiệu quả và đúng đắn đó của tỉnh, ông San đã đưa ra trường hợp của phòng GD-ĐT các huyện: Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Ba. Đây là những huyện trung du, miền núi còn rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện những chỉ tiêu kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo đề ra hàng năm. Tuy nhiên, các huyện khó khăn này luôn xếp ở tốp 10 đơn vị cấp phòng dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 cấp THCS và lớp 12 cấp THPT. Tại các huyện này, trường hợp của các trường THPT (đại trà) như Thanh Thủy, Long Châu Sa đã được ông San đặc biệt nhấn mạnh: luôn xếp thứ Nhì, Ba toàn tỉnh về kết quả thi chọn HSG.

Bên cạnh sự đầu tư từ nguồn ngân sách của trung ương và địa phương cho giáo dục, ông San cho biết, Phú Thọ rất chú trọng đến công tác huy động các nguồn lực tài chính ngoài xã hội đầu tư cho mục tiêu phát triển giáo dục mũi nhọn, phát hiện, bồi dưỡng HSG, học sinh năng khiếu. Song song với đó là công tác khuyến học, khuyến tài của các tổ chức, cá nhân, các cơ quan, đoàn thể để kịp thời động viên khuyến khích, vinh danh những học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp có thành tích xuất sắc trong phát hiện, bồi dưỡng HSG, học sinh năng khiếu hàng năm.

Bồi dưỡng HSG cả về tư duy, học lực và đạo đức, kĩ năng sống

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã ghi nhận, đánh giá cao những thành tích trong năm học 2011-2012, trong công tác bồi dưỡng HSG, học sinh năng khiếu của ngành GD-ĐT tỉnh Phú Thọ; đồng thời biểu dương giáo viên, nhà trường và những học sinh đạt giải trong các kì thi quốc gia, khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị:  trong thời gian tới, ngành giáo dục Phú Thọ tiếp tục giữ vững thành quả phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập GDTHCS, đồng thời sớm đạt mục tiêu phổ cập GDMN 5 tuổi, triển khai nhiệm vụ giảng dạy Tiếng Anh TH ở những nơi có điều kiện, quan tâm hơn nữa những giải pháp giúp đỡ những học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số.

Thầy và trò các nhà trưởng thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực", xây dựng nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia; đặc biệt quan tâm đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; coi trọng giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục văn hóa dân tộc.

4.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Vinh HIển tặng bằng khen cho các HSG. Ảnh, gdtd.vn

Hoan nghênh và đồng tình với những chủ trương, giải pháp của tỉnh Phú Thọ trong công tác bồi dưỡng HSG, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lưu ý thêm những điều sau:

Việc phát hiện và bồi dưỡng năng lực vốn có của từng học sinh phải được thực hiện từ những năm đầu tiên của hệ thống giáo dục, nhằm phát huy cao nhất năng lực sẵn có của từng em học sinh, nhưng phải thực hiện một cách tự nhiên, không gò ép để học sinh có thể phát triển được năng khiếu của mình đồng thời phát triển toàn diện, làm cơ sở cho việc phát triển bền vững lâu dài cả cuộc đời sau này.

Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT không chủ trương tổ chức các kì thi HSG ở cấp tiểu học và THCS; nhưng vẫn có nhiều hình thức, do nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau tổ chức như các cuộc giao lưu, sân chơi về trí tuệ, năng khiếu mà học sinh tham gia một cách hào hứng.

Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo thực hiện và tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để hoàn thiện việc ra đề mở đối với các môn khoa học xã hội, đánh giá cả 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết đối với thi ngoại ngữ; tổ chức thi thực hành đối với các môn khoa học thực nghiệm; đối với các môn có học sinh dự thi Olympic quốc tế thì nội dung và cách thức tổ chức thi sẽ cập nhật để phù hợp với các kì thi quốc tế.

THứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: trong bồi dưỡng HSG, chúng ta không chỉ quan tâm đến chất lượng học lực mà cả phẩm chất đạo đức, phẩm chất tư duy, kĩ năng sống, ý chí vượt khó vươn lên của các em. Trong vài năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã tổ chức thi và đưa học sinh đi thi quốc tế về sáng tạo, nghiên cứu khoa học, được học sinh, giáo viên và các trường hưởng ứng rất nhiệt tình.

2.jpg
Ảnh, gdtd.vn

Vui mừng thông báo, đoàn học sinh Việt Nam đã đoạt giải Nhất cuộc thi "sáng tạo khoa học và kĩ thuật dành cho học sinh Trung học"- Intel ViSEF thế giới được tổ chức tại Mỹ, trước đó, đoàn 8 học sinh môn Vật lý của Việt Nam đã đoạt 8 huy chương tại kì thi Olympic Vật lý Châu Á, trong đó có 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc, 2 huy chương đồng;

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, đây chính là những gợi ý, định hướng cho nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng HSG tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời mong rằng các thành tích trên đây của học sinh Việt Nam sẽ thu hút được sự quan tâm của các học sinh, giáo viên các nhà trường, các cấp quản lý giáo dục tỉnh Phú Thọ.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã tặng khen cho 27 HSG cấp quốc gia. UBND tỉnh Phú Thọ đã tặng bằng khen cho 5 giáo viên, cán bộ quản lý của trường THPT chuyên Hùng Vương đã phát hiện bồi dưỡng thành công cho HSG đạt giải Nhất, Nhì trong kì thi HSG quốc gia.

UBND tỉnh Phú Thọ đã tặng bằng khen cho 43 HSG quốc gia, 33 giáo viên bồi dưỡng HSG quốc gia và cấp tỉnh; tặng bằng khen cho 56 học sinh, 56 giáo viên ở cấp Tiểu học, THCS, THPT đã có thành tích xuất sắc trong Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2011.

Đáng chú ý, tại buổi lễ, Chi nhánh Ngân hàng Liên Việt tại Phú Thọ đã tuyên bố trao tặng cho 27 HSG quốc gia mỗi em một chiếc xe máy tay ga trị giá trên 30 triệu đồng/chiếc; tặng 100 triệu đồng cho các giáo viên đã có công phát hiện, bồi dưỡng những em học sinh này đạt giải quốc gia.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201205/Boi-duong-HSG-ca-ve-tu-duy-hoc-luc-va-dao-duc-ki-nang-song-1961326/

Chào Đức Thánh Trần

Posted: 19 May 2012 08:03 PM PDT

"Ba, hôm nay ba quên chào Đức Thánh Trần rồi!" – con gái 8 tuổi của tôi nhắc tôi khi tôi lái xe nhanh ngang qua tượng Trần Hưng Đạo ngay trước Bến Bạch Đằng (TP.HCM) để đưa cháu đến trường tiểu học gần đó.

"Ừ, cảm ơn con, ba sẽ không quên nữa đâu", tôi đáp và lòng thấy vui vì bao nhiêu lần tôi nhắc cháu như vậy khi xe chạy gần tới bức tượng thì hôm nay cháu lại nhắc tôi. Tôi đưa con đi học gần như mỗi ngày vì thuận đường đi làm. Dù vậy, cứ mỗi lần đi ngang qua tượng Trần Hưng Đạo uy dũng chỉ tay xuống Bến Bạch Đằng là lòng tôi lại dâng lên một niềm tự hào và ngưỡng mộ khó tả. Có lẽ vì thế mà con tôi cảm nhận được sự hào hứng của cha khi kể về vị anh hùng vĩ đại của dân tộc. Điều đó có thể đã khiến cháu nhập tâm cho nên đến hôm nay thì cháu lại là người nhắc tôi – khi tôi quên không gật nhẹ đầu và nói thầm hai tiếng "chào ông" mà hằng ngày cháu vẫn nghe.

Chào Đức Thánh Trần 1
Tượng Trần Hưng Đạo sừng sững ngay Bến Bạch Đằng (TP.HCM) – Ảnh:Diệp Đức Minh

Tôi thường nói với cháu rằng ông là danh tướng kiệt xuất, là nhân vật lịch sử mà tôi ngưỡng mộ nhất. Tôi kể chuyện cho cháu về ông, sắp xếp thứ tự thời gian một số nhân vật lịch sử mà cháu biết (rất hạn chế) để cháu hình dung dòng thời gian của lịch sử Việt Nam. Tôi giải thích vì sao tôi lại ngưỡng mộ ông đến thế. Tôi vẫn hào hứng khi nói về những chiến công sử dụng thủy triều của ông trên sông Bạch Đằng, về 3 lần ông đánh tan giặc Nguyên Mông. Dù chúng có hung hãn đến mức nào, có xâm lăng gần cả thế giới nhưng vẫn là bại tướng của ông.

Hôm nọ đi ngang qua bức tượng Trần Hưng Đạo ở Bến Bạch Đằng, bất chợt vui khôn tả khi thấy một vài người, trẻ có già cũng có dừng xe lại, bước xuống, thành khẩn và dâng ông một nén nhang. Như vậy những tình cảm của tôi, lòng yêu kính của tôi và nay là cha con tôi dành cho ông không bao giờ là cá biệt với người Việt khắp nơi trên thế giới này.

Tiến sĩ Lê Vinh Triển
Trưởng bộ môn Tài chính – Ngân hàng Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM

Míttinh kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Trường Sa
Chư tăng lên đường ra Trường Sa
Cứu sống 14 ngư dân bị chìm tàu ở Trường Sa
Hành đạo ở Trường Sa

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120518/Chao-Duc-Thanh-Tran.aspx

Thi ĐH, CĐ 2012: giảm 7,74% hồ sơ ĐKDT

Posted: 19 May 2012 08:03 PM PDT

(GDTĐ)- Theo số liệu khái quát tình hình đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm học 2012 Bộ GDĐT vừa công bố, tổng số hồ sơ ĐKDT năm nay là 1.812.592 bộ, giảm 7,74% so với năm 2011.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại trường ĐH Nguyễn Trãi. Ảnh: gdtd.vn

Trong tổng số  hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ 2012 có 1.358.381 hồ sơ ĐKDT vào ĐH, chiếm tỷ lệ 75% và 454.211 hồ sơ ĐKDT vào cao đẳng, chiểm tỷ lệ 25%.

Đáng lưu ý là, năm nay, số hồ sơ ĐKDT  nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý đã giảm 10,66% so với năm 2011. Bên cạnh đó, hồ sơ ĐKDT các ngành Khoa học Xã hội nhân văn tương đương năm 2011 với 4,43%. Những ngành có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp là Nghệ thuật, Báo chí, Khách sạn, Thể dục, thể thao dưới 1%.

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ diễn ra vào 3 đợt. Cụ thể, đợt I vào ngày 4 – 5/7/2012, thi đại học khối A, A1 và V; thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến hết ngày 11/7/2012. Đợt II, ngày 9 – 10/7/2012, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu (Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hoá (Khối H, N thi Văn theo đề thi khối C; Khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D; Khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B; Khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến hết ngày 16/7/2010) Đợt III, ngày 15 – 16/7/2012, thi CĐ tất cả các khối thi (Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa, thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 21/7/2012).

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201205/Thi-DH-CD-2012-giam-774-ho-so-DKDT-1961315/

Tuyệt lạ những hộp cơm trưa của trẻ em Nhật

Posted: 19 May 2012 08:02 PM PDT

Trẻ em mang cơm hộp đến trường là hiện tượng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, những hộp cơm trưa do các bà mẹ Nhật Bản chuẩn bị cho con đến trường đong đầy yêu thương và kỳ công đến kinh ngạc.

Trong văn hóa ẩm thực Nhật, hình thức của món ăn được coi trọng hàng đầu. Văn hóa này thấm sang cả những hộp cơm trưa (bento) mà người Nhật mang theo mỗi ngày.

Với những hộp cơm dành cho trẻ mang đến trường, các bà mẹ Nhật còn cầu kỳ hơn nữa, biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn với trẻ em. Thậm chí có bà mẹ mất hai giờ đồng hồ cho việc trang trí.

Dưới đây là những hình ảnh hộp cơm của trẻ em được làm bằng cả tấm lòng yêu thương của người mẹ Nhật dành cho con cái, đa dạng từ hình ảnh các con vật dễ thương đến hình ảnh người nổi tiếng. Nguyên liệu sáng tạo từ những thực phẩm hàng ngày như cơm, rong biển, các loại rau và trứng luộc.



 



 



 


 

  • Hương Giang (Tổng hợp từ BBC, New York Time, cutestfood.com)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/72864/tuyet-la-nhung-hop-com-trua-cua-tre-em-nhat.html

Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2012-2013

Posted: 19 May 2012 08:02 PM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2012-2013 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng cho toàn quốc.

Năm học 2012-2013, học sinh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8/2012

Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8/2012, muộn nhất vào ngày 28/8/2012.

Tổ chức khai giảng vào tuần cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9 (có thể khai giảng sau khi tựu trường).

Kết thúc học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập) trước ngày 25/5/2013. Kết thúc năm học trước ngày 31/5/2013.

Thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT vào các ngày 10 và 11/01/2013.

Thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013 vào các ngày 02, 03 và 04/6/2013.

Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6/2013.

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho năm học 2013-2014 trước ngày 31/7/2013.

Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 được tổ chức theo 3 đợt: đợt 1 vào các ngày 3, 4, 5/7/2013; đợt 2 vào các ngày 8, 9,10/7/2013; đợt 3 vào các ngày 14, 15,16/7/2013.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học 2012-2013 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên áp dụng cho địa phương và thời gian nghỉ học, thời gian kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bố trí lịch nghỉ của giáo viên trong năm học.

Theo quyết định này, cấp Mầm non có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần); đối với cấp Tiểu học, có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần); cấp THCS và cấp THPT, có ít nhất 37 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 19 tuần, học kỳ II có ít nhất 18 tuần); giáo dục thường xuyên (THCS và THPT), có ít nhất 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có ít nhất 16 tuần).

Kế hoạch thời gian năm học phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và tập quán của địa phương. Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động. Nếu ngày nghỉ lễ, tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp. Nghỉ tết Nguyên đán ít nhất là 7 ngày.

Thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép năm của giáo viên là 2 tháng, có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

Bộ GDĐT khuyến khích xây dựng và áp dụng kế hoạch thời gian năm học đồng bộ cho các cấp học trong trường phổ thông có nhiều cấp học, các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt là đối với cấp tiểu học và cấp THCS.
Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201205/Ban-hanh-khung-ke-hoach-thoi-gian-nam-hoc-20122013-1961317/

Nhiều ngành tỷ lệ “chọi” bằng… 0

Posted: 19 May 2012 08:02 PM PDT

Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH đã công bố lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường và tỷ lệ "chọi" của các ngành đào tạo. Điều đáng báo động là nhiều ngành đào tạo có quá ít hồ sơ, thí sinh không phải "chọi" với ai.

 

Gọi thí sinh vào phòng thi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Không "chọi" ai

Thống kê hồ sơ tuyển sinh của Trường ĐH Cần Thơ cho thấy, ngoài những ngành học có tỷ lệ "chọi" "khủng" như Kế toán (1/37), Kinh doanh thương mại 1/30,3… vẫn có những ngành học có tỷ lệ "chọi" rất thấp: Lâm sinh 1/0,1; Công nghệ thông tin 1/ 0,3; Sư phạm tiếng Pháp 1/0,7…

Một loạt ngành đào tạo của ĐH Sư phạm TP.HCM nhận được số hồ sơ thấp như: Giáo dục quốc phòng – an ninh chỉ nhận được 12 hồ sơ trong tổng số 120 chỉ tiêu (tỷ lệ chọi 1/0,1); ngành Sư phạm Nga tỷ lệ chọi 1/0,9 (36/40); Sư phạm Pháp: 1/0,6 (36/60); Ngôn ngữ Nga: 1/0,5 (28/60); Ngôn ngữ Pháp: 1/0,7 (41/60); Ngôn ngữ Trung Quốc: 1/0,9 (108/120); Văn học: 1/0,6 (71/120); Quốc tế học: 1/0,8 (87/110).

Tương tự, nhiều ngành tại các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng trong nguy cơ không tuyển đủ vì lượng hồ sơ nhận được quá ít. Ngành Ngôn ngữ Thái Lan của ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) chỉ nhận được 10 hồ sơ so với chỉ tiêu 35. Năm 2011, ĐH Đà Nẵng đã phải đóng cửa 2 ngành Kinh tế chính trị và Thống kê tin học vì không tuyển sinh đủ thí sinh. Ông Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: "Năm nay, Bộ GDĐT không giới hạn thời gian và số nguyện vọng xét tuyển nên cơ hội tuyển đủ cho những ngành ít hồ sơ cao hơn các năm khác. Trường hy vọng sẽ lấp được chỗ trống ở các ngành này".

Một số ngành Sư phạm của ĐH An Giang cũng có tỷ lệ "chọi" bằng 0 như Sư phạm sinh học 1/0,8; Sư phạm tin học 1/0,85; Sư phạm hóa học 1/0,87… Các ngành đào tạo này năm trước cũng bị rơi vào "nhóm nguy hiểm" khi không thể tuyển đủ thí sinh. Lãnh đạo trường này cho biết: "Nếu năm nay không tuyển đủ, các ngành này có nguy cơ phải đóng cửa".

Đặc biệt, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chỉ nhận được khoảng 1.500 hồ sơ trong khi chỉ tiêu năm nay là 4.400. Như vậy, có thể chỉ cần đủ điểm sàn, thí sinh sẽ trúng tuyển vào các trường này mà không cần quan tâm đến tỷ lệ "chọi".

Tỷ lệ "chọi" khối nông – lâm – ngư tăng

Khác với mọi năm, nông – lâm – ngư nghiệp được coi là khối ngành "hẩm hiu" trong tuyển sinh thì năm nay thí sinh đã quay trở lại với khối ngành này. Tỷ lệ chọi của ngành nông – lâm – ngư ở các trường vì thế tăng hơn mọi năm. Khối ngành này được xếp thứ 3 về tỷ lệ "chọi" cao sau ngành y – dược và kinh tế.

Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhận được 50.000 hồ sơ, với chỉ tiêu là 5.000 sinh viên, tỷ lệ "chọi" của trường này đã tăng lên mức 1/10. Tương tự, Trường ĐH Lâm nghiệp cũng nhận được 11.000 hồ sơ, với chỉ tiêu là 1.600 sinh viên, tỷ lệ chọi 1/6,8. Ở một số trường ĐH khác có đào tạo nhóm ngành này, tỷ lệ "chọi" cũng tương đối cao: Ngành Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Cần Thơ là 1/26,3; Quản lý đất đai là 1/19,7, Công nghệ chế biến thủy sản là 1/19,4; Bảo vệ thực vật 1/13,3.

Tuy tỷ lệ "chọi" mới chỉ được xem là con số "ảo", vì chỉ có điểm chuẩn vào trường mới quyết định chuyện "đỗ hay không đỗ" vào ĐH, CĐ nhưng nhiều chuyên gia giáo dục dự báo rằng: Năm 2012 sẽ có một mùa tuyển sinh "trường kỳ" và khá vất vả đối với nhiều trường ĐH, CĐ.

Theo Tùng Anh (Dân Việt)

Bộ GD-ĐT vừa công bố số liệu khái quát tình hình đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm học 2012. Theo đó, tổng số hồ sơ ĐKDT năm nay hơn 1,8 triệu bộ, so với năm 2011, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm 7,74%.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi là: 1.812.592 hồ sơ. Trong đó số hồ sơ đăng ký dự thi đại học: 1.358.381, chiếm tỷ lệ 75%. Hồ sơ đăng ký dự thi cao đẳng 454.211, chiểm tỷ lệ 25%.
Trong đó, số hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý giảm 10,66% so với năm 2011. Hồ sơ đăng ký dự thi các ngành Khoa học Xã hội nhân văn chiếm tỷ lệ 4,43%, tương đương năm 2011. Những ngành có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp là Nghệ thuật, Báo chí, Khách sạn, Thể dục, thể thao dưới 1%.

Nguồn: Dân Trí

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/72898/nhieu-nganh-ty-le--choi--bang----0.html

Trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41

Posted: 19 May 2012 08:01 PM PDT

Nội dung bức thư đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần 41:

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

Thân gửi anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch Olympic Athens 2011!

Trước hết, em – một cậu học trò bình thường – xin gửi đến anh, tấm gương về nghị lực sống phi thường, niềm mến thương và kính phục. Thưa anh, hôm nay em viết thư này trước là để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sau là để cảm ơn anh đã giúp em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Thế vận hội Olympic.

Olympic – ba tiếng ấy hẳn đã gợi cho anh nhiều kỷ niệm khó quên gắn với chiếc huy chương vàng trên đường chạy 50m. Có lẽ trong tâm trí anh, dấu ấn về Olympic vẫn còn sáng lấp lánh. Em chưa bao giờ được trải qua cảm giác của anh, vì thế, những gì em hiểu và suy nghĩ về Olympic cũng thật mơ hồ anh ạ!

Nói anh đừng cười em, vì trước đây đối với em, Olympic chỉ là dịp để bố em ngồi dán mắt vào tivi, thỉnh thoảng xuýt xoa vài tiếng; để chị em say sưa ngắm mấy anh vận động viên với cơ bắp cuồn cuộn. Còn em thì cứ thắc mắc: "Vì sao các vận động viên không trần như nhộng mà thi đấu như những lực sĩ Hi Lạp xưa?". Thật đúng là ngây ngô phải không anh?

Vậy nên bữa nọ, khi cô giáo giao cho em viết bài tiểu luận về Olympic, em chẳng biết phải làm sao đành lên mạng hỏi ông bạn thân "Gú Gồ".

Thế rồi, giữa muôn trùng thông tin của từ khóa "Olympic", em bắt gặp một cái tít báo lạ: "Đường đến huy chương vàng Olympic của một cậu bé bị Down". Em không tin vào mắt mình. Huy chương vàng? Cậu bé bị Down?

Cậu bé ấy chính là anh, anh Kỳ Phong ạ!

Chao ôi! Có phải cuộc sống đã quá đỗi bất công với anh? Phải chăng "muôn sự là tại trời" và con người ta sinh ra đã phải chấp nhận hai chữ "thiên mệnh?". Em hình dung nước mắt lã chã trên gò má của anh khi anh chứng kiến những người bạn cùng lứa được cắp sách tới trường.

Và em cũng nghe thấy nhịp đập thổn thức của trái tim anh mỗi khi nghĩ đến tương lai mờ mịt… Giận thay cái căn bệnh Down ấy! Tựa như những con mọt, nó gặm nhấm từng chút, từng chút, nó làm lụi tắt ngọn lửa niềm tin, nó đánh cắp đi trí tuệ – món quà vô giá mà thượng đế ban cho loài người.

Thế mà ngay bên bờ vực của sự tuyệt vọng, anh – cậu bé mang căn bệnh ác nghiệt ấy – vẫn đứng vững! Hình như cha mẹ anh đã không vô tình khi đặt cho anh cái tên Kỳ Phong – cơn gió lạ. Phong ba cuộc đời không vùi lấp được cơn gió ấy. Cơn gió ấy vẫn kiên cường thổi như muốn thách thức sự ngược đãi của thượng đế. Và trên đường chạy Athens, nó lại thổi bùng lên một luồng sinh khí mới, luồng sinh khí mang tên Việt Nam.

Nhắm mắt lại, em mường tượng trước mắt mình một hình bóng bé nhỏ với bước chân không vững nhưng vẫn gắng sức lao đi trên đường chạy. Đã có lúc hình bóng ấy như chao đi trước một cơn gió mạnh. Đã có lúc đôi chân bật máu, tê buốt. Đã có lúc ý chí của hình bóng ấy chợt lung lay. Đích đến xa quá, mà thân xác lại không tuân theo lý trí nữa rồi. Chẳng lẽ sẽ gục xuống, sẽ chấp nhận rời bỏ cuộc chơi, sẽ mãi mãi không thể vượt lên số phận?

Nhưng không, bóng hình nhỏ bé ấy lại vùng dậy; gió mạnh hơn, chân buốt hơn, chỉ duy con tim vẫn bùng cháy như một ngọn đuốc. Và khi ấy con người nhỏ bé đã đốt cháy chính mình, đốt cháy đường chạy, để thắp lên ngọn lửa mà ta vẫn gọi là ngọn lửa Olympic!

Cả anh và em, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát trong đại vũ trụ vô tận, nhưng cũng là một đại vũ trụ hàm chứa nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Và càng khám phá, ta càng thấu hiểu và vượt lên những cực hạn của bản thân. Không biết khi đặt ra khẩu hiệu "Nhanh hơn – Cao hơn – Xa hơn", người ta có nghĩ tới điều này không?

Chỉ biết rằng vô vàn những kỷ lục Olympic đã bị phá khiến chúng ta phải tự hỏi: "Rốt cuộc, giới hạn của con người là ở đâu?". Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy, và Olympic tiếp tục trở thành nơi khám phá tiềm năng con người.

Anh Kỳ Phong thân mến!

Em tin rằng chiếc huy chương vàng Olympic không đơn thuần là cái đích mà anh hướng đến. Đối với anh, Olympic còn là nơi nuôi dưỡng niềm tin để vượt qua chính mình. Có hề chi nếu anh không lập nên những kỷ lục làm rúng động cả thế giới như Usain Bolt? Quan trọng là anh đã xô đổ giới hạn của chính mình!

Anh hãy tưởng tượng mà xem, nếu như anh bỏ cuộc giữa chừng, nếu như anh không nỗ lực tiến về đích thì liệu thủ đô của Hi Lạp có nổi "cơn gió lạ"? Liệu cái tên Kỳ Phong có xuất hiện trên bảng huy chương để anh nghẹn ngào nước mắt hát Quốc ca Việt Nam trên bục nhận giải?

Và sẽ còn đâu nguồn cảm hứng cho bao đứa trẻ khác, như em, nuôi ước mơ trở thành nhà vô địch Olympic? Chính nhờ câu chuyện về anh mà giờ đây em đã hiểu rõ hơn về thông điệp của Olympic: Điều quan trọng nhất không phải là giành chiến thắng mà là chiến đấu hết mình.

Anh Kỳ Phong thân mến!

Từ nay tới Olympic London 2012 không còn xa nữa! Hơi ấm của ngọn đuốc thần đã lan tỏa như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên. Và họ còn được tiếp thêm niềm tin bởi những người như anh – những vận động viên khuyết tật nhưng luôn nỗ lực chiến đấu cả trên đường đua và đường đời.

Và biết đâu đấy, ở một góc phố nhỏ lầy lội, một chú bé đánh giày nghèo khổ sau khi nghe câu chuyện về anh Kỳ Phong sẽ ngước nhìn lên trời xanh mà nuôi hoài bão về một ngọn đuốc rực sáng!

Em chúc anh và cậu bé ấy sẽ luôn giữ được trong tim những hoài bão đẹp!

Một fan hâm mộ của anh.

Nguyễn Đăng Quý Minh (lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội).

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-597552/trao-giai-cuoc-thi-viet-thu-quoc-te-upu-lan-thu-41.htm

Mỹ: Chọn trường như chọn tương lai

Posted: 19 May 2012 08:00 PM PDT

- Nếu cho rằng thầy cô ở Mỹ đang làm "dịch vụ" giáo dục cho "khách hàng" là học
sinh, dễ bị những người Mỹ trọng sư phạm phản bác. Người Mỹ hiện vẫn đang tìm
tòi mô hình Trường mới theo tiếp cận hệ thống, hiểu rằng không có gì "một phát
ăn ngay", nhất là về giáo dục.

Học khu: chủ trì và chủ chi

Hệ thống giáo dục Mỹ được điều hành và cấp kinh phí bởi chính quyền từ cấp
liên bang đến chính quyền địa phương. Hệ thống công lập vận hành theo nguyên tắc
phi tập trung, các địa phương được tự chủ về giáo dục.

Ở hai cấp giáo dục phổ thông bắt buộc là tiểu học và trung học, chương trình
đào tạo, việc cấp vốn, giảng dạy… thường được uỷ nhiệm cho các Học khu (school
district), mà ranh giới thường trùng với các địa giới. Học khu tồn tại độc lập
với các cơ cấu hành chính khác tại địa phương, có biên chế và ngân sách riêng,
nhờ thu thuế và một số khoản trưng thu khác. Mỗi học khu bao gồm một số trường
công thuộc mỗi bậc của hệ phổ thông.

Bộ phận hành chính của Học khu là Ban đặc trách trường học (school boards),
gồm các thành viên được lựa chọn qua bầu cử tại địa phương. Ban này ấn định
chương trình học, tuyển giáo viên, và định mức kinh phí dành cho từng chương
trình học, và bổ nhiệm một quan chức cai quản ngành giáo dục (superintendent) để
điều hành các trường trong học khu.

Chọn trường như chọn tương lai. Ảnh: David Zalubowski

Nền giáo dục công của Mỹ vẫn "viêm màng dạ dày" về kinh phí (underfunded),
khiến cho uy tín quốc tế của nó không gây lạc quan, chẳng hạn, như đánh giá về
các trường ĐH (tư) của Mỹ.

Quản trị giáo dục bằng học khu bị chê là xơ cứng, không nhạy bén với quan tâm
của học sinh và phụ huynh, trơ ỳ với cải cách giáo dục, không có động cơ cạnh
tranh giữa các trường, dẫn đến các học sinh tậm tịt cả văn (đọc viết) lẫn toán,
môi trường sư phạm ô nhiễm. Nhiều trường công kêu ca là bị thiếu quyền tự chủ,
bị bó tay bởi chính sách giáo dục "lệ làng"…

Chốn hội chợ phù hoa

Khoảng 85% học sinh Mỹ học tại hệ công lập, không phải trả học phí. Theo số
liệu chính thức, khoảng 1/10 trẻ em vào học các trường tư thục.

Hệ tư thục có nhiều trường dòng thuộc các tôn giáo khác nhau, phổ biến hơn là
trường Thiên chúa giáo. Học phí trường tư phụ thuộc vào địa thế, phí tổn đào
tạo, nguồn tài trợ. Có rất ít trường tư thuộc diện phi lợi nhuận. Nhiều trường
tư đòi hỏi phải đóng tiền học cao, nhưng vẫn đảm bào cạnh tranh đủ "khốc liệt" ở
đầu vào, thu hút được nhiều học sinh có nguyện vọng thi đỗ vào các trường đại
học có tiếng tăm. Thời khoá biểu trường tư thục thường phong phú hơn trường công
lập. Ở trường công lập, mỗi lớp có khoảng 20 – 30 em, còn một lớp của trường tư
thục thường gồm dưới 20 học sinh.

Khác với hệ công lập, hệ tư thục không có trách nhiệm thu nhận mọi học sinh.
Thường tuyến sinh đầu vào rất nghiêm ngặt, trường tư có thể đuổi vĩnh viễn một
trò hư, điều mà hệ công lập không dễ gì làm được. Cho dù giáo viên trường tư ở
Mỹ thường được trả lương thấp hơn hệ công lập, hệ tư thục vẫn hấp dẫn giáo viên
nhờ triển vọng nâng tay nghề sư phạm, và các khoản trả công do tham gia giảng
dạy các lớp chuyên, các khoá nâng cao.

Trường tư thường bị kết án làm sâu sắc sự bất công về giáo dục: "con vua lại
làm vua". Nhưng con nhà nghèo, da màu, dân thiểu số khó chọn trường chất lượng
cao, do trường tư đòi trả học phí cao, cũng không dễ vào trường công chất lượng
cao hơn, thường ở xa các khu "Harlem".

Công tư hợp doanh

Từ khoảng thập kỷ 80 ở Mỹ đã ra đời loại hình "Trường uỷ nhiệm" (về giáo
dục), charter schools, là một bộ phận của hệ công lập, nhưng được phép tự quản
về điều hành và về tài chính, tuy phải tuân thủ chế độ giải trình về trách nhiệm
trước "chủ quản" về hiệu quả giáo dục, và không được thu phí. Đây là mô hình
"nhà nước và nhân dân cùng làm" về giáo dục, cố tránh các khiếm khuyết của cả
trường công và trường tư, phải thu dung học sinh mọi hoàn cảnh, kể cả dạng "cá
biệt", không trường nào muốn nhận.

Luật Không để một học sinh nào rớt lại (No Child Left Behind Act, NCLB) ra
năm 2002, quy định những trường công nào 5 năm liền không đạt "mức tiến bộ hàng
năm" theo chuẩn liên bang (Adequate Yearly Progress) sẽ bị đóng cửa. Các pháp
nhân và cả tự nhiên nhân (phụ huynh học sinh, thậm chí bất cứ ai) có thể tiếp
thu để mở trường uỷ nhiệm trên nền một trường công quá yếu kém.

Cũng có trường uỷ nhiệm được cấp vốn bởi nhà từ thiện, các trường viện đại
học, hoặc các pháp nhân tìm kiếm lợi nhuận. Có trường tư thục phá sản cũng nhập
vào đội ngũ trường uỷ nhiệm. Còn có trường uỷ nhiệm gần về ý đồ với trường thực
nghiệm ở Việt Nam.

Ngoài Mỹ, mô hình trường uỷ nhiệm này còn có ở Anh, Canada, Chile, New
Zealand, Thụy Điển…

Mô hình trường uỷ nhiệm tới nay vẫn thuộc dạng "thực nghiệm", vì còn không ít
bang còn chưa chấp nhận "bán cái" (cấp giấy phép) cho nó. Nhưng mô hình này nhận
được sự ủng hộ suốt mấy đời tổng thống Clinton, Bush (con), và Obama. Hiện Bộ
giáo dục Mỹ và Hiệp hội giáo dục toàn quốc (NEA) vẫn khăng khăng rằng giữa
trường công và trường ủy nhiệm, cũng chưa rõ “mèo nào cắn mỉu nào”. Mô hình
trường uỷ nhiệm hiện phổ biến ở thành thị hơn ở nông thôn.

Giấy uỷ nhiệm (giấy phép cho lập trường uỷ nhiệm) thường có thời hạn khoảng 3
– 5 năm. Theo số liệu năm 2009, trong khoảng 5000 trường uỷ nhiệm được lập ra ở
Mỹ (trên tổng số khoảng 99 ngàn trường công trong 50 bang), trong số đó có 12,5%
bị đóng cửa, do chất lượng đài tạo kém, do kinh phí, do quản trị kém, hoặc do bị
chính quyền "nhiễu nhương", hoặc "phân biệt đối xử" (về cấp kinh phí/ đầu học
sinh) , so với các trường công "chính ngạch".

Tới tháng 11/2011, số lượng trường uỷ nhiệm ở Mỹ đạt khoảng 5600. Năm 2012
chứng kiến sự vọt lên số học sinh tựu trường uỷ nhiệm, dù có thể chỉ là dấu
hiệu, chẳng hạn của xu thế "trượt dốc" ở trường công truyền thống.

Trường uỷ nhiệm bị phê phán thường trú đóng ở khu vực da màu; trao quá nhiều
quyền cho phụ huynh và thày cô; đòi hỏi quá cao ở giáo viên, làm họ dễ mất việc
hơn so với trường công; là khó thực hiện hết trách nhiệm giải trình, thậm chí là
"kinh doanh giáo dục" trá hình… Năm 2004, Học viện uỷ nhiệm California
(California Chapter Academy). một chuỗi được cấp kinh phí ngân sách tới 100
triệu USD, nhưng do tư nhân điều khiển, đã vỡ nợ, làm cho hàng ngàn trẻ em không
có trường tới học.

'Giấy uỷ nhiệm' đi tìm ngôi Trường mới

Các nhà giáo dục học Mỹ nghĩ rằng các tìm tòi trên mô hình trường uỷ nhiệm,
như một thứ phòng thí nghiệm, sẽ giúp tìm một khuôn mẫu tiến hoá từ trường uỷ
nhiệm, thay thế được hình thái trường học Mỹ truyền thống, đang không đáp ứng
được đòi hỏi thời cuộc mới.

Trên nền cạnh tranh hơn về giáo dục nhờ có hình thái trường ủy nhiệm, theo
một phúc trình năm 2008, tới gần ¾ nhà giáo Mỹ cho rằng trường sở sẽ thân thiện
hơn với học trò, nếu có được nhiều hơn, cả về quyền hạn lẫn độ linh hoạt, trong
quản lý và về chức trách của giám hiệu, và thầy cô.

Mỹ vẫn cố "lấy ngắn nuôi dài", vật lộn tìm hướng đi mới, nhờ cách tiếp cận hệ
thống. Cải cách giáo dục theo hướng "thị trường hoá', được hiểu là tăng tính
cạnh tranh về giáo dục phổ thông, tạo ra nhiều lựa chọn hơn về trường sở, nhờ đó
cải thiện chất lượng và công bằng về giáo dục. Nôm na, làm sáo để không em bé
nào bị buộc phải đến ngôi trường nó không muốn, phụ huynh không phải xô… cổng
(trường) xông vào, liều mình củng cố đời con.

Việt Nam vẫn rầm rĩ dạy và học theo kiểu "bóc ngắn cắn dài" trên thế "độc
canh" (chuyên quyền, độc đoán, lạm thu ngoài sổ sách nhờ độc quyền). Còn xã hội
hoá giáo dục (kinh doanh trường tư) thì làm kiểu "ăn đong", "lấy mỡ nó rán nó"…

  • Lê Đỗ Huy (tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/72749/my--chon-truong-nhu-chon-tuong-lai.html

Học trái tuyến: Áp lực và giải pháp

Posted: 19 May 2012 08:00 PM PDT

(GDTĐ) – Một mùa tuyển sinh lại đến, với mong muốn cho con em mình được học tập trong một môi trường tốt là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh. Song nếu vì mọi giá để xin được học trái tuyến sẽ tạo ra áp lực chính gia đình mình và toàn xã hội. Trao đổi về việc xin học đầu năm ở cấp giáo dục Tiểu học, Báo GDĐT đã có cuộc trò chuyện với Ông Lê Tiến Thành Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học xoay quanh những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

PV: Thưa ông trái tuyến trong tuyển sinh đầu cấp đặc biệt là ở cấp GD Tiểu học luôn là vấn đề nóng mà dư luận quan tâm. Với vai trò của một nhà quản lý giáo dục ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

 

Ông Lê Tiến Thành Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GDĐT
Ông Lê Tiến Thành Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học – Bộ GDĐT

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Việc phụ huynh muốn cho con em mình có một chỗ học tốt là lẽ thường, nhưng tìm mọi cách để học trái tuyến là việc không nên, vì gây ra nhiều phiền phức cho nhà trường và cho chính phụ huynh HS. Luật Giáo dục đã quy định mọi trẻ em 6 tuổi đều có một chỗ học chính thức tại địa bàn cư trú để thuận lợi cho việc đi học của trẻ. Xin học trái tuyến là "bỏ" chỗ học giành cho mình, để "xin" vào chỗ học giành cho người khác. Như vậy là tự gây phiền phức cho mình và cho mọi người. Người xin học trái tuyến có rất nhiều lý do để giải thích trong đó có lý do là điều kiện học tập tại trường trái tuyến tốt hơn (cơ sở vật chất tốt, có bán trú, tiện đưa đón, GV có năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm…). Trên thực tế điều kiện các trường là không thể như nhau nhưng ai cũng lo trái tuyến, ủng hộ trái tuyến sẽ gây ra sự rối loạn trong công tác quản lý và xảy ra nhiều tiêu cực. Để khắc phục tình trạng này một mặt chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân hiểu, mặt khác các địa phương phải đầu tư để các trường học đồng đều về điều kiện phục vụ và chất lượng dạy học.

PV: Vậy nguyên nhân chính nào dẫn đến việc các phụ huynh đua nhau chạy vào các trường điểm? Là người quản lý cao nhất ở cấp GD Tiểu học theo ông cần có những giải pháp nào để hạn chế thấp nhất vấn nạn chạy trường?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chạy trường là do phụ huynh quá lo lắng đến việc học tập của con, một phần không hiểu hết thông tin về nhà trường, một phần theo tâm lý đám đông. Thực tế ở nông thôn, miền núi không có việc "chạy trường" mà vẫn có nhiều HS giỏi. Để hạn chế mức thấp nhât vấn nạn này, thì vấn đề mà Nhà nước và các địa phương nên làm trong thời gian tới đó là tiến hành xây dựng nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường có chất lượng tốt để tạo sự đồng đều trong mặt bằng giáo dục chung. Có như vậy mới đảm bảo công bằng và bình đẳng về cơ hội học tập cho tất cả mọi người.

PV: Vừa qua dư luận rất quan tâm tới sự kiện người dân xô đổ cổng trường tại Trường PTCS Thực Nghiệm để mong có một chỗ học cho con tại ngôi trường này ông suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này? 

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Việc phụ huynh quan tâm và thiết tha cho con vào học tại một trường, dù đó là trường nào thì đó cũng là tín hiệu vui cho nhà trường đó. Phụ huynh muốn cho con vào học tại Trường Thực nghiệm là tin vào mô hình đang thực hiện ở đây. Trường PTCS Thực nghiệm, bên cạnh mô hình thực nghiệm nhà trường còn có khuôn viên rộng, phòng học đảm bảo, sĩ số không đông đội ngũ GV tốt. Tất cả những cái đó làm cho phụ huynh muốn cho con được vào học tại trường.

PV: Vậy mô hình thực nghiệm đã có những ưu điểm gì trong quá trình dạy học?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Trường Thực nghiệm có nhiều ưu điểm như không gây áp lực cho HS, trẻ em không phải học thêm, HS tự giác, nhà trường luôn tôn trọng sự phát triển cá nhân của HS.

Trường PTCS Thực nghiệm do Viện KHGDVN quản lý, ngoài việc thực hiện chương trình GD chung, nhà trường còn là nơi thực nghiệm, nghiên cứu giáo dục, đổi mới PPDH. Trường có đội ngũ GV có chất lượng, thực hiện dân chủ hóa trong nhà trường, trường áp dụng phương pháp tổ chức, phương pháp hoạt động giáo dục, phương pháp dạy học mới: HS là trung tâm, là chủ thể của quá trình giáo dục, tự học, tự làm ra các sản phẩm GD.

Ở trường thực nghiệm: Mục tiêu giáo dục; nội dung phạm vi; yêu cầu chuẩn về kiến thức kỹ năng; đánh giá HS về căn bản vẫn như chương trình của Bộ, có khác về cách tiếp cận, phương pháp tổ chức lớp, tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học.

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

PV: Bộ GDĐT đã tạo điều kiện như thế nào trong việc đưa mô hình này cũng như những mô hình tiên tiến khác ra áp dụng rộng rãi tại các địa phương thưa ông?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Bộ GDĐT luôn khuyến khích các địa phương áp dụng các mô hình tiên tiến trong dạy học. Mô hình dạy Tiếng Việt theo Công nghệ GD được triển khai ở 16 tỉnh là một minh chứng cho việc đó. Công nghệ giáo dục Tiếng Việt 1 đã được Bộ tổ chức tập huấn đến cấp tỉnh và hỗ trợ kỹ thuật đến các trường, giúp trẻ em biết đọc, biết viết nhanh hơn đó là thành công của mô hình.

Song song với đó, Bộ GDĐT đã triển khai một số mô hình tiên tiến khác ngoài mô hình của Trường Thực nghiệm. Thông qua các Dự án của Unicef, Oxfarm, Việt Bỉ… và phong trào xây dựng trường học thân thiện-HS tích cực của Bộ, nhiều mô hình tiên tiến đã được triển khai tại các địa phương như: Phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm; phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực; mô hình HS tự quản; tăng cường trò chơi dân gian, đưa văn hóa dân gian vào trong các hoạt động của nhà trường… Nhiều trường học ở Lào Cai, Trà Vinh, Kon Tum và một số tỉnh khác đã thực hiện thành công những mô hình tiên tiến này.

Một bộ phận của mô hình Trường Thực nghiệm là sử dụng CN giáo dục dạy Tiếng Việt lớp 1 cũng đã được triển khai tại các tỉnh miền núi có HS là người dân tộc thiểu số. Các tỉnh sau khi nghiên của tài liệu và PP dạy học cuả CN giáo dục thấy phù hợp với địa phương có công văn báo cáo Bộ xin được triển khai mô hình này. Thực tế Bộ GDĐT đã giới thiệu cho các địa phương tham quan học tập tất cả các mô hình tiên tiến chứ không chỉ riêng mô hình của Trường Thực nghiệm. Việc lựa chọn và áp dụng mô hình tiên tiến nào hoàn toàn do địa phương quyết định. Các địa phương đã cân nhắc và lựa chọn mô hình phù hợp với nhu cầu, điều kiện và khả năng của mình.

PV: Chất lượng GD hiện nay đang được phụ huynh hiểu theo các cách khác nhau. Theo ông cần phải hiểu về vấn đề này rạch ròi như thế nào?

Vụ Trưởng Lê Tiến Thành: Cần khẳng định: Chất lượng GD phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Bộ đã có tiêu chí trường chuẩn quốc gia, đã có hướng dẫn các trường thực hiện 3 công khai với xã hội về: cơ sở vật chất và đội ngũ; chất lượng giáo dục; tài chính. Nếu các nhà trường làm tốt thì xã hội, phụ huynh sẽ hiểu rõ khả năng cũng như yêu cầu của nhà trường.

PV: Ý kiến của ông như thế nào khi có nhiều người cho rằng cần phải có nhiều mô hình để phù hợp với nhiều vùng miền và nguyện vọng khác nhau của phụ huynh, cũng như cần phải có nhiều chương trình, bộ SGK?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Đó là điều mong muốn chung của tất cả chúng ta. Bộ GDĐT đã có chương trình giáo dục, có chuẩn chung để tất cả mọi HS phải đạt được. Đồng thời cũng để cho địa phương có kế hoạch phát triển giáo dục riêng phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Chất lượng giáo dục yêu cầu ở mức chuẩn chung của Bộ, còn địa phương có yêu cầu riêng phù hợp với mỗi đối tượng, mỗi vùng miền do địa phương quyết định. Mức độ phát triển giáo dục được lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm và khả năng của mỗi vùng miền. Mặt khác Bộ cũng đã giới thiệu nhiều mô hình để các địa phương, nhà trường tùy nhu cầu, điều kiện và khả năng của mình để lựa chọn áp dụng toàn bộ hay từng phần mỗi mô hình đó.

PV:  Bắt đầu bước vào mùa tuyển sinh mới, quay trở lại với việc xin học trái tuyến ông có chia sẻ và lời khuyên gì đối với các bậc phụ huynh ?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Học sinh cần được phát triển trong điều kiện tự nhiên, cha mẹ đừng tạo sức ép lên trẻ em. Chọn trường chủ yếu là vì cha mẹ, do cha mẹ. Nhiều HS trung học phổ thông thi đỗ đại học với số điểm cao không phải em nào cũng được học ở trường điểm. Đó là thực tế mà chúng ta đều biết, mong các bậc phụ huynh hãy xem xét vấn đề này thật thấu đáo.

Vâng xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hồng Vân (Thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201205/Hoc-trai-tuyen-Ap-luc-va-giai-phap-1961313/

Cô giáo xả thân cứu học trò

Posted: 19 May 2012 08:00 PM PDT

Cô giáo xả thân cứu học trò

TT – Hàng trăm người Trung Quốc đã tụ tập tại Bệnh viện ĐH Y dược Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, để đóng góp tiền ủng hộ cô giáo Trương Lệ Lị – người bị nghiến nát đôi chân khi xả thân cứu học trò của mình.

Cô Trương hiện đã thoát khỏi tình trạng hôn mê nhưng sức khỏe vẫn chưa ổn định – Ảnh: CNR

Tính đến 16g ngày 17-5, số tiền ủng hộ cô giáo 29 tuổi này đã lên đến 2,26 triệu nhân dân tệ (360.000 USD).

Lúc 8g38 ngày 8-5, một chếc xe khách lao thẳng về phía hai em học sinh Trường THCS Giai Mộc Tư đang chuẩn bị lên xe buýt của trường. Bất chấp nguy hiểm, cô Trương, đứng cách đó 1m, dùng thân mình đẩy hai học sinh thoát chết. Còn cô…

Biết được câu chuyện xả thân cứu học trò của cô Trương, hàng triệu cư dân mạng đã gọi cô là "cô giáo đẹp nhất", và ngày 14-5 Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phong tặng cô danh hiệu "Nhà giáo ưu tú toàn quốc".

ĐÔNG PHƯƠNG (Theo THX, Chinanews)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/492509/Co-giao-xa-than-cuu-hoc-tro.html

Comments