Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Lần đầu tiên, đội Việt Nam giành chiến thắng lớn tại ISEF 2012

Posted: 18 May 2012 04:45 PM PDT


Đội Việt Nam đeo huy hiệu dành cho những người đoạt giải nhất

Có thể nói đội Việt Nam gồm các em Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang và Vũ Anh Vinh đến từ trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã tạo nên bất ngờ lớn và làm nên kỳ tích, bởi mặc dù không đoạt giải phụ nào nhưng đã giành giải Nhất trong lĩnh vực mình dự thi.

 

Trước đó, tại lễ trao các giải đặc biệt của ISEF 2012 do các cơ quan chính phủ các nước, các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp… trao tặng vào tối 17/5 (giờ địa phương, tức sáng 18/5 giờ Hà Nội), đội Việt Nam không nhận được giải nào và tưởng chừng sẽ phải ra về tay trắng. Nhưng tại lễ trao giải chính thức, diễn ra vào sáng 18/5 (giờ địa phương, tức tối 18/5 giờ Hà Nội), các em đã trở thành những thí sinh trong nước đầu tiên bước lên bục vinh quang của ISEF.

 

 

Chia sẻ sau khi đoạt giải, cả 3 thí sinh Việt Nam đều bày tỏ sự xúc động và niềm tự hào mãnh liệt. Trung cho biết, các em sẽ sử dụng giải thưởng này để tiếp tục công cuộc nghiên cứu. Còn Vinh thì nói, sau khi về Việt Nam thì việc đầu tiên cần làm sẽ là "ngủ một giấc thật đã". Quả thực, sự căng thẳng và mệt mỏi luôn thường trực trên nét mặt các em suốt mấy ngày qua. Nhưng ngay sau khi giải thưởng được công bố, hẳn là những mệt nhọc đó đã "bay" đi khá nhiều.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyên viên Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, người luôn theo sát nhóm thí sinh Việt Nam, rạng rỡ nói: "Lần đầu tiên đoàn Việt Nam đoạt giải tại ISEF mà lại đoạt giải cao, tôi xúc động quá. Từ hôm qua tới giờ cả đoàn thấp thỏm, mong được giải phụ là mừng lắm rồi nhưng không có, hôm nay nhìn giải tư, rồi giải ba, giải nhì trôi qua, đã nghĩ hết hy vọng, nhưng khi nghe "Hà Nội – Việt Nam" xướng lên ở phần Giải Nhất thì cả đoàn suýt "rụng tim", vỡ òa vì vui sướng".

 

Tình cờ, trong số 8 vị giám khảo chấm bài của nhóm Việt Nam lại có một người Việt, ông Nhiem Nguyen, một kỹ sư điện tử sống và làm việc tại bang Pennsylvania. Theo ông Nhiem, khi được ISEF mời làm giám khảo, ông không biết sẽ được chấm ai mà việc phân chia giám khảo – thí sinh là do máy tính thực hiện tự động và ngẫu nhiên. Ông cũng không hề biết trước là sẽ có người Việt sang dự thi. Tuy nhiên, khi tiếp cận với công trình của các em thì ông Nhiem thực sự ấn tượng và đã nêu ý kiến của mình với hội đồng giám khảo rằng: "Công trình của nhóm Việt Nam rất đơn giản mà sáng tạo, không tốn kém mà lại có thể mang lại tác động lớn tới cộng đồng nơi các em sống". Kết quả, hội đồng đã đồng thuận chấm giải Nhất cho các em.

 

Trung, Trang và Vinh cùng bày tỏ sự cảm ơn vô bờ bến tới gia đình, các thầy cô, bạn bè đã giúp đỡ, ủng hộ hết mình trong suốt quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và dự thi, cũng như Intel đã tạo điều kiện cho các em đi nửa vòng trái đất để góp mặt cùng bè bạn khắp thế giới trong một cuộc thi đầy ý nghĩa. Thông điệp các em đưa ra cho những bạn bè dự thi các năm sau là: "Hãy tự tin và mạnh mẽ, các bạn sẽ đạt được mục tiêu!".

 

 


Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-597366/lan-dau-tien-doi-viet-nam-gianh-chien-thang-lon-tai-isef-2012.htm

Năm 2013, vẫn tổ chức thi ĐH, CĐ thành 3 đợt:

Posted: 18 May 2012 04:45 PM PDT

Thời gian kết thúc học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập) trước ngày 25/5/2013. Kết thúc năm học trước ngày 31/5/2013. Năm học 2012-2013, Kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT vào các ngày 10 và 11/1/2013. Thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013 vào các ngày 2, 3 và 4/6/2013. Tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho năm học 2012-2013 trước ngày 31/7/2013. Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6/2013.

Cũng trong khung kế hoạch này, Bộ GD-ĐT khẳng định, năm 2013 vẫn tổ chức kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thành 3 đợt: đợt 1 vào các ngày 3, 4, 5/7/2013; đợt 2 vào các ngày 8, 9,10/7/2013; đợt 3 vào các ngày 14, 15,16/7/2013.

Các ngày nghỉ lễ, Tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động. Nếu ngày nghỉ lễ, Tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp. Nghỉ Tết nguyên đán ít nhất là 7 ngày. Thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép năm của giáo viên là 2 tháng, có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

Bộ GD-ĐT khuyến khích các địa phương xây dựng và áp dụng kế hoạch thời gian năm học đồng bộ cho các cấp học trong trường phổ thông có nhiều cấp học, các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt là đối với cấp tiểu học và cấp THCS. Giám đốc các Sở GD-ĐT có thể ra quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù.

Nguyễn Hùng

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-597371/nam-2013-van-to-chuc-thi-dh-cd-thanh-3-dot.htm

GS Trần Lưu Vân Hiền: ‘Cần thắp lửa ham học cho trẻ’

Posted: 18 May 2012 04:44 PM PDT

- GS Trần Lưu Vân Hiền (mẹ GS Ngô Bảo Châu) cho rằng nhiều phụ huynh muốn cho con vào Trường thực nghiệm vì GS Ngô Bảo Châu đã từng học ở trường này là không đúng. Là một người làm giáo dục, cô Hiền cho rằng, điều quan trọng nhất ở bậc tiểu học, học sinh cần được thắp ngọn lửa ham học, yêu chữ, trọng thầy, quý bạn và luôn biết chia sẻ.

THÔNG TIN LIÊN QUAN




GS Ngô Bảo Châu và các bạn học cùng thời tặng hoa GS Hồ Ngọc Đại khi về thăm trường cũ. Ảnh: VTC.

Thưa giáo sư Trần Lưu Vân Hiền, ngày anh Ngô Bảo Châu Châu vào tiểu học, Trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại là một mô hình mới, tại sao cô lại cho anh Châu học ngôi trường này? Hồi đó, cô có quan tâm đến cơ sở vật chất của trường học, các hoạt động ngoại khoá phải như thế nào không, hay chỉ quan tâm đến có giáo viên dạy giỏi và phương pháp tốt, bởi vì cô cũng là một nhà giáo?

GS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi chọn trường này chỉ vì sự giới thiệu của một người bạn công tác trong ngành giáo dục thời đó, rằng Trường thực nghiệm áp dụng một mô hình giảng dạy mới, đã được nghiên cứu và áp dụng ở Liên xô (cũ), với các phương pháp giảng dạy để phát triển khả năng tư duy của học sinh.

Hồi đó không ai lo chuyện chọn trường, chọn lớp mà chỉ học theo tuyến, vì các trường ở Hà Nội thời đó đều tốt cả, và đủ để phụ huynh không phải lo chỗ học cho con.

Cơ sở vật chất của Trường thực nghiệm hồi đầu không có gì đặt biệt nếu không nói là không bằng các trường khu Hoàn Kiếm, các lớp học là các gian nhà cấp 4, gần hồ Ngọc Khánh. Châu đã học ở đó 5 năm, sau này Trường thực nghiệm mới chuyển sang Liễu Giai. Khi đưa con vào trường, tôi không biết gì về các giáo viên ở đó. Cũng may mà mọi việc đều tốt đẹp.

Có thông tin là sau khi học hết cấp 1 thực nghiệm thì gia đình cô đã phải chuyển anh Châu sang học trường theo mô hình của Bộ Giáo dục vì có nhiều điều "không ổn"? Lý do vì sao?

Không phải như vậy. Châu chuyển sang trường Trưng Vương chỉ vì chúng tôi muốn Châu học chuyên Toán. Tôi nghĩ Trường thực nghiệm có phương pháp dạy tốt trước hết qua việc học sinh thích đi học, cách giảng dạy khiến học sinh ham mê học và sáng tạo, đến trường các em  nhỏ không phải lo học đến căng thẳng. Môi trường giáo dục, quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa các bạn học sinh được xây dựng theo kiểu thực nghiệm cũng đóng góp tốt vào sự phát triển nhân cách của học sinh.

Nhiều phụ huynh vào muốn cho con vào trường thực nghiệm vì GS Ngô Bảo Châu đã từng học trường này. Cô có muốn nhắn nhủ điều gì với các phụ huynh đó không ạ?

Cho rằng nhiều phụ huynh muốn cho con vào Trường thực nghiệm vì Châu đã từng học ở trường này là không đúng. Trước năm 2010, cứ dịp tuyển sinh vào trường thực nghiệm, cũng đã diễn ra cảnh phụ huynh đến xếp hàng để mua đơn từ 3-4 giờ sáng, có thể là không quá đông như năm nay. Sự kiện năm nay xảy ra ở Trường thực nghiệm không nên đổ lỗi cho phụ huynh. Nếu nhiều "trường điểm" ở Hà Nội cũng có tổ chức bán đơn để phụ huynh được quyền lựa chọn nộp đơn thì nhiều cánh cổng trường nữa chắc cũng đổ!

Theo cô, bây giờ các em học sinh tiểu học cần một ngôi trường như thế nào? Các cháu nội của cô từng học tiểu học ở Pháp và bây giờ ở Mỹ, cơ sở vật chất thì không nói làm gì rồi, nhưng trong cách dạy học, cô thấy nó hay ở chỗ nào?

Theo tôi, đa phần các trường tiểu học ở Hà Nội hiện nay đã khang trang về cơ sở vật chất, nếu trường có nhiều khoảng xanh hơn nữa thì thật tốt.

Tôi mơ ước trong các ngôi trường đó, các em học sinh tiểu học không mất quá nhiều thời gian để viết chữ thật đẹp, không phải học đi học lại các bảng cửu chương, chỉ cần biết cộng trừ nhân chia là gì. Các em được học để biết đất nước mình đẹp thế nào, ông bà mình đã yêu mảnh đất này như thế nào. Các em nhỏ được học vẽ, có những giờ học nhạc "đồ rê mi fa sol" như tôi đã từng học ở trường Trưng Vương. Cách dạy và học như vậy tôi cũng thấy người ta làm ở Mỹ hiện nay, nơi các cháu của tôi đang học.

Nhìn lại quá trình nuôi dạy anh Châu, theo cô, bậc học tiểu học đã giúp anh Châu những điều gì quan trọng nhất, giai đoạn nào bộc lộ rõ nhất khả năng toán học của anh Châu và gia đình giúp anh tìm thầy giỏi để "tầm sư học đạo". Nhiều bậc cha mẹ đã ép con học căng thẳng từ cấp 1 để hy vọng con học giỏi, điều này có nên không ạ?

Trên con đường học hành, Châu đã may mắn gặp nhiều thầy giáo giỏi và tâm huyết. Tôi không nghĩ chương trình tiểu học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng toán hay các môn chuyên môn khác. Ở tiểu học, học sinh cần được thắp ngọn lửa ham học, yêu chữ, trọng thầy, quý bạn và luôn biết chia sẻ.
Xin cảm ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn.

  • Hương Giang (Thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/72781/gs-tran-luu-van-hien---can-thap-lua-ham-hoc-cho-tre-.html

Không dừng đề án 322 mà chỉ dừng cử học viên du học trong năm 2012

Posted: 18 May 2012 04:44 PM PDT

Trao đổi với Dân trí về việc tại sao lại dừng đột ngột việc cử học viên đi du học theo đề án 322 vì trong hội nghị tổng kết "Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2000-2010 và đề xuất thực hiện giai đoạn 2011-2020", Bộ còn đề nghị kéo dài đề án đến hết năm 2014.

Ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT khẳng định: "Đề án không dừng mà chỉ dừng cử đi mới năm 2012".

Ông Vang lý giải, năm 2000, Thủ tướng Chính phủ có quyết đinh số 322/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (gọi tắt là Đề án 322). Sau đó, năm 2005 có Quyết đinh tiếp theo số 356/QĐ-Ttg về việc điều chỉnh Đề án đến năm 2014 (Đề án 356). Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã tiến hành tổng kết đánh giá và đưa ra các đề xuất điều chỉnh, gia hạn để thực hiện công tác đào tạo cán bộ ở nước ngoài được liên tục trong giai đoạn tiếp theo (2011-2020).

Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án mới thay thế cho Đề án 356 (322) và trình Chính phủ trong tháng 6/2012. Đề án 356 (322) đến nay đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo cho giai đoạn 2 (2000 người) và vì vậy Bộ GD-ĐT không được phép cử thêm người đi học mới trong năm 2012 và không được nhà nước cấp kinh phí để cử người đi học mới theo Đề án này nữa. Năm 2013, nếu Đề án mới được phê duyệt thì sẽ tiếp tục tuyển sinh cử đi mới.

Ông Vang cho biết thêm, để bảo đảm quyền lợi cho ứng viên trúng tuyển nhưng chưa đi học, vào thời điểm hiện nay, Cục Đào tạo với nước ngoài được Bộ giao hướng dẫn, tạo điều kiện để người trúng tuyển chuyển đổi cơ hội đi học ở nước ngoài theo hai hướng sau:

Thứ nhất, ứng viên nghiên cứu thông tin tuyển sinh trên các trang web: www.vied.vn và www.moet.gov.vn để xác định và đăng ký chuyển sang chương trình học bổng cụ thể do Bộ GD-ĐT (Cục Đào tạo với nước ngoài) chủ trì tuyển sinh đi học theo các diện học bổng Hiệp định, học bổng nước ngoài cấp cho Việt Nam năm học 2012 – 2013 phù hợp với nguyện vọng đi học của mình.

Thứ hai, đối với ứng viên tiến sĩ đang là giảng viên ĐH, CĐ hoặc người được xét tuyển đi học tiến sĩ về làm giảng viên ĐH, CĐ, ứng viên thạc sĩ có học lực ĐH loại giỏi là giảng viên ĐH, có văn bản của cơ sở đào tạo nước ngoài đồng ý tiếp nhận đào tạo thẳng chương trình tiến sĩ sẽ đăng ký để được xem xét chuyển sang xử lý trúng tuyển theo diện học bổng Đề án 911 đi học chương trình tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước năm 2012-2013. Các ứng viên gửi email thông báo nguyện vọng đăng ký theo một trong hai hướng trên đến địa chỉ email tuyensinh@vied.vn trước ngày 1/6/2012 để kịp thời tổng hợp, xử lý, giải quyết các thủ tục liên quan cho người trúng tuyển đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng mà Bộ đang thực hiện trong năm học 2012-2013.

Tuy nhiên, ông Vang cho hay, những học viên đang học theo đề án 322 vẫn được cấp kinh phí bình thường. Với những ứng cử viên đã có quyết định trúng tuyển đi học bây giờ vẫn đi học được nhưng không phải đi học ở nước họ mong muốn mà phải chuyển sang nước khác. Quyền lợi của ứng viên được đảm bảo nhưng không phải 100% vì họ phải chuyển sang nước khác.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-597150/khong-dung-de-an-322-ma-chi-dung-cu-hoc-vien-du-hoc-trong-nam-2012.htm

Đọt nhãn lồng

Posted: 18 May 2012 04:44 PM PDT

Đọt nhãn lồng

TTO – Một dịp tình cờ tôi về nhà người bạn thân chơi, mọi chuyện sẽ không có gì nếu như tới bữa cơm gia đình không đem ra một đĩa rau nhãn lồng luộc chín. Nhìn đĩa rau còn nghi ngút khói, bỗng dưng bao hình ảnh của mẹ tôi lại vội vã ùa về…

Do làm ăn thất bại nên gia đình tôi suy sụp, đến nỗi mà mẹ tôi phải đi hái rau dại để bán. Mẹ hái đủ thứ từ bồ ngót, cải trời, mỏ quạ, rau muống, rau mác, rau dền… nhưng nhiều nhất là đọt nhãn lồng.

Lúc đầu, mẹ chỉ hái ở những khu vườn gần nhà. Mỗi khi biết nhà nào chuẩn bị làm cỏ vườn, mẹ thường tranh thủ hái nếu không người ta sẽ chặt bỏ hết. Nhưng chỉ có vậy thôi nhiều khi mẹ còn bị họ nặng nhẹ đủ lời. Riết rồi mẹ phải đi xa hơn, đến những khu vườn bỏ hoang để hái. Lâu dần, mẹ có tên là “Bà Tư nhãn lồng”.

Khi đi, mẹ cầm theo cái giỏ đệm thật to. Tuy hái rất nhiều nhưng bán chẳng được bao nhiêu, cao lắm cũng chừng hai chục ngàn. Với số tiền ấy, mẹ mua thứ gạo rẻ nhất để cả nhà ăn. Còn đồ ăn thì kiếm được gì ăn nấy, có khi chỉ vài con cá sặt, một nhúm cá lòng tong, mấy con ốc… Những hôm đi vào khu vườn hoang, cây cối rậm rạp, cỏ mọc um tùm, đến lúc trở ra thì chân mẹ bị cỏ cắt chi chít, có khi còn bị ong đánh và kiến cắn nữa.

Và mỗi lần đi học xa về, tôi thường đi hái phụ mẹ. Mẹ không cho tôi đi nhưng tôi quyết đòi theo. Tôi muốn phụ mẹ và cũng không đành lòng ở nhà để mẹ phải lặn lội sớm hôm. Mẹ rất thông thuộc đường đi và biết rất rõ nơi nào có nhiều nhãn lồng nhất. Tới nơi, mẹ cặm cụi hái như chú ong thợ chăm chỉ làm việc. Tay mẹ thoăn thoắt như người hái chè.

Chốc chốc mẹ lại quay sang nhìn tôi. Ánh mắt mẹ hiền từ, miệng luôn kể chuyện để tôi khỏi buồn. Tôi nhìn mẹ mà lòng đầy xót xa. Bởi lẽ trước đây mẹ là con gái cưng trong một gia đình khá giả. Lúc mới về nhà chồng, mẹ có biết làm chi đâu. Nhưng vì anh em chúng tôi, mẹ đã trở thành người phụ nữ khác hẳn. Mẹ dậy sớm thức khuya, quán xuyến công việc gia đình từ trong ra ngoài.

Khi ba tôi làm ăn thất bại, đất đai, tài sản trong nhà đem đi bán hết, thậm chí ngôi nhà cũng bị đem đi thế chấp. Ba tôi khá buồn chán, chỉ còn mẹ là chỗ dựa vững chải nhất cho cả nhà. Mẹ không tỏ ra buồn phiền, lúc nào cũng cứng cỏi để anh em tôi có tinh thần mà sống và tin vào cuộc đời. Những lúc chủ nợ lại đòi tiền, họ mắng, họ chửi, họ hăm dọa và mẹ tôi chỉ biết năn nỉ, “dạ”, “thưa”.

Những tưởng sau những lần ấy mẹ sẽ gục ngã. Nhưng không, mẹ vẫn vững vàng và tin rằng một ngày nào đó gia đình mình sẽ khác. Nghĩ thế, mẹ dẹp cái sĩ diện của mình đi để cần mẫn lo cho gia đình. Lúc đầu, mẹ đi bán bánh bò, bán xôi, bán chuối… Nhưng bán riết rồi cũng hết vốn và mẹ chuyển sang hái rau dại để bán. Và những đọt nhãn lồng là thứ mà trời đã ưu ái ban cho mẹ. Và cứ mỗi buổi sáng mẹ lại đạp xe vượt trên con đường nhỏ trơn trượt, đầy bùn lầy, ổ gà để đến chợ thật sớm. Có hôm không bán được, mẹ phải đem về và luộc cho cả nhà cùng ăn.

Có thể nói một đĩa rau nhãn lồng luộc là điều không thể thiếu trong mọi bữa cơm của gia đình tôi. Cứ mỗi lần bưng chén cơm lên tôi thấy đâu đó thấp thoáng hiện ra hình ảnh người mẹ gầy gò, đội chiếc nón lá đứng cô đơn trong khu vườn hoang để hái từng đọt nhãn lồng mà nước mắt tôi như muốn trào ra. Tôi biết rằng mỗi hạt cơm mình đang ăn là mồ hôi của mẹ, là những gì đã được mẹ chắt chiu bằng tất cả tình yêu thương và sự hi sinh để cả gia đình vượt qua cơn nguy khó.

Chợt tiếng chén đũa lách cách làm tôi giật mình. Mọi người trong nhà bạn tôi đang nói cười vui vẻ. Họ đang chuẩn bị thưởng thức hương vị đặc biệt của món nhãn lồng chấm chao. Họ đâu biết được lòng tôi lúc này chất chứa biết bao nỗi niềm chua xót. Tôi thấy lòng buồn vô hạn, thấy nhớ mẹ và muốn về ngay với mẹ. Tôi biết rằng khi mình ngồi đây thì ở quê xa mẹ tôi vẫn đang làm cái công việc quen thuộc của mình, công việc mà đáng lẽ ra cuộc đời mẹ sẽ không không bao giờ biết đến.

Tôi thấy sự hi sinh của mẹ thật cao cả, chính sự cao cả đó thường khiến tôi chết lặng mỗi khi nhớ về mẹ. Và hôm nay, chính những đọt nhãn lồng kia lại một lần nữa làm tim tôi nhói lên từng cơn đau. Chính nó đã cho tôi biết thế nào là sự hi sinh, thế nào là niềm tin và giá trị vào cuộc sống trên cõi đời này.

ĐOÀN VĂN XUẤN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/487745/Dot-nhan-long.html

Thầy giáo ‘hết cửa’ kinh doanh dạy thêm

Posted: 18 May 2012 04:43 PM PDT

– Chiều 17/5, Bộ GD-ĐT chính thức công bố quy định mới về dạy thêm, học thêm (DTHT). Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Đình Chuẩn, quy định có nhiều điểm mới như: Hạn chế việc học sinh đi học thêm mới được điểm cao; nghiêm cấm cắt xén chương trình để dạy thêm; Dạy trước chương trình…Quy định mới ban hành không cấm dạy thêm mà chỉ cấm dạy thêm sai quy định.

So với dự thảo, thông tư ban hành Bộ GD-ĐT đã tiếp thu các ý kiến bỏ một số quy định cụ thể về số tiết/ tuần; bỏ quy định thu thuế…

Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Đình Chuẩn

Dạy thêm thu tiền phải có giấp phép

TS Vũ Đình Chuẩn cho biết: Nguyên tắc DTHT có thu tiền phải tuân thủ các quy định: Góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh, không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm, không dạy trước chương trình.

Quy định cũng nêu rõ, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không tổ chức lớp DTHT theo các lớp chính khóa. Học sinh trong cùng một lớp DTHT phải có học lực tương đương nhau.

Những tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DTHT phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng kí và xin phép tổ chức hoạt động DTHT.

Việc tổ chức DTHT trong nhà trường phải tuân thủ các nguyên tắc: Học sinh có nguyện vọng học thêm phải có đơn tự nguyện. Hiệu trưởng tiếp nhận và tổ chức phân nhóm lớp theo học lực và bố trí giáo viên đúng chuyên môn. Đồng thời, giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký.

Còn đối với việc tổ chức DTHT ngoài nhà trường quy định cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân phải được cấp giấy phép hoạt động DTHT.

Ngoài quy định thống nhất về mức thu và quản lý tiền học thêm trên toàn quốc, quy định này cũng phân định rõ trách nhiệm quản lý DTHT của các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã….

Những hoạt động bồi dưỡng, dạy thêm không thu tiền nằm ngoài kiểm soát của quy định này.

Giáo viên không trực tiếp thu chi tiền học thêm

- Thưa ông, với những trường hợp vi phạm quy định DTHT thì hình thức xử lý như thế nào?

TS Vũ Đình Chuẩn: Quy định nêu rõ việc xếp lớp và phân công giáo viên giáo viên phụ trách theo nhóm lớp là việc của Hiệu trưởng. Việc chia nhóm lớp học sinh yếu kém chúng tôi quy định đối với hình thức dạy thêm có thu tiền. Còn việc phụ đạo cho học sinh yếu kém trong trường là việc làm của nhà trường.

Việc xử lý vi phạm được tuân thủ theo Nghị định 49 của Chính phủ về xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Mặt khác, người đứng đầu cơ quản “anh” quản lý giáo viên, cấp phép dạy thêm cho giáo viên…thì phải có trách nhiệm quản lý.

Tuy nhiên, bây giờ nói mức xử lý cụ thể thì chưa thể nói được vì còn tùy mức độ vi phạm. Quy định có hiệu lực thì Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh kiểm tra để kíp thời phát hiện sai phạm và có chấn chỉnh. Việc xử lí sai phạm sẽ thực hiện theo phân cấp trên cơ sở kiến nghị của Bộ.

- Thông tư quy định mức thu thống nhất toàn quốc sẽ không phù hợp bởi thu nhập giữa các vùng miền có sự chênh lệch đáng kể?

TS Vũ Đình Chuẩn: Ở đây quy định mức thu thống nhất toàn quốc chứ không đưa ra mức cụ thể Hà Nội bao nhiêu, Lai Châu bao nhiêu…Bộ GD-ĐT chỉ ban hành quy định mang tính nguyên tắc, không nên quá cụ thể cho từng địa phương theo các ý kiến chúng tôi tiếp thu lấy góp ý cho dự thảo.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Đoàn Văn Ninh:
Có ý kiến hỏi thu và quản lý tiền học thêm như thế nào? thì điều 7 của Thông tư quy định rất rõ đối với DTHT trong nhà trường: thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý DTHT của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở phục vụ DTHT. Không lấy tiền DTHT để chi trả cho những mục đích khác.

Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Do đó từng tỉnh sẽ có quy định mức thu khác nhau.

Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh quyết toán tiền học thêm thông qua tài vụ của nhà trường. Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu chi tiền học thêm. Đây là điểm mới so với quy định trước.

Cấm thầy làm “ông bầu”


- Bộ GD-ĐT giải thích rõ quy định với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định nêu rõ: Không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Việc “tổ chức” khác gì với “tham gia” khi Bộ đã đưa vào quy định cấm?


Phó Vụ trưởng Đoàn Văn Ninh:
Nội dung này là phần khó khăn nhất khi dự thảo, và cũng là nội dung khó khăn nhất khi xin ý kiến và quyết định ban hành. Trong quy định những trường hợp không được dạy thêm thì điều nhạy cảm nhất là khoản 4.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định nêu rõ: Không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường có 2 việc để đưa quy đinh. Thứ nhất không tổ chức DTHT – là những người tự đứng ra tổ chức và thu tiền ngoài quy định. Có thực tế, không phải thầy dạy toán chỉ dạy thêm toán mà thầy còn kinh doanh các môn khác. Thứ hai, điều này đưa ra để cấm việc thầy đứng là làm “ông bầu” tổ chức dạy thêm ngoài môn mình dạy.

Hạn chế được điều này sẽ hạn chế được việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, không phải thầy tổ chức dạy mà còn kinh doanh dạy thêm. Ý nghĩa của việc “không tổ chức dạy thêm” ở chỗ này, nhưng có thể tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phù hợp với luật viên chức. Ngoài giờ làm việc có thể tham gia dạy thêm chứ không được tổ chức.

Còn quy định “không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó….” thì khó hơn – phải là người trong nhà trường mới hiểu. Quy định này xuất phát từ chuyện trong lớp mà giáo viên bằng cách này hay cách khác bắt học sinh đi học thêm. Nhưng cũng có chuyện, cô giáo giỏi thật, học sinh muốn học thật nhưng phải học cô khác không đúng chuyên môn. Cho nên quy định mới nêu rõ “phải được phép của Thủ trưởng cơ quan” để giám sát chặt hơn, đảm bảo quyền lợi người học.

- Để biện pháp xử lý mang tính chất răn đe thì Bộ GD-ĐT cho biết những trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự?

TS Vũ Đình Chuẩn:
Xử lý vi phạm hành chính đã quy định mức độ nào thì có mức xử cụ thể. Còn xử lý hình sự trong trường hợp người dạy thêm chống đối người thi hành công vụ. Quy định phân định rõ xã phường có trách nhiệm trong việc xử lý đối với trường hợp dạy thêm không đăng ký, gây ồn ào mất trật tự gây ảnh hưởng phố xóm. Cho nên người dạy thêm phải có những cam kết cụ thể….

  • Kiều Oanh (Ghi)

4 trường hợp không được dạy thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.

2.
Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng
về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và trường dạy nghề không tổ chức DTHT các nội dung theo chương trình THPT.

4.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp
công lập quy định nêu rõ: Không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường
nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Đồng thời, không được
dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính
khóa khi chưa được phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/72706/thay-giao--het-cua--kinh-doanh-day-them.html

Comments