Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sao không nhân rộng mô hình thực nghiệm ?

Posted: 14 May 2012 08:05 PM PDT

Tại sao không nhân rộng mô hình như Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội để phụ huynh không phải chen lấn, xô đẩy trong việc tuyển sinh? Câu trả lời tưởng như đơn giản nhưng theo các nhà quản lý lại "rất khó" và còn phải tiếp tục chờ đợi.

Hàng trăm người xô đổ cổng trường để xin cho con vào lớp 1

Mua được đơn rồi vẫn lo

Trên diễn đàn web trẻ thơ, tâm sự của một bà mẹ khiến những thành viên tham gia diễn đàn rất đồng cảm: Cầm lá đơn trong tay rồi, mà lòng vẫn chùng xuống, đặt dấu hỏi lớn có qua được ngày đo nghiệm thể chất hay cũng lại hình thức vẽ ra cho những mẹ ngây thơ như mình đây?

Một mô hình được đưa ra thí nghiệm không nên kéo quá dài thời gian. Nếu hiệu quả thì cần nhân rộng còn nếu không thì phải xóa bỏ

Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT

Mang sự hồ nghi này hỏi ông Phan Văn Kha – Viện trưởng Viện Giáo dục (cơ quan quản lý trực tiếp Trường PTCS Thực nghiệm) thì nhận được lời khẳng định: "Sẽ không có chuyện tiêu cực. Chúng tôi giao quyền chủ động tuyển sinh cho trường nhưng Viện có chỉ đạo đảm bảo tuyển sinh công bằng, nghiêm túc".

Tuy nhiên, ông viện trưởng cũng tỏ ra rất băn khoăn trong kỳ đo nghiệm của trường này sắp tới: Gần 1.000 cháu đi đo nghiệm mà chỉ hơn 100 cháu được vào là một việc làm bất đắc dĩ. Để các cháu đi đo nghiệm mà trong số 6-7 cháu mới có một cháu vào được trường thì phải làm thế nào để giải quyết vấn đề tâm lý "trượt" trong lần thử sức cho những cháu còn lại.

Ông Kha khẳng định việc đo nghiệm sắp tới sẽ không có yêu cầu gì mang tính chất đánh đố các cháu. Không yêu cầu kiểm tra kiến thức, không cần học sinh phải biết đọc, biết viết, biết làm toán… mà chỉ đo nghiệm về thể chất, các chỉ số IQ, EQ… nên chắc hẳn những cháu được chọn phải có chút may mắn vì có khả năng "trời phú" tương đối toàn diện.

Trước nhiều ý kiến khác nhau của dư luận xung quanh việc tuyển sinh của Trường PTCS Thực nghiệm thời gian gần đây, ông Lê Tiến Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học – Bộ GD-ĐT bày tỏ: không nên lấy chuyện tuyển sinh của một trường để nói rằng giáo dục đại trà của chúng ta hiện nay đang rất có vấn đề như có ý kiến phát biểu.

Theo ông Thành, trẻ em nên để cho chúng học ở một điều kiện phù hợp. Nhà nước đã lo đầy đủ chỗ học cho học sinh tiểu học, ở đâu có người học thì ở đó có trường học. Tất nhiên, cũng có trường tốt, có trường chưa tốt. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề mà Trường PTCS Thực nghiệm đang thực hiện và được phụ huynh đồng thuận như: phát huy tính tích cực, tính tự quản, tôn trọng tính sáng tạo của học sinh… thì đều là chủ trương chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt của Bộ đối với cấp tiểu học đại trà hiện nay.

Ông Thành cho rằng: "Những cái mới mà mô hình thực nghiệm đang áp dụng chỉ là một phần, còn rất nhiều điều mà phụ huynh muốn cho con vào, đó là một cơ sở vật chất tốt, nằm trên một địa bàn trung tâm, tiện lợi đưa đón, được học 2 buổi/ngày, sĩ số ít, có tiếng tăm. Tôi là người dân bình thường cũng muốn thử xem thế nào. Tuy nhiên, không nên đề cao một mô hình này mà phủ nhận những cái chúng ta đang có. Điều này sẽ gây áp lực cả cho trẻ con".

Một chuyên gia giáo dục ở Hà Nội nói: rất nhiều trường công lập của Hà Nội hiện nay, nếu không phân tuyến tuyển sinh, cũng bán đơn cho tất cả phụ huynh có nhu cầu trên khắp địa bàn thành phố thì chắc chắn việc tuyển sinh cũng căng thẳng không kém Trường PTCS Thực nghiệm.

Ông Kha cũng thẳng thắn: nếu nói trường thực nghiệm tốt hơn, nổi trội hơn hẳn các trường công lập khác thì sẽ là cách nói chủ quan. Trường có những cái được và cả những cái chưa được.

Xô đổ cổng trường xin cho con vào lớp 1
Xô đổ cổng trường xin cho con vào lớp 1 là một hiện tượng xã hội gây chú ý dư luận trong mấy ngày qua – Ảnh: Ngọc Thắng

Hơn 30 năm vẫn… thí điểm

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên: "Tại sao Trường PTCS Thực nghiệm thành lập từ năm 1978, đã hơn 30 năm thành lập, được phụ huynh tín nhiệm như vậy rồi mà vẫn chỉ là… thực nghiệm?". Ông Lê Tiến Thành cũng cho rằng: Một mô hình được đưa ra thí nghiệm không nên kéo quá dài thời gian. Nếu hiệu quả thì cần nhân rộng còn nếu không thì phải xóa bỏ. Ông Thành viện dẫn: Luật Giáo dục chỉ quy định có một chương trình, một bộ sách giáo khoa. Từ năm 2000, cả nước thực hiện chương trình sách giáo khoa do Bộ biên soạn nên không thể tùy tiện cho sử dụng các chương trình khác.

Trong khi đó, ông Phan Văn Kha cho biết: Viện chưa đề xuất với Bộ về việc nhân rộng mô hình của trường này vì thực nghiệm giáo dục khác với thực nghiệm khác, "dạy người" là vấn đề phức tạp. Trên cơ sở thực nghiệm của Viện thì Bộ cũng đã cho phép nhân rộng từng bước mô hình công nghệ giáo dục, trước hết là với môn tiếng Việt lớp 1. "Không thể ào ào đại trà được, những gì đưa vào thực nghiệm phải có tổng kết, đánh giá một cách khoa học chứ không phải chỉ bằng cảm tính. Khi chỉ là mô hình của một trường thì sẽ rất khác khi áp dụng đại trà, chỉ có thể tốt nếu điều kiện để thực hiện nó (giáo viên, cơ sở vật chất, phương pháp tổ chức…) phải tương ứng", ông Kha nêu quan điểm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Hà Nội chưa đăng ký áp dụng mô hình này vì nếu chỉ với môn tiếng Việt cho học sinh lớp 1 thì Hà Nội không gặp phải khó khăn như học sinh các tỉnh miền núi.

Còn ông Thành thì nói: "Hà Nội không đề nghị áp dụng mô hình này và Bộ không ép buộc bất cứ địa phương nào. Nếu đăng ký thì phải chịu trách nhiệm về điều kiện thực hiện như giáo viên, cơ sở vật chất".

Trả lời câu hỏi liệu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 mà Bộ đang chuẩn bị thì công nghệ giáo dục có được đưa vào áp dụng đại trà hay không? Ông Lê Tiến Thành cho rằng: có nên sử dụng đại trà hay không thì Viện là cơ quan thực hiện thử nghiệm sẽ phải có trách nhiệm báo cáo và lúc đó Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ là người quyết định.

Ông Phan Văn Kha cho hay: Có thể mô hình này sẽ là một trong những lựa chọn mà Viện trình ra cấp quản lý. Tuy nhiên, ông Kha cũng nhấn mạnh: mô hình công nghệ giáo dục chỉ là một phần. Đổi mới chương trình sách giáo khoa thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các vấn đề khác: chương trình, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học…

Công an phải dìu từng phụ huynh qua cổng
Hàng trăm người xô đổ cổng trường để xin cho con vào lớp 1

Tuệ Nguyễn

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120515/Sao-khong-nhan-rong-mo-hinh-thuc-nghiem.aspx

Nước mắt học trò

Posted: 14 May 2012 08:04 PM PDT

Nước mắt học trò

Gửi thầy - người cha thứ hai của đời con!

TTO – Khi con viết những dòng này, có lẽ thầy đang say sưa giảng bài trên lớp. Và có thể thầy sẽ không bao giờ đọc được những dòng này nhưng con vẫn muốn viết bằng tất cả lòng kính trọng, tri ân thầy – người cha thứ hai của con.

Thầy là một giáo viên nơi vùng sâu vùng xa của đất Đồng Nai. Nhiều người cứ nghe đến Đồng Nai lại cho đó là một tỉnh giàu có, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều những vùng quê nghèo như quê ta thầy nhỉ.

Con viết những dòng này trong giờ nghỉ trưa tại cơ quan, khi con bất chợt đọc được thông tin cuộc thi Nét bút tri ân trên báo Tuổi Trẻ. Cảm xúc của con lúc này mãnh liệt và dâng trào quá, con không biết viết từ đâu, viết thế nào.

Cuộc đời con thầy không sinh con ra, nhưng thầy là người đã giúp con nhận thức được giá trị của cuộc sống, nhận thức được giá trị của đồng tiền, giá trị của sức lao động và là điểm tựa để con bắt đầu một cuộc đời mới sau vấp ngã đầy cay đắng và tủi nhục.

Con lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cái nghèo làm người ta thua thiệt và tủi thân. Chính vì thế ngay từ nhỏ con đã quen cuộc sống thiếu cái ăn cái mặc, quen những bộ quần áo cũ khi nhìn bạn bè mặc quần tây áo sơmi thơm trắng sáng, quen đi dép nhựa rách phải hàn bằng mủ cao su bên những đôi xăngđan Bitis thơm mùi nhựa mới, quen những bữa cơm chỉ có nước mắm ăn với rau muống luộc bên những bữa cơm có thịt cá đủ đầy của chúng bạn, quen với một buổi cắp sách đến trường còn một buổi đi làm thuê cuốc mướn kiếm bát cơm no lòng.

Cha mẹ luôn động viên chúng con cố gắng học để có cái chữ, để thoát nghèo. Vì thế con cố gắng học, con có thể nghèo hơn, ăn mặc rách nát hơn nhưng con sẽ học giỏi hơn những người bạn của mình, con luôn xác định như vậy để vươn lên. Con cảm thấy hạnh phúc ngập tràn khi 12 năm liền mình làm lớp trưởng, mười hai năm đạt thành tích cao, tự hào với giấy khen của trường, của sở đào tạo cho kết quả học tập, thành tích "học sinh nghèo vượt khó học giỏi"…

Ngày học xong cấp ba và thi đậu đại học, con đã khóc như một đứa trẻ. Con đã làm được một điều tưởng như không thể khi thi đậu đại học, con là điểm sáng của cả xã nghèo này. Trong mười hai năm đó, thầy là người giúp con rất nhiều để con có thể củng cố kiến thức học tập, ôn luyện để con thi đại học.

Ngày con lên đường đi nhập học, thầy không có gì nhiều ngoài những lời nhắn nhủ tâm huyết và một ít tiền dành dụm gửi con làm quà. Thầy ạ, đối với con số tiền đó là nước mắt, là công sức lao động, là những đêm không ngủ soạn giáo án của thầy, cầm nó con lại nấc ngẹn không nói nên lời.

Cuộc sống ở Sài Gòn khác xa cảnh ở quê nghèo và con bị choáng ngộp thật sự, có cảm giác ở đây người ta sống nhanh quá, gấp gáp quá. Con học đại học nhưng cũng như thời ở quê một buổi lên giảng đường, một buổi đi làm thêm, con phải tiết kiệm lắm mới có thể tạm đủ sống để đi học. Ngày đó con lúc nào cũng ốm yếu vì thiếu ăn, chỉ có thầy biết rõ nhất, những bức thư hai thầy trò mình gửi con đã nói rất rõ. Thầy đã động viên con để con học, cố gắng từng ngày từng ngày một vì ước mơ thoát nghèo của con. Thầy nói ước mơ thoát nghèo của con cũng là ước mơ của cả đời thầy.

Vậy mà năm cuối đại học, khi kỳ thực tập trước mắt con lại bị cám dỗ đồng tiền quật ngã để phải ra đi trong đau đớn, tủi hổ. Con vướng vào cá cược bóng đá và game online dẫn đến nợ nần, một phút nông nổi con đi ăn cắp điện thoại di động và tiền của bạn trong ký túc xá để tiêu xài, kết quả con bị bắt quả tang và bị buộc thôi học ngay lập tức. Với con, giây phút bước ra khỏi cồng ngôi trường đại học mình gắn bó hơn bốn năm trời mãi mãi in sâu như một bài học không thể nào quên, bài học của cả đời người với riêng con.

Con trở nên điên loạn, mất hết phương hướng và căm thù tất cả những ai muốn động viên, giúp đỡ mình. Khi ấy con cảm thấy đó là lòng thương hại, là người ta thấy tội nghiệp và điều đó làm con không muốn đi đâu, làm gì nữa.

Lại một lần nữa trong tận cùng đau đớn, tủi nhục thầy lại bên cạnh con, thầy làm bạn với con để chia sẻ và khuyến khích con. Thầy từng bước làm con quên đi mặc cảm và hướng con đi con đường mới khó khăn hơn nhưng rất thực tế với hoàn cảnh của con lúc đó. Thời gian đã trôi qua, con đã sống những giây phút khó khăn nhất đời mình dưới sự dìu dắt của thầy. Giờ đây đã trưởng thành hơn, đã thành công khi học xong bằng nghề và đi làm với thu nhập tạm ổn định, con càng biết ơn thầy hơn. Chính thầy đã xác định cho con lối đi học nghề để có một công việc với thu nhập ổn định, từ đó sẽ đi học lên thêm.

Vâng con sẽ nghe theo lời thầy, con sẽ cố gắng đi làm và học đại học tại chức vào ban đêm, con sẽ làm được vì con có lòng tin, vì con luôn có thầy bên cạnh. Khi con gục gã, khi con phạm sai lầm, mọi người coi thường con bao nhiêu thì thầy thương con bấy nhiêu. Thầy đã đánh thức được lòng tự tôn và cho con những lời khuyên đúng đắn.

Con hạnh phúc lắm vì giờ đây em gái con lại được thầy chủ nhiệm. Thầy lại dạy thêm cho em mà không lấy một đồng tiền công nữa, ơn nghĩa của thầy con làm sao trả được. Thầy sống và làm việc theo đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu, là tấm gương sáng của một người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Hôm rồi lang thang một chút trên mạng Internet vào những diễn đàn dạy và học, con tìm thấy những bài học, phần mềm dạy toán ấn tượng của một thầy giáo tên Nguyễn Quốc Phong -Trường THPT Định Quán. Con bị xúc động mạnh, con thật sự ấn tượng khi người đó chính là người thầy kính yêu của mình.

Thầy bước vào cái tuổi tóc điểm hoa râm rồi mới bắt đầu tiếp cận máy vi tính, thế mà có thể viết ra những phần mềm dạy học môn toán cấp III đầy hữu ích và thiết thực với cộng đồng mạng như thế thật là hiếm có. Quả thật đó là những điều khó mà ai cũng làm được ở cái tuổi của thầy và ở cái xã nghèo của chúng ta thầy ạ!

Lúc này con lại rơi nước mắt, nước mắt này không còn là nước mắt của hối hận muộn màng, của sự tự ti, xấu hổ về quá khứ đã qua, mà là của niềm xúc động, của hạnh phúc. Thầy ạ, con mà viết về thầy chắc con sẽ viết hoài, viết mãi đến khi mệt mà vẫn muốn viết vì thầy trò ta có quá nhiều tình cảm và có quá nhiều điều đặc biệt.

Con sẽ dừng viết ở đây và con luôn luôn nhớ câu nói của thầy: "Sống ở trên đời mọi thứ có thể mất đi nhưng tương lai thì vẫn còn. Người sống lâu nhất là người cảm nhận được cuộc sống này nhiều nhất, chứ không phải là người tồn tại với thời gian nhiều nhất Dũng ạ!". Vâng. Con sẽ cố gắng, thầy yên tâm nhé!

Trò của thầy

Đức Dũng

MAI ĐỨC DŨNG (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/488863/Nuoc-mat-hoc-tro.html

Tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài học cho thế hệ trẻ

Posted: 14 May 2012 08:04 PM PDT

(GDTĐ) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều bài học quý giá cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Có những bài học được Người dạy trực tiếp hoặc lập ngôn, trước tác để lại, tuy nhiên cũng có những bài học mà thế hệ sau rút ra được từ tư tưởng, hành động của Người. Chẳng hạn từ tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể rút ra bài học về định hướng tương lai và hành động cho thế hệ trẻ.

Dưới chân tượng đài Bác Hồ (ảnh do đoàn cung cấp)
Đoàn tình nguyện Hành trình xanh chụp ảnh lưu niệm nơi tượng đài Bác Hồ (ảnh do đoàn cung cấp)

Có thể thấy, tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ thuở nhỏ, khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung, được giáo huấn lòng yêu nước, gần dân của gia đình; được thừa hưởng nền văn hóa truyền thống đấu tranh bất khuất của xứ Nghệ, lại tiếp thu truyền thống chống ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc để rồi hình thành ở Người lòng yêu nước thương nòi.

Đặc biệt khi được hầu chuyện cha với các sĩ phu yêu nước đồng thời là thầy học của mình như Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý, Trần Thân, Phan Bội Châu… Người dần hiểu được thời cuộc và nỗi ưu tư của các bậc thầy, cha chú trước cảnh nước mất nhà tan. Những câu chuyện đàm đạo đó đã truyền lửa tới tâm hồn Người. Và, vốn có tư chất thông minh, tư duy độc lập, Người đã ôm ấp chí lớn cứu nước, cứu dân. Với nghị lực phi thường, không chịu đi theo lối cũ của các bậc tiền bối, Người đã quyết chí đi sang phương Tây để thấy tận mắt đất nước của những kẻ đã tới thôn tính dân tộc mình, mong tìm con đường giải phóng dân tộc.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì Tổ quốc, vì dân tộc là mối quan tâm hàng đầu, trở thành tư tưởng trung tâm, cốt lõi trong hệ thống tư tưởng của Người. Và tất cả những suy nghĩ, những lời nói, mọi hành động trong suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhằm để thực hiện lý tưởng, hoài bão đó.

Năm 1911, với tên Văn Ba, Người ra đi tìm đường cứu nước. Tất cả những việc làm như phụ bếp, bồi bàn đến dọn tuyết, …, Người đều không từ nan để thực hiện lý tưởng. Trong suốt thời gian đó, hễ có cơ hội là Người thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình. Như tại Đại hội Tours cuối năm 1920 của Đảng Xã hội Pháp, đến lúc biểu quyết, gia nhập Đệ Tam hoặc ở lại Đệ Nhị Quốc tế thì với tên Nguyễn Ái Quốc, Người bỏ phiếu cho Đệ Tam Quốc tế. Bởi vì Người hiểu rõ một điều Quốc tế thứ 3 rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế thứ 3 nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Người nói: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu." .

Tìm con đường giải phóng dân tộc cứ canh cánh trong lòng Nguyễn Ái Quốc, như một lực hấp dẫn, chiêu cảm mạnh mẽ, để rồi dẫn đường Người tới với Sơ thảo luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa là "cái cần cho chúng ta, là con đường giải phóng chúng ta".

Trở về nước năm 1941, Người chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, trong thư Kính cáo đồng bào, Người khẳng định và chỉ rõ: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng" . Thế rồi cách mạng tháng Tám thành công, chính Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập và tuyên bố với thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy" .

Rõ ràng, Tổ quốc và nhân dân là mối quan tâm thường hằng tạo nên những trăn trở thường xuyên trong tâm khảm Người. Trả lời các nhà báo, Người nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" .

Cuối tháng 5 năm 1946, nhận lời mời đi thăm hữu nghị nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch Chính phủ trong thời gian Người đi vắng (4 tháng). Trước khi đi Người đã nói chuyện với đồng bào: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân […]. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân" . Và Người nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: "Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ "Dĩ bất biến ứng vạn biến"". Đó chính là một triết lý, là mối quan hệ giữa cái không thay đổi và cái thay đổi, giữa bản thể và hiện tượng,… là vấn đề trung tâm của triết học xuyên suốt từ cổ chí kim. Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng có muôn hình vạn trạng, có thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, biến hóa khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó. Ở đây cái bất biến của dân tộc Việt Nam trong lúc "ngàn cân treo sợi tóc" là Tổ quốc độc lập, dân tộc tự do. Chính với phương châm triết lý đó, ở nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nghiêm khắc trừng trị bọn Quốc dân Đảng gây rối, cũng như các thế lực chống phá Nhà nước Việt Nam non trẻ, giữ vững được nền độc lập dân tộc.

Nhưng chỉ sau một năm tuyên bố độc lập cho Tổ quốc trước toàn thể quốc dân đồng bào và quốc tế, thì thực dân Pháp định cướp nước ta một lần nữa. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và đanh thép tuyên bố: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!" . Và, chính bằng quyết tâm thực hiện tư tưởng chủ đạo đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân và toàn dân ta đã đánh thắng giặc Pháp xâm lược, làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.

Để giành và bảo vệ độc lập Tổ quốc, tự do dân tộc, nhân dân ta hết kháng Pháp lại kháng Mĩ. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, ngày 17/7/1966, lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện câu nói bất hủ, cũng là nguyên lý, nguyên tắc đầu tiên và trên hết trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" . Đó là đỉnh cao của lý luận, được đúc rút từ thực tế đất nước Việt Nam, trong suốt cuộc đời hoạt động của Người và đã trở thành chân lý vĩnh hằng…

Như vậy, bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại thật nhiều. Có những bài học đã trở thành giá trị văn hóa có ảnh hưởng không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với nhân loại. Từ tư tưởng chủ đạo và hành động suốt cuộc đời của Người, có thể rút ra nhiều bài học, nhưng nổi bật hai bài học quan trọng cụ thể là:

Thứ nhất bài học mang tính thực tiễn không chỉ dành cho lớp trẻ mà cho mỗi người dân đất Việt đó là: luôn có một tình yêu đối với Tổ quốc, với dân tộc, với đồng bào, với gia đình. Tình yêu đó phải thường trực mới có thể trở thành con người không bị thất cước, không mất đi cái bản thể, cái gốc của mình.

Thứ hai là bài học mang tính lý luận. Chúng ta thấy Người đã thực hiện theo đúng quy luật của tự nhiên, của triết học về mối quan hệ của bản thể và hiện tượng, giữa cái bất biến và cái vạn biến, giữa cái không thay đổi và cái thay đổi. Bởi hoài bão, định hướng cứu nước, cứu dân trở thành bản thể cho tất cả những biểu hiện hành động của Người. Điều này cho mỗi người trẻ một bài học rằng cần có một lý tưởng, một mục đích tốt làm gốc cho sự phát triển cuộc đời.

Đành rằng mỗi người sẽ có một ý chí, một hướng đi khác nhau trong đời, nhưng điều quan trọng hàng đầu là sớm xác định cho mình một hướng đi đúng, một lý tưởng đẹp, một mục đích cao cả để từ đó làm cái đích hướng tới cho những hành động cụ thể trong cuộc đời của mình. Bởi chỉ có thể định hướng rõ kết hợp với tư duy thường trực và thường xuyên hành động thì mới sớm đạt được đích, gặt hái thành công.

Nguyễn Cảnh Chương

——————————

Tài liệu tham khảo:

  Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Trẻ, 2005 (Bản PDF 11/2/2007), tr. 44.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 198.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 12.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 379.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 568.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 1018.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (Xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 110.

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201205/Tu-tuong-chu-dao-cua-Chu-tich-Ho-Chi-Minh-va-bai-hoc-cho-the-he-tre-1961204/

Cười ngặt nghẽo với tiết học của “lão Kẹo Gôm”

Posted: 14 May 2012 08:03 PM PDT

(TNO) Sáng nay 14.5, nhà văn nổi tiếng người Anh Andy Stanton đã khiến hàng trăm học sinh cười ngặt nghẽo với việc đóng vai lão Kẹo Gôm, nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên của tác giả.

Nhân sự kiện Những ngày châu Âu 2012 tại Việt Nam, nhà văn Andy Stanton đã đến Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM) để trò chuyện với học sinh về tác phẩm Lão Kẹo Gôm (The Gum) của mình cũng như chia sẻ về cách làm văn, viết truyện.
Vừa đọc sách, nhà văn Andy Stanton vừa mô tả điệu bộ của nhân vật trong truyện khiến các em học sinh không thể nhịn cười

Mở đầu buổi giao lưu, nhà văn Andy Stanton gây bất ngờ với điệu bộ, cử chỉ của lão Kẹo Gôm. "Lão" khề khà nuốt từng ngụm nước rồi làm đổ tứ tung, ướt hết cả áo. "Lão" lại còn đột ngột hét to vào tai học sinh, "lão" gào lên rằng lão ghét trẻ con và động vật, "lão" lười biếng lằm lăn kềnh ra giữa đám học sinh…

"Lão" làm đủ trò kỳ dị và điên khùng để khiến người lớn phải bực mình. Nhưng xung quanh "lão" lại là… trẻ con nên tiếng cười giòn giã vang lên khắp sân trường.

Vừa đóng vai nhân vật lão Kẹo Gôm hợm hĩnh, vừa kể lại sự ra đời của nhân vật này, nhà văn Andy Stanton khiến học sinh vừa chăm chú lắng nghe, vừa ôm bụng cười ngặt nghẽo.


Học sinh tranh nhau đặt câu hỏi cho nhà văn Andy Stanton

Nhà văn Andy Stanton kể: Vào đêm Noel năm 2002, ông nằm trên giường như kẻ lười biếng. Vừa thấy bực bội vì tiếng ồn bên ngoài, vừa thấy bực với chính bản thân mình. Ông nghĩ phải làm gì đó, như viết ra câu chuyện để đọc cho mọi người nghe vào sáng hôm sau.

Vậy là câu chuyện Lão Kẹo Gôm ra đời trong đêm đó. Câu chuyện đã không được đọc lên cho mọi người nghe vào sáng hôm sau vì ai cũng bận rộn đón Noel nhưng lại được trẻ em cả thế giới yêu thích sau đó.

Từ câu chuyện của mình, nhà văn Andy Stanton chia sẻ cách tạo nên một câu chuyện là ý tưởng, từ ngữ rồi nối chúng thành câu, viết nhiều câu thành một đoạn, nhiều đoạn sẽ thành một câu chuyện.

"Ý tưởng là điều quan trọng nhất", ông nhấn mạnh.


Nhà văn Andy Stanton vui mừng khi nhận những bức tranh do chính học sinh vẽ tặng

"Khi có một ý tưởng trong đầu, dù lĩnh vực văn học, âm nhạc hay gì đi nữa cũng đừng bao giờ quên nó, mà hãy viết ra. Không có ý tưởng tồi dù là ý tưởng nhỏ nhất", nhà văn Andy Stanton gởi đến học sinh thông điệp sau những câu chuyện kể hài hước của mình.

Khi được hỏi vì sao lựa chọn một nhân vật chính lại là ông lão tồi tệ, nhiều tật xấu cho truyện của mình, ông Andy Stanton cho rằng mỗi con người đều có điểm tốt và điểm xấu. Một nhân vật nhiều tật xấu sẽ được trẻ con ấn tượng và nhớ lâu hơn. Qua nhân vật xấu, trẻ có thể hoàn thiện dần bản thân.

Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân chia sẻ: "Buổi nói chuyện với nhà văn không chỉ giúp em học được cách làm sao tạo nên một bài văn, mà còn biết cách nuôi dưỡng ước mơ và sửa những tính xấu em có".

Những ngày châu Âu 2012 tổ chức từ ngày 9.5 ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Quy Nhơn.

Trong đó, triển lãm bộ truyện 7 tập Lão Kẹo Gôm và giao lưu với tác giả Andy Stanton là một trong những hoạt động của sự kiện này.

Tác phẩm Lão Kẹo Gôm là bộ truyện hài hước dành cho nhóm độc giả dưới 10 tuổi, xoay quanh cuộc sống của những nhân vật như lão Kẹo Gôm xấu xa bừa bộn, cô bé Polly tươi tắn như ánh mặt trời, ông Thứ Sáu tốt bụng, gã đồ tể Billy William… và nhiều nhân vật khác.

Bộ truyện được phát hành tại hơn 30 quốc gia, dịch ra 22 thứ tiếng và đoạt các giải thưởng: Blue Peter – giải thưởng dành cho thiếu nhi lâu đời nhất trên thế giới của kênh truyền hình BBC, giải thưởng sách thiếu nhi Red House và giải thưởng văn học hài hước dành cho thiếu nhi Roald Dahl Funny.

 

 

Bài, ảnh: Hoàng Quyên

Những ngày châu Âu tại Việt Nam
Tác giả Lão Kẹo Gôm đến Hà Nội

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120514/Cuoi-ngat-ngheo-voi-tiet-hoc-cua-lao-Keo-Gom.aspx

Comments