Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thí sinh “ưu ái” các trường ĐH-CĐ gần nhà

Posted: 12 May 2012 09:45 PM PDT

(TNO) Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH-CĐ năm nay ở các tỉnh phía Nam giảm mạnh. Đồng thời, thí sinh (TS) cũng ưu tiên chọn các trường gần "nhà" và tốp giữa.

Hôm nay 12.5, các Sở GD-ĐT phía Nam đã bàn giao hồ sơ ĐKDT của TS cho các trường ĐH-CĐ.

Hồ sơ ĐKDT giảm mạnh

Theo Sở GD-ĐT Đồng Nai, tổng số hồ sơ ĐKDT của tỉnh năm nay là 48.538 hồ sơ, giảm hơn 9% số hồ sơ so với năm 2011.

Các tỉnh Cần Thơ, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu… có số lượng hồ sơ ĐKDT của TS giảm từ 1.000 – 2.000 bộ.

Bàn giao hồ sơ ĐKDT của TS cho các trường ĐH-CĐ
Các sở GD-ĐT phía Nam bàn giao hồ sơ ĐKDT của TS cho các trường ĐH-CĐ – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

TP.HCM là nơi có số lượng hồ sơ ĐKDT nhiều nhất khu vực phía Nam với 145.714 bộ nhưng cũng giảm mạnh, khoảng 5.000 hồ sơ so với năm trước.

Trong khi đó, Cơ quan đại diện của Bộ GD-ĐT tại TP.HCM thu được 26.044 hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ của TS tự do, giảm hơn 2.000 hồ sơ so với năm 2011.

Theo đại diện các Sở GD-ĐT của các tỉnh thành, số lượng hồ sơ giảm mạnh do TS năm nay không nộp hồ sơ ĐKDT một cách ồ ạt nữa.

"Hiện nay, các em đã có sự chọn lọc trường, ngành thi ngay từ ban đầu nên số lượng hồ sơ ĐKDT của mỗi TS giảm. Mỗi em chỉ nộp 1-2 hồ sơ cho 2 đợt thi. Trong khi đó, những năm trước nhiều em nộp đến 3-4 bộ để gần đến ngày thi mới chọn lựa trường thi", ông Huỳnh Văn Sý, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Phú Yên nhận định.

Mặt khác, nhiều chuyên gia tuyển sinh giải thích, vì năm nay TS không bị hạn chế số lần nộp hồ sơ xét tuyển nên nhiều TS chỉ chọn ngành thi là chính để lấy kết quả thi. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, TS vẫn có thể được xét tuyển ở nhiều trường, nhiều lần khác nhau.

Về học "gần nhà"

Phân loại hồ sơ ĐKDT của TS năm nay có thể nhận thấy, đã qua rồi thời toàn bộ TS đều đổ dồn về học tại TP.HCM. Năm nay, thí sinh hầu như dàn đều vào các trường ĐH vùng, ưu tiên trường "gần nhà".

Hầu hết TS các tỉnh ĐBSCL đều đổ dồn về ĐH Cần Thơ.

Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết, có 22.199 hồ sơ của TS toàn tỉnh ĐKDT ĐH-CĐ năm nay. Trong đó, 17.671 hồ sơ thi vào ĐH Cần Thơ (chiếm gần 80%).

Gần 5.400/6.200 (87%) hồ sơ TS của tỉnh Hậu Giang thi ĐH Cần Thơ.

Tương tự, trong 10.249 hồ sơ ĐKDT của tỉnh Sóc Trăng, có đến hơn 6.000 hồ sơ nộp vào ĐH Cần Thơ (chiếm gần 60%).

Bàn giao hồ sơ ĐKDT của TS cho các trường ĐH-CĐ 1
Các trường ĐH-CĐ vùng thu hút đông TS tại địa phương – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

ĐH Cần Thơ cũng là trường nhận được số lượng hồ sơ ĐKDT nhiều nhất của TS ở các tỉnh Vĩnh Long (với 8.183 hồ sơ, chiếm 47% số lượng hồ sơ của cả tỉnh), Kiên Giang (với 7.376 hồ sơ, chiếm 47% số lượng hồ sơ của cả tỉnh).

Hơn 1.200 hồ sơ khác của các TS ở tỉnh Kiên Giang chọn vào ĐH Y Dược Cần Thơ.

TS ở Tiền Giang cũng ưu tiên chọn trường ĐH Tiền Giang, ĐH Cần Thơ… sau đó mới đến các trường ĐH tại TP.HCM.

Trong khi đó, theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, ĐH Đà Lạt là trường nhận được nhiều hồ sơ ĐKDT nhất (với 4.300/33.457) của TS tỉnh này.

TS ở Phú Yên lại ĐKDT đông nhất vào ĐH Nha Trang.

Trong khi đó, các ĐH tại TP.HCM "hút" TS ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Đặc biệt, ĐH Sài Gòn là trường có số lượng TS ở TP.HCM ĐKDT nhiều nhất, với 17.317 hồ sơ (chiếm gần 12% trong tổng số hồ sơ nộp tại Sở GD-ĐT TP.HCM).

Nguyên Mi

Thí sinh đăng ký thi ĐH giảm mạnh
Lo ngại chất lượng liên thông: Xử phạt thích đáng trường làm sai
Xét tuyển ĐH-CĐ: Không được đặt ra quy định trái quy chế
Dừng tuyển sinh Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Sài Gòn
Ngày cuối đăng ký dự thi ĐH-CĐ 2012: Đông thí sinh nộp hồ sơ
"Đỏ mắt" tìm thí sinh đăng ký dự thi khối C
Lưu ý với thí sinh khi đăng ký dự thi ĐH-CĐ 2012

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120512/Thi-sinh-uu-ai-cac-truong-DH-CD-gan-nha.aspx

“Trường Thực nghiệm, hóa ra là…”

Posted: 12 May 2012 09:45 PM PDT

Đây là câu cửa miệng của không ít các bà mẹ khi đang hoặc có con từng học Trường Thực nghiệm.

Hỏi kỹ hơn, có thể bạn sẽ nhận được những chia sẻ kiểu: "Trường lớp gì mà tự do thái quá. Trong giờ học mà học sinh chạy lung tung trong lớp, nói chuyện rào rào mà cô chẳng nhắc nhở gì cả"; "Học sinh mà chẳng biết sợ cô. Mẹ đứng nói chuyện với cô mà cứ lại gần sờ sách vở, hỏi lung tung…".

Đặc biệt, nhiều bà mẹ phàn nàn rằng cô dễ quá. Con viết chữ mình chưa ưng mà cô vẫn cho điểm cao. Trong khi ở trường tư thục nọ, học sinh viết đẹp hơn thế nhiều mà cao nhất cũng chỉ được điểm 8".; "Lớp 2 mà còn viết sai chính tả nhiều hơn cả lớp 1"…

Nhưng phàn nàn phổ biến nhất của các bậc phụ huynh là: "Các cô chẳng chú trọng học viết chữ gì cả. Chữ con xấu kinh khủng"…

Vậy là chuyện học thêm luyện chữ đẹp, luyện viết nâng cao để bớt sai chính tả có đất để phát triển. Những góp ý mong cô giáo nghiêm khắc trong kỷ luật, chấm điểm chặt chẽ hơn với con mình để "cháu còn nỗ lực"… cũng thường xuyên được phụ huynh gửi gắm.

"Chương trình học hay nhưng chưa đủ!"

Những bà mẹ nói trên thường là những phụ huynh có con thứ 2 học trường Thực Nghiệm. Một mặt, họ rất ủng hộ phương pháp giáo dục giúp trẻ tư duy độc lập, lối sống chia sẻ, trung thực; nhiều sinh hoạt ngoại khóa hấp dẫn… của nhà trường. Nhưng bên cạnh đó, họ nhận thức rất rõ rằng nếu chỉ học ở đây, con họ sẽ khó vào những trường danh tiếng.

Vậy là, ngay sau khi con chính thức trở thành học sinh của Trường Thực Nghiệm, việc đầu tiên của các phụ huynh là phải tìm các lớp học thêm Toán, Văn theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Bởi nếu không, học hết lớp 5, với những kiến thức của chương trình thực nghiệm, trẻ sẽ khó có cơ hội vào những trường hàng đầu ở Hà Nội. Sự lo xa này bắt nguồn từ những trường hợp thực tế, đó là con em họ có điểm Toán, Văn tại Trường Thực Nghiệm rất xuất sắc nhưng khi các con thi vào Trường Hà Nội – Amsterdam, Giảng Võ thì cũng gần đứng đầu nhưng là… từ dưới lên.

Các bậc phụ huynh có con học Trường Thực Nghiệm cho rằng bởi chương trình học ở trường khá nhàn nên tối các con có học thêm, ngày nghỉ đi nâng cao kiến thức thì cũng là hợp lý, vừa với sức của trẻ.

Trong khi đó, một số phụ huynh khẳng định rằng “Mình đã không chọn nhầm” khi cho con học Trường Thực Nghiệm bởi những ưu điểm nổi bật của chương trình học, sinh hoạt ngoại khóa cũng như cách rèn nếp sống của trường.

Cụ thể, về cơ sở vật chất, mỗi lớp chỉ khoảng 40 học sinh. Đây thực sự là lý tưởng nếu so với sĩ số của các trường công lập có tiếng hiện nay trong khi học phí lại chỉ tương đương.

Chương trình học không hề mang tính nhồi nhét, học vẹt. Cụ thể, thay vì học mặt chữ, tập viết các nét cơ bản, trẻ lớp 1 sẽ được học đồng dao, từ các bài đồng dao học từ đồng âm, tách tiếng, từ tiếng lại tách ra vần rồi mới tới chữ cái… Với môn Toán, trẻ được học về phần tử, tập hợp… trước khi học viết chữ số… và khi học phép toán, trẻ được "trao" cho những kỹ thuật mang tính tư duy như bản chất của phép cộng là tập hợp của các phần tử, hay trong giải phương trình, cần phải xác định được đâu là toàn thể, đâu là bộ phận…. Nghe thì có vẻ cao siêu, rất khó nhưng đối với trẻ lại trở nên vô cùng đơn giản, thích thú hơn nhiều so với học thuộc từng chữ cái rồi mới ghép lại thành vần, hay học thuộc bảng cộng 10 rồi mới làm phép cộng…

Quan trọng hơn là từ những tiết học này, trẻ hào hứng với việc học hành, say sưa học tập bởi mỗi bài học đều rất gần gũi với cuộc sống của trẻ (những đề văn hè vừa rồi em đã làm gì? Tết này em đã đi đâu?…). Học sinh của trường cũng thường hát vang cùng nhau những bài đồng dao hay những bài thơ hay trong sách giáo khoa… Từ những bài văn tưởng tượng tự do về rừng, về biển, các em chia sẻ với bố mẹ mơ ước được thực sự tới những nơi đó…

Giáo viên không chỉ có kỹ năng giảng tốt, thường xuyên sáng tạo trong bài giảng (cho học sinh đóng kịch, học ngoài trời, có nhiều giáo cụ trực quan…) mà còn có thái độ rất công bằng, dân chủ. Mọi học sinh đều được tôn trọng, yêu quý như nhau. Học sinh có cơ hội được ngồi tại các vị trí trong lớp bằng hình thức đảo tổ, đảo bàn theo tuần, theo tháng. Việc bầu các chức danh trong lớp sẽ do các học sinh tự thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên….

Về tình cảm thầy trò, các em thường xuyên thể hiện sự yêu quý, gần gũi với thầy cô. Trẻ hồn nhiên hỏi thăm sức khỏe, tặng cô cái kẹo, chiếc bánh… mà mình có trên tay.

Đặc biệt, nếu như kỹ năng sống mới chỉ được "thổi bùng" lên trong những năm gần đây thì dưới mái trường Thực nghiệm, môn học này đã có từ cách đây hơn 30 năm. Học sinh của trường đều thân thiện, lễ phép, hòa đồng với các bạn, trung thực trong học tập, vui chơi; biết chia sẻ, yêu thương….

Nhưng điều thú vị hơn cả là nhiều học sinh xin tự học tại nhà thay vì đi học thêm bởi trẻ cảm thấy mệt mỏi với việc học thụ động trong khi bản thân tự biết cách tạo ra sự hứng thú, tự xây dựng cho mình tác phong tự lập, tự học, tự tìm hiểu… Đây cũng chính là cốt lõi của “công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại” mà không phải bố mẹ nào cũng nhận ra.

Rõ ràng là cùng một ngôi trường, cùng một công nghệ nhưng vẫn luôn tồn tại rất nhiều ý kiến khác nhau. Điều này phụ thuộc vào quan niệm của cha mẹ trong mục tiêu học tập, tương lai của con cái. Và dường như cũng chẳng có thước đo nào chính xác nhất bởi trường Thực nghiệm nói riêng và nhiều trường điểm khác nói chung sẽ luôn là "mơ ước" của phụ huynh này nhưng lại là nỗi thất vọng của phụ huynh kia…

Nhân Hà

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-595100/truong-thuc-nghiem-hoa-ra-la.htm

Chàng trai Việt lau dọn vệ sinh trở thành tiến sĩ

Posted: 12 May 2012 09:45 PM PDT

Tinh thần hiếu học và phấn đấu vượt khó đã giúp một chàng trai lau dọn vệ
sinh ở khách sạn, rửa bát, dọn bàn ở nhà hàng trở thành một nhà khoa học về vệ
tinh và không gian tại Mỹ với 2 bằng Tiến sĩ, 4 bằng Thạc sĩ cùng nhiều giải
thưởng vinh dự và hơn chục văn bằng sáng chế trong lĩnh vực vệ tinh, truyền
thông di động, và các hệ thống radar.


Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến nhận ‘Giải thưởng Người Mỹ gốc Á của năm’ vào năm
2000 từ tay Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Tiến sĩ Pete Alridge.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến từng làm việc cho phòng thí nghiệm sức đẩy
phản lực của NASA, một trong những phòng thí nghiệm quan trọng nhất của cơ quan
không gian Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ông là đại biểu của NASA trong Ủy ban
Tiêu chuẩn Quốc tế chuyên Tư vấn về Hệ thống Dữ kiện, đóng góp rất nhiều trong
lĩnh vực hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, với rất nhiều công trình nghiên cứu trở
thành tiêu chuẩn quốc tế.

Ông cũng phát minh ra phương pháp tính toán tối ưu hóa đường dây tín hiệu từ
quả đất lên tới phi thuyền và từng được Cơ quan Không gian Châu Âu mời cộng tác
để ứng dụng phương pháp đó cho các vệ tinh phóng sâu vào trong không gian. Ông
thuộc nhóm khoa học gia đầu tiên tham gia vào chương trình dùng máy bay và trực
thăng liên lạc truyền thông với vệ tinh trong không gian tại Mỹ. Rời NASA, ông
về cộng tác với tập đoàn hàng không vũ trụ danh tiếng Aerospace Cooperation, làm
ra một số chương trình vệ tinh tiên tiến. Hiện ông là kỹ sư trưởng, quản lý một
số chương trình của hãng Raytheon, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới chuyên
cung cấp các thiết bị điện tử tiên tiến phục vụ công tác điều khiển và giám sát
trong quốc phòng.

Đến với Tạp chí Thanh Niên hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến từ tiểu bang
California, Hoa Kỳ, sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện thành công đáng nể của
ông.

Tiến sĩ Tiến: Tôi qua đây năm 1979 lúc đang học trường Chu Văn An. Tôi
vừa xong lớp 12, sắp thi tú tài thì 30/4, tôi chạy qua Mỹ. Thời gian đầu mới tới
Mỹ, tôi cũng giống như mọi người phải bắt đầu cuộc sống mới, học tiếng Anh, làm
những công việc như rửa chén, rửa bát. Tôi làm những việc này được vài năm thì
bắt đầu đi học lại.

- Hồi ở Việt Nam, thành tích học tập của tiến sĩ thế nào?

Tiến sĩ Tiến: Tôi thường đứng từ hạng 1 tới hạng 10, chứ không phải
nhất trường. Tôi chơi thể thao môn bóng bàn, là vô địch bóng bàn tỉnh Gia Định
và vô địch bóng bàn Hướng đạo sinh toàn quốc.

Qua Mỹ bắt đầu đi học lại ông bắt đầu từ lớp nào và những
khó khăn ban đầu ra sao?

Tiến sĩ Tiến: Năm đầu tiên tôi vào thẳng đại học luôn. Cũng như các
học sinh ngoại quốc khác tới Mỹ, mình thường giỏi toán nhưng các môn học khác
mình nghe hiểu lờ vờ. Những khó khăn tôi gặp những năm đầu là về ngôn ngữ, phong
tục tạp quán, và những khó khăn về đời sống vừa đi học vừa đi làm. Tôi học 3 năm
thì xong cử nhân. Năm thứ tư tôi lấy bằng cao học rồi học lên tiến sĩ, lấy bằng
tiến sĩ đầu tiên. Tới khi làm việc cho NASA, tôi trở lại trường, vừa đi học vừa
đi làm.

- Đã có bằng tiến sĩ rồi cộng thêm rất nhiều văn bằng
khác, động cơ nào thúc đẩy ông tiếp tục đam mê theo đuổi con đường học vấn?

Tiến sĩ Tiến: Đó là vì công việc làm của tôi làm về nghiên cứu.

- Nhìn lại chặng đường đã qua, tiến sĩ có thể hồi tưởng lại
một vài khó khăn tiêu biểu nhất trong đời của ông là gì?

Tiến sĩ Tiến: Chẳng hạn như lúc tôi mới qua Mỹ. Lúc đó chú tôi làm
việc trong một khách sạn ở San Diego. Chú tôi giới thiệu tôi vào làm dọn dẹp vệ
sinh khách sạn. Công việc này bên đây không phân biệt là dọn phòng vệ sinh nam
hay nữ. Lúc đó tôi bảo là đàn ông ai lại vào lau phòng vệ sinh nữ. Tôi nhất định
không vào. Một kỷ niệm khác tôi nhớ mãi là mười mấy năm về sau này khi làm việc
cho NASA, tôi có quay lại khách sạn này trong một buổi họp quốc tế.

- Mười mấy năm sau khi trở lại nơi từng làm việc thuở hàn vi
trong một vị trí hoàn toàn khác biệt, một người thành công, cảm giác của tiến sĩ
lúc đó thế nào?

Tiến sĩ Tiến: Tôi bồi hồi khi quay lại đó, nhìn khung cảnh những căn
phòng mình từng lau chùi. Tôi nhớ hồi xưa làm việc ở khách sạn này, mỗi lần
khách cần mình mang đồ lên cho họ, mình xung phong lắm, với hy vọng kiếm thêm
tiền tip (tiền thưởng công), mà người khách nào chỉ cho mình 5-10 xu, mình thất
vọng lắm. Khi tôi trở lại khách sạn đó, tôi cho tiền những người làm việc ở đó
rất rộng rãi khi nhờ họ giúp mang đồ cho mình. Vì mình đã trải qua thời gian như
họ, mình mới hiểu đời sống của họ thế nào.

- Khi trở lại, có ai ở đó nhận ra tiến sĩ không?

Tiến sĩ Tiến: Tôi nhận ra họ, chứ họ không nhận ra tôi. Sau thời gian
làm dọn dẹp ở khách sạn, tôi còn làm rửa chén ở nhà hàng, dọn bàn, rồi lên tới
bồi bàn. Tới khi tôi đi học lại, tôi làm công việc trong trường, cùng với sự phụ
giúp của người anh và người chú, tôi cũng đủ sống qua ngày. Lên tới cao học, tôi
được học bổng hoàn toàn trong thời gian lấy các bằng cao học. Học phí lúc học
bằng tiến sĩ thứ nhì do sở làm tôi chi trả. Những khó khăn trong đời sống hằng
ngày đa số là về vấn đề trả tiền nhà. Còn ăn uống thì chẳng dám đi ăn ngoài.

- Những bước đầu khó khăn đó, tiến sĩ có cảm giác mặc cảm,
cảm giác bị người ta nhìn với ánh mắt kỳ thị hay phân biệt không?

Tiến sĩ Tiến: Tôi đi rất nhiều nước và thấy rằng nước Mỹ này là ít kỳ
thị nhất. Họ cho mình cơ hội để làm. Trong cơ hội đó, mình phải làm đúng tiêu
chuẩn họ nghĩ.

- Một câu chuyện thành công luôn có giá phải trả. Với những
cái giá mà tiến sĩ đã trả để có được vị trí thành công hôm nay, nhìn lại, ông
nghiệm ra cho mình điều gì?

Tiến sĩ Tiến: Đối với tôi, ngay từ các công việc nhỏ nhặt nhất như lau
chùi cho tới công việc tôi đang làm hiện thời, lúc nào tôi cũng chú tâm vào làm
việc hết sức mình, không lãng phí. Kinh nghiệm trong đời sống thăng trầm cho tôi
thấy bao giờ cũng vậy, khi mình làm hết khả năng của mình, sự thành công dần dần
cũng sẽ tới. Tùy theo số mệnh mỗi người, có người thành công đến nhanh, có người
chậm. Nhưng khi mình bỏ hết sức ra làm, tôi chắc chắn sự thành công sẽ tới,
không sớm thì muộn. Ông trời không bao giờ bỏ quên những người làm hết sức mình.

- Để thành công, ngoài yếu tố nỗ lực cũng nhờ tới yếu tố may mắn
cộng hưởng với tư chất ham học. Ba tố chất chính đó chiếm tỷ lệ thế nào trong sự
thành công của tiến sĩ?

Tiến sĩ Tiến: Khi còn nhỏ, ba tôi thường bảo tôi lớn lên phải làm kỹ
sư điện, nhưng lúc đó tôi không thích học, tôi chỉ thích đi đánh bóng bàn. Khi
rời Việt Nam, tôi vẫn nghĩ qua Mỹ sẽ sống nhờ vào nghề đánh bóng bàn và sẽ thành
công trong phương diện đó, chứ tôi không nghĩ đến chuyện học hành gì cả. Khi qua
Mỹ, có anh bạn giới thiệu tôi đánh bóng bàn đọ sức với một nữ vô địch của tiểu
bang California. Là vô địch bóng bàn toàn tỉnh Gia Định, toàn trường, và vô địch
của Hướng đạo sinh toàn quốc, tôi nghĩ sẽ thắng cô ta. Nhưng khi ra đánh, tôi
thua cô ấy cả 3 trận. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ vì đánh với vô địch của tiểu bang
thôi mà tôi còn thua, thì làm sao mơ đến vô địch nước Mỹ và làm sao có thể sống
bằng nghề bóng bàn. Tôi thấy không xong, quyết định phải đi học lại. Chuyện này
tôi kể để thấy rằng những dự tính của mình chưa chắc được ông trời chiều lòng.
Mình định thế, nhưng thời cuộc và hoàn cảnh xung quanh cho thấy mình làm không
xong, và mình phải đổi hướng.

- Giữa tư chất hiếu học và nỗ lực phải bỏ ra để thành công,
yếu tố nào vượt trội hơn trong thành công của tiến sĩ?

Tiến sĩ Tiến: Bản chất ít nhất phải chiếm 60%, bản chất của tôi là làm
việc hết mình dù việc nhỏ hay việc lớn. Phải làm tới nơi tới chốn, tôi nghĩ đó
là quan trọng nhất, phải chăm chỉ. Tôi thấy nhiều người có thể là thông minh
vượt bậc, nhưng lại làm qua loa. Còn một người chăm chỉ dần dần sẽ vượt qua mặt
họ.

- Ước mơ thành công đã thành hiện thực, giờ đây nhìn ra tương
lai, tiến sĩ có ước mơ gì cho bản thân mình nữa không?

Tiến sĩ Tiến: Ước mơ sâu xa nhất của tôi là sau này có cơ hội về Việt
Nam đóng góp trong lĩnh vực khoa học.

- Vì sao ước mơ này hiện giờ tiến sĩ chưa hoàn thành được
hoặc bắt đầu được?

Tiến sĩ Tiến: Vì đời sống hằng ngày vì những việc mình phải làm để
'trả nợ đời'. Xong hết rồi mình mới có cơ hội làm những chuyện mình thật sự muốn
làm.

- Nếu có người nhận xét rằng nhân tài người Việt ở nước ngoài
ít người hướng về phục vụ quê cha đất tổ, ý kiến của ông ra sao?

Tiến sĩ Tiến: Tôi không đồng ý. Tôi có nhiều bạn bè thành công khá nổi
tiếng và rất giỏi. Họ có lòng và có suy nghĩ giống tôi, nghĩa là có dịp nào họ
có thể đóng góp được thì họ cũng sẽ sẵn sàng.

Đó là về những khó khăn chủ quan. Thế có yếu tố khó khăn
khách quan nào ngăn cản việc này không?

Tiến sĩ Tiến: Về mặt khách quan, hiện giờ Việt Nam cũng mở rộng. Tôi
không thấy đây là vấn đề. Quan trọng nhất là bản thân mình có thể bỏ thời gian
và công việc để làm những việc đó hay không. Đa số các anh em bạn tôi đều gặp
vấn đề như con còn nhỏ, họ phải nuôi con lớn ăn học. Sau đó họ mới có thời gian
làm những việc họ muốn.

- Người Việt Nam ra nước ngoài có vị trí thành công tỏa sáng
hơn ở trong nước. Những người thành công ở nước ngoài cũng nghĩ rằng nếu họ còn
trong nước thì chưa chắc họ thành công tới được vị trí như vậy. Câu hỏi mọi
người đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có được những nhân vật tài giỏi có những
phát minh khoa học được tôn vinh? Vai trò của người trẻ và của xã hội trong nước
thế nào trong việc đào tạo nhân tài, ý kiến tiến sĩ ra sao?

Tiến sĩ Tiến: Vấn đề này vừa tế nhị vừa phức tạp. Tế nhị ở chỗ những
người ra khỏi nước Việt Nam thành công hơn là khi họ ở trong Việt Nam. Ở Việt
Nam có những người rất giỏi, thông minh vượt bậc, nhưng cách học trong nước theo
kiểu từ chương. Còn cách học bên này không bắt mình phải nhớ mà ngược lại bắt
mình phải hiểu. Ví dụ như học từ chương thì không thể nào lấy được bằng tiến sĩ
bên này. Anh phải nghĩ ra được cái gì mới thì mới lấy được bằng tiến sĩ bên này.
Người lấy tiến sĩ bên này không phải là thành công hơn người ở Việt Nam.

Ở Việt Nam cách học như vậy sẽ đào tạo ra con người như vậy. Làm thế nào để
những người trong nước được phát triển giống những người ở ngoài nước, việc này
phải trở lại nguồn gốc của nó. Cũng cần một thời gian để Việt Nam thay đổi cách
học. Tôi nghĩ 10, 20 năm nữa cách học từ chương tại Việt Nam sẽ bị thoái hóa. Họ
đang cải thiện đường lối giáo dục. Hiện giờ hệ thống internet và sự giao lưu
giữa hai nước Mỹ-Việt rất mở rộng cho nên họ có nhiều thông tin và cũng cập nhật
những dữ kiện bên này.

- Đối với những người bạn trẻ trong nước đang nghe câu chuyện
thành công của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, ông có thông điệp nào muốn nhắn gửi tới
họ?

Tiến sĩ Tiến: Đừng nên câu nệ chuyện mình làm phải tương đương với
bằng cấp của mình. Công việc nào mình cũng nên làm và khi làm thì nên làm hết
sức mình. Đó cũng là lời khuyên của tôi muốn chuyển tới anh em trong nước.

Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Tiến đã dành thời gian cho
cuộc trao đổi này.

  • Theo VOA

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/71990/chang-trai-viet-lau-don-ve-sinh-tro-thanh-tien-si.html

Sẽ xóa bỏ phân biệt bằng cấp trong tuyển công chức

Posted: 12 May 2012 09:45 PM PDT

Đây là một trong những quy định quan trọng trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Hiện tại nội dung dự thảo này đã được gửi đến các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan để tham gia đóng góp ý kiến.

Dự thảo cũng yêu cầu các cơ quan quản lý công chức không tự quy định thêm các loại đối tượng ưu tiên khác ngoài các đối tượng ưu tiên đã được quy định tại Điều 5, Nghị định 24/2010/NĐ-CP khi tổ chức tuyển dụng.

Ngoài sửa đổi, bổ sung điều kiện đăng ký dự tuyển công chức dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức.

Theo đó, có hai đối tượng được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển. Một là người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài được xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển; hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tốt nghiệp thủ khoa ở trình độ đại học tại các cơ sở đào tạo ở trong nước hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài…

Hai là, người có kinh nghiệm công tác theo quy định được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, nếu đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; có thời gian tốt nghiệp đại học và làm công việc phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc và nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn); trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển…

Dự thảo bổ sung hai quy định quan trọng trong quy trình xem xét tuyển dụng công chức không qua thi tuyển. Một là bổ sung thêm đối tượng không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch khi xem xét tuyển dụng công chức không qua thi tuyển đó là viên chức đang giữ chức vụ quản lý từ cấp phòng trở lên trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai là, bổ sung một số trường hợp không phải thống nhất với Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương trước khi quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển. Cụ thể, những người đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thuộc ngành, lĩnh vực cần tuyển, sau đó chuyển sang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang; Viên chức đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch trước 1/7/2003; Những người là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu.

Về mặt hồ sơ của người được đề nghị tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển Bộ Nội vụ bổ sung thêm Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển đối với trường hợp người được đề nghị tuyển dụng hiện không phải là viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu hoặc người đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước.

N.H.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-595200/se-xoa-bo-phan-biet-bang-cap-trong-tuyen-cong-chuc.htm

Trăn trở phía sau cuộc đua mua đơn vào Trường Thực Nghiệm

Posted: 12 May 2012 09:44 PM PDT

Vì đơn, hết cả tình thương

Chất lượng đào tạo của Trường tiểu học Thực Nghiệm đã được các bậc phụ huynh ở Hà Nội truyền tai nhau. Do đó, việc cố gắng đưa con vào ngôi trường này là sự mong mỏi của nhiều gia đình. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất hiện có nên hàng năm nhà trường chỉ tuyển khoảng gần 200 chỉ tiêu vào lớp 1. Nhu cầu của phụ huynh thì quá lớn vì thế chuyện phải xếp hàng thâu đêm để mua đơn dự tuyển luôn xảy ra.

Trong 2-3 năm trở lại đây, không ít gia đình có điều kiện vì ngại cảnh khổ sở "canh" cổng trường nên họ chọn giải pháp "thuê người đi mua đơn". Chính vì thế, sức nóng tiếp tục được gia tăng bởi những người được thuê xác định bằng mọi giá phải có đơn. Cũng từ đây mà cãi vã, thậm chí là đe nẹt lẫn nhau, đã diễn ra vào giữa đêm khuya trước cổng trường tiểu học Thực nghiệm vào rạng sáng nay 12/5.

Chị Hương ở quận Hoàng Mai chia sẻ: "Cả hai vợ chồng đều có mặt ở đây từ rất sớm. Chị có nhiệm vụ trông xe còn chồng thì có trách nhiệm xếp hàng đăng ký. Tuy nhiên tình hình rất là lộn xộn, không có một quy cách nào cả nên chẳng ai phục ai".

Cũng theo chị Hương, mặc dù rất mong muốn cho con được vào học nhưng cả hai vợ chồng xác định là tìm kiếm "cơ may" chứ không đặt mục tiêu bằng mọi giá phải đạt được. "Nghe nói đến cảnh xếp hàng xin học mà chưa được thực tế lần nào. Đi chuyến này cho biết, còn nếu không được thì cũng vui vẻ cho con về trường làng" - chị Hương cười cho hay.


Phụ huynh chen lấn nhau trong cuộc chạy đua sáng nay ở trường tiểu học Thực nghiệm.

Cụ Thành, nhà ở gần trường Thực nghiệm, chia sẻ: "Năm nay tôi có đứa cháu đang sống cùng gia đình ở Thanh Xuân Bắc. Không muốn con cái khổ sở đêm hôm phải lặn lội xuống đây nên tranh thủ ra xếp hàng. Tôi ra từ lúc 3 rưỡi sáng, ấy vậy mà đã có gần 100 người đứng xếp hàng rồi".

"Tôi cũng chẳng biết chất lượng của trường thực sự thế nào nhưng con cái nó nhờ thì phải chịu vất vả một chút. Chắc sức tôi cũng chẳng thể chen lấn được. Hi vọng nhà trường sẽ phát ra nhiều đơn để mọi người khỏi khổ" - cụ Thành bộc bạch.

Sáng nay, khi cổng trường mở ra, đoàn người chỉ biết ào ào đổ bộ vào bên trong cho dù ngay dưới chân họ có người chẳng may bị vấp ngã nằm sõng soài

Nhà trường: Sung sướng gì đâu…, khổ lắm

Không ít người cao tuổi đua cùng giới trẻ chạy vào khu vực phát tích kê nhận đơn than thở: "Tại sao nhà trường không phát nhiều đơn, mới chỉ đăng ký dự tuyển chứ đã được vào trường đâu".

Một giảng viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng "nhẫn nại" xuống trường mua đơn cho cháu lắc đầu bộc bạch: "Tôi cũng đã từng góp ý với Hiệu trưởng là nên phát nhiều đơn. Nhà trường tính toán thu lệ phí thi hợp lý để đảm bảo ai đủ tiêu chuẩn thì vào. Tại sao lại cứ chọn cái cách "chẳng giống ai" khiến cho mọi người phải khổ sở".

Trường học nào chẳng muốn nhận được sự tín nhiệm của bậc phụ huynh nhưng có ai hiểu nhà trường tiến hành đo nghiệm cần nhiều thời gian. Nếu phát đơn không hạn chế thì số lượng người tham gia rất lớn, thử hỏi lúc nào trường mới tuyển chọn xong.

Việc Trường tiểu học Thực nghiệm quyết định hủy không bán đơn mà chuyển vào ngày mai cũng là tính huống bất đắc dĩ. Bởi nếu cố tổ chức bán đơn thì dễ xảy ra mất an toàn mà điều này thì nhà trường hoàn toàn không mong muốn. Thông điệp từ phía Phó hiệu trưởng nhà trường trên loa là sẽ đảm bảo đủ đơn cho các bậc phụ huynh vào ngày mai nhưng đây cũng là giải pháp "xoa dịu" tạm thời, còn thực tế thế nào vẫn còn là một ẩn số.

Bảo vệ của trường không ngần ngại tiết lộ: "Nếu tình hình mà căng quá thì nhà trường hoàn toàn có thể ngừng tuyển sinh năm nay và lúc đó phụ huynh có muốn cũng chẳng được".

Một cán bộ của Phòng GD-ĐT Quận Ba Đình cho hay, mặc dù đóng trên địa bàn nhưng hiện nay Trường tiểu học Thực nghiệm thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ GD-ĐT và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Toàn bộ công tác tuyển sinh đều do Viện đảm nhận chứ không chịu sự giám sát của Phòng hay Sở GD-ĐT.

Nguyễn Hùng

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-595076/tran-tro-phia-sau-cuoc-dua-mua-don-vao-truong-thuc-nghiem.htm

Hồ sơ giảm mạnh, trường gần “lên ngôi”

Posted: 12 May 2012 09:44 PM PDT

Hồ sơ ảo giảm mạnh

Thống kê của các Sở cho thấy lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năm nay hồ sơ ảo giảm mạnh, trung bình mỗi thí sinh nộp 2 bộ hồ sơ. Sở GD-ĐT TPHCM là địa phương có lượng hồ sơ ĐKDT nhiều nhất khu vực phía Nam với 145.714 bộ hồ sơ, nhưng so với năm 2011 thì giảm đến hơn 5.800 bộ. Theo thống kê thì khối A vẫn chiếm nhiều nhất với hơn 66.000 hồ sơ (chiếm tỉ lệ 45,5%). Kế đến khối D1 với 38.046 hồ sơ ( tỉ lệ 26%); khối B có 18.204 hồ sơ ( chiếm 12%). Đáng chú ý, khối mới A1 cũng có đến 15.315 hồ sơ ĐKDT (chiếm 10,5%), trong khi đó khối C lại chỉ có 2.541 hồ sơ, chiếm chỉ 1,7% trong tổng số hồ sơ của toàn thành phố.

Tương tự, tỉnh Đồng Nai năm nay có tổng cộng 48.538 hồ sơ ĐKDT, giảm hơn năm ngoái đến 4.300 bộ hồ sơ. Khối A chiếm số lượng nhiều nhất với hơn 24.000 bộ; khối D có hơn 10.000 bộ; khối B được 8.122 bộ; khối A1 có hơn 3.300 bộ, còn khối C chỉ 1.219 bộ hồ sơ, chiếm chỉ 2,9%.

Các tỉnh như Bến Tre, giảm 3.000 bộ hồ sơ; Bạc Liêu, Vĩnh Long, Lâm Đồng, cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM… giảm khoảng 2.000 bộ. Sở GD-ĐT Cần Thơ cũng giảm gần 1.500 bộ trên tổng số hơn 22.000 hồ sơ; Kiên giang giảm 1.300 bộ. Sóc Trăng, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh… cũng giảm khoảng 1.000 bộ. Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng giảm dưới 500 hồ sơ…

Bà Trần Thị Bạch Tuyết, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết, lượng hồ sơ của tỉnh gần 1.000 bộ, chủ yếu ở bậc CĐ. Bà Tuyết lý giải nguyên nhân giảm là nhờ công tác tư vấn hướng nghiệp tại địa phương nên thí sinh đã biết cân nhắc khi đăng ký, vì vậy lượng hồ sơ ảo giảm mạnh.

Cũng như mọi năm, khối A vẫn được thí sinh lựa chọn, chủ yếu dự thi vào nhóm ngành Kinh tế, Kỹ thuật. Số lượng hồ sơ khối A tại Cần Thơ chiếm 2/3 tổng số dự thi. Tỷ lệ dự thi khối A của các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Kiên Giang và Bến Tre, Vĩnh Long chiếm gần 50% tổng số hồ sơ. Ngược lại, thí sinh ĐKDT vào khối C chiếm tỉ lệ khiêm tốn. Các tỉnh An Giang, Bến Tre, Ninh Thuận, Đồng Nai… tỷ lệ khối C chưa đến 5%.

Trường gần nhà "lên ngôi"

Năm nay, thí sinh có xu hướng chọn thi vào các trường ĐH, CĐ địa phương. Đơn cử như tỉnh Hậu Giang, trong tổng số hơn 6.200 hồ sơ ĐKDT thì hầu hết đều đăng ký vào ĐH Cần Thơ. Tương tự, với tổng số khoảng 63.000 hồ sơ ĐKDT thì hết 2/3 là đăng ký thi vào ĐH Cần Thơ. Còn tỉnh Tiền Giang với hơn 27.000 bộ hồ sơ thì thí sinh ưu tiên thi vào trường nhà là ĐH Tiền Giang với 3.166 hồ sơ, tiếp sau đó mới đến các trường ĐH, CĐ tại TPHCM.

Tương tự, Sở GD-ĐT Kon Tum có gần 7.600 hồ sơ, nhưng đông nhất là thi vào CĐ Sư phạm Kon Tum với 808 hồ sơ; Trường ĐH Quy Nhơn xét vị trí địa lý cũng gần nên thí sinh ở Kon Tum cũng chọn thi nhiều (có 750 hồ sơ đăng ký thi). Cùng tâm lý chọn trường gần, thí sinh ở Phú Yên đăng ký nhiều nhất là vào Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa với 2.457 hồ sơ, kế đến là ĐH Nha Trang: 2.078 hồ sơ, ĐH Phú Yên: 1.328 hồ sơ…

Còn tại TPHCM, vẫn như năm ngoái, ĐH Sài Gòn được thí sinh nộp hồ sơ đông nhất hơn 17.000 hồ sơ trong tổng số gần 150.000 hồ sơ đăng ký. Kế đến là các trường ĐH Tài chính Marketing, ĐH Tôn Đức Thắng, CĐ Kinh tế Đối ngoại với tổng số hồ sơ hơn 8.000 hồ sơ.

Đáng chú, năm nay Trường ĐH Nông Lâm lại hút khá nhiều thí sinh các tỉnh ĐKDT như: Đồng Nai gần 4.700 hồ sơ; Long An hơn 2.500; Tây Ninh khoảng 1.800 hồ sơ; Tiền Giang hơn 2.200 hồ sơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận có khoảng 2.000 hồ sơ dự thi vào trường.

 

 

Lê Phương

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-595127/ho-so-giam-manh-truong-gan-len-ngoi.htm

Hồ sơ thi ĐH phía Nam sai sót tăng đột biến

Posted: 12 May 2012 09:44 PM PDT

Ngày 12/5, các Sở GD-ĐT và đơn vị phía Nam đã bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ cho các trường tại TP.HCM.

 TIN BÀI LIÊN QUAN:

Hồ sơ đăng ký dự thi giảm

Các số liệu từ 30 Sở GD-ĐT và đơn vị phía Nam cho thấy số lượng hồ sơ ĐKDT giảm hơn so với 2011.
Số hồ sơ ĐKDT mà Sở GD-ĐT TP.HCM nhận được là 145.714 hồ sơ, giảm hơn 1.500 hồ sơ so với năm trước. Sở GD-ĐT Đồng Nai cũng cho biết năm nay cũng chỉ thu được 48.530 bộ hồ sơ ĐKDT, giảm hơn 4.000 bộ so với 2011. Tương tự, Sở GD-ĐT Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Long An, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh…cũng thông báo số lượng hồ sơ đăng ký giảm trên dưới 1000 hồ sơ.

 

Bàn giao hồ sơ đăng ký thi đại
học của các đơn vị phía Nam ngày 12/5. Ảnh: HG.

 

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết: Tổng số hồ sơ mà Sở thu được là  14.253 bộ, giảm khoảng 1.000 bộ so với năm ngoái. Lý do giảm vì công tác tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp của các phương tiện truyền thông, trường học được tổ chức khá tốt và hiệu quả. Do đó trung bình mỗi thí sinh chỉ nộp 1-2 bộ hồ sơ, trong khi các năm trước trung bình là 2-3 hồ sơ trên mỗi thí sinh.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho rằng, số lượng hồ sơ giảm không phải là tín hiệu đáng lo mà đây là chứng tỏ thí sinh đã cân nhắc kỹ, không nộp hồ sơ tràn lan như các năm trước.
Khối A, D chiếm ưu thế, khối C và A1 èo uột
Số liệu từ các sở GD-ĐT các tỉnh cho thấy, năm nay lượng hồ sơ ĐKDT khối C vẫn lép vế so với các khối thi khác. Khối A1 lần đầu tiên được tổ chức thi cũng có lượng hồ sơ ĐKDT không đáng kể.

Sở GD-ĐT

Tổng hồ sơ (bộ)

Khối A

Khối D/ D1

Khối C

Khối A1

Đồng Nai

48.530

24.086

10.100 (D)

1.448

3.379

Bình Dương

15.000

  6.634

 

   556

1.325

Đăk Lăk

50.000

23.787

 

3.164

1.541

Bến Tre

20.952

10.638

3.233 (D1)

   918

   953

Vĩnh Long

17.397

  9.060

2.684 (D)

1.046

   685

Bình Thuận

29.435

14.347

5.235 (D1)

1.461

 

Ninh Thuận

13.030

 6.036

2.673 (D)

   789

   794

Sở dĩ lượng hồ sơ ĐKDT vào các ngành tuyển khối C ít, theo lý giải của Sở GD-ĐT các tỉnh, là vì số lượng ngành nghề để thí sinh chọn không nhiều. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng phân tích: "Nếu nhìn một cách tổng quát, có thể thấy các trường có đào tạo các ngành khối C không nhiều trong khi đó khối ngành kinh tế, kỹ thuật thì hầu như trường nào cũng đào tạo. Mặt khác, phần đông thí sinh có tâm lý chọn thi vào các khối ngành kinh tế, kỹ thuật để ra trường dễ kiếm việc làm chứ ít chọn khối ngành xã hội".

Riêng khối thi A1, theo ý kiến của đại diện các sở GD-ĐT thì do là năm đầu tiên tổ chức thi nên các thí sinh còn e dè khi chọn thi khối này. Đồng thời, cũng do thời gian công bố bổ sung khối này muộn nên thí sinh không kịp chuẩn bị ôn luyện để sẵn sàng chọn khối thi này.

Thí sinh phía Nam chuộng trường nào?

Theo nhiều Sở GD-ĐT phía Nam thì năm nay thí sinh có xu hướng chọn trường địa phương vì gần nhà, có nhiều ngành để lựa chọn, cũng như học phí rẻ hơn các trường dân lập, tư thục ở TP.HCM. Một bộ phận thí sinh tiếp tục chọn các trường có tiếng từ nhiều năm nay ở TP.HCM.

Theo văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM, năm nay văn phòng nhận được khoảng 26.044 bộ. Trong đó, ĐH Sài Gòn có lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất. Tiếp đến là ĐH Tài chính – Marketing (1435 hồ sơ), ĐH Y Dược (1325), ĐH Nông lâm TP.HCM (1153), ĐH Công nghiệp (1052). Trong khi đó, ĐH KHXHNV chỉ có 497 hồ sơ đăng ký.

Trong số 145.714 hồ sơ mà Sở GD-ĐT TP.HCM nhận được thì số thí sinh đăng ký vào ĐH Sài Gòn cũng đông nhất (trên 17.000 hồ sơ).

Tương tự, Sở GD-ĐT An Giang cũng cho biết, trong số hơn 21.000 hồ sơ nhận được thì có tới gần 9.000 bộ đăng ký vào ĐH An Giang. Tiếp đó là ĐH Cần Thơ hơn 5.000 bộ và ĐH Y Dược Cần Thơ hơn 900 bộ.

Toàn tỉnh Đăk Lăk có gần 50.000 hồ sơ, thì ĐH Tây Nguyên thu hút tới hơn 15.000, ĐH Công nghiệp TP HCM với hơn 2.700.

Đại diện các Sở GD-ĐT cho biết: Năm nay số hồ sơ sai sót tăng đột biến so với các năm trước. Nguyên nhân là do thí sinh bị "nhiễu" vì tìm kiếm thông tin từ trang web của các trường hoặc tờ rơi mà các trường phát không trùng khớp với thông tin trên trang web của Bộ GD-ĐT. Thông tin về mã ngành, mã trường của một số ĐH, CĐ trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh 2012″ không chính xác. Theo ý kiến chung của các Sở, cần phải duy trì lại cuốn "Những điều cần biết" như các năm trước để tránh việc "loạn" thông tin, gây khó cho thí sinh và Sở trong khâu xử lý hồ sơ.

  • Hương Giang- Phong Trần

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/72010/ho-so-thi-dh-phia-nam-sai-sot-tang-dot-bien.html

Con tăng phí ăn học, bố mẹ thêm lao đao

Posted: 12 May 2012 09:43 PM PDT

 

"Nát tay" lo tiền ăn học cho con

12h30 trưa, khi khách mua hàng đã vắng ,chị Ng. mới nghỉ tay để ghé vào tiệm cơm bình dân gần chỗ chị bán hàng ở chợ Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình, TPHCM). Ngó nghiêng một lúc vào tủ đồ ăn đầy ắp các món, chị Ng chỉ tay chọn cơm đậu hũ sốt cà chua và xin phần nhiều cơm.

Với chị miễn sao cho chắc bụng mà tiết kiệm chứ không cần nhiều thức ăn. "Hai đứa con ăn học, tốn kém vô kể. Mẹ mà ăn ngon thì con chết đói", chị Ng. thật thà gợi đầu câu chuyện.

Quê ở Ứng Hòa (Hà Nội), chị Ng. vào TPHCM bán trái cây để nuôi con ăn học gần mười năm nay. Mùa này chị bán mía, mỗi ngày róc hàng trăm cây nên đôi bàn tay lấm lem của chị cũng bị cắt nát.

Con chị, một cháu đang học ngành Điện ở trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, một cháu học ở TPHCM. Tiền lo cho hai con mỗi tháng là 6 triệu đồng, chưa kể tiền học phí, học thêm… cũng phải xấp xỉ 10 triệu, "đốt sạch" thu nhập của hai vợ chồng. Mới đây, cậu con ở xa xin thêm trợ cấp vì tiền trọ, ăn uống đều tăng chóng mặt.

Chị Ng than: "Khiếp quá. Con mình tiết kiệm lắm, không tiêu pha gì nhiều nhưng giờ thứ gì cũng đắt, các cháu mới phải xin thêm. Giờ tôi bán thêm cả buổi tối, ông chồng đi bốc hàng thuê mà đâu đủ. Mình sống thế nào cũng được nhưng đâu thể để con thiếu ăn đến trường".

Trước tình cảnh trượt giá, khi việc chi tiêu không thể siết chặt hơn, con cái theo học đành xin trợ cấp thêm từ bố mẹ. Thế nên phụ huynh gánh nhiều lo toan nhất. Thực tế khi chi phí ăn học của con tăng, nhiều người đã phải tìm thêm việc làm dù họ đã quần quật quanh năm hay tiết kiệm chi tiêu cho bản thân đến mức thấp nhất có thể.

"Các con đòi… tăng lương rồi! Thêm 700 ngàn mỗi đứa, “lương” con ăn học tăng nhanh hơn lương nhà nước", cô Nguyễn Thị Hà (quê Long An), có hai con đang học đại học hóm hỉnh. Con đi học, mẹ cũng lên Sài Gòn kiếm tiền nên chị hiểu phần nào cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Lâu nay, gánh được khoản trợ cấp cho mỗi đứa 2 triệu/tháng đã vượt sức của vợ chồng cô, nhiều lần họ phải vay nợ để đóng tiền cho con.

Thế nên giờ tăng trợ cấp cho con thêm 1,5 triệu, cô cũng chới với. "Nhưng tiền trọ, tiền ăn, tiền học… cái gì cũng tăng. Mấy đứa cũng kham khổ hết chịu nổi rồi, chứ 2 triệu mỗi tháng mà bao nhiêu thứ cần chi hỏi sao không đói cho được".

 

Cha mẹ "thắt lưng buộc bụng"

Hiện tại cô Anh phải giảm đi nhiều khoản chi tiêu cơ bản trong nhà nhưng chỉ giảm "chạm" vào phần bố mẹ mong giữ cho việc học của hai con không bị đảo lộn. Tuy nhiên, cô lo ngại khi không thể gắng hơn nữa, việc phải xin chuyển cho con sang trường khác có mức chi phí thấp hơn là điều khó tránh.

Cô Anh lo lắng: "Quả thật tôi không dám nghĩ đến điều này vì con đi học đã quen bạn bè, thầy cô…, nếu phải chuyển đi cháu sẽ sốc tâm lý. Biện pháp trước mắt là mình vừa phải kiếm thêm tiền vừa phải tằn tiện đi. Gắng được đến đâu mình tính tiếp đến đó".

Mới đây, Sở GD-ĐT của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đều vừa trình đề án xin tăng học phí bắt đầu áp dụng từ năm học 2012 - 2013. Mức học phí hiện tại đã lỗi thời thì việc tăng học phí là cần thiết góp phần đảm bảo cho việc dạy và học. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu phụ huynh tăng thêm nỗi lo cơm áo gạo tiền theo nghiệp học của con.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-594802/con-tang-phi-an-hoc-bo-me-them-lao-dao.htm

Comments