Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Rối vì những quy chế xếp loại

Posted: 12 May 2012 05:40 AM PDT

Rối vì những quy chế xếp loại

TT – Nhiều giáo viên dạy các môn năng khiếu nói đùa rằng chưa bao giờ "khỏe" như lúc này nhờ việc vào điểm vô cùng đơn giản, mau lẹ và không sợ sai, vì chỉ có hai loại: đạt (Đ) và chưa đạt (CĐ).

Nhưng gần như các cột điểm đều là Đ, hiếm hoi vài ba chữ CĐ cho ra vẻ… tự nhiên.

Giờ học nhạc của học sinh lớp 7A8 Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Có giáo viên thừa nhận không cần tốn công dạy dỗ gì cho hao hơi tổn sức. Bởi học sinh được chia ra hai loại ấy, khỏi dạy cũng có thể phân loại được.

Thay đổi liên tục

Trên thực tế, các môn năng khiếu (thể dục – nhạc – mỹ thuật) lâu nay luôn được xếp sau môn học khác và còn mang dáng dấp của "kẻ phá bĩnh", bởi nếu xếp loại của một trong ba môn này làm "vướng chân" học sinh được xếp loại giỏi học kỳ hay cuối năm, giáo viên chủ nhiệm một là năn nỉ giáo viên năng khiếu nâng xếp loại lên hoặc nếu không xin (hay xin không được) thì sẽ nhìn giáo viên năng khiếu bằng đôi mắt khó chịu.

Dĩ nhiên không phải ai cũng vậy. Tuy điều quan trọng hơn là sự rối rắm bởi những quy chế dành riêng cho môn năng khiếu. Trong vòng vài năm mà quy chế xếp loại thay đổi liên tục. Từ xếp loại bằng chữ (giỏi – khá – trung bình – yếu – kém) đến cho điểm như các môn khác (chỉ có một năm) rồi chuyển lại kiểu xếp loại bằng chữ, bây giờ theo thông tư mới nhất, sức học của học sinh chỉ còn gói gọn vào đạt và chưa đạt yêu cầu. Đến kiểu xếp loại này, coi như chấm hết những lý tưởng, hoài bão của các giáo viên năng khiếu trẻ, luôn xây dựng những tiết học thu hút học sinh bằng đồ dùng dạy học sinh động, bắt mắt.

Cô H.Y.; một giáo viên dạy mỹ thuật tại An Giang, cho biết bây giờ có làm sao cũng vô ích, trừ những em thật sự có năng khiếu yêu thích môn mỹ thuật còn chăm chú học tập, còn lại các em học rất chán, vì các em bảo nhau học làm sao cũng đạt thôi. Vào tiết, học sinh thờ ơ, vẽ vời hát hò lung tung, vớ vẩn, những em ngoan hiền thì vẫn học tốt (sợ bị ghi sổ đầu bài). Cũng dễ hiểu – những bài xuất sắc bị đánh đồng với các bài thường thường (cũng là đạt yêu cầu), không có sự phân biệt rõ ràng như điểm 10 với điểm 5, các em học không có sự phấn đấu.

Ngược mục tiêu

Còn môn nhạc, một thầy giáo dạy môn này tâm sự: "Từ khi xếp loại theo quy chế mới, học sinh học sa sút thấy rõ, bảo nó hát tập đọc nhạc, nó đọc đoạn đầu một khúc, đoạn sau một khúc, hay làm sao vừa đủ đạt yêu cầu thì thôi". Đặc biệt là thái độ thiếu tôn trọng giáo viên của các em thể hiện rõ, nhưng chúng tôi bất lực vì không thể dùng biện pháp gì để khiến các em nể sợ, làm gì cũng vướng vào các chính sách chủ trương giáo dục tích cực, thân thiện. Dù hết lòng thiết kế tiết học tốt, các em cũng không thiết tha tiếp thu hay tham gia xây dựng nữa, hoặc chơi xong tiết đó rồi thôi, tiết sau quên hết những gì vừa được chơi – học ở tiết trước. Bị xếp loại không đạt yêu cầu đồng nghĩa với thi lại, nên cấp trên luôn "nháy mắt" với chúng tôi để hạn chế xếp loại chưa đạt, để học sinh "rộng cửa", và thành tích của trường không bị ảnh hưởng. Làm vậy có đúng theo các tiêu chí trong "chuẩn nghề nghiệp" hay không? Nhưng vẫn phải làm!

Muốn thay đổi cái gì cũng phải lấy ý kiến của những người trong cuộc, tiếp cận gần gũi với hoàn cảnh thực tế, và ít nhất cũng phải áp dụng từ đầu năm học. Giáo viên chúng tôi luôn trong thế bị động, phản ứng nguội, nhưng sai sót thì luôn phải chịu khiển trách…

Năng khiếu thì phải thoải mái, dễ học, nhưng bị biến thành tầm thường, đơn giản thì việc dạy và học chỉ còn con đường đi ngược với mục tiêu giáo dục hoàn thiện con người bằng văn – thể – mỹ.

ANH THY

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/491196/Roi-vi-nhung-quy-che-xep-loai.html

Đạp đổ cổng trường mua hồ sơ lớp 1

Posted: 12 May 2012 05:40 AM PDT

Đạp đổ cổng trường mua hồ sơ lớp 1

TTO – Buổi bán hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 của Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) đã bất đắc dĩ phải hủy vào sáng 12-5 do nhiều phụ huynh quá đà khi tranh chỗ mua hồ sơ, giành một suất học cho con em mình.

Đội mưa chờ mua hồ sơ – Ảnh: Nam Khánh

Trước đó, Trường THCS Thực nghiệm đã dán thông báo rất rõ ràng: không chấp nhận việc phụ huynh tự ý xếp hàng, việc mở cửa phát số thứ tự chỉ bắt đầu từ 6g sáng 12-5. Nhưng từ tối 11-5, bất chấp trời Hà Nội đổ mưa, những phụ huynh có nguyện vọng cho con được vào học tại ngôi trường có tiếng chất lượng này đã tìm cách khẳng định "số thứ tự" nhận hồ sơ bằng cách xếp thành hàng từ đêm hôm trước và ghi danh vào một tờ giấy.

Nỗi lo lắng, căng thẳng của phụ huynh bắt nguồn từ việc trường năm nay giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1, thay vì năm lớp với 180 học sinh như năm 2011, năm 2012 chỉ gọn lại còn bốn lớp với 140 học sinh. Chỉ tuyển các em sinh năm 2006 có hộ khẩu thường trú tại các quận nội thành Hà Nội.

Trường cũng thông báo rõ: chỉ bán số hồ sơ theo số lượng quy định khiến phụ huynh càng sốt sắng tìm cách giành chỗ trước. Chỉ đến 4g sáng nay thì số thứ tự xếp hàng cũng đã trên 140 người. Cuộc chiến bắt đầu âm thầm diễn ra, nhất là ở những người đến sau, nằm ngoài danh sách 140 người đội mưa gió, xếp hàng từ đêm. Nhiều người tìm cách chen ngang, gây ra những vụ cãi vã nhỏ.

Xắn ống quần, đạp đổ cổng trường để chen chân mua hồ sơ – Ảnh: Nam Khánh

Chen chúc nhau trước cổng trường – Ảnh: Nam Khánh

Đạp đổ cửa sắt xông vào mua đơn – Ảnh: Nam Khánh

Len cả qua bụi cây để vào – Ảnh: Nam Khánh

Cho đến 6g, khi trường bắt đầu mở cửa bán hồ sơ theo đúng thông báo thì cả trăm người xô đẩy nhau tạo nên cảnh tượng hỗn loạn khiến những nhân viên an ninh được bố trí cũng bất ngờ. Nhiều người thạo đường vì đã "nghiên cứu" kỹ tìm cách "đột nhập" vào trong bằng cách xuyên qua hàng rào bằng cây. Chỉ vài phút sau giờ mở cửa, chiếc cổng bằng sắt của trường đã bị xô đổ.

6g20, trường đành thông báo hủy buổi bán hồ sơ, yêu cầu phụ huynh ngày 13-5 đến lấy số thứ tự, không tái diễn cảnh xếp hàng và nhà trường sẽ tăng số hồ sơ bán ra so với dự kiến ban đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay đây là trường thuộc hệ thống trường thực nghiệm của Bộ GD-ĐT, ngay cả bản thân ông làm lâu năm trong ngành giáo dục thành phố nhưng nếu muốn xin vào trường cũng rất khó, nên chuyện "gây sốt" đối với tâm lý phụ huynh cũng là điều dễ hiểu.

NGỌC HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/491467/Dap-do-cong-truong-mua-ho-so-lop-1.html

Tôn giáo luôn đồng hành cùng sự nghiệp GD

Posted: 12 May 2012 05:40 AM PDT

Phát biểu tại Hội nghị PGS. TS Lương Ngọc Toản, Phó Chủ tịch Hội KHVN nhận định: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận trong nhân dân và tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng XHCN ở nước ta. Để thực hiện lý tưởng "Tốt đời, đẹp đạo" các tôn giáo đều thống nhất lấy sự nghiệp học tập tiến bộ làm gốc. Do đó, từ khi Hội Khuyến học được thành lập, các tổ chức Hội đã gắn mục tiêu tôn chỉ của mình với các hoạt động nhân đạo của các tổ chức tôn giáo. Chính vì vậy, các tôn giáo luôn đồng hành cùng Hội Khuyến học và ngành Giáo dục và Đào tạo như: Nuôi dưỡng trẻ em bị thiệt thòi, tặng quà và phát học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, vận động giáo dân, phật tử hiến đất xậy trường học, tham gia vào việc xây dựng, phát triển TTHTCĐ, hưởng ứng phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học", " Họ đạo khuyến học"….

Nhân dịp này, đại biểu được nghe 23 bài báo cáo tham luận về việc tham gia công tác "khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" của các lãnh đạo Hội, các vị chức sắc tôn giáo của từng địa phương.

Tiêu biểu như: Chùa  Ôchhuc (thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh):  Tính từ năm 2008 đến nay, Chi Hội nhà chùa đã xây dựng được quỹ khuyến học gần 1 tỷ đồng để cấp phát học bổng cho học sinh hằng năm, như: sách, tập viết, xe đạp, quần áo… Ngoài ra, nhà chùa còn nhận nuôi 15 trẻ mồ côi; vận động bà con phật tử tham dự 369 lớp do Trung tâm học tập Cộng đồng tổ chức, có 1.265 lượt người dự, với các nội dung như: học chữ Khmer, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất, học nghề ngắn hạn … đã góp phần nâng cao dân trí, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Hay như Chùa Kh'leang (phường 6, T.P Sóc Trăng): Hằng năm, nhà chùa đã hỗ trợ hàng chục triệu đồng để nuôi cơm cho  hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo ở vùng nông thôn sâu, vùng xa để đi học phổ thông, Trung cấp nghề, Cao đẳng, Đại học. Những học sinh học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng học giỏi còn được nhà chùa hỗ trợ tiền học, mua phương tiện như: xe đạp, xe honda, cặp da, tập viết… Bênh cạnh đó, nhà chùa còn hiến 8.100m2 đất xây dựng trường BTVH Pali Trung cấp nam bộ. Riêng Ban trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Sóc Trăng, hằng năm còn duy trì tổ chức được 04 lớp học tình thương cho gần 500 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập, ăn, ở miễn phí. Đặc biệt, nhằm thu hút các cháu học tập đông đủ, Ban trị sự còn hỗ trợ cho phụ huynh những em này như: tiền, gạo, các loại nhu yếu phẩm … Với tổng giá trị khoảng 1tỷ đồng/năm.

Còn đối với Giáo xứ Đông Hòa (thuộc huyện An Minh, Kiên Giang), theo đại biểu Linh mục Bùi Văn Tăng, cho biết: Giáo xứ này đã xây dựng được 01 trường Mẫu giáo tình thương có 4 phòng học. Hằng năm, nhà trường đã thu nhận được gần 200 cháu vào các lớp Mẫu giáo; tổ chức dạy cho gần 500 phụ nữ có nghề cắt may để đi làm cho các công ty, xí nghiệp; xây dựng được 3 cây cầu bê tông cho học sinh đi học, với tổng kinh phí 250 triệu đồng; tổ chức cấp phát học bổng, khen thưởng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học, tổng kinh phí gần 50 triệu đồng/năm. Hay như chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dầu, Tây Ninh):  từ năm 1999 đến nay, nhà chùa đã nhận nuôi 76 trẻ mồ côi. Những em này đều được nhà chùa lo ăn học cho đến khi có nghề để tự ổn định cuộc sống. Đặc biệt, năm 2011 nhà chùa còn tặng 400 phần quà cho học sinh nghèo là người Việt Nam đang học ở trường Tiểu học HunSen, thuộc tỉnh Ron Va Che (Campuchia).

Theo đại biệu Đặng Phúc Minh – Phó Chủ tịch Hội KH huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), cho biết: Địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có khoảng 34 xứ đạo. Nơi đây không chỉ phát triển tốt về công tác khuyến học, khuyến tài, các xứ đạo còn được các Linh mục thường xuyên chỉ dẫn, dạy bảo về đạo đức cho tất cả mọi người. Chính vì vậy, nhiều năm liền 34 xứ đạo này đều đạt danh hiệu Giáo xứ " Ba không" : không mại dâm, không xì ke ma túy, không trộm cắp.

Qua điển hình những việc làm của một số tôn giáo trên cho thấy, tuy các tổ chức tôn giáo chưa có công tác cụ thể đối với việc " khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", nhưng mỗi cơ sở đều thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hướng về sự nghiệp giáo dục; Các tổ chức tôn giáo đều nhận thức được sự đúng đắn của chủ trương, chính sách về "khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" của Đảng, Nhà nước.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Trần Xuân Nhĩ , Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: Trong thời gian qua, các cơ sở tôn giáo đã làm mọi cách, vận dụng nhiều hình thức tùy theo tình hình, khả năng của mình với mục đích chung là làm tốt công tác từ thiện, an sinh xã hội: Chăm sóc trẻ khó khăn, mồ côi, bị bỏ rơi; lo chỗ ăn ở, khám chữa bệnh, mở trường lớp, làm đường giao thông….. , đã góp phần thực hiện tốt công tác trong và ngoài nhà trường của địa phương. Những thành tích này đáng được ghi nhận và biểu dương một cách tích cực nhất. Đồng thời, ông còn nhấn mạnh: " Qua Hội nghị lần này, trong thời gian tới các tổ chức tôn giáo cần phối hợp tích cực hơn nữa với các trường, Hội Khuyến học các cấp để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn vì một xã hội học tập phát triển sâu rộng, vững mạnh hơn.

KHEMRINH

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4341/201205/Ton-giao-luon-dong-hanh-cung-su-nghiep-GD-1961163/

Những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10 THPT 2012

Posted: 12 May 2012 05:38 AM PDT

Học sinh (HS) có hộ khẩu trường trú (HKTT) hoặc bố, mẹ có HKTT ở Hà Nội tốt nghiệpTHCS năm 2011-2012 tại các tỉnh, thành phố khác; thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại phòng GD-ĐT nơi HS hoặc bố, mẹ HS đăng ký HKTT.


Học sinh Hà Nội trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, độ tuổi của HS vào học lớp 10 là 15 tuổi, trừ một số trường hợp đặc biệt sau: HS đã được học vượt lớp ở các cấp học trước hoặc HS vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp THCS; HS là người dân tộc thiểu số, HS khuyết tật, HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, HS ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 3 tuổi so với quy định.

HS được phép đăng ký 2 NV vào trường công lập

HS được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào lớp 10 không chuyên và lớp 10 chuyên. Cụ thể, đối với lớp 10 không chuyên, mỗi HS được đăng ký NV dự tuyển vào 2 trường THPT công lập kể cả lớp 10 không chuyên của Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây, xếp theo thứ tự ưu tiên là NV1 và NV2.

HS muốn nhập học tại trường đăng ký NV2 phải có điểm xét tuyển (ĐXT) cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. HS đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2. Khi hạ điểm chuẩn nhà trường chỉ nhận HS đăng ký NV1, không nhận HS đăng ký NV2.

Đối với lớp 10 chuyên, khi đăng ký NV dự tuyển, HS phải căn cứ vào khả năng học tập, số lớp chuyên và lịch thi các môn chuyên. HS được chọn tối đa hai trong bốn trường sau: THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây để đăng ký dự tuyển.

Trong mỗi buổi thi (sáng hoặc chiều) ngày 23/6/2012, HS chỉ được chọn 1 môn chuyên để dự thi. Nếu HS đăng ký NV dự tuyển vào cùng một môn chuyên tại hai trường thì phải đăng ký trường NV1 và trường NV2. Trường hợp HS chỉ có NV vào môn chuyên của một trường hoặc môn chuyên đã chọn chỉ có ở một trường thì đó là trường NV1. HS muốn nhập học tại trường đăng ký NV2 phải có ĐXT cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,0 điểm.

Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh (KVTS), HS (đúng độ tuổi, đủ điều kiện) có HKTT hoặc bố, mẹ có HKTT ở KVTS nào được đăng ký NV dự tuyển vào hai trường THPT công lập của KVTS đó. Các KVTS được phân bố như sau: – KVTS 1: gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ; KVTS 2: gồm các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; KVTS 3: gồm các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy; KVTS 4: gồm quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì; KVTS 5: gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm; KVTS 6: gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; KVTS 7: gồm các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng; KVTS 8: gồm huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì; KVTS 9: gồm các huyện Thạch Thất, Quốc Oai; KVTS 10: gồm quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, huyện Thanh Oai; KVTS 11: gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên; KVTS 12: gồm các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, vào ngày 26/5, Sở sẽ công bố công khai số lượng HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên của từng trường THPT. HS muốn thay đổi NV dự tuyển nộp đơn tại các phòng GD-ĐT trong hai ngày 28 và 29/5. Tuy nhiên, HS chỉ được thay đổi NV dự tuyển giữa các trường trong KVTS đã ĐK; không được thay đổi NV dự tuyển vào các lớp, trường chuyên.

Kết hợp thi tuyển và xét tuyển

Đối với môn Ngoại ngữ thi sáng ngày 21/6, thí sinh sẽ thi bằng Ngoại ngữ đã được học ở cấp THCS (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật). TS dự tuyển vào lớp chuyên Tin học sẽ làm bài thi môn Toán (cùng đề thi với TS dự thi vào môn chuyên Toán). Thí sinh dự tuyển vào lớp chuyên Tiếng Pháp (của Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ), chuyên Tiếng Nga, chuyên Tiếng Trung sẽ làm bài thi môn chuyên là môn Ngoại ngữđã học ở cấp THCS (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật).

 

 

Quy định về điểm cộng ưu tiên, khuyến khích

 

 

 

Điểm cộng thêm dành cho đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên như sau: Cộng 3,0 điểm cho một trong các đối tượng: con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên; con những người được hưởng chế độ như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên;

 

 

 

Cộng 2,0 điểm cho một trong các đối tượng: con Anh hùng lực lượng vũ trang, con Anh hùng lao động, con Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh, bệnh binh và con của người được hưởng chế độ như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động dưới 81%; người dân tộc thiểu số đang sinh sống, học tập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

 

 

 

Cộng 1,0 điểm cho một trong các đối tượng: người dân tộc thiểu số không sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

 

 

 

Chính sách khuyến khích cho các đối tượng đạt giải cá nhân trong các kỳ thi ở năm học cuối cấp được tính theo nguyên tắc: Cộng 2,0 điểm cho HS đạt giải trong các kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức; thi giữa các nước trong khu vực và thi quốc tế; đạt giải nhất (huy chương vàng) trong kỳ thi HS giỏi lớp 9, thi văn nghệ, thể thao do Sở GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành cấp tỉnh tổ chức.

 

 

 

Cộng 1,5 điểm cho HS đạt giải nhì (huy chương bạc) trong kỳ thi HS giỏi lớp 9, thi văn nghệ, thể thao do Sở GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành cấp tỉnh tổ chức; cho HS được xếp loại giỏi ở kỳ thi nghề phổ thông do Sở GD-ĐT tổ chức theo quy định của Bộ GD-ĐT.

 

 

 

Cộng 1,0 điểm cho HS đạt giải ba (huy chương đồng) trong kỳ thi HS giỏi lớp 9, thi văn nghệ, thể thao do Sở GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành cấp tỉnh tổ chức; cho HS được xếp loại khá ở kỳ thi nghề phổ thông do Sở GD-ĐT tổ chức theo quy định của Bộ GD-ĐT; Cộng 0,5 điểm cho HS được xếp loại trung bình ở kỳ thi nghề phổ thông do Sở GD-ĐT tổ chức theo quy định của Bộ GD

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-594798/nhung-dieu-can-biet-ve-tuyen-sinh-lop-10-thpt-2012.htm

Tuyển giáo viên

Posted: 12 May 2012 05:38 AM PDT

Ngày 11.5, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố kế hoạch tổ chức tuyển dụng giáo viên, giảng viên năm học 2012-2013.

Theo đó, ngoài những ứng viên có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, các ứng viên còn lại có sổ tạm trú vẫn được tham gia xét tuyển ở các huyện ngoại thành hoặc các quận huyện có nhu cầu đặc biệt. Từ bậc mầm non đến THPT, Sở tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển. Đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, Sở kết hợp xét tuyển với tuyển chọn trực tiếp qua phỏng vấn hoặc dạy thử. Chi tiết về các điều kiện xét tuyển đối với mỗi giáo viên của từng bậc học và quy trình tham gia xét tuyển được thông báo chi tiết tại www.hcm.edu.vn/phongtccb.

B.Thanh

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120512/Tuyen-giao-vien.aspx

Nguy hại ép con rèn chữ trước tuổi

Posted: 12 May 2012 05:38 AM PDT

- Nhiều bậc cha mẹ vẫn cho con đi rèn chữ viết đẹp tự bậc mẫu giáo, trước khi
vào lớp 1. Tuy nhiên, tác hại của việc này ra sao, không phải bậc cha mẹ nào
cũng biết.

Nhiều cha mẹ mong muốn con mình khi bắt đầu vào lớp 1 đã có thể viết thành
thạo và chữ phải đẹp, muốn con mình không bị chậm so với bạn bè. Do đó, đã có
nhiều bậc cha mẹ ép các bé phải rèn chữ từ lúc còn bé (mới 3 đến 5 tuổi).

Theo thạc sĩ Lê Minh Công, phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng, bệnh viện Tâm
thần TW2, TP.HCM: Trước tuổi đến trường (6 tuổi) khả năng vận động tinh (là
những vận động tinh tế như cầm bút, đồ vật, sử dụng kéo…) của trẻ đang trong quá
trình hoàn thiện. Khớp xương cổ tay, xương ngón tay của trẻ chưa tốt, không thể
uốn các nét chữ được.

Ở lứa tuổi này, khả năng tập trung của trẻ chưa cao. Tất cả những việc diễn
ra xung quanh đều có thể khiến trẻ bị phân tán tư tưởng.

XEM CLIP

Trong khi đó, tập viết chữ đòi hỏi sự tập trung, chú ý cao độ với những yêu
cầu vượt quá khả năng của trẻ như cầm bút đúng cách, ngồi đúng tư thế. Do đó, cố
bắt ép trẻ gò chữ chẳng có tác dụng gì. Ngược lại, nó có thể gây ra hàng loạt
những sự cố ngoài ý muốn của người lớn.

Do tính hiếu động, hoạt bát, trẻ dễ nản lòng với những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ,
khéo léo như viết chữ. Càng bắt trẻ ngồi gò chữ, trẻ càng dễ chán và sợ các giờ
học viết chữ hơn. Hậu quả, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý, gây hại cho
khả năng học tập của trẻ về sau mà có thể gây ra những biến dạng về mặt sinh học
đối với cơ thể trẻ.

Thạc sĩ Công đã phải điều trị cho em bị rối loạn về kỹ năng viết, kỹ năng học
tập do bị ép rèn chữ sớm.

"Việc ép con rèn chữ chỉ giúp thỏa mãn cho bố mẹ chứ không phải cho chính đứa
trẻ", thạc sĩ Công cho biết.

Ngoài ra, ở độ tuổi này, xương các bé còn rất non. Việc ngồi gò theo những
nét chữ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, rất dễ gây vẹo cột sống, vẹo
xương ngón tay…

Trước khi vào lớp một, trẻ chỉ cần được làm quen với cách cầm bút và sự khéo
léo trong việc sử dụng các vật có trong tay. Quá trình này nên được hiểu là để
chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi bước vào đi học.

Bà Trần Thị Thúy, Giám đốc trung tâm rèn chữ đẹp Nét Việt (Q.1 TP.HCM) cho
biết: "Việc dạy viết chữ đẹp phải hướng các em đến với những cảm xúc từ chữ viết
do mình viết ra. Lúc đầu, trung tâm cũng đã có nhận những em chưa vào lớp một vì
"nể nang", nhưng sau đó, trung tâm thấy khả năng viết chữ của các em hạn chế,
nên trung tâm không nhận, đồng thời tư vấn cho các bậc phụ huynh cân nhắc khi
cho con em mình đến học".

Theo một số chuyên gia giáo dục tiểu học, người lớn vẫn có thể xây dựng và
nuôi dưỡng hứng thú học tập cho trẻ bằng cách lợi dụng những trò chơi phù hợp
với lứa tuổi như tô màu, vẽ hình đơn giản…Khi bé đã quen với việc cầm bút, bạn
có thể cho trẻ tập viết chữ cái hoa hoặc chữ thường với khổ chữ lớn nhằm mục
đích chính là giúp bé nhận mặt chữ.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/71893/nguy-hai-ep-con-ren-chu-truoc-tuoi.html

Học sử qua những bài giáo khoa thuộc lòng

Posted: 12 May 2012 05:37 AM PDT

Là một thầy giáo, khi đọc hàng loạt những bài viết về việc học sinh của chúng ta học kém môn lịch sử, lòng tôi rất buồn. Các em không chỉ kém về môn lịch sử mà còn kém về cách ứng xử làm người.

Ngoài những nguyên nhân các chuyên gia đã phân tích, tôi cho rằng giáo dục lịch sử dân tộc, về đạo làm người cần phải dạy kỹ, dạy sâu khi các em còn ở bậc tiểu học. Con đường dễ nhớ và dễ thuộc lịch sử là thông qua những bài học thuộc lòng. Bản thân tôi hơn 40 năm trước, nhờ những bài học thuôc lòng nên có được kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc. Chỉ cần một bài thuộc lòng có tiêu đề là Hồn thiêng sông núi mà đến tận bây giờ kiến thức lịch sử về những năm tháng chống phong kiến xâm lược phương Bắc vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ: "Đã bao lần lũ xâm lăng vô lại/Hán, Ngô, Đường cậy mạnh định gồm thâu/Dải đất nầy nhưng chúng có ngờ đâu/Bị thảm bại trước tinh thần bất khuất/Bạch Đằng giang đành hai phen vỡ mật/Cọc sắt xuyên thuyền giặc ngổn ngang chìm/Quên tuổi già Thường Kiệt phá Khâm Liêm/Tuốt gươm báu trời Bắc phương sáng chói…".

Chỉ vỏn vẹn mấy câu văn vần mà học sinh cũng có thể nắm bắt được một cách khái quát các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta và các vị anh hùng dân tộc đã viết nên những trang sử oai hùng của đất nước. Vậy đó, tái hiện lịch sử với những câu văn vần trong bài học thuộc lòng là con đường không chỉ dễ nhớ mà còn khắc sâu trong tâm trí trẻ thơ lòng tự hào về lịch sử dân tộc để các em yêu thích môn học này.

Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120512/Hoc-su-qua-nhung-bai-giao-khoa-thuoc-long.aspx

Tiến sĩ Mỹ sống nhờ tem phiếu

Posted: 12 May 2012 05:37 AM PDT

Elliott Stegall, 51 tuổi, người da trắng, ông bố của 2 đứa con hiện đang dạy 2 khóa học mỗi học kì ở Khoa tiếng Anh, Northwest Florida State College, Niceville, Florida. Anh và vợ là Amanda hiện đang sống trong một ngôi nhà khiêm tốn cách thành phố DeFuniak Springs, tây bắc Florida 40 dặm.

"Đây là nơi sinh sống của những người nghèo. Con người nơi đây tốt bụng nhưng các ngành công nghiệp không phát triển. Công việc duy nhất của người dân là kiếm sống nhờ các dịch vụ bên bờ biển" –Stegall nói.

Stegall đang theo học chương trình cao học về nghiên cứu phim ảnh ở ĐH bang Florida. Đêm xuống, khi 2 đứa con 3 tuổi và 3 tháng tuổi đã đi ngủ, anh chấm một chồng bài luận hoặc miệt mài với luận án của chính mình, viết về cách mà các bộ phim Hollywood miêu tả những chiến sĩ Việt Nam trở về quê nhà khi họ đã trở thành những người tâm thần. Vợ Stegall  đang bắt đầu học chương trình Thạc sĩ trực tuyến dài 2 năm về Tội phạm học của ĐH bang Florida. Họ nhận phiếu thực phẩm, Medicaid và viện trợ từ WIC (chương trình dành cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em).

Stegall đã giảng dạy ở 3 trường cao đẳng trong hơn 14 năm. Anh cho biết anh đã dạy hơn 24 khóa học về truyền thông, nghệ thuật biểu diễn, nhân văn và anh nhận thấy vị trí giảng dạy ở những lĩnh vực này gần như biến mất cùng sự cắt giảm ngân sách. Khi anh cùng vợ và 2 đứa con bước vào văn phòng WIC địa phương ở Tallahassee, Florida – nơi họ từng sống, anh đã phải gạt bỏ đi sự xấu hổ – một cảm giác thất bại và việc không ai nghĩ rằng anh phải tới đó. Xét cho cùng, anh đã lớn lên trong một gia đình coi trọng kiến thức và sự làm việc chăm chỉ. Cha anh là một mục sư kiêm giảng viên nhân văn, mẹ anh là một giảng viên tâm lý.

"Lần đầu tiên chúng tôi tới văn phòng nộp đơn, tôi cảm thấy như thể mình đã đi từ Đông Âu tới đảo Ellis. Nơi đó đầy những người tới từ mọi nền văn hóa và dân tộc. Tất cả chúng tôi đều nghèo khó và rách rưới trong mắt họ" – anh chia sẻ.

Anh cầm số thứ tự, ngồi ở hành lang đông đúc, đợi một người phụ nữ cộc cằn gọi đến tên. Khi nhìn xung quanh, anh đã suy nghĩ về tình cảnh của mình với tư cách là một học giả chân chính.

"Tôi thường nhìn nhận bản thân với tư cách là một nhà nhân văn học – một người bị thu hút bởi văn hóa con người. Có thể đó là cách để quên đi sự thật khi nhìn vào bản thân. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một trong số những người nghèo".

Stegall đã phải làm những công việc lặt vặt để hỗ trợ thu nhập giảng dạy ít ỏi. Anh từng làm công việc sơn nhà cho tới khi cuộc khủng hoảng nhà ở đã lấy đi những khách hàng của anh. Anh và vợ từng làm phục vụ cho một công ty ăn uống cho tới khi suy thoái kinh tế gây khó khăn cho việc kinh doanh. Họ cũng từng dọn dẹp những căn hộ cao cấp dọc bãi biển Destin. Họ dắt cả 2 đứa con đi cùng vì chi phí trông trẻ quá đắt đỏ.

"Tôi rất biết ơn trợ cấp của Chính phủ. Không có nó, gia đình tôi chắc chắn sẽ nghèo đói và vô gia cư. Tuy nhiên, sống nhờ trợ cấp thực sự rất đáng xấu hổ và tôi luôn nhắc chính mình rằng tôi đã làm điều gì đó sai lầm để bây giờ phải gánh chịu tình cảnh này".

Khi ngồi trong văn phòng WIC cùng gia đình, Stegall đã đổ lỗi cho bản thân. Anh nói rằng anh đã chọn học cao học ngay cả khi thấy nền kinh tế đang sụp đổ, đạo đức đang bị suy thoái và thị trường việc làm thì ngày càng tệ hơn.

"Là một người đàn ông, tôi thấy mình là một kẻ thất bại. Tôi đã cống hiến bản thân cho thế giới của những hoạt động trí não. Tôi đã học một kĩ năng cao cấp. Có lẽ tôi nên học một kĩ năng mà nền kinh tế khuyến khích".

"Bí mật bẩn thỉu nho nhỏ"

Khi hỏi các trợ giảng rằng liệu các hiệp hội học thuật, các lãnh đạo và giảng viên chính thức có biết họ đang phải nhận hỗ trợ từ Chính phủ không, thì những người nhận trợ cấp cho rằng một số người biết, một số người không biết, một số không muốn biết, còn một số thì không quan tâm.

Tại Yavapai College – nơi mà chị Bruninga-Matteau đang giảng dạy, một phát ngôn viên của trường đã viết trong một email rằng trường này "không xem xét tình hình tài chính của các nhân viên toàn thời gian hay bán thời gian".

"Nếu có bất cứ nhân viên nào đang nhận sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ từ Chính phủ thì ban lãnh đạo Yavapai College cũng không tiết lộ thông tin đó. So với các trường cao đẳng cộng đồng khác ở Arizona, các trợ giảng của Yavapai hiện có thu nhập cao thứ 3 trong tiểu bang".

Nhiều cuộc điện thoại gọi tới trường Northwest Florida State College – nơi anh Stegall đang giảng dạy đều không được trả lời.

"Đó là bí mật bẩn thỉu nho nhỏ của giáo dục đại học" – ông William tới từ New Faculty Majority cho hay. "Nhiều lãnh đạo không hề nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này".

John Curtis – giám đốc chính sách công và nghiên cứu của Hiệp hội các giảng viên đại học Mỹ (AAUP) cho biết, ông thường xuyên tiếp xúc với với các giảng viên chính thức – những người không hề nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề việc làm trong giới học thuật. Trong khi đó, nhiều giảng viên chính thức là những người thẳng thắn ủng hộ cải thiện điều kiện việc làm cho các đồng nghiệp của họ trong vấn đề lương bổng. AAUP hiện đang làm việc với các nhóm giảng viên, các hiệp hội học thuật và các cơ quan kỉ luật nhằm nâng cao nhận thức, vì thế "thiếu thông tin không phải là lý do hợp lý".

Một số lãnh đạo các hiệp hội học thuật nói rằng họ ngạc nhiên khi nghe nói về việc các Thạc sĩ, Tiến sĩ đang phải nhận trợ cấp xã hội.

James Grossman – giám đốc điều hành Hiệp hội Lịch sử Mỹ (AHA) viết trong email rằng ông đã tham khảo ý kiến của các nhân viên và "chưa ai trong số các thành viên của Hiệp hội hoặc các sử gia khác từng nghe nói về điều này".

"Không email, không bài đăng hay bài viết trên Twitter. Điều đó không có nghĩa là chuyện đó không có thật. Nó chỉ nói lên rằng các sử gia đang nhận viện trợ không tiếp xúc với truyền thông AHA".

Michael Bérubé – chủ tịch Hiệp hội Ngôn ngữ hiện đại cho biết ông và vợ là Janet từng đủ điều kiện để nhận trợ cấp WIC trong khi họ đang học cao học vào cuối những năm 80.

"Thật tuyệt! Viện trợ đã trả tiền đồ ăn và sữa của Nick. Đó là một loại chương trình phúc lợi xã hội mà các thành viên Đảng Tự do nên bảo vệ. Đó là sự giúp đỡ tạm thời cho tới khi chúng tôi được trả mức lương đủ sống. Mẹ của Janet đã đưa cho chúng tôi thẻ bảo hiểm xã hội của bà, vì thế đây là một sự khuyến khích khác cho ý tưởng phúc lợi xã hội".

Mặc dù, ông Bérubé nói rằng ông không an lòng khi các trợ giảng vẫn đang tiếp tục sống bằng số lương ít ỏi trong thời gian dài ngay cả khi đã tốt nghiệp. Về việc tại sao các tổ chức học thuật không đoái hoài đến việc các Tiến sĩ hiện đang sống bằng phiếu thực phẩm, ông cho rằng câu trả lời đã rất rõ ràng.

"Ai cũng nghĩ rằng có bằng Tiến sĩ gần như sẽ đảm bảo cho bạn một mức lương đủ sống. Vì thế hầu hết các nhà bình luận đều nghĩ rằng giảng viên đại học có thể kiếm được từ 100.000 USD trở lên. Tuy vậy, tôi thường xuyên nghe giảng viên bán thời gian chia sẻ rằng họ chỉ kiếm được chưa đến 20.000 USD. Và chẳng ai tin được rằng bạn có thể nuôi được cả gia đình bằng số tiền đó. Thậm chí sống một mình bằng mức lương đó cũng đã khó khăn, nếu bạn không muốn lúc nào cũng ăn mì ramen".

Nhiều người hi vọng rằng họ sẽ gặp may ngay cả khi tình trạng tài chính của họ đang suy giảm.

Marc Bousquet, trợ lý giáo sư tiếng Anh ở ĐH Santa Clara kiêm biên tập viên sáng lập tờ Workplace: A Journal for Academic Labor cho rằng cái tôi cá nhân, lý lịch bản thân và uy tín là những lý do tại sao vẫn có nhiều người không từ bỏ mong muốn trở thành giảng viên chính thức.


Vai trò của chủng tộc

Bà Kelsky – người đang giúp đỡ các sinh viên cao học, các trợ giảng vô gia cư hoặc đang nhận trợ cấp – cho rằng vai diễn "nữ hoàng phúc lợi" của những người nhân trợ cấp là một ảo tưởng được tạo ra vì mục đích chính trị.

39% người nhận phúc lợi là người da trắng, 37% da đen, 17% là người Hispanic và 3% là người Châu Á – theo dữ liệu của cơ quan Viện trợ gia đình có trẻ em phụ thuộc. Hầu hết hàng chục người có trình độ sau đại học đang nhận trợ cấp đều trả lời rằng họ là người da trắng.

Tuy nhiên, định kiến chủng tộc và văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định có bao nhiêu học giả được phỏng vấn đang đấu tranh với thực tế họ đang phải nhận phúc lợi xã hội.

Lynn, trợ giảng 43 tuổi của 2 trường cao đẳng cộng đồng ở Houston – người đang nhận phiếu thực phẩm và Medicaid, đồng thời đề nghị được giấu họ cho hay: "Người ta không nghĩ rằng người da trắng cần sự giúp đỡ. Đó là quan điểm phổ biến. Nộp đơn xin phiếu thực phẩm thậm chí còn tồi tệ hơn nếu như bạn là người da trắng và cần sự giúp đỡ".

Kisha Hawkins-Sledge, 35 tuổi, người da đen là một bà mẹ đơn thân của 2 cậu con trai sinh đôi. Chị nhận bằng Thạc sĩ tiếng Anh hồi tháng 8 năm ngoái. Chị bắt đầu dạy bán thời gian tại Prairie State College, Moraine Valley Community College, Richard J. Daley College thuộc City Colleges of Chicago trong khi đang học cao học. Chị Hawkins-Sledge cho biết chị kiếm đủ sống cho tới khi có con. Hiện chị đang sống ở Lansing, III.

"Gia đình tôi tăng từ 1 lên 3 người. Thu nhập của tôi không đủ sống, nên tôi phải nộp đơn xin trợ cấp". Hiện chị đang nhận phiếu thực phẩm, trợ cấp WIC, Medicaid và hỗ trợ chăm sóc trẻ em.

Giống như chị Bruninga-Matteau và anh Stegall, Hawkins-Sledge cho biết chị đã từng có định kiến về những người nhận trợ cấp Chính phủ trước khi chính chị bắt đầu phải nhận trợ cấp. "Tôi từng học đại học, cao học. Tôi từng nghĩ rằng phúc lợi xã hội chỉ dành cho những người không đi học và không có việc làm".

Hawkins-Sledge cho hay chị lớn lên với hình ảnh về một bà mẹ làm việc chăm chỉ. Chị học đại học và cao học. Chị cũng đang làm việc chăm chỉ để không trở thành định kiến văn hóa về "nữ hoàng phúc lợi" da đen.

"Tên tôi là Kisha. Bạn nghe thấy cái tên đó và nghĩ tới một cô gái da đen, đeo bông tai lớn, nhận phúc lợi xã hội. Tôi đã làm việc để người ta quên đi màu da, thân hình béo phì và cái tên của tôi. Tôi đi học để nhận được tất cả những bằng cấp này nhằm chứng minh với phần còn lại của thế giới rằng tôi không lười biếng và không nhận phúc lợi xã hội. Nhưng tôi đã phải ở đó và tự hỏi rằng: "Vấn đề là gì? Dù gì tôi cũng đang ở đây".

Hiện Hawkins-Sledge đang có một tin vui. Chị sẽ bắt đầu là giảng viên tiếng Anh chính thức, toàn thời gian tại Prairie State vào tháng 8 tới.

  • Nguyễn Thảo (Theo Chronicle)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/71749/tien-si-my-song-nho-tem-phieu.html

Kinh doanh gì?

Posted: 12 May 2012 05:37 AM PDT

Trong điều kiện kinh tế khó khăn chung như hiện nay, một tổ chức quốc tế đã
khuyến cáo là đối với những đất nước đang phát triển như Việt Nam nên hướng đầu
tư vào hai mảng chính: Y tế và Giáo dục.

Hai Ẩu ngồi bàn với Ba Trợn về gợi ý này. Ba Trợn nói:

- Khuyến cáo này nghe có vẻ hợp lý. Nếu nói ở góc độ vĩ mô thì là nhà nước
đầu tư, còn ở góc độ vi mô thì là doanh nghiệp bọn mình kinh doanh. Kinh doanh
giáo dục không lo bị ế, kinh doanh y tế cũng vậy. Vậy bận giờ mình mở trường tư
để thu tiền học sinh, mở bệnh viện tư để chữa bệnh hay đi buôn thiết bị y tế,
dược phẩm?

Hai Ẩu lắc đầu, không đồng ý:

- Có thể gợi ý trên đúng với quốc gia nào đó, nhưng với Việt Nam theo anh ở
Việt Nam thì theo anh đó lại là hai mảng khác chú em ạ. Hai mảng đó là kinh
doanh danh
kinh doanh tâm linh.

Về kinh doanh danh, dân ta khoái danh hiệu, nên cứ cái gì có liên quan
đến bầu chọn – bình chọn danh hiệu, tôn vinh là nô nức tham gia ngay. Làng xã có
bình chọn cấp làng xã, trường ĐH có danh xưng hoa khôi của trường, quốc gia có
bình chọn cấp quốc gia. Thậm chí quốc tế có bình chọn cấp quốc tế, lúc ấy cả
nước cổ vũ để mọi người bình chọn các thắng cảnh của ta cho nó lọt vô…danh
sách quốc tế. Nếu chả thấy mình có danh hiệu gì, thì tự chế một cái kỷ lục gì đó
để tự phong, như: ở dơ nhất, ngủ nhiều nhất…Cứ làm cái gì đó để gọi là tôn
vinh ai đó thì bao nhiêu tiền người ta cũng trả
, chú em ạ.

Còn kinh doanh tâm linh, anh kể chú em nghe chuyện này: Hôm nọ anh có đi in
một số CD phần mềm nhưng chỗ gia công họ không nhận in vì đã kín lịch sản xuất
rồi. Anh hỏi họ in chi mà nhiều vậy? Nhạc, phi hay software? Họ trả lời rằng
không phải nhạc, phim, cũng không phải software, mà là…kinh Phật, những bài
giảng kinh của các nhà sư nổi tiếng. Không phải vài ngàn bản như software hay
vài chục ngàn bản như CD ca nhạc mà là hàng trăm ngàn bản, chú em ạ. Những CD
này được nhà chùa phát không cho phật tử đến chùa.

Tại hội sách TP.HCM vừa qua, ngoài các gian hàng sách văn học, sách khoa học
kỹ thuật…còn có gian hàng văn hóa phẩm Phật giáo, người ghé thăm đông
nườm nượp.

Giữa thời buổi khó khăn, cuộc sống bất ổn, thì người ta tìm chốn bình yên nơi
tôn giáo, tín ngưỡng là điều hợp lý. Những cơ sở tôn giáo phục vụ nhu cầu tâm
linh của con người rất đáng trân trọng, ta không được phép gọi họ là kinh
doanh tâm linh.
Tuy nhiên, những cơ sở kinh doanh dựa trên nhu cầu rất lớn
này thì có lẽ nên gọi đúng tên là kinh doanh tâm linh. Bản thân việc kinh
doanh đâu có gì là xâu phải không chú em?

Ba Trợn dè dặt góp ý với Hai Ẩu:

- Em thấy cái vụ kinh doanh tâm linh này hơi bị hay à nha. Em sẽ in
sách tử vi bói toán, viết phần mềm bói toán bán qua mạng. Anh Hai thấy có được
hông?

  • Hai Ẩu (Echip)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/71841/kinh-doanh-gi-.html

Tăng lương cho giáo sư

Posted: 12 May 2012 05:36 AM PDT

- Tin giáo dục trên các báo sáng nay bắt đầu “nóng” hơn với các tin liên quan
đến thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Ngoài ra,
tin giáo dục đáng chú ý ngày 11/5 là “thần đồng” lớp 2 giải toán lớp 4 và nói
thông thạo tiếng Anh chương trình lớp 5.

Giáo sư, phó giáo sư được tăng lương

Báo Sài gòn Giải phóng cho hay, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định
20/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ
nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư" ban hành kèm theo Quyết định
số 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Niềm vui của các tân GS, PGS ngày được công nhận. (Ảnh Lê Anh Dũng)

Quyết định mới cũng quy định cụ thể bậc lương đối với GS, PGS. Theo đó, đối
với nhà giáo thuộc biên chế của cơ sở giáo ĐH học công lập, chức danh GS được bổ
nhiệm vào ngạch GS – giảng viên cao cấp (mã ngạch 15.109) và được xếp vào bậc
lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ
số lương đang hưởng; trường hợp đã hưởng lương ở ngạch GS – giảng viên cao cấp
được xếp lên một bậc lương liền kề.

Tuyệt đối không dạy trước chương trình

Theo báo Hà Nội mới, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có yêu cầu các trường mầm non trên
địa bàn tuyệt đối không dạy trước chương trình ở các độ tuổi. Đặc biệt đối với
trẻ 5 tuổi – độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Các trường không được dạy trước chương
trình dưới bất kỳ hình thức nào.

Xuất hiện thần đồng mới


 

Cậu bé Phạm Quốc Khánh và mẹ


Mới chỉ học lớp 2, nhưng Phạm Quốc Khánh (sinh năm 2004) lớp 2C, trường Tiểu
học Hoàng Quốc Việt, TP Quy Nhơn, Bình Định đã bộc lộ nhiều khả năng đặc biệt.
Thông tin được báo điện tử Dân trí đăng tải sáng nay.

Từ lúc 14 tháng tuổi, dù chưa qua trường lớp nào nhưng Khánh đã có thể đọc
các chữ cái, ghép vần, làm tính. Lên lớp 1, em đã làm được toán lớp 3, 4, thông
thạo Anh văn chương trình lớp 5 với một trí nhớ siêu phàm. Ngoài ra, cậu bé còn
có tài tính nhẩm tuyệt vời và một trí nhớ siêu đẳng. Mới học lớp 2 nhưng Khánh
đã thuộc làu bảng cửu chương và nhớ được rất nhiều số điện thoại.

Sinh ra trong gia đình nghèo, với thành tích cao trong cuộc thi giải toán
trên mạng: Giải nhất cấp trường, giải nhì cấp Thành phố và giải 3 cấp tỉnh,
Khánh trở thành niềm tự hào người dân nơi đây.

Gần 20% số lớp tư thục mầm non không phép

Báo Tuổi trẻ online cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có gần
20% số lớp mầm non tư thực không phép. Cụ thể, Hà Nội hiện có 177 trường và trên
800 lớp mầm non tư thục đang góp phần giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp
mầm non. Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT Hà Nội thì có tới 20% lớp mầm non hoạt động
không phép. Phần lớn các nhóm, lớp mầm non không ổn định, thay đổi địa điểm,
nhiều biến động về đội ngũ giáo viên nên việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó
khăn.

Đuổi việc thầy giáo bạo hành học sinh

Cư dân mạng đang bức xúc bởi hành vi nắm tóc nhấc bổng học trò lên cao của
một thầy giáo ở tiểu bang Texas, VTC news có bài viết về vấn đề này.

Patrick Robinson là một thầy giáo dạy thể dục 26 tuổi đã chính thức bị nhà
trường đuổi việc vì đã đối xử tàn nhẫn với học trò của mình. Được đánh giá là
một giáo viên tồi, Robinson liên tiếp dùng bạo lực để hành xử với học sinh.
Không chỉ dừng lại ở mức phạt trên, cảnh sát đã vào cuộc, và giáo viên này có
thể sẽ phải hầu tòa với tội danh hành hạ trẻ em trong thời gian tới.

Viết chữ xấu, học sinh bị đòn nhừ tử

Là tên bài báo đăng trên trang điện tử 24 giờ sáng nay. Chị Nguyễn Thị Cương
(xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai phản ánh việc con trai chị là Lâm Thành Tài,
hs lớp 3/5 trường Tiểu học Hiệp Hòa bị cô giáo là Phạm Thị Duyên (chủ nhiệm lớp
3/5) đánh trong lúc dạy thêm gây nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Cháu Tài kể lại
"Cô bảo con viết chữ xấu nên lấy thước đánh con. Cô còn lấy tay giật tóc con".

Ngoài việc bị tố bạo hành học sinh, cô Duyên còn tự ý mở lớp dạy thêm tại
nhà. Ông Nguyễn Văn Thành, hiệu trưởng trường Tiểu học Hiệp Hòa đã yêu cầu cô
Duyên trên phải dừng ngay việc dạy thêm. Công an xã Hiệp Hòa cũng đã gửi yêu cầu
giáo viên trên đến làm việc.

Hồ sơ đăng ký vào ĐH phía Bắc giảm mạnh


 

Bàn giao hồ sơ thi ĐH sáng 10/5.


Đó là ghi nhận ban đầu tại buổi bàn giao hồ sơ cho các trường ĐH, CĐ phía Bắc
sáng 10/5 được các báo hôm nay phản ánh. VietNamNet cho hay, “đích nhắm”
của thí sinh năm nay vẫn tập trung vào các trường ĐH,CĐ vùng và các trường ĐH
“tốp giữa”; Ngành xã hội và sư phạm tiếp tục “mất mùa”….Xem bài chi tiết

TẠI ĐÂY.

TP.HCM công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10

Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố môn thứ 3 thi vào lớp 10 năm học 2012 – 2013. Cụ
thể, sau môn Ngữ văn và Toán thì Ngoại ngữ là môn thi thứ 3. Xem tin chi tiết

TẠI ĐÂY
.

  • Minh Hiền - Phan Ánh (tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/71818/tang-luong-cho-giao-su.html

Comments