Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Trường sư phạm có sứ mạng đặc biệt trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Posted: 11 May 2012 07:12 AM PDT

(GDTĐ)-Đổi mới quản lý là khâu đột phá, giáo viên là khâu then chốt, do vậy, các trường sư phạm sẽ là những điểm bước ngoặt, tạo bước đột phá trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo – đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận tại Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2012-2015 diễn ra sáng nay (11/5).
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: các trường sư phạm là những điểm bước ngoặt tạo đột phá. Ảnh: gdtd.vn

Sau khi nghe trình bày dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội, trong đó đánh giá các hoạt động của Đảng bộ trường ĐH sư phạm Hà Nội khóa XI nhiệm kỳ 2006-2011, nêu phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ nhà trường trong nhiệm kỳ mới; đồng thời nghe một số ý kiến tham luận của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhiệt liệt biểu dương kết quả mà trường ĐH sư phạm Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Bộ trưởng nhấn mạnh thành quả trong việc nhà trường đã tăng cường và có bổ sung đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện làm việc; đội ngũ giáo viên nhất là đội ngũ có trình độ khoa học cao, GS, PGS, TS, TSKH; công tác hợp tác quốc tế có những tiến bộ, đóng góp vào hoạt động chuyên môn của nhà trường và góp phần nâng cao uy tín của trường, của ngành. Ngoài số lượng đông đảo bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, một số giảng viên, nhà khoa học của trường đã và đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường ĐH lớn, tạo tiềm lực, vị thế cho nhà trường một cách vững chắc.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đồng thời thẳng thắn chỉ ra các thiếu sót, khuyết điểm của nhà trường liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, phát hiện, sử dụng, đánh giá cán bộ; việc chấp hành, thực hiện những chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy, của bộ GDĐT…Từ đó, Bộ trưởng đề nghị nhà trường hết sức chú ý đề phòng bệnh chủ quan tự mãn; bệnh bảo thủ, không cập nhật những vấn đề về đường lối, chính sách, quan điểm, những vấn đề về nghiệp vụ của Đảng…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh: Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Bộ GDĐT đang tích cực chuẩn bị đề án "Đổi mới căn bản toàn diện GDĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", rất cần sự tham gia đóng góp nhiều hơn và chủ động hơn từ các trường, trong đó có trường ĐH sư phạm Hà Nội.

Cùng với đó, hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ mô hình tăng trưởng chủ yếu về số lượng sang mô hình tăng trưởng dựa vào chất lượng và hiệu quả. Trung ương yêu cầu tất cả các ngành, các cấp quán triệt tinh thần trên. Định hướng này trực tiếp nói về kinh tế, nhưng chúng ta với tư cách là một ngành lớn, quan trọng và cung cấp nguồn nhân lực để tạo nên sự đổi mới cho kinh tế thì không đi trước được cũng phải song hành, không được tụt hậu. Như vậy, Chúng ta sẽ xử lý mô hình phát triển của ngành GD-ĐT nói chung và của giáo dục ĐH nói riêng thế nào? Các trường sư phạm sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng thế nào? – Bộ trưởng đặt vấn đề.

Đại hội Đảng bộ trường ĐHSP Hà Nội diễn ra trong thời điểm nhà trường đã tổ chức thành công 60 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2; Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2012-2017. Ảnh: gdtd.vn
Đại hội Đảng bộ trường ĐHSP Hà Nội diễn ra trong thời điểm nhà trường đã tổ chức thành công kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2; Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2012-2017. Ảnh: gdtd.vn

Về vấn đề đổi mới cơ bản toàn diện, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm: Trục đổi mới thế nào vẫn còn phải bàn, nhưng tôi cho rằng, đổi mới quản lý là khâu đột phá, điều này Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định; giáo viên là khâu then chốt, do vậy, các trường sư phạm là những điểm bước ngoặt tạo bước đột phá. Nói như thế để gửi gắm đánh giá hết sức quan trọng đối với hệ thống các trường sư phạm, đặc biệt là trường ĐH sư phạm Hà Nội và ĐH sư phạm TP.HCM.

"Các đồng chí có sự mạng đặc biệt trong chuyện này, đó là tự đổi mới mình một cách căn bản, toàn diện; tham góp với Đảng, Chính phủ, Bộ về việc đổi mới ngành; các đồng chí cũng sẽ đồng thời là người thi công số một trong công cuộc đổi mới" Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu trường ĐH sư phạm lui lại một bước vấn đề thực hiện đa ngành, mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh để bàn giúp Bộ việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Khẳng định rằng, trường ĐH sư phạm là một trong những trường giàu truyền thống, nhiều sinh viên của trường trưởng thành đã trở thành những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Bộ trưởng tin tưởng, ĐH sư phạm Hà Nội với truyền thống và sức mạnh hiện tại của đội ngũ thầy cô giáo, các nhà khoa học, cán bộ quản lý cùng những tiềm năng sẵn có sẽ có những bước phát triển mới trong nhiệm kỳ tới.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201205/Truong-su-pham-co-su-mang-dac-biet-trong-doi-moi-can-ban-toan-dien-GDDT-1961152/

Những lưu ý khi tiến hành đánh giá HS trung học

Posted: 11 May 2012 07:11 AM PDT

(GDTĐ)-Ngày 12/12/2011, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT. Bộ GDĐT đã có Công văn số 8382/CV-BGDĐT ngày 14/12/2011 hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh từ học kì 2 năm học 2011-2012.

Trong quá trình triển khai thực hiện, một số sở GDĐT đã có những thắc mắc liên quan đến đánh giá, xếp loại các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Giáo dục công dân và về tiêu chuẩn xếp loại học lực học kỳ cũng như cả năm học.

HS Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn
HS Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn

Giải đáp những thắc mắc trên, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết:

Về đánh giá, xếp loại các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, điểm a, Khoản 1 Điều 6, Thông tư 58 quy định: "Đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập (sau đây gọi là đánh giá bằng nhận xét) đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, thái độ tích cực và sự tiến bộ của học sinh để nhận xét kết quả các bài kiểm tra theo hai mức:

- Đạt yêu cầu (Đ): Nếu đảm bảo ít nhất một trong hai điều kiện sau:

+ Thực hiện được cơ bản các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra.

+ Có cố gắng, tích cực học tập và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra.

- Chưa đạt yêu cầu (CĐ): Các trường hợp còn lại".

Khi thực hiện quy định trên, các trường và giáo viên cần lưu ý:

Quy định trên nhằm tạo điều kiện cho những học sinh chưa "thực hiện được cơ bản các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra" nhưng "có cố gắng, tích cực học tập và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra" thì vẫn được xếp loại Đ. Như vậy, chỉ có những học sinh không "cố gắng, tích cực học tập và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra" thì mới phải xếp loại CĐ.

Đây là lần đầu tiên kết quả các bài kiểm tra được quy định xếp thành 2 loại (Đ và CĐ) nên có những tác động đến ý thức học tập của học sinh. Các trường cần chỉ đạo giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nhận xét, đánh giá để đảm bảo vừa khuyến khích được những học sinh có năng khiếu môn học, vừa giúp đỡ học sinh yếu tích cực học tập.

Tại các khoản 1, 2, 3 Điều 13, Thông tư 58 quy định một trong các tiêu chuẩn xếp loại học lực học kỳ và cả năm học từ loại Trung bình trở lên là: "Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ".

Theo quy định này, nếu học sinh có 01 môn học đánh giá bằng nhận xét xếp loại CĐ và không thuộc các trường hợp được điều chỉnh xếp loại học lực theo Khoản 6, Điều 13, Thông tư 58 thì học sinh đó không được xếp loại học lực từ Trung bình trở lên. Như vậy, quy định này có tính bắt buộc nhằm nâng cao ý thức, thái độ, động cơ học tập của học sinh đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét.

Về đánh giá, xếp loại môn Giáo dục công dân: Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6, Thông tư 58 quy định:"Kết quả nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh không ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm, mà được giáo viên môn Giáo dục công dân theo dõi, đánh giá, ghi trong học bạ và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm sau mỗi học kỳ tham khảo khi xếp loại hạnh kiểm."

Do mẫu học bạ hiện hành chưa dành đủ chỗ ghi kết quả nhận xét về môn Giáo dục công dân nên giáo viên môn Giáo dục công dân chuyển kết quả nhận xét sau mỗi học kỳ cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm tiếp nhận và ghi nội dung nhận xét về môn Giáo dục công dân cùng với nhận xét của giáo viên chủ nhiệm vào cuối năm học ở phần dành cho nhận xét của giáo viên chủ nhiệm trong học bạ. Từ năm học 2012-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành mẫu học bạ mới phù hợp với các yêu cầu của Thông tư 58.

Về tiêu chuẩn xếp loại học lực học kỳ và cả năm học

Các tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, Điều 13, Thông tư 58 là điều kiện cần và đủ đối với mỗi mức xếp loại học lực. Các tiêu chuẩn quy định đối với học lực từ Trung bình trở lên tại các khoản 1, 2, 3 Điều 13, Thông tư 58 đều liên quan đến kết quả các môn học đánh giá bằng cho điểm và các môn học đánh giá bằng nhận xét. Riêng tiêu chuẩn xếp loại học lực Yếu, Kém quy định tại Khoản 4, 5, Điều 13 chỉ liên quan đến kết quả các môn học đánh giá bằng cho điểm.

Khoản 6, Điều 13, Thông tư 58 quy định 4 trường hợp được điều chỉnh xếp loại học lực: "Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức của từng loại quy định tại các khoản 1, 2 điều này nhưng do kết quả của một môn học nào đó thấp hơn mức quy định cho loại đó nên học lực bị xếp thấp xuống thì được điều chỉnh như sau:

Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại G nhưng do kết quả của một môn học nào đó mà phải xuống loại Tb thì được điều chỉnh xếp loại K.

Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại G nhưng do kết quả của một môn học nào đó mà phải xuống loại Y thì được điều chỉnh xếp loại Tb.

Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại K nhưng do kết quả của một môn học nào đó mà phải xuống loại Y thì được điều chỉnh xếp loại Tb.

Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại K nhưng do kết quả của một môn học nào đó mà phải xuống loại Kém thì được điều chỉnh xếp loại Y."

Khi áp dụng các trường hợp được điều chỉnh theo quy định trên cần lưu ý:

"môn học nào đó" quy định trong Khoản 6, Điều 13 có thể là môn học đánh giá bằng cho điểm hoặc môn học đánh giá bằng nhận xét.

Kết hợp với các quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 13, Thông tư 58 để xếp loại học lực đối với các trường hợp vận dụng sau:

Trường hợp 1: Học sinh có điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 8,0 trở lên; điểm trung bình  môn chuyên từ 8,0 trở lên (đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên); không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; có 01 môn học đánh giá bằng nhận xét đạt CĐ.

Cách xếp loại: Vì học sinh có 1 môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại CĐ nên không được xếp loại học lực từ trung bình trở lên, nhưng đủ tiêu chuẩn xếp loại yếu (vì điểm trung bình các môn học từ 3,5 trở lên, không có môn học nào điểm trung bình dưới 2,0). Trường hợp này thực hiện theo điểm b, khoản 6, Điều 12, Thông tư 58 học sinh đó được điều chỉnh xếp loại học lực trung bình.

Trường hợp 2: Học sinh có điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 6,5 trở lên; điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên (đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên); không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0; có một môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại CĐ.

Cách xếp loại: Tương tự như trường hợp vận dụng 1, theo quy định Điểm c, Khoản 6, Điều 13, Thông tư 58, học sinh đó được điều chỉnh xếp học lực trung bình.

Trường hợp 3: Học sinh có điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán và Ngữ văn từ 8,0 trở lên; điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên (đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên); các môn học được đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ; có 01 môn học có điểm trung bình dưới 2,0.

Cách xếp loại: Học sinh có điểm trung bình các môn học đạt mức G nên đương nhiên đạt mức K. Vì học sinh có 01 môn học có điểm trung bình dưới 2,0 nên học lực bị xếp xuống loại kém. Vận dụng quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 13, Thông tư 58, học sinh đó được điều chỉnh xếp loại học lực Y.

Ngoài 4 trường học quy định tại Khoản 6, Điều 13, Thông tư 58, các trường hợp khác không được điều chỉnh xếp loại học lực mà đều phải thực hiện theo quy định tại các khoản 1,2,3,4,5 Điều 13, Thông tư 58.
Hiếu Nguyễn (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201205/Nhung-luu-y-khi-tien-hanh-danh-gia-HS-trung-hoc-1961149/

Ngành sư phạm giảm sức hút

Posted: 11 May 2012 07:11 AM PDT

Ngày 10.5 đã diễn ra buổi bàn giao HS ĐKDT của TS cho các trường ĐH-CĐ khu vực phía bắc tại Hà Nội. Các trường phía nam sẽ nhận HS vào ngày 12.5. Tuy nhiên, bước đầu có thể nhận diện tình hình nộp HS dự thi của TS trong năm nay.

Nhất kinh tế, nhì y dược, tạm được nông lâm

Mặc dù theo dự báo đến nay ngành kinh tế đã ở mức bão hòa nhưng năm nay khối ngành này vẫn có HS ĐKDT đông nhất. Một số trường nằm trong tốp được TS lựa chọn nhiều là Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Thương mại. Các trường ĐH đào tạo ngành y dược đóng ở các địa phương cũng nhận được nhiều HS. Ngoài ra, một số trường vẫn đứng ở tốp đầu về số TS ĐKDT là Trường ĐH Công nghiệp, Trường ĐH Nông nghiệp và một số ĐH vùng. Đại diện một số địa phương cho biết, năm nay khối ngành nông – lâm đã khởi sắc. Tại nhiều địa phương như: Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương… Trường ĐH Nông nghiệp lọt vào tốp 3 trường có số TS ĐKDT đông nhất.

Khủng hoảng sư phạm và các ngành xã hội

Điều đáng lưu ý năm nay là tình trạng TS nộp HS vào các trường sư phạm và các ngành khoa học xã hội giảm sút. Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa thì năm nay, trong tổng số gần 80.000 HS, ĐKDT chỉ có vài trăm HS đăng ký vào trường sư phạm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 386 HS, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chỉ có 41, Trường CĐ Sư phạm T.Ư có 349. Đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Huế chỉ có 29 trong khi đó những năm trước trường này nhận được hàng ngàn HS của TS tỉnh Thanh Hóa.

Các ngành khoa học xã hội cũng không có nhiều HS, biểu hiện là số HS dự thi khối C thấp nhất trong các khối, không kể khối A1 vì là khối thi mới. Ông Nguyễn Văn Long – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Thanh Hóa phải thốt lên: "Ngành sư phạm sẽ rơi vào khủng hoảng. Năm nay, Thanh Hóa có 75 TS thuộc diện được ưu tiên xét tuyển nhưng không có TS nào đăng ký vào trường sư phạm". Ông lý giải: "TS dự thi vào sư phạm giảm là tất yếu vì ra trường khó xin việc làm. Hiện ở Thanh Hóa còn hàng ngàn giáo viên chưa có việc làm. Với một số ngành khoa học xã hội cũng vậy. Do TS ra trường khó xin việc hoặc việc làm có thu nhập thấp nên không thu hút được người học".

Vũ Thơ

Lỗ hổng miễn học phí sư phạm
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các trường ĐH-CĐ
Lợi thế của ngành sư phạm
Làm mới ngành học để thu hút thí sinh
Tìm ngành dễ có việc làm
Hộp thư tư vấn tuyển sinh

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120510/Nganh-su-pham-giam-suc-hut.aspx

HS lớp 2 giải Toán lớp 4, thông thạo Anh văn lớp 5

Posted: 11 May 2012 07:10 AM PDT

Đó là một số điểm đặc biệt về cậu học trò nghèo Phạm Quốc Khánh (SN 2004) học sinh lớp 2C, Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Khả năng đặc biệt

Như bao em bé khác, Khánh cất tiếng chào đời hoàn toàn bình thường. Đến khi chập chững biết đi và học nói, Khánh bắt đầu bộc lộ khả năng đặc biệt. Lúc mới 14 tháng tuổi, Khánh bắt đầu biết ghép vần, đọc chữ, làm toán. Khi mới học lớp 1, cậu bé đã có thể giải được nhiều bài Toán thông minh lớp 3, lớp 4 và học xong chương trình Anh văn lớp 5 với một trí nhớ siêu phàm.


Để kiểm tra tài giải toán của cháu, tôi lấy cuốn sách bài tập Toán lớp 4 và chọn vài phép tính cộng trừ thông thường thì bé đều đặt phép tính và cộng chính xác đến cả số hàng chục triệu, hàng trăm triệu. Tiếp đến, tôi thử cháu bằng bài toán đố: "Số học sinh của 3 lớp lần lượt là 25 học sinh, 27 học sinh và 32 học sinh. Hỏi trung bình mỗi lớp có bao nhiêu học sinh?" . Thật bất ngờ chỉ trong độ 3 phút đồng hồ Khánh đặt lời giải và tìm ra đáp số chính xác.

Tiếp tục thử tài học Anh văn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiện cháu đọc vanh vách, phát âm chuẩn, chỉ một số từ khó Khánh còn vấp trong cuốn Let's go (tương đương với chương trình học sinh lớp 5 đang học). Không chỉ đọc mà cậu bé còn dịch chính xác đoạn văn ngắn trong sách, có thể hát được cả bài hát bằng tiếng Anh mà cô giáo dạy.

Ngoài ra, Khánh còn có tài tính nhẫm rất tuyệt vời, khả năng nhớ số điện thoại nhanh. Mới học xong lớp 2, cháu đã đọc thuộc làu hết bảng cửu chương.

Anh Phạm Hồng Hà (SN 1967) – bố cháu bé cho biết: "Tự nhiên cháu có khả năng vậy nên gia đình cũng không ép cháu học, cháu tự học chỉ riêng tiếng Anh cháu thích học nên vợ chồng tôi cho cháu đi học ngoài".


Con nhà nghèo học giỏi

Khánh sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ bán cháo lòng và hàng nước mía, bố làm cơ khí tại nhà nhưng do không có vốn, khách hàng ít nên cũng bỏ làm từ nhiều năm nay để phụ việc cùng vợ. Bố mẹ Khánh suốt ngày bận mưu sinh nên ít có thời gian chăm sóc dạy dỗ con. Dù vậy, với khả năng bẩm sinh đặc biệt, Khánh sớm bộc lộ tố chất thông minh vượt trội của mình. Khi bước vào học lớp 1, Khánh đã học lấn lướt hơn nhiều so với tất cả các bạn trong lớp, thậm chí những học sinh lớp trên còn thua xa em.

Nhận xét về cậu học trò "thần đồng", cô Mai Tuyết Hằng – giáo viên chủ nhiệm lớp Khánh tấm tắc khen: “Khánh là một học sinh rất thông minh, đặc biệt là khả năng tính nhẩm rất tốt, so với học sinh trong lớp chẳng có em nào sánh bằng. Nghe ti vi đài báo có nhiều "thần đồng" tuổi nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp dạy học sinh có khả năng hơn người như em Khánh".

Khánh có bảng thành tích học tập cũng thật đáng khen: Hai năm liền em đạt học sinh giỏi toàn diện với các môn thi đều đạt điểm 10; học kỳ 1 năm lớp 2. Đặc biệt, với khả năng thiên bẩm, Khánh còn đạt thành tích cao trong cuộc thi giải toán trên mạng với kết quả: Giải Nhất cấp trường, giải Nhì cấp thành phố, giải Ba cấp tỉnh (năm lớp 1); Năm lớp 2: vòng 10 đạt 300/300 điểm, vòng 15 (cấp thành phố) đạt 260/300 điểm, vòng 18 (cấp tỉnh) đạt số điểm tối đa là 300/300 điểm. Thành tích của em được ghi nhận bằng những tấm giấy khen, những phần quà của nhà trường, thành phố, tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh…


Học giỏi, được mọi người đặt biệt hiệu "thần đồng" nhưng Khánh vẫn cư xử bình thường như bao bạn khác. Trên lớp, emrất ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô, biết giúp các bạn trong lớp cùng học. Về nhà cậu nhóc còn giúp mẹ bê nước mía cho khách.

"Vừa rồi, cháu đăng ký tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh trên mạng nhưng không được dự thi vì kỳ thi chỉ tổ chức cho những đối tượnglàhọc sinh lớp 3 trở lên nên không được tham gia" – chị Bé kể.

Thầy giáo Nguyễn Dũng – hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Quốc Việt cho biết: "Em Khánh là học sinh rất đặc biệt, em có một tố chất thông minh, tư duy Toán rất nhạy. Tôi đưa ra một dãy số, chỉ vày giây em tìm ra đáp số. Nhà trường vô cùng tự hào và hãnh diện về em Khánh".

Được biết, bố mẹ cháu Khánh buổi sáng bán cháo lòng, trưa chiều bán nước mía để lấy tiền nuôi 2 anh em Khánh ăn học. Anh trai Khánh là Phạm Ngọc Hiếu, hiện học lớp 7 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Quy NHơn). Ngọc Hiếu cũng học tốt, 6 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi.


Doãn Công

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-594447/hs-lop-2-giai-toan-lop-4-thong-thao-anh-van-lop-5.htm

Thầy đã thứ tha

Posted: 11 May 2012 06:58 AM PDT

Thầy đã thứ tha

TTO – Một ngày đẹp trời tháng 5, tôi trở về thăm nhà vào kỳ nghỉ hè của trường đại học. Bất chợt chiếc xe dừng lại tại nhà thiếu nhi của thành phố vì bị hư máy. Chúng tôi được một thời gian ngắn dạo quanh trong khi chờ sửa xe.

Tôi thơ thẩn dạo quanh con đường bến cảng bên ngoài tòa nhà. Ngước nhìn ngôi nhà trẻ thơ đã từng gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu, tôi chợt ước mình được bé lại khi bao kỷ niệm ngày xưa cứ dấy lên như từng cơn sóng biển. Nơi đó có bạn bè, có rất nhiều trò chơi, có niềm đam mê múa hát, và có thầy!

Ôi đột nhiên cảm xúc trong tôi ùa về, thật da diết và xấu hổ. Tôi muốn chia sẻ với độc giả câu chuyện về lỗi lầm của tôi và về người thầy mà tôi đã mang ơn, mang ơn rất nhiều vì đã thứ tha cho lỗi lầm ấy.

Năm đó tôi 10 tuổi, là lớp trưởng lớp múa do thầy làm chủ nhiệm. Lớp tôi toàn nữ và rất thân thiết với nhau. Ngày đầu tiên vào lớp, ai cũng sợ thầy té khói vì thầy rất nghiêm với mái tóc muối tiêu và gương mặt đanh sắt.

Với chất giọng không cao, không trầm, thầy bắt đầu sinh hoạt nội quy và cách làm việc của thầy. Quả thật thầy rất nghiêm. Đứa nào không đi đúng giờ hay trang phục không như quy định sẽ bị phạt. Thầy dạy chúng tôi rất nhiều, từ chuyên môn như múa dân gian, balê, cho tới cách tự chăm sóc bản thân khi phải đi diễn ở xa mà không có ba mẹ đi cùng.

Càng học lâu với thầy, tôi càng nhận ra thầy không như vẻ ngoài chút nào. Những lúc tôi lén nhìn trộm thầy, thầy có nụ cười thật tươi, khi thầy cười gương mặt sáng bừng và rất hiền từ. Với trí óc mười tuổi, tôi nhận ra rằng thầy giống như ba tôi, nếu hư sẽ bị phạt, nhưng nếu ngoan thì ba rất hiền và luôn yêu thương tôi. Và thật, thầy rất yêu thương chúng tôi, và tôi cảm thấy rất hãnh diện vì trong ngày bầu lớp trưởng, thầy đã chỉ định tôi vì tôi vốn có những tiến bộ hơn hẳn các bạn khác.

Với vai trò lớp trưởng, tôi quản lý điểm danh, nhắc nhở các bạn mọi điều và giữ tiền quỹ lớp. Hằng tuần tôi sẽ thu quỹ lớp để dành cho việc ăn uống, liên hoan hay mua nước uống lúc tập chương trình… Lần đầu tiên phải giữ món tiền lớn như vậy so với tuổi của tôi, tôi cảm thấy lo ngại nhưng quyết tâm mình sẽ làm tốt.

Tuy nhiên tính tôi hay quên, và về sổ sách ghi chú thì cực tệ. Tôi lại chủ quan với suy nghĩ: "Không sao, mình sẽ nhớ thôi" nên có những lúc thu, chi đột xuất tôi quên ghi lại. Cuối tháng tổng kết, quỹ bị thâm hụt. Tôi sợ hãi hết sức và giấu thầy, tôi tự xin tiền nhà bù vào. Tháng thứ nhất như vậy, tôi tự nhủ tháng sau sẽ cẩn thận hơn.

Nhưng rồi như tính cách vô lo vô nghĩ, không xem trọng công việc, tôi ngày càng sai. Ngày này qua tháng nọ, thời gian trôi tỉ lệ thuận với số tiền âm. Tôi như mắc phải mớ bong bóng không thể nào thoát ra được. Năm đó tôi lớp 9. Tôi sợ hãi không dám nói với ai, kể cả ba mẹ. Lớp cứ thắc mắc sao dạo này không thấy lớp trưởng dẫn lớp đi ăn chè gì cả. Tôi chỉ im lặng. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt thầy. Thầy cũng chỉ im lặng.

Một thời gian, tôi cố gắng bù vào khoản tiền đó và tình hình tạm ổn. Mẹ tôi cũng đã biết chuyện nhưng vì thương con mẹ không nói với ba mà giúp tôi bù vào bằng tiền của mẹ. Sau đợt đó tình hình tạm ổn, bất chợt thầy yêu cầu tôi hằng tháng cần báo cáo quỹ trước lớp. Tôi xấu hổ, cảm thấy như thầy đang nhìn thấu tâm can tôi.

Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, tôi lại không giữ được món tiền đó lần thứ hai. Lúc đó tôi thật sự nghĩ rằng mình không quản lý được tiền, mình thực vô dụng. Tôi quyết định xin nghỉ, với suy nghĩ ngây thơ rằng thầy sẽ không yêu cầu tôi phải trả món tiền quỹ còn lại. Nhưng minh bạch thì phải thế, thầy yêu cầu tôi trả lại món tiền hiện giờ tôi đang giữ. Nhưng hỡi ôi giờ tôi làm gì còn tiền. Tôi trốn thầy, tránh mặt thầy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng không muốn bị xấu hổ, bị kết tội, rằng sau này lớn lên tôi sẽ đi làm trả lại thầy.

Hai tháng trôi qua, hai tháng dằn vặt và xấu hổ, tôi nhớ thầy vô cùng, tôi muốn được thầy giảng dạy biết bao. Và tôi cũng biết nếu tôi không đưa tiền thì các bạn tôi, các cô và tất cả mọi người sẽ biết tôi đã xấu xa thế nào. Tôi cảm thấy như một sự sụp đổ, chắc sẽ không ai còn muốn chơi với tôi, không thầy cô nào còn thương tôi, tôi sẽ không bao giờ trở về đây được nữa.

Tôi nghĩ rất nhiều và rồi tôi quyết định đến thú tội với thầy. Tôi hồi hộp, sợ hãi, nghĩ đến mọi thứ xấu xa nhất… còn thầy thì ngược lại, rất vui khi gặp tôi. Thầy cố tình nói chuyện thật vui, tôi cảm thấy thế và bớt đi nỗi sợ. Tôi không muốn che giấu nữa, tôi khóc òa trong xấu hổ. Thầy hỏi tại sao tôi lại khóc. Tôi đã kể sự thật với thầy tất cả, về những lỗi lầm, về những nỗi sợ,…

Ôi, thầy ơi, thầy đã bao dung biết bao. Thầy vỗ về tôi và cho tôi hay thầy đã giải quyết mọi chuyện từ lâu rồi. Không ai biết tôi đã từng sai lầm như thế, không ai ghét tôi, không ai thành kiến với tôi. Tôi vẫn là lớp trưởng lớp múa đáng yêu trong mắt thầy cô và bạn bè như ngày nào, và tôi hoàn toàn có thể trở lại đây nếu tôi muốn.

Tôi chết lặng, không thể ngờ mọi chuyện lại có thể tốt đẹp như thế. Tôi không biết nói gì, giờ đây tôi ước tôi có thể nói lời cảm ơn thầy hàng ngàn lần lúc ấy. Nhưng tôi đã không nói. Thầy nói trong đời người ai cũng có sai lầm. Quan trọng là người đó đã nhận ra sai lầm và sửa chữa.

Tôi nhớ mãi câu nói của thầy ngày ấy: "Thầy cho học trò cả cuộc đời, không lẽ không cho được món tiền nhỏ ấy sao?". Nhưng thầy ơi, thầy biết không, đó không chỉ là món tiền nhỏ, mà còn là cơ hội, là tương lai cho em bước tiếp vào đời.

Vì thầy, em sẽ không bao giờ phạm vào sai lầm này một lần nữa. Em sẽ không đền đáp thầy bằng một món tiền, mà em đền đáp bằng những thành công, bằng một con người tốt của xã hội, thầy mong thế đúng không thầy?

Gần bảy năm trôi qua, em chưa một lần về thăm thầy. Ngày ấy, em quá ngây ngô không biết đến cả số điện thoại hay nhà của thầy, rồi guồng quay học tập và cuộc sống làm em gần như lãng quên người thầy của em. Thầy ơi, thầy đã cho em một con đường, lẽ nào em không đi tốt sao?

Tiếng còi xe vang lên báo hiệu xe đã sửa xong, nhưng tôi không trở lại xe nữa, tôi quyết định bước vào nơi xưa để tìm lại thầy tôi và nói lời cảm ơn chân thành nhất.

DANH THỊ HỒNG NHUNG (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/487897/Thay-da-thu-tha.html

Bàn thảo vấn đề cốt yếu để phát triển GD ĐH,CĐ

Posted: 11 May 2012 06:58 AM PDT

(GDTĐ)-Hôm nay (10/5), Hội thảo khoa học toàn quốc "Đổi mới công tác giảng dạy, NCKH và quản lý giáo dục ở các trường ĐH, CĐ" đã diễn ra tại trường CĐ Sư phạm Hà Nội.
Hội thảo khoa học toàn quốc "Đổi mới công tác giảng dạy, NCKH và quản lý giáo dục ở các trường CĐ". Ảnh: gdtd.vn

Với sự tham gia của giảng viên, nhà khoa học đến từ các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc, hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến thực trạng giáo dục ở trường CĐ, đổi mới công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với hình thức đào tạo hiện nay, đặc biệt là khi các trường ĐH, CĐ đang chuyển từ hình thức đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Nhiều nhà khoa học đã trình bày những nội dung sâu sắc liên quan đến vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục; đổi mới công tác giảng dạy ở trường CĐ Việt Nam; vấn đề giải pháp và tháo gỡ các khó khăn trong đào tạo tín chỉ hiện nay; đề xuất nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn; vấn đề nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học của giảng viên…

Ngoài ra, hội thảo cũng dành thời gian buổi chiều để trao đổi về vấn đề biên soạn giáo trình dùng chung cho các trường CĐ.

Theo TS. Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐSP Hà Nội, công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý là các vấn đề cốt yếu, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, với bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức đã đặt ra cho giáo dục những thách thức mới. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu phát triển cao của xã hội đang là áp lực cho các trường ĐH, CĐ. Điều này đòi hỏi cần phải có một sự thay đổi toàn diện về phương pháp, nội dung, hình thức tổ chức quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201205/Ban-thao-van-de-cot-yeu-de-phat-trien-GD-DHCD-1961134/

Những lỗi khiến TS bị đình chỉ, hủy kết quả thi tốt nghiệp THPT

Posted: 11 May 2012 06:58 AM PDT

(GDTĐ)-Có những vi phạm khiến thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tới không những bị huỷ kết quả thi mà còn bị cấm thi từ 1 đến 2 năm.
Chuyển giấy nháp cho TS khác hoặc nhận giấy nháp của TS khác sẽ bị đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi

Theo quy chế mới của Bộ GDĐT, thí sinh bị đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau:

Mang vào phòng thi tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng);

Sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi;

Nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng);

Chuyển giấy nháp cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp của thí sinh khác;

Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau) bị giám khảo phát hiện.

Thí sinh bị huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau:

Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo;

Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi;

Khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.

Trường hợp chép bài của thí sinh khác hoặc cho thí sinh khác chép bài của mình bằng bất cứ hình thức nào sẽ bị ảnh cáo trước Hội đồng coi thi.

Bộ GDĐT cũng quy định, đối với các trường hợp đi thi hộ sẽ huỷ kết quả thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục tại các kỳ thi cùng năm; buộc thôi học nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm.

Hiếu Nguyễn

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201205/Nhung-loi-khien-TS-bi-dinh-chi-huy-ket-qua-thi-tot-nghiep-THPT-1961128/

Comments