Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đồng Tháp: 30% công chức có mặt chỉ để lãnh lương

Posted: 07 May 2012 07:01 PM PDT

Đồng Tháp: 30% công chức có mặt chỉ để lãnh lương

TT – Ngày 7-5, hơn 400 sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp đã tham dự buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành của tỉnh.

Nhiều sinh viên đã "chất vấn" những vấn đề nóng tồn tại nhiều năm qua như: trong khi các sở, ngành, địa phương luôn kêu thiếu nhân lực, nhưng thực tế sinh viên tốt nghiệp ra trường rất khó xin việc tại tỉnh.

Nhiều sinh viên ra trường phải làm những việc trái với ngành nghề đào tạo, nguyên nhân là có nhiều cán bộ, công chức năng lực, trình độ hạn chế đã "giành" suất biên chế tại cơ quan đó rồi.

Ông Lê Minh Hoan thừa nhận thực trạng mà sinh viên nêu ra. Ông nêu dẫn chứng: hiện có 30% cán bộ, công chức làm việc tốt, 30% làm việc cầm chừng và 30% có mặt chỉ để lãnh lương, nếu không có họ cũng không ảnh hưởng gì tới công việc cơ quan đó.

Tới đây tỉnh Đồng Tháp sẽ điều chỉnh lại công tác tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên ông Hoan cũng yêu cầu sinh viên cần thay đổi suy nghĩ "hễ tốt nghiệp ĐH là phải làm việc ở các cơ quan Nhà nước". Điều này hoàn toàn không phù hợp với tình hình hiện nay. Nơi thu hút nguồn nhân lực lớn nhất là các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác.

THANH TÚ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/490700/Dong-Thap-30-cong-chuc-co-mat-chi-de-lanh-luong.html

Lối sống thực dụng lên ngôi

Posted: 07 May 2012 07:00 PM PDT

Lối sống thực dụng lên ngôi

TT – "Hãy phân tích những điều kiện kinh tế – xã hội khiến đa số thí sinh chọn thi vào khối ngành kinh tế, quản trị trong khi lại rất ít thí sinh chọn thi vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ".

Thạc sĩ Lâm Tường Thoại (ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho thí sinh quan tâm đến nhóm ngành kinh tế năm 2012 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Đó là nội dung đề thi giữa kỳ môn nhập môn xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM mới đây.

Trong 90 bài thi của sinh viên khoa luật kinh tế, hầu hết bạn trẻ lý giải việc chuộng kinh tế là vì dễ đậu (nhiều trường tuyển sinh), dễ xin việc, đa dạng việc làm, theo trào lưu của bạn bè, "sĩ diện" của gia đình và ảnh hưởng lối sống thực dụng, coi trọng vật chất. Ngược lại, nhiều bạn "chê" ngành xã hội bởi cho rằng không có tương lai, thu nhập thấp, khó tiến thân và mơ hồ về cơ hội việc làm.

Sức ép thực dụng

Nhiều sinh viên đã đưa ra nguyên nhân khiến giới trẻ lao vào khối ngành kinh tế là do ảnh hưởng từ lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền. Bạn Minh Tâm viết: "Khi chọn ngành, chúng tôi thường bị sức ép đầy tính thực dụng từ xã hội, gia đình và cả bản thân. Trong khi đó ngành kinh tế dễ học, dễ xin việc làm khi ra trường và cơ hội thăng tiến cao. Mục tiêu trong tương lai của nhiều bạn trẻ là có cuộc sống dư dả, thoải mái. Để đạt được mục tiêu ấy, đơn giản nhất là lựa chọn cho mình một ngành nghề có thể "hái" ra tiền trong tương lai".

Tương tự, bạn Hoàng Diễm My dẫn ra thực tế lối sống vật chất, xa hoa đập vào mắt giới trẻ hằng ngày đã ảnh hưởng đến cách chọn ngành của các bạn. "Một bên tổ chức đám cưới cho con hàng chục tỉ đồng, giới showbiz dùng hàng hiệu, đi "xế hộp" bạc tỉ. Trong khi đó nhiều cụ già vẫn phải còng lưng đi ăn xin, nhiều gia đình con bệnh thiếu vài trăm ngàn đồng cũng phải bó tay chờ chết. Điều này thôi thúc giới trẻ ham muốn có nhiều tiền để đáp ứng điều kiện cho bản thân và gia đình. Ngành kinh tế nằm trong tầm ngắm này" – Diễm My viết.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Minh Trí đưa ra nguyên nhân khác như nhiều doanh nghiệp, ngân hàng mở ra nên nhu cầu tuyển dụng nhiều, lương cao, thưởng hậu hĩ… "Tâm lý này đánh thẳng vào học sinh nên không có lý do gì các bạn không nghiêng về kinh tế. Như một phản ứng dây chuyền, hết năm này đến năm khác thí sinh đều chọn ngành kinh tế như một giải pháp an toàn mà bỏ qua đam mê, sở thích thật sự của mình" – Trí kết luận.

"Quay lưng" với ngành xã hội – nhân văn

Điểm đáng chú ý là trong nhiều bài thi, sinh viên đã nêu ra nguyên do khiến giới trẻ "quay lưng" với ngành khoa học xã hội và nhân văn là bởi ấn tượng xấu từ bậc phổ thông. Một bạn viết: "Có sự phân biệt ngầm giữa môn học chính, phụ ở các trường phổ thông. Các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ luôn được thầy cô dạy rất kỹ. Ngược lại các môn văn, sử, địa dường như chỉ được dạy cho hết sách mà không quan tâm học sinh có tiếp thu được hay không. Chương trình học nặng nề khiến học sinh càng thêm sợ môn xã hội. Do đó, sẽ khó có học sinh tiếp tục chọn học các môn này khi lên đại học".

Bên cạnh đó, nhiều bạn xem ngành xã hội là "hạng hai" bởi khó tìm việc làm, lương thấp. Một sinh viên viết: "Ngành khoa học xã hội và nhân văn chỉ làm trong các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, phải nghiên cứu sâu lý thuyết và làm việc theo khuôn khổ máy móc chứ không sáng tạo. Học ngành này phải đi vùng sâu vùng xa và khó có cơ hội thăng tiến. Ngành xã hội chỉ được hư danh mà không có tiền tài, trong khi xã hội hiện nay xem kinh tế, tiền tài là chủ chốt".

Một sinh viên khác lại cảm nhận đa số người dân vẫn còn "miệt thị" khối ngành xã hội, nhân văn. Vì vậy các ông bố, bà mẹ dù biết sức con mình không đủ nhưng cũng ép con thi vào khối ngành kinh tế. Bởi các thí sinh thi vào khối ngành kinh tế thường được mọi người đề cao, nể phục, trong khi khối ngành xã hội có những ngành học sinh chưa được nghe tới ở phổ thông như tâm lý học, Đông Nam Á học… Ngoài ra, bạn trẻ dẫn thêm nhiều nguyên nhân khác khiến ngành xã hội ngày càng bị lãng quên như quy mô đào tạo các ngành văn học, lịch sử, địa lý, triết học, nhân học ngày càng thu hẹp dần, sự phân bổ tiền lương không hợp lý giữa các nhóm ngành…

HÀ BÌNH

Không phải lỗi của các em

Thạc sĩ Lê Minh Tiến – người ra đề thi – nói: "Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn đã được cảnh báo từ lâu về thiếu người học. Tôi muốn nghe chính sinh viên – người trong cuộc – suy nghĩ thế nào về vấn đề này. Qua thể hiện trong bài thi, tôi nhận thấy các em đều nói xu thế chọn ngành nghề của giới trẻ hiện bị ảnh hưởng bởi trào lưu xã hội đề cao yếu tố kinh tế. Phần lớn các em lựa chọn theo đám đông. Sự lựa chọn như vậy tạo ra tâm lý an toàn hơn là dấn thân theo sở thích, đam mê, sở trường. Đáng lưu ý là các em nhận rõ những điểm yếu của ngành xã hội và nhân văn chưa được đầu tư, ưu đãi tốt. Các em cũng phê bình lối đào tạo nặng về sách vở của các môn xã hội ở bậc phổ thông. Chính ấn tượng xấu ở bậc phổ thông làm tăng thêm nỗi sợ hãi của các em về ngành xã hội và nhân văn.

Ngoài ra, sự vận hành của xã hội quá chú trọng về kinh tế, người mạnh là người có tiền đã tác động thẳng vào các em theo kiểu "có tiền mua tiên cũng được", "kẻ giàu là kẻ mạnh", "có tiền là có công lý" chứ không phải người có tri thức, có văn hóa mới là kẻ mạnh. Việc chậm đổi mới về phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy các môn xã hội và nhân văn ở bậc phổ thông và cách xã hội vận hành nặng về đề cao giá trị vật chất đang tác động mạnh đến xu thế chọn ngành của giới trẻ. Đây không phải là lỗi của các em".

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/490699/Loi-song-thuc-dung-len-ngoi.html

Rút ngắn khoảng cách chất lượng để hạn chế chạy trường

Posted: 07 May 2012 07:00 PM PDT

Rút ngắn khoảng cách chất lượng để hạn chế chạy trường

TT – Bộ GD-ĐT vừa có đề nghị UBND các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với các sở GD-ĐT chủ động có những biện pháp kiên quyết nhằm ngăn ngừa tiêu cực xảy ra như quá tải cục bộ, chạy trường, chạy lớp…

Ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho biết: Tình trạng quá tải cục bộ, tình trạng chạy trường, chạy lớp diễn ra ở các thành phố lớn xuất phát từ thực tế chất lượng giáo dục giữa các trường trên cùng một địa bàn, đặc biệt là giữa trường công và tư, còn có khoảng cách xa…

Bởi vậy, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo hàng loạt giải pháp như phân bố mạng lưới trường lớp hợp lý, nâng chất lượng giáo dục để xóa dần khoảng cách giữa các trường trong cùng cấp học, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho cha mẹ học sinh.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/490695/Rut-ngan-khoang-cach-chat-luong-de-han-che-chay-truong.html

Nói chuyện "người lớn" với con trẻ như thế nào?

Posted: 07 May 2012 07:00 PM PDT

Chia sẻ tại hội thảo "Nói chuyện giới tính với con có khó không?" do Công ty Tâm lý Trẻ tổ chức tại Nhà thiếu nhi Q.1, TPHCM sáng 5/5, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng người lớn thường lúng túng khi đề cập đến sức khỏe giới tính, tình dục với con. Một số người lại cho đó là chuyện "bậy bạ" cũng như sợ "vẽ đường cho hươu chạy" nếu như cởi mở chia sẻ nên dẫn đến việc họ thường tìm cách để né tránh.


Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng người lớn vẫn né tránh việc giáo dục giới tính thẳng thắn và khoa học với trẻ.

Bà Minh Huệ dẫn chứng bà đã gặp tình huống, HS lớp 5 được học cơ chế thụ thai là do tinh trùng gặp trứng liền thắc mắc: "Làm sao tinh trùng gặp được trứng?", cô liền đẩy: "Em về hỏi mẹ". Khi trẻ về hỏi mẹ thì bị la, có người… trả con về chỗ cũ: "Con đến hỏi cô".

"Điều này dẫn đến việc trẻ sẽ phải “tự bơi” mà không biết đâu là đúng, đâu là sai. Tất cả các bệnh bác sĩ đều khuyên phòng bệnh hơn chữa bệnh, mà sao riêng về sức khỏe giới tính, tình dục… chúng ta cứ lăn tăn để rồi đến khi con "mắc bệnh", mới tá hỏa tìm thuốc chữa?", bà Huệ nói.

BS David TD Phạm(Richardson Medical Clinic, Texas, Hoa Kỳ) bày tỏ, ông hiểu được tâm lý của phụ huynh Việt Nam làlo lắng nếu như mình nói với con về tình dục, về các phương pháp thai thì chúng sẽ "đu" ngay theo chuyện này. Đây là một quan niệm sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng mà trẻ phải gánh chịu.

Qua nhiều chương trình tư vấn, hai chuyên gia này cho hay rất nhiều HS cấp 2 đã biết về bao cao su, về thuốc tránh thai… Đây là một điều rất nguy hiểm đối với những em chưa biết gì vì các em tuổi này thích chứng tỏ ta đây sành sỏi, không thu kém bạn bè nên sẵn sàng chứng minh… mình biết. Vì thế, được giáo dục giới tính một cách khoa học, chính xác là điều cần thiết với bất kỳ đứa trẻ nào.

Cách nói chuyện "tế nhị" với con

BS David TD Phạm khuyến cáo, việc giúp trẻ nhận biết giới tính, phụ huynh phải bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ, từ ngày còn tắm cho con. Còn độ tuổi cần thiết để trao đổi với trẻ vấn đề giới tính hiện nay là lúc trẻ khoảng 11 tuổi, giai đoạn bắt đầu dậy thì là lúc trẻ có những biến đổi về tâm sinh lý lớn nhất.

Trong trào lưu và môi trường sống phức tạp như hiện nay, chúng ta phải thẳng thắn cho trẻ biết về cách tránh thai, cách tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Qua đó, còn giúp trẻ hiểu được rằng, bố mẹ là nơi nâng đỡ tinh thần cho mình.

Trong việc nói chuyện giới tính với con, theo ông Phạm, bố mẹ không được lãng mạn hóa chuyện tình dục nhưng cũng không được hù dọa con. Cũng không phải tỏ ra nghiêm trọng hóa vấn đề như hôm nay bố mẹ phải nói chuyện này với con mà nên tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ cùng trẻ như khi đọc một bài báo, xem một bộ phim… có những nội dung, hình ảnh liên quan để "mở bài" cho cuộc trò chuyện.

Bà Minh Huệ gợi ý khi trao đổi, phụ huynh hãy sử dụng những câu hỏi mở, đừng "đóng khung" con trong suy nghĩ của mình. Ví dụ khi trẻ hỏi về bao cao su, đừng chặn ngay suy nghĩ của chúng bằng việt quát con hỏi làm gì hay chờ lớn lên sẽ biết. "Để bắt đầu cuộc nói chuyện thật tự nhiên, chúng ta nên hỏi lại trẻ: "Thế theo con, nó là cái gì?" vì chắc chắn ít nhiều trẻ đã biết. Khi trẻ bày tỏ cách hiểu của mình, chúng ta sẽ biết trẻ sai ở chỗ nào để kịp thời chỉnh sửa".

Qua việc trao đổi, tìm hiểu này, phụ huynh cũng có thể kịp thời phát hiện và điều chỉnh về những hành vi bất thường, liên quan đến xu hướng rối loạn tình dục ở trẻ.

Để việc trao đổi hiệu quả, bố mẹ phải có sự chuẩn bị trước vì mình có hiểu thì mới nói được với con. Bởi thế, chính phụ huynh cũng phải chịu khó học, tìm hiểu đi để giúp con đúng cách. Đặc biệt, người lớn đừng giáo điều bắt ép con phải thế này, thế kia mà hãy phân tích lợi - hại rồi cho trẻ thấy đó là lựa chọn của chính bản thân chúng. Khi đó trẻ sẽ có trách nhiệm hơn trước mỗi quyết định của mình.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-592974/noi-chuyen-nguoi-lon-voi-con-tre-nhu-the-nao.htm

Trưởng thành với “quản lý sự nghiệp”

Posted: 07 May 2012 06:59 PM PDT

Vốn là chương trình đào tạo tập trung vào kiến thức năm cuối đại học cho sinh viên đã có tốt nghiệp Cao đẳng và Advanced/higher Diploma, sinh viên năm cuối Đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh hoặc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác, môn học Quản lý sự nghiệp đã giúp trang bị cho sinh viên ý thức về trách nhiệm, quyền lợi tại nơi làm việc, đồng thời tăng cơ hội việc làm của sinh viên bằng cách phát triển kỹ năng giao tiếp và truyền thông.

 


 

Thầy Hoàng Đức Hải, Giảng viên môn học cho hay: "Quản lý sự nghiệp là một chủ đề rất sát sườn đến tương lai gần của sinh viên. Nội dung của môn học vừa mang lại cho các em những hình dung thực tế trong công việc bên ngoài giảng đường, nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về phát triển bản thân".

 

Do vậy, thầy Hải cùng các cộng sự trong bộ môn luôn giúp sinh viên hiểu rõ về môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Từ đó, các em có thể xác định rõ mục tiêu cá nhân, xử lý và làm quen với áp lực công việc thông qua các đầu việc hàng ngày, hàng tuần.

 

Việc hình thành thói quen làm việc nhóm, giải quyết các mâu thuẫn cá nhân để đạt mục tiêu chung cũng là một nội dung quan trọng mà môn học Quản lý sự nghiệp mang đến cho các bạn sinh viên của Brige2B.

 

Đặng Thị Thùy Dương – sinh viên khóa I, chương trình Bridge2B, chia sẻ: "Môn học quản lý sự nghiệp khá thiết thực, giúp mình định hướng về mục đích học tập và mục tiêu phấn đấu trong công việc và sự nghiệp. Đặc biệt, các bài test dí dỏm tìm hiểu tính cách và thế giới quan cá nhân luôn làm chúng mình thấy hứng thú hơn".

 

Cùng với các môn học được thiết kế hợp lý, quản lý sự nghiệp giúp sinh viên tìm hiểu thị trường lao động và môi trường làm việc trong nước thông qua tự khảo sát thực tế. Qua đó, các em sẽ tự định hướng và tìm cách hoàn thiện bài tập được giao với sự sáng tạo riêng. Vì vậy, quản lý sự nghiệp được thiết kế giảng dạy ngay từ khóa học đầu tiên, của kì thứ nhất trong chương trình Bridge2B.

 

Thầy Hải cho hay, mỗi bài giảng thầy đều tập trung vào giải thích, hướng dẫn và chia sẻ thảo luận để các bạn sinh viên hình dung được lộ trình công việc cho tương lai sau này. Bên cạnh đó, cũng có những công việc mang tính thử thách để giúp các em có thêm áp lực và tìm cách giải quyết. Đây chính là công việc xuyên suốt cả môn học.

 

Để môn học không bị nhàm chán, ý tưởng học offline tại quán café được đội ngũ giáo viên của chương trình Brigd2B tận dụng triệt để.

 


 

"Không khí thoải mái sẽ giúp các em dễ tiếp thu hơn là một không gian gò bó với 4 bức tường bao quanh. Mỗi tuần với 3 tiếng học trên lớp sẽ khó có thể truyền tải hết kiến thức cho các em nên việc tổ chức các buổi nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho các bạn sinh viên phát huy năng lực cá nhân cũng như giúp quan hệ thầy trò gần gũi hơn", thầy Hải chia sẻ.

 

"Với nhiều bạn sinh viên, phong cách học mới ban đầu khá bỡ ngỡ khi các bạn thiếu những kỹ năng làm việc theo nhóm, giao tiếp, quản lý bản thân… Tuy nhiên với các buổi offline, chúng mình thấy thoải mái hơn vì nó không phải là…lớp học, do đó, dám nói và tranh luận với thầy, điều mà chúng mình ít thể hiện trên lớp", bạn Thùy Dương tâm sự.

 

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-593030/truong-thanh-voi-quan-ly-su-nghiep.htm

11 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD-ĐT từ nay đến 2016

Posted: 07 May 2012 06:59 PM PDT

(GDTĐ) – Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Chương trình  hành động giai đoạn 2011 – 2016 thực hiện.

Hoàn thành PCGDMN 5 tuổi – Một trong những mục tiêu với cấp học mầm nòn đến 2015 (Ảnh: gdtd.vn)

Theo đó, ngành Giáo dục bám sát mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo; Tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên; Công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất; Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đào tạo nguồn nhân lực về CNTT; Tăng cường hỗ trợ giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và người học được ưu tiên; Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng xã hội học tập; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201205/11-nhiem-vu-trong-tam-cua-Bo-GDDT-tu-nay-den-2016-1961071/

Trưởng thành qua tri ân

Posted: 07 May 2012 06:58 PM PDT

Sáng 6.5, tại Trường THPT Ngô Quyền (Q.7) và THPT Trương Vĩnh Ký (Q.11) TP.HCM không chỉ có hoa, nước mắt, nụ cười, những lời hứa mà còn là những yêu thương và niềm hy vọng.

Không phải ngẫu nhiên mà các trường đều chọn bài hát Ơn nghĩa sinh thành làm nhạc nền cho suốt buổi lễ. Trên sân khấu, từng học sinh cúi đầu chào thành kính và trao cho ba mẹ mình những bó hoa tươi thắm để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục. Sau khi tri ân với ba mẹ, từng học sinh dắt tay người thân đi xuống khán đài.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Gấm, phụ huynh học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Q.7) đã nức nở khóc khi nhận bó hoa từ tay con gái Nguyễn Thi Ngọc Hường và nghe con hứa: "Con sẽ cố gắng học giỏi, thành công để mẹ vui lòng". Phụ huynh của Hoàng Anh, học sinh lớp 12A2 đã không cầm được nước mắt khi được đứa con trai yêu quý cài cành hoa tươi thắm lên ngực và thủ thỉ: "Con sẽ không bao giờ làm mẹ buồn".

 tri ân
Mẹ của Hoàng Anh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Ngô Quyền (Q.7) không cầm được nước mắt trong buổi lễ tri ân – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không chỉ là những lời hứa, nói như thầy Ngô Thanh Hải -  Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), đây còn là dịp để học sinh có cơ hội thể hiện tình cảm của mình với cha mẹ, thầy cô; cho thấy sự trưởng thành của một thanh niên sắp bước vào giai đoạn mới của cuộc đời. Trương Bích Như, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Trương Vĩnh Ký ngậm ngùi: "Sau 18 năm nhìn lại những điều tưởng chừng như đơn giản hóa ra lại lớn lao, bình thường nhưng hết sức cao cả. Đó là công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tình yêu thương của ông bà, sự tận tâm của thầy cô".

Thật cảm động khi Nguyễn Huỳnh Kim Chiến, lớp 12A2 Trường THPT Trương Vĩnh Ký, tâm sự: "Nhớ lắm đôi bàn tay của mẹ. Đêm đầu tiên con về nhà sau nửa năm học lớp 11, con đã lén cầm bàn tay thô ráp của mẹ… Đôi bàn tay này đã vất vả nửa đời người để cho con lớn lên… và vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con".

Cũng có những lầm lỗi, ăn năn mà giờ đây học sinh mới dám bày tỏ. Nguyễn Huỳnh Minh Tuấn, 12A5 Trường THPT Ngô Quyền, nghẹn ngào: "Năm học lớp 4, em trốn học chơi game, về bị mẹ đánh, mẹ đã khóc vì con hư. Lúc đó em rất giận mẹ. Nhưng giờ nghĩ lại, em cảm thấy rất có lỗi với mẹ. Em sẽ không bao giờ làm mẹ buồn".

Khởi xướng từ Trường THPT Trương Vĩnh Ký 14 năm trước, đến năm 2010 Sở GD-ĐT yêu cầu các trường THPT nên tổ chức lễ trưởng thành và tri ân cho học sinh lớp 12. Đây thật sự là một hoạt động cần thiết và có ý nghĩa. Điều còn đọng lại sau những buổi tri ân là học sinh có thái độ sống đàng hoàng hơn đối với cha mẹ và thầy cô và chính bản thân mình trước khi các em bước vào tuổi trưởng thành.

B.Thanh – M.Luân

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120507/Truong-thanh-qua-tri-an.aspx

Nền tảng cần chuẩn bị

Posted: 07 May 2012 06:58 PM PDT

Nhiều phụ huynh phản biện nếu trẻ không biết chữ và không biết làm toán thì làm sao theo kịp các bé đã học trước?

Trẻ vừa chơi vừa học chữ số trong trường mầm non - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trẻ vẫn sẽ học tốt nếu phụ huynh chuẩn bị cho bé tâm thế sẵn sàng vào lớp 1. Điều này không thể một sớm một chiều hay chỉ với một vài tác động tâm lý đơn thuần mà là quá trình lâu dài, liên tục, xuyên suốt những năm trẻ học ở trường mầm non.

Làm quen với chữ cái, con số

Không dạy trước nhưng như đã nói, phụ huynh phải chuẩn bị những nền tảng căn bản cho trẻ về đọc và làm toán trước khi vào lớp 1. Sự chuẩn bị này có tính chất giúp trẻ làm quen, thích nghi và xây dựng nên những hứng thú tích cực với môn học. Việc chuẩn bị cho trẻ những kiến thức về đọc và làm toán cần dựa trên nguyên tắc là cung cấp những biểu tượng ban đầu trong lĩnh vực học tập, góp phần hình thành nên tâm thế "sẵn sàng đi học" nơi trẻ.

Chẳng hạn với kỹ năng đọc, phụ huynh có thể cho trẻ làm quen với chữ cái, biết gọi tên, tô và tập viết các chữ cái. Giúp trẻ làm quen cách đọc các từ, câu đơn giản như hướng dẫn trẻ đọc tên mình trong bảng danh sách lớp, gọi tên một số đồ vật được ghi trên những đồ dùng cá nhân, bảng chữ ghi tên đồ vật thường dùng (như bút chì, giấy, góc sách…), nhận biết và viết tên của bản thân. Cũng có thể dùng gỗ để xếp chữ, dùng đất nặn hay sợi dây dài để tạo hình chữ cái… Phụ huynh nên đọc sách cho trẻ nghe thường xuyên, cần lựa chọn những sách có hình ảnh sinh động ngoài bìa nhằm gây hứng thú cho trẻ đối với sách. Trẻ nhận ra các từ mới trong truyện, mong muốn được đọc truyện. Thông qua việc đọc sách trẻ sẽ khám phá các ký hiệu và mẫu chữ khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu các từ và chữ…

Với việc làm quen chữ số, chỉ dừng ở mức cho trẻ nhận ra biểu tượng số bằng cách xếp tương ứng với nhóm số lượng, cho trẻ hiểu biến mất nghĩa là bớt đi… Khả năng hiểu các biểu tượng về các con số chứ không phải là khả năng tính toán

Những kỹ năng cần thiết

Ngoài ra, cần quan tâm đến việc chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập như sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng… Giúp trẻ thích ứng với hoạt động mới, hướng dẫn trẻ làm quen với các đồ dùng học tập ở trường tiểu học. Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với sách, truyện, bút, thước. Giúp trẻ biết cách điều khiển, vận động bàn tay nhỏ bé của mình để thực hiện một cách gọn gàng, dẻo dai các thao tác vận động trong học tập.

Điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho trẻ tâm lý thích đến trường, có các kỹ năng: giao tiếp với bạn, đặt câu hỏi, tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn, giải quyết vấn đề, điều chỉnh nhận thức, hành vi… Đây là những kỹ năng giúp trẻ thành công học đường.

Chị Huỳnh Oanh – biên tập viên của một kênh truyền hình kể lại kinh nghiệm: Chị không cho con học trước chữ, cũng không dạy làm toán nhưng chị thường chơi đọc sách với con, chơi ô chữ, thẻ từ, dùng đất nặn để lăn dài sau đó uống thành chữ. Chị cũng chơi nhiều trò chơi dân gia như: tập tầm vông, cái gì biến mất, đi chợ mua hàng để cho con làm quen với toán… Dẫu con chỉ nằm ở những thứ hạng đầu trong lớp nhưng chị nhận ra rằng con chị vẫn không hề thua kém bạn bè về khoản học toán hay chữ. Thậm chí cháu còn thoải mái, tự tin và năng động…

Tận dụng những ngày hè

Những trẻ đã đủ tuổi đi học lớp 1 nhưng chưa hình thành những kỹ năng tiền học đường, như khả năng quan sát, tập trung chú ý trong một thời gian, khả năng kiên trì thực hiện những nhiệm vụ học tập được giao… có nguy cơ bị thất bại học đường.

Việc hình thành những kỹ năng này vào mùa hè quan trọng hơn rất nhiều so với việc bắt bé học chữ, học tính toán. Thay vì cứ ép con trẻ lao vào các "lò luyện" chuẩn bị vào lớp 1 thì phụ huynh nên kết hợp việc vừa tổ chức cho trẻ vui chơi, vui học, để trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, thỉnh thoảng đưa trẻ đến trường tiểu học để làm quen với môi trường mới.

Ngoài ra, phụ huynh có thể kể cho con nghe về thời tiểu học của mình, dẫn trẻ đi nhà sách mua dụng cụ học tập, cùng trẻ trang trí góc học tập, cho trẻ thấy niềm vui và niềm vinh dự của việc mình sắp được vào lớp 1. Điều quan trọng, đó là tạo cho trẻ một tâm lý hết sức thoải mái, tự tin đón chào một hành trình mới chứ không phải sự e ngại, sợ sệt trước những áp lực mà trẻ nghĩ đang chờ mình phía trước…

TS Huỳnh Văn Sơn

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20120504/Nen-tang-can-chuan-bi.aspx

Comments