Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tiến sĩ 25 tuổi

Posted: 03 May 2012 06:10 AM PDT

- Ngoài những hiện tượng thường niên: bỏ học mẫu giáo để đi luyện chữ;
thiếu lao động trầm trọng; hoang mang vì đổi ngành dự thi ĐH ở phút
chót…, thông tin giáo dục đáng chú ý ngày 3/5 là gương mặt tiến sĩ 25
tuổi.

Tiến sĩ 25 tuổi

Báo Tuổi Trẻ giới thiệu, tốt nghiệp ĐH năm 20 tuổi với bằng ưu hạng nhất, 25
tuổi hoàn thành xong chương trình tiến sĩ của Trường đại học Kỹ thuật Nanyang
(Singapore) – Nguyễn Kiến Trúc Giang (sinh năm 1986) đang giảng dạy và nghiên
cứu những dự án khoa học mang tính cộng đồng cao tại Singapore.

Nguyễn Kiến Trúc Giang làm việc trong phòng thí nghiệm. (Ảnh Tuổi trẻ)

Gặp Nguyễn Kiến Trúc Giang, ít ai có thể nghĩ chàng trai trẻ này đã có hàng
loạt công trình nghiên cứu, đang hướng dẫn hơn 30 sinh viên Singapore thực hiện
luận án tốt nghiệp và báo cáo thực tập mỗi ngày. Trúc Giang còn là người đại
diện Việt Nam đọc tham luận tại hội thảo khoa học ở Nhật Bản (The Japan peptide
symposium), Hàn Quốc (The Korea biotechnology symposium) và hơn bốn lần xuất
hiện tên tuổi trên các tạp chí khoa học về hóa sinh lớn nhất trên thế giới (The
Journal of Biological Chemistry và Angewandte Chemie).

 

Học sử trong bảo tàng

 

Báo Đại Đoàn Kết khái quát: “Cách dạy lịch sử trong trường phổ thông vốn lâu
nay đã bị chỉ trích quá nhiều. Tồn tại là nặng về kiến thức, số liệu, trận đánh,
quá nhiều mốc ngày tháng đòi hỏi “thuộc lòng" khiến nhiều học sinh đâm ra sợ môn
học này.”

Sáng nay (3/5), báo Sài Gòn Giải Phóng, Dân Trí  giới thiệu cách “học sử trong
bảo tàng”. Cách học này thu hút được khá nhiều học sinh tham gia và rất hào
hứng.

Bỏ học mẫu giáo để luyện chữ
Đây là tựa đề báo Tuổi Trẻ phản ánh về tình trạng cho con học chữ trước khi
vào lớp 1 ở Hà Nội và TP.HCM. Báo bình luận, dù Bộ GD-ĐT cũng như các sở GD-ĐT
đã quy định rõ "cấm trẻ học trước chương trình lớp 1", nhưng năm nào ở các thành
phố lớn cũng tái diễn tình trạng nhà nhà mang con đến lớp học chữ.

Học sinh lớp lá 1 Trường mầm non Sài Gòn trong giờ học làm quen với chữ viết – Ảnh Tuổi trẻ

Một số phụ huynh đón con vào buổi trưa trước cổng Trường mầm non Thanh Xuân Nam,
Hà Nội giải thích: "Buổi chiều cháu học chữ ở nhà cô gần trường nên phải xin cho
về sớm để đi học chữ". Nhiều cháu mẫu giáo bỏ lớp để đi học chữ tháng 9 tới sẽ
vào lớp 1.

Theo các phụ huynh, thời điểm này đang là cao điểm của việc "luyện lớp 1" nên
nhiều bố mẹ quyết định cho con nghỉ học một buổi, có bé nghỉ luôn cả ngày để đi
"luyện chữ"….Đó là những ghi nhận của Tuổi trẻ.

Tháng 5: TP.HCM cần tuyển mới 24.000 lao động

Cổng thông tin Chính phủ cho hay, theo trung tâm Dự báo nguồn nhân lực
và thông tin thị trường TP.HCM, trong tháng 5/2012, các doanh nghiệp trên địa
bàn thành phố cần tuyển mới 24.000 lao động.

Số lao động cần tuyển tập trung vào các ngành như: kinh doanh, marketing, bán
hàng, dịch vụ – phục vụ, công nghệ thông tin, kế toán – kiểm toán, điện – điện
tử, viễn thông, cơ khí, dệt may, da giày…

Yêu cầu về trình độ chuyên môn của người dự tuyển cụ thể: từ đại học trở lên
khoảng 12%; cao đẳng, trung cấp khoảng 35%; công nhân kỹ thuật 5%; sơ cấp nghề
và lao động phổ thông chiếm 48%.

Đây là kết quả của đợt khảo sát, cập nhật thông tin về lao động do trung tâm
thực hiện với gần 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Nộp hồ sơ tuyển sinh: Phút cuối vẫn hoang mang

Báo Dân Việt cho biết, 10 ngày sau hạn cuối nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH,
CĐ năm 2012, ở thời điểm này, hàng trăm thí sinh vẫn phải "sấp, ngửa" làm hồ sơ
thay đổi trường, đổi ngành do quy định đình chỉ tuyển sinh quá muộn của Bộ GD-
ĐT đưa ra.

Ảnh Lê Anh Dũng

Sau quyết định đình chỉ, Bộ cũng đưa ra hướng dẫn về việc tạo điều kiện
cho thí sinh đã nộp hồ sơ vào các ngành bị đình chỉ được đăng ký lại hoặc rút hồ
sơ nộp sang trường khác đến hết ngày 15/5.

Nói trên Dân việt, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng: việc Bộ dừng tuyển
sinh các ngành của các trường không bảo đảm các điều kiện để tuyển sinh, đào tạo
là cần thiết nhưng quyết định đưa ra quá muộn, đặc biệt sau khi thí sinh đã hoàn
thành việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi đã khiến các em bị động, hoang mang ảnh
hưởng đến việc ôn thi.

Học sinh lớp 7 bị làm nhục rồi quay clip

Báo điện tử VTC News đưa tin, em H.L và gia đình biết sau buổi tiệc tại nhà người bạn học
chung lớp thì em H.L đã bị một nhóm thanh thiếu niên, trong đó có một học sinh
của trường tham gia làm nhục (có sử dụng điện thoại di động quay phim).

Cô Võ Thị Mộc – Phó hiệu trưởng Trường THCS An Phú Thuận (huyện Châu Thành-Đồng
Tháp) thừa nhận có vụ việc một học sinh của trường bị làm nhục.

Công an huyện Châu Thành đã xác minh bước đầu và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc
về Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Đồng Tháp.

  • Nguyễn Hiền (tổng hợp)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70706/tien-si-25-tuoi.html

Trường học hầm hập chống nóng

Posted: 03 May 2012 06:10 AM PDT

- Mới vào hè nhưng cái nóng oi ả ít nhiều khiến phụ huynh, lãnh đạo các

trường học khối mầm non và tiểu học ở Hà Nội lo lắng.  Chuyện mất điện, trường không có điều hòa hay
phải đóng thêm tiền điện, mua điều hòa đã xảy ra.

Chiều 2/5, điều hòa vẫn đang được lắp thêm tại phòng hành chính của Trường mầm non Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.

Điều hòa: nơi có, nơi không

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các
trường mầm non và tiểu học khối công lập hay ngoài công lập đều đã lắp đặt hệ
thống điều hòa.

Tại Trường mầm non Đống Đa, quận
Đống Đa hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền Tâm cho biết: "16 lớp với hơn
1.000 học sinh của trường đều đã có điều hòa. Mỗi lớp ngoài 2 điều hòa còn có
thêm 2 quạt trần và quạt treo tường đặt tại các góc khuất của phòng học".

Từ năm 2010, toàn bộ số phòng học
của Trường mầm non Xuân Đỉnh A, huyện Từ Liêm cũng đã được trang bị 2 điều hòa,
2 quạt trần và quạt treo tường cho mỗi phòng.

Thậm chí, tại Trường Mầm non hoa hồng,
quận Cầu Giấy những phòng rộng có từ 6-8 điều hòa phục vụ học sinh, chưa kể số
quạt trần từ 4-6 cái mỗi phòng.

Dù ngoài trời nóng nhưng với 6 điều hòa cùng hệ thống quạt trần các bé Trường mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy vẫn được thoải mái vui chơi.

Trong khi đó, tại Trường mầm non Kim
Liên, quận Đống Đa, các phòng chỉ được trang bị hệ thống quạt trần. Theo
hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Nguyệt: "Khuôn viên trường nhiều cây xanh nên rất
mát.

Các phòng có 4 cửa số lớn cao gần
2m, 2 cửa ra vào. Trần nhà có gạch chống nóng nên vẫn đảm bảo sinh hoạt bình
thường cho các trò". Trước đó trong ngày 30/4 trường này đã cho vệ sinh, bôi
dầu mỡ cho các quạt trần.

Tại Trường mầm non Trung Tự, quận
Đống Đa chiều ngày 2/5, điều hòa vẫn đang được trường lắp thêm vào phòng hành
chính. Các phòng học của học sinh đã được trang bị điều hòa trước đó.

Chỗ ung dung, nơi lo lắng

Dẫu vậy, hiệu trưởng Nguyễn Thị
Minh Nguyệt không khỏi lo lắng: "3 phòng trên tầng 2 của trường hiện là trần
nhựa, trên lợp mái tôn nên chuyện nắng nóng vẫn còn. Trường đã tính tới phương
án lắp đặt hệ thống phun nước trên mái tôn để giảm nắng nóng cho các trò. Nếu
kinh phí dưới 20 triệu đồng trường có thể tự xoay xở, không cần sự hỗ trợ của
phụ huynh".


Ngoài việc đảm bảo điều kiện ánh sáng, thoáng mát cho các lớp, Trường mầm non Kim Liên (quận Đống Đa) cũng quan tâm phòng dịch bệnh mùa hè cho trẻ: bát được sấy khô, khăn được luộc cẩn thận.

Anh Hải, nhà ở phố Xã Đàn, hiện có
con đang học lớp 5 tuổi tại trường cho biết: "Bản thân mình mong trường lắp
thêm điều hòa. Thời tiết như mấy hôm nay thực sự rất nóng, quạt trần bật vẫn
hầm hập. Nếu trường có ý kiến phụ huynh sẵn sàng đóng góp".

Mới những ngày đầu hè nhưng cô
trò Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã tá hỏa vì hệ thống điện cung cấp
cho trường gặp trục trặc. Át-tô-mát của trường vừa thay mới những vẫn liên tục
nhảy lên, xuống. Một ngày trường mất điện đến vài lần. Đó là chưa kể tòa nhà
mới của trường mới được xây xong, chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Gần 10h sáng ngày 3/5, phóng viên phải
đứng ngoài cổng trường đợi đến 15 phút. Nguyên nhân là trường mất điện, cổng
chính được điều khiển bằng điện không hoạt động. Đến khi bảo vệ dùng tô-vít vặn
ốc cổng mới được mở ra.

Lãnh đạo nhà trường cho biết đã
làm công văn xin được lắp đặt trạm biến áp ngay tại trường tránh tình trạng
điện phập phù vì quá tải. Trong khi đợi các biện pháp khắc phục, cô trò nhà
trường phải dùng điện hết sức tiết kiệm. Phòng học 2 điều hòa thường chỉ bật 1
cái và tận dụng quạt trần.

Tương tự, Trường mầm non Hoa Hồng
gần đó các phòng của lãnh đạo nhà trường dù có điều hòa nhưng đều không bật để
ưu tiên điện cho các phòng học.

Theo hiệu phó Doãn Thị Thanh
Phương: "Thậm chí trường không dám nhận điều hòa do phụ huynh mua mang tới
trường lắp ở phòng đón con do lo lắng lượng điện thất thu nhiều".

Để đảm bảo cho các bé không bị
ảnh hưởng bởi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ trong lớp ra bên ngoài điều hòa các
phòng sẽ được giảm dần và tắt trước khi trò tan khoảng 30 phút. Buổi trưa, khi
các con ngủ ở một số lớp nhỡ sẽ được đặt thêm một chậu nước để điều hòa bật
thấp không khiến da bé bị khô.

Trường Hoa Hồng cũng như Kim Liên phải đẩy lịch sinh hoạt ngoài trời của trò lên sớm (trước 9h) hoặc phải
dừng hẳn vì nắng nóng.

Thêm khoản đóng góp

Một trong những lý do khiến
Trường mầm non Kim Liên chưa có điều hòa, theo lời cô hiệu trưởng: "Quan điểm
nhà trường và nhiều phụ huynh không muốn lắp điều hòa vì muốn các con dễ thích
ứng với điều kiện tự nhiên, không bị ốm khi nhiệt độ chênh lệch".

Bà Nguyệt nói thêm: "Mỗi
khoản thu dù tự nguyện với nhiều phụ huynh cũng là một gánh nặng".

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền Tâm
cho hay: "Trường không thu tiền lắp đặt điều hòa. Đầu năm, phụ huynh có khoản
đóng góp tự nguyện, trường sẽ cân đối bù vào chi phí đã bỏ ra".

Tất cả điều hòa tại Trường mầm
non Hoa Hồng theo hiệu phó Thanh Phương đều do phụ huynh tự nguyện đóng góp và
ban phụ huynh quản lí. Hiện do tiền điện chạy điều hòa hết nhiều nên trường thu
thêm 10.000đ/cháu/tháng để bù vào. Nếu thừa tiền này sẽ được dồn sang tháng sau
để bớt gánh nặng đóng góp cho phụ huynh.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, tại một
trường mầm non ngoài công lập mới mở, chỉ nhận hơn 30 cháu/lớp ở huyện Từ Liêm
phụ huynh đã được thông báo, mỗi cháu phải đóng thêm hơn 100.000 đồng để mua điều hòa.

  • Văn Chung

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70727/truong-hoc-ham-hap-chong-nong.html

Gửi cha

Posted: 03 May 2012 06:09 AM PDT

Gửi cha – “anh giáo làng”!

TTO – Cha yêu quý của con. Tự nhiên trong lòng con nhớ cha vô cùng, con ước gì giờ được ngồi thủ thỉ với cha mọi điều để được cha lắng nghe, để được cha cho con những lời khuyên.

Cuộc sống xa nhà đối với con đã quen thuộc nhưng những khi buồn con không biết phải chia sẻ với ai cha ạ. Ngày còn ở bên cha con tíu tít với cha biết bao điều, chuyện gì cha cũng lắng nghe con hết. Những khi mẹ nặng lời mắng con thì bao nỗi niềm cha đều chia sẻ cho con, thậm chí có những khi con trốn một mình trong góc tối nào đó người lo cho con nhất vẫn là cha. Người cầm chiếc đèn pin nhỏ đi khắp nơi tìm con và gọi con, tiếng gọi của cha mới ấm áp làm sao…

Nhớ lại những ngày tháng đã qua, khi con còn bé mới lên ba, lên bốn con đã bị bệnh mề đay hai bên chân nổi đầy mụn, suốt ngày chỉ biết khóc quấy. Chỉ có cha mới dỗ được con nín khóc, cha cõng con đi suốt làng trên xóm dưới, bày trò cho con vui cười để quên đi sự ngứa ngáy, đau nhức ở chân…

Tuổi thơ của con trôi đi vun vút, con ước mình giờ vẫn là cô bé lên 5 để được cha cho ngồi lên vai, để được cha vỗ về và được nằm trong vòng tay của cha nghe những câu chuyện cổ tích, để ngày ngày nhìn thấy ánh mắt hiền từ của người, cười vui bên người.

Ngẫm lại con thấy mình thật ích kỷ vì đã bao lần con làm cha thất vọng, con thấy hổ thẹn vì đã phụ lòng mong mỏi của cha. Nhưng con sẽ không từ bỏ đâu, cha đã cho con cuộc sống, cuộc sống của con tốt hơn cuộc sống của cha hàng nghìn, hàng nghìn lần.

Con có cha bên cạnh suốt tuổi thơ cho đến bây giờ vẫn vậy, còn cha, cha đã phải sống cuộc sống mồ côi cha từ khi mới lên 5. Ông nội con ra đi sớm quá nhưng cả cha và con đều rất tự hào vì sự ra đi của ông cha nhỉ. Sự hi sinh của ông là vì đất nước này, là vì cuộc sống của chúng con bây giờ.

Con vẫn thường được cha kể những câu chuyện về ông nội và cả câu chuyện về một thời trai trẻ của cha khi cha là anh lính lái xe Trường Sơn trong năm tháng chiến tranh, có lẽ câu chuyện về những năm tháng ác liệt, gian nan nhưng cũng đầy hào hùng một thời của cha, con đã được nghe cha kể đến cả chục lần rồi nhưng con vẫn thích nghe cha kể mãi.

Mỗi lần lắng nghe, con thấy khuôn mặt cha có lúc trầm mặc khi nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường ác liệt và cả những nét rạng rỡ trên khuôn mặt cha khi cha kể về những chuyến đi đầy thú vị từ Bắc vào Nam và cả trên những con đường ở nước bạn Lào anh em của chúng ta…

Chiến tranh qua đi, cuộc sống của chúng con có được ngày hôm nay là nhờ vào sự hi sinh của biết bao người trong đó có một phần công sức của ông nội và cha. Hòa bình, cha trở về quê hương và tiếp tục công việc của một anh "giáo làng", con thấy cha là một vị "giáo làng" thật đặc biệt vì có cả một thế hệ học trò bằng tuổi cha, thậm chí hơn tuổi cha vẫn nhớ về cha, vẫn đến thăm cha, vẫn gọi điện hỏi thăm cha thường xuyên.

Cha đã về hưu không còn đứng trên bục giảng bao năm, vậy mà mỗi khi kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam lại có bao học trò ùa về thăm cha, ôn lại những kỷ niệm. Nhìn cha vui vẻ, cười sảng khoái con thấy hạnh phúc lắm, tự hào về cha của con lắm.

Nghĩ về cha con lại thấy mình đã sai khi cho rằng làm giáo viên là công việc buồn tẻ nhất quả đất vì ngày ngày cứ phải lặp đi lặp lại bài giảng của mình trên bục giảng. Con đã sai cha ạ, giờ thì con hiểu đó là công việc thật thiêng liêng biết bao, tình thầy trò cũng thật thiêng liêng biết bao!

Thuở nhỏ được làm học trò của cha, con đã mở mang bao điều về kiến thức lịch sử, địa lý, văn học. Con đi học xa nhà nhiều khi không biết điều gì đó con hay gọi điện tham khảo ý kiến cha. Có câu trả lời của cha con yên tâm hơn về sự lựa chọn của mình.

Ở vùng núi quê mình chắc giờ rất lạnh cha nhỉ? Con ước gì giờ này được ngồi cùng cha bên bếp lửa hơ tay, hơ chân, được huyên thuyên đủ thứ chuyện với cha. Mỗi lần về nhà con nhìn thấy những nhọc nhằn, nhìn thấy những sóng gió cuộc đời cha trải qua khuôn mặt, qua lớp da nâu, qua đôi mắt và mái tóc của cha. Con cảm thấy thật xót xa.

Sức khỏe của cha không còn như trước kia nữa, lâu lâu bệnh thận tái phát, cha lại phải nằm viện nhưng cha là người kiên cường, chẳng mấy khi cha nói đến bệnh tật của mình vừa là để quên nó vừa là để chúng con không lo lắng. Nhưng con mong cha hãy luôn giữ gìn sức khỏe nhé cha vì chúng con và vì cả những đứa cháu nội, cháu ngoại của cha luôn muốn cha sống thật lâu, thật lâu…

20 năm đầu đời cha là thời gian cha phải chịu nhiều đắng cay vì cuộc sống vất vả, khó khăn. 40 năm tiếp theo cha lại truyền lại niềm lạc quan tin tưởng của một người thầy gửi gắm vào các thế hệ học trò về một tương lai tốt đẹp và tươi sáng, còn bây giờ cha đang tiếp sức cho con trên con đường mà con lựa chọn. Cha mãi mãi là người con ngưỡng mộ, yêu quý và tôn trọng nhất trong cuộc đời này.

TRIỆU KIỀU CHINH (nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/487565/Gui-cha---anh-giao-lang.html

Hiệu trưởng tham ô, vỡ mộng kinh doanh giáo dục

Posted: 03 May 2012 06:08 AM PDT

- Sách giáo khoa hiện hành loạn lỗi phiên âm; Hàng loạt trường/ ngành bị dừng
tuyển sinh năm 2012; Kinh doanh giáo dục vỡ mộng….là những tin nóng trên các
báo hôm nay.

Lương tăng

Chuyên mục giáo dục báo Pháp luật TP HCM đưa tin, lương tối thiểu tăng
220.000 đồng/tháng. Theo Nghị định 31/2012 của Chính phủ, mức lương tối thiểu
chung thực hiện từ hôm nay, 1/5/2012, là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000
đồng/tháng so với mức lương 830.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.

Mức lương này áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm
việc ở: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị-xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành
viên do Nhà nước làm chủ sở hữu…

Kinh doanh giáo dục vỡ mộng

Báo Tuổi trẻ có loạt bài với tựa đề “Vỡ mộng kinh doanh giáo dục” gồm
2 phần nêu thực trạng nhiều trường ngoài công lập từ trung cấp đến ĐH đang hoạt
động cầm chừng. Thậm chí có trường đã phải ngừng hoạt động.

Ảnh Lê Anh Dũng

Báo cũng cảnh báo, người học bỏ dần trường yếu. Đồng thời dẫn phân tích của
nhiều chuyên gia cho rằng việc các trường tư đang ngắc ngoải là quy luật của thị
trường và chứng minh một thực tế không thể làm giáo dục theo kiểu "ăn xổi ở
thì".

Nói trên báo Tuổi trẻ PGS-TS Đỗ Văn Dũng, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư
phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Có khai sinh thì cũng phải có khai tử đối với
những trường quá yếu kém, không thể thu hút được người học. Ở các nước, những
trường kém chất lượng đều bị buộc đóng cửa nhưng ở Việt Nam vẫn chưa làm được
việc này”.

Hàng loạt trường/ ngành bị dừng tuyển sinh

Các báo đồng loạt đưa tin, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh
trong năm 2012 đối với 6 trường ĐH,CĐ (Trường ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng
Vương TPHCM, CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM, CĐ Kỹ thuật – Công nghệ Bách khoa,
Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội) và 20 ngành học của nhiều trường ĐH-CĐ.

Lý do đình chỉ tuyển sinh chủ yếu là do các trường chưa thực hiện đúng điều
kiện cam kết thành lập trường. Các ngành học bị đình chỉ tuyển sinh chủ yếu là
do chưa có giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ đúng ngành theo quy định;
tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao.

Sau đó, Bộ có văn bản cho phép gia hạn thời gian đăng ký dự thi ĐH, CĐ kéo
dài đến hết ngày 15/5 đối với những thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các
ngành bị vừa đình chỉ tuyển sinh.

Không bỏ điểm sàn

Bộ GD-ĐT mới đây đã bác bỏ kiến nghị bỏ điểm sàn của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ
ngoài công lập, kêu gọi các trường này tự đánh giá chất lượng đào tạo, nâng cao
năng lực, xây dựng thương hiệu để thu hút thí sinh.

 

Hiệu trưởng xin trả lại tiền "không giải trình được"

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Trần Đức Lương, hiệu trưởng Trường THCS
Triệu Trung (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), đã thừa nhận việc ông xin trả
lại số tiền mà theo ông là không giải trình được với thanh tra.

Theo kết luận (ký ngày 23/4) của ban thanh tra nhân dân Trường THCS Triệu
Trung, từ năm 2009-2011 ông Lương và kế toán của trường là bà Trần Thị Quỳnh đã
cùng lập hồ sơ khống về thiệt hại do bão lũ gây ra đối với trường để lấy 20
triệu đồng tiền ngân sách. Hiệu trưởng còn cho thu nhiều khoản từ học sinh và
phụ huynh mà không có chứng từ. Thanh tra kết luận tổng số tiền hiệu trưởng và
kế toán tham ô lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiệu trưởng và kế toán chỉ thừa
nhận tham ô hơn 40 triệu đồng.

Ông Hoàng Đức Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho biết sau khi nhận được
thông tin đã cử đoàn cán bộ do phó giám đốc sở về trường này tìm hiểu sự việc.

"Loạn" phiên âm

Là tựa đề báo Thanh niên đặt trong việc “nhặt sạn”  sách giáo
khoa hiện hành. Báo nhận định, việc phiên âm sang tiếng Việt các từ quốc tế
trong sách giáo khoa hiện hành gây nhiều tranh cãi và thể hiện sự lạc hậu, làm
khổ giáo viên và học sinh.

Trong chương trình phổ thông, 3 môn học có lượng từ ngữ quốc tế chiếm nhiều
nhất là văn, sử, địa nhưng SGK mỗi môn lại có cách phiên âm khác nhau. Thậm chí,
cùng một bộ môn thì cách phiên âm ở các khối lớp cũng khác nhau.


Hiện cách phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt trong SGK thiếu tính
đổi mới và gây nhiều tranh cãi – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Xuất hiện Atlat Địa lý Việt Nam giả

Báo Sài Gòn giải phóng cho hay, trong thời gian gần đây, trên thị
trường đã xuất hiện cuốn Atlat Địa lý Việt Nam in giả (ghi nộp lưu chiểu tháng 2
năm 2012). Thông tin được Công ty cổ phần Bản đồ và tranh ảnh giáo dục (NXB Giáo
dục Việt Nam) xác nhận.

Công ty này đưa ra những dấu hiệu dễ nhận biết để phân biệt cuốn Atlat của NXB
Giáo dục Việt Nam xuất bản với cuốn Atlat in giả đang có trên thị trường. Cuốn
Atlat Địa lý Việt Nam in giả có những sai sót nghiêm trọng về nội dung địa lý và
số liệu bản đồ như: Toàn bộ đường biên giới quốc gia ở tất cả các trang đều
không giống với ký hiệu biên giới quốc gia ở trang ký hiệu chung; sai về cấp độ
hành chính (thị xã, thành phố); vẽ thiếu ranh giới vùng tự nhiên ở trang 29 và
sai về thang tầng màu ở hầu hết các bản đồ…

Nồi cơm sinh viên thời trượt giá

Một góc đời sống sinh viên thời trượt giá được báo Dân Trí ghi lại. Thực đơn
bữa cơm sinh viên hàng ngày chỉ có 2 món: rau luộc, trứng luộc hoặc rau luộc,
đậu rán…

SV Trường ĐH Kỹ thuật 3 cùng các bạn nấu ăn chung mấy món đơn
giản là đậu phụ rán và canh cà chua trứng. Ảnh: Dân trí

Bởi, khi hay tin công chức chuẩn bị được tăng lương, xăng dầu rục rịch tăng
giá, dân đèn sách lại "méo mặt" bởi biết trước giá cả còn "rú ga" chạy trước.
Bạn Nguyễn Hoàng – SV năm cuối khoa Ngữ Văn, ĐH Vinh (Nghệ An) nhăn nhó: "Phen
này lại bảo mẹ gửi dăm cân lạc lên để sáng lạc rang rồi tối rang lạc thôi. Mới
ngày nào học năm nhất, mỗi tháng được chu cấp sáu trăm ngàn đã thấy thoải mái
giờ thì ngần đấy còn không đủ trả tiền phòng nữa".

  • N.Hiền (tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70511/hieu-truong-tham-o--vo-mong-kinh-doanh-giao-duc.html

Trường tư tăng học phí

Posted: 02 May 2012 03:44 PM PDT

Trường tốp dưới tăng mạnh

Điểm qua một loạt các trường có thể thấy mức tăng học phí ở những nhóm trường là khác nhau. Trong khi những trường tốp trên đã tạo được thương hiệu nhưng học phí chỉ tăng nhẹ thì nhóm trường tốp dưới tăng mạnh.

Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến thông báo học phí áp dụng trong năm học 2012-2013 là 1.500.000 đồng/tháng, tăng 18% so với năm học 2011-2012. Tương tự, Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký thu 1.800.000 đồng/tháng, tăng khoảng 17%; Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm thu 1.900.000 đồng/tháng, tăng 12%…


 

Theo thống kê, các trường tốp dưới tăng học phí mạnh nhất. Trường THPT Âu Lạc tăng từ 2.100.000 đồng lên 3.800.000 đồng/tháng. Trường THPT Á Châu tăng từ 6.411.000 đồng lên 7.373.000 đồng/tháng; Trường THPT Phan Bội Châu tăng từ 950.000 đồng lên 2.350.000 đồng/tháng; Trường THPT Thái Bình Dương tăng từ 4.800.000 đồng lên 5.400.000 đồng/tháng.

 

Cũng có vài trường như THPT Sao Việt, THPT Nam Mỹ, THPT APU giảm học phí từ 500.000 – 2.175.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức học phí đang áp dụng ở những trường này lâu nay rất cao: Trường THPT APU thu 20.618.000 đồng/tháng, THPT Nam Mỹ và THPT Sao Việt cùng thu 10.500.000 đồng/tháng.

Tăng học phí để chống trượt giá

Theo bà Nguyễn Yên Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến và hiệu trưởng nhiều trường THPT ngoài công lập khác, chi phí phục vụ bán trú và những chi phí khác đều tăng nên phải điều chỉnh học phí.

Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm, nói phải tăng học phí nhằm cải thiện lương cho giáo viên và chống trượt giá đồng thời tăng cường mua sắm, đầu tư trang thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT TPHCM, cho rằng học phí và nhiều khoản thu khác của các trường ngoài công lập không chịu sự ràng buộc của các cơ quan Nhà nước mà do sự thỏa thuận của phụ huynh với nhà trường.

 

Nói đúng hơn là trường quy định các mức thu, phụ huynh chấp nhận được thì cho con theo học. Do vậy, khi đăng ký vào trường ngoài công lập, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ các khoản thu cũng như điều kiện dạy học để chất lượng dạy học tương xứng với kinh phí bỏ ra.

 

 

Theo Huy Lân

Người Lao Động

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-591143/truong-tu-tang-hoc-phi.htm

Mạn đàm về cách dạy lịch sử

Posted: 02 May 2012 03:43 PM PDT

Nói đúng hơn là một bộ phận học sinh đã quay lưng lại với môn học khá quan trọng. Điển hình, nhiều học sinh đã không nhớ nổi sự kiện “ngày 30/4" hào hùng của dân tộc đã diễn ra cách đây bao nhiêu năm, mang tầm mức lịch sử quan trọng thế nào?


Niềm tự hào dân tộc phải gắn với tận tường lịch sử

Nếu ai đã từng về Làng Sen quê Bác, hay đến Ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn, Bảo tàng lịch sử Hồ Chí Minh, chắc đều khó quên được cảnh hàng đoàn người tham quan đứng lặng, mắt đỏ hoe khi nghe lời giới thiệu truyền cảm của các hướng dẫn viên về những mốc son, sự kiện lịch sử. Niềm tự hào về lịch sử chói lọi của dân tộc, về sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho quê hương, có lẽ không bao giờ xúc cảm hơn khi được tận mắt ghi nhận những chứng tích lịch sử. Xin nhân kỷ niệm lần thứ 37 của Đại thắng Mùa xuân năm 1975 hào hùng để nói về niềm yêu sử trong giới trẻ.

Báo động đỏ mà các giáo sư, các nhà nghiên cứu sử học đã cảnh báo chính là sự quay lưng của giới trẻ đối với lịch sử nước nhà, với niềm tự hào, tự tôn của dân tộc. Tại nhiều nước, môn lịch sử bao giờ cũng được coi là môn học chính, rất quan trọng, thì ở nước ta, môn học này bị xếp vào yếu tố dự phòng. Chỉ vài năm trở lại đây, người ta mới đưa môn sử quay trở lại danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT, nhưng cơ bản vẫn chưa chính thức là môn bắt buộc như văn và toán. Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã không khỏi lo lắng bởi học sinh hiện nay không biết lịch sử nước nhà “là một điều nguy hại". Không nguy hại sao được khi “dốt sử", các em sẽ khó dấy nên được niềm tự hào, tinh thần thượng võ dân tộc. Bởi đơn giản là, dù có muốn tự hào, muốn thượng võ thì cũng phải hiểu cha ông ta đã từng thượng võ ra sao, niềm tự hào dân tộc phải được biểu hiện qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước như thế nào. Giả sử, những học sinh đó được một người ngoại quốc hỏi: “Tôi rất muốn biết niềm tự hào dân tộc của nước các bạn thể hiện qua những mốc son lịch sử chói lọi nào"? Thì có lẽ, những cái lắc đầu hay cười trừ lấp liếm sự thiếu hụt kiến thức sẽ làm niềm tự hào ấy bị phai mờ đi nhiều lắm!

Một sinh viên khoa Lịch sử tại trường ĐH KHXHNV TP.HCM đã thổ lộ, niềm yêu thích lịch sử của em đã có được khi em cùng tập thể lớp đi tham quan Bảo tàng lịch sử Hồ Chí Minh. Hình ảnh con tàu Đô đốc Latouche Tréville, rồi hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành gày gò khi ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm trí em, không thể quên được. Sinh viên này cho biết, học lịch sử rất hấp dẫn, lôi cuốn nhưng cũng đầy cam go. Muốn học giỏi, phải say mê. Em may mắn đã được tham quan nhiều địa danh lịch sử. Nhưng không phải chỉ đi cho biết, mà đến địa danh nào, nhìn từng chiếc xe tăng, kỷ vật của người lính giải phóng, sơ đồ, sa bàn, em đều tự gán cho mỗi hình ảnh ấy một sự kiện ngày tháng, mỗi diễn biến lịch sử. Đó là cách ghi nhớ thủ công nhưng đầy tính khoa học.

Ngày kỷ niệm lịch sử phải dấy nên sự thiêng liêng

Câu chuyện trên cũng chỉ đơn thuần là một cách học, cách tự say mê, tìm tòi về môn sử. Nhưng cách tự đam mê và tự tìm ra cho riêng mình bí quyết ấy không nhiều. Tại các trường phổ thông, đôi khi người ta đã xem nhẹ môn sử, coi đó là môn học phụ. Giáo viên dạy hết trách nhiệm, học trò trả bài, đủ điểm là quên. Đó là sự thật đau lòng. Công bằng mà nói, nhiều giáo viên cũng rất tâm huyết, sáng tạo nhiều cách dạy, cách học hấp dẫn, nhưng với một “khung" thời lượng giảng dạy hạn hẹp, với một giáo án vốn đã cứng nhắc khô khan, thì dẫu có muốn thay đổi cũng chỉ như đá ném ao bèo.

Vậy vấn đề mấu chốt là gì? Nếu quy về cho giáo trình khô cứng, nặng nề kiến thức, trùng lặp, chưa có tính xâu chuỗi thì cũng đúng, nhưng chưa phải là tất cả. Nên nhớ, để tạo niềm yêu thích bất cứ môn học nào đó, cần phải tạo môi trường thân thiện, cách truyền thụ của giáo viên hấp dẫn, khơi dậy đam mê, cách học phải gắn kiến thức với thực tế, phải được trực quan nhìn nhận. Chứ không nhất thiết có giáo trình hay là học sinh đã thành tài. Điều thiếu nhất của các trường phổ thông đang dạy sử hiện nay là chưa gắn kết được kiến thức với thực tế, chưa tạo các buổi tham quan những địa danh lịch sử một cách liên tục, đồng nhất. Học sinh chỉ biết lịch sử qua sách vở, phải học “chay". Và rồi rất dễ lãng quên nếu không được tác động trực tiếp đến bộ nhớ bằng hình ảnh của những chuyến tham quan, hoặc qua hình ảnh, phim tư liệu. Cần lưu ý, ở thời buổi phát triển mạnh về internet hiện nay, nếu nặng về kiến thức thì chỉ cần một máy tính nối mạng là đủ. Vì thế, học lịch sử phải từ sự kiện gắn với chứng tích lịch sử.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-591173/man-dam-ve-cach-day-lich-su.htm

Triển khai giảng dạy sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các TTGDTX

Posted: 02 May 2012 03:43 PM PDT

(GDTĐ)- Bộ GDĐT vừa ban hành hướng dẫn triển khai nhiệm vụ giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các TTGDTX. Theo đó, cùng với việc tổ chức học theo từng chuyên đề, các TT GDTX có thể tổ chức theo các hình thức khác nhau như: trò chơi, đóng kịch, các cuộc thi tìm hiểu, thi tuyên truyền, thi xử lý các tình huống về GD sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,…

Trong mỗi chuyên đề, giáo viên chủ động kiểm tra (miệng, trắc nghiệm hoặc tự luận 15 phút); kết thúc các chuyên đề, giáo viên bố trí cho học viên làm bài kiểm tra (2 tiết) hoặc viết thu hoạch dưới hình thức một tiểu luận và đánh giá nhận thức của học viên theo thang điểm 10/10.

Căn cứ kết quả đánh giá của giáo viên, giám đốc TT GDTX cấp cho người học giấy chứng nhận đã học xong chương trình GD sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ GDĐT cũng yêu cầu các sở GDĐT tổ chức, chỉ đạo các TT GDTX bổ sung thêm những nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với tình hình của địa phương. Giáo viên có thể viết thêm tài liệu để minh họa hoặc liên hệ thực tế về các vấn đề có liên quan của địa phương sở tại. Thời gian giảng dạy các chuyên đề của tài liệu này được tính như tiết dạy học các môn văn hóa khác.

Cùng với đó, sở GDĐT có văn bản chỉ đạo các TT GDTX hưởng ứng phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đơn vị, tích cực hợp tác với các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng dân cư để sử dụng tiết kiệm và bảo vệ các nguồn năng lượng hiện có; hướng dẫn các trung tâm GDTX trên địa bàn lập kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngay từ đầu học kỳ I của năm học 2012 – 2013.
Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201204/Trien-khai-giang-day-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-trong-cac-TTGDTX-1960945/

Chấm thi tốt nghiệp THPT được thù lao tối đa 15.000đ/bài

Posted: 02 May 2012 03:43 PM PDT

Theo đó, người tham gia soạn thảo câu trắc nghiệm được nhận thù lao 10.000 – 92.000 đồng/câu (tuỳ theo tính chất phức tạp của câu trắc nghiệm), chi phí cho việc xây dựng đề thi gốc là 920.000 đồng/đề (bao gồm cả phản biện và đáp án). Thù lao cho việc ra đề (đối với câu tự luận) trong thi tốt nghiệp THPT tối đa 460.000 đồng/đề, thi chọn học sinh giỏi quốc gia tối đa 815.000 đồng/đề và thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế tối đa 1,05 triệu đồng/đề (một đề chính thức bao gồm nhiều phân môn khác nhau, đề đề xuất có ít nhất 3 câu).

Cũng theo quy định mới này, cán bộ ra đề thi tốt nghiệp THPT nhận thù lao tối đa 300.000 đồng/ngày cho đề trắc nghiệm và 500.000 đồng/ngày cho đề tự luận. Đối với thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (Đề tự luận, đề trắc nghiệm, đề thực hành) được tối đa 750.000 đồng/ngày. Thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế (Đề tự luận, đề trắc nghiệm, đề thực hành) tối đa 1.050.000 đồng/ngày.

Thù lao cho cán bộ chấm thi tốt nghiệp THPT đối với môn tự luận tối đa 15.000 đồng/bài. Chấm thi học sinh giỏi tối đa 65.000 đồng/bài và thi chọn đội tuyển quốc gia là 90.000 đồng/bài…

Như vậy so với hướng dẫn tạm thời trước đây thì mức chi xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đã tăng lên từ 1,5 – 2,5 lần. Đặc biệt là mức thù lao chấm thi tốt nghiệp tăng lên 3 lần (trước đây là 5.000 – 7.000/bài)

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-591537/cham-thi-tot-nghiep-thpt-duoc-thu-lao-toi-da-15000dbai.htm

Vỡ mộng kinh doanh giáo dục

Posted: 02 May 2012 03:43 PM PDT

Vỡ mộng kinh doanh giáo dục

Kỳ 1: Ngắc ngoải trường tư

TT – Nhiều trường ngoài công lập từ trung cấp đến đại học đang hoạt động cầm chừng. Thậm chí có trường đã phải ngừng hoạt động.

Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 khiến trường thêm khó khăn. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Văn Hiến học trong thư viện trường – Ảnh: Trần Huỳnh

Giữa tháng 4, các học viên và phụ huynh của cơ sở đào tạo thiết kế, nghệ thuật và quản lý thời trang Vmode (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đến cơ sở này đòi lại học phí. Cuối cùng, một học viên đã lấy… một chiếc máy may tương đương 4,2 triệu đồng học phí đã đóng cho những môn chưa được học.

Lấy tài sản trừ học phí

Có mặt ở cơ sở này tại thời điểm trên, chúng tôi nhận thấy mọi hoạt động dạy – học của cơ sở đã dừng lại. Vật dụng có giá trị của Vmode hầu như đã được chuyển đi hết, chỉ còn hai tủ kính, mấy bộ manơcanh và vài chiếc máy may. Trước đó, một số học viên khóa 1, khóa 3 đã đến lấy máy may, máy vắt sổ, manơcanh, sách vở… của trường để trừ nợ. Bà Nguyễn Nhật Quỳnh – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vi Mốt, đơn vị chủ quản cơ sở đào tạo này – cho biết: "Trường đã ngừng hoạt động vì khó khăn về tài chính. Thực tế chúng tôi đang trong quá trình thương thảo với các đối tác để vượt qua khó khăn hiện tại chứ không phải trường đã phá sản".

Cũng theo bà Quỳnh, cơ sở đào tạo này chính thức tuyển sinh từ tháng 2-2011 với 120 học viên (40 học viên khóa dài hạn và 80 học viên khóa ngắn hạn). Mức học phí của trường là 60 triệu đồng/khóa dài hạn và 10-20 triệu đồng/khóa ngắn hạn. Tuy nhiên, trong quá trình học nhiều học viên tự bỏ học. Khi ngừng hoạt động trường chỉ còn 14 học viên đang theo học (trong đó có tám học viên dài hạn). Do không tuyển sinh đạt chỉ tiêu nên thu không đủ bù chi phí hoạt động. "Từ khi mở trường đến nay tháng nào công ty cũng phải bù lỗ do quá ít người học. Đầu năm 2012, trường đã không đủ khả năng trả lương cho giáo viên nhưng vẫn ráng gồng… Đến nay đã lỗ hàng tỉ đồng nên tạm thời phải ngừng hoạt động để tìm đối tác, kêu gọi đầu tư…"- bà Quỳnh cho biết.

Trước đó, nhà trường đã họp học viên để thông báo tình hình khó khăn của trường, công khai tài chính và đưa ra hướng giải quyết. Theo đó trường tạm ngưng ba tháng để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời học phí những môn học viên chưa học được hoàn trả 50% tiền mặt và 50% tài sản hiện có tại trường (máy chiếu, máy may, máy vắt sổ, manơcanh, sách vở…). "Trường rất muốn hoàn trả 100% học phí cho học viên nhưng không thể. Chúng tôi chỉ vay được mức vậy thôi…" – bà Quỳnh giãi bày.

Cố gắng cầm cự

Từ ba cơ sở đào tạo, đến nay Trường trung cấp nghề Việt Giao chỉ còn một điểm ở Q.10, TP.HCM. Theo ông Trần Phương – chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường, năm 2007 trường tuyển được 5-7 lớp (50 học sinh/lớp), nhưng đến năm 2011 chỉ tuyển được một lớp. Ba năm nay nhà trường không tuyển sinh được vào đợt tuyển tháng tư hằng năm.

Năm 2011, Trường trung cấp tư thục Hoàn Cầu (TP.HCM) gửi 10.000 thư mời nhập học nhưng chỉ có 78 học viên đến nhập học. Hết học kỳ I, học viên theo học tại trường này "rơi rụng" gần một nửa, đến nay chỉ còn 40. Ông Võ Thanh Trà – trưởng phòng đào tạo nhà trường – tính toán trường thuê một căn nhà hai tầng trên đường Tân Phước (Q.Tân Bình, TP.HCM) vừa làm trụ sở, vừa bố trí 10 phòng học để phục vụ đào tạo hết 80 triệu đồng/tháng. Chi phí cho hoạt động tuyển sinh của trường trong năm 2011 hết khoảng 100 triệu đồng. Nhưng trước tình hình tuyển sinh "ế ẩm", trường phải cho thuê lại tầng 1 của tòa nhà để bù lỗ. Đồng thời để giảm chi phí, trường vận động học viên hai ngành lập trình máy tính và quản trị mạng… dồn vào một lớp.

"Khi thành lập, lãnh đạo trường lạc quan nghĩ rằng mỗi năm sẽ tuyển được 300 học viên. Qua ba năm số học viên tại trường sẽ gần 1.000. Thế nhưng, học phí thu không đủ đóng tiền mặt bằng. Hiện trường đang gặp nhiều khó khăn vì phải bù lỗ hằng tháng cho phí thuê mặt bằng, giáo viên, nhân viên… Trường đã rao bán bớt cổ phần nhưng không ai mua nên đang cố gắng cầm cự, còn nước còn tát" – ông Trà nói.

Trong khi đó, Trường trung cấp nghề Du lịch và tiếp thị quốc tế (TP.HCM) cũng đang phải hoạt động cầm chừng. "Trường đang bù lỗ và không biết cầm cự được bao lâu nữa" – ông Phan Đình Huê, phó hiệu trưởng nhà trường, lo lắng. Theo ông Huê, từ năm 2008 đến nay trường đã phải cắt giảm 2/3 quy mô hoạt động. Từ khoảng 800 học viên, đến nay chỉ còn hơn 100 học viên đang theo học tại trường này. Dù tăng cường quảng cáo, tuyển sinh nhưng số người theo học cứ giảm dần đều qua từng năm. Trước đây, trường có một cơ sở chính "hoành tráng" ở đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng ba điểm hợp tác đào tạo khác thì hiện chỉ còn một trụ sở nhỏ hơn trụ sở ban đầu. Hiện nhà trường đang trông chờ tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn để "lấy ngắn nuôi dài" và hoàn tất hồ sơ, thủ tục để mở một phân hiệu ở Cần Thơ.

"Đẩy các trường vào chỗ khó hơn"

Từ khi thành lập đến nay Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) luôn trong tình trạng khó khăn đủ thứ do thiếu tiền. Năm trước trường có bảy khoa, hai trung tâm đào tạo hàng chục ngành với khoảng 1.250 sinh viên. Tuy nhiên trường lỗ 2,5-3 tỉ đồng/năm và nếu duy trì tình trạng này, số lỗ sẽ nhiều hơn, gấp 2-3 lần. Trong khi tình hình tuyển sinh của trường luôn èo uột nên khó càng thêm khó.

Ngày 27-4, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với một loạt ngành đào tạo ĐH của một số trường ĐH, trong số này hầu hết là các trường ngoài công lập. Lý do đình chỉ là tỉ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao và thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.. Trước đó, do mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với các trường: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, ĐH Hùng Vương TP.HCM và đình chỉ tuyển sinh 12 ngành đào tạo thuộc bốn trường: ĐH Chu Văn An, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.

Ông Trần Chút, phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: "Quy định mới của bộ rất đúng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng để thực hiện phải có lộ trình. Bộ phải thừa nhận thực tế các trường ngoài công lập đang tồn tại nhờ số lượng người học, nguồn thu từ học phí. Không ít trường đang khó khăn, nay bộ làm căng như vậy đã đẩy các trường vào chỗ khó hơn".

TRẦN HUỲNH – HÀ BÌNH (còn tiếp)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/489538/Vo-mong-kinh-doanh-giao-duc.html

Bắt buộc sinh viên thi TOEIC tại trường

Posted: 02 May 2012 03:41 PM PDT

Bắt buộc sinh viên thi TOEIC tại trường

TT – Nhiều sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM phản ảnh nhà trường bắt buộc sinh viên phải thi chứng chỉ TOEIC tại trường, những chứng chỉ ngoại ngữ ngoài trường đều không được chấp nhận.

Trao đổi về việc này vào chiều 30-4, PGS.TS Trần Hoàng Hải – phó hiệu trưởng nhà trường – cho biết: "Từ tháng 9-2012, các chứng chỉ TOEIC và các bằng tiếng Anh khác chỉ được nhà trường chấp nhận khi thi tại trường, dù sinh viên học tại bất cứ trung tâm ngoại ngữ nào. Quy định này nhằm đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định, chống vấn nạn bằng giả, thi hộ và khẳng định thương hiệu đào tạo của nhà trường". Nhà trường sẽ phối hợp với IIG VN (đơn vị duy nhất được ủy quyền tổ chức, quản lý các kỳ thi và cấp chứng chỉ TOEIC tại VN của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ – ETS) tổ chức thi và cấp chứng chỉ TOEIC, TOEFL ngay tại trường. Nhà trường đã trang bị hai phòng thi theo đúng chuẩn quốc tế.

Cũng theo ông Hải, cán bộ, giảng viên của trường sẽ cùng tham gia công tác coi thi, tránh được tình trạng thi hộ, gian lận trong thi cử phổ biến hiện nay. Nhà trường cũng đã làm việc với đối tác để giảm lệ phí thi cho sinh viên.

TRẦN HUỲNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/489648/Bat-buoc-sinh-vien-thi-TOEIC-tai-truong.html

Comments