Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


‘Phiếu bé ngoan’ có nên kêu sột soạt?

Posted: 01 May 2012 09:05 PM PDT

Con cháu "nhân dân anh hùng"

Dạy bé chịu trách nhiệm về tài chính không thể dễ dàng. Cho nhiều tiền, cha mẹ lo khi lớn lên con không biết cách trang trải hợp với thu nhập của mình. Nếu hoàn toàn không đưa tiền cho con (như bố mẹ tôi chẳng hạn, đã làm) thì con sẽ quen đi với việc cha mẹ sẽ quyết định mọi điều thay cho nó, và trong tương lai, nó không chỉ không biết tiêu tiền, mà còn không biết ra quyết định nói chung, dựa trên các phương tiện vật chất có trong tay.

Tôi có một kinh nghiệm cay đắng khi còn thiếu niên. Khoảng đầu những năm 70, vì cha mẹ là cán bộ trung cấp, tôi có lần được cử đi mua thịt ở cửa hàng cung cấp Đặng Dung. Thời đó cán bộ cao cấp (sổ A, B) mua ở cửa hàng cung cấp Tôn Đản, ít người hơn, còn Đặng Dung, Nhà Thờ, Vân Hồ … dành cho cán bộ trung cấp (sổ C) thì đông người lắm. Xếp hàng thịt thời bao cấp nhiều khi là trèo lên đầu nhau. Chen chúc một hồi, lên được tới trước cửa sổ bé của quầy thịt, tôi mệt hết hơi, và quên khuấy mất mẹ tôi dặn mua những gì. Tôi còn nhớ bên trong là một bác béo, mà có lẽ gần như cả lớp tôi (lớp "chuyên" của Chu Văn An, có nhiều bạn con cán bộ) đều kính nể, đứng giữa đống thịt "mông, vai, thăn, sấn" (các loại thịt đề trên bảng giá giữa các Cửa hàng thịt thời bao cấp). Nhìn tôi trong một giây, bà béo "bắt hình dong": "ăn trắng mặt trơn quen rồi". Giữa "đám quân trăm vạn ấy" tôi cảm thấy nhục nhã vô cùng. Thời đó có câu:

"Tôn Đản là chốn vua quan,
Nhà Thờ là chốn trung gian nịnh thần,
Đồng Xuân là của thương nhân.
Vỉa hè là chốn nhân dân anh hùng".

Từ đó, tôi càng cố thân hơn với các bạn gia cảnh có phần khó khăn trong lớp, và nhận thấy mình như học được nhiều hơn, từ gương vượt khó của chính các bạn này… Tôi bắt đầu chú ý đến những câu như "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Tôi cũng nhận thấy trong thế giới của người lớn, có những người chỉ nhận đồng lương khiêm tốn, nhưng vẫn không cảm thấy thiếu thốn về tiền nong. Trong khi đó, có những nhà khác lương cao, nhưng không thể "co kéo" nổi đến kỳ lương tới.

Hôm nay, dạy con tiếp cận đồng tiền, ta như lại được cùng lớn lên với bé. Chẳng hạn, đèo con lỡ vượt đèn đỏ, đã không còn cố gạ "cưa đôi" tiền phạt với CSGT…

Đồng tiền còn là một phương tiện để dạy bé chịu trách nhiệm. Vì chính kinh nghiệm tiếp cận tiền của chúng ta tạo nên (nhân cách) chúng ta. Có lẽ với một xã hội hậu bao cấp như Việt Nam, nếu trẻ được dạy cách sử dụng đúng đồng tiền càng sớm, nhân cách của cháu càng được hình thành nhanh hơn.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70281/-phieu-be-ngoan--co-nen-keu-sot-soat-.html

Một lời khuyên ý nghĩa

Posted: 01 May 2012 09:05 PM PDT


Bởi vậy, ngay từ năm học đầu tiên, tôi đã muốn đỡ đần cha mẹ bớt đi những khó khăn bằng cách tìm việc làm, có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống sinh viên.

Những ngày đầu, tôi đạp xe đến Trung tâm gia sư xin dạy học. Tôi phải đóng một khoản phí cho trung tâm (chiếm 50% số lương tháng đầu tiên) và được nhận một địa chỉ đi dạy 1 tuần/ 3 buổi.

Tính ra cũng chỉ mất phí tháng đầu, tôi nhẩm tính và tự nhủ mình sẽ cố gắng bớt chi tiêu, chịu khó một vài tuần rồi những tháng sau sẽ bù lại. Nhưng ai dè, đó là địa chỉ gây khó dễ cho tôi khi đi dạy, giá như họ thỏa thuận với tôi ngay từ lúc đầu, có lẽ tôi đã nhận được địa chỉ khác từ phía trung tâm hoặc được nhận lại số tiền lệ phí.



Buồn và tủi thân về số tiền mới bị mất, tôi kể với những người bạn, những anh chị sinh viên cùng phòng với mình, họ nhắc nhở tôi phải coi chừng cả những trung tâm gia sư, họ câu kết cả với những người nhà, hoặc người thân để tạo khó dễ khi đi dạy… tạo nên những điều khoản thuận lợi cho họ trong hợp đồng và bất lợi cho mình…

“Về lý và danh nghĩa thì họ đúng nhưng thực chất vấn đề thì là một trò lừa bịp sinh viên lấy tiền, một số địa chỉ vẫn có thực nhưng không phải là tất cả, con số ấy thật ít ỏi, cái thật, cái giả xen kẽ nhau trong mọi việc…”, một người bạn phân tích.



Mọi người bàn luận và nhắc nhở tôi. Quả thực, tôi cũng chỉ là một sinh viên mới ra Hà Nội học, không nghĩ đến những trung tâm gia sư cũng có những mánh khóe như vậy.

Buồn phiền vì số tiền đã mất, tôi rút ra bài học cho mình và không nản lòng kiếm một công việc khác mà không mất phí cho trung tâm.

Tôi đạp xe dọc đường phố, trong giỏ xe là chiếc bản đồ phòng khi bị lạc còn biết đường về nơi ở trọ. Tôi để ý những cửa hàng ăn, những quán café cần tuyển người chạy bàn, rửa bát là dừng xe vào hỏi. Phải vừa đảm bảo được giờ giấc đến trường và không bị ảnh hưởng về giờ học nên thật khó. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên má phừng phừng nóng.



Tôi dừng xe tại một cửa tiệm có ghi những dòng chữ "tuyển nhân viên". Đó là một cửa hàng chuyên bán những đồ ăn nhanh, đồ ăn sáng và đồ uống cho các em học sinh tiểu học.

Tôi đã tận mắt được chứng kiến những em đang trực tiếp bán hàng cho khách nhí, chân tay không ngừng nghỉ. Tôi hình dung ra công việc của mình nếu được nhận làm việc tại đây. Quả thực, có 3 người giúp việc thôi vẫn chưa đủ, bà chủ là người đứng chỉ đạo và thu tiền.



Đợi cho đến lúc khách thưa, tôi và bà chủ nói chuyện về công việc. Tôi kể lại câu chuyện và những lí do tôi cần việc làm. Bà chủ nhìn tôi và lắng nghe. Tôi có hứa sẽ làm những công việc ở đây một cách chu đáo để bà chủ yên tâm hơn. Bà chủ có vẻ quan tâm và thân thiện hơn, hỏi tôi về gia đình, nơi ở và học tập. Sau một hồi nói chuyện thì câu chuyện chuyển sang hướng khác. Bà chủ không tỏ vẻ như mình đang cần một người giúp việc như lúc đầu.




Bà khuyên tôi: "Cháu là sinh viên năm đầu tiên, biết tìm việc làm để phụ giúp gia đình là rất tốt. Nhưng đó chỉ là cách giải quyết khó khăn trước mắt. Cháu hãy suy nghĩ cho kĩ trước khi lựa chọn một công việc đối với mình. Bác có thể nhận cháu vào làm việc nhưng chắc chắn cháu sẽ mất rất nhiều thời gian, rồi khi đi làm về mệt, liệu cháu có còn thời gian để mà học tập? Bác rất cần người làm việc nhưng muốn chọn lao động phổ thông, các em ở đây không vướng mắc những công việc khác. Bác khuyên cháu đừng ham đi làm và cần phải tập trung vào học tập. Cháu học thêm ngoại ngữ, máy tính thật giỏi kết hợp với việc học tích lũy kiến thức ở trường. Sau này khi tốt nghiệp, cháu sẽ tìm được vị trí xứng đáng với khả năng của mình…"




Bác sẵn sàng nhận tôi vào làm và có nói về những công việc và nội quy ở đây. Nhưng bác vẫn khuyên tôi cần phải suy nghĩ lại. Suốt ngày hôm đó, tôi suy nghĩ về những điều bác nói và ngừng hẳn ý định xin việc. Tôi cần tập trung vào học tốt, trang bị cho mình kiến thức để sau này khi ra trường, có thể tìm cho mình một công việc xứng đáng với tấm bằng cầm trong tay. Tôi đã gọi điện cám ơn bác vào ngày sau đó.




Một bà chủ ở một cửa tiệm nhỏ đã cho tôi một lời khuyên có ý nghĩa đối với cuộc đời mà trên mỗi bước đường thành đạt của mình sau này, tôi không bao giờ tôi quên được.




  • Hạnh Anh (Hà Nội)

****************

Mời các bạn chia sẻ thông tin, câu chuyện, hình ảnh về giáo dục,
đời sống giới trẻ theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các
bạn

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70196/mot-loi-khuyen-y-nghia.html

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Không chi bằng học

Posted: 01 May 2012 09:05 PM PDT

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (ảnh) đã chia sẻ với phóng viên Sinh Viên Việt Nam về sự thực học, trách nhiệm của sinh viên với các vấn đề của thời cuộc…

Thấy giá trị của Tự do để tin tưởng và đi tới

Thưa bà, chiến tranh đã lùi xa nhưng đất nước vẫn còn nhiều điều đáng trăn trở. Từng trải qua hai cuộc chiến tranh lớn của dân tộc, bà cảm nhận điều này ra sao?

Trước đây, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cực kỳ gian khổ, khó khăn ác liệt nhưng mục tiêu rõ ràng và bối cảnh xã hội trong nước cũng như trên thế giới cũng không quá phức tạp. Lúc bấy giờ, chỉ có một con đường đi, chỉ có một mục tiêu là vì độc lập dân tộc, vì tự do của đất nước. Bây giờ, mục tiêu không đơn giản như trước, có thuận lợi là chúng ta độc lập, chúng ta làm chủ đất nước nhưng yêu cầu, nhiệm vụ lại rất nặng nề. Cũng có thể hình dung là trước đây, mình phải đập phá những cái cũ, thì nay mình phải xây cái mới. Đập phá không phải dễ, nhưng còn dễ hơn là xây.

Theo bà, đâu là giá trị và phẩm chất cốt lõi mà mỗi công dân Việt Nam cần có sau 37 năm “non sông thu về một mối”?

Tôi thấy thấm thía câu này: “Khi chúng ta giành độc lập dân tộc thì chúng ta mới giành được quyền tự do chứ chúng ta chưa có tự do”. Đúng là như vậy, chúng ta mới giành được quyền tự do nhưng tự do thực sự thì không phải là một câu thần chú (hô là có được). “Tự do” với cái nghĩa rất tốt đẹp: Tự do là tự chủ đất nước, con người phát triển theo nguyện vọng của mình… Tự do đó mới thực sự là Tự Do, mới thực sự là Hạnh Phúc.

Hiện nay, đó chính là nhiệm vụ của chúng ta: Phải xây dựng một đất nước tự do, tự do cho từng người và tự do cho cả đất nước. Bác Hồ nói đại ý rằng: Nếu chúng ta giành độc lập mà nhân dân không có hạnh phúc thì độc lập đó chưa có ý nghĩa đầy đủ. Nay chúng ta có độc lập nhưng chúng ta chưa có hạnh phúc trọn vẹn. Người nghèo trong xã hội chúng ta còn nhiều. Hãy tự vấn về cuộc sống xung quanh: Những cháu nhỏ được chăm sóc như thế nào, người già được chăm sóc ra sao… nhất là những vùng xa xôi, chúng ta còn nghèo khó lắm. Bây giờ, chúng ta phải kiến tạo hạnh phúc, dù việc này rất khó. Đây không chỉ là việc của một số người tiên phong mà phải là sự hiệp tâm của tất cả mới làm được, nó khó ở chỗ đó.

Đối với các bạn sinh viên, có thể coi các bạn là nguyên khí của quốc gia. Các bạn phải nhận thức được rằng, nhiệm vụ của các bạn rất nặng nề. Phải tự hào là mình có quyền tự do, mà không phải ai cũng có được điều đó, phải thấy được công lao của người đi trước, phải thấy được truyền thống, tố chất của người Việt Nam… để tin tưởng và đi tới.

Từng là một chính trị gia, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, cảm thức của bà sau mỗi chuyến đi là gì?

Nói thật, đi nhiều nước, thấy dân tộc mình anh hùng, cả thế giới khâm phục, nhưng nhìn lại mình thì còn nhiều thứ yếu kém! Cụ Phan Châu Trinh cách đây gần một thế kỷ có nói: “Chúng ta đánh thua Pháp vì chúng ta kém họ cả một thời đại”, họ là công nghiệp rồi mình vẫn còn phong kiến. Đó cũng nói lên sự chậm phát triển của chúng ta, cả về trình độ về khoa học và cả về mặt văn minh. Bây giờ, đó vẫn là câu chuyện thời sự. Tôi rất thích câu hát của thanh niên: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Phải làm cho nhiều thanh niên hiểu rõ được điều đó để ra sức học tập,  phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh.

“Thực học, thực hành”

Bà là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, triết lý nào ở cụ mà bà thấy tâm đắc nhất?

Cụ nói “không chi bằng học”, đưa quan điểm “nâng dân trí”, “chấn dân khí”, thực hiện được hai điều này mới có hạnh phúc – “hậu dân sinh”. Trước tiên, đất nước phải được độc lập, nay mình đã độc lập rồi, phải lo dân trí, nhưng dân trí của ta nhìn chung còn thấp! Xe cộ lạng lách như thế này là thiếu dân trí, làm buôn bán mà gian dối là thiếu dân trí…

Chúng ta đã coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, vậy nhưng tại sao vẫn có tình trạng trên, thưa bà?

Chính sách đó hết sức đúng, nhưng chúng ta nói mà không quyết liệt làm. Trước yêu cầu to lớn của đất nước, hiện nay, chúng ta càng phải tập trung vào lĩnh vực này. Có kinh nghiệm nhiều nước rồi! Nước Nhật bứt phá vươn lên được như ngày nay là nhờ vào giáo dục. Người Hàn Quốc cũng vậy… Ở nhiều nước phát triển, họ cũng đi lên bằng giáo dục. Nền giáo dục đó vì con người, đào tạo ra được những con người có chất lượng, có trình độ. Do trình độ dân trí mình còn thấp nên trình độ về văn hóa, kinh tế cũng hạn chế, cho nên phải thấy giáo dục là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước.

Đâu là căn bệnh lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam hiện nay?

Bây giờ, hiện tượng khá phổ biến là chạy theo điểm số. Không ít sinh viên cũng chạy theo bằng cấp chứ không phải là nghĩ đến vấn đề nâng trình độ của mình. Bằng cấp không thể tạo ra năng lực, làm ra của cải cho xã hội… Theo tôi, thanh niên bây giờ phải làm nhiều việc nhưng trước hết phải học. Học thực sự, học có mục đích để giúp ích cho bản thân và cho đất nước. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh đến việc chúng ta cần một nền giáo dục “trung thực, lành mạnh, tiên tiến”.

Thưa bà, trong cuộc sống của bà, bà tôn thờ điều gì nhất?

Trung thực. Tôi cho rằng, con người trước hết phải trung thực thì mọi thứ khác sẽ tốt lên. Đảng viên mà không trung thực thì không phải đảng viên nữa, con người không trung thực thì  không phải con người tốt. Trung thực với mình, với bạn bè, với đất nước…

Sức mạnh nội lực là chủ quyền quốc gia

Để đất nước được độc lập, ta đã phải đổ xương máu. Nhưng để giữ nước, theo bà, điều cốt lõi người trẻ phải làm gì?

Khi tôi xem những sơ đồ về kinh tế và năng suất lao động thấy giá trị gia tăng của ta ngày càng thấp. Như vậy thì gay quá! Nước mạnh là phải mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa… Nhưng nền kinh tế của mình có giá trị gia tăng ngày càng thấp thế này thì làm sao?! Cho nên, muốn bảo vệ độc lập dân tộc thì trước hết nội lực phải mạnh, mà cái gốc vẫn là thế mạnh về kinh tế.

Kinh tế của mình còn yếu, kể cả nông nghiệp! Nông nghiệp là lĩnh vực tưởng chừng như có thế mạnh nhất, nhưng ta vẫn phải mua bao nhiêu thứ (từ giống đến phân bón…) từ nước ngoài… Mà những việc này mình có thể làm được! Tại sao không làm?

Ngày xưa, trong chiến tranh, sau mỗi trận thắng bà thường nghĩ đến điều gì?

Thắng trận, ta có quyền phấn khởi nhưng không bao giờ được tự mãn vì nhiệm vụ trước mắt ngày càng khó hơn, nặng hơn. Hồi trước, tôi nghĩ hòa bình lập lại rồi, mình chẳng cần đi đâu hết, chỉ cần ở nhà. Nhưng thực tế cho thấy, hòa bình rồi mà bao nhiêu việc còn ngổn ngang…

Nhiều người thì cho rằng, ta ngủ quên trên chiến thắng ở thời bình… Bà nghĩ sao?

Khi ta xuất phát từ điểm 0 đi lên, thì có thể nhanh nhưng sau đó không phải dễ dàng. Khi có đường lối Đổi mới, giải phóng sức lao động, mở cửa… ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhưng để tiếp tục ta cần có những yếu tố vững chắc. Phải đi vào năng suất, chất lượng, hiệu quả, có nghĩa là không phát triển theo bề rộng mà phải phát triển bền vững. Những khó khăn lớn về kinh tế, xã hội hiện nay của ta có phần do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu nhưng chủ yếu là do sự yếu kém chủ quan của chúng ta.

Trong chiến tranh, để chiến thắng kẻ thù, theo bà, yếu tố nào là quan trọng?

Có rất nhiều yếu tố, nhưng niềm tin là trước hết. Có một điều lạ là từ khi tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có lúc tưởng chừng khó khăn, ghê gớm… nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể thất bại. Một nguyên nhân quan trọng là chúng ta đã có những nhà lãnh đạo xuất sắc. Cho nên chủ trương của Đảng đưa ra là tất cả các đảng viên và toàn dân hăng hái thực hiện, bất chấp gian khổ, hy sinh. Và chúng ta đã chiến thắng.

Trong thời bình, trên một chặng đường dài đến đích của thành công, niềm tin cũng rất quan trọng. Hiện tại, về giá trị niềm tin, bà thấy thế nào?

Bây giờ, mình phải thực hiện nhiều mục tiêu, cả về  kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, an ninh quốc phòng… Yêu cầu cao, tình hình khó khăn, càng phải có niềm tin, có sự đoàn kết mạnh mẽ. Để tạo được niềm tin, cần làm cho người dân thấy rõ đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng, và họ tin lãnh đạo của mình sáng suốt, hành động vì lợi ích đất nước. Phải cho dân thấy, lãnh đạo và nhân dân đang cùng đi trên một con thuyền, theo một mục tiêu: Đó là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, tiến lên CNXH; trước mắt là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Xin cảm ơn bà và chúc bà mạnh khỏe!

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-591447/nguyen-pho-chu-tich-nuoc-nguyen-thi-binh-khong-chi-bang-hoc.htm

Cảnh giác với Atlat địa lý VN giả

Posted: 01 May 2012 09:03 PM PDT

Cảnh giác với Atlat địa lý VN giả

TT – Sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp năm 2012 có môn thi địa lý, trên thị trường đã xuất hiện các loại Atlat địa lý VN khác nhau, trong đó có nhiều cuốn giả mạo Atlat địa lý VN do Nhà xuất bản Giáo Dục VN phát hành.

Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo học sinh phải cẩn trọng trong việc mua và sử dụng đúng Atlat địa lý VN do Nhà xuất bản Giáo Dục VN phát hành.

Theo Công ty CP Bản đồ và tranh ảnh giáo dục – Nhà xuất bản Giáo Dục VN, Atlat địa lý VN giả có bìa nhựa nhòe, tối màu hơn, dòng chữ "Nhà xuất bản Giáo Dục VN" in nét đậm hơn.

Nội dung cuốn in giả có rất nhiều sai sót như ký hiệu đường biên quốc gia, màu nền địa hình thể hiện trên các bản đồ, xuất hiện một số ký hiệu lạ không đúng quy ước, toàn bộ đường biên giới quốc gia ở tất cả các trang đều không giống với ký hiệu biên giới quốc gia ở trang ký hiệu chung.

Theo các chuyên gia, những sai sót trên có thể gây ảnh hưởng xấu đến kết quả thi môn địa lý của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/489771/Canh-giac-voi-Atlat-dia-ly-VN-gia.html

Khởi động chương trình tìm kiếm sinh viên tài năng

Posted: 01 May 2012 09:03 PM PDT

Khởi động chương trình tìm kiếm sinh viên tài năng

TT – Công ty Asus Việt Nam vừa thông báo khởi động chương trình giáo dục Campus Tour CEO 2012 dành cho sinh viên trên toàn quốc.

Theo đó, chương trình sẽ tuyển chọn các sinh viên tài năng và đào tạo miễn phí thông qua các khóa học liên tục trong hai năm về kỹ năng tư duy, sáng tạo, vận dụng ngôn ngữ, lý thuyết và thực hành marketing cũng như thực tập quản lý. Asus còn hỗ trợ tài chính cho các ứng viên xuất sắc và tuyển dụng ngay sau khi ra trường.

Chương trình tiếp nhận đăng ký qua website, điện thoại hoặc email, sau đó tổ chức phỏng vấn ở tám TP (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ) vào tháng 4 và tháng 5. Sinh viên có thể đăng ký tham gia Asus Campus Tour CEO 2012 tại địa chỉ: http://vn-asus-campus-ceo.blogspot.com/.

Đ.THIỆN – H.N.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/489535/Khoi-dong-chuong-trinh-tim-kiem-sinh-vien-tai-nang.html

Trào lưu du học sớm

Posted: 01 May 2012 09:03 PM PDT

Phạm Tâm Anh là học sinh lớp 10A Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Học giỏi, Tâm Anh còn tham gia các hoạt động ngoại khóa. Giải ba Front The Most, cuộc thi tiếng Anh làm MC (dẫn chương trình) dành cho học sinh THPT và sinh viên Hà Nội do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức. Tâm Anh cũng được chọn làm MC cho chương trình Sắc màu Chuyên Ngoại ngữ trong trường hằng năm.



Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-590834/trao-luu-du-hoc-som-thach-thuc-giao-duc-noi.htm

Người trẻ đâu chỉ sống hời hợt, vô bổ

Posted: 29 Apr 2012 04:58 AM PDT


Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng các nhóm thiện nguyện hoạt động chính thức hoặc tự phát. Tuy nhiên, nếu thử vào Google và tìm từ khoá "Nhóm tình nguyện TP.HCM" sẽ nhận về con số 3.880.000 kết quả chỉ trong 0,29 giây. Trong năm 2011 và đầu năm 2012, có hai cuộc triển lãm Vì môi trường xanh ở công viên Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) và công viên Lê Thị Riêng (quận 10), mỗi cuộc triển lãm đều tập trung hàng chục nhóm tình nguyện tham gia giới thiệu về mình.

Quy mô lớn có thể nhắc tới những câu lạc bộ tình nguyện của các cơ quan báo đài hoặc đoàn thể với số lượng tình nguyện viên có thể từ vài trăm đến vài ngàn bạn trẻ. Quy mô nhỏ hơn có thể kể đến những nhóm tình nguyện của các trường đại học, cao đẳng, hoặc của những cá nhân thành lập với tâm nguyện riêng. Đó cũng có thể là nhóm sinh viên đồng hương hoặc đơn giản chỉ là tập hợp những nhóm bạn thường gặp nhau trên các diễn đàn… Còn nội dung hoạt động chủ yếu nhắm đến con người, mà đối tượng thường là trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em khuyết tật, những bệnh nhi của các căn bệnh hiểm nghèo; học sinh các vùng quê đang loay hoay tìm định hướng nghề nghiệp; những người già, neo đơn, người nghèo… và cả việc bảo vệ là thiên nhiên và văn hoá. Rất nhiều tình nguyện viên mà tôi biết tham gia công tác thiện nguyện trước hết vì tính nhân ái của công việc, và còn vì họ thấy phù hợp với khả năng đóng góp của mình. Tôi vẫn nhớ đến nhiều bạn đến từ những tỉnh xa và khó nghèo như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Các bạn vào Sài Gòn ở nhà trọ để học đại học, phải vừa bươn chải làm thêm, vừa căng thẳng với bài vở ở trường, vừa mệt mỏi với cơm – áo – gạo – tiền nhưng hàng tuần các bạn ấy vẫn đến chơi với các bệnh nhi; chưa một lần cân đo, đong đếm những gì cho đi. Các bạn vẫn luôn tự hào về kho báu quý giá mà các bạn nhận về – đó là tinh thần dũng cảm của các bệnh nhi ung thư, là những nụ cười vượt lên mọi đau đớn của các em và gia đình.

Cũng có lần, tôi thử trải nghiệm việc vượt qua những cung đường thật khó khăn để cùng một nhóm tình nguyện đi đến các vùng xa vùng sâu… chỉ để tặng người dân nghèo những cuốn sách, những bộ quần áo, những thùng mì. Dù quà tặng đơn sơ, với những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn nhưng chúng tôi được nhận lại về chính là nét mặt rạng ngời của những đứa trẻ và những người dân lam lũ nơi đó. Lấp lánh trong những nét mặt đó, tôi đọc thấy một niềm tin vào cuộc sống, vào tình người.

Và còn nhiều nữa những hành động cụ thể, những tình cảm chân thành… mà chúng tôi đã trao đi, đã chia sẻ. Chúng tôi không chọn cách sống mòn mà chọn một cách sống có định hướng mà chúng tôi nghĩ phù hợp nhất là đến với các hoạt động thiện nguyện để chia sẻ bất hạnh, nỗi đau cùng đồng loại, vì một môi trường sống xanh cho tất cả mọi người… Điều này là có thật, và hãy tin chúng tôi, những người trẻ.

(Theo Phương Thảo/ Sài gòn tiếp thị)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70197/nguoi-tre-dau-chi-song-hoi-hot--vo-bo.html

Vị hòa thượng Khmer hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

Posted: 29 Apr 2012 04:58 AM PDT

(GDTĐ) – Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Kh'leang, thuộc Khóm 5, Phường 6, TP Sóc Trăng đã có công lao nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng. Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, chùa Kh'leang được Bộ Văn hoá Thông tin( nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử. 

Ba mươi mấy năm qua, nhằm duy trì và nêu cao tinh thần yêu nước, dưới sự quản lí của Hoà thượng Tăng Nô, chùa Kh'leang đã nuôi dưỡng nhiều người già neo đơn được no ấm khi tuổi xế chiều; hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được học tập tốt và trở thành người có ích cho xã hội.

Hoà thượng Tăng Nô sinh năm 1942, trong một gia đình nông dân Khmer, ở khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng. Như bao thanh niên Khmer khác, năm 1960, ông vào chùa Khleang tu học. Vốn là người cần mẫn, hiếu học nên chỉ sau 15 năm miệt mài học tập Pali, Vini ở nhiều chùa Khmer trong nước và Campuchia, ông được bà con phật tử, Ban quản trị chùa tấn phong làm Hoà thượng.


Hòa thượng Tăng Nô đứng trên đất đã hiến xây trường Trung cấp Pali Nam bộ

Với tấm lòng từ bi bát ái, hiếu học, ông luôn quan tâm đến việc học tập của con em đồng bào Khmer trong tỉnh. Hằng năm có những học sinh, sinh viên Khmer ở trong tỉnh vì hoàn cảnh khó khăn định bỏ học, ông hay được là  nhanh chóng tìm mọi cách giúp đỡ, cho tá túc ở chùa và giúp một phần chi phí cho việc học tập. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên nghèo được tiếp tục đến trường, học hành đến nơi, đến chốn.

Nói về lòng nhân ái của Hoà thượng Tăng Nô, anh Tăng Ươl, cán bộ trường Trung cấp Pali Nam Bộ nói: "Hoàn cảnh tôi rất khó khăn. Mấy năm trước, nhờ Hoà thượng Tăng Nô giúp đỡ tiền bạc nên tôi mới có thể học xong lớp quản lí Thư viện 3 năm. Sau khi ra trường, Hòa thượng còn mua cho 1 chiếc xe gắn máy, nên tôi tự nhủ lòng mình phải cố gắng công tác tốt để không phụ lòng giúp đỡ của Hoà thượng".

Đồng cảnh ngộ có thầy Danh Mên, giáo viên trường Trung cấp Pali tâm sự: " Tôi không cha mẹ. Sau khi xuất tu, tôi học lớp Cao đẳng sư phạm. Biết được hoàn cảnh, Hòa thượng Tăng Nô cho tá túc ở chùa. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Hoà thượng còn mua cho tôi một chiếc xe gắn máy làm phương tiện đi lại. Ông bảo phải cố gắng làm việc thật tốt, giúp ích cho xã hội là xem như đã trả hết ơn nghĩa cho ông".

Bây giờ chùa Khl'eang có rất nhiều phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn đến xin cho con em mình tá túc để đi học. Bao nhiêu người cũng được Hoà thượng Tăng Nô vui vẻ đón nhận… Đầu năm học 2011- 2012, chùa Khleang tiếp nhận trên 30 em học sinh, sinh viên nghèo đến tá túc và được nhà chùa nuôi buổi cơm trưa.

Tâm sự với tôi, ông nói: " Một đời tôi tu hành, luôn hướng theo chân lí tốt đạo, đẹp đời, nên tôi chỉ mong ước con cháu mình được học tập tốt, có kiến thức cao để giúp ích cho xã hội". Không chỉ giúp học sinh, sinh viên nghèo khó khăn, Hoà thượng Tăng Nô còn cho nhiều người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn được tá túc, an dưỡng.

Nói về lòng từ bi, bát ái của Hoà thượng Tăng Nô, bác Lý Thị Sá Lý 81 tuổi nói: " Hoàn cảnh tôi rất khó khăn, đơn chiếc, không có đất, nhà để ở. Nên gần 20 năm qua, tôi được Hoà thượng Tăng Nô cho 1 phòng trong chùa để tá túc lúc tuổi xế chiều. Tôi rất biết ơn tấm lòng cao cả của Hoà thượng".

Không chỉ nuôi dạy những học sinh, sinh viên khó khăn ở vùng sâu, vùng xa và giúp người già neo đơn, Hoà thượng còn vận động xây dựng 02 căn nhà tình thương cho người dân không có nhà ở, trị giá gần 20 triệu đồng/ căn.

Năm 2004, ông còn bàn bạc với Ban quản trị chùa thống nhất hiến đất 8.100m2 cho Trường Trung cấp Pali Nam bộ xây dựng kí túc xá và nhà hiệu bộ cho tăng sinh của trường. Hiện nay, Hòa thượng còn nuôi một đứa trẻ mồ côi bị cha, mẹ bỏ rơi trước cổng chùa lúc vừa mới lọt lòng và được mang tên là Đại Thắng. Sau 10 năm nuôi nấng và dạy dỗ, nay Đại Thắng đã trở thành một cậu học sinh lớp 4 rất ngoan hiền và học giỏi.

Giờ đây tuy Hòa thượng Tăng Nô tuổi ngoài " thất thập cổ lai hy", nhưng bằng sự nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, một lòng mong muốn "tốt đời đẹp đạo", ông vẫn được tín nhiệm đảm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường BTVH Trung cấp Pali Nam bộ và Phó hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng.

Khemring

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4341/201204/Vi-hoa-thuong-Khmer-het-long-vi-su-nghiep-giao-duc-1960927/

Những người lạ rất quen ở giảng đường

Posted: 29 Apr 2012 04:57 AM PDT

Một cô gái có thể nhảy bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu chỉ cần có xúc cảm, dù đó là sân k‎ý túc xá với hàng trăm người vỗ tay cổ vũ. Một anh chàng có mái tóc xù và cả chục chiếc máy ảnh cơ, đi đâu cũng kè kè máy ảnh cơ bên mình… Họ là những sinh viên là lạ ở các giảng đường nhưng vẫn rất đỗi thân quen vì chính những cá tính và diện mạo rất sinh viên của họ.

Nam xù

Cô nàng dancing

Đến trường Đại học Văn hóa Hà Nội, hỏi về một bạn nữ xinh xắn thường xuyên có những điệu nhảy "một mình", không khó để có một câu trả lời chính xác: Nguyễn Kim Lành, lớp Văn hóa du lịch 1A.

Đến với khiêu vũ ở năm thứ nhất với mục đích đơn giản là giảm cân, nhưng Lành nhanh chóng bị môn nghệ thuật thu hút và cô nàng lao vào tập luyện bất kể thời gian, địa điểm. Không chỉ trong phòng tập, ở nhà mà ngay cả ở trường Lành cũng khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên với những động tác "không giống ai".

Trong một lần có chuyện buồn, không làm chủ được bản thân, Lành đã một mình trình diễn điệu nhảy có một không hai ở sân ký túc xá trường. Lúc đầu chỉ muốn nhảy và nhảy cho đỡ buồn nhưng cô bạn không thể ngờ rằng màn độc diễn này lại được sinh viên trong trường đón nhận với sự ngỡ ngàng và thích thú. Ở khắp các tòa nhà, sinh viên tràn ra xem lan can xem Lành biểu diễn và không quên thưởng cho những tràng pháo tay giòn giã. Thành (lớp Quản lý văn hóa liên thông) nhận xét: "Lúc đầu, khi thấy hành động múa mọi lúc mọi nơi của Lành mình đã từng nghĩ cô bạn này chắc có thể rối loạn thần kinh. Sau khi biết đó là niềm đam mê của bạn ấy thì mình lại thấy rất khâm phục".

"Khánh khùng" có biệt tài chơi ghi ta

Khác với Lành, Bùi Duy Khánh (Lớp Quay phim khóa 5, trường Cao đẳng Truyền hình) nổi bật ngay khi vào trường với một phong cách nghệ sĩ rock và cây đàn ghi ta luôn kè kè bên người. Khánh chia sẻ: "Nhạc rock vốn là niềm đam mê của mình từ hồi cấp 3 vì vậy phong cách ăn mặc và ngoại hình của mình bị ảnh hưởng từ dòng nhạc này".

Mái tóc dài, quần bò rách "tự nhiên", những chiếc áo đen với nhiều hình thù gớm giếc trở thành thương hiệu của "Khánh khùng" (biệt danh của Khánh ở trường). Bước chân vào một môi trường học tập không phải về nghệ thuật, Khánh nhanh chóng trở thành tâm điểm của của nhiều tiếng xì xầm bàn tán với nhiều nhận xét khác nhau.

Trong số đó có không ít những ý kiến đánh giá thiếu thiện cảm. Thế nhưng kiên định với phong cách chẳng giống ai của mình, Khánh ngày càng nổi bật không chỉ bởi trang phục mà còn bởi cách cậu dùng tài năng ghi ta của mình để chinh phục mọi người. Vì thế, nhìn thấy cậu sinh viên "bụi bặm" đàn hát ghi ta, nhiều giảng viên trong trường đã thân mật gọi Khánh là nghệ sĩ.

"Nam xù" và 10 chiếc máy ảnh

Nguyễn Hoàng Nam, (Lớp Biên dịch Tiếng Anh k41, trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) cũng là một nhân vật đặc biệt của trường trong suốt 4 năm đại học. Bởi chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể nhận ra cái chất "dị dị" toát lên từ cậu bạn. Tất cả những nhận xét đó bắt nguồn từ mái tóc xù bông tự nhiên và style ăn mặc có phần độc của anh chàng. Nam "xù", biệt danh mà bạn bè đặt cho Nam đã trở nên thân quen với hầu hết sinh viên trong trường.

Nam cười: "Bạn bè thường bảo, nhờ có mái tóc xù bông này mà mỗi lần lớp mình học chung ở hội trường với lớp nào khác, chỉ cần nhìn thấy Nam xù là biết đã vào đúng lớp". Bên cạnh mái tóc xù bông xoăn tít, Nam còn lạ với phong cách ăn mặc khá bụi và độc với rất nhiều phụ kiện nổi bật. Nam tiết lộ toàn bộ phụ kiện trên người cậu như mũ, vòng, túi xách đều là hàng handmade… do chính tay bạn gái đang du học ở Nga gửi về.

Ngoài ra, Nam "xù" luôn kè kè một "em" máy ảnh cơ bên người, hễ lúc nào hứng lên là chụp. Với mong muốn ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất của bạn bè nên Nam cũng đã có được một "gia tài" kha khá những bức ảnh có một không hai. Nam hiện nay đang sở hữu 10 chiếc máy ảnh (chủ yếu là máy cơ) với nhiều dòng và năm sản xuất khác nhau.

"Tai nạn" đáng nhớ

Có lẽ do sự khác biệt với phần đông các sinh viên còn lại mà những dị nhân giảng đường được chú ý đặc biệt. Cũng chính vì sự "ưu ái" này mà nhiều bạn đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười.

Khánh "khùng" chia sẻ: "Vì mình để tóc dài nên có khá nhiều người nhầm mình là nữ. Nhớ nhất là lần một bạn sinh viên khóa mới đã gọi mình bằng chị để hỏi thăm phòng tài vụ".

Nam "xù" thì kể: "Có lần đang đi trên đường, do style ăn mặc đậm chất Hàn Quốc nên một số bạn đi đối diện cứ tưởng mình là người Hàn rồi đua nhau chỉ trỏ. Ngại quá nên mình phải rẽ vào một con ngõ nhỏ để về nhà".

Theo Kim Sơn/Sinh viên Việt Nam

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70313/nhung-nguoi-la-rat-quen-o-giang-duong.html

13 ngành học dự báo khó khăn ở Mỹ

Posted: 29 Apr 2012 04:57 AM PDT

Dựa vào nghiên cứu của ĐH Georgetown và dữ liệu của Cục Thống kê lao động, tờ The Daily Beast đã công bố danh sách 13 ngành học ít mang tính hữu ích nhất nước Mỹ dựa vào:

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp
Thu nhập của SV có kinh nghiệm
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020

1.    Mỹ thuật

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 12,6%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 7,3%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 30.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 45.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 5%
Ngành nghề liên quan: Mỹ thuật và thủ công

2.    Nhà hát và kịch nghệ

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 7,8%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 8,8%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 26.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 45.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 4%
Ngành nghề liên quan: Diễn viên

3.    Điện ảnh, video, nhiếp ảnh

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 12,9%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6,7%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 30.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 50.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 9%
Ngành nghề liên quan: Nhiếp ảnh gia, biên tập video và phim

4.   Thiết kế đồ họa và nghệ thuật thương mại

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 11,8%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 7,5%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 49.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 13%
Ngành nghề liên quan: Thiết kế đồ họa

5.    Kiến trúc sư

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 13,9%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 9,2%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 36.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 64.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 24%
Ngành nghề liên quan: Kiến trúc sư

6.    Tôn giáo và Triết học

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 10,8%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6,8%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 30.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 48.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 17%
Ngành nghề liên quan: Giảng viên

7.    Tiếng Anh và Văn học Anh

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 9,2%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6,2%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 52.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 6%
Ngành nghề liên quan: Nhà văn

8.    Báo chí

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 7,7%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 58.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: – 6%
Ngành nghề liên quan: Phóng viên, người phân tích tin tức

9.    Nhân loại học và Khảo cổ học

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 10,5%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6,2%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 28.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 47.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 21%
Ngành nghề liên quan: Nhà nhân loại học, nhà khảo cổ học

10.    Quản lý khách sạn

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 9,1%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 5,7%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 53.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 8%
Ngành nghề liên quan: Quản lý phòng

11.    Âm nhạc

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 9,2%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 4,5%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 30.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 45.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 10%
Ngành nghề liên quan: Nhạc sĩ, ca sĩ

12.    Lịch sử

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 10,2%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 5,8%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 54.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 18%
Ngành nghề liên quan: Lịch sử gia

13.    Khoa học chính trị và Chính phủ

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 9,1%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 35.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 65.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 8%
Ngành nghề liên quan: Nhà khoc học chính trị

  • Nguyễn Thảo (Theo Daily Beast)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70189/13-nganh-hoc-du-bao-kho-khan-o-my.html

Comments