Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Người trẻ đâu chỉ sống hời hợt, vô bổ

Posted: 29 Apr 2012 04:58 AM PDT


Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng các nhóm thiện nguyện hoạt động chính thức hoặc tự phát. Tuy nhiên, nếu thử vào Google và tìm từ khoá "Nhóm tình nguyện TP.HCM" sẽ nhận về con số 3.880.000 kết quả chỉ trong 0,29 giây. Trong năm 2011 và đầu năm 2012, có hai cuộc triển lãm Vì môi trường xanh ở công viên Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) và công viên Lê Thị Riêng (quận 10), mỗi cuộc triển lãm đều tập trung hàng chục nhóm tình nguyện tham gia giới thiệu về mình.

Quy mô lớn có thể nhắc tới những câu lạc bộ tình nguyện của các cơ quan báo đài hoặc đoàn thể với số lượng tình nguyện viên có thể từ vài trăm đến vài ngàn bạn trẻ. Quy mô nhỏ hơn có thể kể đến những nhóm tình nguyện của các trường đại học, cao đẳng, hoặc của những cá nhân thành lập với tâm nguyện riêng. Đó cũng có thể là nhóm sinh viên đồng hương hoặc đơn giản chỉ là tập hợp những nhóm bạn thường gặp nhau trên các diễn đàn… Còn nội dung hoạt động chủ yếu nhắm đến con người, mà đối tượng thường là trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em khuyết tật, những bệnh nhi của các căn bệnh hiểm nghèo; học sinh các vùng quê đang loay hoay tìm định hướng nghề nghiệp; những người già, neo đơn, người nghèo… và cả việc bảo vệ là thiên nhiên và văn hoá. Rất nhiều tình nguyện viên mà tôi biết tham gia công tác thiện nguyện trước hết vì tính nhân ái của công việc, và còn vì họ thấy phù hợp với khả năng đóng góp của mình. Tôi vẫn nhớ đến nhiều bạn đến từ những tỉnh xa và khó nghèo như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Các bạn vào Sài Gòn ở nhà trọ để học đại học, phải vừa bươn chải làm thêm, vừa căng thẳng với bài vở ở trường, vừa mệt mỏi với cơm – áo – gạo – tiền nhưng hàng tuần các bạn ấy vẫn đến chơi với các bệnh nhi; chưa một lần cân đo, đong đếm những gì cho đi. Các bạn vẫn luôn tự hào về kho báu quý giá mà các bạn nhận về – đó là tinh thần dũng cảm của các bệnh nhi ung thư, là những nụ cười vượt lên mọi đau đớn của các em và gia đình.

Cũng có lần, tôi thử trải nghiệm việc vượt qua những cung đường thật khó khăn để cùng một nhóm tình nguyện đi đến các vùng xa vùng sâu… chỉ để tặng người dân nghèo những cuốn sách, những bộ quần áo, những thùng mì. Dù quà tặng đơn sơ, với những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn nhưng chúng tôi được nhận lại về chính là nét mặt rạng ngời của những đứa trẻ và những người dân lam lũ nơi đó. Lấp lánh trong những nét mặt đó, tôi đọc thấy một niềm tin vào cuộc sống, vào tình người.

Và còn nhiều nữa những hành động cụ thể, những tình cảm chân thành… mà chúng tôi đã trao đi, đã chia sẻ. Chúng tôi không chọn cách sống mòn mà chọn một cách sống có định hướng mà chúng tôi nghĩ phù hợp nhất là đến với các hoạt động thiện nguyện để chia sẻ bất hạnh, nỗi đau cùng đồng loại, vì một môi trường sống xanh cho tất cả mọi người… Điều này là có thật, và hãy tin chúng tôi, những người trẻ.

(Theo Phương Thảo/ Sài gòn tiếp thị)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70197/nguoi-tre-dau-chi-song-hoi-hot--vo-bo.html

Vị hòa thượng Khmer hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

Posted: 29 Apr 2012 04:58 AM PDT

(GDTĐ) – Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Kh'leang, thuộc Khóm 5, Phường 6, TP Sóc Trăng đã có công lao nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng. Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, chùa Kh'leang được Bộ Văn hoá Thông tin( nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử. 

Ba mươi mấy năm qua, nhằm duy trì và nêu cao tinh thần yêu nước, dưới sự quản lí của Hoà thượng Tăng Nô, chùa Kh'leang đã nuôi dưỡng nhiều người già neo đơn được no ấm khi tuổi xế chiều; hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được học tập tốt và trở thành người có ích cho xã hội.

Hoà thượng Tăng Nô sinh năm 1942, trong một gia đình nông dân Khmer, ở khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng. Như bao thanh niên Khmer khác, năm 1960, ông vào chùa Khleang tu học. Vốn là người cần mẫn, hiếu học nên chỉ sau 15 năm miệt mài học tập Pali, Vini ở nhiều chùa Khmer trong nước và Campuchia, ông được bà con phật tử, Ban quản trị chùa tấn phong làm Hoà thượng.


Hòa thượng Tăng Nô đứng trên đất đã hiến xây trường Trung cấp Pali Nam bộ

Với tấm lòng từ bi bát ái, hiếu học, ông luôn quan tâm đến việc học tập của con em đồng bào Khmer trong tỉnh. Hằng năm có những học sinh, sinh viên Khmer ở trong tỉnh vì hoàn cảnh khó khăn định bỏ học, ông hay được là  nhanh chóng tìm mọi cách giúp đỡ, cho tá túc ở chùa và giúp một phần chi phí cho việc học tập. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên nghèo được tiếp tục đến trường, học hành đến nơi, đến chốn.

Nói về lòng nhân ái của Hoà thượng Tăng Nô, anh Tăng Ươl, cán bộ trường Trung cấp Pali Nam Bộ nói: "Hoàn cảnh tôi rất khó khăn. Mấy năm trước, nhờ Hoà thượng Tăng Nô giúp đỡ tiền bạc nên tôi mới có thể học xong lớp quản lí Thư viện 3 năm. Sau khi ra trường, Hòa thượng còn mua cho 1 chiếc xe gắn máy, nên tôi tự nhủ lòng mình phải cố gắng công tác tốt để không phụ lòng giúp đỡ của Hoà thượng".

Đồng cảnh ngộ có thầy Danh Mên, giáo viên trường Trung cấp Pali tâm sự: " Tôi không cha mẹ. Sau khi xuất tu, tôi học lớp Cao đẳng sư phạm. Biết được hoàn cảnh, Hòa thượng Tăng Nô cho tá túc ở chùa. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Hoà thượng còn mua cho tôi một chiếc xe gắn máy làm phương tiện đi lại. Ông bảo phải cố gắng làm việc thật tốt, giúp ích cho xã hội là xem như đã trả hết ơn nghĩa cho ông".

Bây giờ chùa Khl'eang có rất nhiều phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn đến xin cho con em mình tá túc để đi học. Bao nhiêu người cũng được Hoà thượng Tăng Nô vui vẻ đón nhận… Đầu năm học 2011- 2012, chùa Khleang tiếp nhận trên 30 em học sinh, sinh viên nghèo đến tá túc và được nhà chùa nuôi buổi cơm trưa.

Tâm sự với tôi, ông nói: " Một đời tôi tu hành, luôn hướng theo chân lí tốt đạo, đẹp đời, nên tôi chỉ mong ước con cháu mình được học tập tốt, có kiến thức cao để giúp ích cho xã hội". Không chỉ giúp học sinh, sinh viên nghèo khó khăn, Hoà thượng Tăng Nô còn cho nhiều người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn được tá túc, an dưỡng.

Nói về lòng từ bi, bát ái của Hoà thượng Tăng Nô, bác Lý Thị Sá Lý 81 tuổi nói: " Hoàn cảnh tôi rất khó khăn, đơn chiếc, không có đất, nhà để ở. Nên gần 20 năm qua, tôi được Hoà thượng Tăng Nô cho 1 phòng trong chùa để tá túc lúc tuổi xế chiều. Tôi rất biết ơn tấm lòng cao cả của Hoà thượng".

Không chỉ nuôi dạy những học sinh, sinh viên khó khăn ở vùng sâu, vùng xa và giúp người già neo đơn, Hoà thượng còn vận động xây dựng 02 căn nhà tình thương cho người dân không có nhà ở, trị giá gần 20 triệu đồng/ căn.

Năm 2004, ông còn bàn bạc với Ban quản trị chùa thống nhất hiến đất 8.100m2 cho Trường Trung cấp Pali Nam bộ xây dựng kí túc xá và nhà hiệu bộ cho tăng sinh của trường. Hiện nay, Hòa thượng còn nuôi một đứa trẻ mồ côi bị cha, mẹ bỏ rơi trước cổng chùa lúc vừa mới lọt lòng và được mang tên là Đại Thắng. Sau 10 năm nuôi nấng và dạy dỗ, nay Đại Thắng đã trở thành một cậu học sinh lớp 4 rất ngoan hiền và học giỏi.

Giờ đây tuy Hòa thượng Tăng Nô tuổi ngoài " thất thập cổ lai hy", nhưng bằng sự nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, một lòng mong muốn "tốt đời đẹp đạo", ông vẫn được tín nhiệm đảm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường BTVH Trung cấp Pali Nam bộ và Phó hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng.

Khemring

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4341/201204/Vi-hoa-thuong-Khmer-het-long-vi-su-nghiep-giao-duc-1960927/

Những người lạ rất quen ở giảng đường

Posted: 29 Apr 2012 04:57 AM PDT

Một cô gái có thể nhảy bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu chỉ cần có xúc cảm, dù đó là sân k‎ý túc xá với hàng trăm người vỗ tay cổ vũ. Một anh chàng có mái tóc xù và cả chục chiếc máy ảnh cơ, đi đâu cũng kè kè máy ảnh cơ bên mình… Họ là những sinh viên là lạ ở các giảng đường nhưng vẫn rất đỗi thân quen vì chính những cá tính và diện mạo rất sinh viên của họ.

Nam xù

Cô nàng dancing

Đến trường Đại học Văn hóa Hà Nội, hỏi về một bạn nữ xinh xắn thường xuyên có những điệu nhảy "một mình", không khó để có một câu trả lời chính xác: Nguyễn Kim Lành, lớp Văn hóa du lịch 1A.

Đến với khiêu vũ ở năm thứ nhất với mục đích đơn giản là giảm cân, nhưng Lành nhanh chóng bị môn nghệ thuật thu hút và cô nàng lao vào tập luyện bất kể thời gian, địa điểm. Không chỉ trong phòng tập, ở nhà mà ngay cả ở trường Lành cũng khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên với những động tác "không giống ai".

Trong một lần có chuyện buồn, không làm chủ được bản thân, Lành đã một mình trình diễn điệu nhảy có một không hai ở sân ký túc xá trường. Lúc đầu chỉ muốn nhảy và nhảy cho đỡ buồn nhưng cô bạn không thể ngờ rằng màn độc diễn này lại được sinh viên trong trường đón nhận với sự ngỡ ngàng và thích thú. Ở khắp các tòa nhà, sinh viên tràn ra xem lan can xem Lành biểu diễn và không quên thưởng cho những tràng pháo tay giòn giã. Thành (lớp Quản lý văn hóa liên thông) nhận xét: "Lúc đầu, khi thấy hành động múa mọi lúc mọi nơi của Lành mình đã từng nghĩ cô bạn này chắc có thể rối loạn thần kinh. Sau khi biết đó là niềm đam mê của bạn ấy thì mình lại thấy rất khâm phục".

"Khánh khùng" có biệt tài chơi ghi ta

Khác với Lành, Bùi Duy Khánh (Lớp Quay phim khóa 5, trường Cao đẳng Truyền hình) nổi bật ngay khi vào trường với một phong cách nghệ sĩ rock và cây đàn ghi ta luôn kè kè bên người. Khánh chia sẻ: "Nhạc rock vốn là niềm đam mê của mình từ hồi cấp 3 vì vậy phong cách ăn mặc và ngoại hình của mình bị ảnh hưởng từ dòng nhạc này".

Mái tóc dài, quần bò rách "tự nhiên", những chiếc áo đen với nhiều hình thù gớm giếc trở thành thương hiệu của "Khánh khùng" (biệt danh của Khánh ở trường). Bước chân vào một môi trường học tập không phải về nghệ thuật, Khánh nhanh chóng trở thành tâm điểm của của nhiều tiếng xì xầm bàn tán với nhiều nhận xét khác nhau.

Trong số đó có không ít những ý kiến đánh giá thiếu thiện cảm. Thế nhưng kiên định với phong cách chẳng giống ai của mình, Khánh ngày càng nổi bật không chỉ bởi trang phục mà còn bởi cách cậu dùng tài năng ghi ta của mình để chinh phục mọi người. Vì thế, nhìn thấy cậu sinh viên "bụi bặm" đàn hát ghi ta, nhiều giảng viên trong trường đã thân mật gọi Khánh là nghệ sĩ.

"Nam xù" và 10 chiếc máy ảnh

Nguyễn Hoàng Nam, (Lớp Biên dịch Tiếng Anh k41, trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) cũng là một nhân vật đặc biệt của trường trong suốt 4 năm đại học. Bởi chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể nhận ra cái chất "dị dị" toát lên từ cậu bạn. Tất cả những nhận xét đó bắt nguồn từ mái tóc xù bông tự nhiên và style ăn mặc có phần độc của anh chàng. Nam "xù", biệt danh mà bạn bè đặt cho Nam đã trở nên thân quen với hầu hết sinh viên trong trường.

Nam cười: "Bạn bè thường bảo, nhờ có mái tóc xù bông này mà mỗi lần lớp mình học chung ở hội trường với lớp nào khác, chỉ cần nhìn thấy Nam xù là biết đã vào đúng lớp". Bên cạnh mái tóc xù bông xoăn tít, Nam còn lạ với phong cách ăn mặc khá bụi và độc với rất nhiều phụ kiện nổi bật. Nam tiết lộ toàn bộ phụ kiện trên người cậu như mũ, vòng, túi xách đều là hàng handmade… do chính tay bạn gái đang du học ở Nga gửi về.

Ngoài ra, Nam "xù" luôn kè kè một "em" máy ảnh cơ bên người, hễ lúc nào hứng lên là chụp. Với mong muốn ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất của bạn bè nên Nam cũng đã có được một "gia tài" kha khá những bức ảnh có một không hai. Nam hiện nay đang sở hữu 10 chiếc máy ảnh (chủ yếu là máy cơ) với nhiều dòng và năm sản xuất khác nhau.

"Tai nạn" đáng nhớ

Có lẽ do sự khác biệt với phần đông các sinh viên còn lại mà những dị nhân giảng đường được chú ý đặc biệt. Cũng chính vì sự "ưu ái" này mà nhiều bạn đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười.

Khánh "khùng" chia sẻ: "Vì mình để tóc dài nên có khá nhiều người nhầm mình là nữ. Nhớ nhất là lần một bạn sinh viên khóa mới đã gọi mình bằng chị để hỏi thăm phòng tài vụ".

Nam "xù" thì kể: "Có lần đang đi trên đường, do style ăn mặc đậm chất Hàn Quốc nên một số bạn đi đối diện cứ tưởng mình là người Hàn rồi đua nhau chỉ trỏ. Ngại quá nên mình phải rẽ vào một con ngõ nhỏ để về nhà".

Theo Kim Sơn/Sinh viên Việt Nam

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70313/nhung-nguoi-la-rat-quen-o-giang-duong.html

13 ngành học dự báo khó khăn ở Mỹ

Posted: 29 Apr 2012 04:57 AM PDT

Dựa vào nghiên cứu của ĐH Georgetown và dữ liệu của Cục Thống kê lao động, tờ The Daily Beast đã công bố danh sách 13 ngành học ít mang tính hữu ích nhất nước Mỹ dựa vào:

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp
Thu nhập của SV có kinh nghiệm
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020

1.    Mỹ thuật

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 12,6%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 7,3%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 30.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 45.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 5%
Ngành nghề liên quan: Mỹ thuật và thủ công

2.    Nhà hát và kịch nghệ

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 7,8%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 8,8%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 26.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 45.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 4%
Ngành nghề liên quan: Diễn viên

3.    Điện ảnh, video, nhiếp ảnh

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 12,9%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6,7%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 30.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 50.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 9%
Ngành nghề liên quan: Nhiếp ảnh gia, biên tập video và phim

4.   Thiết kế đồ họa và nghệ thuật thương mại

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 11,8%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 7,5%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 49.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 13%
Ngành nghề liên quan: Thiết kế đồ họa

5.    Kiến trúc sư

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 13,9%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 9,2%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 36.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 64.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 24%
Ngành nghề liên quan: Kiến trúc sư

6.    Tôn giáo và Triết học

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 10,8%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6,8%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 30.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 48.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 17%
Ngành nghề liên quan: Giảng viên

7.    Tiếng Anh và Văn học Anh

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 9,2%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6,2%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 52.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 6%
Ngành nghề liên quan: Nhà văn

8.    Báo chí

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 7,7%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 58.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: – 6%
Ngành nghề liên quan: Phóng viên, người phân tích tin tức

9.    Nhân loại học và Khảo cổ học

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 10,5%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6,2%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 28.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 47.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 21%
Ngành nghề liên quan: Nhà nhân loại học, nhà khảo cổ học

10.    Quản lý khách sạn

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 9,1%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 5,7%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 53.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 8%
Ngành nghề liên quan: Quản lý phòng

11.    Âm nhạc

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 9,2%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 4,5%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 30.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 45.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 10%
Ngành nghề liên quan: Nhạc sĩ, ca sĩ

12.    Lịch sử

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 10,2%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 5,8%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 54.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 18%
Ngành nghề liên quan: Lịch sử gia

13.    Khoa học chính trị và Chính phủ

Tỷ lệ việc làm của SV mới tốt nghiệp: 9,1%
Tỷ lệ việc làm của SV có kinh nghiệm: 6%
Thu nhập của SV mới tốt nghiệp: 35.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 65.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 tới năm 2020: 8%
Ngành nghề liên quan: Nhà khoc học chính trị

  • Nguyễn Thảo (Theo Daily Beast)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70189/13-nganh-hoc-du-bao-kho-khan-o-my.html

Giáo viên “sẩy miệng”, học trò trầm cảm

Posted: 29 Apr 2012 04:57 AM PDT

Ví học sinh là ma, là quỷ

Một vị lãnh đạo ngành giáo dục kể rằng, ông đã từng xử lý vụ việc liên quan đến nữ sinh tên Yến đang theo học tại một trường THPT ở TPHCM. Em này đòi chuyển sang lớp khác, nếu không sẽ bỏ học. Khi hỏi han sự tình mới hay, một lần trong giờ học, em bị rơi chiếc bút nên cúi xuống tìm. Khi em đang lom khom tìm bút thì trên bục giảng, giáo viên (GV) nói vọng xuống: "Ủa, lớp mình có nuôi chó à?".

Từ đó, các bạn đặt cho em này biệt danh là Yến "chó" làm em mất hết tự tin. Sang năm học mới, thấy cô giáo nọ vẫn dạy lớp mình, Yến nhất quyết đòi chuyển.

Bản thân T. trước khi chưa chuyển trường em cũng bị sốc trước lời lẽ của một cô giáo trẻ. T. hoạt động Đoàn rất năng nổ, được nhiều thầy cô trong trường quý mến nhưng riêng GV này rất khó chịu với T., luôn gây khó dễ trong việc học của em. T. phán đoán do có lần tham gia hoạt động Đoàn trùng với tiết dạy của cô nên T. xin nghỉ, có thể vì thế mà cô cho rằng T. không coi trọng môn mình dạy.

Trong tiết dạy ở lớp bên cạnh, cô giáo này đã thẳng thừng nói về T.:  "Nó tưởng làm Đoàn là ngon à? Nhìn cái mặt đeo kính xấu ớn, đen như quỷ mà tưởng ta đây đẹp lắm, giỏi lắm!”. T. đã suy sụp tinh thần hoàn toàn bởi theo em khẳng định cô không “lỡ miệng” lúc tức giận mà nói như bêu rếu học trò một cách ác ý.

GV thiếu tâm huyết

Nhiều HS cho rằng, việc GV xúc phạm học trò thường xảy ra trong hai trường hợp. Có những GV thường xuyên buông những lời khó nghe nhằm xúc phạm làm tổn thương học trò cũng như để hả cơn giận nhưng có GV la mắng xuất phát từ sự lo lắng, mong các em tiến bộ hơn. Học trò ít nhiều đều cảm nhận được mục đích la mắng của các cô là vì thương hay vì ghét.

Nhưng dù bất cứ trường học nào thì GV đều đánh mất hình ảnh của mình trong mắt HS. Chưa kể, có GV mắng HS sai mười mươi nhưng lại né tránh việc xin lỗi nên nhiều khi sự việc nhỏ lại thành ra trầm trọng.

Một HS ở Q.5, TPHCM kể rằng, trong giờ học thêm môn Sử, thấy nhóm bạn nữ đang ngồi nhâm nhi me chua, cô giáo buông lời: "Các chị ốm nghén à?". Các bạn nữ sinh đỏ mặt vì xấu hổ còn những HS khác trong lớp cũng lặng người vì quá bất ngờ trước câu nói của một GV lớn tuổi nổi tiếng chuẩn mực, được nhiều thế hệ học trò kính trọng.

"Sau khi dạy được nửa tiết, bất ngờ cô dừng lại và nói: "Lúc nãy cô lỡ lời với các em, cô xin lỗi". Thế là mọi thứ được giải tỏa, bọn mình lại càng thêm kính trọng cô. Nhưng những GV dám xin lỗi HS thế này em nghĩ là rất hiếm", HS này nói.

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM mới đây, nhiều HS THPT cũng phản ánh tình trạng có những GV thay vì giúp đỡ, chia sẻ với HS lại chỉ chăm chăm bắt lỗi, chửi mắng làm HS luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, đến mức có em còn bị trần cảm, học hành sa sút cũng như ảnh hưởng đến quan hệ thầy trò.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sở TPHCM cho rằng môi trường sư phạm là nơi gắn kết HS với gia đình, nhà trường giúp các em vượt qua những khó khăn trong học tập, cuộc sống. GV dạy học mà sử dụng những lời lẽ la mắng, chửi bới HS là đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Đứng ở góc độ quản lý, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm đối với những GV làm tổn thương học trò.

Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM bày tỏ chưa nói đến việc mạt sát, hạ nhục học trò mà nhiều khi chỉ câu nói đùa, vô tình không ác ý nhưng không đúng chuẩn sư phạm của GV cũng có thể ảnh làm hưởng đến HS. Bởi ở độ tuổi này các em rất nhạy cảm, dễ tổn thương.

Theo ông Đỗ Quốc Anh, biết rằng GV chịu rất nhiều áp lực công việc, nhưng chỉ có thể thông cảm khi họ có thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng. Còn khi đã chọn nghề giáo họ phải hiểu rằng trước hết phải có tình thương, tâm huyết đối với học trò.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-590670/giao-vien-say-mieng-hoc-tro-tram-cam.htm

Giáo dục kháng chiến vẫn phát triển trong gian khó

Posted: 29 Apr 2012 04:56 AM PDT

(GDTĐ) – Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt nhất, những năm 60,70 của thế kỷ XX, trên khắp chiến trường Nam Bộ đầy mưa bom bão đạn này thì sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo vẫn được Đảng quan tâm, chỉ đạo theo lời Bác dạy: Dốt cũng là một thứ giặc phải chống. Vì thế, những năm gian khó đó hàng loạt các trường học vẫn được hình thành trong chiến khu, trong rừng sâu, trong vùng giải phóng như trường Lý Tự Trọng (của Khu Sài Gòn – Gia Định – Y4), trường Nguyễn Văn Trỗi ở Miền Đông, trường Hoàng Lê Kha ở Tây ninh, trường Lưu Văn Liệt ở Vĩnh Long, trường Lê Văn Tám, trường Ninh Bình (Cà Mau), trường Tiền Phong của Khu Đoàn, trường Lý Tự Trọng của Khu ủy Tây Nam Bộ. 

Lớp học thời chiến (ảnh TL)
Lớp học thời chiến (ảnh TL)

Những ngôi trường này là nơi giáo dục rất đặc biệt, không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người biết yêu thương, thù hận, biết nhân ái, vị tha, biết sống vì đồng bào dân tộc, là nơi "đào tạo thế hệ Cách Mạng cho đời sau". Học sinh các trường này là con cháu của cán bộ Cách Mạng, là những thiếu niên tuổi từ 10 đến 15, 16 phải rời xa cha mẹ vào trường sống với các chú, các bác, các cô, các anh chị (ngày nay ta gọi là thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường) được các bác, các chú, các anh chị nuôi dạy, chăm sóc như những người thân ruột thịt.

Tôi rất vinh dự, tự hào được là học sinh của trường Lý Tự Trọng Khu Tây Nam Bộ và có lẽ cả cuộc đời mình, nơi đây (thời gian chỉ hơn 3  năm thôi) đã để lại trong tôi những điều thân thương, trân trọng và sâu lắng nhất về cách thức giáo dục rèn luyện, xuất phát từ quan điểm lập trường, từ tình yêu thương chân thành, từ cái tâm của những người thầy giáo, cô giáo và các cán bộ nhà trường. Hầu hết những học sinh của chúng tôi mặc dù tuổi chỉ từ 10-15 thôi, nhưng khi vào trường đều có chung mục đích học tập là: học  để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ Cách Mạng.

Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt đó, bom đạn, giặc càn quét bất cứ lúc nào, nhưng chúng tôi được dạy dỗ rèn luyện rất toàn diện, học đi đôi với hành, vừa học tập vừa tham gia lao động như học sinh chúng tôi tự vào rừng đốn cây lá tự cất nhà ở, dựng lớp học, mượn đất của bà con để làm ruộng để tự túc hoặc đi cấy mướn lấy tiền mua nhu yếu phẩm… Ngoài ra học sinh còn tham gia dạy bình dân học vụ cho bà con theo phương châm: người biết chữ dạy người chưa biết chữ (Khi chúng tôi lên lớp hai là đi dạy được rồi, được làm thầy cô giáo thích lắm…!) và còn tham gia nhiều công tác khác ở địa phương… ai ai cũng góp sức theo lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, đi tham gia kháng chiến để gìn giữ hòa bình, các cháu hãy xứng đáng cháu Bác Hồ Chí Minh…

Lúc bấy giờ chúng tôi học không có cơ sở vật chất, chỉ có lớp học bằng cây lá học sinh tự cất dưới những rặng cây, liếp dừa trong vườn của bà con nhân dân. Học sinh cùng thầy cô giáo còn phải đào hầm tránh bom đạn. Sách Tập đọc, Lịch sử, Địa lý… từ miền Bắc gửi vào rất hiếm hoi, ba bốn bạn một quyển Tập đọc, sách Sử, Địa… chỉ thầy cô mới có để dạy. Chúng tôi rất khát khao học tập, từng chữ, từng lời giảng của thầy cô được chúng tôi đón nhận như nắng hạn đón mưa rào.

Những năm tháng gian khó đó, chúng tôi không có cha mẹ bên cạnh – cha mẹ phải đi chiến đấu – không biết hi sinh bất cứ lúc nào! Nhưng có lẽ, cha mẹ nào cũng an tâm là chúng tôi được sống trong tình yêu thương bao la, sự chăm sóc thật chu đáo của các thầy cô giáo, của các chú, các bác cán bộ nhà trường, được sự đùm bọc chở che của cô bác, bà con, của nhân dân trong vùng – nơi lớp ở. Chúng tôi ai ai cũng tham gia lao động một cách tích cực, học tập nghiêm túc, tham gia giúp địa phương một cách hăng hái.

Có thể nói, với chủ trương của Đảng, lời dạy của Bác, giáo dục trong những năm tháng kháng chiến, mặc dù không có cơ sở vật chất, không có trang thiết bị, cả sách cũng thiếu, nhưng giáo dục rất toàn diện. Từ cái "tâm" của những thầy cô, chú bác… cán bộ làm công tác giáo dục đã dạy con chữ cho chúng tôi những kiến thức phổ thông rất cơ bản, đã trang bị cho chúng tôi lòng yêu nước, sống có lý tưởng, có hoài bão, ước mơ… Thầy cô chính là tấm gương của lòng yêu thương,chia sẻ, đùm bọc gắn bó… đã dạy dỗ, rèn luyện cho chúng tôi nên người.

Với những tấm lòng đó, theo lời Bác dạy: dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt, thầy cô giáo và cán bộ giáo dục Khu Tây Nam Bộ nói chung và giáo dục Vĩnh Long nói riêng trong những năm tháng kháng chiến đã tạo nên những "hạt giống đỏ" đã góp công sức không nhỏ vào công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước hôm nay.

(Theo Ký ức giáo dục Vĩnh Long thời kháng chiến)

Trương Thị Bé Hai 

(Cựu học sinh trường Lý Tự Trọng Khu Tây Nam Bộ)

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201204/Giao-duc-khang-chien-van-phat-trien-trong-gian-kho-1960917/

Học mầm non 9 triệu mỗi tháng, trẻ vẫn sợ

Posted: 29 Apr 2012 04:56 AM PDT

 

– Học phí cho mỗi học sinh mầm non theo học hàng tháng thuộc diện đắt đỏ giữa Hà Nội nhưng nhiều phụ huynh Trường mầm non quốc tế Maple Bear lại nơm nớp lo sợ khi gửi con đến đây.

“Con không đi học đâu, buồn lắm’

Bức xúc trước chất lượng dịch vụ, phụ huynh lớp Koala Bear 2 đã nhiều lần trao đổi nhưng nhà trường vẫn chưa có trả lời đích đáng

Chị Phương Mỹ, phụ huynh lớp Koala Bear 2 cho biết: "Gần đây, bé có những dấu hiệu hoảng loạn như vào nhà vệ sinh đóng cửa, không chịu thay quần áo đi học, phải đưa con đến trường trong bộ quần áo ngủ. Có những đêm bố mẹ phải thức ròng dỗ con đi ngủ vì bé không chịu đến trường". Khi đến trường bé luôn tìm cách níu vào cầu thang máy, vào cửa để tìm cách trì hoãn việc vào lớp.

Niềm vui bất ngờ đến với anh chị Hương, mẹ bé Tý khi "cháu trước đây ít nói, giờ đã chủ động nói với bố mẹ". Nhưng câu con nói khiến anh chị phát hoảng, phải suy nghĩ rất nhiều: "Con không đi học đâu, con buồn lắm".

Sáng 24/4 chị cho con đi khám tâm lý. Bác sĩ kết luận cháu bị ám ảnh, sợ đến trường. Chị Hương bức xúc: "Tôi thực sự bất ngờ vì từ trước đến giờ khi đi học, cháu luôn được trường lấy làm tấm gương tự giác, yêu thích đến trường".

Một thời gian dài, bé Tý ngủ ít hơn. Câu thường xuyên bé hỏi mẹ trước giấc ngủ là "Mai con có phải đi học không?, "ngày mai Tý không đi học nhé". Thậm chí sau buổi gặp bác sĩ, bé nói với mẹ thích tới đây, không muốn tới trường.

Phụ huynh tên Thùy Vân thực sự sốc khi con có những biểu hiện cáu kỉnh như lấy tay cào vào mặt, nằm lăn ra sàn kêu "mẹ hư" vì bắt bé đi học.

Chị Hương bày tỏ lo lắng: "Bác sĩ nói nếu tình trạng trên (con sợ tới trường) kéo dài của bé Tý kéo dài có thể thành bệnh".

Nguyên nhân gây ra những xáo động tâm lý của các bé theo các phụ huynh xuất phát từ việc nhà trường đột ngột thay đổi giáo viên.

Chị Phương Mỹ cho biết: "15 tháng trường thay đổi 10 giáo viên mà gần như không có thông báo, không có sự đồng thuận của phụ huynh".

"Cao điểm nhất là tháng 3/2012 với việc chuyển cùng lúc ba cô giáo gắn bó lâu với lớp. Các bé cảm thấy bị tổn thưởng lớn đến tinh thần, chán trường, không thích đến lớp" – chị Hương cho biết.

Trong buổi chiều 24/4, gặp gỡ với phóng viên, các phụ huynh còn bày tỏ bức xúc trước chất lượng các giáo viên mới, vấn đề đảm bảo vệ sinh ăn uống, cơ sở vật chất không đảm bảo cho các con cũng như thái độ "coi thường dịch bệnh chân tay miệng" của các con.

Buổi họp chiều 24/4 giữa 11 phụ huynh và đại diện nhà trường kéo dài hơn 5 tiếng

Buổi họp chiều 24/4 giữa 11 phụ huynh và đại diện nhà trường kéo dài hơn 5 tiếng trong không khí căng thẳng.

Tại ngôi trường này, học phí của lớp Liên Kết (chương trình học theo
chuẩn của Bộ GDĐT Việt Nam, có tham khảo phương pháp giáo dục tiên tiến
của nước ngoài) hơn 9 triệu đồng mỗi tháng.

Thậm chí, theo các phụ huynh: "Với các chương trình như lớp Hội Nhập, lớp Quốc Tế, mức học phí còn cao hơn nhiều"

Nhận ra những thay đổi của con, cá nhân rồi đến tập thể phụ huynh đã có ý
kiến trao đổi từ trực tiếp tới văn bản với nhà trường mong tìm ra cách
xử lí với tinh thần xây dựng, vì quyền lợi của trẻ.

Tuy nhiên, phản hồi của Trường Maple Bear được các bậc cha mẹ cho là
"chưa thực sự thể hiện thiện chí. Thậm chí nhà trường còn nhắc khéo hay
trực tiếp thể hiện quan điểm nếu không hài lòng với dịch vụ thì chấm dứt
sử dụng". Có phụ huynh vì lo lắng và chán nản với thái độ thờ ơ của nhà
trường đã chuyển con sang nơi khác để học.

Đồng ý với trường hợp giáo viên rời trường vì lý do bất khả kháng nhưng
theo chị Thùy Vân: "Có giáo viên được trường chuyển đến cơ sở mới mở để
hút học sinh bởi đây là những người thực sự giỏi".

Một phụ huynh tâm sự: từ khi trường mở chị đã gửi con đầu rồi bây giờ là
con thứ hai vào trường này. "Chất lượng ban đầu rất tốt. Nhưng giờ thì
nhà trường khiến tôi thất vọng. Vì vậy, chúng tôi chỉ muốn trường giải
quyết thỏa đáng sự việc để chúng tôi yên tâm gửi con tại đây".

Maple Bear Việt Nam là hệ thống trường mầm non Quốc tế được cấp bản
quyền thương hiệu của trường Maple Bear Canada về giáo dục mầm non.
Học phí hàng tháng từ 450 USD đến hơn 700 USD. Khi nhập học, phụ huynh
phải nộp số tiền phí nhập học và phí xây dựng trường 700 USD, không hoàn
trả.
Ông Carl Chan, Phó Tổng Giám đốc Trường Mầm non quốc tế Canada Maple
Bear cho rằng: "Việc thay đổi là không mong muốn, không tốt cho giáo
viên, học sinh và cả nhà trường. Nhà trường đã cố gắng tìm các giáo viên
mới để thay thế. Đây là các giáo viên đảm bảo chất lượng và đã qua thời
gian đào tạo phù hợp tại trường mới được đưa vào lớp. Nhà trường đã làm
hết khả năng có thể"

Các cô giáo mới thay giáo viên cũ được tuyển chọn theo quy định mầm non
của VN. Tuy nhiên, trường không đưa ra được tiêu chuẩn tuyển chọn cụ
thể.

Một số câu hỏi liên quan đến chất lượng, tiêu chuẩn trường quốc tế cũng
được nhà trường xin khất để phía Canada có cho phụ huynh xem không.

Suốt buổi họp hơn 5 tiếng đồng hồ làm việc với phụ huynh, theo chị Thùy
Vân: "Nhà trường chủ yếu trả lời vòng vo, không đi thẳng vào vấn đề, đặc
biệt không chứng minh, nói rõ được chất lượng, công tác tuyển chọn,
tiêu chuẩn giáo viên, công tác đào tạo giáo viên mới, không đưa ra được
giải thích vì sao các bé sợ đến lớp".

Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69918/hoc-mam-non-9-trieu-moi-thang--tre-van-so.html

‘Thằng đó chơi được hôn?’

Posted: 29 Apr 2012 04:55 AM PDT

Hàng ngày, tôi gặp đủ giọng nói, đủ loại trang phục: xường xám người Hoa, áo dài của các bà các cô đi nhà thờ, xà-rông của người Khme, váy áo khăn quàng cổ kính người Chăm…

Trong căn nhà trọ, tôi miệt mài làm việc, tha hồ đi sớm về khuya, chẳng mấy ai để ý đến mình, nếu như mình chân chất làm ăn, đóng đủ tiền nghĩa vụ: dân phòng, khu phố, khuyến học… Ngay từ ngày đầu tiên về thành phố này, tôi cảm nhận xứ này rất dễ sống, nếu mình là người lương thiện.

Tôi nhận ra một Sài Gòn thân thiện và năng động qua các tờ báo. Nhà văn Sơn Nam từng mách nước "Làm thế nào để có một cây (vàng)".

Ngẫm ra, cách đây vài thập kỷ, kiếm "một cây" bằng nghề viết lách không khó.

Hồi đó (những năm 1990), báo Sân Khấu trả nhuận bút một truyện ngắn hơn một chỉ vàng. Kịch bản một phim truyện mua được hơn 20 lượng vàng. Giam mình trong căn phòng trọ nóng bức, chật chội hết mấy năm ròng rã, tôi viết truyện phim Người đẹp Tây đô, được TFS trả nhuận bút 14 lượng vàng. Vậy là người ngụ cư như tôi có được nhà, dù là căn hộ chung cư tận tầng 5. Ngày nhận nhà, tôi ngơ ngác: "Con nhỏ tỉnh lẻ, dân ngụ cư này có nhà sao?" Tôi nhận ra Người Sài Gòn không chỉ thân thiện mà Đất Sài Gòn tiếp nhận mọi tính cách, nếu nỗ lực ai cũng có thể sống được (cho tôi được phép viết hoa hai từ Người và Đất).

Nhiều doanh nhân thành đạt ở Sài Gòn là dân ngụ cư. Chị Trần Thị Lâm – bà chủ của Việt Nam Thương Tín, chủ tịch khu Y tế kỹ thuật cao, năm 1990 đã dũng cảm rời quê hương Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp. Chị từng trải qua những ngày lang thang trên đường phố, sống trong căn phòng trọ chật hẹp, vẫn không nản lòng khi nhìn ra một tiềm năng to lớn của Sài Gòn.

Và cứ thế, kiên trì, nỗ lực từng chút một, người phụ nữ bé nhỏ từng bước một đã vươn đến những mơ ước thật đáng trân trọng.

Hàng ngày, tôi đi qua những chiếc xe cóc, ổi, bánh mì, hủ tíu… lòng tự hỏi, ngày mai của những người ngụ cư ấy sẽ ra sao? Ai trong số đó sẽ vươn lên trở thành những ông chủ, bà chủ lớn và ai trong số đó bị đẩy vào những hố thẳm cuộc đời? Sài Gòn phồn hoa, sẽ cuốn bao nhiêu con người vào dòng xoáy khốc liệt của cơ chế thị trường nhưng cũng là mảnh đất tạo ra nhiều cơ hội cho những ai biết kiên trì, nỗ lực. Tôi tận mắt chứng kiến chị bán bánh ướt trước nhà từ một xe đẩy bé nhỏ, nở nòi thành quán đông đúc bởi bánh chị rất ngon, do nước chấm chị pha chế thật tuyệt vời. Tôi cũng chứng kiến những đại gia có hàng ngàn lượng vàng trong phút chốc bay biến vì một trận cá cược.

Sài Gòn là vậy đấy, chẳng mấy khi phân biệt dân ngụ cư hay nhập cư. Cư dân Sài Gòn chỉ hỏi: "Thằng nhỏ (con nhỏ) đó chơi được hôn?"

(Theo Trầm Hương/ Sài Gòn Tiếp Thị)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70200/-thang-do-choi-duoc-hon--.html

Cấm học sinh làm mất an ninh dịp lễ 30/4

Posted: 29 Apr 2012 04:55 AM PDT

– Trong dịp lễ 30/4-1/5, nhân viên và học sinh không tham gia các hoạt động làm mất an ninh trật tự. Học sinh chấp hành tốt Luật ATGT, không tham gia tổ chức đua xe,…

Ngày 25-4, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo kế hoạch nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cho cán bộ, giáo viên và HS trên địa bàn TP. Cụ thể, đối với các đơn vị, trường học được nghỉ cuối tuần vào thứ bảy, chủ nhật, cán bộ, giáo viên, HS được nghỉ 4 ngày (từ ngày 28-4 đến hết ngày 1-5). Đối với các đơn vị, trường học chỉ được nghỉ cuối tuần vào ngày chủ nhật thì được nghỉ 3 ngày (từ ngày 29-4 đến hết ngày 1-5).

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành tổng vệ sinh môi trường, treo các băngrôn, khẩu hiệu tại khu vực cơ quan, trường học chào mừng kỷ niệm các ngày lễ.

Dịp này, các đơn vị, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tinh thần Ngày Quốc tế lao động 1-5; vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; về thành tựu kinh tế – xã hội năm 2012 của Thủ đô và đất nước…;

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các đơn vị tích cực vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không tham gia các hoạt động làm mất an ninh trật tự, chấp hành tốt Luật Giao thông, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội.

Trong đợt nghỉ lễ, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị phân công lực lượng trực; kiểm tra các điều kiện phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và cơ sở vật chất của đơn vị.

  • Phong Đăng

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70287/cam-hoc-sinh-lam-mat-an-ninh-dip-le-30-4.html

Dừng tuyển sinh muộn: Hàng ngàn thí sinh chịu thiệt

Posted: 29 Apr 2012 04:55 AM PDT

Ngày 27/4, Bộ GD-ĐT đã ký quyết định đình chỉ, dừng tuyển sinh năm 2012 của 6 trường ĐH, CĐ.Đặc biệt, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội bị dừng tuyển sinh 2012.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Ngộ, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Phú Xuân, cho biết: "Do trường không tổ chức thi tuyển cho nên hiện nay cũng không nắm được có bao nhiêu thí sinh đăng ký thi, tuyển sinh vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh để có giải pháp bảo đảm quyền lợi thí sinh". PGS.TS Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt cho rằng: "Để bảo đảm quyền lợi thí sinh đăng ký dự thi vào ngành bị đình chỉ, trường sẽ đề nghị Bộ xem xét lại để trường tuyển sinh".

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là về phía các trường đã vi phạm quy chế thì phải chịu trách nhiệm. Quan trọng nhất đó là quyền lợi của thí sinh bị thiệt thòi vì nay đã kết thúc nhận hồ sơ và khó có cách để thay đổi sang ngành học khác, có nghĩa thí sinh sẽ bị dừng thi ĐH,CĐ 2012?

Đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Để khắc phục thực trạng trên, khi đến ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng của mình theo hai hướng: Một là đăng ký một ngành khác không bị đình chỉ của trường đăng ký thi, tuyển sinh; hai là vẫn đăng ký ngành dự thi, tuyển sinh như ban đầu nhưng sẽ dự tuyển sinh ở một trường khác có cùng mã ngành".

"Bộ giao cho các cơ quan chuyên môn, nhất là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ có trả lời cụ thể về những băn khoăn trên của thí sinh" - Thứ trưởng Ga cho hay.

Theo giải pháp của Bộ GD-ĐT đưa ra, nếu trong trường hợp phải thay đổi nguyện vọng như ban đầu, thí sinh đã bị thay đổi ước mơ và nguyện vọng của mình. Đặc biệt, còn ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi vì điểm chuẩn của mỗi trường sẽ khác nhau. Hy vọng, Bộ GD-ĐT đưa ra sớm biện pháp, phù hợp để thí sinh yên tâm ôn tập cho kỳ thi sắp tới.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-590419/dung-tuyen-sinh-muon-hang-ngan-thi-sinh-chiu-thiet.htm

Comments