Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nguy hiểm nhất là Giáo dục… rất cũ!

Posted: 28 Apr 2012 05:51 AM PDT

Các quan chức cao cấp của Bộ GD và ĐT suốt ngày chỉ “loay hoay” đổi mới những điều vụn vặt, chắp vá theo kiểu “sai đâu sửa đấy”…. Nói như vậy để thấy rằng đội ngũ các nhà quản lí GD của ta còn chưa xứng tầm để thực hiện cái quyết định đúng đắn về đổi mới GD- Phó GS Văn Như Cương

Cản trở sự tiến lên của xã hội

- Theo ông, vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay của nền giáo dục Việt Nam là gì?

- Là hầu hết cái gì cũng giống như cũ, thậm chí là rất cũ. Trong một xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ như VN thì một nền GD dẫm chân tại chỗ là một nền GD bị “bại liệt”, nó cản trở sự tiến lên của xã hội. Cách quản lí GD cũ kĩ, quan điểm và triết lí về GD cũ kĩ, hệ thống GD cũ kĩ, chương trình cũ kĩ, cách dạy cách học cũ kĩ… Đó là những thứ đang làm cho nền GD chúng ta chết dần chết mòn.

- Đâu là nguồn gốc của những sự trì trệ đó trong GD?

- Nguồn gốc của những điều tệ hại trên đây bắt nguồn từ nhiều phía, nhiều mặt khác nhau. Nhưng có lẽ điều quan trọng là do sự quan tâm của những người đứng đầu đất nước. Chúng ta được nghe nhiều lần rằng “GD là quốc sách hàng đầu”. Đó là một chân lí, không chỉ Đảng ta nói, lãnh tụ ta nói, mà tất cả các nước, ai cũng biết như thế và cũng nói như thế. Nhưng cố nhiên, chỉ nói không thôi thì khẩu hiệu vẫn chỉ là… khẩu hiệu.

Ngoài ra phải kể đến năng lực của các nhà quản lí GD từ cấp cao nhất trở xuống. Hơn một năm sau Đại hội Đảng lần XI, chúng ta chưa rõ việc “đổi mới căn bản và toàn diện” sẽ tiến hành ra sao, với kế hoạch, tiến độ như thế nào?

Các quan chức cao cấp của Bộ GD và ĐT suốt ngày chỉ “loay hoay” đổi mới những điều vụn vặt, chắp vá theo kiểu “sai đâu sửa đấy”. Nào là bỏ thi tốt nghiệp theo cụm trường. Nào là bỏ chấm chéo, nào là thêm khối thi vào ĐH, thêm địa điểm thi, bỏ thanh tra ủy quyền, nào là khôi phục việc tuyển thẳng vào ĐH, CĐ…

Nói như vậy để thấy rằng đội ngũ các nhà quản lí GD của ta còn chưa xứng tầm để thực hiện cái quyết định đúng đắn về đổi mới GD.

- Trong GD hiện đại, vai trò của người thầy có gì khác trước?

- Khi chế độ xã hội thay đổi thì vai trò của mỗi tầng lớp người của xã hội có những thay đổi nhất định. Như doanh nghiệp, thương nghiệp trong kinh tế thị trường hiện nay rất được đề cao, được tôn vinh.

Trong lúc đó thì vai trò, vị thế của người thầy giáo không có gì thay đổi lớn. Chức năng của người thầy giáo vẫn là truyền thụ kiến thức tới tầng lớp thanh, thiếu niên, và vai trò của họ được xã hội và chính quyền tôn trọng. Điều đó nói lên rằng trong bất kì xã hội nào, chế độ nào – trừ các chế độ diệt chủng – GD cũng đóng vai trò quan trọng số một để làm cho xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn.

- Ông có nhận xét gì khi hệ thống các trường ĐH sư phạm trong cả nước đã chuyển sang mô hình ĐH đa ngành. Từ chỗ đào tạo ra các nhà giáo,bây giờ họ đào tạo cả kĩ sư trồng trọt và chăn nuôi, cả nghề maketing lẫn kế toán?!

- Đó là điều mà tôi khó hiểu, mặc dầu không phải là tất cả các trường ĐHSP đều chuyển sang ĐH đa ngành. Điều khó hiểu hơn là khá nhiều trường CĐSP ở các tỉnh tự nâng cấp lên thành ĐH, nhưng không phải là ĐHSP mà là ĐH đa ngành.

Số giáo viên CĐSP cũ trở thành giảng viên ĐH (ngoài ra có bổ sung thêm một số ít giảng viên khác). Và đấy là hiện tượng mà người ta thường gọi một cách hài hước là “cơm chấm cơm”.

Cũng không ngoa khi người ta gọi các trường ĐH như vậy là trường phổ thông cấp bốn, thậm chí là cấp ba rưỡi. Có một quy luật luôn luôn đúng về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng.

Đó là quy luật tỉ lệ nghịch: Số lượng càng tăng thì chất lượng càng giảm. Có lẽ đã đến lúc phải ngừng tăng số lượng các trường ĐH như thế để bước vào giai đoạn nâng cao chất lượng.

PGS Văn Như Cương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Muốn làm lãnh đạo, phải học nhiều thứ lắm

- Một thực tế hiện nay là đào tạo hệ tại chức và bậc cao học, thậm chí cả bậc tiến sĩ nữa, quá dễ dãi, chất lượng quá thấp, quá kém và có quá nhiều tiêu cực. Theo ông thì có nên tiếp tục tồn tại mô hình đào tạo này? Tại sao?

- Mô hình đào tạo này nhằm đáp ứng yêu cầu về văn bằng của một số người. Một ông giám đốc Sở GD và ĐT nào đó còn một năm nữa sẽ về hưu. Tổ chức sẽ lựa chọn một trong vài ba người kế nhiệm ông. Ai trong số người đó có bằng cấp cao hơn thì cơ hội nhiều hơn.

Bởi vậy ai cũng cố gắng đi học để có cái bằng thạc sĩ, thạc sĩ gì cũng được, miễn là có, tiến sĩ thì lại càng tốt hơn nữa. Cái “chủ nghĩa lý lịch” ngày xưa đã lỗi thời, bây giờ phải là “chủ nghĩa văn bằng” mới có tác dụng trong khâu tuyển dụng. Vì thế mới sinh ra nạn bằng giả (nói đúng hơn là bằng thật, nhưng học thì giả và thi cũng giả).

Tôi rất mong rằng, trong khâu tuyển dụng người làm việc, “chủ nghĩa lý lịch” hay “chủ nghĩa văn bằng” đều không có vị trí quan trọng, mà chỉ có “chủ nghĩa năng lực và đạo đức”. Ai tài hơn, ai tốt hơn thì được ưu tiên tuyển dụng hơn. Nếu như thế thì cái mô hình tại chức, từ xa… vẫn tồn tại, nhưng để phục vụ yêu cầu của những người muốn học để hiểu biết nhiều hơn, chứ không phải để leo cao hơn trong thang chức vụ.

- Giả dụ, nếu có một trường ĐH học tư thục ở Nghệ An thì ông sẽ lựa chọn mô hình đào tạo nào và sẽ ưu tiên lựa chọn ngành nghề đào tạo như thế nào?

- Cái “nếu” này rất to đây. Nếu tôi còn trẻ, nếu tôi có rất nhiều tiền, hoặc nếu tôi có các đại gia tài trợ…, tôi sẽ mở một trường ĐH tư thục tại Nghệ An, quê hương tôi. Tôi chưa biết đặt tên trường là gì cho thích hợp và hấp dẫn, nhưng mục tiêu GD của nhà trường là đào tạo những người có phẩm chất lãnh đạo cao.

Tôi còn nhớ câu chuyện hồi sinh viên: Cả tổ góp tiền để làm một bữa liên hoan, và phân công nhau làm việc. Ai thạo đi chợ thì ra chợ mua các thứ. Ai biết làm thịt gà thì làm, ai biết thái thịt bò thì thái, ai biết nhặt rau thì nhặt, ai biết rửa bát thì rửa… Một bạn hỏi: Thế người không biết làm một việc gì cả thì sao? Trả lời: Thì đứng ra lãnh đạo chúng tôi làm!…

Tôi rất mong rằng, trong khâu tuyển dụng người làm việc, “chủ nghĩa lý lịch” hay “chủ nghĩa văn bằng” đều không có vị trí quan trọng, mà chỉ có “chủ nghĩa năng lực và đạo đức”. Ai tài hơn, ai tốt hơn thì được ưu tiên tuyển dụng hơn.

Đó là chuyện ngày xưa, còn trong thời đại này muốn làm lãnh đạo thì phải học nhiều lắm, rất nhiều… Tại sao muốn làm nghề gì cũng phải học mà làm lãnh đạo thì có thể “vừa học vừa làm” hoặc “vừa làm vừa học”?

Bởi vậy, một trường chuyên đào tạo các nhà lãnh đạo rất là cần thiết. Chắc chắn là chương trình học sẽ rất nặng. Phải học nhiều ngoại ngữ để nói thông viết thạo, nghe chuẩn. Phải học nhiều thứ triết học cổ kim đông tây.

Phải học cách giao tiếp, học cách nghe cách nói, học cách ăn cách gói. Phải học các môn khoa học và công nghệ cao siêu. Phải biết các môn xã hội, văn chương thơ phú, phải học để hiểu các môn nghệ thuật tinh tế…, và cố nhiên phải học phương pháp lãnh đạo, phương pháp dùng người…

-Tại sao ông lại lựa chọn trường đào tạo lãnh đạo mà không đào tạo doanh nhân như ông Giản Tư Trung đã và đang làm?

- Trường đào tạo doanh nhân cũng rất cần, nhưng những doanh nhân thành đạt chỉ làm cho gia đình họ hay công ty của họ giầu có lên mà thôi.

Còn những nhà lãnh đạo xuất sắc thì có phạm vi ảnh hưởng  rộng rãi hơn nhiều. Một ông Chủ tịch tỉnh xuất sắc thì cả mấy triệu người dân trong tỉnh đều được lợi. Một ông Bộ trưởng GD tài năng thì nền GD đất nước sẽ đi lên và đất nước đó có thể “hóa rồng”…

Chữ Thầy

- Có cái gì, đặc điểm gì khác không trong cái cách học, trong truyền thống học tập của người Việt và ở các nước khác?

- Nước ta có nhiều địa phương được gọi là đất học: Nghệ An, Nam Định, Bắc Ninh, Huế… Truyền thống học tập của xứ Nghệ là “học gạo”, có nghĩa là học để kiếm cơm, kiếm gạo, để có thể thoát đói giảm nghèo.

Ngày xưa, thời phong kiến, học để thi đỗ làm quan, cùng lắm nếu không đỗ đạt cao thì làm ông thầy đồ. Xứ Nghệ ta lắm thầy đồ và do đó thường được gọi là Đồ Nghệ. Cố nhiên cách học đó đã lạc hậu, ngày nay các kiểu học vẹt, học thuộc lòng, học tủ, học nhồi, học nhét… đang bị lên án gay gắt.

Bây giờ phải học một cách thông minh hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, thực tế hơn và có hiệu quả hơn. Và đó cũng là yêu cầu với một nền GD đổi mới.

- Ông có cảm giác như thế nào khi về thăm ĐH Sư phạm Vinh, khi mà trường không còn tên cũ, khi mà bên cạnh khoa toán năm xưa lại có thêm các ngành mới xa lạ với mục tiêu đào tạo của một trường ĐH sư phạm?

- Cũng không thấy hụt hẫng gì lắm. Chỉ băn khoăn là nhiều trường ĐHSP không bị “đa ngành hóa” như ĐHSP Vinh, ví dụ ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Huế, ĐHSP t/p HCM… Có lẽ là do một đặc thù nào đó của thành phố Vinh, hoặc là do ngẫu hứng của một nhà lãnh đạo nào đó.

- Với tư cách một nhà sư phạm, ông sẽ nói với các bạn sinh viên đang theo học các trường sư phạm điều gì?

- Trước đây khi còn ở ĐHSP Vinh, tôi thường nói với sinh viên của tôi, những nhà giáo tương lai, như thế này: Mỗi nghề đều có một đối tượng mà mình tiếp xúc hàng ngày để làm việc.

Đối tượng của bác sĩ là bệnh nhân, của bác sĩ thú y là bò, dê, heo, ngựa…, của kĩ sư hải sản là tôm tép, cá mú…, của kĩ sư xây dựng là gạch đá vôi vữa…., của nhà thiên văn là những ngôi sao xa xăm, của nhà toán học là những phương trình khô khan….

Còn đối tượng của chúng ta, những thầy cô giáo, là những thanh, thiếu niên đang ở độ tuổi đẹp như trăng rằm. Có gì vui hơn thế trong nghề nghiệp của chúng ta? Có gì quan trọng hơn thế trong nghề nghiệp chúng ta?

Tôi chỉ có một lời khuyên, đúng hơn là một lời tâm sự, với các nhà giáo: Hãy làm việc và cư xử sao cho ta không cảm thấy ngượng ngùng khi có người gọi ta bằng Thầy!

Tuần Việt Nam biên tập & lược trích theo Văn hóa Nghệ An

Giáo dục 28/4: Thông và chưa thông

Posted: 28 Apr 2012 05:50 AM PDT


Bé 5 tuổi bị cô giáo đánh thủng màng nhĩ

Tin trên báo Tuổi trẻ Online cho biết: Sáng 27/4, đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng, Trường mầm non Ngân Hà (P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đã làm việc với gia đình cháu Trần Minh Khoa (5 tuổi, HS Trường mầm non Ngân Hà), bị cô giáo đánh thủng màng nhĩ.

Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ đào tạo "chui"

Chương trình liên kết đào tạo với Trường CĐ cộng đồng Broward (Florida, Hoa Kỳ) chưa được cấp phép đào tạo tại Việt Nam nhưng Trường CĐ nghề Việt Mỹ (VATC) đã tuyển sinh và đào tạo từ năm 2007 đến nay. Chưa hết, đơn vị này còn thành lập Học viện giáo dục Hoa Kỳ (IAE) với danh xưng là Phân hiệu quốc tế chính thức tại Việt Nam của Trường CĐ Broward. Những sai phạm được đăng tải trên báo Phụ nữ Online.

Học sinh mê mẩn nhạc võ

Báo Thanh Niên có bài viết thú vị: từ phim ngắn về thầy Cao Hữu Tài – giáo viên thể dục Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, biểu diễn taekwondo trong nền nhạc Nobody của nhóm Wonder Girls (Hàn Quốc) làm cho nhiều bạn trẻ thích thú và truyền cho nhau để học võ.

Để nhận được sự ủng hộ cũng như hứng khởi của học sinh trong mỗi bài biểu diễn, thầy Tài tiết lộ: "Trước hết, phải hiểu thị hiếu và sở thích nghe nhạc của học sinh. Ở bậc tiểu học, các em hay thích những bài dân ca dễ thuộc, dễ nhớ, gần gũi với cuộc sống hằng ngày còn học sinh THCS, THPT thì thích thể loại nhạc trẻ, nhạc sôi động. Từ đó, để có một tiết mục biểu diễn, mình phải nghe nhiều lần bản nhạc thì mới tìm được các thế, các động tác phù hợp với tiết tấu".

Bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh đăng ký vào một số ngành bị đình chỉ tuyển sinh

Việc Bộ GD và ÐT dừng tuyển sinh các ngành của các trường do không bảo đảm các điều kiện để tuyển sinh, đào tạo là cần thiết. Tuy nhiên, thời gian quyết định dừng tuyển sinh được ban hành sau khi thí sinh trên cả nước đã hoàn thành việc đăng ký dự thi năm 2012, đang gây nên những bức xúc trong dư luận. Thông tin trên báo Nhân dân điện tử.

Báo trích lời Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ÐH Phú Xuân, Nguyễn Ðình Ngộ: Việc đình chỉ tuyển sinh sẽ ảnh hưởng tuyển sinh của trường vì đã có kế hoạch chỉ tiêu. Do trường không tổ chức thi tuyển cho nên hiện nay cũng không nắm được có bao nhiêu thí sinh đăng ký thi, tuyển sinh vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh để có giải pháp bảo đảm quyền lợi thí sinh.

Trao đổi ý kiến về vấn đề bảo đảm quyền lợi cho thí sinh đã đăng ký dự thi vào ngành mới bị đình chỉ tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga cho biết: Ðể khắc phục thực trạng nói trên, khi đến ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng của mình theo hai hướng: Một là, đăng ký một ngành khác không bị đình chỉ của trường đăng ký thi, tuyển sinh; hai là, vẫn đăng ký ngành dự thi, tuyển sinh như ban đầu nhưng sẽ dự tuyển sinh ở một trường khác có cùng mã ngành.

Trào lưu du học sớm -thách thức giáo dục nội

Năm năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), du học sớm ngày càng trở thành trào lưu, nhất là ở các đô thị lớn.

Trả lời trên báo Tiền Phong GS Vũ Thanh Tùng, nguyên Trưởng phòng Hành chính quản trị, Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn nhận định, số lượng học sinh Việt Nam du học sớm sẽ ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ông cho rằng xu thế khó cưỡng nổi này đặt ra thách thức với nền giáo dục trong nước. "Đã đến lúc chúng ta phải trả lời nghiêm túc câu hỏi làm sao để đa số phụ huynh và học sinh có thể thỏa mãn với chương trình học tại Việt Nam và không xem du học như là con đường duy nhất đúng để mở mang hiểu biết của mình nữa".

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70280/giao-duc-28-4--thong-va-chua-thong.html

Nam sinh Hà Nội viết bức thư đoạt giải nhất UPU quốc gia

Posted: 28 Apr 2012 05:49 AM PDT

Bức thư đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần 41

 

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

Thân gửi anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch Olympic Athens 2011!

 

Trước hết, em - một cậu học trò bình thường - xin gửi đến anh, tấm gương về nghị lực sống phi thường, niềm mến thương và kính phục. Thưa anh, hôm nay em viết thư này trước là để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sau là để cảm ơn anh đã giúp em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Thế vận hội Olympic.

 

Olympic -  ba tiếng ấy hẳn đã gợi cho anh nhiều kỷ niệm khó quên gắn với chiếc huy chương vàng trên đường chạy 50m. Có lẽ trong tâm trí anh, dấu ấn về Olympic vẫn còn sáng lấp lánh. Em chưa bao giờ được trải qua cảm giác của anh, vì thế, những gì em hiểu và suy nghĩ về Olympic cũng thật mơ hồ anh ạ!

 

Nói anh đừng cười em, vì trước đây đối với em, Olympic chỉ là dịp để bố em ngồi dán mắt vào tivi, thỉnh thoảng xuýt xoa vài tiếng; để chị em say sưa ngắm mấy anh vận động viên với cơ bắp cuồn cuộn. Còn em thì cứ thắc mắc: "Vì sao các vận động viên không trần như nhộng mà thi đấu như những lực sĩ Hi Lạp xưa?". Thật đúng là ngây ngô phải không anh?

 

Vậy nên bữa nọ, khi cô giáo giao cho em viết bài tiểu luận về Olympic, em chẳng biết phải làm sao đành lên mạng hỏi ông bạn thân "Gú Gồ".

 

Thế rồi, giữa muôn trùng thông tin của từ khóa "Olympic", em bắt gặp một cái tít báo lạ: "Đường đến huy chương vàng Olympic của một cậu bé bị Down". Em không tin vào mắt mình. Huy chương vàng? Cậu bé bị Down?

 

Cậu bé ấy chính là anh, anh Kỳ Phong ạ!

 

Chao ôi! Có phải cuộc sống đã quá đỗi bất công với anh? Phải chăng "muôn sự là tại trời" và con người ta sinh ra đã phải chấp nhận hai chữ "thiên mệnh?". Em hình dung nước mắt lã chã trên gò má của anh khi anh chứng kiến những người bạn cùng lứa được cắp sách tới trường.

 

Và em cũng nghe thấy nhịp đập thổn thức của trái tim anh mỗi khi nghĩ đến tương lai mờ mịt… Giận thay cái căn bệnh Down ấy! Tựa như những con mọt, nó gặm nhấm từng chút, từng chút, nó làm lụi tắt ngọn lửa niềm tin, nó đánh cắp đi trí tuệ – món quà vô giá mà thượng đế ban cho loài người.

 

Thế mà ngay bên bờ vực của sự tuyệt vọng, anh - cậu bé mang căn bệnh ác nghiệt ấy - vẫn đứng vững! Hình như cha mẹ anh đã không vô tình khi đặt cho anh cái tên Kỳ Phong – cơn gió lạ. Phong ba cuộc đời không vùi lấp được cơn gió ấy. Cơn gió ấy vẫn kiên cường thổi như muốn thách thức sự ngược đãi của thượng đế. Và trên đường chạy Athens, nó lại thổi bùng lên một luồng sinh khí mới, luồng sinh khí mang tên Việt Nam.

 

Nhắm mắt lại, em mường tượng trước mắt mình một hình bóng bé nhỏ với bước chân không vững nhưng vẫn gắng sức lao đi trên đường chạy. Đã có lúc hình bóng ấy như chao đi trước một cơn gió mạnh. Đã có lúc đôi chân bật máu, tê buốt. Đã có lúc ý chí của hình bóng ấy chợt lung lay. Đích đến xa quá, mà thân xác lại không tuân theo lý trí nữa rồi. Chẳng lẽ sẽ gục xuống, sẽ chấp nhận rời bỏ cuộc chơi, sẽ mãi mãi không thể vượt lên số phận?

 

Nhưng không, bóng hình nhỏ bé ấy lại vùng dậy; gió mạnh hơn, chân buốt hơn, chỉ duy con tim vẫn bùng cháy như một ngọn đuốc. Và khi ấy con người nhỏ bé đã đốt cháy chính mình, đốt cháy đường chạy, để thắp lên ngọn lửa mà ta vẫn gọi là ngọn lửa Olympic!

 

Cả anh và em, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát trong đại vũ trụ vô tận, nhưng cũng là một đại vũ trụ hàm chứa nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Và càng khám phá, ta càng thấu hiểu và vượt lên những cực hạn của bản thân. Không biết khi đặt ra khẩu hiệu "Nhanh hơn – Cao hơn – Xa hơn", người ta có nghĩ tới điều này không?

 

Chỉ biết rằng vô vàn những kỷ lục Olympic đã bị phá khiến chúng ta phải tự hỏi: "Rốt cuộc, giới hạn của con người là ở đâu?". Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy, và Olympic tiếp tục trở thành nơi khám phá tiềm năng con người.

 

Anh Kỳ Phong thân mến!

 

Em tin rằng chiếc huy chương vàng Olympic không đơn thuần là cái đích mà anh hướng đến. Đối với anh, Olympic còn là nơi nuôi dưỡng niềm tin để vượt qua chính mình. Có hề chi nếu anh không lập nên những kỷ lục làm rúng động cả thế giới như Usain Bolt? Quan trọng là anh đã xô đổ giới hạn của chính mình!

 

Anh hãy tưởng tượng mà xem, nếu như anh bỏ cuộc giữa chừng, nếu như anh không nỗ lực tiến về đích thì liệu thủ đô của Hi Lạp có nổi "cơn gió lạ"? Liệu cái tên Kỳ Phong có xuất hiện trên bảng huy chương để anh nghẹn ngào nước mắt hát Quốc ca Việt Nam trên bục nhận giải?

 

Và sẽ còn đâu nguồn cảm hứng cho bao đứa trẻ khác, như em, nuôi ước mơ trở thành nhà vô địch Olympic? Chính nhờ câu chuyện về anh mà giờ đây em đã hiểu rõ hơn về thông điệp của Olympic: Điều quan trọng nhất không phải là giành chiến thắng mà là chiến đấu hết mình.

 

Anh Kỳ Phong thân mến!

 

Từ nay tới Olympic London 2012 không còn xa nữa! Hơi ấm của ngọn đuốc thần đã lan tỏa như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên. Và họ còn được tiếp thêm niềm tin bởi những người như anh - những vận động viên khuyết tật nhưng luôn nỗ lực chiến đấu cả trên đường đua và đường đời.

 

Và biết đâu đấy, ở một góc phố nhỏ lầy lội, một chú bé đánh giày nghèo khổ sau khi nghe câu chuyện về anh Kỳ Phong sẽ ngước nhìn lên trời xanh mà nuôi hoài bão về một ngọn đuốc rực sáng!

 

Em chúc anh và cậu bé ấy sẽ luôn giữ được trong tim những hoài bão đẹp!

 

Một fan hâm mộ của anh.

 

Nguyễn Đăng Quý Minh (lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-590473/nam-sinh-ha-noi-viet-buc-thu-doat-giai-nhat-upu-quoc-gia.htm

Gia tài của cha

Posted: 28 Apr 2012 05:49 AM PDT

Gia tài của cha

TTO – "Này thì ham chơi, măng không uốn để lên tre!" - cha vừa đánh vừa la tôi về cái tội ham chơi gọi mãi không về. Lúc đó tôi khoảng 6 tuổi và đó là trận đòn duy nhất cha dành cho tôi – là hành trang theo tôi suốt cuộc đời, là một trong những vốn liếng mà sau này tôi dùng dạy con.

Khi tôi được 10 tuổi, cha thường đưa tôi đi dự "meeting", xem triển lãm hiện vật biệt kích của đế quốc Mỹ do thám để chuẩn bị đánh phá miền Bắc, đi cửa hàng bách hóa… Khi tôi học cấp I cha dạy tôi không được làm vở lem mực, không gạch xóa và phải viết nắn nót cho đẹp kẻo quen tay rồi thì khó sửa.

Khi tôi gặp bài toán khó thì cha giải giúp tôi. Cha còn đọc cho tôi chép bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu và tôi đã học thuộc dễ dàng. Ngày 30 tết, cha mua câu đối, tranh ảnh về trang hoàng nhà cửa và bảo tôi đi hái ít hoa dại về cắm trên bàn thờ. Sau này tôi vẫn không hiểu vì sao cha tôi là một người nông dân chân đất, văn hóa lớp 3 "bình dân học vụ" (lớp xóa mù chữ do Cụ Hồ phát động thời đó) lại có được một tâm hồn như thế. Cha thật sự là người thầy đầu tiên của tôi.

Khi tôi học lớp 3, máy bay Mỹ ném bom bắn phá quê tôi nên chúng tôi không được đến trường mà phải học sơ tán theo nhóm dưới hầm. Cha làm vòng ngụy trang và bàn xếp cho tôi tiện mang đi mang về. Cha lo lắm và thường dặn dò tôi rất kỹ cách ẩn nấp khi có máy bay ném bom.

Hồi đó, nơi quê tôi phía bắc Quảng Trị là một vùng đất cát đói nghèo, cha phải cày cuốc lam lũ mới kiếm được củ khoai, củ sắn cho chị em tôi ăn và đi học. Vào một đêm mùa hè 1967, cả làng tôi bốc cháy vì bom napalm, cũng may không ai chết. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cha đào bới trong đống tro tàn mong tìm kiếm chút gì còn lại nhưng tất cả đã bị thiêu rụi. Ai cũng chỉ còn lại duy nhất mảnh vải che thân.

Cha hì hục đào một chỗ đất để bắc cái xoong đã cháy hết một nửa đun nước cho chúng tôi uống cầm cự và chờ mong sao cho sớm được nhận đồ cứu trợ. Chao ôi, toàn gạo cháy thôi, quần áo thì toàn đồ rách! Mỗi nhà được một cái nồi lem luốc bẩn thỉu. Hình như tất cả đều có dấu vết  bom đạn nhưng ai cũng mừng vì có còn hơn không, "lá rách đùm lá nát" mà.

Lúc này ở quê tôi chiến tranh càng ngày càng ác liệt vì vậy chúng tôi phải đi sơ tán ra Bắc để được tiếp tục học tập theo chủ trương của chính phủ. Ngày chia tay gia đình khóc quá chừng, chúng tôi phải ra đi trong đêm. Cha phải dắt tôi bước thấp bước cao đi đến địa điểm tập trung. Để an toàn cho học sinh, sau ba lần hoãn, chúng tôi mới được lên xe. Nơi cưu mang chúng tôi là một vùng quê ở huyện Đông Hưng, Thái Bình.

Trong 6 năm xa quê, cha thường xuyên gửi thư cho tôi nhắc nhở tôi phải học giỏi, vâng lời cha mẹ nuôi và chăm sóc cho các em.

Rồi chiến tranh cũng chấm dứt sau bao hi sinh gian khổ của cả dân tộc. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. Mùa hè năm đó tôi cũng thi tốt nghiệp phổ thông. Sau bao ngày mong đợi, chúng tôi cũng như bao nhà khác được đoàn tụ gia đình.

Trở về nhà, tôi đã trở thành một người nông dân thực thụ. Hằng ngày, ngoài những lúc cùng cha vác cuốc ra đồng, cha hay nhắc tôi chịu khó ôn để thi đại học. Thời đó không có việc luyện thi như bây giờ mà phải tự học hoàn toàn. Với sự nỗ lực của mình, tôi đã thi đậu vào Trường đại học Xây dựng, cha và cả nhà mừng lắm. Nhưng năm đó, vì những lý do khách quan, tôi cũng không được đến trường và tiếp tục làm… nông dân.

Chẳng mấy chốc, mùa tuyển sinh năm sau cũng tới, tôi suy nghĩ nhiều lắm nhưng vẫn chưa quyết định được mình có nên nộp hồ sơ hay không. Một buổi tối sau khi ăn xong, tôi thấy cha ngồi trầm ngâm, hình như cha đang suy nghĩ lung lắm. Thấy tôi đi qua, cha gọi lại và nói "Cha biết con rất ham học nên năm nay con nộp hồ sơ đi, biết đâu năm nay mình sẽ gặp may. Việc ruộng nương ở nhà cha sẽ cố gắng hết sức, con đừng lo!" và tôi đã "gặp may".

Năm đó tôi trúng tuyển vào Trường Thương nghiệp của Bộ Nội thương. Và thế là tôi lại từ giã mái ấm gia đình để ra đi. Trong thời gian tôi đi học, cha lúc nào cũng viết thư động viên tôi cố gắng học tập. Cha là người thầy đầu tiên, là động lực quan trọng nhất cho tôi trên con đường lập nghiệp.

Từ thuở ấu thơ cho đến khi khôn lớn, cha luôn dạy tôi phải ngăn nắp, sạch sẽ, ăn chín uống sôi, dụng cụ lao động phải để có nơi có chốn để khi cần là có ngay. Cha dạy tôi cả những việc như tát đìa, bắt cá, cầm búa cầm liềm sao cho khỏi phồng tay. Những việc rất đàn ông như đan lát, cầm bào, cầm cưa cha cũng dạy tôi và tôi đã cùng cha cưa gỗ làm nhà bằng cưa đại (hồi đó ở quê tôi không có cưa máy) mà không phải thuê thợ. Những việc tưởng như bình thường đó cũng là hành trang của tôi trong suốt cuộc đời, giúp tôi sau này trở thành người phụ nữ biết tự lực từ việc cơ quan cũng như gia đình.

Cứ nghĩ đến hình ảnh của cha với cái quần đùi đen bạc màu và mảnh áo vá vai đầm đìa mồ hôi để có củ khoai củ sắn nuôi chị em tôi thì khó khăn gian khổ nào tôi cũng vượt qua được hết. Tôi mong mỏi ngày ra trường về công tác gần nhà để có điều kiện giúp đỡ gia đình và ngày đó cũng đến. Đó là cuối năm 1977, ra trường rồi nhưng với tinh thần của thời đó là đi bất cứ nơi đâu theo sự phân công của tổ chức, tôi được điều động vào công tác ở Sài Gòn.

Ngày tiễn tôi, cha cùng cuốc bộ với tôi 5 cây số mới tới bến xe. Tôi lên xe mà cha đứng mãi như không muốn rời tôi. Đó là hình ảnh cuối cùng của cha trong tôi với bộ đồ bạc màu và cánh tay vẫy vẫy. Hồi đó ở một vùng quê nghèo như quê tôi, có một người con gái được đi công tác tận Sài Gòn là niềm tự hào và mơ ước của nhiều bậc cha mẹ. Tôi biết cha mừng lắm dù cha không nói ra.

Tôi mới đi công tác được 4 tháng, còn quá nghèo nên chưa làm gì được cho cha thì cha đã ra đi đột ngột sau một cơn bạo bệnh. Tôi về không còn kịp để nhìn mặt cha. Từ đó đến nay đã 35 năm nhưng chưa lúc nào tôi nguôi nỗi nhớ về cha, người đã nuôi tôi trưởng thành bằng củ khoai, củ sắn, bằng sự hi sinh cần mẫn, đức độ và lòng yêu thương nhân hậu.

Tôi luôn tự hào về cha của mình vì cha đã chắp cho tôi đôi cánh và một đôi chân vững vàng để tôi tự đi trong cuộc đời của mình. Với tố chất thông minh và tấm lòng nghĩa hiệp, cả cuộc đời cha là gia tài vô giá đối với tôi. Nhờ gia tài ấy mà tôi đã nuôi được 2 đứa con trưởng thành, tốt nghiệp đại học và trở thành những con người hữu dụng. Tôi luôn nhắc nhở các con tôi về tấm gương của ông ngoại chúng như một cách để tiếp sức cho con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này.

Nhân đây, cho phép tôi được gửi tới ban tổ chức cuộc thi Nét bút tri ân lời cảm ơn sâu sắc nhất vì đã tạo cơ hội cho tôi được chia sẻ tình cảm và lòng tri ân của mình đến người cha thương yêu của tôi.

TRẦN THỊ KIỀM (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/487555/Gia-tai-cua-cha.html

Sinh viên kiến tập theo cách mới

Posted: 28 Apr 2012 05:47 AM PDT

Lạ lẫm và háo hức khám phá

Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, mục đích chính của hoạt động bổ ích này là tạo điệu kiện cho các sinh viên tìm hiểu trực tiếp, nghiên cứu về các cơ sở báo chí nước ngoài, được tiếp cận với cộng đồng người Việt Nam tại Lào, Thái và được trải nghiệm văn hóa, cuộc sống ở đó… Bởi đó là những kiến thức cần thiết đối với sinh viên thông tin đối ngoại am hiểu nền văn hóa của các nước.

Trương Diệp - Lớp trưởng Lớp Thông tin đối ngoại K29 hào hứng kể về ấn tượng những ngày kiến tập ở xứ triệu voi và đất nước phật giáo: "Con người Lào và Thái Lan có đặc điểm rất dễ ấn tượng và gây thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những ấn tượng ấy được biểu hiện trên từng gương mặt, nụ cười, giọng nói, cách đi lại… Đến Lào tụi mình có cảm giác như đang được sống ở Việt Nam vậy, nhưng vẫn không khỏi lạ lẫm và háo hức khám phá".

Hoàng Thảo (Lớp thông tin đối ngoại K29) chia sẻ: "Trong hơn một tuần kiến tập ở đây, mình  đã được đến thăm quan và học việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Đài Truyền hình Quốc gia Lào, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào, Sở Ngoại vụ Lào, cơ quan báo Pa-xa-xôn Lào, Đài Phát thanh quốc gia Lào. Khi mình và các bạn được đến Đại sứ quán VN tại Lào, chúng mình được nắm bắt các con số cụ thể của số lượng người Việt Nam ở đây, được biết rõ và nhìn tận mắt cuộc sống của họ, thấy được tình cảm đoàn kết Việt – Lào thực sự là như thế nào - điều mà trước đây chúng mình chỉ được biết qua sách vở."

Dù chỉ là đi kiến tập ở hai nước láng giềng với Việt Nam nhưng không phải là không có những khó khăn. Sinh viên trong một khoảng thời gian ngắn phải đảm bảo được sự lĩnh hội đầu đủ về kiến thức để viết báo cáo sau chuyến đi. Đặc biệt  năm 2012 là năm có nhiều hoạt động kỉ niệm cho 50 năm quan hệ hữu nghị và 35 năm hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào nên chuyến đi này lại càng có ý nghĩa hơn.

Trong khi lâu nay, nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên báo chí khi đi kiến tập phải xoay như chong chóng để đáp ứng đủ chỉ tiêu trong thời gian đề ra thì các cô cậu sinh viên kiến tập ở Lào và Thái Lan lại muốn… kéo dài nhiệm vụ.

Ngô Liên Hương, một kiến tập sinh chia sẻ: "Đối với đợt kiến tập này, khoa Quan hệ quốc tế và các bạn sinh viên lớp mình đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng về cả mặt thời gian và nội dung làm việc do đó thời gian chỉ là 1 tuần. Thầy và trò cùng nhau tích góp được rất nhiều điều ý nghĩa phục vụ cho việc học tập cũng như trải nghiệm trong cuộc sống, khám phá được nhiều hơn. Hy vọng lần thực tập năm sau bọn mình cũng sẽ được xuất ngoại để mở mang kiến thức và thực tập tốt công việc mà bọn mình sẽ làm sau khi ra trường".

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-590403/sinh-vien-kien-tap-theo-cach-moi.htm

“Hổng” kiến thức về sở hữu trí tuệ trong trường ĐH

Posted: 28 Apr 2012 05:47 AM PDT

(GDTĐ)-Cùng với doanh nghiệp, trường ĐH là một trong những địa chỉ quan trọng cần xây dựng môi trường văn hóa sở hữu trí tuệ (SHTT). Chính sự lớn mạnh của những tài sản trí tuệ của mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên cùng ý thức bảo vệ quyền SHTT và thái độ tôn trọng đối với quyền SHTT của người khác góp phần không nhỏ tạo nên giá trị của trường ĐH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở rất nhiều trường ĐH, sự hiểu biết hạn chế về SHTT dường như không chỉ phổ biến với sinh viên mà với cả những cán bộ, giảng viên.

Ảnh minh họa: TL internet

Sinh viên xa lạ với SHTT

Nguyễn Thị Tú Anh – Sinh viên Trường ĐH KHXHNV thực hiện một nghiên cứu nhỏ trên 100 sinh viên về thực trạng văn hóa SHTT của sinh viên trong trường ĐH KHXHNV Hà Nội. Theo đó, chỉ có 1 sinh viên cho biết đã tìm hiểu luật SHTT ở mức độ rất kỹ, 31 sinh viên tìm hiểu luật này ở mức bình thường, 41 sinh viên tìm hiểu rất sơ sài và 23 sinh viên chưa từng tìm hiểu về luật này. Hầu hết các sinh viên không để ý tới việc tác phẩm của mình có bị sao chép hay không. Gần 74% sinh viên trả lời đã từng không trích dẫn nguồn khi làm các bài tiểu luận…

Sinh viên Nguyễn Thị Lan Anh (Trường ĐH KHXHNV Hà Nội) cho biết, bạn cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên 90 sinh viên của 3 trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, ĐH KHXHNV và ĐH KHTN về thực trạng xâm phạm quyền tác giả hệ điều hành windows.

Mặc dù được đào tạo ở lĩnh vực CNTT, sử dụng máy tính ở mức chuyên sâu, nhưng chỉ có 18/30 sinh viên khoa CNTT và khoa KTMTTT của Trường ĐH Bách khoa sử dụng hệ điều hành windows chính hãng. Điều đáng nói là, sinh viên khoa CNTT trường này được sử dụng windows chính hãng miễn phí bởi khoa có chương trình liên kết với hãng Microsoft.

Còn lại, với số sinh viên được khảo sát tại khoa KHQL Trường ĐHKHXHNV và khoa Toán học Trường ĐH KHTN, chỉ có 1 trên 30 sinh viên mỗi trường hiện sử dụng windows chính hãng.

Cũng theo nghiên cứu nhỏ này, sinh viên không quan tâm tới vấn đề bảo hộ quyền SHTT nói chung và vấn đề bảo hộ quyền tác giả với hệ điều hành windows nói riêng. "Khi được hỏi anh chị có tố giác khi bạn bè mình thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với hệ điều hành windows và lý do tại sao không tố giác, có đến 22/30 sinh viên Trường ĐH KHXHNV, 27/30 sinh viên trường ĐH Bách khoa và 29/30 sinh viên ĐH KHTN trả  lời là không tố giác và không quan tâm tới vấn đề này" – Nguyễn Thị Lan Anh cho hay.

Theo Th.S Trần Văn Hải (ĐH KHXHNV Hà Nội), một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế về nhận thức trong vấn đề SHTT không chỉ ở các trường ĐH là do việc tuyên truyền pháp luật còn nhiều hạn chế. Kèm theo đó, đào tạo về SHTT ở Việt Nam tuy đã có nhưng còn khá nhỏ lẻ. Từ phía các nhà trường, nguồn lực đầu tư cho môn học SHTT còn nhiều hạn chế, số lượng giảng viên chuyên sâu về lĩnh vực này khá khiêm tốn. Về phía sinh viên, ngay cả khi được đào tạo bài bản cũng không nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vấn đề được học. Kèm theo đó là tư tưởng thích xài đồ mà không mất tiền, dù biết đó là vi phạm luật.

Phải thay đổi tư duy

Thừa nhận vấn đề SHTT chưa được quan tâm nhiều trong các trường ĐH, nhiều giảng viên được hỏi cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền kiến thức SHTT vào cuộc sống qua nhiều hình thức, thay đổi dần cách tư duy thích dùng hàng mà không mất tiền mua của đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay.

Nguồn nhân lực về SHTT của nước ta hiện nay còn thiếu và yếu. Cần nâng cao hệ thống trường đào tạo về SHTT cả số và chất lượng. Các cơ quan chức năng tháo gỡ những bất cập còn tồn tại để các trường mạnh dạn hơn trong việc đưa SHTT vào đào tạo. Thêm nữa, chú ý đầu tư cho việc phát triển các nguồn tài liệu nhue sách, tranh ảnh và các tài liệu khác về SHTT để mọi người có thể dễ dàng tìm đọc.

Th.S Vũ Thị Cẩm Thanh, giảng viên Trường ĐH KHXHNV khuyến nghị, cần khuyến khích tính sáng tạo, tính mới của sinh viên trong việc tạo ra tài sản trí tuệ, có thể thông qua các cuộc thi viết với những giải thưởng hấp dẫn; tổ chức các CLB nghiên cứu khoa học… Nêu cao khẩu hiệu "môi trường văn hóa SHTT" trong cá trường ĐH. Tuy nhiên, Th.S Vũ Thị Cẩm Thanh cũng lưu ý, xây dựng văn hóa SHTT phải gắn liền với sự xem xét sự phù hợp với bản sắc văn hóa của mỗi cá nhân, của tổ chức, bởi

Theo TS.Lê Thị Thu Hà – giảng viên Trường ĐH Ngoại thương, hiện nay, trường đã đưa SHTT và quyền tác giả vào giảng dạy và trở thành môn chuyên ngành, đào tạo chính thống trong trường. ĐH Ngoại thương cũng đã áp dụng công nghệ khoa học vào quản lý, kiểm soát thực hiện bảo vệ quyền tác giả; tăng cường biện pháp xử lý vi phạm quyền tác giả… ĐH Ngoại thường đã và đang trở thành đơn vị tiên phong trong giáo dục và đào tạo quyền tác giả, bảo vệ quyền tác giả. Nhưng, dù các biện pháp đã được áp dụng rất linh hoạt nhưng tình trạng vi phạm bản quyền vẫn đang diễn ra. TS.Lê Thị Thu Hà cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến cho quá trình thực hiện bảo vệ quyền tác giả không mang lại nhiều hiệu quả tích cực là do việc thiếu kiến thức về quyền và bảo vệ quyền. Chính vì vậy, đã đến lúc, chúng ta cần phải có những giải pháp hợp lý để tìm ra lối thoát cho công cuộc thực thi quyền tác giả đang đi vào bế tắc như hiện nay.
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201204/Hong-kien-thuc-ve-so-huu-tri-tue-trong-truong-DH-1960897/

Đong cho đầy ân phúc

Posted: 28 Apr 2012 05:46 AM PDT

Đong cho đầy ân phúc

TTO – Năm 1976, chiếc xe đưa những hộ dân đến định cư ở khu kinh tế mới của tỉnh Tây Ninh đỗ xịch bên đường rồi quày quả quay về. Đôi mắt ba mẹ nó tối sẫm như đêm trước cái không gian cỏ tranh cao lút đầu người.

Tứ phía là rừng, hố bom và cả bom bi - tàn tích của chiến tranh nằm rải rác khắp nơi. Ba mẹ muốn quay lại Sài Gòn. Nhưng làm gì đây nếu trở về Sài Gòn với một bầy con lít nhít sáu đứa? Chẳng lẽ lại đưa con lăn lóc vỉa hè, góc phố? Thôi thì người ta sống được mình cũng sống được! Vậy là ở lại với đất, với rừng…

Đất mênh mông nhưng những đôi bàn tay không quen cuốc cày chẳng biết làm gì với đất. Thế là bám vào rừng. Người ta ồ ạt vào rừng chặt cây đốn củi đốt lò than. Ba nó cũng muốn vào rừng nhưng nhà không có con trai, chỉ có sáu đứa con gái mà đã hết năm đứa chỉ biết la hét, ăn, chơi và ngủ, chỉ có mình chị nó là nhờ được, vậy là ba mang chị theo.

Việc chặt cây đốn củi khó một đối với những nhà có con trai thì với hai ba con, nó khó mười. Ba nhìn bàn tay con gái tóe máu mà thấy uất nghẹn, thấy mình bất lực vô dụng, ba quăng ném, đập phá bất cứ thứ gì trước mặt hay sờ vào được. Những lúc đó chị nó chỉ biết ngăn ba lại bằng câu cửa miệng: "Con không sao! Con không sao mà ba!".

Rồi một tuần, hai tuần không biết người thuần phục rừng hay rừng đã quen với người mà ba và chị nó cũng đến lúc vui mừng đón những mẻ than đầu tiên. Nhưng kiếm được hạt gạo, miếng cơm từ than chẳng dễ. Đường vào rừng nhỏ xíu, ghập ghềnh, mùa mưa thì trơn trượt nên thương lái chỉ đợi ở bìa rừng để đón mua những gánh than, ba và chị nó lại phải tập làm quen với đôi gánh trên vai. Đôi vai vốn chẳng quen gánh gồng, giờ phải chất chồng thêm những cây than nặng trĩu, thật sự quá sức đối với đứa con gái 14 tuổi như chị nó nhưng vì thương ba, thương mẹ, thương em, chị nó lại quật sức lên mà đi.

Được về nhà thăm mẹ, thăm em lòng chị nó vui như mở hội. Chị hái tất cả những thứ gì có thể ăn được từ rừng mang về làm quà cho mẹ, cho những đứa em thiếu ăn, háu đói, nào là cò ke, mây rừng, sâm sâm… Trong mắt của những đứa em, chị nó là anh hùng của chốn núi rừng: hoang dã, hào hiệp và dũng cảm.

Nhưng có lần chị không thể tự về, một đêm tối trời, ba nó cùng với những người bạn đưa chị nó về trên một chiếc võng, người chị xám ngắt, hai hõm má trũng sâu, ba bảo chị bị sốt rét. Điếu thuốc của ba bập bùng suốt đêm bên chị, mẹ nắm tay chị rấm rứt, ai oán, cảm giác tủi hờn len lỏi trong năm cái đầu nhỏ xíu. May mắn thay, lần đó ba cứu được chị, ông y sĩ cứu được chị. Ba thương con không trở vào rừng, ba và chị đốt cỏ tranh, phá rừng chồi làm rẫy…

Như những cây lúa đầu tiên được gieo trồng trên mảnh đất vừa được khai phá, chẳng cần phân bón vẫn lớn nhanh như thổi, mượt mà, cứng cáp, chị nó đẹp mặn mà, duyên dáng, khỏe mạnh, căng tràn nhựa sống, các anh trai làng mê mẩn chị, những người đàn ông gặp chị một lần cũng say đắm chị.

Mẹ bảo chị lấy chồng, chị không chọn anh cán bộ thủy lợi, hay thầy giáo của nó mà chọn anh- hàng xóm sát vách nhà nó. Chị nói: "Lấy chồng gần để còn chạy tới chạy lui dòm chừng coi cái nhà mình còn hay mất". Ngày cưới, chị khóc như mưa, mẹ đùa: "Năm nay chắc hạn hán to vì bao nhiêu nước của ông trời con tôi gom về làm nước mắt hết rồi còn gì!". Không hiểu đó là những giọt nước mắt thường tình của cô dâu trước khi về nhà chồng hay là những giọt nước mắt dự cảm cho những điều chẳng lành không xa…

Rồi ngày tháng qua đi, cuộc sống dễ thở hơn, chị nó gom góp tiền nấu rượu, nuôi heo mở cửa hàng tạp hóa. Nó vui lắm vì thấy chị hạnh phúc viên mãn bên chồng, bên con. Nhưng hạnh phúc "chẳng tày gang", hai năm liền chị phải nhập viện hai lần để mổ u nang, lần thứ hai người ta chuyển chị sang bệnh viện ung bướu, rồi đưa ra lời "tuyên cáo": phải hóa trị.

Chị vào đến toa thuốc thứ năm thì anh rể nó cũng nhập viện. Sau hai tuần, anh lặng lẽ ra đi, bác sĩ kết luận: ung thư gan giai đoạn cuối. Điểm tựa của chị, bờ vai của chị, niềm hi vọng của chị vụt tan biến mất. Bạn bè, người thân sợ phải chứng kiến giây phút chị gào thét, cắn xé trước bão tố giăng tỏa cuộc đời mình. Nhưng chị im lặng, im lặng cả khi chỉ có một mình cùng anh nơi nghĩa địa hoang vắng.

Chị ngồi im để mặc cho nắng xối trên đầu, nắng chảy tràn trên mặt, nắng xé toạc tấm lưng mong manh của chị. Nó biết chị đang mượn nắng để dập tắt những ngọn lửa đang ngùn ngụt, lồng lộn cháy trong chị. Lòng nó đắng chát khi chỉ biết đứng từ xa trơ ra nhìn chị trong cái buổi trưa đáng sợ ấy.

Sau ngày mở cửa mả anh, dồn hết mọi đau đớn và chút sức lực còn lại, chị mở cửa hàng tiếp tục bán. Nó nhìn chị ái ngại, chị bảo: "Chị không thể là cái cây bị người ta chôn chặt một chỗ, vặt hết lá, chặt hết cành, rồi cứ thế chết đi. Chị phải sống, sống vì con!".

Nhìn chị mạnh mẽ, nó tin tưởng chị nó sẽ sống và sống mãi. Vậy mà sức mạnh nội tâm của chị và niềm tin của gia đình nó không thể chống lại tế bào ung thư đang cuồng nộ trong cơ thể chị. Chị cứ yếu dần… Hóa chất không còn tác dụng, chị em nó đi khắp hang cùng ngõ hẻm, rừng sâu núi thẳm tìm đến những ông "lang băm" mà trước đây chỉ nghe nhắc đến là nó đã ghét cay ghét đắng, sỉ vả không tiếc lời để đem về không biết bao nhiêu thứ thuốc, từ thuốc lá, thuốc tễ cho đến thuốc bột..

Muốn làm yên lòng những người thân yêu, chị cố gắng uống tất cả, uống cho đến khi cơ thể chị không thể dung nạp bất cứ thứ gì, dù chỉ là một ngụm nước nhỏ. Đến lúc này thì nó không thể kìm nén được nữa, nó la khóc, nguyền rủa cái định mệnh xấu xa của chị… Chị bỗng nắm lấy tay nó, thanh thản lạ lùng: "Đã cố gắng hết sức mà vẫn không được thì phải chấp nhận thôi em à! Chị không thể thoát được cái chết nhưng chị không thể vì cái chết đang đến gần, sợ hãi cái chết mà không thấy những ân phúc của mình, được sinh ra, được yêu thương, được làm vợ, làm mẹ…đó là những ân phúc của chị. Đừng đếm bất hạnh, chỉ đếm ân phúc thôi em nha. Em phải sống như thế và dạy con chị sống như thế. Đừng bao giờ để nó ngồi đếm bất hạnh: không cha, không mẹ, không của cải… nha em!".

Sự phũ phàng của số phận đã cuốn chị nó về một miền xa thẳm. Nó ở lại với đời. Đời là một chuỗi đan xen những niềm vui và nỗi buồn. Giữa bộn bề những tị hiềm, ganh ghét, thất bại, vấp ngã, bao giờ nó cũng tìm thấy những ân phúc để can đảm đi tới, từ ân phúc gạt nước mắt đứng lên.

Giờ đây, nó đang cảm nhận được niềm hạnh phúc trong từng nhịp sống, từng hơi thở, nó hạnh phúc vì không bao giờ bỏ lỡ những cơ hội để yêu thương, nó hạnh phúc vì không bao giờ đánh rơi một ân phúc nào, dù là nhỏ nhoi. Cảm ơn chị, người đã đặt vào nó món quà cuộc sống bình thường mà ấm áp, giản dị mà đẹp đẽ biết bao!

VŨ THỊ VÂN ANH (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/487564/Dong-cho-day-an-phuc.html

Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào 10

Posted: 28 Apr 2012 05:46 AM PDT

(GDTĐ)-Sở GDĐT Hà Nội vừa chính thức công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2012-2013 cho 107 trường THPT công lập, 88 trường THPT ngoài công lập và 31 TTGDTX.

 

Năm 2012, việc tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội được thực hiện theo phương thức kết hợp thi với xét tuyển. Số lượng hcoj sinh  dự kiến tuyển vào lớp 10 hệ THPT là 78.500 em. Trong đó các trường công lập là 59.000, ngoài công lập: 15.500; hệ GDTX:- 3.500 và TCCN: 500 học sinh.

Căn cứ vào chỉ tiêu được giao, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức tuyển sinh đúng chỉ tiêu, đúng quy chế và hướng dẫn.

Xem chi tiết chỉ tiêu các trường tại đây

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201204/Ha-Noi-cong-bo-chi-tieu-tuyen-sinh-vao-10-1960899/

Những ngành học hữu ích nhất nước Mỹ

Posted: 28 Apr 2012 05:46 AM PDT

Những năm gần đây, vấn đề việc làm đang là nỗi ám ảnh với nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến họ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có ở những thế hệ trước. Chính vì thế, Daily Beast vừa công bố danh sách những ngành nghề hữu ích nhất nước Mỹ để cho thấy bằng đại học nào có giá trị ít nhất tính theo cơ hội việc làm và số liệu thống kê về thu nhập.

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Để xác định được ngành nghề nào có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, có thu nhập cao hơn và có triển vọng trong thập kỉ tới, các chuyên gia đã tham khảo nghiên cứu của ĐH Georgetown – những dữ liệu điều tra trong vòng 2 năm để xác định thu nhập liên quan đến chuyên ngành học. Các chuyên gia cũng sử dụng dữ liệu của Cục Thống kê lao động về dự báo việc làm. 5 dữ liệu dưới đây được đánh giá ngang bằng nhau:

- Tỷ lệ việc làm của sinh viên mới ra trường
- Tỷ lệ việc làm của sinh viên đã có kinh nghiệm
- Thu nhập của sinh viên mới ra trường
- Thu nhập của sinh viên đã có kinh nghiệm
- Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 đến năm 2020

1.    Y tá

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 4%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 1,9%
Thu nhập của SV mới ra trường: 48.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 64.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 26%
Ngành nghề liên quan: Y tá, điều dưỡng

2.    Kĩ sư cơ khí

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 8,6%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 3,8%
Thu nhập của SV mới ra trường: 58.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 86.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 4%
Ngành nghề liên quan: Công nghệ kĩ thuật cơ khí

3.    Kĩ sư điện tử

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7,3%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,2%
Thu nhập của SV mới ra trường: 57.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 90.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 6%
Ngành nghề liên quan: Kĩ sư điện tử, điện tử

4.    Kĩ sư dân dụng

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 8,1%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 4,5%
Thu nhập của SV mới ra trường: 50.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 81.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 12%
Ngành nghề liên quan: Kĩ sư dân dụng

5.    Khoa học máy tính

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7,8%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,6%
Thu nhập của SV mới ra trường: 50.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 81.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 18%
Ngành nghề liên quan: Quản lý công nghệ thông tin

6.    Tài chính

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 6,6%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,2%
Thu nhập của SV mới ra trường: 44.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 72.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 23%
Ngành nghề liên quan: Phân tích tài chính

7.    Tiếp thị và nghiên cứu tiếp thị

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7,3%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 6%
Thu nhập của SV mới ra trường: 37.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 65.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 41%
Ngành nghề liên quan: Phân tích nghiên cứu tiếp thị

8.    Toán học

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 6,1%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,1%
Thu nhập của SV mới ra trường: 40.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 71.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 16%
Ngành nghề liên quan: Toán học

9.    Kế toán

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 6,8%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 4,8%
Thu nhập của SV mới ra trường: 43.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 65.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 16%
Ngành nghề liên quan: Kiểm toán và kế toán

10.    Tiếng Pháp, Đức, Latin và các ngoại ngữ thông dụng

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7,9%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 4,8%
Thu nhập của SV mới ra trường: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 50.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 42%
Ngành nghề liên quan: Phiên dịch và biên dịch

11.    Thương mại đại cương

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 4,8%
Thu nhập của SV mới ra trường: 37.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 60.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 22%
Ngành nghề liên quan: Phân tích quản lý

12.    Giáo dục cơ bản

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 4,8%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 3,4%
Thu nhập của SV mới ra trường: 33.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 40.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 17%
Ngành nghề liên quan: Giáo viên mầm non và tiểu học

13.    Kinh tế

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 9,4%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,7%
Thu nhập của SV mới ra trường: 48.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 76.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 6%
Ngành nghề liên quan: Chuyên gia kinh tế

  • Nguyễn Thảo (Theo DailyBeast)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70117/nhung-nganh-hoc-huu-ich-nhat-nuoc-my.html

Comments