Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Học sinh lớp 5 giải được toán lớp 9

Posted: 27 Apr 2012 06:17 AM PDT

 

 


Em Nguyễn Đức Bảo thích học Toán và làm thơ.

Mê toán từ khi 4 tuổi

Tìm về xã Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) hỏi thăm đường vào nhà bé Nguyễn Đức Bảo, nhiều người dân nhiệt tỉnh chỉ cho chúng tôi, không quên "đế” thêm: "Thằng Bảo giải toán giỏi ấy à? Nó mới học lớp 5 mà giải được cả toán lớp 9 rồi đó". Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà bé Bảo ở xóm Minh Sơn. Chuẩn bị cho cuộc giao lưu toán tuổi thơ toàn quốc nên Bảo đang được bố mẹ cho về nhà ngoại ở bên kia sông "xả hơi". Anh Nguyễn Thanh Tùng – bố của Bảo không giấu được niềm tự hào về cậu con trai của mình: "Người ta đồn là Bảo có thể giải toán 12 nhưng thực tế, cháu nó mới bắt đầu giải đến toán lớp 9 thôi. Tất cả là do cháu nó tự học, tự giải".

Ông Nguyễn Văn Lợng (69 tuổi, ông nội của Bảo) là người đầu tiên phát hiện ra sở thích và khả năng làm toán của cậu cháu đích tôn. Hồi Bảo 4 tuổi, tại lớp mẫu giáo nhỡ, trong khi các bạn đều mải chơi và quan tâm đến các bài múa hát thì em lại dành sự chú ý đặc biệt cho những con số. Bé rất thích tập đếm và làm các phép tính cộng trừ. "Ngày đi học, tối về hai ông cháu ngủ với nhau, hắn cứ bắt tui phải đưa ra các phép tính để giải đáp. Các phép cộng trừ trong phạm vi 10 hầu như hắn tính đúng hết", ông Lợng cho biết.

Thấy con thích học toán và có năng khiếu về môn học này, anh Tùng mua sách toán lớp 2 về cho cậu con trai 4 tuổi của mình làm toán. Cứ làm hết sách toán lớp này anh lại mua sách toán lớp cao hơn cho con luyện. Anh Tùng cho hay: "Tôi vốn là giáo viên dạy toán nhưng quan điểm của tôi là cứ để cháu phát triển tự nhiên, xem khả năng của cháu tới đâu chứ không tham gia vào việc dạy học hay ép cháu phải học toán. Thỉnh thoảng, gặp bài nào khó quá, cháu nhờ giúp đỡ, tôi mới hướng dẫn thôi".

Tầm 5h rưỡi, Bảo được mẹ đưa về. Để kiểm tra khả năng làm toán của bé, chúng tôi đưa quyển sách toán lớp 8 để Bảo trực tiếp làm bài tập. Cậu bé có đôi mắt to tròn thông mình, làn da ngăm đen nhưng nụ cười rạng rỡ "mặc cả": "Giải toán lớp 9 được không cô?". Sau khi chọn một bài tập bất kỳ trong cuốn sách giáo khoa lớp 8 và đề nghị Bảo giải, chỉ mất hơn 5 phút, cậu chàng đã xách vở đến bàn của bố để nhờ kiểm tra lại. "Giờ cháu tự giải được toán lớp 9, nhưng cũng mới học đến phần đầu thôi. Còn toán lớp 8 cháu giải xong rồi. Cháu thích học hình hơn là đại số vì hình thú vị hơn", Bảo tâm sự.

Để dành thời gian học và giải toán lớp trên, tất cả các bài tập về nhà đều được cậu bé này "giải quyết" ở lớp, lúc nào làm xong mới ra về. "Bố mẹ mua sách cho, cháu tự đọc lý thuyết rồi áp dụng vào bài giải. Cũng có khi cháu thấy cách giải hướng dẫn trong sách giáo khoa không phải là cách tốt nhất nên cháu tự giải theo cách của mình. Thường thì hầu như cháu giải được tất cả các bài tập, thỉnh thoảng gặp bài nào khó quá cháu mới nhờ bố thôi. Cháu thích sau này được trở thành một nhà toán học. Cháu hâm mộ chú Ngô Bảo Châu và mong muốn sẽ trở thành một nhà toán học như chú ấy", Bảo say sưa tâm sự về ước mơ của mình.

Cậu bé này vừa đạt giải nhất kỳ thi giải toán qua mạng Internet dành cho khối học sinh lớp 5 toàn tỉnh Nghệ An và đang tập trung ôn luyện để tham dự kỳ thi toàn quốc sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5 tới. "Cháu hy vọng là sẽ giảnh được giải cao và sẽ có cơ hội được gặp chú Ngô Bảo Châu".

 

Thích sáng tác thơ

Không chỉ có năng khiếu về toán học, Nguyễn Đức Bảo còn học giỏi môn tiếng Anh, làm văn và biết làm thơ. Cuốn vở làm văn của cậu bé này đầy ắp những điểm 9, điểm 10. Quả thật đọc những bài làm văn của Bảo, chúng tôi thấy khó để tin rằng đây là những dòng viết của một cậu học trò 10 tuổi. Những dòng chữ được viết ngay ngắn, tròn trịa. Mỗi bài văn là một cách nhìn rất "người lớn" về những thứ đang diễn ra xung quanh Bảo.

Và bất ngờ hơn khi chúng tôi được đọc những bài thơ do cậu học trò thích học toán này sáng tác. Ở những bài thơ, có cái gì đó như là tự sự, là nỗi lòng của một người biết quan sát và cảm nhận cuộc sống quanh mình. "Anh đi rồi/ Mắt mẹ buồn rười rượi/ Môi đỏ nhạt tím dần/ Người gầy vì lo/ Anh đi rồi/ Lòng mẹ đau nhói/ Thương anh vụng về/ Đỗ nhặt rồi lại rơi... (Trích bài thơ Anh đi rồi). "Cháu viết về một anh bộ đội chiến đấu xa nhà và được về thăm mẹ, sau đó ai lại vào chiến trường, mình mẹ ở nhà", Bảo lý giải.

Cảnh ngày Tết trong thơ của Bảo cũng hết sức thân thuộc, gần gũi: "Những cánh hoa đào mang hương/ Ủ đầy những ngôi nhà đang độ Tết/… Nhìn ra chợ Tết rộn ràng/ Lòng tôi lại thấy mơ màng ngày xưa/ Bao nhiêu em bé, em thơ/ Ngồi sau xe đạp lơ thơ mơ màng/ Trông vào những ngôi nhà nhỏ/ Nơi những người dân thụt lò nấu bánh…"(Trích Cảnh ngày Tết)

"Hồi trước cháu cũng thích làm thơ, nhiều người đọc thơ cháu cứ bảo là cháu lấy của ai đó nhưng không phải. Cháu làm cả đấy, không phải cháu viết về mình mà cháu đặt mình vào người khác để viết. Nhưng mà lâu rồi cháu cũng không hay làm thơ nữa", Bảo cho biết thêm.

Nói về cậu học trò đặc biệt của mình, thầy Nguyễn Văn Quân – Chủ nhiệm lớp 5C, Trường Tiểu học Thanh Lâm (Thanh Chương) cho biết: “Em Nguyễn Đức Bảo đặc biệt có khă năng về môn toán, khả tính nhẩm và trí nhớ tốt, có tinh thần tự học cao, thích tìm tòi khám phá. Nói chung em học đều ở các môn nhưng đặc biệt nổi trội về môn Toán. Tôi nghĩ nếu được bồi dưỡng một cách bài bản thì em có thể tiến xa hơn".

Hoàng Lam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-590094/hoc-sinh-lop-5-giai-duoc-toan-lop-9.htm

Học trò đi kiện, trường kêu cứu

Posted: 27 Apr 2012 06:17 AM PDT

Một HS lớp 12 kiện nhà trường; trường ngoài công lập ở TP.HCM kêu cứu vì
thiếu đất; Hà Nội chỉ đạo không để tái diễn cảnh xếp hàng đêm xin học; sẽ kiểm
định riêng trường ngoài công lập…là những thông tin giáo dục nổi bật hôm nay.

Trò kiện trường

Cho rằng mình bị đuổi học oan, Hiếu khởi kiện quyết định đuổi học của nhà trường (Ảnh: Khắc Lịch, Bee.net.vn).

Ngày 26/4, TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết đã nhận được đơn khởi kiện của
em Lê Trọng Hiếu, học sinh lớp 12B3, Trường THPT Yersin Đà Lạt vì vừa bị nhà
trường đuổi học 1 năm. Cho rằng, bị nhà trường đuổi học 1 năm là trái với thông
tư số 08/TT ngày 21/3/1998 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về
việc khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với học sinh của các trường phổ thông.
Học sinh Lê Trọng Hiếu đã làm đơn khởi kiện quyết định đuổi học 1 năm của hiệu
trưởng trường THPT Yersin Đà Lạt đối với em trên lên TAND TP Đà Lạt.Thông tin
trên báo điện tử Kiến thức.
Không để tái diễn cảnh xếp hàng đêm xin học

Trang điện tử của báo Nhân dân ngày 26/4 thông tin: UBND thành phố Hà
Nội vừa có văn bản chỉ đạo công tác tuyển sinh đầu cấp. Thành phố yêu cầu Sở
Giáo dục và Ðào tạo và các quận, huyện tổ chức phân tuyến hợp lý, thuận lợi nhất
cho học sinh và phụ huynh; không để phát sinh điểm bức xúc, nhất là không để xảy
ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng qua đêm để xin học cho con em.
Trường ngoài công lập xin đất

Ngày 26-4, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội nghị các trường THPT ngoài công lập.
Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục có cuộc bàn thảo dành riêng cho Chủ tịch Hội
đồng quản trị (HĐQT), hiệu trưởng các trường nhằm nhìn nhận, phân tích những đòi
hỏi và yêu cầu bức thiết của hệ thống các trường ngoài công lập.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM trong tổng số 85 trường ngoài công lập (chiếm 47% các
trường phổ thông tại TPHCM) thì bên cạnh một số trường xây mới đạt chuẩn, vẫn
còn nhiều trường ở trong hoàn cảnh tạm bợ thuê mướn. Thậm chí có trường thành
lập đã 20 năm nay nhưng vẫn chưa làm đúng cam kết ban đầu. Trong khi đó, khi
thành lập, phần lớn các trường đều đưa ra một đề án "hoành tráng" cam kết bảo
đảm chất lượng với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên có trình độ cao.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong vòng 5 năm, các trường phải xây dựng cơ sở
vật chất tương ứng với quy mô, như đề án ban đầu. Trong khi đó lãnh đạo các
trường ngoài công lập lại than thở vì quy hoạch không có quỹ đất cho trường mình.
Nội dung thông tin vừa được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải phóng.
Mầm non ngoài công lập nhận trẻ gấp 3 lần quy định
Liên quan đến cuộc họp ngày 26/4, thông tin trên báo Thanh Niên bổ
sung: “Hiện có tình trạng chủ cơ sở giáo dục sai phạm bị đóng cửa trường ở quận
này chạy sang quận khác đăng ký mở trường mới. Đặc biệt, vì lợi nhuận chủ nhiều
nhóm trẻ nhận học sinh nhiều hơn từ 3-4 lần so với quy định. Quy định không nuôi
giữ quá 60 cháu/nhóm nhưng nhiều nhóm có tới 200-250 cháu trong khi điều kiện cơ
sở vật chất không đủ…”


Dồn sức cho HS yếu trước thi tốt nghiệp THPT

Bài viêt trên báo Tuổi trẻ cho hay: Chỉ còn một tháng nữa học sinh
(HS) lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mọi nỗ lực của các trường được
dồn lên HS trung bình và yếu nhằm "thay đổi cục diện", giảm tỉ lệ rớt tốt nghiệp
tối đa. Ngoài kèm sát HS bằng phương pháp nhắn tin, chat, trò chuyện…, các
hình thức truyền thống khác như thi thử, vấn đáp cũng được áp dụng triệt để nhằm
vực dậy HS yếu.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Bình Tân, TP.HCM có tới 30% HS yếu tâm tư:
"Giá như công tác phân luồng tốt hơn để những em không có lực học tìm được hướng
đi đúng cho mình ở các trường nghề. Tránh tình trạng mỗi năm trường phổ thông
nhận thêm hàng trăm HS nhưng có những em không học nổi, bỏ học, rớt tốt nghiệp.
Trong khi đó, áp lực từ trên xuống luôn đặt nhà trường vào tình thế phải hạn chế
tối đa số rớt tốt nghiệp. Ai cũng mong con em ở địa phương mình có một tương lai
tốt đẹp hơn nên thầy cô cũng cố gắng rất vất vả, nhưng hiệu quả thì… hên xui".
Chuẩn chung hay chuẩn riêng?
Báo Lao động dẫn lời ông Trần Hồng Quân – Chủ tịch hiệp hội các trường
ĐH-CĐ ngoài công lập cho biết sắp tới hiệp hội sẽ tập trung hỗ trợ các trường
ngoài công lập thực hiện công tác kiểm định chất lượng trong hệ thống.
Cũng ủng hộ, song còn e dè hơn, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Quốc tế Hồng Bàng -
ông Nguyễn Mạnh Hùng – cho rằng: "Đây là một ý tưởng đẹp. Tuy nhiên, với bề dày
kinh nghiệm thực tế chỉ chừng chưa đầy 30 năm của khối trường NCL hiện nay, thì
thực lực chưa thể xây dựng được một chuẩn riêng cho mình. "Có chăng, chúng ta
phải tác động để chuẩn chung của hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng hoàn
tất nhanh hơn, để từ đó khối trường NCL "nương theo" cùng phấn đấu.
Theo ông Hùng, thời điểm để ý tưởng này được xem là "chín muồi" thì còn phải
chờ ít nhất 20 năm nữa.

Học sinh nghỉ lễ 4 ngày

Ngày 25-4, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo kế hoạch nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cho cán bộ,
giáo viên và HS trên địa bàn TP. Cụ thể, đối với các đơn vị, trường học được
nghỉ cuối tuần vào thứ bảy, chủ nhật, cán bộ, giáo viên, HS được nghỉ 4 ngày (từ
ngày 28-4 đến hết ngày 1-5). Đối với các đơn vị, trường học chỉ được nghỉ cuối
tuần vào ngày chủ nhật thì được nghỉ 3 ngày (từ ngày 29-4 đến hết ngày 1-5), tin
trên báo Hà Nội mới.

P.Đăng (tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70102/hoc-tro-di-kien--truong-keu-cuu.html

Dồn sức cho học sinh yếu

Posted: 27 Apr 2012 06:16 AM PDT

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT:

Dồn sức cho học sinh yếu

TT – Chỉ còn một tháng nữa học sinh (HS) lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mọi nỗ lực của các trường được dồn lên HS trung bình và yếu nhằm "thay đổi cục diện", giảm tỉ lệ rớt tốt nghiệp tối đa.

Song việc chạy đua với thời gian này không hề dễ…

Một buổi ôn tập kiến thức môn văn cho học sinh lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT (chiều 25-4) – Ảnh: Như Hùng

Ở những trường có đầu vào thấp, tỉ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm không cao, chỉ một, hai HS "thoát" được nguy cơ rớt tốt nghiệp đã là chuyện đáng ăn mừng. Vào thời điểm này, danh sách những HS đang đứng bên bờ vực rớt tốt nghiệp đã được chia đều cho giáo viên từng bộ môn để có kế hoạch kèm cặp.

Mỗi trường mỗi… cảnh

Khó khăn nằm ở chỗ các HS trung bình, yếu đa số đều bị mất kiến thức căn bản, thường có điều kiện gia đình khó khăn, không có nhiều thời gian để đầu tư cho việc học.

Ví dụ như ở Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM – một trong những trường có chất lượng đầu vào thấp, gần 50% HS thuộc diện được miễn giảm học phí, nhiều HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp vì hoàn cảnh gia đình. Nếu như các trường trung tâm thường áp dụng các biện pháp truy bài, cấm túc, tăng tiết trước mỗi mùa thi, thì ở Trường THPT Đa Phước thầy cô chỉ có thể tận dụng giờ dạy trên lớp. Lý do là nhà HS quá xa trường và nhiều HS phải làm kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Duy Tuyển, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Chúng tôi xác định năm lớp 12 là cực kỳ quan trọng, là bước ngoặt cuộc đời của các em. Đối tượng cần quan tâm lúc này là HS trung bình và yếu kém, thầy cô giáo chỉ bám điểm trung bình (điểm 5, 6) mà dạy, không tung quá nhiều kiến thức làm các em mệt mỏi và cũng không yêu cầu điểm khá, giỏi. Kể từ sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, nhà trường đã tăng 21 tiết cho cả sáu môn thi và chỉ dám tăng với thời lượng vừa phải, bởi với HS yếu, một số em lười học không thể bắt các em học dồn, học nén".

Tại Hà Nội, thầy Phan Thanh Tùng, hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, cho biết: "Trong tháng 3 và 4 trường đã lần lượt tổ chức thi vấn đáp sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, kết quả thi được thống kê, phân loại như thi tốt nghiệp. Nhìn vào kết quả, số HS đạt điểm giỏi trong kỳ thi thử này chỉ không đến 20 em".

Năm nay là năm thứ tư Trường Trần Nhân Tông tổ chức rà soát học sinh qua các kỳ thi thử để tổ chức lớp A0 – lớp của những HS cần kèm cặp đặc biệt. Năm nay lớp A0 học toán, hóa có khoảng 60 em/môn, lớp học các môn còn lại có khoảng 20-40 HS/môn.

Thầy Tùng nhận xét: "Nếu không có biện pháp phân loại HS để phụ đạo theo môn học, theo những phần HS hổng kiến thức, sẽ có trên 30% thi trượt tốt nghiệp. Cùng thời điểm này năm 2011, tỉ lệ HS rơi vào "vòng nguy hiểm" cũng tương tự, nhưng nhà trường đã nỗ lực vực những HS yếu. Để có được tỉ lệ 99% HS đỗ tốt nghiệp là cố gắng vượt bậc của thầy cô giáo".

Nhiều "chiêu" vực HS yếu

Các trường THPT ở các quận huyện ngoại thành và xét tuyển đầu vào như Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh… tại TP.HCM cũng đau đầu trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp bởi điểm chung là số lượng HS yếu kém đông. Đa số trường này đều dồn sức cho hai môn sử và địa trong tháng cuối cùng với hi vọng sẽ gỡ được điểm từ hai môn này bằng phương pháp… thuộc lòng. Trường THPT Lê Minh Xuân, TP.HCM đã tăng tiết kể từ đầu năm học, hiện nhà trường đã tăng 45 tiết cho các môn thi tốt nghiệp, đặc biệt chú trọng hai môn sử, địa. Từ đầu học kỳ 2, những HS yếu kém đều được tổ chức học phụ đạo không thu tiền, bên cạnh đó giáo viên cũng tích cực gặp gỡ phụ huynh của HS yếu kém để động viên, thuyết phục việc kèm cặp con em học tập.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tiến, hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong, quận 7, lại cho biết: theo dõi vài năm nay thì tỉ lệ điểm các môn sử, địa ở thành phố khá thấp. Hiện nay đề thi tập trung nhiều vào kỹ năng phân tích, bình luận mà HS yếu lại hạn chế các kỹ năng này. Vì vậy nhà trường tập trung bồi dưỡng từng môn yếu của từng HS chứ không tập trung đầu tư vào sử và địa. Ông Tiến cũng cho biết sau đợt kiểm tra học kỳ 2, kết quả cho thấy HS yếu chiếm khoảng 20%, trong đó có nhiều em "không muốn học" dù nhà trường đã kết hợp với gia đình động viên tham gia các lớp "phụ đạo đặc biệt".

Mô hình "lớp đặc biệt" năm nay tiếp tục mở rộng ở nhiều trường THPT tại Hà Nội, đặc biệt là các trường tốp dưới. Tại Trường THPT Phan Huy Chú, cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng nhà trường, cho biết "đây là năm thứ ba trường tổ chức lớp học này". Năm 2011, mặc dù có một số HS hổng kiến thức rất nhiều nhưng kết quả thi rất bất ngờ – 100% HS lớp đặc biệt đều đỗ, có em đỗ khá cao. Lớp này hiện có 22 em với 22 nguyên nhân học yếu khác nhau: hổng kiến thức, gia đình trục trặc, ham chơi… "Không thể gây căng thẳng, dùng những lời lẽ đao to búa lớn với HS yếu, tôi chọn giải pháp nhắn tin. Ngày nào tôi cũng nhắn tin, khi thì nhắn cho lớp trưởng, có khi nhắn cho từng HS. Các em cần điều chỉnh cái gì, có khuyết điểm cần khắc phục thế nào, tôi nhắn tin chia sẻ, khuyên bảo thế đó" – cô Nhiếp cho biết.

Theo một số thầy cô giáo của các Trường THPT Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (Hà Nội), với các HS yếu, cách củng cố kiến thức phải cực kỳ linh hoạt. Thầy Thành – một giáo viên toán của trường – cho biết: "Đêm tôi hay thức khuya vì các em hỏi bài qua chat. Dù mệt nhưng tôi vui vì các em đã thấy việc học là quan trọng và thể hiện quyết tâm. Giá việc tự học này được duy trì trong cả quá trình thì đỡ cực".

Ngoài kèm sát HS bằng phương pháp nhắn tin, chat, trò chuyện…, các hình thức truyền thống khác như thi thử, vấn đáp cũng được áp dụng triệt để nhằm vực dậy HS yếu.

LƯU TRANG – VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/488949/Don-suc-cho-hoc-sinh-yeu.html

Trải nghiệm các môn năng khiếu giúp trẻ sống đẹp

Posted: 27 Apr 2012 06:16 AM PDT

Đó là chia sẻ của Thạc sĩ nghệ thuật, họa sĩ Sĩ Hoàng tại buổi triễn lãm và đấu giá gây quỹ từ thiện các tác phẩm xuất sắc nhất của vòng chung kết cuộc thi sáng tác nghệ thuật "Sắc màu cuộc sống" - sân chơi bổ ích của hơn 4.500 học sinh các cấp toàn hệ thống trường Quốc tế Việt Úc.

Những sáng tạo thú vị

Cuộc thi sáng tác nghệ thuật "Sắc màu cuộc sống" là một trong những hoạt động năng khiếu thường kỳ do trường Việt Úc tổ chức nhằm khuyến khích, đánh thức khả năng sáng tạo của học trò. Với nhiều hình thức sáng tác như bài viết, vẽ tranh, chụp ảnh, làm mô hình…, các em được thỏa sức mày mò, thể hiện sự sáng tạo về thế giới xung quanh qua cảm nhận đa chiều, đầy màu sắc của bản thân. Hoạt động này góp phần cân bằng đời sống học đường với đời sống thực tế cho học sinh.

200 tác phẩm lọt vào vòng chung kết không chỉ nổi bật bởi những ý tưởng về bố cục, màu sắc… mà người xem còn có thể cảm nhận được suy nghĩ, tình cảm, cái nhìn có phần lạ lẫm,

thú vị của các em về thế giới xung quanh. Người xem không khỏi ngỡ ngàng với bức tranh "Bé ngồi lưng trâu" – tác phẩm đậm chất đồng quê của em Phương Ngọc Thái, học trò mẫu giáo sống ở phố thị. Hay bức tranh "Về quê ngoại" đặc tả kỷ niệm tuổi thơ của em Nguyễn Nhật Vy Khương…

Vẽ được nhiều em lựa chọn và có nhiều tác phẩm nổi bật ở cuộc thi có thể nói nhờ chương học chính khóa môn Mỹ thuật ở trường, các em được trải qua quá trình thực hiện các tác phẩm hội họa, tạo hình dựa trên óc quan sát và các hình thức biểu đạt về sự vật, sự việc dựa trên góc nhìn đa dạng. Qua đó, các năng khiếu cá nhân mang tính thiên hướng của trẻ sẽ được đánh thức, bộc lộ và phát triển trong tinh thần sáng tạo, tự do.

Vun đắp tâm hồn trẻ

Có mặt tại buổi triển lãm với vai trò chủ khảo của cuộc thi, Thạc sĩ nghệ thuật, họa sĩ Sĩ Hoàng dành thời gian trò chuyện với phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của việc trẻ được học, được trải nghiệm với các môn nghệ thuật.

Ông chia sẻ, ở những trường học xa xôi, còn rất nhiều khó khăn nhưng các môn hội họa, âm nhạc vẫn được đưa vào từ các bậc học thấp nhất. Bởi những biểu hiện thông tin, cảm xúc đầu đời của trẻ thể hiện qua những môn nghệ thuật đó.

"Khi chưa biết viết nhưng lần đầu tiên cầm giấy, bút trong tay, các em sẽ vẽ để tạo hình ảnh truyền đạt thông tin của mình. Hay khi nói chưa sõi, trẻ sơ sinh đã bi bô i a, hay tiếng khóc của trẻ nhỏ cũng mang nhiều cung bậc, cảm xúc… vì chúng tạo nên bởi giai điệu (trong âm nhạc). Nhờ hình ảnh, giai điệu đó, chúng ta có thể đoán được mong muốn, tâm trạng của con.

 

Hơn nữa, hội họa và âm nhạc giúp cho trí tưởng tượng phát triển, mà trí tưởng tượng là khởi đầu của sáng tạo. Có sáng tạo, các em sẽ thông minh hơn, là nền tảng cho việc học suốt đời", họa sĩ cho hay.

Ngoài ra, họa sĩ – nhà thiết kế này nhấn mạnh bên cạnh việc phát triển năng khiếu, khi thực hiện các tác phẩm nghệ thuật, các em sẽ biết quan tâm đến cuộc sống xung quanh, biết yêu thương người khác, có những cảm nhận về thiên nhiên, động vật… Điều này đặc biệt cần thiết khi mà hội chứng con một đang ngày càng phổ biến - trẻ được "bao bọc" đến mức có thể bị đánh mất cảm nhận với cuộc sống.

Họa sĩ Sĩ Hoàng bày tỏ, ông rất tâm huyết với cuộc thi "Sắc màu cuộc sống" do trường Việt Úc tổ chức hay các hoạt động phát triển năng khiếu, tư suy kết hợp với giáo dục thẩm mỹ mang tính thực hành cao cho trẻ. Theo ông: "Những hoạt động đó nếu không giúp trẻ trở thành nghệ sĩ thì cũng trở thành người biết sống, biết suy nghĩ và cảm thụ cái đẹp khi trưởng thành".

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-590037/trai-nghiem-cac-mon-nang-khieu-giup-tre-song-dep.htm

Có cần nhiều tiến sĩ?

Posted: 27 Apr 2012 06:16 AM PDT

Tôi đang băn khoăn liệu viết  bài này có khác gì  xúi thanh niên bỏ học, trong khi ai cũng cho rằng đất nước này cần đào tạo nhân tài để phát triển. Mấy năm qua, không chỉ đại học bùng phát, mà  những chỉ tiêu đào tạo sau đại học cũng đáng nể, như mấy chục ngàn tiến sĩ trong vài năm tới chẳng hạn.

Mới hôm rồi tôi được mời ăn tối ở nhà bạn. Chủ nhân giới thiệu khoảng một chục khách mời với nhau: Này là tiến sĩ X, đây là tiến sĩ Y, kia là thạc sĩ Z.

Và hôm sau, chủ nhân nói với tôi qua điện thoại là họ thực sự hân hạnh được đón tiếp những vị khoa bảng hôm qua, con cái họ học được nhiều từ các vị ấy.

Tôi nhớ  hai cô cậu trẻ trong nhà, đều đang ở lứa tuổi ngoan, quả thật có vẻ bị ảnh hưởng bởi sự trân trọng bằng cấp cao của cha mẹ, chắc là chúng thấy làm tiến sĩ cũng oai.

Khi Steve Jobs qua đời, một chi tiết về đời tư của ông được nhiều phương tiện truyền  thông khai thác. Ấy là mẹ ruột của ông mang thai khi chưa kết hôn và còn là sinh viên, đã quyết định đem đứa con mới sinh cho người khác nuôi.

Yêu cầu của bà mẹ ruột đối với cha mẹ nuôi đứa bé là cho nó vào đại học. Cha mẹ nuôi của Jobs là những người lao động, đã cố gắng thực hiện lời hứa. Nhưng Steve chọn một trường đại học tư học phí rất đắt.

Khi Steve nhận ra rằng mình đang tiêu những đồng tiền dành dụm ít ỏi cho tuổi già của cha mẹ, ông quyết định bỏ học, đi làm tự kiếm sống. Khi qua đời ở tuổi ngoài năm mươi, Steve Jobs là tỉ phú.

Nguyện vọng của mẹ ruột Steve và cố gắng của cha mẹ nuôi Steve là điều hiểu được. Cho con học hành tới nơi tới chốn là ước nguyện của nhiều cha mẹ, giàu cũng như nghèo, hoàn toàn chính đáng. Các bậc cha mẹ hy vọng một nền giáo dục đại học bảo đảm tương lai cho con mình. Khiêm tốn thì mong chúng có được cái bằng đại học trong nước để trong hồ sơ xin việc. Có điều kiện hơn thì cho chúng du học, hay ráng kiếm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trong ngoài nước đều được, để nâng cấp địa vị và bổng lộc.

Ở xứ sở trọng bằng cấp, cần nắm ít nhất một tấm bằng trong tay như tấm vé để tiến vào quan trường. Ngay trong thị trường lao động tự do, bằng cấp cũng được nhiều nhà tuyển dụng đòi hỏi. Tóm lại, trong tình hình nước ta hiện nay, có vẻ nên khuyến khích thanh niên học hành, nên mở cánh cổng đại học và bậc học cao hơn cho càng nhiều thanh niên càng tốt.

Bỏ học mà thành đạt như Steve Jobs là trường hợp đặc biệt. Nhưng không phải là trường hợp duy nhất. Những trường hợp bỏ học, hoặc không được học hành, trở thảnh kẻ thất bại, vô dụng, lận đận lẹt đẹt dưới đáy xã hội vào ý chí và nỗ lực của từng con người, tùy thời vận, may rủi nữa.

Một tấm bằng để kiếm chỗ làm là một ưu thế khi khởi đầu. Nhưng một số vốn để khởi nghiệp cũng là một ưu thế đáng kể. Nhiều người trẻ tin rằng họ chỉ cần có vốn để khởi đầu sự nghiệp. Vậy muốn giúp đỡ thanh niên thì giúp họ học hành lấy được bằng cấp cao hay hỗ trợ vốn liếng để họ bỏ học mà khởi nghiệp?

Bill Gates là người bỏ học thành đạt, nhưng ông lại dùng tiền để đẩy mạnh giáo dục. Một thanh niên được học bổng Gates thì được bảo đảm tài chính để  học tập nghiên cứu đến khi nào đạt được tri thức mình mong muốn.

Học bổng này không giới hạn số tiền hay thời gian, mà tùy nhu cầu học tập của người được bảo trợ là bao nhiêu thì quĩ Gates chi bấy nhiêu. Điều này khuyến khích người nhận học bổng cố gắng vào những trường giỏi nhất, tham gia những chương trình nội/ngoại khóa bổ ích, trải nghiệm những thử thách thú vị, tận dụng mọi cơ hội để hoàn thiện bản thân, mà không bận tâm đến tiền bạc. Học bổng này nhằm đào tạo những lãnh đạo xuất sắc trong khoa học và trong cộng đồng.

Peter Thiel cũng là tỷ phú. Nhưng ông dùng tiền khuyến khích những người muốn bỏ học để kiếm tiền. Thực tế ở nước Mỹ có rất nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học với một đống nợ.

Thiel cho là bằng cấp đại học quá đắt và được đánh giá quá cao, khiến cho nhiều người trẻ tuổi rơi vào vòng luẩn quẩn: Vay nợ để học hành, đeo đuổi ước mơ tuổi trẻ; học xong lại phải gạt bỏ ước mơ, đi kiếm tiền trả nợ. Đã vậy, trong tình hình kinh tế suy thoái, thanh niên cầm bằng cấp đại học, kể cả bằng tiến sĩ, cũng khó kiếm được việc làm. Nhưng nếu không vào đại học thì làm gì? Thiel đề ra chương trình trợ vốn cho thanh niên không muốn  hay không có tiền vào đại học. Ông hứa giúp 24 thanh niên, mỗi người 100.000 USD, trong  hai năm, để sáng lập doanh nghiệp. Có 400 hồ sơ ứng cử. Tính ra tỷ lệ tuyển chọn còn căng hơn hơn tuyển vào Đại học Harvard.

Thiel được coi là người suy nghĩ táo bạo (Brave Thinker) của năm 2011.

Chương trình trợ vốn của ông chỉ mới bắt đầu trong năm 2011, và cần thời gian để biết hiệu quả như thế nào. Những người phản bác ý tưởng của Thiel cho rằng giao 100.000 USD cho những  người 18 tuổi không có kinh nghiệm, không đủ trình độ học vấn,  cầm như tiêu tùng vốn liếng, có khi làm hư hỏng  chúng luôn.

Thiel trả lời: Nếu sau hai năm làm ăn thất bại, chúng cắp sách đi học lại cũng chẳng muộn. Và lúc đó chúng sẽ hiểu hơn giá trị của học vấn. Ông rất hy vọng cuối cùng chúng sẽ thành công, cách này hay cách khác, hoặc bằng kinh nghiệm xương máu của chính mình. Thương trường cũng dạy người ta những bài học đáng giá.

  • Theo Lý Lan (Tia Sáng)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70070/co-can-nhieu-tien-si-.html

“Làm mới” một bài giảng văn

Posted: 27 Apr 2012 06:16 AM PDT

(GDTĐ) – Tiếp nhận một tác phẩm văn học nếu chỉ có kiến thức thì vẫn chưa đủ, mà sự cảm thức còn đòi hỏi phải có một con đường đi phù hợp với từng văn bản, nhất là các bài thơ đã được "đóng đinh" trong lòng bạn đọc. Đây là một thử thách cho các GV bộ môn khi dạy một tác phẩm thơ, nếu không sự thành công vẫn nằm ngoài tầm tay khi đứng trên bục giảng.

1. Để đưa HS đến với bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được chọn giảng trong chương trình lớp 9, cô giáo Mai Thị Hoa – GV dạy bộ môn Ngữ văn Trường THCS Cửu Long, Q. Bình Thạnh (TP.HCM) đã quay về với đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: "Tác phẩm Lục Vân Tiên đã khép lại phần Văn học trung đại mà chúng ta đã đi qua. Hôm nay, các em sẽ bước sang phần Văn học hiện đại, trong đó có những tác phẩm ghi lại chặng đường đấu tranh đầy cam go của dân tộc, với những con người "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Họ sẵn sàng dứt áo ra đi theo tiếng gọi của non sông và đã dựng nên tượng đài bất hủ trong thơ ca về người chiến sĩ Cách mạng và đẹp nhất là tình đồng chí keo sơn gắn bó, sát cánh bên nhau trong bài Đồng chí của Chính Hữu". Lời giới thiệu như một chiếc cầu nối giữa thời kỳ văn học trung đại với hiện đại để giúp người học có nhận thức và cái nhìn đúng đắn giữa quá khứ và hiện tại.

Ở phần phân tích văn bản, GV đã giúp người học định hình lại những kiến thức trong SGK bằng những ý chính do các em tổng hợp. Đây cũng là cách làm của GV bộ môn trong xu hướng đổi mới phương pháp giảng dạy, thay vì phải đọc – chép cho cả lớp như trước đây. Tuy nhiên, trong cái tổng thể vẫn có những nét riêng cho mỗi thi phẩm, khi cô giáo yêu cầu cách đọc diễn cảm bài thơ về tình đồng đội. Điều này cũng thể hiện rõ hơn, khi chúng tôi xem lại hướng dẫn cách đọc cho HS trong giáo án của GV: "Cách đọc chậm rãi, rõ ràng diễn đạt để diễn tả tình cảm ấm áp của đồng đội". Cẩn thận hơn cô Hoa còn lưu ý: "HS đọc chậm hơn và cao hơn trong 3 dòng thơ cuối để khắc họa biểu tượng đẹp về người lính cách mạng". Như vậy theo giáo học pháp, đọc hiểu văn bản cũng là con đường đầu tiên để tiếp nhận tác phẩm.

Nếu theo phương pháp cũ, GV có thể trình bày chi tiết cách phân đoạn của văn bản như trong giáo án đã chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên để phát huy tính tính cực của HS, giúp cho các em có dịp động não, GV đã đưa ra câu hỏi yêu cầu các nhóm chia đoạn bài thơ dựa vào những mạch cảm xúc chính, đó là sự "đơm hoa kết trái" tình cảm ngoài mặt trận của những người nông dân mặc áo lính thời kỳ sau 1945. Nếu trong 3 dòng cuối là biểu tượng của tình đồng chí thì ở phần trọng tâm là những xúc cảm chân thành, thể hiện đậm nét tình đồng đội giữa gian nguy. Ngoài những câu hỏi đơn giản dành cho đối tượng trung bình trở xuống : "Em hiểu gì về hai chữ đồng chí?" vì đã có chú thích trong SGK, GV còn đưa ra những yêu cầu cao hơn, khi đặt ra một số câu hỏi cho HS khá giỏi như: "Em hãy cho biết phương thức biểu đạt của bài thơ?" Tuy nhiên, để mở rộng kiến thức và không gian bài thơ cô Mai Thị Hoa đã có thêm những chú thích rõ ràng hơn cho các em hiểu về khái niệm cũng như sắc thái biểu cảm của một từ Hán – Việt: "Đồng chí là những người cùng chung chí hướng, lí tưởng và đây là cách xưng hô của những người trong cùng một đoàn thể cách mạng. Đó là tình cảm mới, quan hệ mới giữa người với người trong kháng chiến,tình cảm gắn bó sẻ chia được gửi vào hai tiếng 'Đồng chí' thân thương".

2. Để giúp các em đi vào bài học một cách tự nhiên, GV còn đặt ra câu hỏi có tính chất tu từ mà không cần các em phải trả lời: "Trong kháng chiến, tình cảm đó được hình thành như thế nào? Chúng ta cùng theo dõi đoạn thơ đầu để hiểu sâu hơn tình cảm đó". Đây chính là lời trò chuyện của hai người bạn thân cùng một chiến hào trong thời máu lửa chung cảnh ngộ, cùng giai cấp đã xây nên nền tảng vững chắc cho cơ sở tình cảm cao đẹp và rất đáng trân trọng. Thành ngữ: "Nước mặn đồng chua", cụm từ: "Đất cày lên sỏi đá" đi vào lời thơ đã tạo nên sức mạnh về sự gợi tả cảnh ngộ tương đồng của người chiến sĩ. Các từ ngữ khác như: xa lạ, quen nhau, súng bên súng, đầu gối bên bên đầu.. được GV gạch chân giúp HS hiểu sâu hơn giá trị của nghệ thuật khắc họa hình ảnh qua từ ngữ. Cùng với cặp từ: anh- tôi, đôi người, hình ảnh súng – đầu càng tô đậm sự tri kỷ của 2 con người từ các miền quê khác nhau nhưng cùng một chiến tuyến. Đó chính là điểm gặp gỡ của lòng yêu nước và sự hội tụ lý tưởng người anh hùng. Xúc động hơn là hình ảnh thể hiện rất đậm đặc sự sẻ chia trong gian khó: "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ". Không chỉ xoáy sâu vào giá trị nội dung, GV còn dẫn đường cho các em đi tìm giá trị nghệ thuật bài thơ qua các biện pháp tu từ như: nhân hóa, hoán dụ (giếng nước gốc đa nhớ người trai làng) câu đặc biệt (đồng chí!).

Phân tích thơ cũng phải có điểm dừng nhất là khi người cảm thụ gặp được ánh sáng phát ra từ một vài câu là "điểm nhãn" của cả bài thơ. Đối với bài này cũng vậy. Bằng biện pháp nghệ thuật đặc tả, câu: "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay" đã trở thành một câu thơ hay, đầy ấn tượng, vừa gợi hình lại vừa gợi cảm. Câu thơ như có sức mạnh về sự hòa quyện của hai con người, hai con tim làm ấm áp thêm tình yêu giai cấp, tình cảm cách mạng. Chính đó là "động lực" đẩy tình cảm lên cao trào ở những dòng thơ cuối. Sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực (súng) và chất lãng mạn (trăng) đã tôn thêm vẻ đẹp bình dị nhưng cao cả của hình tượng người chiến sĩ. Có thể nói đây là giây phút thăng hoa kì diệu của tâm hồn nhà thơ làm cho bài thơ cất cánh bay cao và hình tượng người lính chống Pháp, anh bộ đội cụ Hồ sống mãi với lịch sử. Để giúp HS hiểu "sâu tận đáy lòng" vẻ đẹp và ý nghĩa sâu xa của câu thơ đầy sáng tạo: "Đầu súng trăng treo", GV phải có một bản lĩnh vững vàng về cách cảm thụ và lượng thông tin truyền đạt chuẩn mực mới chuyển tải hết được hồn của câu thơ và cả bài thơ. Làm được điều này, GV đã khẳng định những thành công của mình trong một tiết học về phân tích và cảm nhận một bài thơ về lòng yêu nước và tình đồng đội chân thành và vô cùng cảm động.

PV

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3063/201204/Lam-moi-mot-bai-giang-van-1960888/

Lớp học lạ với bàn và bảng cảm ứng

Posted: 26 Apr 2012 03:57 PM PDT


Lớp học EXO này được thiết kế để học sinh luôn nhìn thấy nội dung bài học vì những nội dung hiện trên bảng cũng sẽ hiện lên ở mỗi chiếc bàn cảm ứng của học sinh. Do đó, học sinh sẽ không phải nhìn chằm chằm lên bảng để không bỏ lỡ bài học.

Tuy nhiên, bạn cũng không phải lo bọn trẻ sẽ không chú ý tới giáo viên trong khi chúng hoàn toàn có thể lướt web hay làm việc riêng với chiếc màn hình trước mặt.

Với EXOdesk, giáo viên có thể nhìn thấy mọi thứ đang xảy ra trên "bàn" của học sinh từ "bàn" của giáo viên, đồng thời có thể kiểm soát những nội dung được phép xuất hiện trên "bàn" của học sinh.

Điều đó có nghĩa là khi giáo viên nói: "Cả lớp hãy mở trang 131", thì cô ấy cũng có thể tự mở tới trang 131 cho tất cả học sinh và đánh dấu chi tiết mà cô ấy đang xem bằng vài cái nhấp chuột.

Dưới đây là mô hình của lớp học khi được hoàn thành.

Trong lớp học EXO, mỗi chiếc bàn được nối cáp với nhau để giảm điện năng tiêu thụ.

Lớp học EXO này được thiết kế để học sinh luôn nhìn thấy nội dung bài học vì những nội dung hiện trên bảng cũng sẽ hiện lên ở mỗi chiếc bàn cảm ứng của học sinh. Do đó, học sinh sẽ không phải nhìn chằm chằm lên bảng để không bỏ lỡ bài học.

Tuy nhiên, bạn cũng không phải lo bọn trẻ sẽ không chú ý tới giáo viên trong khi chúng hoàn toàn có thể lướt web hay làm việc riêng với chiếc màn hình trước mặt.

Với EXOdesk, giáo viên có thể nhìn thấy mọi thứ đang xảy ra trên "bàn" của học sinh từ "bàn" của giáo viên, đồng thời có thể kiểm soát những nội dung được phép xuất hiện trên "bàn" của học sinh.

Điều đó có nghĩa là khi giáo viên nói: "Cả lớp hãy mở trang 131", thì cô ấy cũng có thể tự mở tới trang 131 cho tất cả học sinh và đánh dấu chi tiết mà cô ấy đang xem bằng vài cái nhấp chuột.

Giáo viên có thể kiểm soát nội dung trên "bàn" của mỗi sinh viên để đảm bảo rằng tất cả học sinh đều đang nghe giảng.

 

CEO Jean-Baptise Martinoli của EXO cũng đã tưởng tượng ra một lớp học không có EXOdesk nhưng có máy tính bảng thay thế. Máy tính bảng cũng có thể kết nối với bảng, và mỗi sinh viên có thể tham gia vào bài học trên bảng.

 

Một chiếc bảng EXO lớn chủ trì lớp học này.

 

Một SV có thể vừa dùng máy tính bảng vừa nhìn được nội dung trên bảng.

 

Chiếc bảng phong phú của lớp học EXO cung cấp tùy chọn cho một màn hình hiển thị hình ảnh khổng lồ

Mục tiêu của chương trình thử nghiệm này là khám phá mức độ mô hình hóa một khóa học cơ bản và mức độ giảng dạy bằng cách chỉ sử dụng máy tính bảng và phần mềm.

Tầm nhìn này cũng được một số "ông lớn" công nghệ quan tâm. Gần đây, Apple đã tổ chức một sự kiện hiếm hoi ở New York tập trung vào việc phát minh ra sách giáo khoa để sử dụng trên iPad của hãng này.

  • Nguyễn Thảo (Theo Huffingtonpost)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69783/lop-hoc-la-voi-ban-va-bang-cam-ung.html

Lớp học thử nghiệm toàn nam sinh

Posted: 26 Apr 2012 03:56 PM PDT

Trường phổ thông số 8 Thượng Hải vừa thành lập một lớp học thử nghiệm chỉ toàn các nam sinh và bắt đầu tuyển sinh vào ngày 18/4.

Tình trạng số lượng nữ sinh áp đảo nam sinh ở nhiều trường là do các em nữ thường đạt điểm thi tốt hơn nam, và nhiều nam sinh đang bị cho là mất đi sự nam tính của mình. Theo các phương tiện truyền thông thì điều này đang trở thành một mối lo ngại của xã hội Trung Quốc.

Lớp học chỉ có nam sinh này nhằm giúp các em nhận ra đầy đủ tiềm năng của mình – hiệu trưởng Lu Qisheng cho hay. "Một số chương trình giảng dạy sẽ được thiết kế đặc biệt dành cho học sinh nam nhằm khám phá tiềm năng của các em".

Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số người ủng hộ, số khác thì phản đối.

"Nam sinh bất lợi so với nữ sinh trong học tập. Điều đó không tốt cho tương tai của đất nước và cho sự phát triển của các em" – ông Wang Ronghua, cựu giám đốc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải nhận định. "Cuộc khủng hoảng nam giới cho thấy có những vấn đề trong hệ thống đánh giá và giáo dục – cái đang cản trở lợi thế và sự năng động của các bé trai".

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lo ngại rằng môi trường chỉ có một giới tính sẽ ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp của các bé trai với người khác giới.

Yin Zongyu – một cựu giáo viên ở một trường học nữ sinh thì cho rằng động thái này không nên được thực hiện một cách mù quáng. "Những trường học một giới tính có ưu và nhược riêng của nó. Cuộc khủng hoảng nam sinh không thể được giải quyết đơn giản bằng cách cho các em học chung với nhau".

"Địa vị xã hội và mức lương cho các giáo viên nên được cải thiện để tỷ lệ giáo viên nam tăng lên. Việc các giáo viên dạy cả 2 giới là tốt cho tính cách và nhân cách của các em".

  • Nguyễn Thảo (Theo Chinadaily)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70049/lop-hoc-thu-nghiem-toan-nam-sinh.html

Comments