Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Kỳ cuối: Nguy cơ người nhiều hơn việc

Posted: 26 Apr 2012 04:05 AM PDT

Kỳ cuối: Nguy cơ người nhiều hơn việc

TT – Bộ GD- ĐT đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo về những ngành nguy cơ người nhiều hơn việc trong tương lai. Và bộ cũng đã có giải pháp siết chỉ tiêu các trường.

Kỳ 1: Kinh tế, y – dược bùng phát

Một tiết thực hành của học sinh hệ TCCN khoa ôtô 10A Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng – Ảnh: NHƯ HÙNG

Những khuyến cáo cùng động thái siết chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách quy định quy mô đào tạo dựa trên số giảng viên, diện tích phòng… có vẻ chưa đủ tác động đến các cơ sở đào tạo. Các trường và người học dường như vẫn dửng dưng trước thông điệp này. Đa số trường ĐH buông gì thì buông, vẫn kiên quyết "giữ chặt" chỉ tiêu cho khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh.

Vẫn tăng chỉ tiêu kinh tế

Với mục tiêu kéo số sinh viên trúng tuyển vào các ngành kinh tế xuống dưới 32% so với tổng thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ, đáng lẽ chỉ tiêu các ngành kinh tế, các trường chuyên về đào tạo kinh tế cũng phải giảm dần, nhưng thực tế con số giảm này không đáng là bao, trong khi nhiều trường lại "phình" chỉ tiêu tuyển sinh một cách… ngoạn mục.

Mùa tuyển sinh năm 2012 chỉ có một số trường khối kinh tế giảm… rất nhẹ chỉ tiêu như ĐH Kinh tế quốc dân giảm từ 4.750 xuống 4.500 chỉ tiêu, Học viện Tài chính giảm từ 3.400 xuống 3.350. Trong khi đó, ĐH Thương mại rục rịch "xin" đăng ký đến 5.000 chỉ tiêu, tăng 1.300 chỉ tiêu so với năm 2011. Tuy nhiên, sau khi được bộ nhắc nhở, trường phải rút xuống còn 4.100 chỉ tiêu (vẫn cao hơn 400 chỉ tiêu so với năm trước đó). Lần nhận chỉ tiêu đầu tiên chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2011, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được bộ duyệt 3.700 chỉ tiêu. Song chưa thỏa mãn, trường này vẫn quyết tuyển vượt 32% chỉ tiêu, nâng tổng số thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ lên gần 4.200. Để đạt được mục tiêu 4.200 thí sinh gọi trúng tuyển, trường đã phải vật vã trải qua nhiều lần "xin bộ", rồi chấp nhận nộp phạt hành chính do tuyển quá chỉ tiêu. Vậy mà năm 2012 trường đĩnh đạc đăng ký luôn 5.000 chỉ tiêu không gặp trở ngại gì!

Ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính (Bộ GD-ĐT), cho rằng dù mục tiêu giảm chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành kinh tế xuống 32% rất hợp lý nhưng rất khó thực hiện. "Thống kê mới nhất mà vụ vừa cập nhật thì quy mô đào tạo hiện tại của khối ngành kinh tế đang chiếm đến 35-36% tổng quy mô đào tạo nói chung. Vụ chưa thống kê được cụ thể tỉ lệ đăng ký đào tạo chuyên ngành kinh tế – quản trị kinh doanh của tất cả các trường năm nay, nhưng chắc chắn sẽ không đạt được kế hoạch đặt ra, nghĩa là chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành này không thể kéo ngay xuống con số 32%" – ông Áng nói.

Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT

Động thái siết chỉ tiêu từ bộ chắc chắn sẽ có tác động đến việc điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành đào tạo trong từng trường hợp. Tuy nhiên đó chưa chắc là sự điều chỉnh theo hướng tích cực.

Một hiệu trưởng phân tích: "Cách phân bổ chỉ tiêu theo số lượng giảng viên hiện nay cũng còn kẽ hở. Cách tính theo kiểu cào bằng giữa các ngành là chưa hợp lý. Ví dụ: chỉ tiêu được tính theo tổng số giảng viên chứ không thể tính cụ thể từng ngành nào bao nhiêu giảng viên, quy ra bao nhiêu chỉ tiêu. Đây là chỗ để các trường "lách". Việc bộ cắt chỉ tiêu có thể gây biến động trong đào tạo ở các trường theo kiểu các trường sẽ đóng cửa hẳn những ngành khó tuyển để dồn sang các ngành dễ tuyển (như kinh tế). Chỉ tiêu ngành kinh tế vì thế vẫn cao ngất và sẽ có thêm những ngành trong danh sách khó tuyển bị triệt tiêu".

Theo TS Vũ Viết Khuyến – nguyên phó vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), nếu chỉ có cảnh báo suông của bộ, rất khó thay đổi tình trạng quy mô đào tạo lệch hẳn sang các ngành kinh tế như hiện nay. "Phải có cơ quan dự báo phát triển kinh tế – xã hội, cơ quan dự báo phát triển nhân lực để cả cơ sở đào tạo và người có nhu cầu được đào tạo đối chiếu, xem xét cho lựa chọn của mình. Các trường cũng phải dành ưu tiên cho việc điều tra sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm không và làm gì để tự điều chỉnh".

Theo các chuyên gia giáo dục, cảnh báo sớm mà không kèm những yêu cầu ràng buộc trong đào tạo, trong đáp ứng nhu cầu việc làm nên việc đăng ký chỉ tiêu và đăng ký mở ngành của các cơ sở đào tạo vẫn khá "vô tư".

Hiệu trưởng một trường CĐ kinh tế – kỹ thuật bày tỏ: "Ngành kinh tế vẫn cứ là ngành dễ xin mở mã ngành nhất. Nói thật, việc xin mở mã ngành, chứng minh điều kiện đội ngũ giảng viên hiện nay là lừa nhau cả. Không lừa, không xin mở ngành được. Trên giấy tờ ai cũng có đội ngũ cán bộ giảng dạy hùng hậu nhưng phần lớn trường chia sẻ với nhau, một giảng viên đứng tên giảng dạy ở nhiều trường".

Theo TS Lê Viết Khuyến, hiện nay không có trường ĐH ngoài công lập nào không đào tạo các ngành kinh tế – quản lý. Nhưng không vì thế mà có thể đổ lỗi sự mất cân đối ngành nghề đào tạo cho các trường ĐH.

"Suốt một thời gian dài, bộ là nơi duyệt chỉ tiêu theo cơ chế "xin – cho". Nếu thấy được sự mất cân đối, không ai có thể thực hiện việc điều chỉnh quy mô đào tạo cho hợp lý ngoài bộ cả. Trách nhiệm này bộ không thể "đá bóng" cho ai được" – ông Khuyến phân tích.

NGỌC HÀ – PHÚC ĐIỀN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/488764/Ky-cuoi-Nguy-co-nguoi-nhieu-hon-viec.html

Chỉ cần có mẹ

Posted: 26 Apr 2012 04:05 AM PDT

Chỉ cần có mẹ

TTO - Ném cái cặp lên giường, úp mặt vào tường, tôi vờ mệt. Có tiếng gọi:

- Xuống bắc nồi canh lên bé à!

- Con mệt lắm! - tôi hờ hững đáp rồi lặng thinh. Cả buổi học tôi không tài nào tập trung được. Ôi, giận mẹ lắm!

Bao nhiêu lần mẹ hứa rồi lại thất hứa. Nào là mua cái máy vi tính cũ cho chị em tôi, cái áo mới, giờ lại thêm chiếc xe đạp điện mẹ cũng phủi xui hết. Hôm rồi mẹ gọi tôi lại, giảng giải:

- Đối với mẹ thì bảy tám triệu không thành vấn đề nhưng cứ vài tháng là thay cái bình, tiền đâu chịu nổi, thôi ráng đi xe đạp đi!

- Mẹ hứa rồi mà, đường xa mà dốc nữa, thôi để con đi xe buýt cũng được – tôi ráng nài nỉ.

Mẹ quát:

- Cứ đạp đi, bữa nào gần chết thì tao chở, tiền đâu mà đi xe buýt?

Tôi lủi thủi quay đi, lúc mẹ đi chở cám cho gà, đóng cửa phòng lại, ngồi một mình trước gương, thấy nước mắt mình cứ chảy, nóng ran, mặn chát.

Mẹ tôi là người nói một chứ không nói hai, nhất là việc dạy con thì mẹ luôn nhắc: ”Con trâu mà mẹ bảo con bò thì cũng phải nghe”. Biết tính mẹ nên tôi chưa bao giờ dám trả treo vì sợ bị đòn. Mẹ tôi mà đánh thì có trời cũng không cản nổi.

Tôi không được đầy đủ như nhiều đứa trẻ khác. Năm tuổi, tôi đã sống với bà ngoại. Cuộc sống khốn khó, bà cháu nuôi nhau bằng nồi tóp mỡ kho, xoong đu đủ xào nêm lá gừng trở thành nỗi ám ảnh chị em tôi mỗi khi đi học về. Dăm ba tháng mẹ mới về mua cho hai đứa hủ sữa lạt là cùng, rồi mẹ lại đi.

Ngày bé tôi thường bị chê bai, trêu chọc vì thấy ai ăn gì cũng xin. Những lúc đấy tôi thường trách móc mẹ.Giá như mẹ ở nhà chăm sóc, cho tôi ăn, tôi mặc đầy đủ thì đâu đến mức tôi thèm lạt rồi ngửa tay xin người ta.

Là hai mẹ con nhưng mẹ con tôi khác xa người ta lắm. Có lẽ vì xa mẹ từ nhỏ nên chẳng bao giờ có cảnh mẹ con âu yếm, cưng nựng. Cũng chẳng bao giờ mẹ dùng con búp bê hay chiếc xe đạp làm động lực khuyến khích tôi cố gắng học hành – cái cách mà nhiều bậc cha mẹ vẫn hay dùng. Ngược lại, mẹ nói:

- Khôn thì ráng học kiếm cái chữ mà nhờ, không thì tao sắm cho cái rựa đi chặt mía cho biết khổ với thiên hạ.

Tôi cười trừ.

Mẹ ghét nhất là tặng hoa vì cho đó là cái phí tiền nhất trong những cái phí tiền, có lẽ vì mẹ ít học nhưng đúng hơn là do hoàn cảnh. Kiếm được đồng tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ có phải ngồi mát mà có dư, phú quý sinh lễ nghĩa chứ bần cùng chưa sinh ra đạo tặc là may.

Mẹ xem đồng tiền quý lắm. Chi tiêu dè dặt, mỗi sáng mẹ phát hai chị em đứa 3.000 đồng đủ ăn tô bánh canh là được. Ăn vặt là chùm chim chim, dúi dẻ tiện đường làm về mẹ hái bỏ đầy trong cái nón, chị em chia nhau ăn, chứ đừng trông ngóng vào cái giỏ mẹ đi chợ về như những cô cậu khác. Lâu lâu nghe tivi báo một vài vụ nhiễm độc sữa là mẹ khoái: “Cứ như hai đứa nhà này thì khỏi lo mấy chuyện đấy”.

Là con gái nhà quê, không những không rụt rè mang phong vị lúa má ruộng đồng mà ngược lại mẹ tôi luôn tự tin trong mọi việc. Nhà cửa, rẫy rừng, con cái mẹ quán xuyến cả. Không thua kém một người đàn ông nào. Mẹ thường quả quyết: “Không có tao thì cha con mày chỉ có nước ra chợ xin ăn”.

***

Tôi luôn nghĩ mẹ sống thực tế, cho đến một ngày… Lần đấy, bị mẹ la tôi chạy về nhà ngoại tìm chút bình an như những ngày còn bé. Bà kể, lúc có bầu tôi, mẹ bị đau răng nên ngày nào cũng phải uống thuốc, có lẽ vì vậy mà tôi ốm yếu, xanh xao. Sự nông nổi, vụng dại của tuổi trẻ khiến ba tôi sa vào những thú khoái lạc đời thường, khiến cả con bò cái làm của hồi môn của mẹ cũng ra đi theo những canh bạc.

Mùng 1 tết mà mẹ phải cầm rổ ra bờ rào mót bồ ngót vào thả vào nồi nước sôi húp tạm. Ngày sanh tôi ra trong bọc nên khó nuôi, lúc nào cũng khóc thâu đêm suốt sáng tới nghẹt thở, ba tôi lo nhà cửa có làm sao nên cứ chuyển đi chuyển lại, chạy hết thầy thuốc tới thầy cúng, thuốc tây không khỏi chuyển sang thuốc nam. Hết đường, ba tôi tìm bùa về đốt uống, mẹ nằng nặc không cho, đem vứt cả. Tôi nghe ngoại nói mà rớt nước mắt. Thảo nào mẹ thường bảo: “Nuôi mày chứ nuôi heo thì tao lỗ lâu rồi”.

Rồi đến một hôm, cầm trên tay tờ giấy kết quả siêu âm mẹ bị u nang buồng trứng, tôi bàng hoàng không tin vào mắt mình. Tôi sợ thần chết sẽ cướp mất mẹ tôi. Từng đêm bên những cơn đau của mẹ là từng phút giây tôi ân hận khôn cùng.

Tôi không mê chơi, không buồn vẩn vơ hay giận mẹ vì bị mắng là mặt dày, con gái hư, lười biếng nữa. Vì còn được nghe mẹ mắng là điều hạnh phúc với tôi, tôi thấy sung sướng khi còn có mẹ, hãnh diện vì được mẹ quản thúc, chăm lo. Ngày rảnh, chị em tôi chia nhau công việc nhà, dành dụm mua cho mẹ bì bún. Trông mẹ về hai ba lớp áo ướt đẫm mồ hôi, tay bị lông mía cắt đỏ tấy, bắp chân nhúng sình cả ngày, tôi thấy thương mẹ lắm. Mẹ húp tô nước lèo, vơ vào vài cọng bún rồi nhường cho chị em tôi miếng chả cá ngọt. Tôi chỉ cần có vậy mà thôi. Chỉ cần có mẹ là đủ.

PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/486949/Chi-can-co-me.html

Sinh viên mỏi mòn chờ hoàn trả học phí

Posted: 26 Apr 2012 04:04 AM PDT

Sinh viên mỏi mòn chờ hoàn trả học phí

TT – Nhiều sinh viên quê ở tỉnh Long An phản ảnh đến nay vẫn chưa nhận được tiền học phí năm 2011 được miễn giảm theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể là tại điều 5, nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định học sinh, sinh viên các chuyên ngành: nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại được giảm 70% học phí.

Bạn L.K.T. (sinh viên khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn trả học phí được miễn giảm từ hồi học kỳ 1 năm học 2011-2012. Chính phủ quy định phải hoàn trả cho sinh viên 15 ngày sau khi nhận được hồ sơ, nhưng mấy tháng rồi L.K.T. cũng chưa nhận được và đang nợ học phí học kỳ 2.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cán bộ Phòng dạy nghề thuộc Sở Lao động – thương binh xã hội tỉnh Long An cho biết kinh phí hoàn trả học phí cho sinh viên, học sinh đã được trung ương phân bổ về Sở Tài chính. Hiện các huyện đang chờ Sở Tài chính chuyển tiền xuống để tiến hành chi trả cho sinh viên, học sinh.

THÚY HẰNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/488947/Sinh-vien-moi-mon-cho-hoan-tra-hoc-phi.html

Thầy giáo U60 cực ‘xì tin’

Posted: 26 Apr 2012 04:04 AM PDT

- Không bao giờ ngủ trước 2h sáng nhưng luôn đến lớp đúng giờ. Ngày nào cũng
vậy, ngoài những tiết học ở trường, thầy Hoàng Song Hào (Trưởng khoa Thiết kế Mỹ
thuật – ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội) đều "trực" Facebook từ đêm tới tờ mờ sáng vừa vẽ
thiết kế cho các nhà hát vừa giải quyết mọi thắc mắc cho sinh viên xung quanh
bài học. Với người thầy U60 này, Facebook là "cẩm nang giáo án", phương tiện
truyền đạt kiến thức và quản lý học trò hữu hiệu.

Chân dung thầy giáo 5x "mê" dạy học qua facebook.

"Mê" công nghệ

Nhiều người thế hệ 5x như thầy Song Hào thường ngại tiếp xúc với công nghệ,
hay các thiết bị máy móc hiện đại, phức tạp nhưng thầy thì ngược lại. Kỹ thuật
càng tân tiến thầy càng "mê"….

Theo thầy Hào, lúc mới bắt đầu biết đến vi tính, mọi cái đều rối tinh rối mù,
phải nhờ người chỉ giúp. Càng mò mẫm, thầy càng thấy máy tính rất hay.

"Vẽ bằng máy tính không chỉ nhanh, tiện, tôi còn nuôi cả nhà bằng
nghề thiết kế sân khấu. Sau đó, tôi quyết định cho con trai đi học IT rồi về dạy
mình. Muốn làm sân khấu, phải học công nghệ trước vì kỹ thuật là nền tảng tốt của
nghệ thuật."
– Thầy chia sẻ.

“Nắm tâm tư” qua mạng xã hội

Luôn trăn trở tìm “đường” truyền lửa đam mê cho các thế hệ học trò, thầy Song
Hào có nhiều cách dạy và quản học sinh rất lạ và độc. Thầy tham gia Facebook từ
khi nó là khái niệm xa lạ với rất nhiều người và xem đây là phương tiện truyền
đạt kiến thức, quản lý học trò.

Đêm nào cũng như đêm nào – thầy lướt Facebook từ 19h tối tới 3h sáng. Việc
lướt web ngoài trao đổi những thắc mắc của sinh viên về bài giảng – thầy tìm ra
các "tụ điểm" tập trung, hội họp, bàn bạc kế hoạch xao nhãng học hành của sinh
viên để "dẹp loạn". Đặc biệt, những lúc gần mùa thi, mạng xã hội là nơi các
"băng đảng" chuẩn bị "phao", bài kiểm tra tập thể, nhờ "thầy Google" làm bài đối
phó…. Mọi "đường đi, nước bước" tinh quái của học trò thầy Hào đều nắm rõ và
ngăn chặn, khuyên bảo giải tán kịp thời.

Facebook: Cẩm nang giáo án

Facebook cũng là cuốn "cẩm nang giáo án" của thầy giáo U60, mọi thông tin về
bài giảng như: tiểu luận mẫu, kịch bản sân khấu, maket (bản thiết kế) sân khấu,
những buổi triển lãm hay, các công trình nghệ thuật tiêu biểu…. cho đến quy chế,
lịch thi, danh sách sinh viên học lại, thi lại, hồ sơ sinh viên các khóa, và họp
giao ban khoa đều hoạt động hết trên đó.

Tấm hình cờ thêu sai thầy Song Hào sưu tầm cho sinh viên học cách nhìn nhận,
quan sát thực tế từ những điều nhỏ nhất.

Ngoài những kiến thức cần thiết, thầy Hào còn trang bị cho sinh viên những
bài học cuộc sống ý nghĩa. Có khi thì thầy in lại một bài báo hay, lúc thì đưa
những bức ảnh khôi hài, tếu táo để giáo dục ý thức, cách nhìn nhận cuộc sống cho
sinh viên.

Gần đây nhất, khi qua phòng ban giám hiệu trường, thấy trong phòng treo chiếc cờ thêu
với dòng chữ khen thưởng đơn vị dẫn đầu trong "phong tráo thi đua" năm 2011 của
Bộ Văn hóa. Ngay lập tức, thầy chụp lại, đăng lên Facebook cho sinh viên xem để
thấy được lỗi sai cơ bản trên chiếc cờ thêu bằng tay mà cả người thêu, người
trao, người nhận không hề phát hiện ra, điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại biến
một phần thưởng danh giá thành chuyện hài hước để bàn luận. Môi trường đào tạo
không thể chấp nhận những sai sót về văn hóa…

“Mỹ thuật cũng vậy, rất cần quan sát, sự tinh tế và quan trọng nhất là tính
chính xác trong từng chi tiết” – thầy Hào căn dặn sinh viên.

Không gây khó cho sinh viên

Theo thầy, sinh viên thời nay thông minh, năng động, cá tính hơn nên phải
biết cách và đồng hành cùng họ thì mình nói trò mới nghe. Một đồng nghiệp cùng
phòng và là cấp dưới đánh giá: “Hầu hết sinh viên của trường, của khoa khi
nhắc tới tên thầy Song Hào vừa quý, vừa sợ bởi đó là cách quản lý "quỷ sứ" của
thầy.

“Cách để sinh viên dốc bầu tâm sự là phải làm bạn với sinh viên để lắng
nghe, thấu hiểu và dìu dắt chúng. Nhưng khi cần vẫn phải kiên quyết, nghiêm
nghị, thậm chí khắt khe với tư cách một người thầy, người cha”
– lời thầy
Hào.

Rồi thầy kể: "Có rất nhiều sinh viên không nộp học phí do tiêu hết tiền hoặc
hoàn cảnh khó khăn. Đến gần ngày thi, phòng tài vụ gửi danh sách xuống nếu không
nộp thì không được thi. Tôi lại gọi hết chúng ra rồi đưa mỗi đứa 2 triệu lên
đóng. Hoặc học trò ốm đi viện, cấp cứu nhưng không có tiền tôi toàn phải lo cho.
Tôi không bao giờ gây khó dễ cho sinh viên, nhưng nếu học hành không đến nơi đến
chốn tôi sẵn sàng cho trượt tốt nghiệp, không nương tay. Vừa rồi tôi mới quyết
định cho 10 sinh viên dừng tốt nghiệp vì bài vở nhố nhăng, học nhưng không biết
mình đang học cái gì…"

Thầy cho rằng, cuộc sống thật rất giả, cuộc sống ảo lại rất thật. Những chia
sẻ, tâm sự của sinh viên trên trang cá nhân tưởng chừng là ảo nhưng lại xuất
phát từ chính suy nghĩ thực của chúng. Thầy luôn lưu ý để điều chỉnh, và giúp đỡ
tận tình nếu em đó gặp khó khăn, rắc rối mà chưa giải quyết được.

“Bắt” được điểm yếu của sinh viên

"Tôi thích cách giáo dục ở phương Tây, muốn tự do phải tự giác" – thầy giáo thế hệ 5X bày tỏ.

Nhận xét về phương pháp giáo dục con phổ biến ở các gia đình Việt Nam, thầy
cho biết, nhiều em 12 năm ở nhà bị quản thúc chặt chẽ. Bố mẹ không chịu học mà
cứ ép con học, không học được thì mắng: "Sao mày ngu thế?“. Cuộc sống của chúng
bị kìm nén như một chiếc lò xo, càng ép thật chặt khi thả ra càng bật mạnh khỏi
quỹ đạo vốn có.

Vì thế, lên ĐH, sinh viên mới đua nhau chơi thả ga, lười học, và rất thiếu tinh
thần tự giác.

Một điểm yếu nữa là học sinh hiện nay phần lớn đều chẳng hiểu gì về đất nước,
về dân tộc, văn hóa. Giới trẻ hầu hết thích "vọng Tây" trong khi nền tảng xã hội
chính là nguồn cội của mình thì không rõ. Có những cuốn rất đáng để đọc như "Mẫu
Thượng Ngàn" và "Đội gạo lên chùa" của Nguyễn Xuân Khánh nhưng có mấy người trẻ
đã từng đọc nó?

"Tôi yêu cái đẹp và muốn sinh viên mình đẹp"


 

Thẻ sinh viên độc đáo do chính tay thầy Song Hào thiết kế.

Không chỉ cởi mở, hòa đồng, thầy trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật (ĐH Sân khấu
Điện ảnh Hà Nội) còn rất tâm lý với sinh viên.

Để có được những tấm thẻ đẹp mắt,
ấn tượng thầy Hào đã phải bỏ tiền đầu tư một chiếc máy in lazer của Mỹ và tỉ mỉ
thiết kế thẻ sinh viên cho học trò.

Nếu một số em làm mất, hỏng thẻ chỉ cần báo
qua mạng là thầy in ngay, miễn phí cả vỏ bao, dây đeo chứ không phải mòn mỏi chờ
đợi, xin xỏ hết thầy này, cô kia mới được cấp lại.

Thầy chia sẻ: "Tôi yêu cái
đẹp và muốn sinh viên của mình đẹp. Làm thẻ phải đẹp sinh viên mới đeo, mà chụp
ảnh không nhất thiết phải đứng nghiêm như chào cờ mà thoải mái tạo dáng, điệu đà
một chút mới hay, giới trẻ mới thích, chỉ cần không quá lố lăng là được".

Càng "hâm dở" càng làm nghệ thuật hay

"Rất nhiều sinh viên ngành Mỹ thuật khi chân ướt chân ráo vào trường thì ham
học, nhưng đến năm thứ 2, biết vẽ một chút đã tung tẩy đi làm ăn, vẽ thuê kiếm
tiền, khi bắt đầu học đến tư duy, triết học thì bỏ bê, đến năm cuối cuống cuồng
tốt nghiệp nên kém, trình độ năm thứ 2 thì sao mà khá được." – Thầy Song Hào tâm
sự.

Bởi thế, thầy khuyến khích sinh viên không tụ tập, cái nghề này càng tách
riêng ra càng hay, “hâm dở” càng tốt.

Theo thầy, nghệ thuật là tư duy vào trong,
nghĩa là người ta khóc thì mình cười, người ta cười mình lại khóc, phải khác
biệt, phải làm chủ được tình cảm của mình.

Bên cạnh sự cá tính, muốn làm nghệ thuật phải học văn hóa (cách ăn mặc, đi
đứng, ứng xử…), phải trải nghiệm cuộc sống. Có nhiều em về nhà không chịu làm gì
giúp đỡ bố mẹ vì sợ hỏng tay vàng búp ngọc. Nhưng thầy Hào cho rằng đó là phi
nghệ thuật, càng chăm chỉ rửa bát quét nhà hay đánh dậm mò cua bắt ốc càng vẽ
đẹp.

Thêm vào đó, phải "biết tuốt" nhờ quan sát thực tế, từ con kiến có mấy lông
chân, con voi nặng bao nhiêu ký để vẽ, vẽ là đưa những cái cụ thể trong thực tế
qua lăng kính của mình vào tác phẩm. Suy cho cùng, làm nghệ thuật đầu tiên phải
học và biết thưởng thức nghệ thuật.

Dạy con phải học cách xin phép con

Mấy chục năm đứng trên bục giảng, rèn "bút nghiên" cho biết bao thế hệ học
trò nhưng với thầy Hào, những kinh nghiệm đó chưa bao giờ là đủ trong việc dạy
con.

Cũng như cách quản lý sinh viên của mình, thầy luôn thoải mái trong khuôn
khổ với các con. Con thích học gì, thích chơi gì, đam mê môn nghệ thuật nào đều
được thầy ủng hộ.

Đối với đời sống riêng tư của con, thầy luôn tôn trọng một cách tuyệt đối.
Khi chúng đã đủ lớn để sống tự lập, trong môi trường riêng thì người cha, người
mẹ không nhất thiết phải xen vào. Trước khi bước vào phòng con, thầy luôn phải
xin phép. Đó là nguyên tắc và cũng chính là cách dạy con cách cư xử hợp lý trong
cuộc sống qua tấm gương của cha mẹ.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69866/thay-giao-u60-cuc--xi-tin-.html

Bệnh vô tâm của “gà công nghiệp”

Posted: 26 Apr 2012 04:04 AM PDT

Hai ví dụ buồn

Đã nhiều lần, chị Bắc hàng xóm than phiền con chị ích kỷ, sống chỉ biết mình. Qua những chuyện chị Bắc kể về hai đứa con của mình, có thể nhận thấy các cháu có lối sống hưởng thụ, hay đòi bố mẹ tiền để mua những thứ chúng thích. Trước đây, chị thường chuẩn bị đồ ăn sáng cho con ở nhà nhưng các cháu cứ đòi mẹ cho tiền để ăn tại trường với lý do "bạn con đứa nào cũng ăn sáng ở lớp". Mặc dù chị rất sợ ăn ở ngoài không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ và học tập của con nhưng chị đành bó tay khi con "biểu tình" không ăn sáng ở nhà do chị nấu. Thấy vậy, chị đành chiều lòng con, cho tiền để các cháu ăn sáng ở trường.

Cũng như chị Bắc, chị Loan cũng thường than phiền về hai "con gà công nghiệp" của chị. Theo chị thì các cháu chẳng biết làm gì, chẳng quan tâm đến ai, "đi học về chỉ cắm đầu vào mấy cuốn Đôrêmon, máy tính" chờ bố mẹ "hầu". Thậm chí, ngày sinh nhật của ba mẹ các cháu cũng không nhớ!

Có lẽ, trường hợp của chị Bắc, chị Loan không phải là những trường hợp cá biệt trong xã hội hiện đại.

Con hư tại cha mẹ?

Các nhà xã hội học cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ vô tâm, ích kỷ như môi trường xã hội, áp lực học tập, quá được nuông chiều, cha mẹ bận rộn không có thời gian uốn nắn…

Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy, cái "gốc" của hiện tượng trẻ thiếu quan tâm đến mọi người xung quanh nằm ngay ở trong gia đình. Dấu hiệu để nhận thấy đầu tiên là cha mẹ quá nuông chiều, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ về mặt vật chất cho con nên trong các cháu xuất hiện tư tưởng thoải mái hưởng thụ. Và mặc nhiên, các cháu không cần quan tâm, suy nghĩ đến người khác. Chính vì vậy, con trẻ ngày càng mất dần tính chủ động, lười lao động, vụng về làm "hư bột, hư đường" mỗi khi phải đụng tay vào việc gì. Bên cạnh đó, việc cha mẹ bận bịu với công việc nên thiếu quan tâm, uốn nắn con mình hướng về người khác cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Không ít bậc cha mẹ phó mặc hết việc dạy dỗ con cho nhà trường hoặc cho rằng cứ mặc kệ, lớn lên tự con mình sẽ hiểu.

Tiên học lễ…

Các nhà tâm lý học, xã hội học khuyên rằng: không nên nuông chiều con quá mà phải hướng các cháu làm quen với công việc để hình thành các kỹ năng lao động, kỹ năng xử lý công việc cũng như kỹ năng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuy vẫn phải ưu tiên dành thời gian cho các cháu học tập nhưng không có nghĩa là cha mẹ làm mọi việc cho con, mà phải tập cho các cháu thói quen làm việc. Có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, những kỹ năng đơn giản tiến tới hình thành tính tự lập cho con. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm giáo dục, định hướng cho con về ý nghĩa của việc quan tâm đến người xung quanh, đặc biệt là người thân, giúp các cháu hiểu làm được điều đó không những đem lại niềm vui cho người thân mà còn cho chính bản thân. Đồng thời, cha mẹ luôn giáo dục, nhắc nhở các cháu hướng về nguồn cội, người thân nhằm giúp các cháu ngày càng sâu sắc hơn trong suy nghĩ và hành động.

Tóm lại, trong xã hội hiện đại, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, của quá trình giao lưu, hội nhập, của sự giao thoa giữa các nền văn hoá và khi người lớn luôn tất bật với chuyện cơm áo gạo tiền, chỉ chú tâm xây dựng, đầu tư vào việc học hành cho con mà ít quan tâm, giáo dục các cháu chữ "lễ" thì việc một bộ phận giới trẻ có biểu hiện sống ích kỷ, thiếu quan tâm đến người khác là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm, giáo dục, xây dựng cho con mình các kỹ năng sống một cách sâu sắc, biết quan tâm đến mọi người trong cả suy nghĩ và hành động.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-589702/benh-vo-tam-cua-ga-cong-nghiep.htm

Lời tri ân những người cha của con!

Posted: 26 Apr 2012 04:03 AM PDT

Lời tri ân những người cha của con!

TTO – Có những điều bình dị ngay bên cạnh mình mỗi ngày mà phải trải qua thời gian ta mới cảm nhận được rằng đó là điều lớn lao. Cuộc sống cho tôi nhiều nước mắt, nỗi đau nhưng cũng đã cho tôi cảm nhận được ý nghĩa của những điều lớn lao ấy.

Sau bao dông bão của cuộc đời, bằng nước mắt và nụ cười, tôi muốn dành những nét bút này để viết về những người cha – những tấm lòng bao dung vĩ đại, những người tôi vô cùng yêu quý và kính trọng suốt cuộc đời.

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây nguyên hùng vĩ, nơi có dòng sông Sêrêpốk hiền hòa ngày đêm uốn lượn, nơi có những đồi chè, cà phê, cao su thẳng tắp dọc chân trời. Nơi có những hàng hoa cúc quỳ khoe sắc tỏa hương vàng rực đón ánh nắng mặt trời, nơi có những cánh rừng thông bạt ngàn reo vi vu trong gió, có những điệu xoang Tây nguyên làm náo nức lòng người, nơi có những chàng trai Êđê, cô gái M'Nông hiền lành, chất phác với điệu hát ru êm đềm của những người mẹ Tây nguyên…

Tuổi thơ của tôi lớn lên êm đềm như thế trong tình cảm yêu thương, đùm bọc của gia đình. Nhưng cuộc đời của mỗi con người mấy ai biết được đoạn trường với những chữ "ngờ" oan nghiệt. Và dông bão đã đi qua cuộc đời khi tôi mới chỉ còn là một cô bé.

Lên 8 tuổi, tôi đã không được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ, dù tôi biết rằng đó là khoảng thời gian tuổi thơ cần nhất một sự quan tâm và che chở. Mẹ tôi không may lâm bệnh hiểm nghèo, một mình cha tôi lặn lội, chắt chiu, vừa lo lắng, chăm sóc chị em tôi học hành, vừa chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ ở bệnh viện. Những ngày tháng mẹ đau bệnh là những tháng ngày cha tôi vất vả, nhọc nhằn. Một mình cha tôi cáng đáng mọi công việc, bờ vai gầy hằn sâu những khó nhọc của cuộc sống đời thường…

Rồi năm tháng vẫn cứ thế qua đi, sự nỗ lực của cha tôi cũng đã được bù đắp, sau cuộc sống thực vật gần tám năm ở bệnh viện, mẹ tôi đã khỏe bệnh và trở về với gia đình. Niềm vui ánh lên trong đôi mắt thẳm sâu của cha sau gần tám năm dài mẹ tôi nằm bất động. Còn tôi, vượt lên trên những khó khăn và vất vả, vươn lên bằng chính tình cảm gia đình, người con gái Tây nguyên đã trở thành người sĩ quan công an nhân dân và đứa con gái đầu lòng đã trở thành niềm tự hào của cha mẹ.

Nhưng vẫn là số phận của cuộc đời, những tưởng rằng kể từ đây gia đình tôi sẽ được sum vầy đầm ấm, chị em tôi sẽ được bù đắp những thiếu thốn tình cảm cha mẹ sau chừng ấy tháng năm xa cách, nhọc nhằn… Nhưng phải đâu ước muốn nào cũng được, nỗi đau đã ập đến với cha mẹ và gia đình tôi khi em trai út của tôi không may bị tai nạn và mất đi lúc em vừa tròn 16 tuổi.

Quá bất ngờ và đau đớn, không lâu sau đó mẹ tôi cũng đột ngột qua đời, và rồi càng đau đớn hơn, cũng chỉ ba ngày sau khi mẹ tôi mất cha tôi cũng trút hơi thở cuối cùng rời bỏ chị em tôi… Không thể kể xiết nỗi đau chất chứa ở trong lòng khi chỉ trong một thời gian quá ngắn mà tôi đã mất cả gia đình.

Giờ đây cũng đã gần một năm trôi qua, tôi không còn được gọi tên em tôi, không còn được gọi cha mẹ tôi bằng những lời thiêng liêng, yêu quý nữa… nhưng suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên hình bóng của cha tôi - người cha tuyệt vời với gia đình tôi, một người cán bộ lãnh đạo được nhân dân và cấp dưới tin tưởng, yêu mến, dành cho nhiều tình cảm, kể cả khi cha tôi đã cùng mẹ và em trai tôi về bên thế giới bên kia. Cha tôi là Vũ Ngọc Tính - nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Và trong những ngày tháng đau khổ ấy, tưởng chừng như tôi đã không thể đứng dậy để tiếp tục bước đi trên con đường phía trước, tiếp tục sống cuộc sống mà cha mẹ và em trai tôi còn bỏ dở, thì một lần nữa tôi lại cảm nhận được vòng tay ấm áp yêu thương của một người chú – người lãnh đạo đơn vị – người cha thứ hai trong cuộc đời còn lại của tôi. Chú là thượng tá K'Sớ – trưởng phòng chống Fulrô – Công an tỉnh Đắk Nông.

Tôi nhớ như in ngày tôi mới về đơn vị nhận công tác bỡ ngỡ và lạ lẫm. Chú đã cùng lãnh đạo và tập thể đơn vị đón tôi bằng những cử chỉ ân cần, thân thương và trìu mến, cùng với những lời động viên dành cho đứa cháu gái duy nhất của đơn vị. Và cũng từ đấy tôi đã dần lớn lên, trưởng thành hơn trong sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của chú và cả đơn vị, để giờ đây tôi đã có thể vững vàng và tự tin bước đi trên chính đôi chân của mình khi cuộc sống oan nghiệt đã cướp đi cả gia đình thân yêu của tôi.

Hôm nay, khi đặt nét bút để viết lên những dòng chữ nhỏ chứa đầy tình cảm này, tự đáy lòng mình tôi xin được dành sự tri ân sâu nặng nhất đối với người cha quá cố của tôi và dành sự biết ơn sâu sắc đối với chú – thượng tá K'Sớ, người luôn sát cánh bên tôi, động viên và dìu tôi đứng dậy, giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua nỗi đau…

Dù giờ đây chú cũng đang kiên cường, lạc quan chống lại bệnh tật hiểm nghèo, và tôi biết rồi cũng sẽ đến một ngày chú sẽ rời xa tôi mãi mãi, như cha mẹ và em trai tôi… Nhưng vì tình thương yêu với gia đình, với cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, nhờ có nghị lực và tinh thần lạc quan, kiên cường, chú tôi vẫn đang "sừng sững như cây xà nu" trong bão táp để chống lại bệnh tật. Chú không chỉ là người cha thứ hai của tôi mà còn là tấm gương sáng để cả đơn vị phòng chống Fulrô và toàn lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông học tập và noi theo.

Đây là những lời tâm sự từ tận sâu trong đáy lòng của một người con gái chịu nhiều oan nghiệt của cuộc đời. Dù cuộc sống đã không cho tôi được sống trọn vẹn bên cha mẹ, bên người em trai yêu quý nhưng hạnh phúc của tôi đã được chú chắt chiu từ những tình cảm yêu thương của một người cha và niềm tin yêu của một người lãnh đạo. Để hôm nay tôi đã có thể nở nụ cười với những hạnh phúc bình dị của đời thường. Tôi yêu cha mẹ tôi, yêu gia đình tôi nhiều bao nhiêu thì tôi yêu quý và biết ơn chú K'Sớ của tôi nhiều bấy nhiêu.

Tôi xin hứa trước vong hồn cha mẹ tôi, em trai tôi, hứa với chú rằng dù cuộc đời tôi từ đây không còn được sống trong vòng tay yêu thương đầm ấm của gia đình, của cha mẹ, dù số phận có mãi cay nghiệt với tôi thì suốt cuộc đời này tôi vẫn sẽ luôn cố gắng phấn đấu, học tập và công tác thật tốt để xứng đáng với truyền thống gia đình, với niềm tin yêu của chú và của cả đơn vị đã dành cho tôi.

Tôi vẫn sẽ mãi là một nữ chiến sĩ nhỏ của gia đình tôi và của chú - người cha thứ hai vô cùng quan trọng đối với bản thân tôi.

VŨ THỊ THU HẰNG (Nguồn: www.netnuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/486957/Loi-tri-an-nhung-nguoi-cha-cua-con.html

Comments