Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Cho bé đi học trước cho… yên tâm

Posted: 25 Apr 2012 06:16 AM PDT

(GDTĐ) – Sở GD – ĐT Hà Nội vừa có hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh đầu cấp, trong khi các trường tiểu học, phổ thông dân lập đã lên phương án tuyển sinh từ vài tháng trước. Các thông tin này được phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đặc biệt quan tâm.


Một số trường tiểu học yêu cầu trẻ có nhiều kĩ năng trước khi vào lớp 1 (Ảnh MH)

Tại Hà Nội, nhiều “lò luyện” vào tiểu học đang thu hút đông đảo phụ huynh đăng ký ghi danh cho con em mình tham gia. Những dịch vụ mang tên "Hành trang vào lớp 1", "Câu lạc bộ Tuổi thơ", hay rõ ràng hơn là “Luyện chữ”… không hiếm gặp tại gần các trường tiểu học.

Nhiều trường tiểu học ngoài công lập như: Đoàn Thị Điểm, Ban Mai, Victoria, Quốc tế Thăng Long… đều tổ chức các lớp học chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh. Một phần vì các trường này tổ chức thi tuyển vào lớp 1, bên cạnh đó có một bộ phận rất lớn phụ huynh cho con theo học để làm quen với môi trường học đường.

Đại diện các trường đều cho biết, mục đích chính của các khóa học này chủ yếu là tổ chức các trò chơi trí tuệ, thông qua đó giúp học sinh làm quen dần với bậc tiểu học; giúp cha mẹ quản lý con em trong các ngày nghỉ.

Chương trình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 của Trường Đoàn Thị Điểm đã khởi động từ giữa tháng 2
Chương trình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 của một trường tiểu học

Chị Châu Oanh (quận Tây Hồ) cho biết, năm tới tôi cho con thi vào lớp 1, trường Tiểu học Nguyễn Siêu nhưng do trường này không tổ chức các lớp dưới dạng ôn luyện nên tôi đăng ký cho cháu học tại trường Đoàn Thị Điểm để cháu có tâm lý vững hơn khi tham gia dự thi.

Tuy nhiên, trái với những lo lắng và tâm lý chuẩn bị của các bậc phụ huynh, các bé lớp mẫu giáo lớn tỏ ra không mấy thích thú với các lớp học ngoài trường mầm non của mình.

Cháu Hoàng Yến (quận Cầu Giấy) đang theo học lớp luyện chữ của trường Lê Quý Đôn cho biết, con đi học ở trường đến thứ 7, chủ nhật lại đến trường khác học, con không được chơi với em, con không thích.

Ở ngoại thành, các trung tâm ôn luyện vào tiểu học không phổ biến như khu vực nội thành thì các trẻ thường được gửi đến ôn luyện tại nhà các giáo viên “có tiếng” tại các trường tiểu học trên địa bàn để học chữ và làm tính.

Cháu Phúc Thịnh (trường MN Mai Lâm, Đông Anh, HN) cho biết, ban ngày con học ở trường, buổi tối con lại học chữ ở nhà cô, con không thích như thế.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc luyện trước cho con em vào lớp 1 chỉ thỏa mãn tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh nhưng là việc không thực sự cần thiết bởi khi trẻ thực sự vào học sẽ được học bài bản từ những kỹ năng nhỏ nhất. Việc học trước không theo giáo trình được xây dựng kỹ lưỡng của các nhà chuyên môn vô tình sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiếp thu bài học sau này của các con.

Giáo trình của các lớp chuyển tiếp chưa có sự thống nhất chung, không đảm bảo yếu tố kế thừa và phát huy với các chương trình chính thống trước và sau đó. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định cho con tham gia các khóa học này.

Trong khi đó, mức học phí cho mỗi khóa học chuẩn bị hành trang vào lớp 1 tại các trường tiểu học ngoài công lập không hề nhỏ, mỗi tuần các con được học 1 ngày cuối tuần (khoảng 12 đến 14 tuần) với mức phí dao động từ khoảng 1,5 đến 2,4 triệu đồng, tiền ăn khoảng 800.000 đồng. Ngoài ra, hầu hết các trường đều thu tiền "học phẩm" là 50.000 đồng/học sinh.

Ông Thành khẳng định, theo quy định, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 mới bắt đầu học chữ, còn mầm non chỉ là nhận diện vui vui, làm quen với chữ, có thể tô chữ, chứ không học viết. Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới đều thực hiện theo điều này, thậm chí, tại một số nước, trẻ 7 tuổi mới tới trường.

Vì thế, về lý, nếu cho trẻ học chữ, viết chữ trước là sai, thế nhưng, hiện tượng này ngày càng phổ biến, nhất là ở các thành phố. Việc này thể hiện tính hai mặt. Mặt tốt là, nó cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng của bố mẹ với con cái nhiều hơn. Nhưng mặt xấu là, họ vô tình tạo sức ép cho mình và cho con. Mặt khác, giáo viên lương thấp nên nhiều người cũng chấp nhận dạy thêm, luyện trẻ học sớm. Vậy là, ở đây có một sự thỏa thuận, cung cầu gặp nhau, người chịu thiệt là trẻ. Việc học lúc này không vì trẻ mà vì người lớn. Trẻ bị học chứ không phải là được học.

Bảo Minh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201204/Cho-be-di-hoc-truoc-cho-yen-tam-1960858/

Bộ GD-amp;ĐT ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2012-2015

Posted: 25 Apr 2012 06:09 AM PDT

(GDTĐ)-Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ GDĐT giai đoạn 2012-2015 được xây dựng trên cơ sở cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

 

Mục tiêu kế hoạch này nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý ngành từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hành chính và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO tạo sự tác động tích cực trong quản lý hành chính nhà nước đối với giáo dục đào tạo, tạo bước chuyển biến mới trong ngành giáo dục.

Nội dung cụ thể của cải cách hành chính bao gồm cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính;

Theo kế hoạch này, thủ tục hành chính liên quan đến người dân, cơ sở giáo dục được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản và minh bạch; mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà người dân, cơ sở giáo dục phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp; thực hiện thống nhất cách tính chi phí mà người dân, cơ sở giáo dục phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan đơn vị thuộc Bộ…

Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của Bộ và các đơn vị trực thuộc, sắp xếp lại cho phù hợp khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp.

Thực hiện nghiêm cơ chế loại bỏ, miễn nhiệm, cách chức người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân; quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đi đôi với việc có chế tài nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ theo quy định của pháp luật.

Thực hiện cơ chế tài chính mới gắn với cải cách hệ thống tiền lương của ngành và theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo, các chương trình, dự án của ngành; thực hiện xã hội hoá huy động nguồn lực tài chính trong các hoạt động  đào tạo, đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác.

Hoàn thiện cơ chế tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ. Từng bước tạo nguồn theo lộ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục đào tạo gắn với phương án cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020.

Chỉ đạo điều hành cải cách hành chính nhanh nhạy, quyết liệt, liên tục, kịp thời, thông suốt và hiệu quả thể hiện tính sáng tạo và sự quyết tâm triển khai cải cách hành chính của Bộ trong giai đoạn mới. Tập trung các nguồn lực đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính góp phần tạo sự chuyển biến mới trong ngành giáo dục.
Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201204/Bo-GD-DT-ban-hanh-ke-hoach-cai-cach-hanh-chinh-giai-doan-20122015-1960857/

Đà Nẵng công bố điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Posted: 25 Apr 2012 06:09 AM PDT

Tại hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp, tuyển sinh đầu cấp năm 2012 diễn ra sáng nay, 25/4, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết: Sở đã có kế hoạch thành lập 26 Hội đồng coi thi, gồm 537 phòng thi cho các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Đồng thời, huy động gần 1.700 cán bộ, giáo viên coi thi và giám sát kỳ thi. 

Điểm mới của kỳ thi năm nay là thí sinh THPT sẽ thi chung Hội đồng thi với các thí sinh khối bổ túc THPT. Năm nay, Đà Nẵng cũng bỏ thành lập cụm thi như các những năm trước.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD- ĐT TP. Đà Nẵng cho biết: Sở đã có kế hoạch thành lập Ban Chỉ đạo thi, cũng như có kế hoạch phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế. Các cơ sở in sao đề thi, chấm thi…cũng đã được bố trí.

Về phía các trường, Sở chỉ đạo tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, chủ trương bám sát chương trình học và tập trung rèn luyện kỹ năng làm bài thi. Các trường cũng đã họp phụ huynh có con em dự kỳ thi  sắp tới phối hợp với nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi, chăm lo cho con em ôn thi.

Được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 2-4/6/2012, toàn thành phố Đà Nẵng có 12.809 thí sinh ở cả hai khối THPT và bổ túc THPT

Khánh Hiền

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-589492/da-nang-cong-bo-diem-moi-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt.htm

Tốt nghiệp THPT 2012: Mọi TS đều có quyền xin phúc khảo bài thi

Posted: 25 Apr 2012 06:08 AM PDT

(GDTĐ)-Nếu như năm 2011, để được phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT, điểm bài thi của thí sinh phải thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó là 1,0 điểm thì theo quy chế mới, năm 2012, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi và phải nộp lệ phí phúc khảo theo quy định.

 

Thí sinh phải có đơn xin phúc khảo bài thi trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi. Đơn xin phúc khảo bài thi nộp cho trường phổ thông nơi nộp hồ sơ dự thi tốt nghiệp.

Thí sinh lưu ý, đối với mỗi kỳ thi tốt nghiệp, việc phúc khảo bài thi chỉ thực hiện một lần.

Với bài thi trắc nghiệm được phúc khảo theo quy trình riêng do Bộ GDĐT quy định trong văn bản hướng dẫn tổ chức thi hằng năm.

Về kết luận điểm mới của bài thi để xét tốt nghiệp hoặc chuyển xếp loại tốt nghiệp cho học sinh, đối với bài thi tự luận, khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn Ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn khác, thì điểm phúc khảo là điểm mới của bài thi;

Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 2,0 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại giữa cặp chấm của Hội đồng chấm thi và cặp chấm của Hội đồng phúc khảo. Điểm mới của bài thi là điểm được thống nhất giữa cặp chấm của Hội đồng chấm thi và cặp chấm của Hội đồng phúc khảo. Những trường hợp không thống nhất về điểm bài thi và không kết luận được khuyết điểm thuộc về cặp chấm của Hội đồng chấm thi thì giữ nguyên điểm của Hội đồng chấm thi.

Đối với bài thi trắc nghiệm: khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước thì điểm phúc khảo là điểm mới của bài thi.

Thời hạn phúc khảo bài thi do Giám đốc sở GDĐT quyết định, chậm nhất 10 ngày kể từ ngày niêm yết kết quả của kỳ thi. Thời gian làm việc của Hội đồng phúc khảo không kéo dài quá 10 ngày. Kết quả phúc khảo được niêm yết công khai ngay sau khi Hội đồng phúc khảo hoàn tất công việc.
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201204/Tot-nghiep-THPT-2012-Moi-TS-deu-co-quyen-xin-phuc-khao-bai-thi-1960862/

Hai sinh viên VN thi tin học văn phòng thế giới

Posted: 25 Apr 2012 06:08 AM PDT

Hai sinh viên VN thi tin học văn phòng thế giới

TT – Ban tổ chức cuộc thi tin học văn phòng Microsoft Office World Champion 2012 vừa công bố danh sách thí sinh đoạt giải vòng thi quốc gia.

Theo đó, sinh viên Trần Vương Quốc Anh (Trường đại học Tin học – ngoại ngữ TP.HCM) giành giải nhất nội dung Microsoft Excel 2010 và sinh viên Trần Đình Vĩ (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) đoạt giải nhất Microsoft Word 2010.

 Hai sinh viên này sẽ đại diện VN tham gia tranh tài với các thí sinh khác đến từ hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới tại vòng chung kết thế giới cuộc thi Microsoft Office World Champion 2012 tại TP Las Vegas, bang Nevada, Mỹ từ ngày 29-7 đến ngày 1-8.

ĐỨC THIỆN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/488737/Hai-sinh-vien-VN-thi-tin-hoc-van-phong-the-gioi.html

21 sinh viên nhận học bổng trị giá 40 tỉ đồng

Posted: 25 Apr 2012 06:08 AM PDT

21 sinh viên nhận học bổng trị giá 40 tỉ đồng

TT – Sáng 24-4, Intel Product VN đã trao học bổng cho 21 sinh viên theo chương trình phát triển tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao.

Chương trình học bổng trọn gói lần này trị giá 2 triệu USD (40 tỉ đồng) sẽ cung cấp học phí, tài liệu và sinh hoạt phí cho các sinh viên suốt niên khóa 2012-2014 tại Trường Porland State của Mỹ bắt đầu từ tháng 8-2012 với các chuyên ngành điện – điện tử, tự động hóa, cơ khí, cơ điện tử, hệ thống công nghiệp và sẽ trở về làm việc tại Nhà máy Intel VN vào tháng 6-2014.

HỒNG NHUNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/488762/21-sinh-vien-nhan-hoc-bong-tri-gia-40-ti-dong.html

Tháp ngà sụp đổ?

Posted: 25 Apr 2012 06:08 AM PDT

Không còn những ca khúc của Rihanna, những bộ bikini nóng bỏng, những buổi tiệc tùng với bia và rượu. Kỳ nghỉ mùa xuân đang dần kết thúc. Các sinh viên lại lục tục quay trở lại trường học – nơi dù họ có hạnh kiểm tốt xấu, tài năng thế nào thì họ cũng được chấp nhận nếu họ học tại những trường danh tiếng. Lớp trẻ không gắn mác Harvard danh tiếng lên cửa kính chắn gió của xe để ra oai với thiên hạ, mà chính là các bậc phụ huynh của chúng.

Nhưng tư tưởng này bao giờ mới kết thúc? Các ngôi trường này có quá nhiều điều hấp dẫn: những sinh viên xuất sắc, phòng ăn rộng lớn, những cựu sinh viên làm tổng thống sau này. Và để duy trì danh tiếng, các ngôi trường hạng ưu này chỉ tuyển sinh rất hạn chế – ví dụ như số sinh viên dự kiến đến năm 2015 của Harvard chỉ khoảng 1.700 sinh viên, của Yale là 1.300 sinh viên. Nhưng việc này có lẽ đang đi tới hồi kết. Những cuộc đổi mới bên ngoài tháp ngà đang nhăm nhe tìm đường tới đây, không phải chỉ đổ bộ đến sân trường, mà là tiến thẳng vào các lớp học.

Đó là một sự thay đổi đầy kịch tính trong giáo dục đại học. Mùa thu năm ngoái, hàng trăm sinh viên Stanford đã đăng kí khóa học của giáo sư Sebastian Thrun về trí thông minh nhân tạo. Giáo sư cũng mở một lớp học trực tuyến miễn phí thông qua công ty riêng mới mở của mình là Udacity, và đã có 160.000 sinh viên tham gia. Nội dung kiểm tra và bài tập của 2 nhóm học trực tuyến và học trên lớp đều được soạn giống nhau. Kết quả cho thấy số sinh viên đạt điểm tổng kết xuất sắc là 210, và họ đều là các sinh viên học trực tuyến.

Vậy nếu bạn đã chen chân vào được một trường danh tiếng hàng top với các hàng đống các giấy chứng nhận hay một bài luận được sửa bởi người khác, giờ là lúc nên cảm thấy chột dạ.

“Tôi muốn so sánh nó với phim ảnh”, giáo sư Thrun nói với tôi như vậy trong một cuộc gặp tại một quán cà phê nằm giữa Stanford và Mountain View, California, nơi ông hàng ngày điều hành Google X, một phòng máy tính thực nghiệm của Google. “Trước khi có phim, chúng ta có rạp hát, nơi chỉ có sức chứa đến 300 người. Sau này, celluloid được phát minh, và bạn có thể ghi âm và tạo bản sao cho nó. Một bộ phim hay sẽ không chỉ đạt mốc 300 người xem, mà là 3.000, 300.000 và nhanh chóng là 3 triệu người xem. Điều đó đã thay đổi các lý thuyết kinh tế”.

Giờ là lúc thay đổi nền giáo dục. Tại cấp phổ thông, đã có các trang web tương tác ngày càng thông minh, như trang Look at Piazza, Blackboard và Quizlet – được sáng lập bởi một học sinh 17 tuổi.

TED-Ed cũng đã lập được một trang chuyên đề trên Youtube, với các bài học kéo dài từ 3 đến 10 phút cho trẻ em.

Cổng EDU của Youtube đã có đến 22 tỷ lượt truy cập. Khan Academy, một website yêu thích của Bill Gates, đã có 4 triệu người sử dụng một tháng và hàng nghìn video giáo dục khác nhau, từ “Chiến dịch Peninsular của Napoleon” cho đến “danh sách Python” – nếu bạn nghĩ là về những con rắn, hãy tải ứng dụng cho Ipad mới của Khan ngay đi.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69539/thap-nga-sup-do-.html

Comments