Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Người cha sáng tạo và những bức ảnh đáng yêu

Posted: 24 Apr 2012 01:42 AM PDT

Bạn đang mệt mỏi bởi sự tạo dáng cứng nhắc và đơn điệu thường thấy ở tấm ảnh chân dung gia đình, hãy xem những hình ảnh vô cùng sáng tạo được thực hiện bởi Jason Lee.

Jason, một thợ chụp ảnh cưới bắt đầu công việc chụp ảnh cho hai cô con gái nhỏ của mình vào năm 2006, khi mẹ của ông được chẩn đoán bị bệnh ung thư hạch không Hodgkin. Các cô bé thường xuyên bị bệnh, cảm lạnh và ho đến nỗi ông không thể thường xuyên đưa các con đến thăm mẹ được. Với mong muốn bà nội có thể nhìn ngắm các cháu gái và an toàn trong môi trường vô trùng, Jason đã tạo blog, nơi mẹ của ông có thể nhìn thấy diễn biến cuộc sống hàng ngày của các cháu. Phần lớn các  ý tưởng đến từ các cô con gái xinh xắn của ông – Kristin 8 tuổi và Kayla 5 tuổi. Đó cũng là nguồn cảm hứng vô biên đem đến những ý tưởng độc đáo cho Jason.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Theo ThegioiF5/boredpanda/ Lovlife)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69474/nguoi-cha-sang-tao-va-nhung-buc-anh-dang-yeu.html

Đổi mới quản lý nhà nước về GD nghề nghiệp tạo đột phá cho phân luồng

Posted: 24 Apr 2012 01:41 AM PDT

(GDTĐ)-Phân luồng – câu chuyện đã nói mãi nhưng dường như vẫn chưa mấy tiến triển. Đây thực sự là một bài toán khó cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành và toàn xã hội. Không thể sử dụng một công cụ "phân luồng" giản đơn để giải quyết một bài toán phức tạp mang tính hệ thống– Ông Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ GD chuyên nghiệp – thường trực Ban chỉ đạo đào tạo theo nhu cầu xã hội (Bộ GDĐT) trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại điện tử.

Ông Hoàng Ngọc Vinh – Ảnh: gdtd.vn
Ông Hoàng Ngọc Vinh – Ảnh: gdtd.vn

PV.Thưa ông, sau rất nhiều năm đổi mới nhưng tỷ lệ lao động của nước ta chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (CMKT) vẫn rất cao. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê năm 2010, trong tổng số lực lượng lao động 50,8 triệu người, chỉ có 7,8 triệu người được đào tạo CMKT, chiếm 14,7%; 85,3% chưa được đào tạo CMKT. Ông nghĩ sao về con số này?

Ông Hoàng Ngọc Vinh: Năm 1995, theo số liệu thống kê, chúng ta có khoảng trên 800 ngàn học sinh không vào học THPT; đến năm 2010 thì con số này giảm xuống còn 300 ngàn. Khi hệ thống các trường THPT được mở rộng thì học sinh vào học THPT nhiều hơn, còn lại vào hệ thống dạy nghề rất thấp. Như bên TCCN, mỗi năm tuyển sinh được chừng khoảng 25-30 ngàn, đó đã là cố gắng lắm. Con số học sinh vào trường nghề còn ít hơn nhiều. Theo đánh giá của chiến lược phát triển giáo dục 2000-2010, chúng ta chưa đạt được những mục tiêu về phân luồng.

PV.Dường như câu chuyên về phân luồng đã nói nhiều, làm nhiều nhưng vẫn không mấy tiến triển?

Ông Hoàng Ngọc Vinh: trước hết là vấn đề nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước; nhận thức của học sinh, gia đình học sinh; phương tiện thông tin đại chúng và các doanh nghiệp.

Chúng ta vẫn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng địa phương nào tổ chức cấp ủy Đảng chính quyền quan tâm đến phân luồng thì làm được và làm hiệu quả. Những hoạt động thể hiện sự quyết tâm phân luồng như chăm lo đến tư vấn hướng nghiệp việc làm; tổ chức các ngày hội việc làm; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phối kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội tại địa bàn để cùng làm việc này…Như thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình.

Yếu tố gia đình cũng quan trọng. Hiện nay, gia đình nào cũng mong con cái mình học cao, thoát nghèo bằng con đường học, từ thành thị đến nông thôn. Họ quan niệm vào ĐH là cơ hội cải thiện điều kiện sống, việc làm, thu nhập, chăm sóc bản thân, danh dự… nhưng lại ít chú ý đến năng lực học tập của con em mình và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Doanh nghiệp đóng góp vai trò gì trong phân luồng? Nếu quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường tốt sẽ tạo điều kiện để học sinh được tiếp xúc với việc sản xuất, làm ra sản phẩm, từ đó giúp các em yêu mến nghề nghiệp từ sớm. Doanh nghiệp cũng có những chương trình hỗ trợ nhà trường như đưa những doanh nhân thành đạt về nói chuyện … Điều đáng nói là, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đòi hỏi lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp THPT như điều kiện tiên quyết để có việc làm. Thực tế tuyển dụng gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất hiện đại nhưng lại không tuyển người học nghề mà chỉ tuyển toàn học sinh tốt nghiệp THPT. Như Công ty Điện tử Sam sung ở Bắc Ninh – một doanh nghiệp chế tạo điện thoại di động hiện đại bậc nhất Đông Nam Á nhưng 90% là lao động phổ thông. Đây là thực tế có tác động rất mạnh.

Các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền nhiều những tấm gương gia đình có nhiều con vào ĐH nhưng ít tuyên truyền những nghệ nhân trưởng thành từ học nghề, những sản phẩm do học sinh trường nghề làm ra… cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý xã hội…

Một điều nữa, cũng phải thừa nhận, nền kinh tế của chúng ta còn khó khăn, việc làm ít so với lao động dư dôi, đầu tư cho các cơ sở giáo dục như TCCN, dạy nghề nói chung còn hạn chế, thiếu thốn nên chất lượng không cao. Chất lượng không cao dẫn đến sản phẩm đầu ra kém, khó có cơ hội tìm việc làm và thu nhập cao. Không tìm được việc làm nên càng ít người học nghề.

Cái cuối cùng, vấn đề là kinh tế phát triển, việc làm nhiều và một hệ thống thị trường lao động minh bạch thì câu chuyện bế tắc trong phân luồng sẽ được giải quyết một phần. Cứ loay hoay, bế tắc như vòng luẩn quẩn, kinh tế  khó khăn, đầu tư cho TCCN hạn chế, chất lượng đào tạo thấp, cơ hội việc làm và năng suất lao động thấp làm tăng trưởng chậm, tăng trưởng chậm thì không lấy gì đầu tư trở lại cho giáo dục, giáo dục kém thì chất lượng kém, chất lượng kém thì khó có việc làm…

PV.Lại nói đến quyết tâm của chính quyền địa phương. Các phương tiện truyền thông vừa qua nhắc nhiều đến câu chuyện phân luồng tại Vĩnh Phúc. Rõ ràng là tỉnh quan tâm và làm phân luồng quyết liệt nhưng đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Vậy theo ông, chúng ta thu được bài học gì từ Vĩnh Phúc?

Ông Hoàng Ngọc Vinh: Quyết liệt nhưng phải có cách làm, phải làm cho người dân thấy được việc mình làm là vì lợi ích của họ, đáp ứng mong muốn của họ. Nếu người dân và học trò chưa nhận thức được lợi ích thì thầy cô đừng ép buộc. Vĩnh Phúc có thể cung cấp cho người dân những thông tin thống kê. Ví dụ, trong các trường học, những em đạt điểm này có bao nhiêu phần trăm đã vào được ĐH trong vài năm học qua, bao nhiêu phần trăm học nghề và trong những em học nghề có bao nhiêu đã thành công trong cuộc đời. Đừng để người ta nghĩ học nghề là con đường cụt. Tuyên truyền quan trọng là ở chỗ đó. Nên thông tin cho học sinh biết, với học lực này, các em khó có thể đỗ ĐH nên chọn con đường khác, nhưng nên nhớ, chỉ là thông tin chứ không cưỡng ép. Bên cạnh đó, có thể dùng những chính sách hỗ trợ khác để động viên, khuyến khích.

PV.Vậy theo ông, có giải pháp nào cho câu chuyện phân luồng đầy phức tạp?

Ông Hoàng Ngọc Vinh: Giải pháp thì có nhiều nhưng khó nhất là điều kiện thực hiện giải pháp. Chúng ta đã nói mãi về các giải pháp như nâng cao nhận thức; tuyên truyền; tăng cường phối hợp giữa đoàn thể chính quyền địa phương, đảng ủy; nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nghề bằng cách đầu tư; tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp; đào tạo đội ngũ tư vấn hướng nghiệp; cải thiện tính minh bạch của thị trường; doanh nghiệp tuyển đầu ra là sinh viên tốt nghiệp các trường nghề; liên thông; cơ cấu lại hệ thống giáo dục…. Như thế, giải pháp thì không thiếu vấn đề là quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, xã hội và cần phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà tái cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp để hình thành lại hệ thống các trường trung học nghề, trung học kỹ thuật, liên thông lên các trường cao đẳng 2 năm và đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có thể xem là khâu đột phá cho phân luồng.
Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201204/Doi-moi-quan-ly-nha-nuoc-ve-GD-nghe-nghiep-tao-dot-pha-cho-phan-luong-1960830/

Dân học làm chủ

Posted: 24 Apr 2012 01:41 AM PDT

- Trong những ngày cuối tháng 3, những người làm công tác phát triển cộng đồng đã cùng ngồi lại với nhau ở Quảng Bình bàn về mô hình quản lý cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng trong các dự án phát triển.

Người dân phải tự biết quyền

Bà Bùi Thị Kim, Giám đốc Trung tâm DWC cho hay mô hình quản lý cộng đồng tại Việt  Nam là dự án tương đối lớn, không thể làm một mình.

Trong mô hình này, có 4 mức độ tham gia của người dân theo các nấc thang: Người dân cần biết nhiều thông tin, chính quyền tham vấn dân trước khi ra quyết định, tổ chức đối thoại và cuối cùng là ra quyết định.

Còn bà Nguyễn Lê Hoa, đại diện tổ chức Oxfarm  (Anh) cho hay, phương pháp tiếp cận của tổ chức này là dựa trên quyền của người dân tham gia.

Trước  khi áp dụng phương pháp này, có một cách làm phổ biến là đưa chuyên gia nước ngoài và trung ương xuống cơ sở, rồi đánh giá địa phương thiếu cái này, cái nọ. Nhưng có những  phát hiện không chính xác khiến dự án thất bại. Vì vậy, rất cần có người dân tham vấn tham gia đánh giá thực trạng để xác định vấn đề ưu tiên giải quyết.

Đi thực địa ở Đồng Hới (Quảng Bình) nghe người dân chia sẻ mô hình xây dựng nhà văn hóa xã

Ông Đàm Minh Châu, cán bộ Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ đã định vị lại vai trò "cộng đồng với các đặc điểm tự nguyện; đoàn kết, có nhân nhượng; tham gia trực tiếp mọi thứ xảy ra trong cộng đồng như một thành viên và lãnh đạo bằng thuyết phục và làm gương, có thành viên lôi kéo và thuyết phục tin vào giá trị của mình. Như vậy, cộng đồng phải biết bàn, làm và được hưởng.

Theo ông, bản chất cộng đồng làm chủ quá trình phát triển; do đó, họ phải được quyền quyết định ưu tiên.

Ông dẫn ví dụ về mô hình phát triển cộng đồng ở Nam Định và Quảng Bình. Theo đó, khi dự án đến các địa phương này, nhận được câu khẳng định của lãnh đạo địa phương rằng "sau 5 năm, chúng tôi sẽ tự đứng trên đôi chân của mình", ông Châu cho rằng đó là một tiền đề của thành công trong phát triển mô hình.

Gỡ vướng mắc

Là một trong những cán bộ chính quyền hỗ trợ đắc lực cho các dự án phát triển cộng đồng, ông Đinh Văn Vượng, Phó Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư Hòa Bình chia sẻ cách thức hỗ trợ tài chính: Liên kết thường xuyên với Sở Kế hoạch Tài chính, những người giúp việc thường xuyên, đều có báo cáo đầy đủ. Chẳng hạn, với 42 tỷ đồng đầu tư phát triển, nếu để xây một trường cấp 3 đạt chuẩn quốc gia thì chỉ được một việc đó thôi. Còn rải tới 200 xã thì  sẽ có bộ máy 210 xã cả chính quyền và dân tham gia với tỉnh để bàn thảo khai thông với tỉnh. Như vậy, cái được của "thương vụ đầu tư" này là sự dân chủ và tôn trọng dân.

Cái được thứ hai nữa là sản phẩm cuối cùng làm ra với số vốn 200 triệu đồng sẽ tăng lên 300 – 400 triệu đồng bởi người dân hiểu và góp được nhiều hơn.

"Cây gậy pháp lý" cho các hoạt động "trao quyền" cho người dân được nhiều đại biểu dẫn ra ở đây chính là "pháp lệnh dân chủ cơ sở'. Nhưng theo phản ánh của nhiều người làm công tác phát triển cộng đồng, không phải người dân nào cũng biết đến quyền của mình. Vì vậy, khi các dự án này triển khai, người dân đã hiểu không phải cái gì chính quyền cũng là chủ đạo. Họ cũng nhận thức rõ hơn cái mình đang cần và thiếu để phát huy sức mạnh cộng đồng.

Xã tôi 3 năm trước đơn thư kiện cáo nhiều, bây giờ giữa chính quyền và người dân là không có, xích lại gần nhau  hơn; người dân hiểu hơn chính sách nhà nước. atphư vậy anh chia sẻ được mà chính quyền thấy. Người dân bớt áp đặt đi, đại diện một tổ chức cộng đồng ở Thái Nguyên nêu bài học thực tế.

Khó khăn mà bà Bùi Thị Kim nêu ra dưới đây khá phổ biến mà những người làm công tác phát triển cộng đồng gặp phải:

Mời người dân đi họp cực khó. Đối tượng trẻ thì đi làm ăn xa, đối tượng già thì nghĩ đơn giản, dự án có vài chục triệu nên không làm.

"Chúng ta cần thời gian dài để cộng đồng hiểu dự án không phải là tiền mà là tính cam kết cộng đồng. Còn với chính quyền, cứ nói đến dân chủ là nhạy cảm nên chưa phải ủng hộ hoàn toàn. Câu cửa miệng "Các anh không mất cái gì đâu” là không thật, nhưng cần giúp người lãnh đạo cơ sở hiểu, có cái mất nhưng cái được còn lớn hơn. Chẳng hạn những cuộc tham vấn người dân sẽ là quá trình thuyết phục và đối thoại lẫn nhau chứ không phải đối đầu.

Chia sẻ với chị Kim, anh Châu kể câu chuyện mình một quan chức cấp bộ từng nói thẳng vào mặt anh là: "Anh tưởng ai cũng biết kế hoạch à, tham gia thế nào được, kế hoạch là phức tạp, không dễ dàng gì!". "Tôi nói với chị quan chức giúp dân được nhiều  hơn hay làm họ phải vật lộn nhiều hơn với cuộc sống của họ".

 "Không có gì tốt bằng thẳng thắn trong trung thực và xây dựng, tại sao mất niềm tin với họ", anh Châu nói.

Các bạn trẻ có sự thay đổi tích cực để có kết nối để tự hào, thế hệ của tôi. Khi làm nhiều chủ đề thì họ giúp những bạn trẻ khác hiểu được rất nhiều. Hoạt động của tổ chức đã được Bộ GD-ĐT đề nghị “được học tập” với yêu cầu chia sẻ mô hình.

Có nhiều thách thức trong quá trình chúng tôi làm, điều căn cốt là tạo chữ tín và sự minh bạch. Tôi nghĩ, các bạn trẻ không thể nào đơn độc được’ – chị Nguyệt chia sẻ.

Hầu hết, các trao đổi từ thực tiễn mà các dự án đã và đang triển khai đều thống nhất, các tổ chức phi chính phủ không thể ở lâu dài ở
Việt Nam. Do đó, để tác động lâu dài thì phải thúc đẩy người dân vào
tham gia quản trị nhà nước. Để người dân từng bước làm chủ không chỉ là quyền hiển nhiên của họ mà chính quyền khi “chia sẻ quyền lực” với cộng đồng sẽ nhận được nhiều cái lợi lớn hơn.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69386/dan-hoc-lam-chu.html

Hồ sơ ĐKDT sụt giảm, khối ngành Kinh tế vẫn “hút”

Posted: 24 Apr 2012 01:41 AM PDT


 

Theo lượng hồ sơ mà các địa phương nhận được năm nay sụt giảm mạnh. Điển hình, tại tỉnh Thanh Hóa luôn có số lượng hồ sơ ĐKDT đông nhất nước năm nay sụt giảm khoảng hơn 10.000 bộ. Ông Nguyễn Văn Long, Phó phòng giáo dục chuyên nghiệp của Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: "Tổng số lượng hồ sơ của tỉnh năm nay là hơn 79.000 bộ, giảm hơn 10.000 hồ sơ so với năm trước. Trong đó, lượng hồ sơ khối A nhiều nhất với 44.000 bộ, khối B 16.000 bộ, khối D1 6.600 bộ, khối C 6.300 bộ và khối A1 chỉ có 1.100 bộ. Thí sinh Thanh Hóa đăng ký dự thi đông nhất vào 3 trường đại học là Trường ĐH Công nghiệp (nhiều nhất với 8.600 bộ), sau đó đến ĐH Hồng Đức (8.200 bộ) và ĐH Nông nghiệp (6.300 bộ)".

Còn tại tỉnh Nam Định, số lượng hồ sơ năm nay giảm khoảng 10%. Tổng số hồ sơ năm nay của tỉnh Nam Định khoảng 50.000 bộ, giảm 7.000 so với năm trước. Khối A vẫn chiếm số lượng hồ sơ đông nhất. Còn tỉnh Hải Dương năm nay nhận được khoảng hơn 40.000 bộ, giảm nhiều so với năm trước.

Tại các trường đại học, ngày 23/4 là hạn cuối cùng để thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT đại học, cao đẳng năm 2012, số lượng hồ sơ thí sinh đến nộp tại trường cũng giảm. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH QGHN, sau một tuần tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của thí sinh, thống kê đến chiều ngày 23/4, lượng hồ sơ đăng ký giảm mạnh so với năm ngoái. Trường chỉ nhận được hơn 430 bộ hồ sơ, giảm 1/4 .

Ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Mỏ – Địa chất cho hay, lượng hồ sơ năm nay giảm chỉ bằng hơn một nửa so với năm ngoái. Mùa tuyển sinh năm 2011, trường này nhận được khoảng 1.000 hồ sơ gửi trực tiếp tại trường, năm nay con số này đến 16 giờ chiều ngày 23/4 chỉ hơn 600.

Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, theo ông Phạm Văn Bổng, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho hay, lượng hồ sơ năm nay giảm hơn trước khoảng 30%, chỉ khoảng hơn 2000 so với con số 3.000 hồ sơ của năm 2011.

Trường ĐH Công Đoàn, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công đoàn cho hay, trong ngày cuối nhận hồ sơ, trường phải bố trí tới ba bàn thu nhận hồ sơ của thí sinh. Tuy nhiên, dù lượng hồ sơ có nhiều hơn những ngày trước thì vẫn ít hơn con số 1.500 hồ sơ của năm ngoái. Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng có lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại trường thấp hơn năm ngoái một chút, khoảng 1.000 bộ.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, lượng hồ sơ đăng ký dự thi trực tiếp tại trường không nhiều thay đổi, với hơn 1.000 hồ sơ. Hiếm hoi lắm mới có trường có số hồ sơ tăng lên như Trường ĐH Điện lực, theo ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, năm nay số hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại trường là 950 bộ, tăng nhẹ so với năm trước (năm ngoái là 900 bộ).

Còn tại TPHCM, theo TS. Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng Đào tạo ĐH KHXHNV – TPHCM, đến ngày cuối cùng trường tiếp nhận xấp xỉ 900 bộ hồ sơ, tương đương với mọi năm. Tương tự, tại trường điểm tiếp nhận hồ sơ của Văn phòng đại diện tại TPHCM của Bộ GD-ĐT, chuyên viên tư vấn Nguyễn Quốc Cường cho biết: "Kết thúc thời điểm tiếp nhận hồ sơ tại điểm này đã thu về khoảng 25.000 bộ.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM, theo thầy Tạ Quang Lâm, trưởng phòng đào tạo, tình hình nộp hồ sơ tại trường cũng không khả quan hơn 3 năm gần đây. Đến cuối giờ chiều 23/4, số hồ sơ trường tiếp nhận tại trường vào khoảng 1.000 bộ.

Khối Kinh tế vẫn đông

Trường ĐH Thương mại năm nào cũng có số lượng hồ sơ ĐKDT đông, năm nay, theo ông Nguyễn Hóa, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: "Trường nhận hồ sơ tại trường khoảng 2.000 bộ. Ngành nhiều hồ sơ nhất vẫn là ngành Tài chính – Ngân hàng, Kế toán. Năm nay trường quy định mức điểm sàn theo khối, sau đó xây dựng điểm chuẩn theo ngành học. Do vậy, thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển vào trường".

GS. Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, trường nhận được khoảng 1.000 hồ sơ ĐKDT. Dự kiến lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay tương đương với năm trước khoảng trên 20.000. Lượng hồ sơ đông nhất thường ở các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh. Bởi những ngành này nhu cầu xã hội vẫn cần - GS. Dong cho biết.

Trường ĐH Ngoại thương, theo bà Lê Thị Thu Thủy trưởng phòng đào tạo, đến ngày cuối trường nhận được khoảng 800 bộ hồ sơ, tương đương với năm trước.

Giảm do thiếu thông tin

Nguyên nhân sụt giảm hồ sơ ĐKDT năm nay, ông Đặng Tất Thắng, Phó phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nam Định cho biết: "Nhiều thí sinh còn khá mù mờ về thông tin tuyển sinh của các trường bởi tìm kiếm thông tin khá khó khăn vì không phải em nào cũng có máy tính để truy cập. Bên cạnh đó, năm nay quá nhiều thông tin tuyển sinh sai lệch, cuốn Những điều cần biết phát hành muộn. Chúng tôi rất vất vả để truyền tải thông tin và hướng dẫn các em làm hồ sơ".

Còn ông Nguyễn Thanh Chương, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng: "Một trong những nguyên nhân của việc này chính là do quy định thí sinh được xét tuyển nhiều lần của Bộ GD-ĐT vì năm nay thí sinh có thể đăng ký không hạn chế số lượt xét tuyển nên các em yên tâm chỉ nộp 1-2 bộ hồ sơ chứ không đăng ký nhiều như những năm trước".

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ, tại Hà Nội: ngày 10/5/2012, tại TP.HCM: ngày 12/5/2012. Các sở GD-ĐT gửi giấy báo dự thi cho thí sinh  từ 01/6/2012 đến 8/6/2012.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-588856/ho-so-dkdt-sut-giam-khoi-nganh-kinh-te-van-hut.htm

Comments