Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Những bài học nhớ đời cuả ‘tỷ phú 25 xu’

Posted: 22 Apr 2012 12:40 AM PDT

– Tới Việt Nam trong hành trình caravan xuyên 6 nước châu Á hồi đầu tháng 4, Vikrom Kromadit, tỷ phú người Thái Lan (trong 40 người giàu nhất nước này theo danh sách của Fobers năm 2008) đã có buổi nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, thuộc ĐHQG Hà Nội.

Câu chuyện tay không gây dựng cơ đồ của từ 25 xu của người đàn ông giàu có và độc thân với những bài học rút ra từ trải nghiệm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu thực sự ý nghĩa với những người trẻ đang khởi nghiệp.

Nói chuyện với sinh viên bên ngoài chiếc xe xuyên Á


Học không bao giờ là đủ

Nỗi ám ảnh lớn nhất của Vikrom là những xung đột gia đình triền miên và người cha tàn nhẫn. Với bản tính trăng hoa, cha ông từng lấy rất nhiều vợ, và có hơn 20 đứa con nhưng không dành tình thương cho bất kỳ đứa con nào. Vikrom cũng bị cha cưỡng bức lao động từ nhỏ, làm rất nhiều công việc nặng nhọc, quá sức với một đứa trẻ đang tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".

Cha cũng chính là rào cản học hành của Vikrom. Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi khi kết thúc một cấp học, ông lại tha thiết van xin bố cho phép học tiếp, đổi lại ông phải làm việc "tối mắt tối mũi" để phụ giúp gia đình từ đi chợ nấu cơm, trông em, đến làm vườn.

Vikrom quan niệm: " Học không bao giờ là đủ, hãy cứ chăm chỉ học hành, làm việc và tích lũy, ngày thành công sẽ không xa". Bởi vậy, trong những lúc điều kiện khó khăn nhất, ông vẫn tìm mọi cách để gắng gượng và giành được tấm bằng cử nhân ĐH tại Đài Loan.

Ông xác định cho mình một tư tưởng đúng đắn ngay từ những ngày đầu lập nghiệp: "Để đạt được mục tiêu, trước tiên là phải học hành đến nơi đến chốn". Nấc thang đầu tiên đưa ông đến với thế giới rộng lớn chính là việc học hành, càng học cao, như có bằng thạc sỹ tại các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, học tập trong môi trường có nhiều người giỏi sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi bước vào đời.

Ngay khi tốt nghiệp ĐH, Vikrom khát khao được học tiếp ngành kỹ thuật hàng không tại ĐH Toronto, Canada nhưng vì không đủ tiền trả học phí nên đành gác lại đến khi tiết kiệm đủ tiền sẽ đi học tiếp.


Tỷ phú không ngại học tiếng Anh

Khi đã trở thành một doanh nhân trẻ với những hợp đồng làm ăn, dự án đầu tư đầu tiên, nhận thấy vốn tiếng Anh quá khiêm tốn của mình sẽ bất lợi cho công việc, có những khi trao đổi với đối tác, Vikrom chỉ hiểu một cách mơ hồ và chật vật mới nói được vài câu. Ông đã không ngừng rèn luyện, học hỏi và sau ba tháng đã tự liên hệ, xin giấy phép nhập khẩu FCE của Cục Thực phẩm dược phẩm Mỹ. Và bây giờ, Vikrom có thể nói trôi chảy, tự tin hoàn toàn về khả năng tiếng Anh của mình.

Với suy nghĩ, gieo trồng vào giáo dục sẽ đem lại thu hoạch cả đời, khi có kiến thức mỗi người sẽ tự lo được cuộc sống của bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình và chỉ có học mới có thể tiến xa được, nên ông luôn khuyến khích chính mình, cũng như những người thân cần học hành đến nơi đến chốn dù ở bất cứ lứa tuổi nào.


Muốn thành tỷ phú, phải tiết kiệm

Vikrom cho rằng ngoài chuyện làm việc chăm chỉ, kiên trì cần phải biết cách "quy hoạch" cuộc sống của mình: Sắp xếp mọi thứ theo một trật tự khoa học, chi tiêu hợp lý.

Doanh nhân 59 tuổi tiết lộ: "Tôi là người lý trí và biết sống tiết kiệm từ nhỏ do học được từ mẹ, một người không bao giờ chi tiêu hoang phí. Nhờ tiết kiệm mà bà đủ sức nuôi nấng cả gia đình. Đó là nền tảng mà tôi duy trì từ nhỏ đến bây giờ. Từ nhỏ tôi đã tiết kiệm được 1 vạn bạt nhưng không phung phí. Nó giúp tôi luôn có một cuộc sống ổn định, vững vàng".

Khi có chút vốn liếng trong tay và thành công trong một số dự án, Vikrom cho biết, càng kiếm được nhiều tiền, ông càng biết quý trọng từng đồng vì đó là mồ hôi, công sức, tâm huyết của mình.

Vikrom Kromadit là con một người trồng mía nhưng không nối nghiệp cha, từ tỉnh lẻ Vikrom Kromadit quyết chí lập thân ngay giữa thủ đô Bangkok ở tuổi 22 và gần như khởi nghiệp từ con số không.

Ông cũng không phải vất vả khi phải quản lý số tiền lớn do vay được để phát triển kinh doanh và luôn nhắc nhở mình không bao giờ "vung tay quá trán" để phải trở thành con nợ vô lý.

Kể cả khi đi công tác, ông thường lập kế hoạch kỹ càng và ước tính các khoản chi của chuyến đi. Dù sự nghiệp đang bắt đầu "cất cánh" nhưng Vikrom vẫn hết sức tiết kiệm. Một lần sang Mỹ, ông chỉ mang theo hơn 2.000 USD và dùng tiền rất chừng mực vì nếu hết tiền giữa chừng thì rất gay go khi không thể vay mượn ai nơi "đất khách quê người".

Thậm chí, Vikrom còn tự nhận mình là "hà tiện", không thích dùng hàng hiệu vì nó quá đắt mà thường tìm đồ bình dân ở các chợ trời Sanam Luông hay Chatuchak.

Các vật dụng cần thiết trong nhà như tủ lạnh, ti vi, máy điều hòa… thường được "ông chủ" cân nhắc kỹ sự phù hợp giữa giá cả với tính năng sử dụng và độ bền. Vikrom cho biết: "Biết chi tiêu một cách hợp lý giúp chúng ta tự do, không bị lệ thuộc vào người khác".

Tuy vậy, với sức khỏe thì”yêu cầu khoa học” đặt lên hàng đầu.  Ông luôn yêu cầu người nấu bếp phải mua thực phẩm tươi ngon,có lợi cho sức khỏe và hợp khẩu vị; nhất là chất lượng và các vitamin trong đồ ăn.


Lời nói là ‘ông chủ’ của bản thân

Dù cũng đã bao phen mất trắng, bao lần bị trở mặt nhưng Vikrom Kromadit vẫn luôn đề cao lòng trung thực, chính trực trong nghiệp kinh doanh.

Chân ướt chân ráo vào nghề, chưa kịp mừng rỡ về những "phần thưởng" ngọt ngào có được từ nỗ lực của bản thân, ông biết đâu có biết bao cạm bẫy luôn rình rập những "con mồi" ngây thơ, yếu ớt như mình. Chính vì thế, tưởng rằng việc hợp tác với hai người "khổng lồ" Bill Perez và Paul giúp đưa sản phẩm của mình thâm nhập thị trường Mỹ sẽ diễn ra suôn sẻ với viễn cảnh đẹp như mơ, Vikrom đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của mình để mong có được một hợp đồng ký kết.

Để rồi cuối cùng, giấc mơ vụt tắt khi hai "người bạn lớn" này quay ra trở mặt với ông và tiến hành kinh doanh độc lập. Kế hoạch thất bại đầu tiên ấy đã gây cho Vikrom một cú sốc lớn. Ông đã mất khá lâu mới có thể cân bằng lại cuộc sống và "chiến đấu" tiếp. Đây cũng là bài học kinh nghiệm mà ông "khắc cốt ghi tâm" để nhắc nhở bản thân mỗi khi làm việc.

Vikrom đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí mạnh mẽ, một tầm nhìn rộng lớn và trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn AMATA  lừng danh Đông Nam Á ngày nay.Tại Việt Nam, ông đã phát triển Amata tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Trên con đường sự nghiệp đầy chông gai, thử thách và hiểm nguy ấy, ông
đã từng trải qua, và gặp rất nhiều những mánh lới, thủ đoạn lọc lõi để
"lật" nhau của các đối tác. Có nhiều cách để "dạy" cho họ nhớ về những
gì họ đã gây ra. Tuy nhiên, Vikrom không làm điều đó. Ông luôn đề cao
lòng trung thực, chính trực trong cái thế giới hỗn loạn ấy.

Theo Vikrom, sống có tình nghĩa, đền đáp công ơn những người đã giúp đỡ mình là đức tính không thể thiếu của mỗi doanh nhân. Cho dù làm bất cứ việc gì cũng phải dựa vào lẽ phải, sự công bằng và rộng lượng. Điều gì đã hứa phải cố gắng thực hiện bằng được vì lời nói chính là "ông chủ" của mình, nên suy nghĩ kỹ trước khi nói, đã nói thì phải làm.


Trọng các mối quan hệ

"Tỷ phú 25 xu" có phương châm sống rất giống với quan niệm của người Việt Nam, "giàu vì bạn".

Ông từng chia sẻ quan điểm này của mình trong cuốn tự truyện "Tay không xây dựng cơ đồ": "Chim không cánh không thể bay cao, người không bạn không thể tiến xa, cần phải có những người quen biết, cùng hội cùng thuyền để nương tựa, giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, tôi chỉ kết bạn với người tốt, trung thực và công bằng. Có lưu ý nữa là cách chọn lọc những người đáng để làm quen.

Thích nghi là nghệ thuật sống

Vikrom cho rằng, thay đổi bản thân thích nghi với hoàn cảnh sẽ giúp bản thân tự tin và hòa đồng hơn.

Nghệ thuật sống mà "tỷ phú 25 xu" luôn vận dụng là tự điều chỉnh bản thân linh hoạt với hoàn cảnh và môi trường sống luôn thay đổi. Nhờ đó, trong thời gian 10 năm hoạt động, các vấn đề công ty gặp phải đã lần lượt được giải quyết ổn thỏa. Ông đã trang trải sòng phẳng khoản nợ 8 triệu bạt do thua lỗ trong hai vụ buôn bán bột sắn 300 tấn và 2 container cá ngừ hộp bị trả lại.


Không bỏ qua hai chữ “kiên trì”

Đây là đức tính thường thấy của những người thành đạt. Ở Vikrom cũng vậy, để có được thành công với số tài sản trăm triệu đô la, sở hữu 900 nhà máy, cơ sở sản xuất với doanh thu bằng 10% GDP của Thái Lan hàng năm với số vốn khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn 25 xu là cả một quá trình lao động miệt mài, cần mẫn, bền bỉ.

Đứng trước những "cơn bão tố" ập đến, có những lúc như "nuốt trọn" cơ đồ bao năm gây dựng, chắt chiu, ông đã chống chọi kiên cường. Ông luôn tìm cho mình lối thoát trong những tình thế bế tắc ấy bằng chính sự kiên trì.

  • Thu Thảo

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69106/nhung-bai-hoc-nho-doi-cua--ty-phu-25-xu-.html

Từ chối nhận hồ sơ ĐKDT của HS trường quốc tế là sai quy định

Posted: 22 Apr 2012 12:39 AM PDT

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Kim Khôi (ảnh), Cục trưởng Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: "Việc từ chối nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh là học sinh đã tốt nghiệp THPT từ các trường quốc tế tại Việt Nam là sai quy định.

 

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận, có giá trị pháp lý để làm căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.

Mặt khác, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội hoặc hoàn cảnh kinh tế, nếu có đủ các điều kiện sau đây đều được dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ như đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, …"

Như vậy, thí sinh là học sinh đã học và tốt nghiệp THPT tại các trường quốc tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh, văn bằng tốt nghiệp đã được sở giáo dục và đào tạo công nhận, thì hồ sơ đăng ký dự thi là hợp lệ, các trường có trách nhiệm nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, không được từ chối vì bất kỳ lý do nào.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi có phải nộp bằng tốt nghiệp THPT không, thưa ông?

Theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, hồ sơ ĐKDT gồm có: Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2. Ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường).

Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có). Ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các sở GDĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển.

Như vậy, trường nào yêu cầu thí sinh phải nộp bằng tốt nghiệp THPT (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, công nhận văn bằng) khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi là trái quy định.

 

Xin ông cho biết, Bộ GD-ĐT đã có văn bản nào quy định về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp?

Ngày 20/12/2007, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký ban hành Quyết định số 77 về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Cơ sở giáo dục nước ngoài quy định tại quyết định là những cơ sở nào? Và văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp nào?

 

Các cơ sở nước ngoài gồm các cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và các cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.

Văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp: văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng;

Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.

Bên cạnh đó, văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài màcácchương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.

Văn bằng sau khi được công nhận có giá trị thế nào, thưa ông?

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.

Văn bản công nhận văn bằng có giá trị pháp lý để người có văn bằng sử dụng văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Để được công nhận văn bằng, người học cần chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu gì?

Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm: Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; Một (01) bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực; Một (01) bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Hồ sơ phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.

Ngoài ra, người có văn bằng gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan (nếu có) như: Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập…

Trường họp, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận, thì trình tự, thủ tục để được công nhận và thẩm quyền công nhận, nói riêng đối với bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông sẽ thế nào thưa ông?

Nếu văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận, thì trình tự, thủ tục để được công nhậnvăn bằngđối với bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông nói riêng được quy định: Người có văn bằng, người đại diện theo pháp luật của người có văn bằng hoặc người được ủy quyền, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải gửi 2 bộ hồ sơ tới sở giáo dục và đào tạo;

Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, sở giáo dục và đào tạo cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ; nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ.

Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm xem xét công nhận văn bằng cho người đề nghị. Giám đốc Sở GD-ĐT công nhận văn bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông. Trong trường hợp văn bằng không được công nhận, Sở GD-ĐT phải trả lời bằng văn bản cho người đề nghị.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (ghi)

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-588270/tu-choi-nhan-ho-so-dkdt-cua-hs-truong-quoc-te-la-sai-quy-dinh.htm

Mẹ Pháp ngạc nhiên khi Mẹ Việt bao bọc con

Posted: 22 Apr 2012 12:39 AM PDT

- Thời gian nghiên cứu quá trình nuôi dạy con ở một số gia đình Việt Nam
và sự phát triển của nhiều trẻ em ở Pháp – TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin (Chủ
tịch hiệp hội Tâm lý Pháp – Việt) vô cùng ngạc nhiên khi gặp hình ảnh những đứa
trẻ Việt khi đi ăn, đi chơi luôn luôn được mẹ ẵm, bồng trên lưng…

Sự khác biệt, những ưu thế của phương pháp dạy con ở Việt Nam và Pháp được TS
Marie-Eve Hoffet-Gachelin (Chủ tịch hiệp hội Tâm lý Pháp – Việt) và ông Nguyễn
Minh Đức (TS tâm bệnh học và phân tâm học) chia sẻ tại hội thảo "Để trẻ vững
bước vào đời
" tổ chức tại Hà Nội.

 

TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin (chủ tịch hiệp hội Tâm lý Pháp – Việt) và ông Nguyễn Minh Đức  (TS tâm bệnh học và phân tâm học) chia sẻ những kinh nghiệm trong phương pháp dạy con ở Việt Nam và Pháp.

Ngạc nhiên…

“Hình ảnh những đứa trẻ Việt khi đi ăn, đi chơi luôn luôn được mẹ ẵm, bồng
trên lưng mẹ, quấn chặt lấy mẹ và được chăm sóc một cách cẩn thận tỉ mỉ…” đã
khiến TS Marie không khỏi ngạc nhiên.

“Những bà mẹ Pháp ít yêu thương con theo cách đó” – bà Marie cho hay. Ngay từ
nhỏ họ đã tập cho con thói quen độc lập và quá trình tách con ra khỏi mẹ diễn ra
rất dễ dàng, không gặp bất cứ phản ứng nào của trẻ.

Bà Marie nói thêm: "Tôi thấy ở Việt Nam, một đứa trẻ được chăm sóc rất tỉ
mỉ, từ từ từng giai đoạn bú sữa, ăn dặm cho tới khi biết bò, biết chạy. Nhưng
chuyện cho con ăn đối với nhiều bà mẹ Việt là cả vấn đề nan giải. Chúng có thể
khóc, chạy khắp nhà, nghịch ngợm, có khi cả nhà phải chạy theo, người lớn phân
công nhau làm đủ trò để chúng vui thích và ăn hết bát. Kiểu nhồi nhét này khiến
chúng không hứng thú mấy chuyện ăn uống, tương tự như việc học cũng vậy, càng
nhồi sẽ càng làm trẻ chán nản".

Bất cứ người cha, người mẹ nào đều muốn mang lại cho đứa con thân yêu của
mình một thế giới đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần, dành cho con sự ân cần,
trìu mến và mở ra một thế giới êm đềm, tươi đẹp trước mắt con từ những ngày đầu
con chào đời, chập chững những bước đi đầu tiên. Bởi vậy, với trẻ bố mẹ là chỗ
dựa vững chãi để chúng dựa vào, bám víu lấy mỗi khi đương đầu với khó khăn.

Với trẻ bố mẹ là chỗ dựa vững chãi để chúng dựa vào, bám víu lấy mỗi khi
đương đầu với khó khăn – điều phổ biến trong các gia đình ở Việt Nam. Và, bất cứ
người cha, người mẹ nào đều muốn mang lại cho con yêu của mình một thế giới đủ
đầy về cả vật chất lẫn tinh thần…

Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần tạo nên sự gắn bó an toàn với
trẻ, nghĩa là không nên bao bọc trẻ quá mức, chúng sẽ quấn mẹ nhiều hơn trong
khi thế giới bên ngoài có rất nhiều điều nên quan sát, và học hỏi. Chỉ khi bé
được giao lưu, tiếp xúc với mọi thứ xung quanh thay vì "ngủ say" trong vòng tay
ấm áp của mẹ thì trẻ sẽ phát triển hơn cả về mặt tâm lý và tư duy, đồng thời chủ
động hơn trong nhận thức ngay từ khi còn nhỏ.

Sự khác biệt

Ở Việt Nam, khi lọt lòng mẹ, trẻ được ôm ấp, vỗ về, nâng niu và luôn ở cạnh
mẹ. Mẹ Việt chăm con rất chu đáo, tinh tế khi cảm nhận được những thay đổi trong
từng cử chỉ của con. Chỉ cần bé mấp máy môi, cựa mình hay khóc thì mẹ là người
đầu tiên nhận thấy….

Trẻ Pháp được ngồi vào một bàn riêng và tự ăn ngay cả khi không có sự kiểm soát của người lớn.

Mẹ Pháp thì khác, ngay khi đứa bé chào đời đã được đặt vào một chiếc giường
(nôi) riêng, và ở một phòng tách biệt với bố mẹ. Phụ nữ Pháp ít cho con bú và
chỉ cho bé bú khi đã thực sự cần theo một khung giờ nhất định. Nếu chẳng may con
bị đói, khát sữa trước giờ bú thì mẹ thường vỗ về, chơi cùng con để tập trung
chú ý của bé sang hướng khác. Với cách này, mẹ Pháp tiến hành cai sữa rất dễ
dàng và không quá khó để trẻ thích nghi với việc "nghỉ" bú mẹ.

Trẻ Pháp khá độc lập trong chuyện ăn uống, TS Đức chia sẻ.

Nếu như các bà mẹ Việt luôn phải chật vật cho con ăn thì ngược lại, mẹ Pháp
chẳng hề vướng bận gì trong giờ cơm của trẻ. Cách nấu đồ ăn cho trẻ ở Pháp không
theo ý muốn của phụ huynh mà hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị của các bé. Trẻ
thích ăn gì, mùi vị như thế nào sẽ được "chiều" theo ý muốn. Qua đó, chúng có
thể nhận biết được các khẩu vị khác nhau.

Thay vì cả nhà cùng chạy loăng quăng khắp nơi, diễn đủ trò để bé ăn dù chỉ là
một thìa cơm, trẻ Pháp khi ăn được "định vị" ở một ghế riêng, tự xúc, tự ăn và
chúng ăn một cách ngon lành, ngoan ngoãn ngay cả khi không có sự kiểm soát của
người lớn.

TS Marie cũng đưa ra dẫn chứng về tính độc lập của trẻ Pháp trong chuyện ngủ.
Ở Pháp, các bé phải ngủ một mình từ rất sớm. Ban đầu trẻ hay khóc nên cha mẹ
thường cho ngậm ti giả, hoặc mút tay và dần thích nghi với việc phải tự mình làm
quen với cuộc sống độc lập. Trong khi đó, ở Việt Nam nhiều gia đình vẫn cho trẻ
ngủ chung với bố mẹ tới khi 7, 8 tuổi. Điều này sẽ khiến trẻ cô đơn, sợ hãi và
cảm thấy bị bỏ rơi khi chúng phải tách ra ở riêng.

Tại hội thảo, các diễn giả cũng đưa ra lời khuyên với phụ huynh, không phải
bao bọc trẻ một cách thái quá mới thể hiện tình yêu thương mà hãy yêu con bằng
cách tạo cho bé sự độc lập, tự chủ ngay từ khi còn nhỏ. Quan trọng là phải dạy
cho con hiểu, để thành công phải học cách đối diện và chấp nhận thất bại để khi
lớn lên con có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống của mình.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69141/me-phap-ngac-nhien-khi-me-viet-bao-boc-con.html

Comments