Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


‘Đừng ép HS phải ra nước ngoài học ĐH…’

Posted: 21 Apr 2012 06:59 AM PDT

- Sự kiện được cho là vô lý có thể chỉ xảy ra ở Việt Nam: Các trường quốc tế
được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, nhưng chương trình học lại không được chấp
nhận ngay tại Việt Nam? Học sinh học các trường quốc tế không có “cửa” thi vào
các trường ĐH tại Việt Nam do bằng cấp không được công nhận?

 


Ảnh minh họa: HS tốt nghiệp trường THPT quốc tế hoạt động hợp pháp ở Việt Nam được phép thi ĐH, CĐ. (Ảnh: Người lao động.)

 

Học trường quốc tế hết “cửa" thi đại học

Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin, học sinh Đoàn Anh Quang (sinh năm 1991 ở
Hà Nội) tốt nghiệp Trường quốc tế Singapore (SIS) TP.HCM (thuộc Tập đoàn giáo
dục quốc tế Kinder World) có nguyện vọng theo học Trường ĐH FPT. Do Trường ĐH
FPT không tổ chức thi "ba chung" mà chỉ tổ chức thi sơ tuyển, đồng thời xét
trúng tuyển dựa trên kết quả thi qua điểm sàn của thí sinh nên để được xét tuyển
vào ĐH này, Quang buộc phải đăng ký thi "nhờ" Trường ĐH Thương mại.

Khi Quang mang hồ sơ đến nộp thì nhà trường từ chối nhận với lý do "bằng cấp
Quang có không tương đương bằng tốt nghiệp THPT Việt Nam".

Theo gợi ý của trường, Quang lên Cục Khảo thí – kiểm định chất lượng giáo dục
(Bộ GD-ĐT) xin xác nhận thì được trả lời: "Cục chỉ có trách nhiệm xác nhận
bằng cấp quốc tế trình độ CĐ, ĐH trở lên, còn THPT đã phân cấp thẩm quyền cho
sở".

Nhưng đến Sở GD-ĐT Hà Nội – sở cũng không chứng nhận bằng cấp cho Quang.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hóa (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH
Thương mại – xác nhận thí sinh Đoàn Anh Quang đã được dự thi tại trường năm
2011. "Năm ngoái khi tiếp nhận hồ sơ thí sinh, trường cũng đã hỏi ý kiến Vụ Giáo
dục ĐH (Bộ GD-ĐT) về trường hợp bằng cấp như vậy có đủ điều kiện thi ĐH không
thì chuyên viên của vụ trả lời được. Tuy nhiên khi tiếp nhận và phát thẻ dự thi
xong, trường thấy thấp thỏm, chỉ lo… thí sinh đỗ.

Trường đã đặt tình huống nếu Quang đỗ, trường phải gửi văn bản lên bộ yêu cầu
xác nhận rõ vì quy trình tuyển sinh có hậu kiểm văn bằng. Thí sinh không có bằng
tốt nghiệp THPT lại trúng tuyển sẽ rất rắc rối. Nhưng may mắn em này… không
đỗ".

“Đó là lý do năm nay trường làm "chặt" hơn, yêu cầu có văn bản xác nhận
đàng hoàng của bộ rồi mới cân nhắc tiếp nhận hay không” -
ông Hóa khẳng
định.

“Đừng ép các em phải ra nước ngoài học ĐH…”

Việc không công nhận, không cho học sinh tốt nghiệp trường quốc tế dự thi ĐH
đang có nhiều ý kiến cho rằng vô lý.

Độc giả Phan Giang (Hà Nội) đưa ra 4 điểm vô lý khi không cho học sinh trường
quốc tế tại Việt Nam thi ĐH. Thứ nhất, cơ quan quản lý cho phép trường
quốc tế hoạt động ở Việt Nam mà lại không công nhận bằng cấp của họ là vô lý.

Thứ hai, các học sinh Việt Nam có bằng THPT của trường Việt Nam tha hồ
được các trường ĐH nước ngoài (Mỹ, Anh, Pháp, Úc…) tiếp nhận. Thậm chí
không phải qua kỳ thi đầu vào, chỉ kiểm tra sơ lược, chủ yếu là kiểm tra trình
độ tiếng Anh để tiện việc sắp xếp lớp theo trình độ.

Chẳng lẽ nền ĐH của ta có yêu cầu cao hơn nền ĐH các nước đã phát triển? Hay
chất lượng bằng trung học của ta cũng cao hơn họ?

Thêm nữa, dù học trường quốc tế, nhưng nếu muốn học tiếp ở Việt Nam thì các
em đều phải qua kỳ thi chung, phải có kết quả thi tốt thì mới được vào học, đâu
có thoải mái vào trường ĐH như nếu đi du học nước ngoài. Bằng cấp, trình độ
tương đương hay không sẽ được xác lập thông qua kỳ thi chung này chứ không phải
là từ một quyết định hành chính.

Cuối cùng, tình trạng rầm rộ đi du học góp phần làm “chảy máu ngoại tệ”, là
việc ảnh hưởng không tốt tới uy tín các trường ĐH Việt Nam mà chúng ta nên hạn
chế bằng việc khuyến khích các em thi vào ĐH trong nước.

Vậy thay vì cấm – Bộ GD ĐT gấp rút cho phép học sinh học các trường quốc tế
được phép dự thi ĐH ở Việt Nam như các em học sinh khác. Đừng ép các em trót học
trường quốc tế phải chỉ còn lối thoát duy nhất là du học nước ngoài!

Ông Phạm Hữu Hoan – Trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội cho
biết: “khi bộ chưa cho phép thì sở cũng không dám xác nhận tương đương văn bằng. Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh dự thi ĐH, CĐ trước hết phải có bằng tốt
nghiệp THPT. Các chứng chỉ, bằng cấp nước ngoài hay do các trường quốc tế tại
Việt Nam cấp chắc chắn phải có cơ quan xác nhận thì thí sinh mới đủ điều kiện dự
thi. Quyền xác nhận này không thuộc sở dù chính phòng giáo dục phổ thông là nơi
thẩm định chương trình học của họ.”

Ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Úc (TP.HCM): “Trường dạy theo
chương trình THPT và cấp bằng tú tài theo chương trình của Tây Úc, cho biết:
"Trước đây có một học sinh của trường có nguyện vọng dự thi ĐH VN. Trường phải
dịch hồ sơ sang tiếng Việt và sở GD-ĐT xác nhận, học sinh này mới được đăng ký
dự thi".

  • N.H (tổng hợp)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69296/-dung-ep-hs-phai-ra-nuoc-ngoai-hoc-dh----.html

Bộ Giáo dục không cấm HS trường quốc tế thi ĐH

Posted: 21 Apr 2012 06:59 AM PDT

- Trao đổi với VietNamNet chiều 21/4, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm
định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi khẳng định, nơi nào không chấp
nhận cho học sinh (HS) tốt nghiệp THPT ở trường quốc tế (được phép hoạt động hợp
pháp ở Việt Nam) nộp hồ sơ thi ĐH là sai quy định.

Bộ GD-ĐT không cấm học sinh trường quốc tế thi vào các trường ĐH Việt Nam. (Ảnh: VietNamNet)

 

Ngay sau khi có thông tin

HS tốt nghiệp trường THPT quốc tế hết cửa
thi ĐH
– Bộ GDĐT có văn bản trả lời chính thức về điều này. Theo đó,
không có quy định nào cấm sinh học các trường quốc tế dự thi vào các trường ĐH ở
Việt Nam.

Ông Ngô Kim Khôi cho biết, ngày 20/12/2007, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký ban hành
Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người
Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Văn bản này quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt
Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được áp dụng đối với bằng tốt nghiệp
hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học phổ thông;
bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ do cơ sở giáo
dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam.

Trả lời câu hỏi: Có một số trường ĐH từ chối nhận hồ sơ đăng ký dự thi
của thí sinh là học sinh đã tốt nghiệp THPT từ các trường quốc tế tại Việt Nam,
như vậy có đúng với quy định hiện hành không, ông Ngô Kim Khôi cho biết:

"Thí sinh là HS đã học và tốt nghiệp THPT tại các trường quốc tế hoạt động
hợp pháp tại Việt Nam, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh, văn bằng tốt
nghiệp đã được Sở GD-ĐT công nhận, thì hồ sơ đăng ký dự thi là hợp lệ, các
trường có trách nhiệm nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, không được từ chối
vì bất kỳ lý do nào."

“Nơi nào không chấp nhận cho học sinh (HS) tốt nghiệp THPT ở trường quốc
tế (được phép hoạt động hợp pháp ở Việt Nam) nộp hồ sơ thi ĐH là sai quy định

- lời ông Khôi.

Nếu văn bằng của người Việt Nam do cơ sở GD nước ngoài cấp được công nhận,
thì trình tự, thủ tục để được công nhận văn bằng đối với bằng tốt nghiệp các cấp
học phổ thông nói riêng được quy định như sau:

- Người có văn bằng, người đại diện theo pháp luật của người có văn bằng hoặc
người được ủy quyền, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục
nước ngoài cấp phải gửi hai (02) bộ hồ sơ tới Sở GD-ĐT;

- Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, sở giáo dục và đào tạo có trách
nhiệm xem xét công nhận văn bằng cho người đề nghị.

- Giám đốc Sở GD-ĐT công nhận văn bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông.

- Trong trường hợp văn bằng không được công nhận, Sở GD-ĐT phải trả lời bằng
văn bản cho người đề nghị.

Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm:

- Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp;
- Một (01) bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch
ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;
- Một (01) bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm
theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Hồ sơ phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố
thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.
Ngoài ra, người có văn bằng gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan (nếu có)
như: Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác
nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; …

(Nguồn: Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 về trình tự thủ tục
công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp)

  • Hương Giang

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69297/bo-giao-duc-khong-cam-hs-truong-quoc-te-thi-dh.html

Chủ động kế hoạch trong bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá GV tiếng Anh

Posted: 21 Apr 2012 06:59 AM PDT

(GDTĐ)- Sáng nay (21/4), tại trường CĐ Hải Dương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh Tiểu học năm 2011 đạt chuẩn B1- B2 khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. 

Đây là hội nghị được trường CĐ Hải Dương tổ chức với với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chính quyền địa phương, Sở GD-ĐT Hải Dương nhằm đánh giá những việc đã làm được sau hơn 1 năm phối hợp, triển khai thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, rút ra những kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai Đề án trong những năm tiếp theo.


Hội nghị sơ kết công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học năm 2011 đạt chuẩn B1- B2 khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của trường CĐ Hải Dương. Ảnh, gdtd.vn

Trường CĐ Hải Dương là một trong số 18 đơn vị đầu tiên trong cả nước đủ các điều kiện năng lực được Bộ GD-ĐT chỉ định triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

Năm 2011, theo đúng tiến độ được giao, nhà trường đã và đang tiến hành chương trình bồi dưỡng cho 74 giáo viên Tiếng Anh Tiểu học của hai Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh đạt trình độ B2 theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu.

Theo kế hoạch, khóa bồi dưỡng Tiếng Anh nâng cao năng lực từ B1 lên B2 gồm 400 tiết (300 tiết bồi dưỡng trực tiếp, 100 tiết tự nghiên cứu trên máy tính) và 180 tiết bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giảng dạy Tiếng Anh Tiểu học, thực hành tại các trường thực hành; khóa học học liên tục trong 5 tháng. Lớp tập huấn đã hoàn thành phần bồi dưỡng năng lực Tiếng Anh và đang bắt đầu triển khai phần bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy.

Có 8 giảng viên của trường CĐ Hải Dương đã trực tiếp tham gia giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên, trong đó có 4 thạc sỹ. Các giảng viên này có thâm niên giảng dạy từ 3 đến 15 năm.

Khóa bồi dưỡng sử dụng các tài liệu giảng dạy theo chuẩn Châu Âu để phát triển 4 kĩ năng nghe, nói, đọc viết cho giáo viên; đồng thời sử dụng thêm các tài liệu luyện thi TOEFL và IELTS. Khóa học sẽ phối hợp với Đại học Hà Nội tổ chức kiểm tra, đánh giá ngoài hoàn toàn khách quan.

Ban thường trực Đề án ngoại ngữ 2020 của trường khách quan đánh giá, khóa học thực sự hữu ích cho người học. Đội ngũ giảng viên có năng lực và giàu kinh nghiệm giảng dạy, tâm huyết, tích cực nhiệt tình, trách nhiệm cao trong bồi dưỡng học viên. Đa số học viên có ý thức trách nhiệm và tích cực trong học tập…


   Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh, gdtd.vn

Để triển khai thực hiện Đề án, nhà trường đã kịp thời trang bị cơ sở vật chất hiện đại và nhân lực phù hợp với yêu cầu đặt ra của Đề án. Song song với đó là có sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác triển khai bồi dưỡng giáo viên giữa nhà trường và hai địa phương có giáo viên được bồi dưỡng là Hải Dương và Bắc Ninh;

Về phía chính quyền, Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 tại Hải Dương đã nhận được sự ủng hộ lớn lao, vào cuộc kịp thời từ chính quyền địa phương.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Đặng Thị Bích Liên khẳng định, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương đến năm 2020" tại quyết định số 210/QĐ-UBND. Trung tâm tin học- ngoại ngữ trường CĐ Hải Dương, là một đơn vị trực thuộc của trường Cao Đẳng Hải Dương đã được chỉ định triển khai thực hiện bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học.

Theo bà Liên, để đào tạo những thế hệ nhân lực của tỉnh Hải Dương có thế mạnh về ngoại ngữ nhằm tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới và hợp tác, phát triển kinh tế phải tích cực, đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ; muốn vậy phải chuẩn hóa, nâng cao trình độ giáo viên Tiếng Anh theo chuẩn khung tham chiếu năng lực Tiếng Anh của Châu Âu. "Hải Dương không thể duy trì lâu hơn tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ năng lực Tiếng Anh tiếp tục giảng dạy…" bà Liên khẳng định.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Thị Bích Liên đề nghị Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương phải kiểm đếm được số lượng giáo viên cần đào tạo lại trình lên để UBND tỉnh Hải Dương có kế hoạch dài hơi bố trí, phân bổ nguồn ngân sách dành cho công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh…


 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thăm một lớp bồi dưỡng GV Tiếng Anh tại trường CĐ Hải Dương. Ảnh, gdtd.vn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, yêu cầu tối thiểu cho giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp Tiểu học là phải có Chứng nhận phương pháp sư phạm tiếng Anh tiểu học và năng lực Tiếng Anh đạt trình độ B2 theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu.

Theo quan điểm triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT, trước mắt, nơi nào có đủ điều kiện về bồi dưỡng giáo viên mới được Bộ chỉ định triển khai thực hiện.

Với trường CĐ Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của đơn vị trong việc trang bị cơ sở vật chất hiện đại, chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để triển khai khóa bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh Tiểu học đúng tiến độ.

Khẳng định rằng, hiện nay số lượng giáo viên chưa chuẩn về năng lực Tiếng Anh ở các cấp Tiểu học, THCS, các TTGDTX và cao hơn là cả THPT tại Hải Dương còn rất lớn, do vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị: trường CĐ Hải Dương phải phối kết hợp tốt với Sở GD-ĐT Hải Dương lên kế hoạch dài hơi trong bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh.

Bên cạnh đó, nhà trường phải chú trọng, chủ động trong việc xây dựng đội ngũ kiểm tra đánh giá giáo viên Tiếng Anh; trước mắt đội ngũ nhà trường chưa đủ năng lực đánh giá giáo viên Tiếng Anh theo chuẩn khung tham chiếu Châu Âu thì phải liên kết với các tổ chức trong nước có đủ năng lực để thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá. Đồng thời với đó là học hỏi, xây dựng đội ngũ kiểm tra, đánh giá của trường lớn mạnh, đủ trình độ, kinh nghiệm tiến tới tự kiểm tra, đánh giá năng lực giáo viên Tiếng Anh các bậc theo khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ của Châu Âu.

Song song với đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nhà trường phải cử giáo viên đi đào tạo một cách bài bản, chính quy, dài hạn về đánh giá năng lực giáo viên Tiếng Anh theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu tại nước ngoài để chủ động kế hoạch trong bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá giáo viên Tiếng Anh…./.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201204/Chu-dong-ke-hoach-trong-boi-duong-kiem-tra-danh-gia-GV-tieng-Anh-1960787/

Hè 2012: Học như… chơi, “thông hành ra thế giới”

Posted: 21 Apr 2012 06:58 AM PDT

Học ngoại khóa ở ILA, trẻ tìm hiểu về nhiều đất nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc, Canada và Nam Phi, có trải nghiệm mới mẻ về ẩm thực, phong tục, thể thao, về con người và cuộc sống ở những quốc gia này.

Học như… chơi

Trong suy nghĩ của trẻ, mùa hè là khoảng thời gian xả hơi sau một năm học vất vả, cũng là thời gian quý báu để vui chơi, thư giãn và tìm tòi, khám phá cuộc sống bên ngoài trường học. Tuy nhiên các bậc phụ huynh luôn băn khoăn làm thế nào để trẻ có thể vừa vui chơi vừa tiếp thu kiến thức mới mà vẫn có thời gian ôn tập những kiến thức đã học và duy trì thói quen học tập để không gặp khó khăn khi bước vào năm học kế tiếp.

Những năm gần đây, việc cho con tham gia các lớp học hè trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều phụ huynh. Trong đó có thể kể đến chương trình Anh ngữ đặc biệt dành cho hè 2012 của Trung tâm Anh ngữ ILA với nhiều hoạt động đặc sắc.
Ông Jake Henrich – đại diện ILA Việt Nam, cho biết: "Chương trình Anh ngữ hè của ILA là chương trình luôn được mong đợi bởi ILA đầu tư vào chương trình Anh ngữ Hè không chỉ ở giáo trình phù hợp, chú trọng tính thực tiễn để các em có thể ứng dụng ngay trong cuộc sống mà còn ở những hoạt động hè thật sự thú vị, ý nghĩa và có chiều sâu."

Theo ông Jake Henrich, chỉ khi có sự cân bằng giữa học và chơi trong mùa hè như chương trình Anh ngữ hè 2012 "Thông hành ra thế giới" của ILA, việc học hè mới không là gánh nặng cho các bạn nhỏ và các phụ huynh cũng sẽ yên tâm là con em mình gõ cửa mùa hè bằng niềm vui và trải nghiệm thú vị.

Các em vừa giỏi tiếng Anh hơn lại am tường về thế giới

Những ngày hội “Thông hành ra thế giới”

 

Ngoài ra, trong hè này, ILA còn tổ chức lớp IELTS cho thanh thiếu niên. Đây là khóa học được thiết kế để xây dựng nền tảng kỹ năng, chiến thuật và tiếng Anh học thuật cho kỳ thi IELTS. Đồng thời, có thêm lớp rèn luyện kỹ năng sống ở nước ngoài và luyện phát âm dành cho các bạn tuổi "teen" . Riêng các em nhỏ từ 6-11 tuổi sẽ có lớp chuyên văn phạm thông qua các kỹ năng viết và nói tiếng Anh đúng chuẩn.

Tại ILA, bằng kinh nghiệm nhiều năm trong đào tạo Anh ngữ, đội ngũ giáo viên 100% bản ngữ có trình độ và phương pháp giảng dạy mang tính tương tác cao, mỗi học viên luôn được học để nói tiếng Anh một cách chuẩn xác, lưu loát và tự tin nhất. Đồng thời, việc học tập thông qua các hoạt động vui chơi và ngoại khoá bổ ích chắc chắn sẽ tạo tinh thần hăng hái cho học viên, mang đến hiệu quả tích cực.

Chị Nhung (quận 3, TPHCM) chia sẻ: "Mình và con gái đều thấy rằng chương trình Anh ngữ hè của là khoá học rất lý thú. Bé nhà mình đang rất hào hứng chờ khoá học để được tham gia học tiếng Anh qua những tình huống cụ thể trong phim và tham gia Lớp nhảy hiện đại và Vườn thú cưng mini…

Riêng mình rất thích phần Hoạt động xã hội trong khoá học. Đây là hoạt động ý nghĩa, chắc chắc không chỉ con gái mình mà tất cả các cháu tham gia khoá học này sẽ có những bài học không chỉ về kỹ năng ngôn ngữ mà còn là tinh thần nhân ái và những trải nghiệm sống quý giá".

Có rất nhiều hoạt động bổ ích, lý thú đang chờ các em khám phá

Vũ Chiến

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/69151/he-2012--hoc-nhu--choi---thong-hanh-ra-the-gioi-.html

Chỉ tiêu

Posted: 20 Apr 2012 06:37 PM PDT

Điểm sàn - chỉ tiêu: 2 thông số ngược nhau

Năm 2011,Hiệp hội có văn bản gửi lên Bộ GD-ĐT kiến nghị bỏ “điểm sàn chung” trong tuyển sinh bởi kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thấp. Vậy năm nay Hiệp hội có kế hoạch gì trước điểm sàn không, thưa ông?

Năm trước, chúng tôi mới chỉ dừng lại ở đề nghị còn việc quyết là ở Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm điểm sàn không có gì ghê gớm lắm. Bởi hiện nay có 2 thông số ngược nhau giữa chỉ tiêu và điểm sàn.

Cụ thể, cái gọi là chỉ tiêu, các trường đã lấy thí sinh theo chỉ tiêu, mặc nhiên nó hình thành điểm cuối cùng. Có chỉ tiêu rồi mà lại có điểm sàn, đương nhiên 2 cái sẽ "chọi" nhau.

Nói có lý điểm sàn là bảo đảm trình độ tối thiểu nhưng điểm sàn có 3 môn trong 1 khối và đề thi mỗi năm một khác. Đối với đề thi nếu dễ thì điểm cao, nếu khó thì điểm thấp. Nếu đề thi phản ánh đúng thực trạng của học sinh và điểm sàn ở mức trung bình trở lên thì đạt yêu cầu nhưng điểm sàn dưới mức trung bình thì không đạt yêu cầu. Do vậy, chúng ta cần đổi mới tuyển sinh một cách cơ bản.

Theo đó, cách cơ bản nhất là đổi mới thi tốt nghiệp nhiều môn, trên cơ sở đó bằng cách này cách khác các trường tự tuyển học sinh vì thi đại học 3 môn vào 1 trường, một khối thì không thỏa mãn lắm. Trong 1 khối như khối A, có ngành nặng về Toán hơn, có ngành nặng về Sinh và Hóa hơn. Ví dụ: ngành Công nghệ thực phẩm, môn Hóa và Sinh rất quan trọng nhưng với trường ĐH Bách khoa thi vào ngành Công nghệ thực phẩm mà thi khối A thì không ổn.

Theo ông, vì sao các trường đại học ngoài công lập khó tuyển sinh?

Vấn đề thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất của nhiều trường ngoài công lập cũng là mặt hạn chế tuyển sinh có phải vậy không thưa ông?

Đôi khi chúng ta nói về một số trường thì cho rằng đó là đại diện cho hệ thống các trường NCL. Xin thưa rằng, tuyệt đại đa số các trường NCL hiện nay cơ sở vật chất là tốt. Những trường không có đất đai hiện còn rất ít, thậm chí có trường cơ sở vật chất tốt khiến nhiều trường công lập phải mơ ước. Tôi xin nói lại, sự không bình đẳng về học phí trong sinh viên công lập và dân lập nhà nước nhất quyết phải giải quyết.

Thưa ông, công bằng chứ không phải cào bằng vì những học sinh yếu kém đã có hệ thống trường nghề, trung cấp, hà cớ gì cứ phải vào đại học để đòi sự bình đẳng?

Cái đó là mặt khác của vấn đề. Tôi chỉ nói riêng về trình độ đại học thôi vì các em lựa chọn đầu tiên là các trường công lập mà nhiều khi trường công lập chất lượng cũng không được cao lắm vì được nhà nước đảm bảo 70% chi phí đào tạo, những trường có tiếng thì đương nhiên họ có sự hấp dẫn riêng rồi.

Chúng ta không có yêu cầu sự cào bằng là học kém đòi đối xử ngang hàng với người học giỏi. Nhưng tôi chỉ yêu cầu những người có năng lực học như nhau, thì phải được đối xử như nhau. Lẽ ra tất cả sinh viên dù học ở đâu cũng phải được nhà nước tài trợ như nhau trong quỹ ngân sách của mình vậy mới công bằng vì học ở đâu cũng ra làm cho xã hội. Chứ không thể kéo dài sự mất bình đẳng như hiện nay.

Chúng ta không yêu cầu học sinh kém vào đại học mà có thi cử đàng hoàng.

Nếu thực hiện như vậy thì mâu thuẫn với với chủ trương xã hội hóa giáo dục phát triển hệ thống các trường NCL hiện nay, thưa ông?

Giả dụ nhà nước tập trung nguồn lực tài trợ 100% vào một số trường đại học trọng điểm, đó là những trường đào tạo chất lượng cao, trung tâm khoa học lớn đào tạo vào các lĩnh vực phục vụ công ích, công quyền, phục vụ đối tượng chính sách. Còn lại nhà nước tài trợ bình đẳng như nhau giữa trường công và trường tư. Trong trường hợp đó chúng ta vẫn huy động lực lượng ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng trường, sở nhưng không có nghĩa số đó lại gánh chi phí đào tạo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-587186/chi-tieu-diem-san-choi-nhau.htm

Đẩy mạnh phong trào thi đua để thúc đẩy chất lượng GD-ĐT

Posted: 20 Apr 2012 06:36 PM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay 20/4, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Công đoàn Giáo dục 06 tỉnh Vùng thi đua Bắc Trung Bộ đã tổ chức giao ban đánh giá công tác năm học 2011-2012. Tới dự có ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam; ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An; ông Nguyễn Tử Phương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An. 

Ngành giáo dục và đào tạo 06 tỉnh Bắc Trung bộ hiện có 6.100 trường học với 184.196 cán bộ, giáo viên (Thanh Hoá 2.164 trường – 57.048 cán bộ, giáo viên; Nghệ An 1.571 – 52.347; Hà Tĩnh 829 – 24.124; Quảng Bình 615 – 16.815; Quảng Trị 338 – 14.170; Thừa Thiên-Huế 583 – 19.692).

Trong năm học 2011-2012, việc làm và thu nhập của cán bộ, giáo viên cơ bản ổn định; các chế độ, chính sách tiếp tục được thực hiện đầy đủ, đặc biệt số giáo viên được tuyển dụng sau khi chuyển đổi loại hình trường bán công sang công lập rất phấn khởi; chế độ phụ cấp thâm niên được thực hiện trong toàn ngành đã góp phần động viên giáo viên yên tâm công tác. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của các tỉnh trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn, giá cả sinh hoạt tăng cao, phần nào đã ảnh hưởng đến đời sống của nhà giáo, đặc biệt là số nhà giáo trẻ mới ra trường, lao động hợp đồng, nhân viên trong các cơ sở giáo dục. Điều kiện làm việc của nhà giáo vẫn còn thiếu thốn,  nhất là các huyện vùng cao.

Thực hiện chức năng của tổ chức công đoàn, trong năm học 2011-2012, CĐGD 06 tỉnh Bắc Trung Bộ đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn tạo điều kiện thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động. Trong quá trình chuyển đổi loại hình trường bán công sang công lập, 15.960 cán bộ, giáo viên mầm non đã được tuyển vào biên chế (Thanh Hóa 8.483, Nghệ An là 5.864, Quảng Bình 1613). Các hoạt động nhằm nâng cao đời sống của cán bộ, giáo viên thường xuyên được đẩy mạnh. CĐGD Thanh Hóa đã đóng góp hỗ trợ xây dựng 08 nhà công vụ giáo viên, sửa chữa 02 công trình khác với tổng kinh phí 2.710 triệu đồng. CĐGD Hà Tĩnh hỗ trợ xây 5 nhà “Mái ấm công đoàn” trị giá 75 triệu đồng; tặng quà cho 5 giáo viên bị bệnh hiểm nghèo 5 triệu đồng; trợ cấp cho nhà giáo nhân dịp Tết Nhâm Thìn 200 triệu đồng. CĐGD Thừa Thiên-Huế chi trên 350 triệu đồng trợ cấp cho 1000 trường hợp và xây dựng 2 nhà tình nghĩa. CĐGD Nghệ An tổ chức tặng quà cho 91 cán bộ, giáo viên phải nằm điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong dịp ngày Nhà giáo Việt Nam. CĐGD Quảng Bình trao nhà tình nghĩa cho cô giáo Trương Thị Oanh. CĐGD Quảng Trị phối hợp với Hội cựu giáo chức tỉnh tổ chức lễ mừng thọ cho 61 cựu giáo chức có tuổi đời từ 80 trở lên và hỗ trợ 19 cựu giáo chức gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 19 triệu đồng. CĐGD 06 tỉnh Bắc Trung Bộ còn đẩy mạnh phong trào chia sẻ khó với vùng cao, vùng xa. Ở Thanh Hóa, mỗi cán bộ, giáo viên góp 100.000 đồng, được gần 1 tỉ đồng và hàng ngàn bộ sách giáo khoa, 400 chăn bông, 3.250 áo ấm hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, học sinh nghèo. Con số đó của Hà Tĩnh là gần 5 tỷ đồng hiện vật, Quảng Bình 950 triệu đồng, Thừa Thiên-Huế 831 triệu đồng,

Tham gia quản lý trường học thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua và các cuộc vận động là hoạt động nổi bật của CĐGD 06 tỉnh Bắc Trung Bộ trong năm học 2011-2012. Cùng với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được các Sở, CĐGD các tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả và đã có tác động rất lớn đến việc nâng cao phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên. Chất lượng đội ngũ nhà giáo trong khu vực được nâng lên, nhất là trình độ tin học, ngoại ngữ. và tinh thần tận tuỵ với nghề, ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao. Đại đa số nhà giáo đã tiếp cận được phương pháp dạy học mới, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý giáo dục một cách hiệu quả.

Một vấn đề nổi bật cần phải nhắc đến đó là việc CĐGD 06 tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục chỉ đạo củng cố tổ chức công đoàn các cấp; xây dựng và hoàn chỉnh các qui chế hoạt động của ban chấp hành, của ủy ban kiểm tra, ban nữ công, phối hợp hoạt động giữa lãnh đạo chuyên môn và ban chấp hành công đoàn cùng cấp. Công tác kiểm tra thường xuyên được duy trì. Năm học 2011-2012, Ủy ban kiểm tra CĐGD Quảng Trị đã kiểm tra 24 công đoàn cơ sở trực thuộc và 01 Công đoàn Giáo dục huyện; CĐGD Nghệ An kiểm tra 25 công đoàn cơ sở…. CĐGD 06 tỉnh Bắc Trung Bộ còn tập trung chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ủy ban kiểm tra công đoàn từng bước đi vào nền nếp, đảm bảo việc thực hiện công tác giám sát và giải quyết các kiến nghị của đội ngũ cán bộ giáo viên trong các trường học.

Hội nghị giao ban CĐGD 06 tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đã nêu nhiều kiến nghị đối với các cấp: Với CĐGD Việt Nam, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục kiến nghị để đối tượng giáo viên đã về hưu trong khoảng từ ngày 01/4/1993 đến ngày 30/4/2011 được hưởng phụ cấp thâm niên giáo dục. Đối với Bộ GDĐT, đề nghị Bộ phối hợp với các Bộ liên quan nghiêm cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành chế độ thâm niên đối với cán bộ công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục và chính sách thu hút học sinh giỏi vào học các trường sư phạm; trên cơ sở Nghị định số 115/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 47 của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ, hai Bộ cần có văn bản chỉ đạo gửi UBND các tỉnh và tổ chức kiểm tra, đôn đốc để thực hiện thống nhất việc phân cấp quản lý giáo dục trên toàn quốc, chấm dứt tình trạng thực hiện văn bản quy phạm pháp luật theo kiểu "tuỳ thích" của từng địa phương.

 Minh Đức

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201204/Day-manh-phong-trao-thi-dua-de-thuc-day-chat-luong-GDDT-1960765/

Đã đến lúc có đủ điều kiện để nói đến chất lượng!

Posted: 20 Apr 2012 06:36 PM PDT

(GDTĐ)-"Các trường ngoài công lập (NCL) nói chung, trong đó có các trường ĐH, CĐ là một bộ phận của hệ thống giáo dục, hệ thống các trường ĐH, CĐ. Mỗi thành công, thắng lợi của các trường NCL sẽ góp phần vào thành công, thắng lợi của ngành giáo dục và mỗi sự hạn chế, tiêu cực của nhà trường cũng là yếu kém của ngành, là yếu kém trong sự quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ" – Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khẳng định tại Đại hội nhiệm kỳ II Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Đại hội nhiệm kỳ II Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam.Ảnh: gdtd.vn

Ngoài công lập – Tại sao xã hội còn băn khoăn?

Trong quá trình phát triển, các trường NCL, trong đó có các trường ĐH, CĐ có bước phát triển nhanh chóng, từ con số 45 trường năm 2006 hiện lên đến 82 trường. Do số lượng các trường NCL tăng nên mạng lưới các trường ĐH, CĐ chung của Việt Nam có sự thay đổi về chất. Gần đây còn có thêm sự xuất hiện của các trường có yếu tố nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc tăng các loại hình trường đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của mạng lưới ĐH, CĐ Việt Nam đồng thời tạo nên sức ép về sự phức tạp trong công tác quản lý, đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới quản lý.

Bên cạnh đó, nhiều trường NCL được thành lập ở những vùng miền có ít trường ĐH, CĐ, nhiều địa phương khó khăn như Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Điều này làm giảm sự mất cân đối về mật độ trường ở các vùng miền; tạo cơ hội học tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa …

Quy mô học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ NCL chiếm gần 15% trong tổng số sinh viên toàn quốc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đó là con số không nhỏ. Trong số này, có không ít sinh viên đã thành thạc sĩ, tiến sĩ, trở thành giảng viên của các trường ĐH, tham gia vào các ngành nghề của kinh tế xã hội và làm rất tốt.

Không ít trường ĐH, CĐ NCL được xây dựng rất bài bản. Các nhà quản lý, các nhà đầu tư ở những trường này đã rất chú ý xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo chất lượng, chú ý đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý. Cũng có không ít trường NCL đã rất chú ý đến công tác nghiên cứu khoa học trong đó có nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực trên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL còn tồn tại không ít hạn chế. Không ít trường điều kiện đảm bảo chất lượng rất thiếu thốn, không đủ; chưa có trường, chưa có chỗ học, đội ngũ giáo viên thiếu, đội ngũ cán bộ quản lý ít kinh nghiệm; giáo trình chưa đủ. Cá biệt có trường NCL chưa chú ý đến việc đầu tư sau khi có quyết định thành lập.

Khẳng định điều này có lỗi của cơ quản lý đó là không giám sát, không căn cứ vào thực tế thực hiện cam kết đó để cấp phép, nên tạo ra một sự dễ dãi, không có chuẩn, nhưng Bộ trưởng cho rằng, nói như vậy không có nghĩa là các trường NCL không có lỗi khi không thực hiện các cam kết của mình khi xin thành lập trường.

Về kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đào tạo, điều hành nhà trường, cá biệt, trường này trường kia còn chưa hoàn chỉnh, thậm chí buông lỏng, vi phạm pháp luật. Tình trạng mất đoàn kết, chủ yếu là giữa hội đồng quản trị và hiệu trưởng, trong không ít trường kéo dài.

"Tôi thấy Quy chế cần thay đổi nhưng không thể  làm ngay được. Chúng tôi cũng sẵn sàng thay đổi nếu thấy tốt hơn. Nhưng cũng phải xem lại, cũng vẫn quy chế đó, "bầu trời" đó vì sao ĐH Thăng Long và rất nhiều ĐH khác hoạt động bình thường, tốt, không có vấn đề gì. Do vậy, không hẳn mọi chuyện do quy chế. Tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, tác động đến toàn ngành giáo dục. Kể cả các trường công lập cũng có những dấu hiệu, những biểu hiện này.  Những hiện tượng tiêu cực trên đây không phải phổ biến, mà chỉ là cá biệt. Nhưng rất tiếc là những khuyết điểm này đã làm ảnh hưởng tới sự tin tưởng của xã hội, không chỉ các trường ngoài công lập mà với ngành, của chung hệ thống" – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Thầy trò Trường ĐH Thành Đô trong giờ học thực hành. Ảnh: gdtd.vn
Thầy trò Trường ĐH Thành Đô trong giờ học thực hành. Ảnh: gdtd.vn

Đã đến lúc có đủ điều kiện để nói đến chất lượng

Để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ GDĐT đang cùng Ban Tuyên giáo TW và các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị đề án để thảo luận tại Hội nghị Trung ương VI.

Quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương III khẳng định tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng dựa trên sự nâng cao chất lượng, giáo dục cũng phải triển khai vì giáo dục là nhằm cung cấp nhân lực cho các địa phương để thực hiện CNH, HĐH, thực hiện tái cấu trúc mô hình tăng trưởng. Đổi mới mô hình giáo dục cần phải đi tiếp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo.

Khẳng định những kết quả đã đạt được của giáo dục đào tạo trong 20 năm đổi mới là hết sức to lớn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, đã đến lúc chúng ta đặt vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của giáo dục đào tạo. Đó cũng là yêu cầu của cuộc sống. Trên thực tế, Bộ GDĐT đã triển khai một số hoạt động để đổi mới mô hình quản lý, chỉ đạo ngành phát triển theo hướng chất lượng.

Nghị định 115 về phân cấp, Bộ GDĐT giao nhiều quyền cho các trường ĐH. Bộ cũng đang có ý định giao chương trình khung cho các trường. Bộ không làm nhiệm vụ chuyên môn mà tập trung quản lý nhà nước. "Kể cả việc mở ngành, mở trường, chúng tôi đang có ý định giao các trường tự làm, nếu tốt thì khen thưởng, không tốt sẽ chịu phạt. Bộ GDĐT cũng sẽ minh bạch các chính sách, đường lối, đồng thời yêu cầu nhà trường cũng phải công khai minh bạch. Chỉ tiêu tuyển sinh cũng giao cho các trường dựa trên quy định chung về đảm bảo chất lượng" – Bộ trưởng cho hay.

Nhận định những thay đổi trên có thể chưa đồng bộ, những bước đầu tiên có thể chưa nhuần nhuyễn, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL; trong quá trình thực hiện nếu có gì bộc lộ chưa đúng, chưa đủ có thể phản ánh để cùng xem xét thảo luận và tìm cách thảo gỡ; đồng thời cũng có giám sát lại Bộ GDĐT khi xuống cơ sở thực thi nhiệm vụ.

"Một mặt giao nhiều quyền cho các hiệu trưởng nhưng chúng tôi cũng sẽ tăng cường rất mạnh vịêc thanh tra kiểm tra và xử lý rất nghiêm khắc. Chúng tôi quán triệt tinh thần Nghị quyết TW IV, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều tránh việc nói không làm, nói nhiều làm ít" – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Hiếu Nguyễn (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201204/Da-den-luc-co-du-dieu-kien-de-noi-den-chat-luong-1960773/

Việt Nam cải thiện hiệu quả giáo dục rất ấn tượng

Posted: 20 Apr 2012 06:36 PM PDT

(GDTĐ)- Ngày 20/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người. Báo cáo này được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác Phát triển Vương quốc Bỉ và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh.

 

Theo báo cáo này, Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng trong việc cải thiện hiệu quả giáo dục trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Tỉ lệ biết chữ và tỉ lệ đến trường ở Việt Nam khá cao so với các nước khác trong khu vực và trong cùng một nhóm thu nhập.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc thu hẹp khoảng cách về tiếp cận cơ hội học tập giữa các nhóm dân cư khác nhau và trong việc cải thiện chất lượng dạy và học nhằm phát triển các kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động.

Để giải quyết các thách thức này, Việt Nam cần ưu tiên hơn trong cấp ngân sách công cho ngành giáo dục, cải thiện hiệu quả chi tiêu và nâng cao chất lượng quản lý trường học và sư phạm.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201204/Viet-Nam-cai-thien-hieu-qua-giao-duc-rat-an-tuong-1960769/

Câu chuyện thầy tôi

Posted: 20 Apr 2012 06:35 PM PDT

Câu chuyện thầy tôi

TTO – Ngày ấy, nghĩa là bảy năm trước, tôi là cô học trò từ xã nghèo ra thị xã học. Cách nhau chỉ 15 cây số mà ở đây như một chân trời mới lạ. Bạn nào cũng xinh, ra dáng và không luộm thuộm, xuề xòa như mấy đứa quê tôi.

Tiết học toán đầu tiên ở ngôi trường mới làm tôi thật sốc. Bản thân là đứa học giỏi toán thế mà đúng câu hỏi dễ tôi lại như người bị xịt keo, trả lời sai bét, làm cả lớp có trận cười no nê. Từ đó, tôi bỗng dưng có một nỗi sợ với môn toán lẫn thầy dạy toán.

Trường tôi có một thông lệ là những môn chính sẽ do một giáo viên đảm nhiệm trong ba năm, thế là tôi đối diện với thầy trong ba năm cấp III ấy. Dần dần tôi cũng quen và học tốt hơn, điểm toán không cao nhưng điểm trung bình các môn cũng thuộc hàng top của lớp, nhưng toán không còn là niềm đam mê như khi xưa nữa.

Ở thị xã hầu như đứa nào cũng đi học thêm, còn tôi là một đứa lười biếng nên làm gì có chuyện học thêm, mà mọi người luôn đi học đúng giáo viên trong lớp vì mong muốn kiểm tra đúng đề. Tôi lại càng bất an hơn, sợ bị “đì” nhưng vẫn không đi học do tốn tiền và quá lười. Ngày qua ngày, tôi đạp xe vào nhà sách để… đọc truyện.

Đến lớp 12, thầy cho làm bài kiểm tra thường xuyên. Tôi vẫn làm bài tốt và rất nhiều lần chỉ bài bạn. Thầy thấy, thế là tôi bị thu bài sớm nhưng may mắn tôi đã làm xong. Tôi không sợ điểm thấp nhưng rất sợ những ánh mắt ái ngại của bạn bè dành cho tôi, mà tôi có hỏi bài đâu chứ, tôi chỉ đứa kế bên kia mà. Tôi ức lắm nhưng không biết làm sao và vốn dĩ cái tự tôn của tôi bằng trời.

Lại thêm một lần kiểm tra tương tự nữa, lần này tôi cũng làm xong, cũng chỉ bài bạn, có lẽ như cái tuổi nổi loạn ấy thì chỉ bài bạn là cách thể hiện đẳng cấp và tình cảm bạn bè hay sao ấy. Kịch bản tương tự diễn ra, tôi bị thầy nhắc kêu nộp bài kèm theo đó là một câu mắng khiến tôi choáng váng: "Diệp, sao lần nào em cũng hỏi bài bạn vậy, không biết thì thôi, sao em quan trọng thành tích đến vây chứ? Tất cả chỉ là điểm ảo".

Lúc đó tôi rất sốc, tôi khóc nức nở, khóc vì oan ức. Tôi làm gì hỏi bài đứa nào đâu, tôi làm được hết cơ mà. Từ đó hình ảnh thầy trong tôi càng đáng sợ hơn, sao thầy ghét mình thế, mấy bạn trong lớp có bị thế đâu? Và cuối cùng tôi kết luận rằng mình không đi học thêm thầy nên thầy ghét phải rồi. Lúc đó tôi thật kinh tởm thầy, không lẽ chỉ vì tiền mà thầy đối xử với tôi như thế. Tôi ghét lắm, sợ và cả ám ảnh nữa.

Thế rồi mùa thi cũng đến, tôi thi ĐH Bách khoa và ĐH Y dược, may mắn thay tôi đậu cả hai. Lúc đó tôi nghĩ trong đầu: Thầy mà biết được thì sốc cho coi, đứa thầy ghét lại trong top đậu cao của trường, lúc này ai dám nói tôi hỏi bài coi. Tôi hả hê lắm lắm.

Bẵng đi mấy năm đại học, lớp tôi họp lớp, tôi cũng không thèm đi mặc dù chính tôi là chủ xị vụ này với lý do chỉ mình tôi biết: thăm thầy toán. Tôi mất tích ngần ấy năm đại học. Tình cờ lúc về thăm nhà, ngồi nói chuyện với cha tôi, cha mới nói có ông thầy nào đó thường ghé hỏi thăm con lắm.

Tôi ngạc nhiên và mới vỡ lẽ đó là thầy, tôi không thể hiểu nổi. Thầy ghét tôi đến thế cơ mà. Gặp lại vài đứa bạn cũ, nói chuyện tầm phào với tụi nó, tôi mới hiểu ra rằng trong ngần ấy năm qua thầy luôn luôn dõi theo tôi bằng nhiều cách. Thầy luôn biết được tôi đang ở khu vực nào, sống và học tập ra sao.

Thế đấy bạn ạ, có những sự việc xảy ra làm chúng ta không thể hiểu nổi nhưng đến một lúc nào đó ta chợt hiểu ra rằng: "Mọi việc đều có lý do của nó". Tôi nhận ra thầy làm thế chỉ để tôi vững vàng, cứng rắn, có cách đối xử đúng đắn hơn với bạn bè và người xung quanh chứ không phải bằng sự ngông cuồng và hiếu thắng.

Cuộc sống của một kiếp người cũng lạ thay, quan tâm thì cứ thể hiện, sao cứ mãi giấu giếm gây ra nhiều sự hiểu lầm. Dẫu biết có những hiểu lầm khi biết được thì hạnh phúc đến nhường nào.

Có lẽ trong một lúc nào đó, ở độ tuổi nào đó, ta nhìn nhận vấn đề theo sự nông nổi và cái tôi của bản thân, để rồi căm ghét và oán giận một người nào đó. Nhưng đến khi trưởng thành hơn, đủ sáng suốt hơn thì nhận ra rằng những người đó chấp nhận cho ta ghét họ, hận họ để ta cố gắng hơn. Họ gieo vào đầu ta sự giận dữ, căm ghét để rồi ta thay đổi và phấn đấu theo hướng tích cực. Thầy tôi là thế đó. Cuộc sống thật đẹp khi ta hiểu ra những tình cảm chân thành nhất.

PHẠM THỊ NGỌC DIỆP (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/487905/Cau-chuyen-thay-toi.html

Chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng GD

Posted: 20 Apr 2012 06:35 PM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay 20/4/2012 tại Tp. Thanh Hóa, thực hiện chương trình công tác năm 2012, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị công tác văn phòng các Sở GDĐT toàn quốc và tập huấn công tác văn phòng năm 2012 với sự tham dự của đông đảo đại biểu là các Chánh văn phòng, chuyên viên văn phòng đến từ 63 tỉnh thành trong cả nước; các đồng chí nguyên là Chánh văn phòng Sở GDĐT đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Tham dự Hội nghị có PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Chánh văn phòng Bộ GDĐT, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng đại diện một số Cục, Vụ chức năng của Bộ GDĐT. PGS.TS Trần Quang Quý – Thứ trưởng Bộ GDĐT dự  khen thưởng và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Các đại biểu tham gia Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong năm qua, Văn phòng Bộ GDĐT đã có nhiều đổi mới, khoa học, phát huy khả năng chủ động sáng tạo với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn triển khai đạt kết quả cao các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong công tác điều hành quản lý của Bộ. Về phía các địa phương, các Sở GDĐT đã làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Sở GDĐT, trình lãnh đạo ở địa phương và ban hành các văn bản chỉ đạo ngành GDĐT. Công tác thông tin 2 chiều giữa Văn phòng Bộ và Văn phòng các Sở đã đi vào nề nếp và đạt hiệu quả tích cực. Văn phòng Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng các Sở tổ chức thành công các Hội nghị lớn của ngành.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp ý kiến vào Dự thảo Khung kế hoạch thời gian năm học 2012 – 2013; và Dự thảo đề cương Báo cáo tổng kết năm học 2011 – 2012. Trong khuôn khổ Hội nghị, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến văn phòng cũng được thực hiện như: Tập huấn công tác thi đua và khen thưởng; Tập huấn công tác văn phòng. Sau khi nghe ý kiến góp ý của đại diện văn phòng các Sở GDĐT, thay mặt lãnh đạo Văn phòng PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Chánh Văn phòng Bộ đã ghi nhận và cùng với đại diện các Cục, Vụ chức năng, Phòng Thi đua khen thưởng trả lời, giải đáp thấu đáo các câu hỏi của đại biểu. Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GDĐT trao bằng khen cho 17 tập thể Văn phòng Sở GDĐT cùng 57 cá nhân đã có thành thích xuất sắc trong công tác văn phòng năm 2011, những tập thể và cá nhân này đã có những đóng góp xuất sắc cho hoạt động chung của ngành. Hội nghị cũng chứng kiến buổi gặp mặt chia tay đầy cảm động với các đồng chí Chánh văn phòng Sở GDĐT đã nghỉ chế độ và chuyển công tác khác, đồng thời giới thiệu các chánh văn phòng Sở GDĐT mới được bổ nhiệm năm 2012 này.

Thứ trưởng Trần Quang Quý trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc
Thứ trưởng Trần Quang Quý trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quang Quý đã ghi nhận những cố gắng của các cán bộ làm công tác Văn phòng Bộ, Văn phòng các Sở GDĐT. Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của các tập thể, cá nhân văn phòng đã cùng với toàn ngành GD, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2011-2012.

Thứ trưởng biểu dương và khẳng định đây là lực lượng quan trọng, vừa thực hiện chức năng phục vụ, vừa đảm đương vai trò tham mưu cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Sở về chương trình, kế hoạch công tác, về giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phát triển GD của cả nước cũng như của các địa phương.

Thứ trưởng Trần Quang Quý: Cần tổ chức tốt, nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu chỉ đạo HN

Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới nhiệm vụ cần làm của các Sở GDĐT là tổ chức tốt, nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT, chuẩn bị tốt công tác tổng kết năm học 2011 – 2012 và nhiệm vụ năm học mới, đồng thời tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, trong đó có việc đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, có hình thức khen thưởng các cá nhân, tập thể, các nhà hảo tâm có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh: Đây là năm thứ 2 toàn ngành Giáo dục thực hiện  Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Ngành Giáo dục cần chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện những giải pháp đột phá và lâu dài nhằm phát triển sự nghiệp GDĐT. Trong đó, các Sở GDĐT cần bám sát và thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Thực hiện tốt công tác tài chính và tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục. Thứ Trưởng cũng đề nghị toàn ngành phối hợp với Cần Thơ tổ chức tốt Hội khoẻ Phù Đổng vào tháng 8/2012 tới đây.

Yên Thúy

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201204/Chu-trong-phat-trien-quy-mo-nang-cao-chat-luong-GD-1960771/

Comments