Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nhất văn quốc gia: Sách gối đầu giường là sử ký

Posted: 18 Apr 2012 06:01 AM PDT

– Với Trần Anh Đức, giải nhất văn quốc gia 2012 thì tìm hiểu những con người chỉ còn trong cát
bụi sẽ càng thêm yêu đất nước hơn. Sách gối đầu giường của Đức là Đại Việt Sử ký toàn thư.

Trần
Anh Đức – Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn. Trong ảnh: Anh Đức chụp chung với bạn cùng lớp 12 Chuyên Văn, Trường THPT
Chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội)


Văn chương và "cái giếng không đáy"

Phóng viên: Đâu là lý do em  lựa chọn theo học  môn văn?

Trần Anh Đức: Em may mắn khi sinh ra trong
gia đình có truyền thống về văn. Mẹ em hiện là giáo viên dạy văn. Bản thân em
nghĩ mình có chút năng khiếu về văn và muốn phát triển nó, không để nó bị thui
chột, chết yểu.

Ngoài sự giúp đỡ của mẹ, em cảm nhận và tiếp thu
một tác phẩm văn chương khá nhanh cùng một trí nhớ không tồi. Tất nhiên muốn học
tốt môn nào thì phải có tình yêu. Không thể cố gắng để yêu ai đó, tất cả phải
xuất phát từ sự tự nguyện..

Cách em tìm hiểu, thấm nhuần ý từ, ngôn từ của
một tác phẩm văn học là gì?

Đầu tiên bao giờ cũng phải hiểu và nhớ. Thơ thì
phải nhớ đoạn, còn với văn là chi tiết. Em nghĩ cũng phải có thêm năng khiếu để phát
hiện những ý hay trong đó nữa. Vì không phải chi tiết, bộ phận nào trong tác
phẩm văn học cũng giống nhau, có đoạn là điểm sáng thể hiện rõ nhất thần thái,
tư tưởng của tác phẩm ấy. Để hiểu về câu chữ, biện pháp nghệ thuật,…không khó
bằng hiểu nội dung của tác phẩm.

Hãy sống, trải nghiệm cuộc sống sẽ hiểu văn
chương nhiều hơn. Bản thân em thấy mình chưa thể hiểu hết kể cả những tác phẩm
mình có sở trường viết dù rất quen thuộc. Tác phẩm văn chương là cái giếng không
đáy, thật khó để chạm đến tận sâu của nó.

Cần những người dám nói thật!

Sắp tới kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, em có
thể chia sẻ cách học để thi tốt của mình?

Rèn luyện kiến thức môn xã hội như văn học theo
suy nghĩ thông thường và em nghĩ có phần đúng là phải học thuộc lòng. Còn phân tích tác phẩm văn học muốn thật hay, thật sâu
sắc là vấn đề của cả cuộc đời.

Nếu nói học để thi có lẽ dễ hơn nhiều. Đầu tiên
là phải thuộc văn bản đã. Không thuộc thì giống như làm nông dân mà không có
đất vậy.

Thứ hai phải tóm tắt ý chính của văn bản: ý lớn
và ý nhỏ từ đó hệ thống lại như "cây phả hệ". Không cần phải đào sâu quá. Thi
tốt nghiệp và đại học chỉ yêu cầu nhớ căn bản.

Cuối cùng là cách viết, trình bày. Viết thế nào
là quá trình rèn luyện 12 năm. Không thể lúc này mới rèn được. Giờ là lúc bạn
hoàn thiện nó và cách diễn đạt, bố cục phải chuẩn.

Câu văn không cần cầu kỳ nhưng phải mạch lạc,
trong sáng. Giám khảo- những thầy cô họ cũng là con người, cũng có cảm xúc. Bài
viết sạch sẽ, mạch lạc sẽ tạo hứng thú và nhận được đánh giá cao.

Em không luyện viết nhiều. Có lẽ nó ở trong đầu.
Viết chỉ là cách chuyển tải ý nghĩ lên trang giấy. Trên lớp em tập cho mình cách
nói, diễn thuyết thật lưu loát, mạch lạc mà không cần chuẩn bị. Khi đó mình  nói
cũng như viết rồi.

Đó là những điều cơ bản, em còn muốn chia sẻ
gì nữa không?

Tất nhiên, để làm tốt nhất bạn phải đọc nhiều. SGK
có nhiều văn bản lược trích, trích đoạn,…Bạn nên đọc chỉnh thể, nguyên bản tác
phẩm, tác giả để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc.

Văn học rất cần những người dám nói thật. Không
phải đọc rồi bê nguyên ý của ai đó khi bạn không đồng tình với quan điểm của họ.
Nhưng hãy lấy đó làm tham khảo. Sự không chân thực, gượng ép giả dối thường dễ
phát hiện và chẳng ai muốn như vậy.


 

Đam mê văn học,
Trần Anh Đức đã lựa chọn theo đuổi nó để khả năng của mình không bị thui chột
hay chết yểu


Trong cuộc sống  em có phải là người dám nói
thẳng, nói thật?

Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người.
Nhưng em có lẽ không phải người “mất lòng trước hơn được lòng sau”.

Em rất sợ
người khác mất lòng và nghĩ vẫn có thể dùng lời lẽ khéo léo để nói chính kiến để
người khác nghe mình.

Ngôi trường nơi em đang theo học là mơ ước của
nhiều học sinh. Nhưng có ý kiến cho rằng Ams phần nhiều dành cho những bạn có
điều kiện. Gia đình em bố mẹ đều là công chức, cuộc sống bươn trải vất vả. Điều
đó có khiến em phải suy nghĩ không?

Đúng là ở Ams nhiều bạn gia đình khá giả, nhà
giàu, thậm chí rất giàu nhưng mọi người ở đây sống không hề có khoảng cách, em
với các bạn cũng vậy.

Tiền bạc vật chất không làm nên tính cách con người. Đừng
vội đánh giá ai đó bằng bộ quần áo họ mặc trên người. Có thể lấy trường hợp như
em Nguyễn Trung Hiếu là ví dụ cho sự gắn kết nơi đây.

Muốn làm tư pháp

Ham mê văn học như vậy, em có cuốn sách gối
đầu giường nào không?

Tới nay, em cũng đã có cho mình một tủ sách nho
nhỏ, chắc khoảng trên dưới 100 cuốn. Mặc dù ham mê văn học nhưng em lại yêu
thích lịch sử vì nói về sự kiện lịch sử. Những con người giờ chỉ còn trong cát
bụi nhưng càng tìm hiểu bạn sẽ càng thêm yêu đất nước hơn. Có vẻ hơi hàn lâm và
khô khan khi cuốn sách gối đầu giường của em là Đại Việt Sử ký toàn thư (cười).

Ngoài ra em cũng rất thích bộ Tây du ký của Ngô
Thừa Ân (Trung Quốc). Sách nói về yêu ma quỷ quái nhưng lại là hiện thân con
người trên trần thế, những bài học cuộc sống được thể hiện sinh động và rất thú
vị.

Em dành bao nhiêu thời gian lên mạng Internet?

Giống như nhiều bạn, em lên mạng nhiều, thậm chí
có khi cả ngày chủ yếu để đọc các trang báo trong và ngoài nước. Tất nhiên em
cũng dùng Facebook. Ngày nay thế giới "ảo" ngày càng có tác động lớn đến đời
sống thực.

Dẫu thế, em vẫn không ít lần "cháy túi" vì cái cảm
giác hứng thú khi được giở từng cuốn sách, ngửi mùi thơm của những trang giấy và
thả hồn thật lâu bên trang sách.

Thi thoảng lật lại những cuốn đã đọc bạn sẽ
phát hiện ra nhiều điều thú vị mà có khi mình bỏ quên ở tác phẩm nào đó. Sách sẽ
theo bạn suốt cuộc đời, ở lại cùng bạn với tư cách như người bạn vậy.

Em đã có định hướng gì cho tương lai của mình?

Kế hoạch của em là thi vào trường luật, học
ngành tư pháp. Bố mẹ thì luôn tin tưởng và ủng hộ quyết định của con mình.

Đất
nước ta đang trên con đường xây dựng xã hội pháp quyền. Để tạo ra xã hội hài hòa
ngành tư pháp càng phải phát triển nhanh thậm chí đi trước đón đầu.

Biết đâu sau này em có thể soạn thảo bộ Luật hay
làm gì đó đóng góp cho ngành Tư pháp thì sao (cười tươi).

Cảm ơn em! Chúc em sớm thành công với những dự
định của mình!

 Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/68587/nhat-van-quoc-gia--sach-goi-dau-giuong-la-su-ky.html

Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở môn thiếu GV theo định mức

Posted: 18 Apr 2012 06:01 AM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo thông tư liên tịch Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Khi có hiệu lực thi hành, thông tư này sẽ thay thế thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGĐT-BNV-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2008 của liên Bộ GDĐT – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đối tượng áp dụng gồm: Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương và đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm trại, phòng thí nghiệm; Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở các cơ sở giáo dục mầm non dạy 2 buổi/ngày và ở cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên, TCCN, dạy nghề, ĐH, bộ môn thiếu nhà giáo theo định mức biên chế. Các cơ sở giáo dục mầm non dạy 2 buổi/ngày, các cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên, TCCN, dạy nghề, ĐH, bộ môn đủ nhà giáo theo định mức biên chế, chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản, hoặc đi làm nhiệm vụ chuyên môn, học tập, bồi dưỡng do cấp có thẩm quyền điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay;

Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ chuyên môn, học tập, bồi dưỡng do cấp có thẩm quyền điều động;

Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư này không quá 200 giờ dạy/năm.

Định mức giờ dạy với giáo viên mầm non dạy 2 buổi/ngày là 1.050 giờ dạy/ năm; Giáo viên tiểu học: 805 giờ dạy/ năm; đối với giáo viên tiểu học dạy ở trường phổ thông dân tộc bán trú, dạy ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật: 735 giờ dạy/ năm; giáo viên THCS: 703 giờ dạy/ năm; giáo viên THCS dạy ở trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, dạy ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật: 629 giờ dạy/ năm; giáo viên THPT: 629 giờ dạy/ năm; giáo viên THPT dạy ở trường phổ thông dân tộc nội trú: 555 giờ dạy/ năm; giáo viên TCCN: Định mức giờ dạy/ năm của mỗi giáo viên do hiệu trưởng nhà trường quyết định cho từng năm học theo quy định; giáo viên giảng dạy trình độ sơ cấp nghề: 588 giờ dạy/ năm; Định mức giờ dạy/ năm của mỗi giáo viên giảng dạy trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề do hiệu trưởng nhà trường quyết định cho từng năm học theo quy định; giảng viên cao đẳng, đại học: Định mức giờ dạy/ năm của mỗi giảng viên cơ sở giáo dục đại học do hiệu trưởng (giám đốc) quyết định cho từng năm học theo quy định.

Số giờ dạy thêm/năm = [Số giờ thực dạy/năm + số giờ quy đổi hoặc miễn giảm (nếu có)] -  Định mức giờ dạy/năm.

Tiền lương dạy thêm giờ   =  Số giờ  dạy thêm/ năm  x  Tiền lương dạy thêm 1 giờ,

Tiền lương  dạy thêm 1 giờ  =  Tiền lương 1 giờ dạy  x 150%.
Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201204/Chi-thanh-toan-tien-luong-day-them-gio-o-mon-thieu-nha-giao-theo-dinh-muc-1960699/

Những nghề ‘hốt bạc’ bất ngờ

Posted: 18 Apr 2012 06:00 AM PDT

- Ít ai nghĩ rằng thu nhập của một số nghề như bán hàng
rong, dán điện thoại hay làm chìa khóa… lại cao gấp nhiều lần mức lương công
chức hiện nay.

Nghề 1 vốn 4 lời

Đó là nghề dán điện thoại, laptop được rất nhiều các bạn
nam sinh viên ưu thích. Để làm được công việc này, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ
"nghệ nhân" chỉ cần có một ít vốn, ra chợ trời tìm mua vài tấm đề can có màu sắc
bắt mắt, mấy miếng dán logo hay các hình ảnh mà giới trẻ đang ưa thích, một bộ
lưỡi lam, vài cái bật lửa ga, một cái bảng học sinh nhỏ… đủ để hành nghề.


Những nơi dán điện thoại, máy tính luôn hút khách, nhất là giới trẻ.

Nơi “giao dịch” là những địa điểm đông người qua lại, nếu
là nơi có nhiều cửa hàng điện thoại di động, máy tính xách tay thì hút khách
hơn.

Thu nhập của nghề này cũng khá. Chi phí bỏ ra để dán đề
can một chiếc điện thoại bây giờ chỉ vào khoảng 2.000 – 3.000 đồng, nhưng bạn sẽ
thu về ít nhất là 20.000 đồng. Thế là lời từ 17.000 – 18.000 đồng/ chiếc. Nếu
may mắn, một ngày bạn có thể có hàng chục khách hàng, trừ chi phí đi cũng bỏ túi
vài trăm chứ chẳng chơi. Hôm nào mưa gió, ế ẩm vẫn đủ tiền ăn uống, xăng xe đi
lại.

Nghề ép dẻo ra…tiền

Người bán hàng đã thiết kế chiếc xe ba gác thành một cửa
hàng với đầy đủ các mặt hàng từ cái kim sợi chỉ, dây lưng, ví da đến bật lửa,
đồng hồ thậm chí cả hương muỗi, lót giày, bẫy và keo dính chuột…


Một cửa hàng di động ở khu vực chợ Hà Đông.

"Nghệ nhân" trong nghề này phải có sức khỏe, chịu khó rong
ruổi trên các khu phố đông đúc, các cổng trường CĐ, ĐH trong giờ tan tầm, nhiều
người qua lại. Khi có khách mua hàng, họ thường hét giá rất "trên trời" và có
một điểm chung là họ thà không bán được hàng chứ không ai phá giá.

Cho nên, một chiếc que lấy ráy tai, giá trong cửa hàng chỉ
3.000 đồng họ thường bán với giá 12.000 đồng; một túi 200 chiếc que cạo lưỡi
(thực chất là que tính cho trẻ con lớp 1) có giá 40.000 đồng họ bán lẻ 5.000
đồng một que; keo dính chuột giá 4.000 đồng/ hộp, họ bán 13.000 đồng; tăm bông
loại thường chỉ 1.000 đồng/ gói nhưng họ bán 5.000 đồng; bật lửa ga Trung Quốc
giá sỉ 1.200 đồng họ bán 3.000 đồng một chiếc…

Chưa hết, chiếc loa bên thành xe đẩy luôn phát hết công
suất "ép dẻo, ép dẻo – tất cả các loại giấy tờ, nhanh – bền – đẹp" khiến nhiều
người chú ý. Nếu vào hiệu ảnh, ép một chiếc bằng lái xe hay chứng minh thư chỉ
khoảng 3.000 đồng, nhưng bạn ép ở những cửa hàng di động này sẽ phải trả ít nhất
là 15.000 đồng. Thế mà “cửa hàng di động” nhiều lúc khách xếp hàng nườm nượp.

Theo chân một "nghệ nhân", đi từ cổng chợ Hà Đông đến ngã
tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển trong một buổi chiều vừa bán hàng
vừa ép nhựa cũng được gần 1 triệu. Trừ các khoản chi phí cũng bỏ túi nửa triệu
tiền lãi.

Nghề thu nhập khủng

"Công cụ lao động" của nghề này cũng khá giản đơn, vài
chùm phôi các loại chìa khóa, mấy chiếc giũa, chiếc kính lúp…. Theo Tuấn, sinh
viên Trường ĐH Giao thông Vận tải, một thợ lành nghề ở khu vực Xuân Thủy (Cầu
Giấy) cho biết "chi phí để làm một chiếc chìa khóa loại thường chỉ vào khoảng
10.000 đồng; còn chìa khóa từ thì khoảng 15.000 đồng.


Làm chìa khóa, nghề hái ra tiền.

Nhưng nghề này đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo,
không phải ai cũng làm được.

Tuấn tâm sự: “Tâm lý chung, khi bị mất chìa khóa ai cũng
muốn làm nhanh làm lấy cái khác để sử dụng, nên dễ "ra giá" lắm. Khi ra giá em
thường lấy theo từng loại xe, loại khóa và "độ lắm tiền" của chủ nhân.”

 "Có lần một bà cụ ở Thanh Xuân bị rơi mất chùm
chìa khóa, cả khóa nhà, khóa tủ, khóa cổng nhờ em đến làm hộ. Thấy gia cảnh cụ
khó khăn, làm 6 cái chìa mà em chỉ xin cụ 20.000 đồng tiền xăng thôi, làm nghề
cũng phải giữ cái tâm anh ạ”
– Tuấn chia sẻ.

“Lần khác, có một ông ăn mặc lịch sự, đi xe con từ Thanh
Trì sang, thuê em đến nhà đánh cho gần 20 cái chìa khóa đủ các loại. Song việc
ông ta đưa em về tận phòng trọ, dúi cho 2 triệu bảo cấm được quay lại nhà tao
đấy” – Tuấn kể. Chưa yên tâm, ông ấy bắt em phải đưa một bản photo chứng minh
thư cho ông ấy. Tâm lý nhà giàu mà anh, họ sợ mình nổi lòng tham đi làm bộ chìa
khóa khác, nên phải có cái làm tin".

  • Nguyễn Việt Hùng (Lớp báo chí Quân đội
    K31B, Học viện Chính trị)

********************************

Mời các bạn học sinh, sinh viên chia sẻ hình ảnh, bài viết về đời sống giới trẻ theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/68514/nhung-nghe--hot-bac--bat-ngo.html

Nghệ An đã sẵn sàng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo

Posted: 18 Apr 2012 06:00 AM PDT

(GDTĐ) – Ngày 30/12/2011, Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Ngày 27/3/2012, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ, Sở GDĐT, Sở Tài chính tỉnh Nghệ An ban hành Hướng dẫn liên ngành số 253/HDLN hướng dẫn thực hiện các văn bản nói trên. Văn bản này quy định trách nhiệm của các cơ quan cấp tỉnh, của UBND cấp huyện đối với việc thẩm định đối tượng được hưởng, mức hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, đồng thời hạn định việc thẩm định phải được hoàn thành trước ngày 20 tháng 4 năm 2012.

Thực tế, không phải đợi đến sau ngày 27/3/2012 (ngày có Hướng dẫn số 253/HDLN), các địa phương ở Nghệ An mới triển khai thực hiện chế độ thâm niên nhà giáo mà mọi việc đã được khởi động từ trước đó khá lâu.

Thông thường, để thực hiện một chế độ, chính sách mới của Nhà nước, cái khó nhất, chậm nhất là nguồn tiền. Nhưng với chế độ thâm niên nhà giáo, Nghệ An đã chuẩn bị tiền từ lâu. Ông Nguyễn Nhượng, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GDĐT Nghệ An cho biết: Sau khi có sự thống nhất của các ngành cấp tỉnh liên quan, được UBND tỉnh cho phép, tiền phục vụ chi trả chế độ thâm niên nhà giáo đã được Sở Tài chính Nghệ An đưa vào kế hoạch phân khai ngân sách năm 2012 với mức 70% dự toán ước tính khoản chi này; số tiền này hiện đã có ở các huyện ngay từ những ngày đầu năm 2012.

Các ông Nguyễn Đức Vĩnh, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Tất Tây, Trần Minh Hải, Trưởng phòng GDĐT các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương và thị xã Thái Hoà cùng xác nhận thông tin nói trên. Các ông còn cho biết, số tiền này tuy đang ở kho bạc, nhưng đã được UBND cấp huyện phân khai về cho từng trường, bây giờ chỉ chờ cấp có thẩm quyền thẩm định xong là trường lên nhận về trao cho giáo viên ngay.

Ông Nguyễn Thanh Long, Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 2 thì cho biết, ngay khi có Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, ông chủ động cho giáo viên chuẩn bị hồ sơ, làm thủ tục và chuyển lên Sở GDĐT Nghệ An thẩm định. Tuy chưa được rút tiền trả chế độ thâm niên từ kho bạc về, nhưng biết tiền này đã có, nên ngay từ trước Tết Nhâm Thìn, ông đã vận dụng cho 55 giáo viên thuộc diện được hưởng phụ cấp tạm ứng tiền thâm niên 8 tháng của năm 2011; các tháng của năm 2012, ông cho phát theo lương.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Một cán bộ trong ngành cho biết, các cơ quan quản lý giáo dục chỉ đạo, các cơ sở giáo dục bắt tay thực hiện, nhất là phổ biến để giáo viên bổ sung những giấy tờ liên quan còn thiếu vào hồ sơ, vì đây là điều thường dễ vướng mắc nhất. Đơn vị nào làm xong, Sở thẩm định luôn (tất nhiên là chưa ký chính thức). Và khi Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ra đời thì Sở cơ bản thẩm định xong cho các đơn vị trực thuộc.

Sau đó, Sở chỉ phải thực hiện vài ba điều chỉnh nhỏ theo thông tư cho một số trường hợp cụ thể. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tiền trả chế độ thâm niên chưa đủ nhưng đã có được 70%, đơn vị nào hoàn chỉnh hồ sơ, Sở thẩm định xong, có thể cho giáo viên tạm ứng, không nhất thiết phải chờ nhau. Ngay trước Tết Nhâm Thìn, giáo viên ở một số trường THPT trong tỉnh đã được nhận tiền phụ cấp thâm niên theo phương thức tạm ứng.

Nhìn chung, việc tổ chức thực hiện chi trả chế độ thâm niên nhà giáo ở Nghệ An đã và đang diễn ra suôn sẻ, thuận lợi nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, sự chỉ đạo linh hoạt của các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Theo số liệu sơ bộ, huyện Anh Sơn có 1.400 giáo viên trong tổng số 1.600 giáo viên được hưởng chế độ thâm niên nhà giáo; con số đó của Thanh Chương là 2.800/3.100; Đô Lương là 2.300/2.330, thị xã Thái Hoà là 510/600; các đơn vị trực thuộc Sở là 5.000/5.500 (số còn lại do mới vào biên chế, chưa đủ năm).

Tuy vậy không phải đã hết mọi vướng mắc. Ở Thanh Chương và Đô Lương, tuy không nhiều, nhưng mỗi huyện cũng còn gần 10 người chưa duyệt được mà phải bổ sung hồ sơ. Đây thường là những người thuyên chuyển từ nơi khác đến hoặc chuyển ngành, anh chị em không lưu giữ được quyết định công nhận hết hạn tập sự.

Một đối tượng nữa cũng đang phải chờ, đó là cán bộ quản lý các nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) có một số năm không tham gia giảng dạy hoặc tham gia giảng dạy không đủ số tiết quy định thì thời gian này có được hưởng thâm niên hay không?

Ông Lưu Đức Thuyên, Trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ Sở GGDĐT Nghệ An cho biết, Sở đã có công văn hỏi Bộ GDĐT, hiện đang chờ Bộ trả lời. Đặc biệt, các ông Nguyễn Đức Vĩnh, Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng GDĐT huyện Anh Sơn và huyện Thanh Chương cho biết, Phòng GDĐT hiện có 2 bộ phận cán bộ, bộ phận cán bộ hưởng lương hành chính không được hưởng phụ cấp thâm niên thì không nói làm gì; nhưng bộ phận cán bộ hưởng lương sự nghiệp (đang mang mã ngạch giáo viên), theo quy định thì họ không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo, trong khi đó, vì đang hưởng lương sự nghiệp nên họ lại không được hưởng phụ cấp công vụ. Mà số này trước khi về phòng đều là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường hoặc giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.

Ông Nguyễn Đức Vĩnh và Nguyễn Hoài Nam có chung đề xuất: UBND tỉnh Nghệ An cần có chủ trương, chỉ đạo Sở Nội vụ sớm giải quyết cho những anh chị em nói trên (công tác ở phòng GDĐT nhưng hưởng lương sự nghiệp) được chuyển sang ngạch công chức, để anh chị em được hưởng chế độ công vụ; nếu không, cả hai loại chế độ (chế độ công vụ hoặc chế độ thâm niên), anh chị em không được hưởng bất cứ chế độ nào.

Cả bốn ông Trưởng phòng GDĐT mà chúng tôi đã gặp đều cho biết, mọi việc thuộc trách nhiệm cấp huyện để thực hiện chế độ phụ cấp nhà giáo, huyện đã làm xong; tiền trả phụ cấp thâm niên tuy chưa đủ nhưng đã có khoảng 70%.

Hướng dẫn liên ngành số 253/HDLN quy định Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, các sở hoặc UBND cấp huyện phải hoàn thành việc thẩm định đối tượng và chế độ hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của các đơn vị do mình trực tiếp quản lý trước ngày 20/4/2012, điều này các huyện chắc chắn đảm bảo. Giờ chỉ chờ "lệnh" chung của tỉnh là cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, anh chị em giáo viên sẽ được nhận tiền. Còn việc bố trí ứng trước chỉ là phương án tạm thời, vì rất phiền hà về thủ tục, nhất là lại đang chuẩn bị làm chế độ lương mới. Nói một cách khác, các cơ sở giáo dục đang nín thở chờ "giờ G" để chính thức trao tiền chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo cho giáo viên của mình.

Minh Đức

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201204/Nghe-An-da-san-sang-chi-tra-phu-cap-tham-nien-nha-giao-1960690/

Chỉ trích giáo dục, nam sinh được ca ngợi

Posted: 18 Apr 2012 06:00 AM PDT

Bài phát biểu thực hiện hôm 9/4 đang được tranh cãi trên khắp cả nước. Trong buổi lễ chào cờ gồm 3.000 học sinh, giáo viên của Trường trung học Huilong, thành phố Qidong, một học sinh đã được chọn lên phát biểu trước toàn trường.

Người phát biểu là Jiang Chengbo, học sinh lớp 11. Cậu bước đến trước micro và bắt đầu: "Điều tra cho thấy học sinh Trung Quốc xếp trong tốp cuối của thế giới về khả năng tính toán và sáng tạo".

"Một số người trong số chúng em đang sống trong sự ghen tị. Họ ghen tị với những người đạt điểm cao trong thi cử… Một số người thì sống trong sự cô đơn. Họ chôn vùi chính mình trong đống bài vở, để rồi họ không có bất cứ người bạn nào. Chúng em không thể cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, vì họ một là mải mê làm việc, một là ép chúng em học hành để chuẩn bị cho những bài kiểm tra… Chúng em không nhận được sự tôn trọng của các giáo viên vì họ luôn bắt chúng em học để tỷ lệ học sinh đỗ đại học của họ cao".

"Chúng em không phải là những cái máy, và nhà trường không có quyền sử dụng chúng em như một công cụ để làm tăng tỷ lệ đỗ đại học của mình…"

Hành động của Jiang đã khiến các giáo viên hoàn toàn bất ngờ, khi cậu đã mạnh dạn thay bài phát biểu ban đầu đã được giáo viên duyệt bằng một bài phát biểu nổi loạn, có thể khiến các lãnh đạo nhà trường tức giận. Tuy vậy, bài phát biểu này đã nhận được sự ca ngợi của nhiều cư dân mạng, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc học sinh Trung Quốc đang dành quá nhiều thời gian cho việc học hành.

Bài phát biểu kéo dài khoảng 5 phút. Các giáo viên có mặt tại buổi lễ chào cờ đã không tắt micro cho tới khi Jiang kết thúc bài phát biểu. Đã có rất nhiều tràng pháo tay từ phía dưới vang lên khi Jiang kết thúc.

Ông Xu Hui, phó Hiệu trường Trường trung học Huilong cho biết trường này quyết định sẽ "kiên nhẫn" với Jiang Chengbo. "Em sẽ không vị phạt nặng, nhưng chắc chắn sẽ bị phê bình".

Jiang Chengbo được đánh giá là một học sinh xuất sắc trong mắt nhiều giáo viên. Cậu cho biết gần đây đã đọc cuốn "Tôi sẽ không từ bỏ" của một sinh viên đại học có tên Zhong Daoran – người đã chỉ ra nhiều vấn đề trong hệ thống giáo dục hiện tại của Trung Quốc trong cuốn sách này. Jiang nói rằng cậu đã được cuốn sách này truyền cảm hứng.

Một bạn học giấu tên của Jiang nói rằng cuộc sống của học sinh thật vô vị và không có sự phát triển toàn diện vì "điểm số là tất cả".

Yu Han, một học sinh lớp 12 tới từ Nam Kinh nói: "Mặc dù bài phát biểu của Jiang có phóng đại một chút, song hệ thống giáo dục đặt nặng thi cử đang đè nặng lên sức sống của học sinh".

"Nghe những lời này từ miệng một học sinh trung học không phải là chuyện lạ và việc can đảm nói lên điều này của Jiang thật đáng khâm phục" – cư dân mạng Benliuweizhi viết trên trang Weibo.com. "Tuy nhiên, tôi không tin lắm vào giáo dục, vẫn còn một chặng đường dài để có thể tiến tới cải cách".

Hầu hết học sinh Trung Quốc bị đè nặng bởi khối lượng bài vở quá lớn. Họ học nhiều giờ trên lớp, rồi lại tiếp tục đi học thêm vào cuối tuần và các ngày nghỉ.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu trẻ em và thanh niên cho thấy, năm 2010, khoảng 80% học sinh tiểu học và trung học cơ sở của nước này không được nghỉ ngơi đầy đủ, cụ thể là ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.

  • Nguyễn Thảo (Theo Chinadaily, Radio86)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/68702/chi-trich-giao-duc--nam-sinh--duoc-ca-ngoi.html

Giáo viên mầm non sẽ chỉ làm việc 6 tiếng/ngày

Posted: 18 Apr 2012 06:00 AM PDT

Dự thảo cũng cho biết, giáo viên mầm non (GV MN) chỉ làm việc 5 ngày/tuần. Như vậy 1 năm, GV MN sẽ phải tham gia 1.050 giờ dạy. So với các cấp học còn lại thì số giờ dạy của GV MN vẫn ở mức rất cao. Cụ thể ở bậc tiểu học GV dạy 23 tiết/tuần tương ứng với 805 giờ dạy/năm (riêng với GV dạy ở trường phổ thông dân tộc bán trú, dạy ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật thì định mức là 21 tiết/tuần).

Đối với cấp THCS thì GV dạy 19 tiết/tuần tương ứng với 735 giờ dạy/năm, GV dạy ở trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, dạy ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật đảm nhần 17 tiết/tuần. Đối với cấp THPT thì GV dạy 17 tiết/tuần tương ứng với 629 giờ dạy/năm, GV dạy ở trường phổ thông dân tộc nội trú thì chỉ phải đảm nhận 15 tiết/tuần tương ứng với 555 giờ dạy.

Theo dự thảo này thì một năm GV MN và tiểu học làm việc 35 tuần. Đối với cấp THCS và THPT thì làm việc 37 tuần/năm. Riêng đối với TCCN thì định mức giờ dạy/ năm của mỗi GV do hiệu trưởng nhà trường quyết định cho từng năm học theo quy định đã ban hành

Dự thảo cũng cho hay, đối tượngáp dụng của thông tư liên tịch này, bao gồm:Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương và đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm trại, phòng thí nghiệm. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Theo dự thảo thì số giờ dạy thêm/năm = [Số giờ thực dạy/năm + số giờ quy đổi hoặc miễn giảm (nếu có)] – Định mức giờ dạy/năm; Tiền lương dạy thêm giờ = Số giờ dạy thêm/ năm nhân với tiền lương dạy thêm 1 giờ (Tiền lương dạy thêm 1 giờ = Tiền lương 1 giờ dạy nhân với 150%); Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư này không quá 200 giờ dạy/năm.

Dự thảo cũng nhấn mạnh, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở các cơ sở GD MN dạy 2 buổi/ngày và ở cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học, bộ môn thiếu nhà giáo theo định mức biên chế. Các cơ sở GD MN dạy 2 buổi/ngày, các cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học, bộ môn đủ nhà giáo theo định mức biên chế, chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản, hoặc đi làm nhiệm vụ chuyên môn, học tập, bồi dưỡng do cấp có thẩm quyền điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay…

N.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-586563/giao-vien-mam-non-se-chi-lam-viec-6-tiengngay.htm

Những ngày xưa ấy đã đi qua

Posted: 18 Apr 2012 05:59 AM PDT

Những ngày xưa ấy đã đi qua

TTO – Nhà nội tôi ngày xưa nghèo lắm. Nội có đến mười người con, mà bố tôi lại là anh cả trong nhà nên phải nghỉ học sớm để phụ ông bà nội chăm sóc các em.

Tuổi thơ của bố tôi không vui chơi, không được lông bông trên những đồng cỏ vào những buổi chiều gió mát, không được cùng chúng bạn thả diều trên những cánh đồng quê. Mà tất cả những ước mơ, những hoài bão đó chỉ thoáng hiện trong giấc mơ của bố mà thôi. Bởi bố nghỉ học sớm, mới 10 tuổi bố đã rong ruổi trên khắp con đường, ngõ phố để bán kem kiếm chút đồng lời nhỏ nhoi về phụ mẹ nuôi em. Vậy mà những bữa cơm của gia đình lúc nào cũng khoai nhiều hơn cơm.

Bố cưới mẹ vào năm 1980. Nhà nghèo nên đám cưới xong bố lại lên tận miền núi Trà My xa tít tắp làm đủ thứ nghề để lo cho gia đình, vài tháng bố mới về nhà một lần. Mẹ ở nhà với ông bà nội đi dạy học. Đồng lương giáo viên thời ấy ít ỏi mẹ cũng đưa hết cho bà nội mua gạo. Vậy mà gia đình cũng rơi vào cảnh túng quẫn.

Rồi mẹ mang thai tôi. Chín tháng mang thai, mẹ ốm nghén đúng chín tháng, hành hạ thân thể mẹ rã rời trong những cơn đau. Mẹ không đi dạy được, đành xin nghỉ ở nhà dưỡng bệnh và chờ ngày sanh. Bố cũng không đi làm xa nữa mà về lại nhà để ở bên cạnh mẹ, phụ giúp mẹ trong những ngày thai nghén.

Cuộc sống quá khốn khó, bố mẹ tằn tiện lắm mới sắm được một ít khăn áo cho mẹ sanh con. Ngày xưa không có siêu âm nên mẹ không biết mình mang song thai. Đến lúc sanh bố mẹ mới giật mình lo lắng vì bố mẹ chỉ chuẩn bị khăn áo cho anh hai (anh song sinh với tôi). Không đủ tiền mua một chiếc khăn bông lớn, bố tất tả chạy khắp chợ mua mấy chiếc khăn nhỏ về rồi ngồi may lại thành chiếc khăn lớn đem liền xuống trạm xá cho mẹ quấn tôi lại.

Nhìn hai con còn đỏ hỏn mà nước mắt mẹ chảy ngược vào trong. Bố mẹ đều lo lắng vì để nuôi anh em chúng tôi lớn lên thật là vấn đề không dễ dàng gì với cả bốn bàn tay trắng. Hồi đó ai cũng biết bố mẹ tôi nghèo khổ, nên cũng có vài người đến tận trạm xá xin chúng tôi về nuôi, họ bảo cho bớt một đứa cho dễ nuôi và cũng có cái để mà cho ăn. Có người còn bảo: "Chúng mày còn đói, không lẽ để cả hai đưa con đói theo chúng mày sao?".

Rồi người khác mê tín bảo mẹ cho bớt một đứa, nuôi hai đứa con song sinh một lần không được, sợ tử cả hai. Vậy mà tình yêu của ba mẹ đối với con là vô bờ bến, nên bố mẹ nhất quyết không cho con của mình dù ai có nói gì đi nữa.

***

Khi anh em chúng tôi được 3 tháng tuổi. Bố đi làm trở lại để kiếm thêm chút tiền trang trải. Bố phải xuống tận vùng biển Tam Phú, có khi lên lại miền núi Trà My để làm thợ gò. Ngày ấy nghề thợ gò của bố cũng không kiếm được là mấy, khách hàng của bố cũng toàn là những người lao động nghèo khổ. Bởi công việc của bố chỉ là sửa lại cái nồi cái chậu đã hỏng thì làm sao kiếm được nhiều tiền. Đôi khi “tiền công” cho bố lại là nụ cười của mẹ khi thấy củ sắn, củ khoai bố mang về.

Rồi sau những ngày lăn lộn với nghề thợ gò ở nơi miền đất núi, bố mang về nhà luôn cả căn bệnh xuất huyết đường ruột. Mà ngày ấy ai mang trong người căn bệnh đó thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ ra đi mãi mãi. Bà nội cho bố mẹ ra ở riêng đúng lúc bố bệnh, anh em tôi còn nhỏ.

Ánh mắt mẹ thêm lên những lo lắng, ngỡ như đi vào tuyệt vọng, nước mắt mẹ chảy ngược vào trong, đôi tay mẹ lại phải làm việc nhiều hơn để chèo chống gia đình. Bố nằm một chỗ không đi lại được. Vậy là khi anh em tôi mới vừa năm tháng tuổi, mẹ lại lặn lội hết chợ gần đến chợ xa, mua cá mua rau về bán lại kiếm vài đồng lời, để mua sữa cho anh em tôi và mua thuốc cho bố.

Ở hiền gặp lành, cũng nhờ rong ruổi khắp các chợ mà mẹ gặp được ông thầy thuốc bắc tốt bụng đã chữa bệnh cho bố, vậy là cuộc sống gia đình tôi êm đềm và bình lặng trở lại.

Bố hết bệnh lại muốn đi kiếm tiền phụ mẹ. Nhưng sức khỏe không được như trước nên bố không thể bôn ba lên núi xuống biển như xưa để làm lụng. Bố chuyển sang nghề bán kem. Thế là từ đó, mỗi ngày bố mẹ trở dậy từ 3 giờ sáng, sau một đêm ít khi có giấc ngủ ngon, mẹ phụ bố quay kem, rang đậu phộng để kịp đến khi trời sáng bố đẩy xe kem đi bán.

Những ngày tết đến, người người đều đi chơi trên khắp ngõ phố cùng quê, còn bố thì lại đẩy xe kem đi khắp các con đường ngõ phố, bố còn cột thêm chùm bong bóng bay để bán cho mấy đứa nhỏ. Còn mẹ, mồng ba tết đã bắt đầu cho những chuyến chợ đầu năm bằng mớ rau, mớ đậu…

***

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, mãi đến năm anh em tôi lên 10 tuổi, mẹ mới sanh thêm út Lộc. Cuộc sống cũng không khá giả hơn mấy. Lúc bấy giờ cuộc sống đã có phần phát triển, người ta làm ra đủ các loại kem, kem cây, kem ký và rồi trái cây lại tràn lan về khắp chợ, vì thế mà kem của bố ngày càng ít người mua. Có hôm sau cả ngày phơi lưng giữa trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả chiếc áo sờn rách phong phanh, bố mang về mấy đồng bạc lẻ và cả xe kem chỉ vơi được vài ly.

Cuộc sống lại thêm những khó khăn. Không có người mua, bố không bán kem nữa. Mà cái nghề thợ gò của bố dường như không làm được gì vì đời sống người dân đã khá giả hơn. Hỏng cái này, người ta lại mua cái khác không ai sửa nồi, sửa chậu để dùng lại. Bố thất nghiệp, phải bon chen vất vả với hàng trăm công việc không tên để chèo chống gia đình nhưng vẫn không có việc gì phù hợp với bố. Vậy là  khi út Lộc chỉ mới 3 tháng tuổi, gánh mì Quảng đã oằn nặng trên vai mẹ.

Hằng ngày bố ở nhà, trông con cho mẹ gánh mì đi bán. Bố nấu cơm, giặt giũ, quét dọn, rồi cho út Lộc ăn, chăm cho anh em tôi đi học, tất cả đều một tay bố làm hết. Tối về bố lại giúp mẹ tráng mì. Có hôm bố giúp mẹ làm đến nửa đêm mới nghỉ.

Có hôm nhìn mấy anh em tranh nhau những hạt cơm rời rạc bu trên củ sắn củ khoai mà nước mắt mẹ chảy ngược vào trong, gượng cười nhưng trong lòng đau lắm. Tôi và anh hai thấy bố mẹ quá vất vả nên xin bố mẹ cho đi bán bong bóng phụ mẹ, nhưng bố mẹ nhất định không cho.

Mẹ bảo: "Mẹ không cho các con được cuộc sống sung túc hơn là lòng mẹ đau lắm rồi. Sao lại để các con đi làm? Các con đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học, ráng học cho giỏi là bố mẹ vui rồi". Bố mẹ thà chịu vất vả chứ không cho chúng tôi làm việc.

Khó khăn với gia đình chúng tôi vẫn trải dài theo năm tháng. Cuộc sống khó khăn thế, nhưng bố vẫn quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Gánh mì trên vai mẹ lại càng nặng thêm để đủ tiền trang trải cuộc sống. Buổi sáng mẹ thức dậy thật sớm, làm việc cho mãi đến lúc khuya, khi mọi người đã bình an trong giấc ngủ rồi mẹ mới lên giường chợp mắt chút xíu, để còn trở dậy làm việc cho ngày hôm sau.

Thời gian êm đềm trôi, anh em tôi trưởng thành và lập gia đình. Ngày lễ thành hôn của chúng tôi, nhìn hai nàng dâu thẹn thùng trong tà áo cưới,  nhìn gương mặt rạng ngời của chúng tôi, ánh mắt mẹ thêm lên niềm vui sướng. Mẹ như hạnh phúc đến nghẹn lòng. Và tôi biết trong ánh mắt ấy của mẹ, dẫu rằng chúng tôi đã lớn nhưng với mẹ chúng tôi vẫn mãi mãi là những thiên thần bé nhỏ mà mẹ luôn muốn được chở che nâng đỡ. Tôi biết ánh mắt mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước chân chúng tôi trên con đường đi tới tương lai.

Giờ mẹ đã có thêm cháu nội, nên bố mẹ kiêm luôn việc trông cháu vì mẹ không an tâm khi cho bé đi nhà trẻ quá sớm. Mẹ là thế, lúc nào cũng sống cho chồng, cho con, cho cháu mà không nghĩ đến bản thân.

Tôi bây giờ đã là giám đốc của một công ty gia đình, nhưng tôi vẫn muốn được ở mãi trong vòng tay thương yêu của ba mẹ. Với mọi người có thể bố mẹ tôi cũng chỉ là những người bình thường, nhưng với tôi, bố mẹ tuyệt vời nhất, vĩ đại nhất ở trên đời.

Và tôi biết dẫu tôi có lấy cây rừng làm bút, lấy nước biển làm mực cũng không thể nào kể hết được công lao ba mẹ. Nguyện cầu cho ba mẹ được hạnh phúc sống vui.

PHẠM NGUYÊN PHƯỚC (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/486747/Nhung-ngay-xua-ay-da-di-qua.html

Nên khai mạc thi vào lúc nào?

Posted: 18 Apr 2012 05:59 AM PDT

(GDTĐ) -  Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là "cuộc chiến đấu" cuối cùng trong bậc THPT cũng là trong đời học sinh phổ thông của mỗi em học sinh.

Lễ khai mạc kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng coi thi THPT và bổ túc THPT huyện Bắc Hà(Lào Cai). ảnh gdtd.vn
Lễ khai mạc kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng coi thi THPT và bổ túc THPT huyện Bắc Hà(Lào Cai). ảnh gdtd.vn

Tấm bằng tốt nghiệp THPT là một mốc son quan trọng trên chặng đường học tập dưới mái trường phổ thông, sẽ giúp các em có cơ hội tiếp tục chiếm lĩnh tri thức nhân loại trong các Nhà trường chuyên nghiệp những năm tới, hoặc có thể có những em sẽ bước vào đời ngay với hành trang quý báu đó.

Trong Quy chế thi, khoản 3 điều 22 có quy định: "Trước khi tiến hành buổi thi đầu tiên, Hội đồng coi thi phải tập trung toàn bộ thí sinh… để tổ chức khai mạc kì thi". Có lẽ không nên hiểu phải khai mạc thi vào sát trước giờ thi (vì sẽ gặp nhiều khó khăn). Thế thì nên khai mạc thi từ chiều hôm trước vì trước ngày thi, cuộc họp toàn thể Hội đồng thường chỉ diễn ra gói gọn trong buổi sáng, buổi chiều các giáo viên coi thi chơi. Nếu bố trí khai mạc thi vào buổi chiều hôm họp phiên họp đầu tiên của toàn thể Hội đồng sẽ có nhiều ưu điểm sau:

- Thời gian khai mạc có nhiều.

- Khai mạc xong, học sinh học quy chế để mai đỡ quên.

- Học quy chế xong, học sinh thong thả xem lại lịch thi, vật dụng được phép mang vào phòng thi, các em biết phòng thi của mình ở chỗ nào (vì lúc đó theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng coi thi mới niêm yết xong sơ đồ Hội đồng thi, danh sách thí sinh ở các phòng thi).

- Sáng hôm sau, học sinh nhà xa trường, trời mưa, không dễ đi xe, … cũng không lo muộn để đến dự khai mạc từ lúc 6 giờ 30 sáng.

- Tháng 6 hàng năm ở các tỉnh miền núi phía bắc là mùa mưa nên hay có mưa, nếu khai mạc thi từ buổi chiều hôm trước ngày thi mà gặp mưa thì sẽ dễ xử lí hơn so với buổi sáng thi môn đầu tiên. Nhiều trường không có hội trường to, phải khai mạc ngoài trời, gặp mưa rất vất vả.

- Phóng viên muốn quay phim, phỏng vấn giám thị, học sinh để tuyên truyền, đưa tin về kì thi cũng thoải mái thời gian và không vi phạm quy chế thi.

Vũ Thanh Thông

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201204/Nen-khai-mac-thi-vao-luc-nao-1960689/

Comments