Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thi tốt nghiệp THPT: những điều cần biết

Posted: 17 Apr 2012 08:28 AM PDT

Thi tốt nghiệp THPT: những điều cần biết

TT – Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thời gian, thủ tục đăng ký dự thi, chế độ ưu tiên… mà thí sinh cần phải lưu ý.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Đa Phước (TP.HCM) trong giờ học toán, bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp – Ảnh: Như Hùng

Kỳ thi năm nay sẽ diễn ra ngày 2, 3 và 4-6 với thứ tự các môn thi ngữ văn (150 phút), hóa học (60 phút), địa lý (90 phút), lịch sử (90 phút), toán (150 phút), ngoại ngữ (60 phút), vật lý – đối với thí sinh thi môn thay thế và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên (60 phút).

Hạn chót ngày 7-5

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 25-4 đến hết ngày 7-5, thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2011-2012 sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT đang học, không được đăng ký dự thi ở cơ sở giáo dục khác, không được đăng ký dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi cư trú hoặc trường THPT nơi học lớp 12. Những trường hợp thí sinh tự do đang đi công tác xa, nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú thì có thể đăng ký dự thi trên địa bàn nơi công tác.

Những thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi những năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5.

Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi do nghỉ quá 45 buổi học trong các năm trước, nếu vẫn đủ điều kiện về học lực thì không cần có xác nhận kiểm tra học lực. Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi những năm trước do xếp loại yếu về hạnh kiểm trong năm học lớp 12 thì phải có xác nhận của chính quyền cấp xã về phẩm chất đạo đức và việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh, trật tự của địa phương nơi cư trú trong phiếu đăng ký dự thi.

Thí sinh tự do của hệ giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên. Thí sinh tự do đã đăng ký bảo lưu điểm không được dự thi các môn có điểm bảo lưu.

Nộp giấy chứng nhận ưu tiên trước kỳ thi

Những trường hợp được hưởng chế độ ưu tiên gồm học sinh là con thương binh, liệt sĩ, bệnh binh, những người được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, con của anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, học sinh có hộ khẩu thường trú ở vùng cao, vùng sâu, khu kinh tế mới, xã đặc biệt khó khăn.

Trường hợp được cộng điểm khuyến khích gồm học sinh có chứng nhận nghề phổ thông, học sinh đoạt giải trong các kỳ thi do ngành GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành chuyên môn khác từ cấp tỉnh trở lên tổ chức (thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thi thí nghiệm thực hành vật lý, hóa học, sinh học, thi văn nghệ, thể dục thể thao, hội thao giáo dục quốc phòng, thi vẽ, viết thư quốc tế, thi giải toán trên máy tính bỏ túi…).

Để được hưởng các chế độ ưu tiên, khuyến khích thí sinh phải nộp các loại giấy chứng nhận cần thiết khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Nếu nộp các loại giấy chứng nhận sau ngày thi sẽ không có giá trị để xét cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh có nhiều giấy chứng nhận nghề theo quy định trong quy chế thi chỉ được cộng điểm ưu đãi đối với một giấy chứng nhận có kết quả xếp loại cao nhất.

Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục hướng dẫn cụ thể và có những biện pháp tích cực giúp thí sinh có đầy đủ các loại chứng nhận cần thiết, nhất là các chứng nhận để được hưởng cộng điểm khuyến khích, chế độ ưu tiên (nếu có), đảm bảo quyền lợi chính đáng cho thí sinh.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/487489/Thi-tot-nghiep-THPT-nhung-dieu-can-biet.html

Yếu tố thời gian và chiến lược phát triển giáo dục

Posted: 17 Apr 2012 08:28 AM PDT

(GDTĐ) – Thời gian là một yếu tố có mối quan hệ đặc thù đặc biệt tác động đến sự vận động phát triển của hệ thống giáo dục. Khi thiết kế một chiến lược phát triển giáo dục cần có một tầm nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại, tương lai để từ đó xác định được đúng đắn con đường, giải pháp, bước đi nhằm đạt được trạng thái tương lai mong muốn của hệ thống. Đồng thời sự phát triển, biến động, biến đổi mau lẹ của sự vật trong xã hội hiện đại cũng đòi hỏi cần có một tư duy vừa có tầm xa, rộng vừa cụ thể và hết sức mềm dẻo để ứng biến với những thay đổi của tình hình trong từng giai đoạn cũng như trong tổng thể thời gian của một kỳ chiến lược phát triển giáo dục.

Thế hệ trẻ - Tương lai của dân tộc
Thế hệ trẻ – Tương lai của dân tộc

1. Sự kiện – cái thể hiện bản chất của thời gian

Thời gian, cùng với không gian, là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất. Trong hình thức tồn tại cơ bản như vậy, vật chất vận động và phát triển không ngừng. Cũng như vận động gắn liền với vật chất, vật chất và vận động không thể tách rời với thời gian. Có thể nói vận động là bản chất của thời gian, làm nên nội dung của thời gian.

Thời gian chỉ có một chiều, một đi không trở lại, thể hiện sự tồn tại kế tiếp liên tục của những sự vật hiện tượng thay thế nhau. Đây là điều mà nhiều nhà hiền triết đã đề cập từ xưa: "Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông" (Heraclitus ); "Chảy mãi như thế này ngày đêm không ngừng nghỉ ư?" (Khổng Tử ).

Thời gian một đi không trở lại, mọi sự kiện đều không thể quay ngược lại. Điều đó có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng đều vận động theo một hướng, từ quá khứ  qua hiện tại đến tương lai. Quá trình này được đo và ghi dấu bằng ngày, tháng, năm và cụ thể hơn bằng giờ, phút, giây. Có thể gọi thời gian với cách hiểu  như trên là thời gian khách quan (thời gian vật lí ).

Thời gian khách quan là thời gian được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội. Trong bài viết này, xem xét yếu tố thời gian trong mối quan hệ với chiến lược phát triển giáo dục tức là xem xét thời gian khách quan với cách hiểu đã được trình bày trên.

Ngoài thời gian khách quan, còn có những quan niệm khác về thời gian như: Thời gian tâm lí (thời gian chủ quan), theo đó thời gian diễn ra tuỳ theo ý thức, tâm lí, tâm trạng của con người (thời gian dài lê thê khi người ta buồn chán chẳng hạn); thời gian theo thuyết tương đối hạn chế của Einstein lại mất đi tính phổ quát và có tính mềm dẻo, nó thay đổi tuỳ theo di chuyển của con người: tốc độ di chuyển càng nhanh thì thời gian càng chậm lại vv…Những cách hiểu thời gian đó chúng tôi không sử dụng trong bài viết này.

Vận động là bản chất của thời gian, mà vận động lại được thể hiện bởi các sự kiện. Cho nên xem xét bản chất của thời gian phải thông qua xem xét các sự kiện. Nếu không có các sự kiện diễn ra trong dòng chảy của thời gian, thời gian sẽ là khái niệm trống rỗng, vô nghĩa.

Thời gian là một tài sản vô giá. Nếu được sử dụng hiệu quả, nó là một giá trị lớn. Còn nếu thời gian được sử dụng kém hiệu quả thì sẽ là lãng phí không nhỏ. K. Marx đã từng chỉ rõ: "Mọi sự tiết kiệm suy cho cùng đều là tiết kiệm về thời gian". Con người có thể sử dụng thời gian hiệu quả hơn thông qua việc kế thừa các giá trị của quá khứ cũng như  việc thiết kế và làm chủ các sự kiện, hướng tới tương lai.

Trong việc xây dựng một chiến lược phát triển, xem xét từ mối quan hệ với yếu tố thời gian, đòi hỏi đặt ra là cần có cái nhìn  hệ thống xuyên suốt thời gian, đồng thời cũng cần chọn lọc được những điểm và thời điểm đột phá chiến lược. Trang Tử đã nói: "Nhà minh triết dõi theo một vạn năm để nhìn ở một điểm duy nhất".

2. Yếu tố quá khứ và tương lai trong một chiến lược phát triển giáo dục

Quá khứ là thời gian đã trôi qua, là ngày hôm qua. Con người sống trong hiện tại nhưng phải là người rất cực đoan mới chỉ quan tâm đến hiện tại, còn thường thì người ta đều hướng tới tương lai, hướng tới những gì mình sẽ đi đến ngày mai. Con người đi đến tương lai bao giờ cũng từ quá khứ qua hiện tại bởi thời gian là dòng chảy không ngừng không nghỉ, và lịch sử không thể đứt đoạn. Hiện tại là một khoảng thời gian rất động, hiện hữu đấy nhưng cũng trôi qua ngay đấy, cho nên có thể nói chỉ cần xem xét quá khứ và tương lai cũng như con đường đi đến tương lai là đã có cái nhìn xuyên suốt thời gian  rồi.

Khuê văn các
Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường đại học đầu tiên của Việt Nam

Tương lai là thời gian ở phía trước, là thời gian sẽ tới, là ngày mai. Tương lai được đi đến từ quá khứ qua hiện tại tạo thành dòng chảy thời gian bất tận. Tương lai là khái niệm thuần khiết, là khái niệm có ý nghĩa giống nhau đối với mọi sự vật hiện tượng đang vận động nếu ta chọn một mốc thời gian nhất định ở phía trước để xem xét. Trạng thái tương lai lại là khái niệm có ý nghĩa khác nhau về chất vì nó gắn liền với sự vận động của các sự vật hiện tượng khác nhau, hoặc do chất lượng vận động khác nhau trong quá trình vận động của một sự vật hiện tượng khi sự vật , hiện tượng đó tiếp nhận các tác động khác nhau của các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong một chiến lược phát triển giáo dục, mức độ đạt được mục tiêu (hoặc mục đích) của chiến lược chính là trạng thái tương lai của hệ thống giáo dục ở cuối kì chiến lược.

Hoạt động của con người vừa chịu ảnh hưởng của quá khứ như ở trên đã xem xét, vừa phụ thuộc vào tương lai với những gì mong muốn đạt được sau khoảng thời gian đi từ hiện tại tới một mốc thời gian định trước. Nếu quá phụ thuộc vào quá khứ, thậm chí cường điệu quá khứ đến mức lấy những gì đạt được trong quá khứ làm chuẩn mực cho hiện tại và tương lai thì sẽ khó tránh khỏi lâm vào tình trạng trì trệ, lạc hậu (Thời phong kiến ở Trung Quốc, Việt Nam…với sự thống trị của tư tưởng Nho giáo là một ví dụ). Ngược lại, nếu phủ định quá khứ, đứt đoạn với lịch sử, tức là sẽ đánh mất cội nguồn, làm mất đi bản sắc dân tộc. Như thế không còn vị thế văn hoá riêng trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Sự lựa chọn đúng đắn ở đây là cần kế thừa một cách chọn lọc các giá trị tinh hoa của quá khứ. Trong một chiến lược phát triển giáo dục, trên cơ sở kế thừa các giá trị giáo dục tinh hoa của quá khứ, tiếp thu kinh nghiệm giáo dục tiên tiến của thế giới và phân tích bối cảnh – thực trạng, khi thiết kế các quan điểm chỉ đạo và con đường đi tới tương lai của hệ thống giáo dục, cần xác định được con đường mới, những cách làm mới, lựa chọn các hoạt động, thiết kế các sự kiện phù hợp với sự biến động của bối cảnh, tình hình và có thể khắc phục được những yếu kém, bất cập trong hiện tại và quá khứ. Để ứng biến với những biến động của tình hình và bảo đảm tính khả thi cao của một chiến lược, không nên thiết kê chiến lược đó với thời gian thực hiện quá dài.

Trạng thái tương lai là mức độ đạt được mục tiêu của chiến lược, như thế mục tiêu của chiến lược chính là trạng thái tương lai mong muốn của một chiến lược. Nói một cách cụ thể hơn, mục tiêu chiến lược là trạng thái tương lai mong muốn đạt được của một hệ thống sau một kì chiến lược.

3. Chiến lược là sự hình dung trạng thái tương lai mong muốn và con đường đi đến tương lai đó

Để điều khiển một hệ thống đi từ hiện tại đến tương lai và đạt được trạng thái tương lai mong muốn cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Chính các giải pháp với những sự kiện được thiết kế và diễn ra trong quá trình thực hiện giải pháp làm nên nội dung của thời gian. Trong một chiến lược phát triển giáo dục, thời gian được sử dụng hiệu quả hay không hiệu quả phần quan trọng nhất phụ thuộc vào việc thiết kế mục tiêu và các giải pháp chiến lược, bởi chiến lược chính là sự hình dung trạng thái tương lai mong muốn và con đường đi đến trạng thái đó.


Hướng tới một nền giáo dục hiện đại trong tương lai

Một chiến lược phát triển giáo dục bao giờ cũng phải bảo đảm được tính hệ thống và tính ưu tiên. Chiến lược phát triển giáo dục phải có cái nhìn toàn diện về tất cả các lĩnh vực giáo dục, về các vấn đề quan trọng của giáo dục để xem xét và xác định được các mục tiêu và giải pháp tác động điều khiển sự vận động phát triển của toàn hệ thống, nhưng rất cần phải có sự lựa chọn ưu tiên bởi nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thực hiện chiến lược bao giờ cũng rất hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn và mong muốn của những người thiết kế chiến lược. Với nguồn lực có hạn, cần phải lựa chọn được những giải pháp ưu tiên, trọng điểm, có tính đột phá tại một thời điểm hay giai đoạn thích hợp để đầu tư. Cần phải dự báo nhu cầu giáo dục – đào tạo, xem xét mức độ chi phí thực hiện các giải pháp và khả năng tài chính cung cấp cho thực hiện chiến lược đến tận cuối kì chiến lược; điều đặc biệt là cần phải lượng định được đến mức tối đa những biến động về kinh tế – xã hội có thể tác động đến giáo dục, bởi càng xa thời điểm xuất phát của chiến lược, chúng ta càng khó nắm bắt được những sự kiện khách quan về sau có thể xảy ra tác động đến giáo dục như thiên tai, khủng hoảng tài chính vv…Trên cơ sở như vậy mà thiết kế các mục tiêu và giải pháp chiến lược một cách phù hợp và có tính khả thi cao. Khi thiết kế mục tiêu và giải pháp chiến lược, nên chú trọng thiết kế các mục tiêu và giải pháp sao cho tiết kiệm được chi phí mà có thể mang lại hiệu quả lớn trên cơ sở khai thác được nguồn lực tinh thầnnguồn lực trí tuệ.

Một điều cần nhấn mạnh là khi thiết kế mục tiêu và giải pháp chiến lược, làm sao cho mục tiêu phải gắn với giải pháp; khi xác định một mục tiêu thì đồng thời cũng phải xác định để đạt được mục tiêu đó, cần phải thực hiện những giải pháp nào. Giáo dục là một hệ thống lớn, các lĩnh vực, các vấn đề trong đó có mối quan hệ tác động qua lại mật thiết với nhau, bởi vậy cũng có thể có những giải pháp vừa được dùng để thực hiện mục tiêu này, đồng thời cũng có phần được dùng để thực hiện một mục tiêu khác, nhưng điều quan trọng ở đây là cách thiết kế mục tiêu gắn liền với giải pháp nên được coi là một nguyên tắc trong xây dựng chiến lược – một nguyên tắc đảm bảo tính khả thi của chiến lược. Không nên đưa ra một hệ thống giải pháp chung cho tất cả các mục tiêu chiến lược, bởi chiến lược có tính khả thi cao là chiến lược trong đó cách thức và điều kiện thực hiện từng mục tiêu chiến lược đã được lượng định, con đường triển khai thực hiện từng mục tiêu chiến lược đã được hình dung trước một cách rõ ràng.

Mục tiêu là một khái niệm đa tầng, người ta thường gọi là cây mục tiêu, có khi giải pháp thực hiện mục tiêu này lại là mục tiêu xét trong một mối quan hệ khác, trong một trường hợp khác, tất nhiên ở tầng thấp hơn, cụ thể hơn. Một chiến lược phát triển giáo dục có thể có nhiều tầng mục tiêu, nhưng nên có một mục tiêu chung. Mục tiêu này phải có tầm khái quát cao nhất trong hệ thống các mục tiêu của chiến lược.

Ngoài những điều đã trình bày ở trên, còn có thể xem xét mối quan hệ giữa yếu tố thời gian và chiến lược phát triển giáo dục ở một số mặt, một số khía cạnh khác. Nhưng tựu trung lại, quan trọng nhất  vẫn là vấn đề sử dụng hiệu quả thời gian và tốc độ phát triển giáo dục. Trong khoảng thời gian đã định của một kì chiến lược, nếu thiết kế và triển khai thực hiện được một hệ thống mục tiêu, giải pháp tối ưu và các hoạt động, các sự kiện  phù hợp, có thể tăng tốc phát triển giáo dục và phát triển giáo dục một cách bền vững. Đây là việc làm cần thiết để thực hiện việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đáp ứng mong muốn của người học và toàn xã hội, góp phần hiệu quả vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.

TS. Nguyễn Danh Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3006/201204/Yeu-to-thoi-gian-va-chien-luoc-phat-trien-giao-duc-1960673/

Vật lý có thể thay thế Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012

Posted: 17 Apr 2012 08:27 AM PDT

Năm nayhệ giáo dục trung học phổ thông thi sáu môn: Ngữ văn, Hoá học, Địa lí, Lịch sử, Toán, Ngoại ngữ. Trong đó, các môn Ngoại ngữ, Hoá học thi theo hình thức trắc nghiệm. Đối với môn Ngoại Ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức và Tiếng Nhật

Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh không theo học hết chương trình trung học phổ thông hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy – học môn Ngoại ngữ thì được Giám đốc sở GDĐT xem xét quyết định cho phép thi thay thế bằng môn Vật lí (thi theo hình thức trắc nghiệm).


Bộ GD-ĐT cũng cho biết, giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập tại mỗi địa điểm thi một Hội đồng coi thi để thực hiện công việc chuẩn bị và tổ chức coi thi theo quy định. Không tổ chức Hội đồng coi thi riêng cho giáo dục thường xuyên, mà thi ghép giáo dục thường xuyên với giáo dục trung học phổ thông trong cùng một Hội đồng coi thi, có phòng thi riêng cho giáo dục thường xuyên.

Dưới đây là lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2012:

- Hệ giáo dục trung học phổ thông

- Hệ giáo dục thường xuyên

N.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-586407/vat-ly-co-the-thay-the-ngoai-ngu-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2012.htm

Bộ GD-ĐT sẽ “bí mật” thanh tra ở kì thi tốt nghiệp THPT 2012

Posted: 17 Apr 2012 08:26 AM PDT

Ngoài ra Bộ GD-ĐT sẽ cử cán bộ thanh tra cắm chốt tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn thanh tra của Bộ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai tất cả các khâu của kỳ thi đối với Ban Chỉ đạo (BCĐ) thi cấp tỉnh, thành phố, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra của Bộ hoạt động độc lập, không làm thay công tác chỉ đạo của BCĐ thi và hoạt động thanh tra thi của sở GD-ĐT, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng.

Khi thấy cần thiết, cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra có quyền kiến nghị với người có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề cần khắc phục, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm và thông báo kịp thời với BCĐ thi. Trong trường hợp ý kiến của cán bộ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra không thống nhất với ý kiến của BCĐ thi địa phương thì đoàn thanh tra lập biên bản, ghi rõ kiến nghị và báo cáo về Thanh tra Bộ Trong khi chờ ý kiến giải quyết của Bộ, mọi công việc vẫn tiến hành theo sự điều hành của BCĐ thi địa phương.

Điểm khác biệt ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay là công tác thanh tra chính được Bộ GD-ĐT giao cho các địa phương chủ động. Bộ không thành lập các đoàn thành ủy quyền như các kì thi năm trước.

Theo đó, Giám đốc Sở GD-ĐT, Cục trưởng Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng đề nghị Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam huy động cán bộ, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp thuộc phạm vi quản lý tham gia đoàn thanh tra thi (nếu thấy cần thiết); ra quyết định thành lập đoàn thanh tra thi; cử Trưởng đoàn và cán bộ, giáo viên tham gia các đoàn thanh tra công tác chuẩn bị thi, sao in đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 của đơn vị mình

Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, tổ chức in sao đề thi . Về khâu này Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là cần kiểm tra cơ sở in sao đề thi trước khi Hội đồng in sao làm việc; cử 1 cán bộ thanh tra giám sát tại vòng 2 cùng với 1 công an trong thời gian tiến hành in sao đề thi.

Cử cán bộ thanh tra cắm chốt tại các Hội đồng coi thi (HĐCT), cứ 7 đến 10 phòng thi bố trí 1 cán bộ thanh tra để giám sát HĐCT và thí sinh thực hiện quy chế thi. Trong trường hợp đặc biệt Giám đốc sở GD-ĐT, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng quyết định số lượng cán bộ thanh tra cắm chốt đối với HĐCT dễ xảy ra sự cố.

Tổ chức các đoàn thanh tra lưu động để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ của các HĐCT, nắm tình hình tổ chức và biện pháp bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Đặc biệt lưu ý những nơi gặp khó khăn về cơ sở vật chất, địa điểm thi không an toàn.

Quan điểm thanh tra năm nay được Bộ GD-ĐT quán triệt, khi phát hiện thí sinh vi phạm quy chế, cán bộ thanh tra phải kiên quyết yêu cầu giám thị xử lý theo quy định, lập biên bản ghi nhớ và theo dõi việc xử lý.

Khi phát hiện lãnh đạo, giám thị, giám khảo, nhân viên của HĐCT, Hội đồng chấm thi vi phạm quy chế hoặc có hành vi thiếu trách nhiệm thì yêu cầu lãnh đạo hội đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT, Cục trưởng Cục Nhà trường lập biên bản xử lý theo quy định và lập biên bản ghi nhớ.

Nguyễn Hùng

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-586192/bo-gddt-se-bi-mat-thanh-tra-o-ki-thi-tot-nghiep-thpt-2012.htm

Cần đổi mới căn bản, toàn diện dạy và học Sinh học

Posted: 17 Apr 2012 08:26 AM PDT

(GDTĐ) – Trong hai ngày 14- 15/4, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo Quốc gia về giảng dạy môn Sinh học trong trường phổ thông, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì. Tham dự còn có lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng, các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành, GV các tỉnh thành trên toàn quốc.

Mục đích Hội thảo này là bàn thảo kỹ vấn đề dạy và học môn Sinh học trong nhà trường phổ thông hiện nay. Đồng thời, tổng kết những thành tựu nghiên cứu lý luận, thực tiễn giảng dạy, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án "Đổi mới chương trình SGK sau năm 2015", nhằm đổi mới một cách toàn diện dạy và học môn Sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

Ngày nay, trước thực tiễn phát triển rất nhanh chóng và đa dạng của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông, HS thường xuyên được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin tri thức phong phú và hiện đại. Do đó, đòi hỏi dạy học phải quan tâm trang bị kiến thức rất cơ bản, đồng thời rèn luyện phương pháp tự học làm cơ sở cho sự nhận thức liên tục, học tập suốt đời của người học, không chỉ phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ mà phải thông qua đó hình thành năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và cuộc sống. Qua đó, rèn luyện kỹ năng sống của HS. Điều này, đòi hỏi nội dung các môn học, trong đó có Sinh học nói riêng phải đặt trong mối quan hệ phù hợp chung, tích hợp cao, gắn bó với thực tiễn và tăng tính thực hành. Việc kiểm tra, thi và đánh giá phải hướng tới phát triển năng lực của HS, thúc đấy đổi mới phương pháp dạy học.

Các đại biểu tham dự
Các đại biểu tham dự

Hội thảo tầm cỡ Quốc gia đã thu hút 58 bài tham luận và chia thành 4 nhóm thảo luận chủ đề cốt yếu. Nhiều vấn đề cấp bách được quan tâm, bàn thảo như thực trạng, trình độ GV, phương pháp giảng dạy, đổi mới thiết bị, công nghệ thông tin hiện đại, SGK.

Tiến sĩ Ngô Văn Hưng chỉ ra rằng: Có một thực tế, HS Việt Nam học lý thuyết rất giỏi, nhưng khi ra trường không phải ai cũng làm việc tốt và xuất sắc. Nguyên nhân là do HS ít được thực hành. Những năm gần đậy, trang thiết bị được mua sắm nhiều hơn, số tiết thực hành đã được tăng lên nhưng vẫn quá ít so với phần lý thuyết…, hiệu quả mang lại chưa cao do khung chương trình mới chỉ nêu ra được  nội dung dạy học, còn cách thức cụ thể thì còn chung chung. Đặc biệt, việc dạy thực hành phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ GV, quản lý ở từng trường cụ thể nhưng phần lớn các bài thực hành thí nghiệm nằm ở cuối chương chỉ mang tính chất củng cố, minh họa cho phần lý thuyết..vv. Có bài thực hành còn mang tính hình thức, chưa thực sự giúp HS tự nghiên cứu và rèn thao tác kỹ năng thực hành. Trong khi đó, các bài thí nghiệm thực hành chưa áp dụng nhiều các công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới.

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201204/Can-doi-moi-can-ban-toan-dien-day-va-hoc-Sinh-hoc-1960652/

Thi tốt nghiệp THPT: Chấm chéo bài thi tự luận giữa các trường

Posted: 16 Apr 2012 03:49 PM PDT

Đây là một trong những nội dung mà Bộ GD-ĐT trong công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc phối hợp chỉ đạo tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Ngoài ra Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các tổ chức này tuyên truyền, thông báo rộng rãi, kịp thời các quan điểm, chủ trương trong công tác quản lý, các quy định về kì thi trên phương tiện thông tin đại chúng, tới các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và các thí sinh.

Chỉ đạo các trường phổ thông có lớp 12thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch thời gian năm học 2011-2012, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho người học; Thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, các Hội đồng thi: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và các đoàn thanh tra thi, bảo đảm đúng thành phần, đúng tiêu chuẩn theo quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc chỉ đạo tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn.

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành; trong đó, tập trung làm rõ các điểm mới về công tác tổ chức thi. Xây dựng phương án tổ chức coi thi phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực tổ chức thi của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra, giám sát nhằm góp phần tích cực đảm bảo kì thi diễn ra trật tự, an toàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy chế…

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị, cần phải hướng dẫn kiểm tra, xử lý kịp thời, đảm bảo các trường phổ thông chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức kì thi, xác nhận điều kiện dự thi, quản lý hồ sơ dự thi của thí sinh, đảm bảo các đối tượng thí sinh đăng ký dự thi đúng quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.

Được biết, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012 được tổ chức vào các ngày 02, 03 và 04/6/2012. Các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lý (hệ THPT) và Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý (hệ Giáo dục thường xuyên).

Những nơi không đủ điều kiện thi môn Ngoại ngữ sẽ thi môn thay thế là môn Vật lý. Các môn Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý sẽ thi theo hình thức tự luận.

N.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-586175/thi-tot-nghiep-thpt-cham-cheo-bai-thi-tu-luan-giua-cac-truong.htm

Hai vấn đề căn bản và tiên quyết trong đổi mới giáo dục và đào tạo

Posted: 16 Apr 2012 03:49 PM PDT

Bên cạnh đổi mới căn bản và toàn diện, phải đổi mới đồng bộ và triệt để theo tinh thần một cuộc cải cách giáo dục vì nếu chỉ đổi mới chắp vá và nửa vời thì sẽ khó lòng tạo được chuyển biến đáng kể cho sự phát triển giáo dục của nước ta trong bối cảnh mới.

Sau 25 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo (GDĐT), chúng ta đã đạt được một số thành quả quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, GDĐT vẫn còn nhiều yếu kém và bất cập trước yêu cầu mới, cần được tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện và triệt để hơn. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ chủ trương "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo". Để triển khai chủ trương này, điều quan trọng là cần xác định được những vấn đề nào là căn bản nhất của GDĐT nước ta cần được đổi mới, là khâu đột phá để có thể tác động đến sự đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT nước nhà? Về vấn đề này, tác giả có một vài suy nghĩ sau đây:

1. Hệ thống giáo dục quốc dân (HTGGQD) – yếu tố căn bản nhất về giáo dục của mỗi quốc gia

Khi nói đến sự khác biệt về giáo dục của một quốc gia so với các quốc gia khác, cái đầu tiên phải nói đến là HTGDQD của nước đó. HTGDQD bao gồm 2 thành tố đó là: cơ cấu HTGDQD và bộ máy quản lý HTGDQD. Cơ cấu HTGDQD được coi là một trong những yếu tố căn bản nhất về giáo dục của mỗi nước, bởi lẽ cơ cấu HTGDQD quy định các trình độ giáo dục, các loại hình GDĐT, mối tương quan giữa chúng được bố trí một cách khoa học, đảm bảo tính hệ thống và tính chỉnh thể để mỗi trình độ giáo dục, mọi loại hình GDĐT phối hợp với nhau tạo thành một sức mạnh tổng thể mà bản thân mỗi thành tố của HTGDQD đứng độc lập riêng biệt sẽ không thể có được. Cơ cấu HTGDQD cũng quy định hệ thống văn bằng/chứng chỉ quốc gia, cũng như mối quan hệ giữa giáo dục với xã hội, với thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Do vậy, cơ cấu HTGDQD được coi là gốc rễ, là xương sống giáo dục của mỗi nước.

Bộ máy Quản lý giáo dục là đầu não của giáo dục, đề xuất các chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý và chỉ đạo việc thực hiện mọi hoạt động giáo dục của mỗi quốc gia, sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của giáo dục cũng là yếu tố rất căn bản về giáo dục của mỗi nước.

Vậy một câu hỏi đang được đặt ra là vì sao cần đổi mới HTGDQD của nước ta?

Bức tranh tổng quát về HTGDQD nước ta cho thấy, về cơ cấu HTGDQD bao gồm ba hệ thống thành phần là: Giáo dục phổ thông (GDPT), Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục đại học (GDĐH) nhưng do nhiều đầu mối quản lý nên đang có hoạt động hầu như riêng rẽ, thiếu sự phối hợp, do vậy, đang mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu trình độ cũng như vùng, miền.

- Có 2 loại trường cao đẳng: Cao đẳng nghề và Cao đẳng, 2 loại trường Trung cấp: Trung cấp nghề và Trung cấp chuyên nghiệp, nhưng mục tiêu đào tạo gần như nhau nên đang gây ra sự trùng lặp và làm mất tính chỉnh thể của hệ thống.

- Chưa quy định cấp học phổ cập bắt buộc (Compulsory Educaition). Cấp học phổ cập bắt buộc là trình độ dân trí tối thiểu của mỗi quốc gia đồng thời thể hiện tính nhân văn và công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục.

- Chưa quy định được hệ thống trình độ quốc gia và chưa tương thích với hệ thống trình độ giáo dục quốc tế ISCED để hội nhập. Cho đến nay, chưa có một văn bản nào quy định HTGDQD của chúng ta có bao nhiêu trình độ và chuẩn đầu ra của mỗi trình độ.

- Chưa được phân luồng hợp lý sau THCS và THPT để phát triển đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Về quản lý: HTDGQD ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương về GDĐT là Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH. Ở mỗi địa phương cũng có hai cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương tương ứng là Sở GDĐT và Sở LĐTBXH. Ngoài ra, với chủ trương vừa quản lý theo ngành vừa quản lý theo lãnh thổ, mỗi bộ, ngành trung ương đều quản lý trực tiếp một số cơ sở đào tạo của ngành mình. Như vậy, việc quản lý HTGDQD của chúng ta đang vừa chồng chéo vừa bị chia cắt, phân tán nên quản lý kém hiệu lực và do vậy, khó lòng thực hiện được các chính sách quốc gia thống nhất.

Quản lý nhà nước về giáo dục bao gồm 12 nội dung đã được quy định trong Luật Giáo dục 2005, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ nêu lên một số nội dung chủ yếu sau đây:

- Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục: Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước về giáo dục là xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển giáo dục. Do quản lý có sự chồng chéo nên hiện nay chúng ta đang có hai quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo. Một quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và TCCN do Bộ GDĐT tổ chức xây dựng và chỉ đạo thực hiện, một quy hoạch mạng lưới các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề do Bộ LĐTBXH tổ chức xây dựng và chỉ đạo thực hiện. Như vậy, trên một địa bàn địa phương có 2 quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo (CSĐT) trình độ trung cấp và cao đẳng khác nhau, chồng chéo và trùng lặp. Cũng chính vì vậy mà cả 2 quy hoạch này đều không thể thực hiện được một cách trọn vẹn trong thời gian qua.

- Quy định mục tiêu, nội dung chương trình, tiêu chuẩn nhà giáo,… Hiện nay ở nước ta đang có hai bộ chương trình khung được tổ chức biên soạn với 2 phương pháp tiếp cận và cấu trúc khác nhau: một bộ chương trình khung trung cấp nghề và cao đẳng nghề do Bộ LĐTBXH ban hành được biên soạn với tiếp cận đào tạo theo năng lực thực hiện và cấu trúc hỗn hợp theo môn học và mô đun tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, một bộ do Bộ GDĐT ban hành với tiếp cận đào tạo theo niên chế với cấu trúc môn học. Điều này đang gây trở ngại lớn cho việc đào tạo liên thông giữa các trình độ. Về chuẩn nhà giáo, ở nước ta cũng đang có 2 hệ thống chuẩn nhà giáo và 2 bộ chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên khác nhau, trong khi các trường đang đào tạo đa cấp, vừa dạy cao đẳng, vừa dạy TCCN, vừa dạy Trung cấp nghề. Bởi vậy, trên thực tế, các giáo viên không thể được đào tạo hoặc bồi dưỡng cùng một lúc theo 2 chương trình khác nhau được, và các cơ sở đào tạo đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.

- Tổ chức quản lý việc đảm bảo chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội năm 2004 đã nêu rõ: "Việc quản lý giáo dục truyền thống cần được thay bằng quản lý giáo dục theo chất lượng". Để thực hiện chủ trương này, chúng ta đang có 2 Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng: Bộ GDĐT đã tổ chức xây dựng, thí điểm và ban hành Bộ tiêu chuẩn KĐCL trường đại học với 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí, mỗi tiêu chí được đánh giá với 2 mức độ thấp và cao. Bộ LĐTBXH cũng đã tổ chức xây dựng và ban hành bộ tiêu chí KĐCL với 9 tiêu chí và đánh giá từng tiêu chí bằng điểm số với tổng số điểm là 500 điểm. Như vậy, trong một HTGDQD, nhưng có 2 Bộ tiêu chí để kiểm định chất lượng nhà trường. Trong khi đó, nhiều trường đang đào tạo đa hệ, gồm cả Dạy nghề, TCCN và Cao đẳng. Điều này đã gây trở ngại lớn cho việc thực hiện kiểm định các cơ sở đào tạo ở nước ta trong thời gian qua, và vì vậy cho đến nay, số trường đã được kiểm định chất lượng là không đáng kể.

Thực trạng nêu trên đã dẫn đến những kết quả là trong thời gian qua chúng ta chưa thực hiện tốt được các chủ trương quan trọng về đổi mới giáo dục đã được nhà nước đề ra:

- Không thực hiện được phân luồng học sinh sau THCS và THPT để chuẩn bị cho việc phát triển đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước;

- Không thực hiện được liên thông giữa các trình độ đào tạo cũng như giữa các ngành nghề khác nhau để tạo thuận lợi cho người lao động có thể cần gì học nấy, học suốt đời mà không phải học lại những điều đã học;

- Không ban hành được danh mục ngành, nghề đào tạo các trình độ một cách có tính hệ thống để xây dựng hệ thống chuẩn chương trình các trình độ đào tạo;

- Không chuẩn hóa được hệ thống đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng và hội nhập quốc tế;

- Không có được mạng lưới cơ sở đào tạo hợp lý để đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhân lực của cả nước cũng như trong từng địa phương trong từng giai đoạn phát triển;

- Không thực hiện được quản lý chất lượng hệ thống GDĐT theo phương thức kiểm định chất lượng.

Trên đây là những thách thức to lớn đối với nền giáo dục của chúng ta trong tiến trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, hoàn thiện cơ cấu HTGDQD và đổi mới bộ máy quản lý HTGDQD nước ta cần được coi là vấn đề bức thiết và căn bản nhất để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT của nước nhà mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.


ảnh mang tính minh họa

2. Phát triển đội ngũ nhà giáo – điều kiện tiên quyết để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT

Nhà giáo giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới GDĐT vì chính họ là những người thực thi công cuộc đổi mới. Nếu họ không có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ thì vô tình họ sẽ trở thành lực cản cho công cuộc đổi mới. Trong khi đó, phát triển một đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn chất lượng, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu ngành nghề, trình độ cho các cấp bậc học là một việc rất khó khăn và phải thực hiện quyết liệt trong nhiều năm mới có được. Bởi vậy, cải tổ hệ thống sư phạm là một công việc hết sức hệ trọng và cần được coi là điều kiện tiên quyết, là khâu đột phá, cần làm ngay để chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT nước nhà.

Trong khi đó, thực trạng đội ngũ nhà giáo của chúng ta đang còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng cũng như cơ cấu ngành nghề và trình độ ở mọi cấp bậc học.

Về số lượng: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong 10 năm qua mạng lưới cơ sở đào tạo của tất cả các bậc học đều được tăng nhanh. Số trường dạy nghề năm 1999 đến năm 2010 đã tăng từ 129 lên 426 trường, gấp hơn 3 lần (1). Các trường ĐH và CĐ từ 139 trường lên 376 trường, gấp 2,7 lần. Chỉ có TCCN là tăng không đáng kể, từ 258 lên 282 trường (2). Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh chóng về mạng lưới cơ sở đào tạo này đã tạo nên một sự hẫng hụt lớn về số lượng giáo viên ở mọi trình độ. Về dạy nghề, năm 1999 có 5.849 giáo viên dạy nghề và tỉ lệ GV/HS là 1/28, chỉ mới đạt chuẩn quy định (3). Nhưng đến năm 2010 số lượng giáo viên dạy nghề đã lên đến 33.000, tăng 5,6 lần. Vậy lấy đâu ra giáo viên đạt chuẩn cho 426 trường doanh nghiệp và đến bao giờ mới có thể thực hiện được chuẩn quy định là 1 GV/14-16HS để đảm bảo chất lượng đào tạo?

Về cơ cấu ngành nghề: Năm 2010 danh mục nghề đào tạo đã lên tới 379 nghề ở trình độ cao đẳng, 441 nghề ở trình độ trung cấp (tăng gần 2 lần so với năm 2001) (4). Trong khi đó, cả nước chỉ có 5 trường ĐHSPKT đang đào tạo giáo viên cho khoảng 25 nghề và một số khoa SPKT đang đào tạo giáo viên cho khoảng vài chục nghề. Vậy lấy đâu ra giáo viên cho trên 400 nghề còn lại để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề.

Về chất lượng: Một trong những vấn đề cần được đổi mới về GDĐT là đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học.

Với GDPT, một xu thế quan trọng trên thế giới hiện nay là nội dung chương trình được xây dựng tích hợp liên môn, đồng thời dạy học và đánh giá kết quả học tập theo năng lực. Trong khi đó, các trường Đại học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm ở nước ta cho đến nay đều đang đào tạo giáo viên dạy đơn môn (không tích hợp) với nội dung theo cấu trúc khoa học của từng môn học mà không theo năng lực. Vậy làm sao để sau khi tốt nghiệp họ có thể dạy học tích hợp liên môn theo năng lực với nội dung chương trình đổi mới.

Với dạy nghề, để thực hiện dạy học theo "năng lực thực hiện" (comptetency-based training) tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, giáo viên dạy nghề vừa phải giỏi lý thuyết nghề vừa phải có kỹ năng nghề thành thạo chí ít là hơn học sinh một bậc. Tuy nhiên, với sự phát triển quá nhanh chóng đội ngũ giáo viên dạy nghề (tăng 5,6 lần trong 10 năm) và số nghề đào tạo tăng gần 2 lần như trên, trong khi số nghề đào tạo các trường, khoa sư phạm kỹ thuật lại rất hạn chế; Bởi vậy, trong thời gian qua các trường doanh nghiệp mới được thành lập chủ yếu tuyển giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, các kỹ sư thì không có đủ kỹ năng để dạy thực hành nghề còn cử nhân kỹ thuật thì không đủ kiến thức để dạy lý thuyết nghề. Một mặt khác, cả hai loại giáo viên này đều chưa được trang bị kiến thức cũng nhưng kỹ năng về sư phạm kỹ thuật để có các năng lực cơ bản của nghề dạy học. Vậy làm sao để họ có thể dạy học theo "năng lực thực hiện" tích hợp giữa lý thuyết với thực hành theo các mô đun nghề tích hợp và đến bao giờ thì mới có thể chuẩn hóa được đội ngũ giáo viên dạy nghề theo năng lực?

Với giáo dục đại học, cũng do sự phát triển quá nhanh, các trường đại học trong những năm qua, tình trạng giảng viên hạn chế cũng tương tự. Đặc biệt là trong những năm qua, tỉ lệ GS, PGS, TS trên tổng số giảng viên ở các trường đại học đang bị giảm sút đáng kể. Vậy làm sao để có thể đạt chuẩn 35% giảng viên có trình độ Tiến sĩ vào năm 2020 (3)?

Thực trạng nêu trên đã nói lên một yêu cầu bức xúc là phải nhanh chóng thực hiện một cuộc đổi mới căn bản về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở tất cả các cấp bậc học, từ việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức đào tạo giáo viên, xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra, đổi mới nội dung chương trình đào tạo và phương pháp dạy học ở các trường sư phạm. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống chính sách thỏa đáng để tạo được động lực cho đội ngũ nhà giáo trong việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Trên đây chưa phải là tất cả những gì cần đổi mới GDĐT, tuy nhiên đây là những vấn đề căn bản, gốc rễ nhất, nếu không được đổi mới thì mọi sự đổi mới khác sẽ khó lòng tạo được sự đổi mới căn bản và toàn diện để chấn hưng giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đổi mới căn bản và toàn diện, phải đổi mới đồng bộ và triệt để theo tinh thần một cuộc cải cách giáo dục vì nếu chỉ đổi mới chắp vá và nửa vời thì sẽ khó lòng tạo được chuyển biến đáng kể cho sự phát triển giáo dục của nước ta trong bối cảnh mới.

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3006/201204/Hai-van-de-can-ban-va-tien-quyet-trong-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-1960657/

Số hồ sơ ĐKDT giảm mạnh

Posted: 16 Apr 2012 03:49 PM PDT

(GDTĐ)-Ghi nhận sơ bộ của phóng viên trong ngày cuối thu nhận hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ (16-4) theo tuyến Sở GDĐT, lượng hồ sơ thu nhận được trong cả đợt (từ 15/3 đến 16/4) giảm đáng kể so với năm 2011.

Thu nhận hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ tại Nghệ An. Ảnh: gdtd.vn
Thu nhận hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ tại Nghệ An. Ảnh: gdtd.vn

Tại Hà Nội, điểm thu nhận hồ sơ nhiều phòng GDĐT đều thông tin lượng hồ sơ nhận được giảm. Bà Lê Hải Yến – cán bộ thu nhận hồ sơ phòng GDĐT Long Biên cho biết, số hồ sơ ĐKDT phòng nhận được tính đến chiều 16/4 vào khoảng 500 bộ, giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Hồ sơ của thí sinh cũng ít sai sót hơn. Theo bà Yến, đáng mừng là lượng hồ sơ trên một thí sinh không nhiều, trung bình mỗi thí sinh chỉ nộp từ 1 đến 2 bộ, chứng tỏ các em đã lựa chọn kỹ càng hơn cũng như công tác hướng nghiệp đã làm tốt hơn.

Tính đến gần 17h ngày 16/4, phòng GDĐT huyện Đông Anh nhận được hơn 600 bộ hồ sơ, chỉ bằng 1/2 số lượng hồ sơ đã nhận năm 2011.

Tại Thanh Trì, lượng hồ sơ năm nay cũng giảm mạnh. Cán bộ thu nhận hồ sơ, ông Phạm Văn Ngát cho hay, tính đến thời điểm này (chiều 16/4), tổng hồ sơ nhận được khoảng 400 bộ, giảm xấp xỉ 200 bộ so với năm 2011. Lượng thí sinh nộp nhiều hồ sơ cũng giảm, trung bình mỗi em chỉ nộp 2 bộ, nhiều nhất là 3 bộ hồ sơ.

Cán bộ phụ trách thu nhận hồ sơ của phòng GDĐT huyện Thạch Thất cho biết: Mặc dù số hồ sơ nhận được trong ngày cuối cùng tăng gầp đôi so với những ngày trước (60 bộ), nâng tổng số hồ sơ của cả đợt lên khoảng 500 bộ, song cũng chỉ bằng 1/3 số lượng hồ sơ của năm trước.

Phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm nhận khoảng 300 bộ, phòng GDĐT quận Đống Đa nhận được hơn 500 bộ; phòng GDĐT quận Hà Đông thu được gần 200 bộ…Nhìn chung, số lượng đều giảm so với năm 2011.

Chỉ riêng tại quận Từ Liêm, cán bộ thu nhận hồ sơ Nguyễn Thị Loan cho biết lượng hồ sơ tăng hơn so với năm trước. Theo chị Loan, riêng trong ngày hôm nay, phòng nhận được tới 100 bộ, nâng tổng số hồ sơ thu nhận được lên khoảng 6-7 trăm bộ (hơn khoảng gần 200 so với năm trước). Khá nhiều em nộp từ 4 đến 5 bộ hồ sơ.

Tại Nghệ An, kết thúc việc thu nhận, Sở GDĐT Nghệ An đã thu được 83.430 hồ sơ ĐKDT của học sinh, giảm 8.070 bộ so với năm 2011 (năm 2011 là 91.500 bộ). Trong số hơn 83.000 hồ sơ ĐKDT năm nay, có 35.000 hồ sơ ĐKDT ở Vinh; 24.000 hồ sơ ĐKDT ở Hà Nội, 13.000 hồ sơ ĐKDT ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; 11.000 ĐKDT các trường ở phía Bắc ngoài Hà Nội. Theo đánh giá của bộ phận thu nhận hồ sơ, do các nhà trường đã làm tốt hơn công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh nên tình trạng hồ sơ ảo giảm nhiều so với các năm trước đây.

Cũng theo theo thống kê ban đầu, tại Nghệ An, có 44.106 hồ sơ ĐKDT khối A; 21.433 hồ sơ ĐKDT khối B; 7.079 hồ sơ ĐKDT khối D1; 5.666 hồ sơ ĐKDT khối C; 2.038 hồ sơ ĐKDT khối A1; 7 khối còn lại (D2, D3, H, N, M, T, V) có 3.108 hồ sơ.
Hiếu Nguyễn, Minh Đức

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201204/So-ho-so-DKDT-giam-manh-1960668/

Sống được với 1,5 triệu đồng mỗi tháng

Posted: 16 Apr 2012 03:49 PM PDT


Một tháng tiền ăn hết bao nhiêu?

Hoa (sinh viên ĐH Sài Gòn) sống trong căn phòng trọ ở Q.5, diện tích 10m2 (3 người). Mâm cơm dọn lên chủ yếu là canh rau củ và đồ hộp. Bữa ăn chỉ khoảng 20.000 đồng cho cả phòng. Hoa chia sẻ: "Để tiết kiệm nhiên liệu, phòng mình nấu một lần, ăn hai bữa. Tụi mình ăn trưa rồi để dành cho bữa chiều". Còn với Thảo (trường CĐ Phát thành – Truyền hình II), mỗi tháng, khi gia đình gửi lên 1,5 triệu đồng, bạn phải đóng ngay tiền phòng, điện nước và cả vé tập xe buýt. Túi tiền Thảo còn lại đúng 700.000 đồng. Trừ 200.000 phí phát sinh, bữa ăn của Thảo chỉ còn lại 500.000 đồng/ tháng.

Để không phải vay mượn, Thảo hết sức cân nhắc từng khoản đi chợ mỗi ngày. Thảo chia sẻ: "Bạn bè cùng cảnh nghèo phải "cộng sinh". Tức là gom tiền lại, mua chung cho tiết kiệm. Rau củ và đậu hũ là thực phẩm chủ yếu của tụi mình. Những thức ăn này rẻ hơn rất nhiều so với thịt cá. Để tiết kiệm, thay vì xào rán tốn thêm chi phí dầu mỡ, tụi mình chuyển sang luộc. Đây cũng là cách rất nhiều bạn sinh viên sử dụng". Tất nhiên, bữa ăn như thế thì dinh dưỡng không thể đảm bảo. Bạn Kim Sang (học cùng trường với Thảo) cười: "Đành liệu cơm gắp mắm, chứ muốn ăn thịnh soạn hơn cũng đâu có tiền. Mà còn phải lo chuyện học trước".

Một cách nữa để tiết kiệm chi tiêu đang được giới sinh viên áp dụng là mua đồ ăn đóng hộp trong siêu thị. Đồ hộp tiện dụng, ít tốn thời gian và tương đối phù hợp với túi tiền sinh viên. Bạn Trần Thị Giàu (trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: "Thường vào ngày cuối tuần, tụi mình sẽ góp tiền lại, đi siêu thị và mua thức ăn hộp. Cái lợi của mua đồ hộp là để dành ăn lâu được". Các thức ăn hộp thường được các bạn chọn nhiều là cá sốt cà, patê gan… Với 3 người ăn, mỗi bạn chỉ cần 70.000 đồng/ tuần. Như vậy, các bạn chỉ mất khoảng 300.000 đồng/ tháng. Với số tiền ít ỏi còn lại, các bạn có thể để dành mua sách, đi lại và vô vàn khoản chi tiêu phát sinh khác.

"Cắn răng" mà tự lo

Với số tiền 1,5 triệu đồng/ tháng, lo trang trải sinh hoạt phí đã thấy chật vật, chi li, chưa kể các khoản dành cho học tập. Để có thêm tiền, nhiều bạn sốt sắng tìm việc làm thêm. Sang (trường CĐ Phát thanh – Truyền hình II) nói: "Đi làm, nhiều khi bị người ta ức hiếp, xét nét từng chút một, tới cuối tháng trừ hết vào lương. Tụi mình vẫn chịu đựng để có thêm đồng nào hay đồng nấy. Với mình, thà nhịn ăn chứ không dám nhấc điện thoại, xin tiền ba mẹ".

Ăn uống thiếu thốn thì sức khỏe giảm sút, ít nhiều ảnh hưởng đến việc học nhưng các bạn không có lựa chọn nào khả dĩ hơn. Huỳnh (trường ĐH Sài Gòn) tâm sự: "Đi làm về, lên lớp mệt nên mình hay ngủ gật. Nhưng mình không đi làm thì chắc chỉ có nước nghỉ học. Kết quả học đang đi xuống, mình buồn lắm!". Làm thêm để lo toan cuộc sống mà vẫn duy trì điểm số học tập đang là mong muốn số 1 của nhiều sinh viên hiện nay.

(Theo SVVN)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/68484/song-duoc-voi-1-5-trieu-dong-moi--thang.html

Chi tiết lịch, thời gian thi các môn tốt nghiệp THPT 2012

Posted: 16 Apr 2012 03:48 PM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT đã công bố lịch thi và thời gian làm bài thi các môn thi tốt nghiệp THPT 2012.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2011. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2011. Ảnh: gdtd.vn

Với giáo dục THPT, lịch thi, thời gian làm bài thi cụ thể như sau:

Giáo dục thường xuyên:


*Không tổ chức Hội đồng coi thi riêng cho giáo dục thường xuyên:

Bộ GDĐT lưu ý, kỳ thi tốt nghiệp 2012 sẽ không tổ chức Hội đồng coi thi riêng cho giáo dục thường xuyên mà thi ghép giáo dục thường xuyên với giáo dục THPT trong cùng một Hội đồng coi thi, có phòng thi riêng cho giáo dục thường xuyên.

Giám đốc sở GDĐT ra quyết định thành lập tại mỗi địa điểm thi một Hội đồng coi thi để thực hiện công việc chuẩn bị và tổ chức coi thi theo quy định.

Bộ GDĐT cũng yêu cầu các sở báo cáo sơ bộ kết quả chấm thi, xét tốt nghiệp và cơ sở dữ liệu của kỳ thi, chậm nhất ngày 18/6/2012.

Sau khi báo cáo Bộ GDĐT, giám đốc sở GDĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp và thông báo cho các trường phổ thông để niêm yết danh sách tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh. Báo cáo kết quả tốt nghiệp chính thức, chậm nhất ngày 5/7/2012.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201204/Chi-tiet-lich-thoi-gian-thi-cac-mon-tot-nghiep-THPT-2012-1960658/

Comments