Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Dạy thêm, học thêm, do đâu?

Posted: 09 Apr 2012 08:19 AM PDT

Dạy thêm, học thêm, do đâu?

TT – Lương thấp không đủ sống, chương trình nặng và thi cử căng thẳng, áp lực thành tích, thói quen học thêm, nhu cầu của phụ huynh… là những lý do khiến dạy thêm tồn tại.

Kỳ 1: Chỉ là giải pháp "chặt ngọn"

Một điểm dạy thêm tại nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp lúc 16g45 ngày 5-4) – Ảnh: NHƯ HÙNG

"Bọn mình ủng hộ việc sẽ không dạy thêm nữa, vì dạy thêm cũng mệt mỏi lắm, thật sự là "bán cháo phổi". Buổi tối khi các gia đình quây quần bên mâm cơm thì mình vẫn phải làm việc, 21g-22g mới ngồi vào bàn ăn khi thức ăn đã nguội lạnh cả. Không cho dạy thêm thì hãy điều chỉnh chế độ lương cho giáo viên đi. Lương giáo viên trẻ bây giờ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, lương của mình, một giáo viên có hơn chục năm trong nghề, cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền thế này, ở giữa Hà Nội, phải sống thế nào?" – cô Hoài Văn, một giáo viên dạy văn bậc THCS tại Hà Nội, tâm sự.

Không dạy thêm thì phải đi làm thêm…

Vừa là cô giáo dạy lịch sử vừa là phụ huynh, cô Nguyễn Thị Bích Thủy – Trường THCS Lương Thế Vinh, Q.3, TP.HCM – kể: "Giáo viên dạy thêm cũng có thể phát sinh chuyện tiêu cực, nhưng tôi cho rằng hiện tượng chèn ép HS để dạy thêm gây dư luận xấu chỉ là số ít. Giáo viên dạy thêm tức là truyền đạt thêm kiến thức cho HS, thu nhập bằng chính kiến thức của mình, trách họ sao được! Dạy thêm là nhu cầu của nhiều giáo viên, xuất phát từ chính cuộc sống của họ, từ chuyện đồng lương không đủ trang trải cuộc sống. Ví dụ một đồng nghiệp của tôi, thâm niên trên 20 năm đang hưởng bậc lương đụng trần, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, nuôi hai con học ĐH, nếu chỉ chờ vào đồng lương không nuôi sống được gia đình. Ngay như những giáo viên dạy sử, địa, giáo dục công dân không dạy thêm như các bộ môn khác được, họ cũng phải dạy thêm bằng cách "chạy sô" dạy ở các trường tư, trường quốc tế, thậm chí phải đi dạy kèm để trang trải cuộc sống…".

Một cô giáo dạy công nghệ bậc THCS tại Hà Nội cũng cho biết: "Giáo viên công nghệ không HS nào cần học thêm, tổ chúng tôi có chị phải đi làm gia sư buổi tối, người khác mở net, bán quần áo tại nhà. Tôi kiên trì lắm cuối cùng cũng phải xin đi dạy thêm ở một trường tư. Lương của tôi với thời giá hiện nay chỉ đủ đi chợ 20 ngày/tháng cho bữa ăn của cả gia đình". Ngậm ngùi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng – công tác tại một trường THPT ở Vĩnh Phúc – tâm sự: "Mình ra trường bốn năm, lương ban đầu 1,6 triệu đồng, nay nâng lên thành 2,3 triệu đồng/tháng. Trường tổ chức dạy thêm, mỗi tuần tham gia được hai buổi với số tiền đóng 5.000 đồng/ca học/HS, mỗi cô giáo lại được trả thêm 150.000-170.000 đồng/buổi. Gọi là đã có dạy thêm, nhiều thầy cô trong trường vẫn phải tranh thủ làm thêm nhiều việc kiếm sống như nhận mối gia công hàng từ các công ty để tăng thu nhập".

Chương trình nặng, thi cử căng thẳng

Chương trình quá tải, lại áp dụng cho một nền giáo dục nặng nề thi cử, càng lên cấp cao áp lực thi cử càng khủng khiếp do HS có quá ít "nhánh rẽ", chỉ chăm chăm chen chân để vào đại học, hệ lụy của nó là dạy thêm, học thêm chóng mặt.

Theo một giáo viên Trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội, tư tưởng siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm vẫn chỉ dừng ở lý thuyết khi thực tế những đề thi tập trung hiện vẫn quá khó, nâng cao nhiều so với sách giáo khoa. "Ngay kỳ thi hết học kỳ 1 vừa qua của khối lớp 9, cả giáo viên và HS trường tôi đều ngã ngửa vì đề thi quá khó. Chính đề thi khó đã đẩy phụ huynh vào tâm lý hoang mang, gõ bằng được "cửa" nào bổ sung kiến thức cho con em mình" – giáo viên này chia sẻ.

"Không học thêm không được!" – đó là ý kiến từ phía phụ huynh và cả nhiều hiệu trưởng. Lớp 5 phải học để có điểm tốt chọn trường vào lớp 6. Lớp 9 muốn có cửa vào lớp 10 trường tốt hẳn nhiên phải học thêm vì đề tuyển sinh lớp 10 yêu cầu nâng cao, chỉ học kiến thức cơ bản không có điểm tốt. Chương trình lớp 8 còn nặng nề hơn cả lớp 9, phải học thêm đã đành. Nhưng nhiều HS tiểu học không học thêm thì lên lớp 6 cũng phải học thêm. Lý do vì sao? Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.3, TP.HCM nói: "Cứ nhìn vào cấu trúc chương trình giữa hai bậc tiểu học và THCS sẽ rõ. HS tiểu học học nhẹ nhàng, tỉ lệ HS giỏi cao ngất. Lên lớp 6 học cùng lúc 13 môn, môn nào cũng học bài, làm bài. HS bị sốc, điểm số giảm, tỉ lệ HS giỏi từ 70% xuống còn 20-30%, phụ huynh sốt ruột, vậy là bắt đầu học thêm".

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ – PHÚC ĐIỀN (còn tiếp)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/486063/Day-them-hoc-them-do-dau.html

Tuyển thẳng 11 ngành

Posted: 09 Apr 2012 08:18 AM PDT

ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tuyển thẳng 11 ngành

TT – Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa công bố quy định về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào trường năm 2012.

Theo đó, nhà trường tuyển thẳng thí sinh trong đội tuyển quốc tế, tốt nghiệp THPT năm 2012. Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải, cụ thể ngữ văn: văn học, văn hóa học, báo chí và khoa học thư viện; lịch sử: lịch sử và lưu trữ học; địa lý: địa lý; tiếng Anh: ngôn ngữ Anh; tiếng Nga: ngôn ngữ Nga; tiếng Trung: ngôn ngữ Trung Quốc; tiếng Pháp: ngôn ngữ Pháp.

Nhà trường ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sau khi thi tuyển sinh ĐH, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên và không có môn nào bị điểm 0.

Cụ thể: giải môn ngữ văn, lịch sử, địa lý vào các ngành khối C; giải toán, vật lý, hóa học vào các ngành khối A; giải toán, vật lý, tiếng Anh vào các ngành khối A1; giải toán, hóa học, sinh học vào các ngành khối B; giải toán, ngữ văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung vào các ngành khối D. Trường cũng tuyển thẳng thí sinh khiếm thị nếu học lực đạt từ khá trở lên ba năm THPT, trong đó điểm ba môn đăng ký dự thi phải 7 trở lên, thị lực dưới 10% (có xác nhận của trung tâm giám định y khoa cấp tỉnh, thành phố).

TRẦN HUỲNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/486151/Tuyen-thang-11-nganh.html

Đóng tiền nhưng không được thực tập

Posted: 09 Apr 2012 08:18 AM PDT

Đóng tiền nhưng không được thực tập

TT – "Tôi đóng 1 triệu đồng lệ phí thực tập nhưng hầu như chẳng được thực tập gì cả" – V.M., sinh viên Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM, nói. Hơn 300 sinh viên trường này cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Sinh viên Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM trong đợt thực tập từ tháng 4-2011. Suốt bốn tháng, hầu như sinh viên chẳng được thực hành gì – Ảnh: CTV

Trở thành thuyền trưởng, được lái những con tàu đi khắp đại dương là mơ ước từ nhỏ của sinh viên M. (khóa 2008) Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM. Cuối tháng 4-2011, sau hơn hai năm học tại trường, M. và các bạn cùng khóa bước vào giai đoạn được mong đợi nhất: thực tập tốt nghiệp. Nhưng M. thật sự… vỡ mộng!

Đến tàu nghe giảng lý thuyết

Điểm tiếp cận thực tế của những lái tàu, thợ máy tương lai là trên một con tàu tại Q.7, TP.HCM. "Trái ngược với cảm giác háo hức của chúng tôi, con tàu quá cũ kỹ và không còn hoạt động được. Gần bốn tháng, tôi và các bạn mỗi tuần đến tàu một lần và hầu như chỉ nghe thầy giảng… lý thuyết" – M. thất vọng nói.

Gần cuối đợt thực tập, Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM thông báo mỗi sinh viên phải đóng 1 triệu đồng lệ phí thực tập. Nhà trường cho biết khoản tiền này dùng để trả chi phí nhiên liệu, bến bãi… thuê tàu khác cho sinh viên. "Sau khi đóng lệ phí, mỗi nhóm được giáo viên hướng dẫn đưa lên tàu chở luân phiên đến Vũng Tàu, vòng về trong một buổi và… kết thúc thực tập. Gần ba năm ở trường tôi chỉ được học lý thuyết, học lái tàu mô phỏng. Cứ nghĩ kỳ thực tập sẽ được cầm lái nhưng cũng chẳng khá hơn. Thú thật, giờ ra trường tôi cũng không dám điều khiển một con tàu dù cỡ nhỏ" – M. tâm tư.

Bi đát hơn, trên 100 sinh viên lớp công nghệ thông tin, kế toán Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đào tạo tại Bình Dương (khóa 2008-2011) dù đóng tiền cho nhà trường vẫn không tìm được nơi thực tập tốt nghiệp. Năm học trước, các lớp này được điểm đào tạo tại Bình Dương thông báo đóng 900.000 đồng để trường giới thiệu nơi tiếp nhận sinh viên thực tập. Ông Nguyễn Tấn Duy – trưởng điểm đào tạo tại Bình Dương – giải thích: "Số tiền này vừa là lệ phí ôn thi tốt nghiệp vừa là lệ phí thực tập như dùng để chi cho giáo viên liên hệ nơi tốt nghiệp, chi cho doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên…".

Oái oăm thay, sau khi đã đóng tiền, sinh viên vẫn phải "tự bơi" trong việc liên hệ chỗ thực tập. "Đóng tiền nhưng tôi và nhiều bạn cầm giấy giới thiệu đi khắp nơi không nơi nào nhận. Hết thời hạn hai tháng, chúng tôi vẫn không biết thực tập là gì" – một sinh viên bức xúc.

"Như thế là đạt rồi"

Về việc bố trí sinh viên thực tập trên con tàu hư hỏng và thời lượng "lên tàu" quá ít, ông Trần Văn Giáp – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hàng hải TP.HCM – giải thích: "Thời điểm đó, sinh viên đi xin thực tập bên ngoài nhưng nhiều nơi từ chối nên trường đưa các em về. Trường không thu tiền các em khi thực tập ở tàu này. Tàu không chạy được nên chúng tôi thuê một con tàu của đơn vị khác. Khoản tiền 1 triệu đồng bao gồm tiền xăng dầu, bến bãi, thù lao giáo viên… Sinh viên được đi một buổi như vậy là cố gắng lắm rồi. Trong quá trình học, nhà trường cũng có phòng mô phỏng cho sinh viên thực hành. Tôi nghĩ thực tập, thực hành như thế là đạt yêu cầu rồi" (?).

Trong khi đó, ông Trần Viết Phú – phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM – khẳng định không hề hay biết chuyện thu lệ phí thực tập của sinh viên điểm đào tạo ở Bình Dương.

Ông Phú nói: "Trường không có chủ trương thu lệ phí thực tập của sinh viên. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nếu sinh viên đã đóng tiền mà không được thực tập, sẽ yêu cầu trả lại tiền cho các em". Cũng theo ông Phú, một số nghề như kế toán, tin học sinh viên không tự liên hệ được nơi thực tập thì phải đóng một số khoản tiền (từ 500.000-800.000 đồng) để trường giới thiệu. "Công ty thu nhiều thì mình phải đóng nhiều. Ngoài ra còn chi phí cho giáo viên để hướng dẫn" – ông Phú nói.

Chuyện "tự ý thu tiền của sinh viên" được ông Nguyễn Tấn Duy giải thích sau khi Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM ngừng chương trình hợp tác (năm 2011), phía Bình Dương phải tự tổ chức cho sinh viên đi thực tập. Ông Duy nói: "Chúng tôi thu 900.000 đồng lệ phí để sinh viên đạt kết quả tốt nghiệp cao".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều sinh viên không hề được giới thiệu nơi thực tập như cam kết của điểm đào tạo ở Bình Dương khi thu tiền. Chỉ có một số ít sinh viên trong số này tự tìm được chỗ thực tập dù vẫn đóng tiền "giới thiệu" cho trường…

HÀ BÌNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/486149/Dong-tien-nhung-khong-duoc-thuc-tap.html

Hệ miễn dịch của đại học

Posted: 09 Apr 2012 08:18 AM PDT

Khi giảng viên dạy dở…

Thưa ông, là người từng giảng dạy ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, bên cạnh những vinh quang, ông thấy sự “khắc nghiệt” của nghề này ở nước ngoài như thế nào?

Khắc nghiệt thì tôi không chắc, nhưng áp lực thì chắc chắn có. Áp lực để có một bài giảng tốt, đem lại nhiều thông tin mới hoặc có ích cho học viên. Áp lực để trình bày bài giảng một cách trôi chảy, từ cấu trúc nội dung đến phong cách và môi trường chung quanh. Cá nhân tôi lúc nào cũng cố gắng “có cái gì đó mới”, trong một bài giảng. Cùng một bài giảng về một chủ đề ở hai nơi, tôi lúc nào cũng có thêm vài điểm khác biệt giữa chúng. Đã nhận lời giảng thì phải có cái gì mới để nói, còn không có thì không nhận lời. Những chuẩn mực đó do tôi tự đặt ra và có thể nói là “mình tự mình làm khổ mình”. Nhưng tôi quan tâm đến học viên hơn là quan tâm đến cá nhân tôi. Tôi biết nhiều người khác cũng như thế, tức là đặt ra những chuẩn mực để vươn tới, trong việc truyền đạt kiến thức.

Trong vài trường hợp như giảng bài trong các hội nghị, nhất là cấp quốc gia và quốc tế, thì rất căng thẳng. Có khi phải tốn cả tuần để soạn một bài giảng chỉ 30 slide. Và phải thực hành nhuần nhuyễn trước khi bước lên bục giảng. Tôi biết, có người đã là giáo sư mà mỗi khi giảng ở một hội nghị trước hàng ngàn người, họ vẫn phải dùng đến thuốc để… “an thần”. Nói như thế để thấy, có tình huống đòi hỏi người giảng phải đầu tư công sức và thời giờ để chuyển tải thông tin đến người nghe. Áp lực ở đây là nhận lãnh trách nhiệm và duy trì uy tín cá nhân.


Như thế nào được gọi là một người thầy giỏi, thưa ông?

Theo tôi, một người thầy giỏi có thể phản ánh qua kiến thức chuyên môn, sự tương tác với học viên và kỹ năng sư phạm.

Giảng viên tốt phải là người có kiến thức tốt về lĩnh vực hoặc chủ đề mình giảng, thể hiện qua sự làm chủ thông tin và tấm gương học thuật. Làm chủ thông tin ở đây có nghĩa là giảng viên chính là người “sản xuất” ra (hay hiểu một cách tường tận) thông tin chính dùng trong bài giảng, qua những nghiên cứu của họ. Tấm gương học thuật ở đây, tôi muốn nói đến cách “nói có sách, mách có chứng”, tất cả những phát biểu phải có cơ sở khoa học hay có chứng cứ, chứ không nói theo cảm tính.

Khả năng tương tác với học viên đóng vai trò rất quan trọng làm nên một người thầy giỏi. Người thầy giỏi nên kích thích sự quan tâm và tò mò của học viên, dành thời gian cho học viên ghi chép và “tiêu hóa” thông tin.  Người thầy giỏi giảng dạy từ trái tim, chứ không chỉ từ sách vở. Do đó, người thầy giỏi còn phải tỏ ra nhiệt tình với chủ đề mình giảng để “truyền lửa” cho học viên.

Ngoài kiến thức và tương tác, người thầy giỏi theo tôi còn phải có kỹ năng sư phạm tốt. Kỹ năng sư phạm ở đây là có khả năng giải thích, kỹ năng nói chuyện trước đám đông (chẳng hạn như không làm cho khán giả… ngủ!), có kỹ năng soạn bài giảng một cách đúng phương pháp, sử dụng từ ngữ chính xác, sử dụng những ví dụ có liên quan đến bài giảng. Người thầy xoàng có thể làm cho vấn đề thêm phức tạp, nhưng người thầy giỏi thì có khả năng biểu lộ sự đơn giản của vấn đề. Người thầy giỏi còn có óc hài hước. Hài hước nhưng không quá trớn và tự biến mình thành người nghệ sĩ hài trước cử tọa học thuật.

Có thể phân các giảng viên thành 4 nhóm theo nội dung và phong thái. Giảng viên trung bình là người chỉ kể chuyện và pha trò giỏi; giảng viên hay là người giải thích tốt; giảng viên giỏi là người có khả năng chứng minh và thuyết phục; và giảng viên tuyệt vời là người có khả năng truyền cảm hứng.

Nếu được phép so sánh, ông sẽ so sánh người thầy giỏi với hình ảnh nào?

Tôi muốn lấy hình tượng của người trồng hoa để ví von với vai trò của người thầy. Người trồng hoa phải cẩn thận chọn và gieo hạt giống, rồi tỉa cành hoa thành một tác phẩm đẹp. Người thầy cũng thế: Chọn nội dung bài giảng kỹ càng và rèn luyện kỹ năng sư phạm để gieo những hạt giống tri thức đến học viên và đào tạo họ thành những người sống đẹp.

Nếu trở lại là một sinh viên, ông thích phong cách giảng dạy nào nhất? Vì sao?

Câu trả lời có lẽ tùy vào giai đoạn. Nếu tôi là sinh viên bậc cử nhân, tôi thích giảng viên có khả năng giải thích và khai sáng. Nếu là sinh viên sau đại học, tôi thích giảng viên truyền đạt cảm hứng hơn là giảng viên giải thích.

Mỗi một bậc học có nhu cầu khác nhau. Ở bậc cử nhân, sinh viên cần tiếp thu một lượng kiến thức tổng quan tương đối lớn, nên tôi nghĩ, cách giảng giải thích rất có hiệu quả. Còn bậc sau đại học thì vì sinh viên phải tập trung vào một lĩnh vực hẹp, có khi rất hẹp, nên cần phải có cảm hứng để theo đuổi đề tài. Do đó, cách giảng thích hợp không thể nói chung được mà còn tùy thuộc vào giai đoạn trong quá trình học hành.

Việc sinh viên “chấm điểm” bài giảng của thầy giáo có ý nghĩa như thế nào đến việc cải thiện chất lượng giáo dục và đào thải các giảng viên kém?

Tôi nghĩ, việc sinh viên đánh giá giảng viên là hoàn toàn hợp lý và dân chủ. Sinh viên phải đóng học phí, cũng như bỏ thời gian để đến nghe giảng viên giảng và do đó, việc họ có mặt trong giảng đường là một sự đầu tư. Đã là đầu tư thì họ có quyền kỳ vọng lợi ích, được tiếp thu kiến thức mới, và có quyền cho ý kiến.

Mặt khác, tôi nghĩ, người giảng viên tốt cũng rất muốn biết sinh viên nghĩ gì và đánh giá mình ra sao. Tôi biết, có giảng viên còn chủ động soạn ra những bộ câu hỏi để thăm dò ý kiến của sinh viên. Thật ra, tôi biết vài người mà trong hồ sơ xin đề bạt các chức danh khoa bảng (như giáo sư chẳng hạn), giảng viên cũng kèm theo những cuốn băng video bài giảng và những đánh giá của sinh viên.

Do đó, về lâu dài, việc sinh viên đánh giá giảng viên, theo tôi, là sẽ có hiệu quả cải tiến kỹ năng và làm giàu thêm kinh nghiệm của giảng viên. Ngay cả trong các hội thảo chuyên đề, học viên cũng đánh giá giảng viên về nội dung bài giảng, về phong cách, về tính thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ học viên…  Tất cả những đánh giá như thế tạo áp lực lên người giảng, khiến họ phải đáp ứng nhu cầu học thuật của học viên và để đáp ứng nhu cầu ấy, giảng viên phải nỗ lực hết mình.

Tâm lý bầy đàn

Hệ thống giáo dục đại học ở các nước “miễn dịch” thế nào với các giảng viên không đủ tài, đủ đức, thưa ông?

Ở đâu thì tôi không rõ, nhưng ở Úc, tôi nghĩ, giới quản lý đại học không ngạc nhiên nếu biết giảng viên của trường giảng dở. Phần lớn những người giảng dạy đại học là những nhà nghiên cứu và rất ít người được huấn luyện về kỹ năng giảng dạy. Tôi thấy họ thường khuyên các giảng viên bị sinh viên đánh giá kém về kỹ năng giảng dạy nên phải đi học một khóa về kỹ năng sư phạm (cũng giống như các nghiên cứu sinh không am hiểu cách viết bài báo khoa học được khuyên nên đi học các khóa học về viết văn trong khoa học).

Vì đặt nặng nghiên cứu khoa học, nên không có đại học nào bãi nhiệm giảng viên, chỉ vì họ giảng dạy kém. Tuy nhiên, ở Úc cũng có vài trường hợp giảng viên bị miễn nhiệm vì phạm tội “quấy rối tình dục”. Dù là người tài cỡ nào mà phạm phải lỗi này thì sẽ bị cho nghỉ việc ngay, không bao giờ nhân nhượng. Do đó, các đại học Úc rất quan tâm đến các quy chuẩn đạo đức trong giảng dạy, như tuyệt đối không được dùng những từ ngữ mang tính phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt tuổi tác… Tôi còn nhớ, vào thập niên 1990, có một ông giáo sư sử học rất nổi tiếng ở Melbourne bị yêu cầu từ chức vì ông có những lời lẽ xuyên tạc và xúc phạm đến người tị nạn gốc Việt Nam. Nói chung, giảng viên bị miễn nhiệm không phải vì lý do giảng dở, mà thường vì lý do vi phạm đạo đức sư phạm.

Ở Việt Nam, gần đây, có một giảng viên khi đứng lớp đã dùng quá nhiều từ được coi là tục tĩu. Ấy vậy nhưng việc đó lại được một bộ phận cộng đồng xem là chuyện bình thường. Ông lý giải chuyện này như thế nào?

Tôi cũng có theo dõi sự việc và cũng ngạc nhiên trước sự ủng hộ của nhiều sinh viên đối với vị giảng viên này. Tôi không biết căn nguyên từ đâu, nhưng tôi chú ý thấy những người ủng hộ và tán dương vị giảng viên đó phần lớn là “cư dân mạng”. Phản ứng của cư dân mạng thì dĩ nhiên, không đủ chứng cứ để nói rằng, đa số sinh viên Việt Nam tán thành cách giảng của vị giảng viên đó. Có lẽ, cần phải có một khảo sát để tìm hiểu “hiện tượng” này.

Tuy nhiên, trước đây, tôi có đọc một khảo sát cộng đồng ở Việt Nam, mà trong đó, tác giả báo cáo rằng, phần lớn (trên 70%) sinh viên lên mạng thường để đọc báo, viết blog, vào Facebook, chat với bạn, chơi game, đọc truyện… tức là những việc làm giải trí, không mang tính học thuật cao. Do đó, có lẽ một số sinh viên kém khả năng về critical thinking, tức khả năng phân tích một vấn đề để đánh giá đúng sai, phân biệt giữa ngụy biện với lôgíc, hay khả năng đặt vấn đề. Những người này dễ bị chi phối bởi “hiệu ứng đám đông”. Chỉ cần một vài người tung hô thì đám đông khác cũng hùa theo. Trong trường hợp đề cập, tôi không biết có hiệu ứng đám đông hay không, chỉ là giả thuyết thôi.

Làm thế nào để các bạn sinh viên ý thức được vai trò của họ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục?

Một đại học tốt bao gồm những sinh viên tốt. Thật vậy, nhiều khi, người ta đánh giá uy danh giữa các đại học dựa vào thành tựu của sinh viên. Tôi nghĩ, sinh viên trước hết cần rèn luyện khả năng critical thinking và tư duy phản biện, để phân biệt đúng và sai. Sinh viên cũng cần phải tập làm quen với cách phát hiện và giải quyết vấn đề, phải am hiểu những quy ước trong tranh luận học thuật. Ngoài ra, đại học cũng phải tạo điều kiện để sinh viên có tầm nhìn “big picture” – toàn cảnh. Đành rằng, học hành thì chỉ tập trung vào một chủ đề nhỏ và hẹp, nhưng cần phải đặt chủ đề đó trong bối cảnh lớn hơn, để biết mình đang ở đâu trong bối cảnh đó. Sinh viên đại học mà không nghĩ mình là thành phần tinh hoa trong xã hội thì người sinh viên đó chỉ là ở mức trung bình.

Người ta lo, nếu một ngày, các giảng viên có quyền ví von tục tĩu trên giảng đường, thế giới của các đại học sẽ thế nào?

Tôi thấy câu nói (đã được diễn giải) của Khổng Tử có thể trả lời cho câu hỏi này. Khổng Tử từng nói: “Nếu ngôn từ không được sử dụng đúng chỗ, thì những gì được phát biểu sẽ không hàm chứa ý nghĩa mà tác giả muốn nói; nếu những gì mình phát biểu vượt ra ngoài ý tưởng của mình thì những gì cần phải thực hiện sẽ không thực hiện được; và nếu những gì mình không thực hiện được, thì đạo đức và nghệ thuật sẽ suy đồi”. Tuy nhiên, tôi nghĩ, giả thuyết câu hỏi đặt ra chắc chỉ là… giả thuyết thôi, vì trong thực tế vẫn có nhiều giảng viên giỏi và yêu nghề.

Theo ông, tinh thần của một đại học phải hội đủ các yếu tố nào?

Nếu trả lời ngắn, tôi nghĩ đến tinh thần khai sáng và tự do học thuật. Theo tinh thần khai sáng, đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất. Một đại học lý tưởng nên tôn trọng tinh thần tự do học thuật, trong đó, giảng viên và sinh viên có quyền tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy và tự do học hỏi và tìm hiểu.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-583582/he-mien-dich-cua-dai-hoc.htm

Không có chứng nhận mẫu giáo, không được vào lớp 1?

Posted: 09 Apr 2012 08:18 AM PDT

Không có chứng nhận mẫu giáo, không được vào lớp 1?

TT - Thời gian qua nhiều phụ huynh ở phường 1 và phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM phản ảnh: UBND hai phường này yêu cầu trẻ em tuổi đi học phải có chứng nhận đã học mẫu giáo mới được cấp giấy xin đi học lớp 1, trong khi nhiều phụ huynh này do điều kiện khó khăn không thể cho con học mẫu giáo.

Ông Trần Văn Long, phó chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp, cho biết:

- Chủ trương chung là tất cả học sinh đến tuổi đều được đi học lớp 1. Không có quy định hay cuộc họp nào về việc phải có chứng nhận học mẫu giáo mới được đi học lớp 1. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này chúng tôi đang tích cực vận động "phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi", nhằm giúp các em 5 tuổi ra học mẫu giáo, có bước làm quen với môi trường học đường để sau này không bỡ ngỡ, vấp váp khi vào lớp 1. Nhiều phụ huynh được vận động nhiều lần nhưng không thực hiện việc phổ cập này.

L.TRANG ghi

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/486183/Khong-co-chung-nhan-mau-giao-khong-duoc-vao-lop-1.html

Comments