Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Những nốt ‘đô la’ của bài ca sư phạm Việt?

Posted: 08 Apr 2012 06:40 AM PDT

– Định dạy con cách sử dụng đồng tiền, ta chắc không kỳ vọng rồi chúng sẽ bắt đồng tiền làm nô lệ, như Rockefeller… cũng chẳng sợ, ngược lại, chúng rồi sẽ thành nô lệ cho đồng tiền. Nhưng rất có khả năng chính chúng ta sẽ thành nô lệ, hoặc ít nhất, thành con tin cho con mình vì chuyện này. Vì có thể chúng lại dùng đồng tiền "thưởng" để chi phối lại chúng ta.

 

Con chúng ta đang hiểu "tiền" có nghĩa là gì? (Nhiều U60 từng được dạy thẳng tưng, là tiền có nghĩa là "xấu", đến khi thế giới đại đồng, tiền sẽ bị triệt; lớn lên chút nữa, được răn dạy: tiền vẫn…tệ, cảnh báo đừng nên "đồng chí không bằng đồng tiền"… Hôm nay, có trai trẻ và cả thiếu niên "dạy" tôi: tiền nghĩa là tất cả).

Con ta có hiểu những đồng tiền trong "ngân sách" gia đình, nói chung, là mồ hôi nước mắt của cha mẹ? Chúng đã đủ kiến thức tự bảo vệ "người tiêu dùng" để mua những thứ đơn giản, như đồ ăn, quà vặt ngoài đường, hay đồ chơi (rất có thể, chứa chất độc hại) trong cửa hàng? Liệu cháu có thuộc loại có khả năng tự kiềm chế nguyện vọng, cân nhắc chi phí trên một thị trường lạm phát, dễ mất khả năng thanh toán "như chơi".

Nhớ cô bé tự tử sau khi đi mua đồ lót ở hiệu… Em mất đi, ta không thể hỏi được căn nguyên. Có phải tiền "kế hoạch nhỏ" của em quá nhỏ so với giá thành vừa vọt lên?.

Có cả đống câu hỏi, để rồi vẫn ít, khi những hệ lụy đau lòng xảy ra… Nhưng một câu hỏi cơ bản vẫn có thể là, rồi con em sẽ trung thực trong "báo cáo tài chính" với các "nhà đầu tư", là phụ huynh, về các khoản đã chi tiêu?

Bé học cách dùng tiền

Các nhà tâm lý, kể cả nghiệp dư, cho rằng dạy con sử dụng tiền có thể kích thích chúng học môn toán. Rằng những đứa tính nhẩm giỏi sẽ có cơ trở thành những Rockefeller luôn dành được lợi thế cho mình trong mỗi hợp đồng (tỉ phú Rockefeller thực ra là kết quả của sự giáo dục trái nghịch về tiền: tính "lươn lẹo" của người cha – kết hợp trong mâu thuẫn, với sự chân chỉ của bà mẹ, kiếm tiền theo kiểu nhặt từng đồng sạch sẽ của tín đồ thiên chúa giáo). Có học giả bô bô với tôi rằng trẻ Việt giỏi toán cỡ thế giới, nên chúng sẽ rất tinh vi trong dự toán chi tiêu…

Nhưng hôm nay, theo Giáo sư Lê Văn Cường Việt kiều Pháp thường xuyên về giảng dạy môn toán ở các trường đại học quốc nội, trẻ Việt hôm nay thực ra không giỏi toán. Hẳn vì người ta đang dạy toán ở Việt Nam chủ yếu qua khái niệm, không chứng minh, GS Cường thổ lộ, trong ngạc nhiên…

Kết quả là bọn trẻ Việt "bổ đề" nào cũng biết (lơ mơ), rồi mọi thứ dừng ở đó, vì giáo án mẫu đã hoàn thành thắng lợi, phụ huynh Việt tự hỏi (?)

Và còn câu nói từ ngàn xưa, rằng muốn làm hại ai thì cho người đó tiền, sẽ có nghĩa gì với bé nhà mình – công dân của thiên niên kỷ mới?

Phụ huynh Việt đã sẵn sàng để con sử dụng tiền?

Chúng ta đã chắc rằng mình hiểu rõ con mình đang mơ ước điều gì, quý báu cái gì? Quan hệ trong gia đình đã thực sự là tin cậy lẫn nhau? Để con không lên dự trù mua cái này, để thỏa mãn một ý nguyện hoàn toàn khác. Nhưng ngược lại, kiểm soát quá chặt chi tiêu của con có thể làm chúng trở nên quá "đuya" (rắn) trong mắt chúng bạn.

Nhìn cách một đứa trẻ tiêu tiền, ông bà ta từng xác định "nếp nhà" của chúng. Chẳng hạn, có đứa tiêu tiền như phá là do mẹ từng có khó khăn, nên nay muốn dát vàng lên con mình, tiếng Việt gọi là "nhà mới nỏi".

Xã hội Việt, vừa trải qua một thời ai cũng nghèo như nhau, nên hôm nay ai đó muốn làm tuổi thơ con mình "hạnh phúc" hơn, bằng cách mua E phone cho chúng để dễ gọi về ăn… hiệu, cũng khó phê phán nặng lời. Còn nhiều bậc cha mẹ ở quê đang cố chắt bóp từng đồng gửi ra cho con học đại học ở thành phố, cho bằng anh bằng em, cố không nghĩ tới những bi kịch chốn "phồn vinh giả tạo".

Có vị khi ly dị để lại cho vợ con nhiều tiền, nhưng thất thần nghe con khóc trước tòa: con không cần tiền, con cần Bố Mẹ con cơ… Cũng có khi cách bố/mẹ cho tiền con gây mâu thuẫn trong gia đình vì người kia không bằng lòng với cách "làm hư con" như vậy.

"Dùng tiền để chi phối con hoàn thành nhiệm vụ" có thể đưa gia đình vào vòng luẩn quấn của một thứ quan hệ "tiền hàng" méo. Nếu con ta không còn biết lao động (kể cả học tập cũng là một hình thức lao động) một cách vô tư, "mình vì mọi người", thì nhìn xa, các nghĩa vụ của chữ hiếu, chẳng hạn, sẽ là một thứ quả đắng cho con chúng ta, và cả chúng ta nữa. Ai đó trong chúng ta đã sẵn sàng vào những "trại" dành cho người già mới được hoạt động, nhưng còn khái niệm "nợ nước", chẳng hạn, (ngoài "tình nhà") đã từng giúp để có một Việt Nam hôm nay, sẽ hình thành ra sao, trong con yêu của chúng ta?

Trong mắt của các nhà quản lý lao động quốc tế, người Việt hôm nay vẫn là một tập hợp kỳ quặc: vừa tằn tiện vừa hoang phí – do tâm lý tiểu nông, thế độc canh, hổng kiến thức cơ bản…

Thoát thế tiến thoái lưỡng nan?

"Thưởng tiền" cho con vì thành tích học tập, nhiều phụ huynh chợt rơi vào một cuộc mặc cả khá bế tắc với con mình.

Nhiều đứa tinh quái đã nhanh chóng đặt vấn đề ngược lại, nâng giá "dịch vụ" vô tội vạ, nhất là vào những lúc ta bấn. Chưa kể, như muôn thuở, không ít phụ huynh thành thị nát lòng trước yêu cầu có phần nào "chính đáng", kiểu: "phải có xe 'địa hình' như bạn A. (con đại gia), con mới đi học"…

Ngược lại nhiều phụ huynh doanh nghiệp ỷ mình luôn bận trong "bí zì nịt" (business), nghĩ rằng đồng tiền sẽ thay được sự hiện diện của mình trong con. Chắc là đúng chỗ nếu dẫn lại ý kiến của một phụ huynh trên diễn đàn này: "Thay vì dùng tiền làm 'động lực', sao chúng ta không đầu tư thời gian để cho bọn trẻ đi chơi hoặc tự tay mua những món đồ mà chúng thích để làm phần thưởng?"

Nhưng nếu chúng ta đầu tư thời gian và trí lực để con tiếp cận được tiền đúng cách, thì con ta sẽ có được một kỹ năng chịu trách nhiệm (về tài chính). Đây là quá trình học cách sử dụng hợp lý phương tiện được trao, ra quyết định chi trả, lập kế hoạch chi tiêu, chịu trách nhiệm về hành vi dùng tiền trước bố mẹ, và quan trọng hơn, biết "trao" đúng cách.

Tiền không thể được trao vì hoàn thành các chức trách như làm bài tập về nhà, cũng như do thực hiện các chức trách kiểu như dọn phòng, rửa bát, trông em… Tiền sẽ chỉ luôn là một phương tiện hỗ trợ quyền tự ra quyết định, tự thực hiện nguyện vọng chính đáng của cả người lớn lẫn trẻ em, trong khuôn khổ điều kiện kinh tế của mỗi nhà, của đất nước. Việc chi tiêu tiền cua trẻ phải thể hiện được thái độ đối với lao động của cha mẹ và tài sản công của đất nước.

  • Lê Đỗ Huy

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/67309/nhung-not--do-la--cua-bai-ca-su-pham-viet-.html

Khi bạo lực trở thành một ‘phương pháp’ dạy dỗ

Posted: 08 Apr 2012 06:40 AM PDT


Một ông bố chia sẻ với nhà tâm lý: Đối với trẻ nhỏ vẫn cần phải đánh, vì có lúc chúng không nghe lời. Hơn nữa, nếu chỉ chiều chuộng con, không mắng mỏ, cho roi vọt bao giờ thì mai này ra xã hội sẽ không chống đỡ được nếu bị người khác đánh hoặc sỉ vả. Anh lý luận rằng, nếu bắt nằm ra, đánh vào mông, nói rõ tội của con thì không sao cả.

Gia đình chị An ở TP.HCM thuê một cô giáo tiểu học đến làm gia sư cho con học lớp 1. Ngay từ đầu gia đình đã giao hẹn với cô giáo: cô cứ toàn quyền dạy dỗ cháu, được phép dùng roi vọt. Một ngày, chị An tắm cho con, phát hiện bên đùi thâm tím hai lằn, tra hỏi mãi, con mới khai là bị cô dùng cán chổi lông gà đánh hai hôm trước vì giao bài mà cứ ngồi lỳ ở bàn không chịu làm. Nhìn vết thương của con, chị càng tê tái trong lòng vì con chị cũng là một cô bé khá gan, bị đánh nhưng không bao giờ mách mẹ. Chị đã phải cho cô giáo nghỉ dạy.

Nhà tâm lý Hoàng Nhân cho biết: Các bậc cha mẹ đều đúng khi cho rằng, cần phải đánh con và quan trọng là đánh như thế nào để cho con không thấy rằng cha mẹ trừng phạt tàn nhẫn. Tuy nhiên, có bao giờ các bậc cha mẹ có bao giờ tự hỏi rằng, nếu đứa trẻ được hỏi ý kiến: nó có thích được đánh không, thì không đứa trẻ nào mong muốn, dù đánh bằng bất cứ hình thức nào. Đánh con là thể hiện sự bất lực trong phương pháp giáo dục của cha mẹ, chứng tỏ các bậc cha mẹ ấy không nghĩ ra được phương pháp giáo dục nào khác.

Một bà mẹ đã rất khủng hoảng khi chia sẻ với nhà tâm lý Hoàng Nhân: ngày nhỏ, cô thường được cha dạy bằng roi vọt mong cô trở thành con ngoan. Sau này có con, cô rất bối rối khi chính cô lại dùng lại phương pháp đó với con của mình mà không thể dừng lại được. Cô chia sẻ thêm, vì "no đòn" của bố ngày nhỏ, khi lớn lên, cô rất ít khi chia sẻ tâm sự của mình với bố. Cô cũng lo sợ rằng, sau này, rất có thể con cô cũng sẽ làm như vậy với mình.

Anh Chánh Toàn, một Việt Kiều ở Pháp cho biết, sắp tới Chính phủ Pháp sẽ có biện pháp ngăn chặn bạo lực trong gia đình. Quyết định này dựa trên một nghiên cứu khoa học của nhóm các nhà khoa học ở Pháp. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, nếu như cha mẹ sử dụng roi vọt với đứa con của mình thì đứa con đó sau này sẽ tiếp tục sử dụng roi vọt với thế hệ sau. Bạo lực cứ thế tiếp diễn qua nhiều thế hệ.

Trong một nghiên cứu có tên: Ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, tiến sĩ Joy D. Osofsky, ĐH Louisiana, Hoa Kỳ cho biết: những đứa trẻ bị cha mẹ đánh sẽ thể hiện thường xuyên hai xu hướng: nhút nhát, thu mình, sợ hãi và gây hấn, dễ bị nghiện một cái gì đó. Những đứa trẻ đó lớn lên dễ phạm tội, học kém, gặp nhiều vấn đề về cảm xúc, rối loạn cảm xúc tình dục, dễ bị nghiện ngập.

Khi cha mẹ cũng từng là nạn nhân của bạo lực cần phải đối mặt với vấn đề của mình và chữa trị cho mình trước khi dạy dỗ con cái họ.

Theo nhà tâm lý Hoàng Nhân, việc ngăn chặn bạo lực học đường cũng như bạo lực gia đình cần phải có một chương trình hành động từ cấp Chính phủ. Bạo lực là một căn bệnh xã hội có thể lây lan.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/67327/khi-bao-luc-tro-thanh-mot--phuong-phap--day-do.html

Dạy thêm, học thêm tràn lan: Thuốc nào để đặc trị?

Posted: 08 Apr 2012 06:40 AM PDT

Dạy thêm học thêm (DTHT) lại bắt đầu “nóng” lên khi năm học 2011-2012 sắp kết thúc. Nhiều phụ huynh có tâm lý là trong những tháng hè không có điều kiện để quản lý con nên phần lớn chọn giải pháp đưa đến với lớp học thêm. Cũng bắt nguồn từ đây mà ngay từ bây giờ không ít trường đã lên kế hoạch dạy thêm trong nhà trường, còn giáo viên (GV) thì đang xoay xở để mở lớp ở bên ngoài.

Với mục đích nhằm thắt chặt hơn hoạt động DTHT ở cả trong và ngoài nhà trường, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định mới để quản lý hoạt động này. Trên nền dự thảo Bộ GD-ĐT công bố để xin ý kiến nhà quản lý đều cho rằng: Lâu nay không ít địa phương có thừa các quy định về xiết chặt DTHT. Quan trọng ở đây là thanh tra, kiểm tra như thế nào mà thôi. Tuy nhiên với cách cho rằng quản lý DTHT bằng quy định trên giấy tờ thì bài toán này không thể giải quyết được.

Quy định chỉ là nền tảng để giải quyết

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), DTHT là một nhu cầu thực tế bởi cách thi cử hiện nay. Mấu chốt của việc giải quyết bài toán này là phải từ gốc. Việc ban hành các văn bản quy định mới chỉ giải quyết được phần ngọn, nói cách khác là mang tính hình thức.

Có thể nhận thấy chương trình học hiện nay rất nặng. Bên cạnh đó cách dạy và thi chưa hiệu quả, phần lớn học sinh (HS) vẫn có thói quen chỉ học thuộc lòng chứ chưa có ý thức tư duy là tự học. Chính vì thế trước hết cần thay đổi nhận thức, quan niệm học tập đó là học để chiếm lĩnh, sáng tạo tri thức, học để làm người chứ không chỉ đơn giản học để thi. Nếu giải quyết được các vấn đề này thì không cần có văn bản quy định quản lý thì DTHT cũng khó mà phát triển mạnh mẽ được.

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho hay, nếu việc DTHT được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của HS thì không có gì phải bàn cãi cả. Điều đáng phê phán trong hoạt động dạy thêm là có một bộ phận GV xuất phát từ động cơ vụ lợi, bằng nhiều cách khác nhau bắt ép HS học thêm gây bức xúc đối với xã hội.


Chị H., một phụ huynh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) có con đang học Trường tiểu học C.G than thở: "Thông thường thì 16h45 các con được tan học nhưng trường lại mở ra các lớp giáo dục kỹ năng, câu lạc bộ…, qua đó phụ huynh lại phải "tự nguyện" đồng ý cho các em tham gia. Song trên thực tế các tiết học này là dạy Toán, Tiếng Việt. Bức xúc lắm nhưng đành phải im lặng thôi".

Trong khi đó, các bậc phụ huynh khác tiết lộ thêm: "Để thuận tiện cho việc tổ chức dạy thêm, không ít GV thuê địa điểm ngay tại trường học. Mục đích của việc làm này nhằm tạo thuận lợi cho cả cô lẫn trò".

Trước những khó khăn cả về công tác thanh tra cũng như hình thức biến tướng của DTHT, không ít lần trong các cuộc giao ban sơ kết định kỳ, lãnh đạo các địa phương than rằng khó kiểm soát DTHT. Tuy nhiên theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì DTHT tràn lan không khó để ngăn chặn, vấn đề là ở chỗ có quyết tâm hay không. Khi phát hiện ra sai phạm cần phải xử lý kiên quyết, không thể cứ "vuốt ve" hay "chườm đá" mãi được. Nếu vẫn còn động thái này thì "bệnh chỉ có tăng chứ không có giảm".

Địa phương cần quyết tâm vào cuộc

Những năm gần đây, việc HTDT ở Hải Phòng bị biến tướng.Tình trạng DTHT tràn lan ngoài nhà trường theo hình thức mở các lớp bồi dưỡng HS giỏi, HS có học lực yếu kém… Dư luận nơi đây cũng cho rằng, GV ép HS phải học thêm bằng nhiều cách như không dạy hết chương trình trên lớp, để lại một lượng kiến thức để dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu HS không học thêm sẽ bị GV đối xử không công bằng, thậm chí trù dập, cho điểm kém…

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, vào tháng 1/2012 ngoài việc xiết chặt bằng văn bản quy định Sở GD-ĐT Hải Phòng còn quy trách nhiệm đối với hiệu trưởng khi tổ chức dạy thêm trong nhà trường sai quy định. Chưa dừng lại ở đó, Sở này còn yêu cầu GV phải ký cam kết thực hiện 8 điều bắt buộc khi mở các lớp học thêm ngoài nhà trường. Trong cam kết đặc biệt nhấn mạnh, đối với bậc tiểu học không được dạy thêm sau 17h30; Đối với bậc trung học, không được dạy thêm sau 19h30. Không dạy thêm với HS tiểu học đã học 2 buổi/ngày. Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không được dạy HS mà mình giảng dạy ở trên lớp. Không được ép HS đi học thêm. Học phí học thêm theo đúng quy định của UBND thành phố trên cơ sở tự nguyện đóng góp của HS. Có danh sách nộp tiền học thêm có chữ ký của HS theo từng tháng học, …

Cũng để hiện sự nghiêm khắc của mình Sở GD-ĐT cũng ràng buộc trách nhiệm với GV đó là, nếu làm sai sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cấp quản lý và nhận hình thức kỷ luật theo quy định của ngành.

Ngoài ra, nhằm giám sát việc này, Thanh tra Sở GD-ĐT Hải Phòng đã thiết lập đường dây nóng cho GV, các bậc phụ huynh và HS phản ánh những việc làm sai trái, việc làm không đúng quy định để kịp thời chấn chỉnh.

Ông Đỗ Văn Lợi - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết: "Sau hai tháng triển khai quyết liệt, tình trạng DTHT tràn lan đã được chấm dứt và dần đi vào nề nếp. Việc yêu cầu HS học vào các khoảng thời gian không hợp lý đã được hạn chế, việc ép HS đi học thêm đã giảm".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi Hải Phòng bắt đầu triển khai quy định siết chặt thì đã có nhiều luồng dư luận khác nhau. Thậm chí ở quận Lê Chân, hầu hết các GV chưa đồng tình với bản cam kết quy định "cứng" của Sở GD-ĐT nên không đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên với việc quyết xóa bỏ việc DTHT tràn lan nên Hải Phòng đã cương quyết giữ nguyên các điều khoản cam kết.

Lãnh đạo Hải Phòng cho hay, việc đưa ra những quy định "cứng rắn" quản lý DTHT nhằm giúp HS có thời gian vui chơi, giải trí và có thời gian tự học, tránh học thêm tràn lan. Quan trọng hơn là thông báo đến các bậc phụ huynh rằng khi GV đã dạy HS chính khóa và HS đã được học thêm ở trong nhà trường thì các kiến thức cơ bản mà Bộ và Sở yêu cầu đã được GV truyền thụ đầy đủ đến mỗi HS.

Qua câu chuyện ở Hải Phòng cho thấy, việc Bộ GD-ĐT ban hành văn bản quy định chỉ mang tính chất định hướng còn tùy cách thức hoạt động DTHT ở mỗi địa phương mà nên giao cho các Sở GD-ĐT chủ động đưa ra các hình thức quản lý phù hợp.

Bên cạnh đó xã hội cũng cần phải có cách nhìn nhận đúng đắn về hiện trạng này và quan trọng hơn là luôn có ý thức sẵn sàng phản ánh những dấu hiệu sai phạm để ngành giáo dục chấn chỉnh kịp thời. Quy định dù sao chỉ mang tính chất là nền tảng hướng dẫn quản lý chứ không phải là "chiếc đũa thần" để giải quyết bài toán DTHT.

Nguyễn Hùng

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-583269/day-them-hoc-them-tran-lan-thuoc-nao-de-dac-tri.htm

“Hoa mắt” với các khóa học kỹ năng sống

Posted: 08 Apr 2012 06:38 AM PDT

Chương trình đa dạng, phụ huynh "hoa mắt"

Thời điểm này, khi HS chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè, các đơn vị, công ty tổ chức đào tạo kỹ năng sống tại TPHCM tấp nập tung ra các chương trình, khóa học hè của mình để giới thiệu đến phụ huynh (PH), trong đó thu hút nhất phải kể đến các chương trình Học kỳ quân đội (HKQĐ).

 

Ở mỗi nơi tổ chức đều có hàng chục khóa học phân theo chủ đề, độ tuổi, địa điểm rèn luyện, cấp độ… với đủ mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.  

 

Kết hợp với nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM, Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương có hơn 30 khóa rèn luyện trong mùa hè năm nay như chương trình thám du, Hi Teacher Phú Yên, Học làm người tự tin dũng cảm, Học làm người nông dân… cùng nhiều khóa HKQĐ giúp trẻ được cọ xát với thực tế, rèn luyện nhân cách và tư duy.

Tại Tổng Đội Thanh niên xung phong Trường Sơn triển khai Học kỳ hè Nhịp bước hành quân dành cho lứa tuổi từ 13 – 20 với các mức độ sơ cấp, trung cấp… với mục tiêu rèn khả năng tự lập, có nhận thức đúng đắn về gia đình và bản thân, nâng cao thể lực và vun đắp lòng nhân ái cho người học.

 

Sự đa dạng trong các chương trình thực hành xã hội cho PH nhiều cơ hội lựa chọn các khóa học cho con mình. Nhưng khi PH tiếp cận với các chương trình này chủ yếu cũng chỉ tìm hiểu về mặt lý thuyết, bản thân họ cũng chưa từng được "trải nghiệm" nên không tránh khỏi sự lúng túng.

 

Hơn nữa, hiện nay cả nước có trên 60 đơn vị đoàn thể và tư nhân đứng ra tổ chức HKQĐ. Trong đó không ít đơn vị "sao chép" lại mô hình của những nơi khác cũng gây thêm khó khăn cho người học. Nhiều PH cho con đi học theo kiểu… chọn đại.

Chị Nguyễn Ngọc Hân, nhà ở phường Tân Thới Hòa (Q. Tân Phú, TPHCM) cho biết, chị đang có ý định cho hai cô con gái tham gia vào chương trình thực hành xã hội trong kỳ nghỉ hè này nhưng lại đang "rối" chưa biết chọn khóa học nào. Có khóa quá mơ hồ, không rõ ràng, có khóa lại quá đắt tiền, vượt qua khả năng của gia đình.

 

Chị tỏ ra sốt sắng vì sợ hết chỗ khi mà các lớp học đều nhận số lượng chiến sĩ có hạn, nhiều khóa chị hỏi đã khóa sổ. "Chắc tôi đành phải dựa vào túi tiền của mình mà tìm lớp học cho con. Chứ nhiều thế này, biết sao mà chọn", chị Hân nói.

 

Cần biết chọn lọc

 

Từ trước đến nay, PH chủ yếu quan tâm đến việc con học trong trường thật tốt, phải là HS giỏi, xuất sắc với các thành tích về học tập. Kỳ nghỉ hè trẻ chủ yếu để đi học thêm văn hóa, ngoại ngữ, tin học… Chính điều đó, nhiều người biến con trở thành "gà công nghiệp", gặp rất nhiều khó khăn khi vào đời.

 

Việc phát triển các chương trình thực hành xã hội hiện nay góp phần "bù đắp" cho sự thiếu hụt các kỹ năng sống của trẻ khi mà việc học chữ chiếm hết thời gian của các em cũng như ở trường học chưa có điều kiện trau dồi kỹ năng sống cho HS. Vì nhu cầu đó, số lượng học viên tại tham gia chương trình HKQĐ tại các đơn vị đoàn thể, tư nhân không ngừng tăng qua mỗi năm. 

 

Ông Nguyễn Vũ Nguyên, tổng giám đốc Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương khẳng định việc tham gia chương trình HKQĐ nếu đảm bảo các tiêu chí sẽ giúp trẻ cứng cáp, trưởng thành cũng như biết chia sẻ, yêu thương bố mẹ, mọi người xung quanh hơn.

Nhưng việc học chỉ hiệu quả khi PH phải biết con mình cần cái gì, yếu cái gì… để lựa chọn nội dung, khóa học sao cho phù hợp. Tuy nhiên, không phải PH nào cũng biết chính xác điểm yếu, điểm mạnh của con nên theo ông Nguyên, PH nên cân nhắc và cần được tư vấn kỹ lưỡng. Hoặc bố mẹ nên tìm hiểu qua chính những chia sẻ của các PH có con đã theo học trước đó để nắm được mô hình học của con mình. 

Ông Nguyên khuyến cáo, sau các khóa HKQĐ, trẻ thay đổi rất rõ nhưng những những điều đó chỉ trở thành kỹ năng khi các em áp dụng, duy trì tính kỷ luật, nề nếp thường xuyên. Bởi thế, sau khóa học học viên cần tiếp tục được theo dõi, hỗ trợ bởi nơi đào tạo kết hợp gia đình chứ không thể học xong rồi bỏ ngỏ. 

Tại buổi hội thảo về giáo dục kỹ năng sống cho HS tại TPHCM, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho hay, việc huy động lực lượng xã hội tham gia vào đào tạo kỹ năng sống cho HS là cần thiết và rất đáng khuyến khích. Lâu nay, một số tổ chức Đoàn, Hội phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình HKQĐ rất tốt.

Có điều, PH nên lưu ý khi không ít các công ty đào tạo "thượng vàng hạ cám" du nhập từ các nước mở ra với mục đích kiếm tiền, gây ra những ảo tưởng giả tạo nhằm dẫn dụ phụ huynh. Nhất là khi tình trạng quản lý các chương trình đào tạo này chưa thật sự khoa học và chặt chẽ.

 

"Việc cho con rèn luyện kỹ năng sống là cần thiết. PH cần chú ý không để vì chúng ta thiếu hụt việc đào tạo này mà dẫn đến tình trạng con mình tham gia các chương trình không có cơ sở khoa học, không đúng với mục đích giáo dục", ông Đỗ Quốc Anh lưu ý.

 

Hoài Nam

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-582718/hoa-mat-voi-cac-khoa-hoc-ky-nang-song.htm

Lò luyện thi, đến hẹn lại “bát nháo”

Posted: 08 Apr 2012 06:36 AM PDT

Đủ chiêu quảng cáo

Dạo một vòng quanh tìm các trung tâm, cơ sở luyện thi đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng, đặc biệt khu vực xung quanh các trường THPT và đại học, khảo sát sơ bộ cũng có đến hơn 20 cơ sở thông báo chiêu sinh luyện thi đại học với đủ thông điệp quảng cáo “có cánh” như: đội ngũ giáo viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm, uy tín, chất lượng, giảm học phí, phòng học thoáng mát, giảng viên kèm sát từng học sinh (HS), không đậu không tính tiền học phí

Trong vai phụ huynh tìm hiểu ghi danh cho em ở quê chuẩn bị ra Đà Nẵng trọ luyện thi Đại học, tại trung tâm luyện thi Minh Phát trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đà Nẵng), chúng tôi được giới thiệu có đủ các lớp luyện thi sáng, chiều, tối cho tất cả các khối thi. Học phí trung bình từ 300 – 500 nghìn đồng/tháng cho mỗi môn một tuần 3 buổi học.

Trung tâm này mạnh dạn quảng cáo "các lớp luyện thi do các tiến sĩ, thạc sĩ giáo viên giỏi có kinh nghiệm, tâm huyết…, là nơi có uy tín và tỉ lệ đậu cao nhất hiện nay". Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, trung tâm này lại không hề có tên trong danh sách các trung tâm, cơ sở dạy thêm được Sở GD-ĐT cấp phép

Theo tìm hiểu thực tế của PV, trung tâm này chỉ mới khai trương cơ sở trên đường Trần Cao Vân (TP Đà Nẵng) được vài tháng nay và không hề có tên trong danh sách các điểm được Sở GD-ĐT Đà Nẵng cấp phép.

Phụ huynh, thí sinh cần tỉnh táo

 

Trước lời đảm bảo “Không đậu đại học không thu học phí” của các trung tâm luyện thi, phụ huynh và thí sinh dễ có tâm lý trung tâm phải tự tin vào chất lượng lò luyện mới dám mạnh miệng như vậy. Nhưng nếu tỉnh táo phân tích thì với mức học phí cao như vậy (50 triệu đồng/người), chỉ cần vài sĩ tử thi đậu, trung tâm đã hời to. Thử phân tích một lớp luyện thi như vậy, trả lương giảng viên mỗi môn trung bình 10 triệu/người/tháng, 3 môn là 30 triệu. Và chỉ hơn 100 triệu là đủ trả lương cho giảng viên cho một mùa ôn thi cao điểm từ 3-4 tháng.

Không cần đến chiêu khảo sát chất lượng học viên đầu vào để chọn "hạt giống" cho các lớp kiểu này. Không bàn đến chất lượng đội ngũ giảng viên. Chỉ cần may mắn vài em thi đậu là đủ có lãi cho các trung tâm có các dịch vụ kiểu này. Mà sĩ tử phải quyết tâm dùi mài kinh sử, cũng như phụ huynh đã chịu chi khoản lớn cho con đi luyện thi như vậy thì họ cũng quyết đốc thúc con em học để đậu đại học cho bằng được.

Một cán bộ ngành giáo dục khẳng định, với xu hướng đề thi đại học không đánh đố thí sinh như hiện nay, chỉ cần các em có học lực trung bình – khá, tự ý thức chăm chỉ ôn thi bám sát chương trình sách giáo khoa thôi thì hoàn toàn có thể thi đậu. Có nhiều trường học, ngành học phù hợp với nhiều mức học lực của học sinh nếu các em có quyết tâm và biết tự lượng sức mình.

Khánh Hiền

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-582931/lo-luyen-thi-den-hen-lai-bat-nhao.htm

Dạy thêm, học thêm

Posted: 08 Apr 2012 06:36 AM PDT

Dạy thêm, học thêm – nhìn từ hai phía

TT – Dự kiến vào tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm, trong đó có nhiều quy định nhằm thắt chặt hơn hoạt động này ở cả trong và ngoài nhà trường.

Trong bối cảnh đó, cùng với ý kiến của các giáo viên, phụ huynh, các nhà nghiên cứu giáo dục…, Tuổi Trẻ mong muốn góp phần nhận diện và mổ xẻ thực trạng dạy thêm, học thêm một cách thấu đáo, từ cả hai phía người dạy và người học.

Kỳ 1: Chỉ là giải pháp "chặt ngọn"

Hầu hết giáo viên, phụ huynh đều cho rằng sẽ không giải quyết được những bất cập trong dạy thêm, học thêm khi gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết.

Một điểm dạy thêm ở Q.5, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Dự thảo mới của Bộ GD-ĐT được hiểu là việc dạy thêm, học thêm sẽ không cấm, nhưng những quy định tại dự thảo có nhiều nội dung xa rời thực tế và chỉ là giải pháp "chặt ngọn".

Không thực tế

Cô Đặng Hà Anh, giáo viên Trường THCS Thăng Long (Hà Nội), cho rằng: "Quy định giáo viên đang ăn lương ở các trường công lập không được tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường là bất hợp lý".

Ông Nguyễn Thành Kỳ, nguyên trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng chung ý kiến này khi cho rằng "vô hình trung bộ bật đèn xanh cho người không phải là giáo viên đứng ra tổ chức lớp học, giáo viên dạy thêm phải lệ thuộc vào một trung gian và không ràng buộc được trách nhiệm của giáo viên về điều kiện dạy học, chất lượng, mức học phí".

Tương tự, ở bậc tiểu học, dự thảo của Bộ GD-ĐT quy định "không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ việc tổ chức chăm sóc, trông giữ học sinh theo nhu cầu của phụ huynh". Cô Phạm Hồng Anh, cán bộ quản lý một trường tiểu học tại Hà Nội, nói: "Làm thế nào để phân định được lớp trông giữ học sinh và lớp học thêm? Nhiều trường tiểu học không có điều kiện tổ chức học sinh học hai buổi/ngày tại trường, phụ huynh đều kiến nghị cho phép cô giáo tổ chức lớp học ngoài nhà trường, với lý do chủ yếu là trông giữ trẻ. Nhưng trên thực tế, thời gian ở lớp này học sinh vẫn học thêm và giáo viên vẫn dạy thêm. Vậy họ vi phạm hay không vi phạm, xử lý thế nào?".

Chị Hồng Hoa, có con học tại Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: "Con tôi không yếu kém nhưng cả bố lẫn mẹ đều đi làm về muộn, không đón con ở trường được. Nhà cô giáo gần trường, gửi cô chở con về nhà, cô dạy kèm đến 19g. Tối về nhà trẻ nghỉ ngơi, bố mẹ khỏi kèm. Tiện cả đôi bên. Cô giáo có điều kiện cải thiện thu nhập và kèm thêm cho học sinh yếu, bồi dưỡng thêm cho học sinh khá giỏi. Nếu quy định buộc cô giáo phải làm đủ thứ thủ tục mới được kèm học sinh kiểu này thì quá nhiêu khê cho cô và gây khó khăn cho cả phụ huynh".

Trong khi đó, PGS Văn Như Cương – hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) – cho rằng quy định về "thời lượng dạy thêm, học thêm cho một học sinh" của bản dự thảo rối rắm, khó hiểu, không rõ đối tượng vận dụng là ai. "Khi đã học thêm, các em có nhu cầu học nhiều môn, nhiều nơi thì giới hạn này có ý nghĩa gì?" – PGS Cương đặt vấn đề.

Theo PGS Cương, việc quy định chi tiết cả thời lượng bồi dưỡng các môn năng khiếu, rèn nhạc, học võ cho thấy quy định này không sát với thực tế khi đây là nhu cầu của phụ huynh và gia đình, không thể "giới hạn" dễ dàng bằng một thông tư hướng dẫn.

Ông Nguyễn Thành Kỳ cho rằng mỗi địa phương nên có một quy định riêng dựa trên quy định khung của Bộ GD-ĐT, phù hợp tình hình, đồng thời có những điều chỉnh linh hoạt tùy theo thực tế để tránh tình trạng quy định rồi để đó.

Không khả thi

Theo cô Nguyễn Hằng – giáo viên THCS tại quận Đống Đa (Hà Nội), hiện nay hầu hết giáo viên có thể dạy thêm được đều dạy thêm. Mô hình lớp dạy thêm ngoài nhà trường rất đa dạng, tùy nhu cầu người học và biến động hằng ngày. "Việc yêu cầu người tổ chức lớp học phải làm quá nhiều thủ tục sẽ bất hợp lý và không khả thi. Nếu người tổ chức không thực hiện thì cũng khó có thể kiểm soát được" – cô Hằng nhấn mạnh.

Dự thảo quy định: "Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin công cộng của địa phương (xã, phường, thị trấn) và tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước khi thực hiện dạy thêm: giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm, danh sách người dạy thêm, nội dung, chương trình dạy thêm học thêm của các lớp học, môn học, thời khóa biểu và đặc biệt phải công bố danh sách người học theo các lớp học, môn học".

Nhiều giáo viên ở Hà Nội và TP.HCM băn khoăn: "Làm sao công bố trước danh sách người học và công bố để làm gì? Phương tiện thông tin công cộng địa phương phải hiểu là phương tiện gì (phát loa hay dán thông báo, ai phụ trách phần việc này…). Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nói: "Hôm nay lớp có 10 em học, ngày mai vài em nghỉ, giáo viên lại phải thông báo sao? Chưa kể giáo viên có uy tín ngày nào cũng có thêm học sinh đăng ký thì cũng phải thông báo liên tục lên đài phường chăng?". Bộ không nên quy định chi tiết tới mức này, chi tiết mà không khả thi và không kiểm soát được thì việc thực hiện chỉ mang tính đối phó.

Ông Nguyễn Thành Kỳ cho rằng: "Có quá nhiều áp lực đối với nhà trường, giáo viên, học sinh dẫn đến việc thầy cô phải đi dạy, học trò phải đi học. Thay vào việc tìm cách hạn chế bằng giải pháp hành chính thì cần điều tra nguyên nhân và từng bước giải quyết. Nếu chỉ "chặt ngọn" thì chuyện dạy thêm sẽ giống như "bắt cóc bỏ đĩa", dẹp chỗ này học sinh lại tìm đến chỗ khác. Còn giáo viên nếu làm thêm bằng việc dạy học, xét cho cùng vẫn trong sạch, không nhếch nhác như khi phải bon chen kiếm sống bằng những việc khác".

Không giải quyết được gì

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho rằng: "Nếu quy định dạy thêm, học thêm được ban hành với tinh thần giống như dự thảo sẽ không có tác dụng gì. Xã hội đang phải sống chung với dạy thêm, học thêm, nhưng không ai có thể tham mưu cho Bộ GD-ĐT cách làm nào tốt nhất để giải quyết tình trạng này. Bộ ban hành thì cứ ban hành, còn khi thực hiện có tiêu cực hay không tùy thuộc vào từng hiệu trưởng, từng giáo viên. Quy định này nếu ban hành có lẽ sẽ trấn an được dư luận nhưng không giải quyết được gì.

Những điểm mới trong dự thảo quy định quản lý dạy thêm, học thêm

1. Không cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm hoặc dạy thêm trước nội dung mà giờ chính khóa sẽ dạy.

2. Quy định thời lượng dạy thêm cho một học sinh/tuần, số tiết/buổi học.

3. Với các lớp dạy thêm trong nhà trường, phải phân loại học sinh theo học lực, tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ.

4. Giáo viên dạy thêm (trong nhà trường) phải có đơn đăng ký dạy thêm và được nhà trường phân công dạy thêm. Giáo viên dạy thêm (ngoài nhà trường) phải cam kết với UBND cấp xã nơi tổ chức dạy thêm thực hiện đúng quy định, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, có giấy phép dạy thêm, công bố công khai danh sách học sinh, nội dung học, mức phí sẽ thu…

5. Quy định thống nhất trên toàn quốc về việc thu và quản lý tiền học thêm, thẩm quyền và thủ tục cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép dạy thêm.

6. Quy định về trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm của chính quyền, các cấp quản lý giáo dục.

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ – PHÚC ĐIỀN

Kỳ 2: Dạy thêm – học thêm, do đâu?

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/485887/Day-them-hoc-them---nhin-tu-hai-phia.html

Hàng ngàn GV mầm non vẫn đang đợi lương mới

Posted: 08 Apr 2012 06:36 AM PDT

HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi 525 trường mầm non bán công sang công lập. Theo đó, sẽ có hơn 8.000 GV mầm non ngoài biên chế được tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp. Đó là một tín hiệu vui đối với hàng ngàn GV hợp đồng sau bao nhiêu năm cống hiến và chờ đợi.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện còn hàng ngàn GV mầm non là hợp đồng của xã, với số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng. Nhiều GV mầm non ở nhiều trường đã không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày và những GV này đang gặp không ít khó khăn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 23 trường mầm non, với 62 khu lẻ, tổng số GV mầm non toàn huyện là 601 người, nhưng trong đó có 232 GV đang trực tiếp hưởng biên chế của nhà nước, còn 232 GV hưởng theo chế dộ 2480, 117 GV là hợp đồng do UBND xã ký hiện đang dạy trên hầu hết các trường trên địa bàn của huyện.

Những GV là hợp đồng của xã ký, theo Phòng Giáo dục huyện Ngọc Lặc cho biết, các GV này gọi là GV thử việc. GV do xã ký hợp đồng sẽ được hưởng trợ cấp từ 100.000đ/tháng đến 500.000đ/tháng, số tiền trợ cấp này do UBND xã kết hợp với trường mầm non trên địa bàn kêu gọi các phụ huynh đóng góp để lấy nguồn hỗ trợ cho số GV này.

Với nguồn trợ cấp ít ỏi này, nhiều GV mầm non đã phải vật lộn với nghề và cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn. Tại trường mầm non xã Phùng Minh có tổng 232 trẻ, ở 11 nhóm lớp, trường có 22 GV, trong đó có 4 GV biên chế, 9 GV đang hưởng theo chế độ 2480, 8 GV đang hợp đồng với UBND xã.

Với 9 GV đang hưởng theo chế độ 2480 thì đang đợi để được mức lương mới theo ngạch viên chức của ngành, còn 8 GV do UBND xã ký hợp đồng thì mỗi GV hàng tháng được hưởng với mức trợ cấp là 500.000đ/tháng, với mức trợ cấp này, tính ra mỗi ngày lương của GV chưa được một bát phở ăn sáng.

Cô Phạm Thị Hương, GV Trường mầm non Phùng Minh, hiện là GV hợp đồng do xã ký. Cô Hương được ký hợp đồng từ năm 2004, hàng tháng cô được hưởng mức trợ cấp 300.000đ, mới đây nhất mức trợ cấp mới tăng lên 500.000đ/tháng. Với mức trợ cấp này thì các GV không đủ để trang trải cho cuộc sông hàng ngày mà còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng con và gia đình.

Cô Hương tâm sự: "Mỗi ngày tôi phải đi làm 3 ca, nhưng với đồng lương ít ỏi này thì không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Do vậy, ngoài giờ đến trường về tới nhà, tôi phải tranh thủ làm thêm để có thêm chút thu nhập"..

Cô Nguyễn Thị Ngọc cũng tương tự: "Tôi ở xã Phùng Giáo, phải đi hơn 5 km tới đây để day, do trợ cấp quá ít ỏi nên tôi không dám đi xe máy mà phải đi xe đạp. Chồng tôi đã nhiều lần khuyên tôi nghỉ việc nhưng tôi nghĩ công lao bố mẹ nuôi ăn học mấy năm trời nghĩ uổng phí quá nên tôi vẫn kiên trì bám trựờng", cô Ngọc bộc bạch.

Cô Phạm Thị Phượng, Phó hiệu trường Trường mầm non Phùng Minh cho biết: "Trước đây mỗi GV hợp đồng xã chỉ được trợ cấp 300.000đ/tháng, mới đây các cô mới được 500.000đ/tháng. Số tiền này do nhà trường cùng với UBND xã vận động phụ huynh học sinh ủng hộ. Do số tiền trợ cấp ít ỏi nên nhiều hôm các cô xin nghỉ để làm kinh tế, nhà trường lại phải bố trí GV cho các cô thay nhau nghỉ".

Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Hải, Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Ngọc Lặc cho biết: "Hiện cả huyện Ngọc Lặc còn 117 GV đang là hợp đồng của xã, tập trung nhiều nhất là xã Vân Am (13 GV), xã Phùng Minh (8 GV), Phùng Thịnh (8 GV)… Vẫn biết với mức trợ cấp it ỏi này GV sẽ không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, nhưng bây giờ các cô vẫn phải đợi. Thời gian này Phòng đang rà soát để đưa số GV hưởng chế độ 2480 vào biên chế, sau khi thực hiện xong Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện để 117 GV này được hưởng theo chế độ 2480".

Hoàng Văn – Duy Tuyên

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-582781/hang-ngan-gv-mam-non-van-dang-doi-luong-moi.htm

3 đối tượng được miễn học GDQP –AN

Posted: 08 Apr 2012 06:36 AM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập chương trình Giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQP-AN), trong đó có nêu những đối tượng được miễn học, miễn thi, tạm hoãn học nội dung này.

 

Cụ thể, đối tượng được miễn học toàn bộ chương trình là HSSV có bằng tốt nghiệp sĩ quan quân đội, công an; HSSV là người nước ngoài và HSSV đào tạo đại học văn bằng 2.

Đối tượng được miễn học và miễn thi các học phần là HSSV chuyển trường, sinh viên đào tạo liên thông hoặc hoàn thiện trình độ cao hơn được miễn học các học phần đã học nhưng phải có phiếu điểm đánh giá kết quả học tập các học phần tương ứng.

Đối tượng được miễn học các nội dung thực hành kỹ năng quân sự là HSSV là tu sĩ thuộc các tôn giáo; HSSV có thương tật, khuyết tật bẩm sinh, bị bệnh mãn tính làm hạn chế chức năng vận động có giấy chứng nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên; HSSV đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự được miễn học nội dung thực hành kỹ năng quân sự nhưng phải dự kiểm tra, thi đủ các nội dung theo quy định.

Đối tượng được tạm hoãn học là HSSV Việt Nam đang học tập ở nước ngoài hoặc đang học tập tại các trường của nước ngoài, trường liên doanh, liên kết với nước ngoài tại Việt Nam. Hai đối tượng khác là HSSV bị ốm đau, tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn và HSSV là phụ nữ đang mang thai hoặc có con nhỏ dưới 24 tháng được tạm hoãn học nếu được sự đồng ý của hiệu trưởng. Hết thời gian tạm hoãn, các trường bố trí cho học sinh, sinh viên vào học các lớp phù hợp để hoàn thành chương trình.

Việc tổ chức dạy học GDQP-AN tại các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục có cấp học THPT được thực hiện như các môn học khác.

Tại các trường TCCN bố trí dạy, học trong năm thứ nhất theo phân phối chương trình chung của nhà trường hoặc dạy học tập trung trong một thời gian phù hợp do nhà trường tự chủ hoặc liên kết giảng dạy với các trường khác.

Các trường ĐH, CĐ thực hiện kế hoạch phân luồng, đào tạo  tổ chức đưa sinh viên vào học tập, rèn luyện tại trung tâm GDQP-AN sinh viên hoặc trung tâm GDQP-AN thuộc các trường quân sự. Một số trường ĐH, CĐ khác không thuộc quy định đưa sinh viên vào học tập, rèn luyện tại trung tâm GDQP-AN thực hiện tổ chức dạy, học theo kế hoạch của nhà trường. Kế hoạch hoc tập, rèn luyện GDQP-AN được thực hiện trong năm học thứ nhất hoặc năm thứ hai.

Sinh viên được cấp chứng chỉ GDQP-AN khi điểm trung bình chung các học phần đạt từ 5 điểm trở lên và tại thời điểm cấp chứng chỉ, sinh viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chứng chỉ GDQP-AN là một trong những điều kiện để xét tốt nghiệp CĐ, ĐH.

Không cấp chứng chỉ cho sinh viên là đối tượng được miễn học toàn bộ chương trình GDQP-AN hoặc không thuộc điều kiện xét tốt nghiệp CĐ, ĐH.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201204/3-doi-tuong-duoc-mien-hoc-GDQP-–AN-1960466/

Comments