Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đẩy mạnh hoạt động thanh tra giáo dục

Posted: 06 Apr 2012 08:18 AM PDT

(GDTĐ) – Ngày 6/4, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo cho đề cương dự thảo "Nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra GD" và "Thông tư qui định về cộng tác viên thanh tra GD", do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì, cùng đại biểu của 14 tỉnh, các trường ĐH, CĐ đại diện các vùng miền cả nước tham dự.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Đổi mới quản lý là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, vì vậy đòi hỏi đổi mới, tăng cường hoạt động thanh tra GD. Thứ trưởng đề nghị  tập trung thảo luận, xác định, định hướng soạn thảo, xây dựng văn bản hoàn chỉnh nêu rõ vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn cho đề cương dự thảo "Nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra GD" và "Thông tư qui định về cộng tác viên thanh tra GD".

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo

 

Với mục tiêu giới thiệu định hướng soạn thảo cho 2 văn bản, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng đã trình bày đề cương dự thảo Nghị định và Thông tư. Theo đó, thanh tra của Bộ, Sở được tổ chức chặt chẽ và hoạt động có hiệu quả, hoạt động thanh tra chưa phủ hết nhiệm vụ theo qui định của pháp luật, tổ chức thanh tra ở phòng GD và cơ sở GD ĐH chưa chính qui, còn khó khăn về đội ngũ, hoạt động cộng tác viên thanh tra chưa thống nhất, điều kiện hoạt động chưa thuận lợi…vv. Tổ chức thanh tra GD có bổ sung qui định về tổ chức thanh tra ở phòng GD và bổ sung qui định về tổ chức thanh tra nội bộ ở cơ sở GD ĐH và trường TCCN.

Tư tưởng chỉ đạo của Hội thảo tập trung 4 nội dung chính: Nghị định và Thông tư phản ánh được đặc thù thanh tra GD; phù hợp pháp luật về thanh tra, về GD và qui định liên quan khác; Vừa tăng cường quản lý Nhà nước về thanh tra, vừa tăng cường hoạt động thanh tra cụ thể; cụ thể hóa một cách tối đa để có thể thực hiện được ngay sau khi ban hành.

Nhằm lấy nhiều ý kiến khách quan hơn nữa đóng góp cho đề cương dự thảo, các đại biểu đã chia thành 4 tổ để tập trung thảo luận.

 

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

 

Đại diện Cục nhà trường Bộ Quốc phòng cho rằng hình thức hoạt động theo mô hình trợ lý thanh tra; trong dự thảo Nghị định chưa có quy định về lĩnh vực này. Đề nghị ban soạn thảo cần đưa điều khoản về phối hợp giữa các bộ ngành chức năng trong việc thực hiện NĐ (đặc biệt là phối hợp giữa Bộ quốc phòng với Bộ GD-ĐT). Đại học Bách khoa TP.HCM nêu ý kiến, hiện chưa có quy định thống nhất về tên gọi của bộ máy thanh tra, chồng chéo nhiệm vụ giữa thanh tra nhân dân và thanh tra giáo dục. Do đó, cần thống nhất chung tên gọi tổ chức thanh tra trong các cơ sở GD, phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của thanh tra nhân dân và thanh tra giáo dục…

 

Các đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng về tổ chức bộ máy thanh tra trong các cơ sở giáo dục, các Đại học, học viện: Ban Thanh tra 2 cấp. Đề nghị Bộ nghiên cứu, hướng dẫn để ban hành chính sách cho cán bộ làm công tác thanh tra trong các cơ sở GD ĐH theo hướng vận dụng chế độ chính sách của thanh tra nhà nước.


Ngọc Bích

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201204/Day-manh-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-giao-duc-1960463/

Trăm kiểu chạy trường

Posted: 06 Apr 2012 08:16 AM PDT

Trăm kiểu chạy trường

TT – Chuyện chạy trường thông qua cách "truyền thống" là chạy hộ khẩu, tạm trú nay không còn gây ồn ào nữa bởi theo quy định của một số quận trung tâm, hồ sơ của học sinh (HS) sẽ được xét ưu tiên theo thời gian sinh sống tại địa bàn và ưu tiên trẻ ở cùng cha mẹ.

Nhưng đâu chỉ có cách "truyền thống", còn nhiều chiêu "biến hóa", lách luật để chạy trường cho con…

Phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào lớp 1 tại Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM năm học 2011-2012 – Ảnh: Như Hùng

Thậm chí phụ huynh một trường tiểu học ở quận 3, TP.HCM còn đưa một lực lượng hùng hậu từ công ty xây dựng của mình tới đòi lát gạch mới cho sân trường ngay sau khi vừa nộp hồ sơ cho con mà chưa biết kết quả xét tuyển. Tuy nhiên các trường cũng rất cảnh giác với những "mạnh thường quân trá hình". Đã có trường hợp xuất hiện một số "mạnh thường quân" đến hỗ trợ, tặng quà nhà trường tạo dựng mối quan hệ. Năm học tiếp theo, "mạnh thường quân" đó liền mang vài hồ sơ HS đến gửi cho trường, đặt hiệu trưởng vào tình thế hết sức khó xử.

Biến hóa

Anh Tú – một phụ huynh ngụ tại phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM – dự tính sẽ chạy cho con vào một trường tiểu học có tiếng ở quận 1 tự tin cho biết: "Tôi sẽ nhờ người quen vào trường xin nộp sổ vàng và gửi hồ sơ cho con. Nói là sổ vàng nhưng hình thức thì không phải sổ vàng mà là đầu tư tự nguyện". Anh giải thích: nhà trường không công khai việc thu sổ vàng mà chỉ có một mẫu đơn dành cho phụ huynh trái tuyến với nội dung tôi là A, phụ huynh của bé B, ngụ tại đâu, có mong muốn được học tại trường. Để góp phần phát triển cơ sở vật chất cho nhà trường và cũng tạo điều kiện tốt hơn cho việc học của con tôi, tôi tự nguyện đăng ký hỗ trợ nhà trường số tiền là… để tu bổ, xây dựng cơ sở vật chất.

Anh Tú cũng cho biết thông tin này do một nhân viên trong trường tiết lộ và số đơn phát ra cũng rất hạn chế, chỉ dành cho những người có chút quen biết với nhà trường. Cũng theo anh Tú, không chỉ quận 1 mà quận 3 cũng có một số trường tiểu học áp dụng cách làm này nhưng có thay đổi chút ít theo từng năm, hoặc nhận "vật chất" thay vì tiền mặt.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 – cho biết: "Có phụ huynh trái tuyến đặt thẳng vấn đề với nhà trường rằng tôi không qua "cò", số tiền lẽ ra phải đưa cho "cò" thì tôi muốn gửi thẳng đến nhà trường để đóng góp nếu con tôi được vào học ở trường. Chúng tôi hướng dẫn phụ huynh cứ ghi rõ nguyện vọng của mình trong đơn, nhưng cũng giải thích rõ với phụ huynh rằng để xét các hồ sơ trái tuyến còn có một hội đồng tuyển sinh và sẽ xét theo đúng các quy tắc ưu tiên chứ không phải vì những đóng góp mà phụ huynh hứa hẹn. Còn nếu sau này hồ sơ của con em phụ huynh được xét, phụ huynh có thể tự nguyện hỗ trợ điều kiện học tập của con em mình tại trường, hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện xét tuyển".

Chạy trường công khai

Ngành giáo dục đã phân tuyến để HS nào cũng có chỗ học, dù vậy phụ huynh luôn muốn vượt tuyến để con mình được học một ngôi trường tốt nhất có thể. Vượt tuyến phường, tuyến quận và có những trường hợp vượt cả tuyến… tỉnh. Vài năm qua cán bộ Phòng giáo dục quận Thủ Đức (TP.HCM) từng "lao đao" vì số lượng hồ sơ có "gốc gác" ở tỉnh Bình Dương nhưng nhập hộ khẩu hoặc làm KT3 tại Thủ Đức quá nhiều.

Một số trường quy định KT3 phải được cấp trên sáu tháng, có trường quy định KT3 ít nhất một năm, thì phụ huynh lại lách bằng cách đăng ký tạm trú từ lúc con mới 4 tuổi. Anh T.L. – phụ huynh ở Dĩ An, Bình Dương – cho biết: "Trường Hoàng Diệu ở Thủ Đức là trường có tiếng, lại nằm ngay trên đường vợ tôi đi làm hằng ngày nên gia đình đang tìm mọi cách xin cho con học trường này. Nếu không được thì chuyển sang Trường Đỗ Tấn Phong gần đó cũng được". Để thực hiện "nguyện vọng 1 và 2" của mình, anh L. đã đầu tư để làm KT3 cho con từ năm 2011 ở Thủ Đức. Bước thứ hai, anh miệt mài tạo dựng các mối quan hệ với cán bộ phòng giáo dục, giáo viên các trường để tìm đường xin vào các trường trên.

Trong khi đó, chị Q. – phụ huynh ở Bình Chiểu, Thủ Đức – lại muốn xin về Trường tiểu học Chu Văn An, Bình Thạnh vì đây là trường đạt chuẩn quốc gia, khuôn viên đẹp và sĩ số thấp. Hằng ngày chị đi làm ngang qua ngôi trường này. Chị quyết tâm: "Nghe nói nhiều phụ huynh trái tuyến đều muốn xin vào trường này nên gia đình đang phải huy động mọi mối quan hệ, kể cả phải "lót tay" cũng cố cho con vào học trường tốt. Ai mà không muốn con mình học trường tốt, tiện đưa đón, thiết nghĩ nhu cầu này không có gì là xấu cả".

Cách chạy trường phổ biến và công khai nhất hiện nay vẫn là thông qua các mối quan hệ mà đầu mối chính là những người làm quản lý trong ngành giáo dục. Hiệu trưởng một trường tiểu học không ngần ngại cho biết: "Chuyện chạy trường là chuyện có qua có lại. Quy định là quy định nhưng bao giờ cũng có những trường hợp ưu tiên đặc biệt. Năm ngoái phòng giáo dục quận này có gửi một vài trường hợp trái tuyến vào trường kia, đổi lại ban giám hiệu trường kia cũng được vài suất ưu tiên nếu muốn xin qua những trường thân quen với phòng giáo dục đó. Lợi dụng những mối quan hệ này nên một số người trung gian đã "làm giá", nhận tiền của phụ huynh trong khi người trực tiếp chạy trường không nhận đồng nào". Thực tế có nhân viên, giáo viên từng bị đuổi việc vì dùng suất ưu tiên của mình để "bán" cho phụ huynh.

Để tránh "có tiếng mà không có miếng" từ những lời đồn thổi giá vào trường này, trường kia là bao nhiêu, không ít trường tiểu học đã phải tổ chức gặp trực tiếp các phụ huynh trái tuyến và cả người trung gian để thông báo về việc hồ sơ của con em họ được xét trên cơ sở hội đủ các điều kiện ưu tiên, nhà trường hoàn toàn không nhận một đồng nào từ phía phụ huynh cũng như người trung gian.

LƯU TRANG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/485749/Tram-kieu-chay-truong.html

Năm 2012- 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS

Posted: 06 Apr 2012 08:16 AM PDT

(GDTĐ)- Theo số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê, tính đến hết tháng Ba năm 2012, cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Tính đến tháng 3/2012 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Ảnh, gdtd.vn  

Tại thời điểm đầu năm học 2011-2012, cả nước có 13.384 trường Mẫu giáo, tăng 706 trường so với năm học trước; 15.337 trường Tiểu học, tăng 95 trường; 10.243 trường THCS, tăng 100 trường và 2.433 trường THPT, tăng 145 trường.

Số giáo viên của các cấp học cũng tăng so với năm học 2010-2011, trong đó giáo viên Mẫu giáo là 181,9 nghìn người, tăng 15,5%; giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 829,6 nghìn người, tăng 1,4%, bao gồm: 366 nghìn giáo viên Tiểu học, tăng 2%; 313,5 nghìn giáo viên THCS, tăng 0,3% và 150,1 nghìn giáo viên THPT, tăng 2,3%.

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có 3,4 triệu trẻ em đến lớp Mẫu giáo, tăng 11,1% so với năm học trước; 7,1 triệu học sinh Tiểu học, tăng 1,4%; 4,9 triệu học sinh THCS và 2,8 triệu học sinh THPT. Số học sinh THCS và THPT không biến động nhiều so với năm học 2010-2011.

Trong năm học 2011-2012, tổng số sinh viên ĐH-CĐ của cả nước là 2.478 nghìn sinh viên, đạt tỷ lệ 280 SV/1 vạn dân, tăng 14,6% so với năm học trước; tổng số học sinh TCCN đạt 734 nghìn học sinh, tăng 7%.

Bá Hải

 

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201204/Nam-2012-100-tinh-thanh-pho-dat-chuan-pho-cap-giao-duc-THCS-1960448/

Con cô giáo không được học dốt?

Posted: 06 Apr 2012 08:15 AM PDT

- Nhiều học sinh có mẹ là giáo viên than phiền vì bị ép học quá nhiều. Thậm chí
bị ghép vào những mĩ từ “phải xuất sắc, giỏi toàn diện, phải đi đầu”…khiến một
số em trở nên stress và nghĩ “kế” đối phó.

Một số học sinh bị áp lực vì con cô giáo "phải ngoan và giỏi" (minh họa)

 

Phải đi đầu…

Vào lớp 1, Minh Ngọc (lớp 7, THCS N.T) đã không có ngày nghỉ như các bạn cùng
lứa vì mẹ là giáo viên. Cuối tuần nào Ngọc cũng phải hoàn thành hết "nhiệm vụ"
mẹ giao xong mới được chơi, mà khi giải quyết xong “núi” bài tập thì đã đến thời
gian đi…ngủ. Khi vào cấp 2, gánh nặng càng nhiều vì chương trình mỗi lúc một
khó, Ngọc phải học từ cơ bản đến nâng cao, và phải tuân thủ "lệnh" của mẹ:
"Con phải xuất sắc toàn diện, giỏi mọi mặt".

"Con là con cô giáo, con đừng để mẹ xấu hổ với các thầy cô trong trường",
"con giáo viên phải ngoan, học giỏi" là điệp khúc mà ngày nào em cũng được
nghe…" – Ngọc nói. Vì thế em nghĩ, học không chỉ cho mình mà còn phấn đấu để
giữ hình ảnh cho mẹ nên áp lực điểm số luôn đè nặng.

Theo Ngọc, năm nào cũng phải đạt danh hiệu học sinh giỏi, điểm thi nếu không
xếp hạng nhất lớp thì phải đứng "top ten". Ngoài ra, con cô giáo còn phải gương
mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào và không được là chính mình khi ở trường
vì "nhất cử nhất động" trên lớp đều đến tai mẹ ngay tức thì.

Hồng Vân, học sinh lớp 11 một trường THPT vẻ mặt đau khổ khi kể về hàng loạt
những điều con cô giáo phải chịu. Nào là mẹ ép học, đồng nghiệp của mẹ quá quan
tâm, bạn bè thường xuyên để ý, và là mục tiêu "super soi" của các anh chị học
sinh lớp mẹ chủ nhiệm. “Nếu bị điểm thấp thì mình sẽ bị tra tấn bởi những lời
trách mắng của mẹ, của thầy cô. Rồi bị các bạn ở lớp bêu xấu: Con cô giáo học
dốt…"
– Vân than.

Cấm quá hóa nói dối

Không những phải ngoan, học giỏi, Phương Hoa (HS lớp 8, THCS Đ., Hà Nội) còn
bị mẹ "thiết quân luật" bằng nhiều biện pháp khi ở nhà. Hoa cho biết, mẹ cấm
không được đi sinh nhật bạn, không được đi chơi khi chưa có sự cho phép của bố
mẹ, không dùng điện thoại, không sử dụng máy vi tính tùy tiện….

Hoa kể, có lần xin mẹ đi sinh nhật bạn nhưng mẹ không đồng ý. cô bé bèn nói
dối qua nhà bạn Trang mượn sách Tiếng Anh. Ai ngờ bị mẹ theo dõi và "bắt quả
tang" khi Hoa đang mang quà vào tặng bạn, về nhà cô bé bị một trận đòn nên thân.

"Lúc nào mẹ cũng có câu: "Mẹ cấm con không được làm cái này, cấm không
được phép chơi cái kia…, nếu biết mà cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý ngay"

Hoa ấm ức.

Một số học sinh được hỏi đều cho rằng các em bị áp lực khi bị cấm đoán, đe
nẹt quá nhiều bởi đôi khi phải làm những điều mình không thích rất khó chịu. Dẫn
đến có em làm đối phó, lấy lệ chứ không cảm thấy thiết tha. Thậm chí có trường
hợp bị cấm quá nhiều thứ nên các em "lách luật" bằng cách nói dối hoặc lén làm
trái ý bố mẹ.

Có mẹ là giáo viên, Hữu Minh – học sinh (lớp 6) tiết lộ: "Ở trường mẹ có
rất nhiều "tai mắt" nên không thể giấu giếm điều gì. Dù đi đâu, làm gì, với ai,
như thế nào mẹ em đều biết. Em cảm giác như mẹ là thám tử vì em luôn bị theo
dõi".

Với những em học ngay lớp mẹ chủ nhiệm, áp lực càng nặng nề vì nếu điểm cao
chót vót thì các bạn lại nói mẹ thiên vị, còn nếu học kém hơn các bạn lại bị
"kết tội" con cô giáo mà học dốt….

  • Thu Thảo

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/67092/con-co-giao-khong-duoc-hoc-dot-.html

Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng

Posted: 06 Apr 2012 08:15 AM PDT

(GDTĐ)- Các trường THPT, các TTGDTX chỉ đạo các tổ nhóm bộ môn, môn học xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý việc tự học của học sinh. 

Ngày 3/4, Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn yêu cầu các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên về việc triển khai tốt công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại công văn 1699/BGDĐT–GDTrH ngày 26/3/2012.

Các trường THPT, các TTGDTX thực hiện nghiêm túc chương trình, sách giáo khoa của tất cả các môn học, kể cả các hoạt động ngoài giờ lên lớp của các khối lớp, tuyệt đối không được cắt xén chương trình.

Việc hướng dẫn ôn tập cho học sinh phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng, chú ý phân hoá các đối tượng học sinh theo học lực để hướng dẫn ôn tập, rèn kỹ năng làm bài theo cấu trúc đề thi, quan tâm đến kỹ năng làm bài trắc nghiệm khách quan. Hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập với ôn theo nhóm và ôn tập trung cả lớp. Chú ý ôn tập theo chủ đề và ôn tập tổng hợp kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh học tập ở các mức độ nhận thức thông hiểu và vận dụng kiến thức.

Kết hợp tự kiểm tra, đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá của nhóm, lớp và toàn trường, thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình học tập của học sinh.

Về công tác chuẩn bị cho kì thi, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu: rút kinh nghiệm công tác tổ chức kì thi tốt nghiệp năm 2011 về quá trình tham gia kì thi của cán bộ giáo viên , nhân viên và học sinh. Tổ chức học tập qui chế thi tốt nghiệp và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ, UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo về kì thi cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh.

Chuẩn bị tốt hồ sơ của thí sinh (kể cả thí sinh tự do). Những trường hợp không đủ điều kiện dự thi phải được thông báo cho học sinh và cha mẹ học sinh theo đúng qui định.

Sẵn sàng cử cán bộ giáo viên, nhân viên có năng lực và phẩm chất tốt đủ điều kiện tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi, phục vụ theo phân công của Sở.

Chủ động rà soát và chuẩn bị về cơ sở vật chất cho kì thi. Có kế hoạch chuẩn bị tốt chỗ ăn, nghỉ cho cán bộ giáo viên ở xa đến làm nhiệm vụ thi tại đơn vị.

Tuyệt đối không được gợi ý cha mẹ học sinh hỗ trợ, đóng góp phục vụ kì thi dưới bất cứ hình thức nào.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201204/Huong-dan-on-tap-thi-tot-nghiep-phai-bam-sat-chuong-trinh-va-chuan-kien-thuc-ky-nang-1960437/

Ban hành mới hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục

Posted: 06 Apr 2012 08:14 AM PDT

(GDTĐ)- Bộ GDĐT vừa ban hành thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục, có hiệu lực từ ngày 18/5/2012.

 

Thông tư này hướng dẫn việc tổ chức phát động phong trào thi đua; hình thức và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định, trao tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng; thủ tục và hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; Hội đồng thi đua, khen thưởng, Hội đồng Khoa học, sáng kiến các cấp; qũy thi đua, khen thưởng.

Theo đó, quy định danh hiệu thi đua đối với cá nhân gồm: Lao động tiên tiến; Chiến sỹ thi đua cơ sở; Chiến sỹ thi đua cấp Bộ; Chiến sỹ thi đua toàn quốc.

Danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm: Tập thể lao động tiên tiến; Tập thể lao động xuất sắc; Cờ thi đua của Bộ GDĐT; Cờ thi đua của Chính phủ.

Hình thức khen thưởng cấp Nhà nước bao gồm: Huân chương, Huy chương Hữu nghị, Danh hiệu vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Các hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng của Bộ GDĐT gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục".

Các tập thể, cá nhân ngoài ngành Giáo dục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo được xét khen thưởng theo đề nghị của đơn vị chủ quản.

Cấp nào chủ trì phát động các đợt thi đua thì cấp đó lựa chọn cá nhân, tập thể xuất sắc, tiêu biểu để công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu thi đua, quyết định khen thưởng.

Thông tư này không quy định về tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" và danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân", "Nhà giáo Ưu tú".

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201204/Ban-hanh-moi-huong-dan-cong-tac-thi-dua-khen-thuong-trong-nganh-giao-duc-1960439/

Comments