Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


“Học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu”

Posted: 29 Mar 2012 05:33 PM PDT

Hơn 150 học sinh (HS) đến từ các trường THPT trên toàn thành phố đã có dịp thẳng thắng nói lên những suy nghĩ, tâm tư của mình về những vấn đề học tập, sinh hoạt, mối quan hệ giữa thầy trò, ba mẹ… Đặc biệt, đa phần các em đều ý kiến rằng chương trình học hiện nay vẫn còn quá nặng về lý thuyết, nhiều áp lực cho HS.

Em Trần Nguyễn Minh Thùy, HS Trường THPT Củ Chi thì cho rằng các môn học như Giáo dục công dân là môn học thiết thực để dạy làm người nhưng ở nước ta lại chỉ dạy 1 tiết/tuần mà lại khó hiểu, trừu tượng và không gắn với thực tế. Còn môn Tin học tại sao không ứng dụng những công nghệ hiện đại bây giờ mà chỉ dạy những chương trình khô, lạc hậu.

Trong khi đó, bạn Ngô Trọng Hiền, HS Trường THPT Gia Định bày tỏ băn khoăn: "Chúng em đến trường để học kiến thức nhưng chúng em cũng cần biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào đời sống. Mặc dù được học nhiều môn nhưng phần ứng dụng lại gần như bỏ đi".

Bên cạnh mong mỏi lãnh đạo Sở có phương án giúp giảm áp lực chương trình học, các em cũng cho rằng nên bổ sung các hoạt động ngoại khoá, rèn kỹ năng sống hơn là chỉ học và học. HS Lê Hoàng Định, Trường THPT Lê Minh Xuân (H. Bình Chánh) đặt vấn đề kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của giới trẻ nhưng tại sao kỹ năng sống chỉ mới phát triển là một hoạt động mà không trở thành tiết chính khóa trong hệ thống giáo dục.

Em Minh Thùy, Trường THPT Củ Chi kiến nghị rằng những chương trình giáo dục giới tính, tâm lý hiện còn quá xa vời. "Thầy cô chỉ mới dạy chúng em về lý tưởng sống còn những vấn đề thắc mắc của chính HS chưa được chưa đi vào thực tế, đôi khi thầy cô còn lãng tránh mà không giải đáp cho HS hiểu", Minh Thùy cho biết.

Còn HS Nguyễn Huy Hiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An chia sẻ rằng:” HS chúng em học nhiều đến mức giống cái máy photo. Tại sao không kèm thêm học là những sân chơi, hoạt động ngoại khóa để chúng em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn?”.

Lắng nghe các bức xúc của HS, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận việc các em phản ảnh chương trình nặng nề có phần là do tâm lý xã hội đặt nặng vấn đề thi cử. Còn ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD- ĐT thì cho biết Sở sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các em để tạo điều kiện tốt nhất về môi trường học tập. Ông Sơn cũng động viên tinh thần các HS hãy tích cực trong học tập và rèn luyện.

Lê Phương

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-580255/hoc-nhieu-nhung-hieu-chang-bao-nhieu.htm

Chú ý ôn tập hiệu quả nhưng không gây quá tải

Posted: 29 Mar 2012 05:33 PM PDT

(GDTĐ)-Đó là một trong những nội dung Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các trường THPT thực hiện trong việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Bộ GDĐT cũng đặc biệt lưu ý sở chỉ đạo các trường hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch, lưu ý không được cắt xén chương trình đã quy định. Các Sở GDĐT chủ động triển khai công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2012 , trong đó chú ý đánh giá, rút kinh nghiệp công tác tổ chức ôn tập và thi cho học sinh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011; chỉ đạo các trường THPT thực hiện các giải pháp hiệu quả tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng.

Đối với trường THPT cần chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo công văn số 5842/BGDĐT-VP. Bên cạnh đó, tổ chức ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12; quan tâm việc giúp học sinh học tập ở các mức độ nhận thức thông hiểu và vận dụng kiến thức.

Về cách thức tổ chức ôn tập, Bộ GDĐT yêu cầu cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung môn học. Cụ thể, kết hợp hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập trung cả lớp; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời.

Các sở GDĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động lập kế hoạch, phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân công nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức; chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập, ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Đối với học sinh khá giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

Các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201203/Chu-y-on-tap-hieu-qua-nhung-khong-gay-qua-tai-1960277/

Ôn thi tốt nghiệp môn Địa lý: Nên tận dụng tối đa Atlat

Posted: 29 Mar 2012 05:33 PM PDT


Ôn tập môn Địa lý không quá khó nhưng cần có sự tập trung nhất định.

Cũng theo cô Huế, mấu chốt qua trọng khi ôn tập là bám sát vào cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT. Không cần phải học chuyên sâu mà chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản để có thế kết hợp với dữ liệu của bảng Atlat được sử dụng là hoàn toàn có thể kiếm được điểm cao.

Điều đặc biệt đối với môn Địa lý, HS ban A có khả năng tiếp thu kiến thức cũng như định hướng cách làm bài rất nhanh. Chính vì thế, nếu có được kĩ năng khai thác được kiến thức từ Atlat tốt thì chỉ cần trong vòng từ 1-1,5 tháng là HS có thể hoàn thành tốt khâu ôn tập.

Tuy nhiên để đạt điểm cao nhất thì điều quan trọng là HS cần phải nắm được kiến thức cơ bản, biết cách lập dàn ý cho từng vấn đề và Atlat là công cụ để các em lấp đầy những dàn ý. Bên cạnh đó các em cần rèn cho mình kĩ năng làm bài thi: tâm lí bình tĩnh, đọc kĩ đề bài, định hướng chính xác yêu cầu đề bài và phân bố thời gian làm bài hợp lý.

Đề thi Địa lý thường rơi vào một trong các hình thức sau: một là dạng đề trình bày nhằm kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của thí sinh. Hai là dạng đề phân tích – chứng minh. Đối với câu hỏi dạng này thí sinh không chỉ nhớ kiến thức mà còn phải biết vận dụng để lý luận, phân tích, chứng minh một vấn đề.

Ba là dạng đề so sánh đòi hỏi thí sinh cần tổng hợp kiến thức để phân biệt sự giống và khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng địa lý. Bốn là dạng đề giải thích nhằm đánh giá khả năng vận dụng kiến thức của HS.

Và tất cả những dạng câu hỏi này đều có thể khai thác được kiến thức từ Atlat và thực tiễn cuộc sống để làm bài.

Đối với phần vẽ biểu đồ thì các dạng thường gặp là biểu đồ cột, biểu đồ đường hay đồ thị, biểu đồ tròn, biểu đồ miền, biểu đồ kết hợp (cột và đường). HS cần nắm vững đặc điểm của từng dạng biểu đồ như dạng biểu đồ so sánh thường là biểu đồ cột, dạng thể hiện cơ cấu hay chuyển dịch cơ cấu thường dùng biểu đồ tròn hay miền… Bên cạnh đó HS cần chú ý kỹ năng tưởng đơn giản nhất nhưng rất quan trọng như phân chia tỷ lệ, chọn độ dài các trục và thể hiện trị số, đơn vị trên đó, vị trí và thứ tự cách vẽ thành phần trong biểu đồ cơ cấu, sử dụng các ký hiệu để thể hiện nội dung khác nhau, ghi chú giải và tên biểu đồ; ngay như xử lí số liệu thì tên bảng và đơn vị của bảng số liệu mới cũng cần phải rất chính xác (mà vấn đề này HS không hay để ý, vì thế rất dễ bị mất điểm).

Một trong những vấn đề nhiều HS thường kêu khó đó là phân tích bảng số liệu. Đối với dạng này đòi hỏi kỹ năng tính toán, phân tích bảng số liệu, tìm ra quy luật, mối liên hệ giữa các số liệu, rút ra nhận xét hoặc giải thích. Về tính toán thì HS cần chuyển đổi số liệu, tùy từng yêu cầu của đề bài mà có thể chuyển từ số liệu tuyệt đối sang tương đối (%); tạo đại lượng mới như từ dân số (người) và diện tích (km2) và để tính mật độ dân số (người/km2); từ sản lượng (tấn) và diện tích (ha) để tính năng suất (tấn/ha; tạ/ha)… Về nhận xét: Phải nêu được bản chất của vấn đề theo đùng yêu cầu đề bài.

"Nếu biết sử dụng Atlat thì việc học Địa lý sẽ "nhàn" hơn rất nhiều vì không phải ghi nhớ nhiều địa danh và số liệu. HS cần biết đọc và mô tả được các đặc điểm của hiện tượng địa lý trên bản đồ. HS cần nghiên cứu để hiểu nội dung Atlat, nắm chắc ký hiệu, ước hiệu bản đồ, xác định được phạm vi các lãnh thổ" - cô Huế nhấn mạnh.

Mặc dù bảng Atlat được coi như là "phao cứu sinh" dành cho môn Địa lý nhưng cô Huế vẫn cảnh bảo: "Tài liệu này giổng như là kiến thức tổng quát, HS phải biết cách chọn nội dung để khai thác. Chính vì thế để làm được bài tốt cần nắm vững các kiến thức cơ bản".

Nguyễn Hùng (ghi)

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-580066/on-thi-tot-nghiep-mon-dia-ly-nen-tan-dung-toi-da-atlat.htm

Trò lớp 12 không giải được toán 4, cô khó kiềm chế?

Posted: 29 Mar 2012 05:33 PM PDT

- Nhiều ý kiến bình luận về

“Những câu mắng bất hủ của người thầy”

cho rằng, chọn nghề giáo đồng nghĩa với việc được đào tạo bài bản về nghiệp vụ,
tâm lý ứng xử…nên không thể làm tổn thương học trò. Nhưng “người trong cuộc”
họ lại có “nỗi khổ” riêng, cần sự cảm thông vì học trò thời nay thông minh hơn,
năng động hơn và cũng khó bảo hơn.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
Những câu mắng bất hủ của người thầy
Kỹ sư kể chuyện bị thầy mắng tím mặt
Nữ sinh được thầy ví ‘như con tinh tinh’
Thầy cô không phải là Thánh

Minh họa

 

Tại học sinh nói nhẹ không nghe

Họ tên: Thiện
Tiêu đề: “Dạy học khổ thế đấy…”

Tôi là giáo viên cấp 3 ở một trường vùng sâu. Nói thiệt, nhiều lúc thấy cũng tội
các em, thương lắm. Nhưng chúng nó học quá tệ đến nỗi mình không thể kiềm chế
nỗi. Ví dụ: yêu cầu học sinh lớp 12 đổi đơn vị 300 cm = ? mét hoặc diện tích
hình vuông, diện tích hình tròn hoặc hai số thập phân số nào lớn hơn, bé hơn; số
âm, số dương… Toàn kiến thức cơ bản lớp 4-6 mà các em cũng không biết…. Thử
hỏi bạn là giáo viên thì có mà giữ bình tĩnh nổi không.
Hay chuyện thật 100% không nói quá đâu nhá. Yêu cầu học sinh lớp 10 làm phép
tính 1 – 2= ? là học sinh không làm được.

Họ tên: Hoàn
Tiêu đề:
"Nên vào lớp dạy thử thì sẽ biết"
Thực ra một số câu như vậy là hơi quá, nhưng nói thật là rất khó để kiềm chế
trong trường hợp học sinh không làm bài tập hoặc nói chuyện tự do, trong khi
giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần. Để giảm hiện tượng này, theo tôi cần phải có sự
vào cuộc của cả xã hội chứ không chỉ đổ lên đầu các nhà giáo được. Ý thức của
các em học sinh phụ thuộc rất nhiều vào cách sống và hành xử của gia đình, thầy
cô, bạn bè và cả xã hội.

Họ tên: Xuân Thành
Tiêu đề: "Giáo viên phải làm thế nào mới đúng?"

Mắng chửi cũng trách, đánh thì đem kiện…. Nhưng có chuyện gì xảy ra với con em
mình thì nói nhà trường có vấn đề, không có trách nhiệm… Các bậc phụ huynh có
đứng ở bục giảng không mà biết giáo viên căng thẳng thế nào khi thầy giảng trò
không nghe. Thậm chí đôi lúc học trò còn vô lễ với thầy. Tôi ủng hộ có hình phạt
hợp lý để chấn chỉnh các em học sinh. Nhưng không nên gây thương tốn về tâm lý
cũng như thể chất của các em.

Họ tên: Nguyên
Tiêu đề:
"Áp lực của giáo viên"
Không chép bài, không học bài, mất trật tự trong giờ học, coi thường giáo viên -
đó ý thức của đại đa số học sinh thời nay. Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp răn
đe, khuyên nhủ, tối tối tới nhà động viên học sinh, cam kết với gia đình…
Nhưng mọi biện pháp mà chúng tôi làm hầu như không có kết quả. Thử hỏi chúng tôi
phải làm sao? Đồng ý là người giáo viên ăn nói phải đúng mực nhưng xã hội đừng
có chuyện gi cũng trách giáo viên chúng tôi! Phải xét mọi nguyên nhân của nó
chứ!

Họ tên: chuotnhat
Tiêu đề:
"Cần thông cảm với thầy!"
Ngày xưa, các thầy đề thường xuyên sử dụng các biện pháp phạt học sinh mà vẫn
được “tôn sư trọng đạo”. Ngày nay, học sinh hư hỏng gấp bội lần nhưng giáo viên
không được sử dụng đòn roi hay bất cứ hình phạt gì khác thì quả là rất khó! Thực
tế, có nhiều học sinh rất hỗn láo, nói nhẹ không bao giờ nghe. Tôi không bênh
thầy cô nhưng nhiều khi cũng cần có cái nhìn thông cảm với họ!

Thầy đã bất lực với trò?

Họ tên: Nguyễn Ngọc
Tiêu đề: "Chửi chỉ làm học trò đờ đẫn thêm…"

Dù trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể chấp nhận cách hành xử
thiếu văn hóa của giáo viên. Chẳng lẽ các thầy cô không được dạy điều đó
trong trường sư phạm? Thầy cô bất lực trước học trò, thì chửi cũng
không giải quyết được việc gì, ngoài việc làm cho học sinh “đờ đẫn”
thêm và nhân cách của người thầy cũng đi xuống.

Họ tên: Xuân Phương
Tiêu đề: "Đừng trút giận lên đầu trẻ!"

Các thầy cô đã từng được học tập trong môi trường sư phạm không lẽ không được
dạy như vậy! Các thầy cô khi đã vào con đường sư phạm thì phải xác định rõ con
đường mình chọn là con đường cao cả và chông gai. Dẫu cũng biết rằng những áp
lực trong cuộc sống thường ngày làm các thầy cô mệt mỏi thì cũng đừng nên trút
lên đầu trẻ thơ!

Họ tên: Trần Văn Minh
Tiêu đề:
"Xem lại đầu vào sư phạm"
Hãy xem xét đầu vào của ngành sư phạm một cách thẳng thắn! Thường chỉ những bạn
học làng nhàng mới chọn nghề gõ đầu trẻ?. Vậy trong quá khứ họ không phải là học
trò xuất sắc và đương nhiên cũng đôi lần hứng chịu những lới cay độc của giáo
viên! Ai dám chắc rằng họ sẽ không phạm sai lầm như thế hệ trước? Hãy nhìn thẳng
vấn đề!

Họ tên: Hoàng Hà
Tiêu đề:
"Mong giáo dục VN sẽ tốt hơn!"
Trong môi trường sư phạm, mọi giáo viên đều đã học qua môn tâm lý, mà trước khi
làm giáo viên, họ cũng từng là học sinh, cũng đã từng bị thầy cô chửi mắng, họ
cũng cảm thấy quê… Vậy tại sao họ lại làm điều đó với thế hệ sau. Mong một
ngày nào đó giáo dục VN sẽ tốt hơn.

  • Nguyễn Thảo
    (tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/66080/tro-lop-12-khong-giai-duoc-toan-4--co-kho-kiem-che-.html

Cách ôn tập, làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Toán hiệu quả

Posted: 29 Mar 2012 05:33 PM PDT

(GDTĐ)-Thạc sĩ Nguyễn Sơn Hà – Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội có những lưu ý rất chi tiết giúp học sinh ôn tập và làm bài thi môn Toán tốt nghiệp THPT 2012 một cách hiệu quả nhất.

I.    Hướng dẫn chung về việc ôn tập và làm bài thi

Khi ôn tập cần chú ý: 'Nhớ công thức, hiểu phương pháp giải các dạng bài tập, vận dụng kiến thức để suy luận và tính toán chính xác trong các tình huống cụ thể'. Khi làm bài thi cần chú ý 'tiêu chí 3Đ' : Đúng kết quả, đủ ý, trình bày đẹp'

1. Hướng dẫn ôn tập

- Nhớ và hiểu được tất cả các công thức trong Sách giáo khoa THPT lớp 12, biết vận dụng vào các bài tập cụ thể.

- Ôn tập hệ thống các dạng toán trong sách giáo khoa và sách bài tập môn Toán lớp 12

- Sử dụng tài liệu Hướng dẫn Ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2011 – 2012 của Nhà xuất bản giáo dục

- Tham khảo một số đề thi tốt nghiệp THPT môn toán những năm gần đây để biết mức độ kiến thức của một đề thi tốt nghiệp THPT.

- Tham khảo cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Toán của Bộ giáo dục năm 2010

- Tham khảo nội dung giảm tải môn toán THPT được Bộ giáo dục và Đào tạo thông báo đầu năm học 2011-2012

- Tham khảo đáp án và thang điểm của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây để rút kinh nghiệm trong việc trình bày.

- Mặc dù trọng tâm kiến thức thi tốt nghiệp tập trung ở chương trình lớp 12 nhưng phần lớn các bài toán THPT đều liên quan đến việc rút gọn một biểu thức, giải phương trình và bất phương trình bậc nhất, giải phương trình và bất phương trình bậc hai, giải hệ phương trình, giải phương trình chứa dấu giá trị tuyệt đối, giải phương trình chứa ẩn ở mẫu, giải phương trình vô tỉ, giải bất phương trình vô tỉ, giải phương trình và bất phương trình tích. Học sinh cần phải nắm vững các kiến thức, kĩ năng nói trên và một số kiến thức liên quan được học ở các lớp 7, 8, 9, 10 như: quy tắc phá ngoặc, quy tắc nhân hai đa thức, quy tắc chia đa thức cho đa thức (tình huống thường gặp là chia tam thức bậc hai cho nhị thức bậc nhất), định lí về dấu của nhị thức bậc nhất, định lí về dấu của tam thức bậc hai.

2. Hướng dẫn làm bài thi

- Học sinh cần phải chú ý 'tiêu chí 3 Đ: Đúng – Đủ – Đẹp' trong một bài thi:  kết quả đúng, đủ ý, trình bày đẹp. Thang điểm của bài thi thường được đặt bên cạnh đáp số của mỗi phép toán. Nếu học sinh tính toán sai hoặc viết nhầm thì mất rất nhiều điểm. Nếu học sinh viết sai ở phần nào thì sẽ mất điểm toàn bộ phần sau đó khi có liên quan với nhau về nội dung.

+ Học sinh phải viết đúng các công thức toán, viết đúng các kí hiệu toán,

rút gọn đúng các biểu thức và kết quả đúng ở tất cả các phép toán.

+ Học sinh phải trình bày đủ ý; các bài toán thi tốt nghiệp bám sát nội dung sách giáo khoa và đều có quy trình giải, vì vậy học sinh phải trình bày đầy đủ các ý trong quy trình giải một bài toán như: quy trình khảo sát và vẽ đồ thị hàm số, quy trình tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số trên một tập hợp, quy trình tính tích phân bằng phương pháp đổi biến…Thang điểm của bài thi sẽ căn cứ vào các bước trong quy trình giải toán, nếu học sinh trình bày đủ các ý thì sẽ không bị mất điểm. Ngoài ra, học sinh cần phải có đáp số hoặc kết luận trong lời giải mỗi bài toán vì biểu điểm thường có 0,25 điểm ở phần kết luận, đáp số.

+ Để đạt điểm cao, học sinh phải trình bày đẹp, diễn đạt tốt, các ý rõ ràng. Thang điểm của bài thi thường có sau mỗi suy luận logic hoặc sau mỗi phép biến đổi, tính giá trị biểu thức… Vì vậy, sau mỗi suy luận logic hoặc biến đổi, tính toán biểu thức…; học sinh nên xuống dòng, chia ý rõ ràng. Tránh tình trạng viết lời giải một bài toán như viết một đoạn văn, khi đó nếu học sinh sai ở dòng cuối cùng thì có thể bị mất nhiều điểm.

- Đặt điều kiện và kiểm tra điều kiện: Khi viết mỗi biểu thức toán học, nếu gặp biểu thức chứa ẩn ở mẫu, biểu thức chứa căn bậc hai, biểu thức logarit, học sinh cần có thói quen đặt điều kiện để các biểu thức có nghĩa. Ngoài ra, với biểu diễn đại số của số phức z=a+bi ta phải điều kiện a, b là các số thực. Trước khi kết luận đáp số bài toán, học sinh cần có thói quen kiểm tra lại điều kiện.

- Làm bài dễ để củng cố tinh thần: Học sinh cần đọc đề thi vài lượt, chọn bài dễ làm trước và viết ngay vào bài thi, khi trình bày được vào bài thi, tinh thần làm bài của học sinh sẽ tốt hơn. Bài khảo sát và vẽ đồ thị hàm số là bài có sẵn quy trình giải và luôn xuất hiện trong các kì thi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể làm ngay bài khảo sát trước. Nếu học sinh làm bài khó không ra kết quả thì có thể mất tinh thần làm bài.

II. Hướng dẫn ôn tập từng chủ đề

1.    Chủ đề Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số.

Học sinh cần nắm vững các vấn đề sau đây:

- Quy trình khảo sát và vẽ đồ thị các hàm số: hàm đa thức bậc ba, hàm trùng phương, hàm phân thức bậc nhất trên bậc nhất. Trong phần này, học sinh cần luyện tập nhiều kĩ năng tính đạo hàm, xét dấu đạo hàm, lập bảng biến thiên của hàm số. Biểu điểm thường tập trung vào các mốc quan trọng như: tập xác định, nghiệm của đạo hàm, dấu của đạo hàm, cực trị, các khoảng đơn điệu, giới hạn và tiệm cận (nếu có), bảng biến thiên, tính đối xứng của đồ thị hàm trùng phương, giao điểm của đồ thị với trục Oy, vẽ đúng dáng của đồ thị hàm số và các điểm đặc biệt, các đường tiệm cận (nếu có). Với hàm phân thức bậc nhất trên bậc nhất, cần chú ý rằng giới hạn của hàm số khi x dần đến vô cực sẽ bằng một hằng số thực (không được nhầm lẫn là hàm số có giới vô cực khi x dần đến vô cực)

- Các dạng tiếp tuyến: tiếp tuyến tại một điểm có hoàng độ cho trước,tiếp tuyến tại một điểm có tung độ cho trước, tiếp tuyến đi qua một điểm cho trước, tiếp tuyến có hệ số góc cho trước, tiếp tuyến song song hoặc vuông góc với một đường thẳng cho trước. Khi lập phương trình tiếp tuyến, ta thường phải lập phương trình để tìm hoành độ của tiếp điểm. Tìm điều kiện để một đường thẳng tiếp xúc với đồ thị hàm số

- Các dạng tiệm cận của đồ thị hàm số: tiệm cận đứng, tiệm cận ngang.

- Sự liên hệ giữa số giao điểm của đường thẳng và đồ thị hàm số với số nghiệm thực phân biệt của phương trình hoành độ giao điểm. Quan sát số điểm chung của đường thẳng y=m với đồ thị y=f(x) để biện luận số nghiệm thực của phương trình f(x)=m hoặc xét số nghiệm thực của phương trình để suy ra số giao điểm.

- Dấu hiệu nhận biết hàm số đồng biến, hàm số nghịch biến trên một khoảng xác định; điều kiện để hàm số đồng biến, nghịch biến trên một khoảng xác định.

- Các điều kiện để hàm số có cực trị: Điều kiện cần để hàm số đạt cực trị, điều kiện đủ để hàm số đạt cực đại, cực tiểu. Tìm điều kiện để hàm số đạt cực đại hoặc cực tiểu tại một điểm cho trước.

- Phương pháp tìm giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất của hàm số trên một tập hợp số (đoạn, khoảng, nửa khoảng). Khảo sát trực tiếp hàm số ban đầu hoặc hoặc khảo sát gián tiếp hàm số của biến mới (đổi biến).

- Phương pháp vận dụng tính đơn điệu của hàm số để chứng minh bất đẳng thức, giải phương trình, hệ phương trình.

2.    Chủ đề Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số logarit.

Học sinh cần nắm vững các vấn đề sau:

- Điều kiện xác định của biểu thức logarit.

- Đạo hàm của hàm lũy thừa, hàm số mũ và hàm số logarit.

- Các phương pháp biến đổi tương đương giải phương trình, bất phương trình mũ, logarit: phương pháp đưa về cùng cơ số, phương pháp logarit hóa; một số phương trình đặc biệt có thể được chuyển về phương trình tích, bất phương trình tích.

- Phương pháp đặt ẩn phụ giải phương trình, bất phương trình mũ, logarit.

- Phương pháp sử dụng tính đơn điệu của hàm số để giải phương trình, bất phương trình logarit

- Phương pháp thế, phương pháp đặt ẩn phụ giải hệ phương trình mũ, logarit.

3.    Chủ đề Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng.

Học sinh cần nắm vững các vấn đề sau:

- Các công thức đạo hàm được giới thiệu trong Sách giáo khoa lớp 11.

- Bảng nguyên hàm, tích phân của một số hàm số thường gặp: Hàm lũy thừa, hàm số mũ, hàm số logarit, hàm số lượng giác

-  Nhớ các biểu thức vi phân của sinx, cosx, tanx, cotx, ex, lnx, xk

- Phương pháp đổi biến số tính nguyên hàm, tích phân: Chú ý đổi biến số đồng thời với đổi vi phân, với bài toán tính tích phân thì đổi biến số đồng thời với đổi vi phân và đổi cận. Chú ý: vi phân và cận phải được viết tương ứng với biến dưới dấu nguyên hàm, tích phân.

- Phương pháp lấy nguyên hàm từng phần, tích phân từng phần. Nếu biểu thức dưới dấu nguyên hàm tích phân có một trong dạng (ax+b)sinnx, (ax+b)cosnx, (ax+b)emx+n thì ta chọn u=ax+b, nếu biểu thức trong nguyên hàm tích phân có dạng (ax2+bx+c)lnx thì ta chọn u=lnx; trong các trường hợp trên, chọn dv là thành phần còn lại dưới dấu nguyên hàm, tích phân.

- Với nguyên hàm, tích phân của hàm lượng giác, học sinh cần chú ý công thức lượng giác biến tích thành tổng, công thức nhân đôi, công thức hạ bậc (Sách giáo khoa lớp 10).

- Ứng dụng tích phân tính diện tích hình phẳng. Để làm tốt phần này, học sinh cần rèn kĩ năng tính tích phân của hàm chứa dấu giá trị tuyệt đối; kĩ năng xét dấu của biểu thức bậc nhất, biểu thức bậc hai, phân thức hữu tỉ bậc nhất trên bậc nhất. Học sinh cần chú ý viết đúng công thức tính diện tích thông qua tích phân của hàm chứa dấu giá trị tuyệt đối sau đó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mới phá dấu giá trị tuyệt đối hoặc chuyển về giá trị tuyệt đối của tích phân.

- Ứng dụng tích phân tính thể tích của khối tròn xoay: Học sinh cần chú ý hằng đẳng thức đáng nhớ: bình phương một tổng, bình phương một hiệu. Nếu xoay hình quanh trục Ox thì dùng vi phân dx, nếu xoay hình quanh trục Oy thì dùng vi phân dy

4.    Chủ đề số phức. Học sinh cần nắm vững những vấn đề sau:

- Dạng đại số của số phức, phần thực và phần ảo của số phức, số phức liên hợp của một số phức, mô đun của số phức, điều kiện để một số phức là số thực, điều kiện để một số phức là số ảo. Chú ý: Khi viết dạng đại số z=a+bi ta phải có điều kiện a, b là các số thực.

- Phép toán giữa hai số phức. Ta có thể áp dụng tính chất của số phức tương tự như đối với số thực đó là: tính chất giao hoán, tính chất kết hợp, tính chất phân phối giữa phép nhân và phép cộng, hằng đẳng thức đáng nhớ. Các kĩ năng nhân và chia biểu thức với đại lượng liên hợp thường được sử dụng khi biến đổi rút gọn phân thức liên quan đến số phức. Chú ý là chỉ có dấu bất đẳng thức giữa hai số thực nhưng không có dấu bất đẳng thức giữa hai số phức bất kì.

- Phương trình bậc nhất đối với số phức: sử dụng phép toán giữa các số phức hoặc sử dụng dạng đại số của số phức để giải phương trình.

- Phương trình bậc hai nghiệm phức: Nếu đen ta bằng 0 hoặc đen ta là số thực dương thì ta sử dụng công thức nghiệm như đối với phương trình bậc hai nghiệm thực. Nếu đen ta không phải là số thực thì phải chọn các số thực m, n để có thể biểu diễn đen ta bằng biểu thức (m+ni)2

- Phương trình tích với nghiệm phức được biến đổi tương tự như đối với nghiệm thực

- Phương trình dạng A2+B2 = 0 ta không thể giải tương tự như đối với nghiệm thực mà phải chuyển về phương trình tích (A+iB)(A-iB)=0

- Sử dụng dạng đại số của số phức để tìm căn bậc hai của số phức.

- Biểu diễn hình học của số phức: Tìm tập hợp điểm biểu diễn số phức thỏa mãn một tính chất xác định. Tình huống thường gặp là viết z=x+yi với x, y là các số thực, biến đổi các điều kiện liên quan đến z tương đương với x, y thỏa mãn một phương trình đường thẳng hoặc đường tròn.

- Dạng lượng giác của số phức (dành cho học sinh ban nâng cao): Cho số phức dưới dạng đại số, biểu diễn số phức dưới dạng lượng giác, tìm acgumen, sử dụng công thức Moa-vrơ tìm lũy thừa bậc n của số phức; sử dụng dạng lượng giác để thực hiện phép toán giữa hai số phức. Trong phần này, học sinh cần nắm vững một số công thức lượng giác của lớp 10 như công thức liên quan đến giá trị lượng giác của hai góc phụ nhau, hai góc bù nhau, hai góc đối nhau, công thức cộng, công thức nhân đôi…

5. Chủ đề Khối đa diện. Học sinh cần chú ý những vấn đề sau

- Công thức tính diện tích của tam giác, diện tích hình thang, diện tích hình chữ nhật, thể tích của khối chóp, thể tích khối lăng trụ tam giác và lăng trụ tứ giác.

- Trong phần thể tích, học sinh thường phải tính đường cao của hình chóp hoặc hình lăng trụ. Các tình huống thường gặp:

i) hình chóp đều có đường cao đi qua tâm của mặt đáy;

ii) hình lăng trụ đứng có đường cao bằng cạnh bên.

iii) hình chóp hoặc hình lăng trụ có một cạnh bên vuông góc với mặt đáy, khi đó chiều cao của hình chóp bằng độ dài của cạnh bên, hình chiếu vuông góc của các cạnh bên còn lại trên mặt đáy là đoạn thẳng có một đầu múc là chân đường cao. Từ đó có thể xác định góc giữa đường thẳng chứa cạnh bên và mặt phẳng chứa đáy của đa diện

iv) hình chóp hoặc hình lăng trụ có một mặt bên vuông góc với mặt đáy, khi đó đường cao của hình chóp hoặc hình lăng trụ là đường cao của mặt bên và hình chiếu của mọi đường thẳng thuộc mặt bên trên đáy trùng với giao tuyến. Từ đó có thể xác định góc giữa đường thẳng chứa cạnh bên và mặt phẳng chứa đáy của đa diện

- Học sinh nắm vững cách xác định góc giữa hai đường thẳng, góc giữa đường thẳng và mặt phẳng, góc giữa hai mặt phẳng.

- Nếu giả thiết của bài toán có hai mặt phẳng vuông góc với nhau thì thường kẻ thêm đường phụ là đường thẳng trong một mặt phẳng và vuông góc với giao tuuyến, khi đó đường này sẽ vuông góc với mặt phẳng còn lại. Nếu giả thiết có hai mặt phẳng cùng vuông góc với mặt thứ ba thì thường dùng đến giao tuyến của hai mặt phẳng vì giao tuyến sẽ vuông góc với mặt thứ ba

- Để làm tốt chủ đề này, học sinh phải nhớ định lí Pytago trong tam giác vuông, định lí cosin trong tam giác, hệ thức liên hệ giữa góc và cạnh trong tam giác vuông.

6.    Chủ đề Hình cầu, hình trụ, hình nón

- Nắm vững công thức diện tích của mặt cầu, thể tích của khối cầu, diện tích xung quanh của hình trụ, thể tích khối trụ, diện tích xung quanh của hình nón và thể tích khối nón.

- Với dạng toán hình cầu, học sinh phải biết xác định tâm mặt cầu ngoại tiếp đa diện. Có thể cần phải xác định tâm của đường tròn ngoại tiếp một mặt của đa diện, từ đó xác định trục của đường tròn ngoại tiếp. Một số trường hợp thường gặp:

i)các đỉnh đa diện cùng nhìn hai điểm cố định dưới một góc vuông, khi đó tâm mặt cầu là trung điểm đoạn nối hai điểm cố định;

ii)hình chóp có các cạnh bên bằng nhau, khi đó đáy của đa diện là đa giác nội tiếp đường tròn và hình chiếu của đỉnh trên đáy trùng với tâm đường tròn ngoại tiếp của đáy, trục của đường tròn ngoại tiếp đáy chứa đường cao hình chóp; hình chóp đều có tâm mặt cầu ngoại tiếp thuộc đường cao;

iii) hình chóp có đáy là tam giác vuông, khi đó trục của đường tròn ngoại tiếp đáy là đường thẳng đi qua trung điểm của cạnh huyền và vuông góc với đáy.

Như vậy, để nắm vững dạng toán này, học sinh phải nắm vững các loại quan hệ vuông góc: đường thẳng vuông góc với đường thẳng, đường thẳng vuông góc với mặt phẳng, hai mặt phẳng vuông góc.

7.    Phương pháp tọa độ trong không gian

- Nắm vững công thức tọa độ tích có hướng của hai véc tơ. Biết sử dụng tích

có hướng của hai véc tơ để tính diện tích tam giác, tính thể tích khối hộp, thể tích khối tứ diện (ban nâng cao). Sử dụng tích có hướng của hai véc tơ để xác định véc tơ chỉ phương của đường thẳng khi véc tơ chỉ phương vuông góc với hai véc tơ cho trước, sử dụng tích có hướng của hai véc tơ để xác định véc tơ pháp tuyến của hai mặt phẳng khi véc tơ pháp tuyến vuông góc với hai véc tơ cho trước.

- Nắm vững các dạng phương trình đường thẳng: phương trình tham số và phương trình chính tắc, nắm vững phương trình mặt phẳng và phương trình mặt cầu. Chú ý các dạng mặt phẳng đặc biệt (song song với các mặt phẳng tọa độ, chứa các trục tọa độ,…).

- Để lập phương trình đường thẳng, học sinh thường phải chỉ ra một điểm thuộc đường thẳng và véc tơ chỉ phương. Có thể sử dụng quan hệ song song, quan hệ vuông góc và tích có hướng để tìm véc tơ chỉ phương

- Để lập phương trình mặt phẳng, học sinh thường phải chỉ ra một điểm thuộc mặt phẳng và véc tơ pháp tuyến. Có thể sử dụng quan hệ song song, quan hệ vuông góc và tích có hướng để tìm véc tơ pháp tuyến

-  Một số dạng toán và kiến thức liên quan:

i) Lập phương trình mặt phẳng thỏa mãn một trong các điều kiện: mặt phẳng chứa  ba điểm phân biệt, chứa một đường thẳng và một điểm ngoài đường thẳng, đi qua một điểm và vuông góc với một đường thẳng cho trước, đi qua một điểm và song song với một mặt phẳng cho trước, đi qua một điểm và song song với hai đường thẳng cho trước, tiếp xúc mặt cầu tại một điểm cho trước, mặt phẳng chứa một đường thẳng và song song với một đường thẳng khác.

ii) Lập phương trình đường thẳng thỏa mãn một trong các điều kiện sau: đường thẳng đi qua hai điểm cho trước, đi qua một điểm và song song với một đường thẳng cho trước, đi qua một điểm và vuông góc với một mặt phẳng cho trước, đi qua một điểm vuông góc với hai đường cho trước, đi qua một điểm đồng thời vuông góc và cắt một đường cho trước, đường thẳng là giao tuyến của hai mặt phẳng cho trước.

iii) Lập phương trình mặt cầu thỏa mãn một trong các điều kiện sau: mặt cầu có tâm và bán kính cho trước, có tâm và đi qua một điểm cho trước, có tâm và tiếp xúc với một mặt phẳng cho trước, có tâm và tiếp xúc với một đường thẳng cho trước (ban nâng cao), chứa bốn điểm cho trước.

iv) Góc giữa hai đường thẳng, góc giữa hai mặt phẳng (ban nâng cao).

v) Khoảng cách từ một điểm đến mặt phẳng, khoảng cách từ một điểm đến đường thẳng, khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau.

- Trong nhiều trường hợp, học sinh phải tham số hóa tọa độ của một điểm (biểu diễn tọa độ theo tham số), từ đó lập phương trình tìm tham số.

 

III. Một số nhược điểm thường gặp ở nhiều học sinh khi viết bài thi môn toán

- Thiếu điều kiện, thiếu kết luận hoặc kết luận thừa nghiệm

- Sử dụng các kí hiệu không được quy ước trong sách giáo khoa, viết tắt tùy tiện

- Biến đổi tương đương tùy tiện với những tình huống chỉ đúng một chiều là suy ra

- Viết nhầm lẫn giữa các chữ cái O, D, P

- Viết nhầm lẫn giữa số 6 chữ b, viết nhầm lẫn giữa số 2 và chữ z

- Viết nhầm lẫn giữa chữ C, kí hiệu ngoặc đơn ( và kí hiệu tập con

- Viết nhầm lẫn giữa kí hiệu phần tử thuộc tập hợp và kí hiệu tập con

- Viết chữ t thiếu nét nên giống dấu + hoặc giống số 1

- Viết chữ i (đơn vị ảo) giống số 1

Học sinh cần rèn luyện để không mắc phải các nhược điểm trên

 

 

Thạc sĩ Nguyễn Sơn Hà

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201203/Cach-on-tap-lam-bai-thi-tot-nghiep-THPT-mon-Toan-hieu-qua-1960286/

‘Càng hiểu thế hệ trước, đam mê em càng giảm dần’

Posted: 29 Mar 2012 05:32 PM PDT

- Lại một lần nữa TS Nguyễn Thị Từ Huy là nơi học trò gửi đến những tâm sự đầy
u uẩn về lối đi trong cuộc đời mà họ không biết nói cùng ai. Vấn đề bạn trẻ đối
diện ngày hôm nay cũng là trăn trở mà khi bắt đầu trưởng thành, thế hệ của TS Từ
Huy cũng từng đối mặt.

TS Nguyễn Thị Từ Huy đã trả lời bức thư dưới đây:

 


Ảnh mang tính minh hoạ: Lối đi nào cho em. Ảnh: HG

 

Thưa cô,

Khoảng thời gian này đối với em thật khó khăn quá. Em không thể thoát ra được
những gì mình đọc được. Một nhận thức làm em thấy quanh quẩn…Em không biết
những thế hệ trước họ vượt qua cảm giác này như thế nào, nhưng với em hiện giờ
là một cảm giác không dễ chịu, mà em không còn cách nào khắc phục đành phải gửi
mail này cho cô.

Thế giới như ta thấy và thế giới phải như nó vốn có…Mọi sự mâu thuẫn nảy
sinh làm em thấy bất lực. Càng nghĩ em càng vô vọng. Em không biết nên điều
chỉnh cách nhìn nhận, cách suy nghĩ thế nào để có thể hòa nhập với thực tại, khi
giữa sự biết và thực tại hoàn toàn khác nhau.

Đi tìm cho mình hệ giá trị cần theo đuổi, rồi lại nhận thức phải chịu trách
nhiệm trong các mối quan hệ chằng chịt từ cuộc sống cho em cảm giác vô vọng. Dù
đam mê quyết liệt thế nào em vẫn không có động lực để tiếp tục làm việc.

Em muốn đi nhanh (em nghĩ em không đủ thời gian), vì vậy em đã tìm cách “đứng
lên vai” của thế hệ trước không chỉ về mặt nhận thức mà còn cả về những cảm giác
của kinh nghiệm. Càng hiểu về thế hệ trước, em lại càng thấy niềm đam mê giảm
dần và đến lúc này thì năng lực làm việc của em thật sự kém cỏi. Không làm sao
có thể thoát ra được.

Những gì mình cố gắng trong nhận thức để chiếm lĩnh lấy thì quay ngược lại
làm mình mất niềm tin. Hiện giờ em rất mong nhận được lời khuyên từ cô.

Chào bạn,

Nỗi khổ tâm của bạn gợi cho tôi nhớ lại những câu hỏi mà tôi từng phải đối
diện khi lên lớp, khi đứng trước các bạn: làm thế nào để kết nối văn học nghệ
thuật với thực tại? Làm thế nào để nỗi đau hay niềm hứng khởi của các nhà văn có
thể cộng hưởng với nỗi đau và niềm hứng khởi của các bạn, chứ không phải chỉ là
một mớ chữ vô hồn? Làm thế nào để thực tại của văn chương có thể gặp gỡ với thực
tại của các bạn?

Các bạn và tôi, chúng ta đã từng, trong một dịp nào đó, trao đổi với nhau
rằng: tác phẩm (nghệ thuật, văn chương, triết học, điện ảnh…) là một tấm gương,
khi soi vào đó ta không chỉ thấy có tác giả, mà còn thấy cả chính mình. Ta chỉ
thực sự hiểu tác phẩm khi thấy được hình ảnh mình trong đó, cả phần ánh sáng lẫn
phần tối tăm.

Nhà văn chân chính viết để nhận thức thực tại và nhận thức chính mình (dù cái
thực tại ấy, cái mình ấy có tồi tệ như thế nào chăng nữa). Và một người đọc chỉ
trở thành độc giả chân chính khi soi vào tác phẩm mà nhận ra được bản thân và
thực tại của mình.

Tác phẩm chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó giúp ta nhìn thẳng vào chính ta, đi
sâu vào mọi ngõ ngách tối tăm nhất, đồi bại nhất của bản ngã, để tự nhận diện và
tìm cách tự vượt lên. Không thể có sự vượt lên, sự thay đổi, sự hoàn thiện, nếu
không có sự nhận thức về bản thân.

Nếu nhà trường không trao cho bạn những thứ bạn cần, thì chính bạn phải tự
tập để học lấy mọi thứ một mình, chính bạn phải tự trang bị lấy tri thức, tự xây
dựng nhân cách của mình, với sự giúp đỡ của sách vở, và đặc biệt của ngoại ngữ,
trong tình trạng thiếu sách dịch như hiện nay.

Hãy hình dung những con người thời cổ xưa, vào thời thơ ấu của nhân loại, vốn
kiến thức của họ hạn chế hơn các bạn bây giờ rất nhiều, nhưng nếu họ bị hoàn
cảnh khuất phục, nếu họ giao số phận họ cho thần thánh hay cho những người khác,
nếu con người ở các thời đại khác nhau đều đầu hàng hoàn cảnh, thì sẽ không bao
giờ có thể để lại cho các bạn kho tàng tài sản và kho tàng tri thức khổng lồ mà
các bạn đang được hưởng.

Ai giúp họ điều đó? Không có ai, ngoài chính họ. Các bạn cũng vậy thôi. Không
ai giúp thì phải học cách tự chủ động trong mọi việc, và tự tạo lấy niềm tin cho
mình. Dám đối diện, dám đương đầu và có khả năng vượt qua hoàn cảnh. Những phẩm
chất đó nền giáo dục này đã không tạo lập được cho các bạn. Vậy, các bạn phải tự
tạo lập lấy cho mình.

Sự chán nản có thể khiến bạn gục ngã, sự thất vọng có thể biến bạn thành một
kẻ đầu hàng và đầu hàng vô điều kiện. Nhưng cùng với sách và với việc đọc sách
một cách thực sự, bạn có thể hành động, ít nhất là cho chính bạn. Những cuốn
sách chứa đựng tri thức và sự thật có thể cứu bạn.

Ý tưởng này tôi đọc được của người khác và chia sẻ nó với bạn. Dĩ nhiên, giờ
đây hẳn bạn đã đủ khả năng nhận ra những cuốn sách nào là kết quả của lao động
trí óc, là sản phẩm của hoạt động tinh thần, và những cuốn sách nào được viết ra
để giải quyết nhu cầu cơm áo, để đảm bảo điều kiện phong chức danh hay để phục
vụ cho yêu cầu của tổ chức.

Tôi chia sẻ với bạn những ám ảnh về cái mà bạn gọi là thực tại.

Thực tế là, một triết gia hay một giảng viên, một nhà nghiên cứu văn học ở
nước ngoài như Sartre hay Julia Kristeva cũng xuống đường để ủng hộ Việt Nam
trong thời kỳ chiến tranh. Tất nhiên thực tế đó có thể rất khác với cái thực tế
đang bao bọc bạn.

Bản lĩnh của bạn được thể hiện ở việc bạn có để mình bị nhấn chìm trong đó
hay không, ở việc bạn có dám ủng hộ điều mà bạn cho là cần phải ủng hộ hay
không; hoặc nếu dùng ngôn ngữ của bạn, bạn có dám bảo vệ hệ giá trị mà bạn theo
đuổi hay không.

Khi bạn không thể hòa nhập được với thực tại này (biết đâu đấy lại là một dấu
hiệu tích cực!), thì vẫn còn có cách là cố gắng tạo ra một thực tại khác, xứng
đáng với bạn, cố gắng biến cái hệ giá trị mà bạn theo đuổi thành hiện thực. Đó
hẳn là một động lực tốt.

Tuy nhiên, trước khi làm được điều đó bạn phải có đủ can đảm và đủ sáng suốt
để nhận diện các sự thật về cái thực tại hiện thời của bạn. Sự can đảm và sáng
suốt mà các nhà văn và các trí thức chân chính đã bộc lộ qua tác phẩm của họ.

Rồi bạn phải có đủ tri thức và kỹ năng cần thiết cho việc tạo lập cái thực
tại mà bạn mong muốn. Những tri thức và kỹ năng đó bạn sẽ tìm thấy trong rất
nhiều cuốn sách. Và trên cơ sở ấy bạn có thể đi xa hơn, tới chỗ tạo ra tri thức
và kỹ năng riêng của mình, của thế hệ mình.

Các nhà văn chân chính viết, một phần có thể vì họ không hòa nhập được với
thực tại, và vì họ không muốn bị khuất phục bởi thực tại, họ sáng tạo vì không
muốn bị nô lệ cho những thứ có sẵn, vì muốn bảo vệ và xây dựng các giá trị.

Các nhà phê bình/nghiên cứu chân chính viết cũng vì muốn vượt lên trên sự
ràng buộc, vượt lên những giới hạn đã định sẵn bởi những người đi trước và cùng
thời, vượt lên cả những giới hạn mà bản thân họ đã vạch ra, vì khao khát nhận
thức sự thật.

Khi bạn hiểu điều này và khi bạn thực hành nó qua hành động viết hay bất kỳ
một hành động nào khác, thì có nghĩa bạn đã kết nối được sách vở và thực tại. Đó
là một trong những kinh nghiệm cá nhân mà tôi có thể chia sẻ cùng bạn.

Hy vọng bạn giải quyết được vấn đề bạn đang gặp phải, dù có thể chưa phải là
ngay lập tức, dù là chỉ giải quyết được phần nào, để rồi lại tiếp tục quá trình
đặt vấn đề và giải quyết vấn đề.

Mong bạn kết nối được thế giới trong sách và thế giới thực của bạn, cái thế
giới phải do tự bạn góp phần tạo ra chứ không phải chỉ là thừa hưởng của những
người khác, cái thế giới trong đó bạn có thể sống vì niềm hứng khởi và niềm tin,
chứ không phải là để chịu đựng và bị khuất phục.

Thân mến!

  • Nguyễn Thị Từ Huy

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/66168/-cang-hieu-the-he-truoc--dam-me-em-cang-giam-dan-.html

Dạy thêm và học thêm vào “mùa”: Người học hãy cân nhắc kỹ

Posted: 29 Mar 2012 05:31 PM PDT

Thường là vào đầu tháng 3, đặc biệt là khi Bộ GDĐT chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp phổ thông, lúc đó mới chính thức bước vào " mùa" DTHT. "Thời vụ" kéo dài cho đến trung tuần tháng 7, lúc kết thúc các kỳ thi ĐH-CĐ. "Mùa" DTHT được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chấm dứt trước ngày thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT). Giai đoạn 2 "luyện thi ĐH" cấp tốc.


Các em học sinh nếu khả năng học lực chỉ ở mức trung bình nên xác định thi TNPT, sau đó thi vào trường trung cấp, dạy nghề thì không cần thiết phải học thêm. Làm người thợ có "bàn tay vàng" giá trị hơn một kỹ sư trung bình nhiều lần. Các em chỉ cần cù, chăm chỉ học trên lớp chính khóa là đủ kiến thức cơ bản thi đỗ TNPT.

Những học sinh có học lực khá thực chất, có nguyện vọng thi ĐH, cần thiết hãy học thêm. Không phải tất cả học sinh học thêm là thi đỗ vào ĐH. Trong khi nhiều "học sinh nghèo vượt khó", sáng đến trường học, chiều về phụ cha mẹ chăn trâu, cày ruộng, vào rừng kiếm củi… cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vẫn đỗ thủ khoa ĐH.

"Mùa" DTHT đã đến. Người dạy, cũng như người học cần học tập người nông dân, cân nhắc kỹ, chọn phương án tối ưu, phù hợp với điều kiện, năng lực của mình, đáng học thêm thì học thêm, chọn trường vừa sức để nộp hồ sơ thi. Đừng "trèo cao, ngã đau". Các cụ ta dạy: Biết mình… trăm trận trăm thắng. Năm học này Bộ GDĐT ban hành dự thảo quy chế "Quản lý DTHT".

Nếu các nhà quản lý giáo dục của bộ muốn dự thảo có giá trị thực tiễn, đi vào cuộc sống, bộ nên cử cán bộ có năng lực thực sự đến các trung tâm DTHT điều tra, tìm hiểu xem có đủ sức quản lý DTHT được hay không? Kể cả việc "đá" quả bóng quản lý DTHT sang cho chính quyền sở tại? Hay thay dự thảo quản lý DTHT bằng một dự thảo khác chủ động, tích cực hơn, tìm được tiếng nói đồng thuận của thầy, trò, cha mẹ học sinh, dư luận xã hội là "Hợp pháp hóa DTHT" tạo hành lang pháp lý cho các thầy cô giáo có tài, có đức yên tâm hành nghề.

Và nghề cũng sẽ tự đào thải những kẻ làm ăn bất chính, không để "con sâu làm rầu nồi canh", làm "xấu mặt" ngành giáo dục đang trong quá trình cải cách để tự làm mới mình.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-580207/day-them-va-hoc-them-vao-mua-nguoi-hoc-hay-can-nhac-ky.htm

Các trường không được cắt xén chương trình

Posted: 29 Mar 2012 05:31 PM PDT

Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp:

Các trường không được cắt xén chương trình

TT – "Phải thực hiện đúng kế hoạch năm học và điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Không được cắt xén chương trình quy định" – hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 do Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã nhấn mạnh.

Theo hướng dẫn trên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, tập trung bám sát yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Đặc biệt, các trường THPT chỉ đạo giáo viên quan tâm đến việc giúp học sinh ôn tập theo các mức độ nhận thức, thông hiểu và vận dụng kiến thức, hướng dẫn học sinh tự ôn tập, ôn tập theo nhóm, kết hợp giữa kiểm tra đánh giá học sinh với kiểm tra đánh giá trong nhóm học tập. Các trường tổ chức phân loại học sinh để có phương pháp ôn tập, hỗ trợ hợp lý tùy thuộc năng lực mỗi nhóm học sinh.

Bộ GD-ĐT nhắc nhở các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp tốt với gia đình, phụ huynh học sinh để giúp các em sắp xếp thời gian ôn tập, đảm bảo sức khỏe, không gây áp lực, quá tải cho học sinh.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/484435/Cac-truong-khong-duoc-cat-xen-chuong-trinh.html

Giáo viên trường chuyên bày cách ôn tập môn Sử

Posted: 29 Mar 2012 05:31 PM PDT

Đó là những chia sẻ của thầy Trần Huy Đoàn, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) với các bạn học sinh (HS) cũng như các đồng nghiệp về cách ôn tập môn học này trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay. Theo thầy Huy Đoàn, HS cần có hai cơ sở để ôn thi tốt nghiệp. Một là nội dung ôn tập và hai là phương pháp ôn tập.


Tài liệu ôn tập: HS nên bám vào SGK và Tài liệu "Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng" môn lịch sử lớp 12 của Bộ GD-ĐT. Không nên chỉ sử dụng mỗi tài liệu chuẩn bởi đây là tài liệu mang tính chất gợi ý. Cách đây vài năm có HS khi học theo tài liệu chuẩn đã không làm được trọn vẹn bài thi nên dẫn đến điểm số không cao.

Khi ôn thi tốt nghiệp, giáo viên (GV) cần phải đưa ra các kiến thức cơ bản, bám sát vào mục tiêu cấp học theo đúng tinh thần của Bộ GD-ĐT đề ra. GV cũng nên căn cứ vào phần "Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học môn Lịch sử, cấp THPT" năm 2011-2012 của Bộ GD-ĐT để giảm tải, cắt bỏ những phần không thuộc phạm vi chương trình giảng dạy. Những phần đọc thêm thì cần tổ chức cho HS tự học.

Về phương pháp ôn tập: yêu cầu đối với GV là nên tập trung phần kiến thức cơ bản. Cần trình bày mạch lạc, rõ ràng, gọn nhất theo kiến thức cơ bản. Không nên trang bị quá nhiều sẽ khiến HS không thể tiếp thu được.

Về phía HS thì cách tự học hiệu quả nhất là nên tổ chức nhóm 2-3 người để tự truy bài cho nhau. Tổ chức thu gọn kiến thức một cách hệ thống theo bài, theo chương.

Trong khi ôn tập, HS nên lập sơ đồ tư duy theo từng nội dung. Từ một vấn đề lớn, được phát triển thành các nhánh đơn vị kiến thức nhỏ. Thông qua đó dễ nhìn và hệ thống kiến thức một cách mạch lạc hơn.

Khi làm bài thi, nên dành 10 phút để đọc kỹ đề, nội dụng câu hỏi cần trả lời. Xác định đó là sự kiện nào, phạm vi thời gian nào xảy ra sự kiện đó…Khâu này rất quan trọng bởi hiểu nhầm đề, lạc đề rất nguy hiểm. Phải biết tỉnh táo dựa vào ý nghĩa các sự kiện để xác định sự kiện.

Chẳng hạn như "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), phong trào đấu tranh nào đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công?"thì cần phải liên tưởng ngay đến phong trào Đồng Khởi (1959-1960).

Nguyễn Hùng (ghi)

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-579667/giao-vien-truong-chuyen-bay-cach-on-tap-mon-su.htm

Comments