Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Học sinh nói không với thi ĐH khối C

Posted: 28 Mar 2012 06:10 AM PDT

- Gần hai tuần (từ 15/3) thí sinh đăng ký dự thi ĐH,CĐ nhưng đến nay số hồ sơ
nộp rất ít. Ghi nhận ban đầu, nhiều học sinh khối chuyên, trường chuyên ban C
vẫn nói không với các ngành xã hội.

Lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có 27 em thì chỉ duy nhất 1 học sinh chọn thi khối C kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ 2012.

Dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo cô Thu Anh, Hiệu phó Trường THPT
Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dự báo: "Tình hình chọn trường dự
thi sẽ không có nhiều thay đổi so với mọi năm. Số học sinh lựa chọn thi vào các
ngành tuyển sinh khối C năm 2012 chỉ khoảng 5-6 em/500 học sinh lớp 12.”

“Đây là những em nếu thi sẽ được cộng điểm ưu
tiên. Thậm chí gia đình các em này vẫn muốn con thi khối A" – lời vị hiệu phó.

Ở lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tình
hình cũng không có gì khác. Trong số 27 em của lớp chỉ duy nhất một thí sinh
chọn thi vào ngành học khối C. 26 học sinh còn lại, ngoài du học đều chọn thi vào các ngành học khối D như
tài chính, ngân hàng, kinh tế…

Tương tự, ở lớp 12 chuyên Địa lý của Trường THPT Chuyên Chu Văn (quận Tây Hồ, Hà
Nội) theo học sinh Phạm Nhật Minh lớp em có 35 bạn nhưng chỉ 2 trong số này chọn
thi các trường khối C. Các em còn lại đều chọn thi khối A và D.

Dù đang băn khoăn giữa hai ngành Luật quốc tế và tài chính ngân hàng nhưng Nhật
Minh vẫn nghiêng về lựa chọn thứ hai. Ngoài thích ngành tài chính ngân hàng,
theo Nhật Minh: "Cơ hội tìm việc làm của em sau này cũng dễ dàng hơn".

Dù chưa thống kê số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH,CĐ năm 2012 của học sinh như theo
Hiệu phó Hà Thị Phương Lan, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội) toàn
khối 12 với trên dưới 700 em chắc chỉ 6-7 trường hợp đăng ký thi các ngành học
khối C…

Theo quy định của Bộ, thời gian thu hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi theo hệ thống
của các sở sẽ bắt đầu từ ngày 15/3 và kết thúc vào ngày 16/4/2012.

Sau ngày 16/4, thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ tổ
chức thi. Thời gian nhận hồ sơ của các trường bắt đầu từ ngày 17/4 đến ngày
23/4/2012.

Học sinh đang học lớp 12 trung học phổ thông tại trường nào thì nộp hồ sơ và lệ
phí đăng ký dự thi tại trường đó.

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/65914/hoc-sinh-noi-khong-voi-thi-dh-khoi-c.html

Một ngày cho một đời!

Posted: 28 Mar 2012 06:10 AM PDT

Một ngày cho một đời!

TTO – Hè năm 1980, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội I tôi về quê ở Kim Thành, Hải Dương chờ quyết định công tác. Nhận thông tin từ một người bạn cùng lớp: "Mày đi Cao Bằng". Tôi tìm ngay bản đồ để xác định vị trí Cao Bằng và thấy tít tắp xa!

Đến ngày nhận công tác, mẹ lo lắng muốn anh trai tôi dẫn đi. Người anh trai là sĩ quan quân đội nói tỉnh queo: "Đường ở mồm!". Thế là khoác chiếc balô (người anh cho), trong đó là tư trang cá nhân, tôi lên Hà Nội xếp hàng mua vé đi Cao Bằng.

Sáng sớm xuất phát từ Hà Nội, xe chạy đến thị xã Bắc Kạn thì nghỉ để khách ăn cơm trưa rồi đi tiếp. Đường ngày ấy ổ gà nhiều, khó đi, lại có trục trặc chút ít về máy móc nên gần 21g xe mới tới điểm cuối của chặng đường. Cái háo hức của ngày đầu đi nhận công tác đã dần nhường chỗ cho nỗi lo, xen chút sợ vì đường thì quá dài và nơi đến cũng quá xa lạ.

Xe dừng, nơi cần đến tôi cũng đã đến: thị xã Cao Bằng. Tôi từng có ấn tượng rất sâu về một câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều: Canh khuya, thân gái, dặm trường và lúc ấy tôi thấy có mình trong câu thơ ấy. Đi đâu, đến đâu trong cái không gian tĩnh lặng, tối trời, và cái tối ấy như đặc hơn ở vùng rừng núi biên cương, nơi mà cuộc chiến tranh biên giới vừa mới đi qua.

Quan sát xung quanh, le lói những ánh đèn dầu thắp nơi xa nơi gần càng làm tăng thêm cái lẻ loi của một thân một mình. Với bước đi nặng nề, với tâm trạng hoang mang cực độ và thật sự lúc đó nếu có chuyến xe về Hà Nội có lẽ tôi đã bỏ tất cả để quay về. Chưa định hướng được sẽ phải như thế nào tôi chợt nghe tiếng hỏi nhỏ:

- Em về đâu? – Tiếng hỏi của một người lính cũng đang khoác trên vai chiếc balô chiến trận.

- Em đi nhận công tác tại ty giáo dục (sở giáo dục).

- Hết giờ làm việc rồi, em có người nhà trên này không?

- Em không!

- Anh có người quen gần đây, em đến đó nghỉ, sáng mai hãy đến ty giáo dục.

Một cuộc trao đổi ngắn giữa tôi và người lính. Đương nhiên như "người chết đuối vớ được cọc", mừng quá tôi xốc lại balô và đi theo người lính với sự tin tưởng tuyệt đối.

Trời tối, người lính đi trước, tôi đi liền ngay sau. Con đường đi lòng vòng, men lưng sườn núi vì tôi nhìn thấy mọi ánh đèn sáng đều ở phía dưới. Đoạn đường không phải là xa nhưng cũng không hẳn là gần nên đi một lúc rồi mà vẫn chưa tới. Cũng vì đi lâu vậy nên từ vui mừng, tin tưởng, tôi lo lắng, nghi ngờ và từ chỗ sợ tối tôi đi liền sau người lính, nhưng giờ thì tôi sợ người nên khoảng cách giữa tôi và người lính cứ xa dần (tôi đi chậm lại!).

Cùng với việc giãn khoảng cách với người đi trước, chiếc balô tôi đeo ngay ngắn ở sau lưng giờ một bên quai đã rời khỏi vai, chỉ còn một chiếc quai ở bên vai phải để phòng nếu có "sự cố" thì sẵn sàng bỏ của chạy lấy người. Thật may đến lúc lòng kiên nhẫn của tôi không còn bao nhiêu và đang hết sức căng thẳng thì người lính đó nói: “Tới rồi!”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, bước vào căn nhà nhỏ ở chân núi. Chủ nhà nhanh chóng biết được tình cảnh của tôi qua người lính. Niềm nở và chu đáo, tôi được đón nhận cũng ở một căn nhà xa lạ.

Thao thức mãi rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết. Cũng vì ngủ muộn nên tôi thức dậy trời đã sáng lâu rồi. Người lính cũng đã trở về đơn vị. Không một lời chào, thậm chí đến tên của người lính tôi cũng không biết (ngày đó tôi nhát và luôn e ngại nên không dám hỏi).

Hỏi đường, chào chủ nhà tôi đến Ty Giáo dục tỉnh Cao Bằng. Sau ít ngày nằm chờ tại ty giáo dục, tôi nhận quyết định về dạy học tại Trường cấp III Quảng Uyên, Quảng Hòa, Cao Bằng.

***

Hoàn thành nghĩa vụ bốn năm ở Cao Bằng, tôi về quê tiếp tục công việc dạy học. Từ cái ngày đầu tiên ấy đến bây giờ, 30 năm có lẻ đã trôi qua. Làm một giáo viên rồi được bổ nhiệm làm cấp phó của một ngôi trường, câu chuyện năm xưa ấy tôi đã không thể quên. Có những lúc chán nản vì cuộc sống bản thân không được như mong muốn, có những lúc gặp khó khăn, phức tạp trong công việc thì cái ngày xưa ấy trở về với tôi và trong lòng cảm thấy mềm đi, ấm lại!

Không phải là đồng nghiệp, không phải là người thân, không phải là bạn bè mà là một người hoàn toàn xa lạ, một người bất chợt gặp trong một cuộc hành trình. Tôi đã nhận được sự quan tâm từ một người như thế. Sự giúp đỡ thật bình dị, giản đơn nhưng lại vô cùng ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã không hỏi tên, địa chỉ, tôi đã không kịp nói lời chào, lời cám ơn. Người lính ấy đã tình cờ đến và lặng lẽ đi khỏi cuộc đời tôi, nhưng những gì tôi có ngày hôm nay cũng một phần từ hành trang vào đời đó.

Sắp được nhận cuốn sổ hưu tôi càng hay nhớ đến câu chuyện khởi đầu sự nghiệp đầy ắp tình người. Viết lại câu chuyện này tôi không hi vọng tìm lại người năm xưa (vì đó là điều không thể và có lẽ người lính ấy cũng đã quên ngay từ lúc đi khỏi ngôi nhà nghỉ nhờ), chỉ muốn được giãi bày một nỗi niềm và gửi một lời cám ơn chân thành trên trang giấy nhỏ (cái điều mà ngày xưa tôi chưa làm được).

Và có lẽ còn lý do thôi thúc tôi cầm bút là muốn cho từ trong sâu thẳm lòng mình được vơi nhẹ đi một sự tiếc nuối, một nỗi ân hận vì ngày ấy tôi đã không đi, thậm chí không hề nghĩ tới việc tìm lại ngôi nhà xa lạ và người lính không quen!

Lắng nghe cuộc sống xung quanh, ta sẽ thấy những gì mình nên làm và những gì mọi người làm. Đừng bỏ đi, đừng ngoảnh mặt, đừng toan tính, cho dù trước mắt ta là những điều bé nhỏ, bình thường nhất bởi đó chính là cuộc đời của một con người và có thể sẽ là cuộc sống của cả cộng đồng.

NGUYỄN THỊ TÍNH (nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/481226/Mot-ngay-cho-mot-doi.html

Thầy cô không phải là Thánh

Posted: 28 Mar 2012 06:09 AM PDT

- Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trịnh Bích Liên giảng viên Học viện Báo chí và
Tuyên truyền bình luận như vậy về hiện tượng một số giáo viên dùng những lời
mắng chửi thậm tệ, thậm chí xúc phạm học sinh trong giờ học.


Tiến sĩ Giáo dục học, Khoa tâm lý – Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) Vũ
Lệ Hoa: “Không phải lúc nào giáo viên cũng điều chỉnh được cảm xúc….”


 

Tiến sĩ Vũ Lệ Hoa: ” Không phải lúc nào giáo
viên cũng điều chỉnh được cảm xúc của mình do môi trường làm việc căng thẳng,
học trò lại đa dạng.”


Giáo viên là những người "lấy nhân cách để giáo dục nhân cách". Vì vậy,
nguyên tắc nghề nghiệp không cho phép người thầy dùng những lời lẽ nặng nề, làm
tổn thương đến tâm lý học sinh."

Tuy nhiên, hành động đó có thể hiểu được vì trong những trường hợp cụ thể,
không phải lúc nào giáo viên cũng điều chỉnh được cảm xúc của mình do môi trường
làm việc căng thẳng, học trò lại đa dạng. Cảm xúc cũng bị chi phối bởi các yếu
tố xã hội vì giáo dục không tách rời khỏi xã hội.

Thực tế, giáo viên thừa khả năng nhận thức rằng không nên làm điều đó với học
sinh. Nhưng trong những trạng thái, hoàn cảnh nhất định, họ cố tình bỏ qua
nguyên tắc, hành động theo bản năng.

Trong trường, các giáo viên đều được học các kỹ năng ứng xử, có cả một tín
chỉ chuyên về đào tạo cách ửng xử trong môi trường sư phạm cho sinh viên. Họ
được học rất chu đáo, bài bản nhưng khi ra ngoài xã hội, vẫn cần tiếp tục đào
tạo để hoàn thiện. Đôi khi trong lúc mất bình tĩnh, giáo viên chỉ nghĩ mắng chửi
học sinh để xả stress, cho nguôi giận nhưng chính điều đó lại gây tổn thương,
ảnh hưởng về tâm lý rất ghê gớm cho các em.

Vì vậy, bản thân mỗi giáo viên phải kiểm soát cảm xúc, cân bằng cuộc sống để
tránh rơi vào trạng thái ức chế tâm lý. Đối với học trò, cũng cần dạy cho các em
hiểu, và biết được quyền làm trung tâm trong trường học, quyền được đối xử công
bằng…vv. Giáo dục trong nhà trường cũng có nội quy, quyền lợi giống như xã hội
có các văn bản pháp luật, khế ước, thể chế phải chấp hành nhưng công dân vẫn
phải được hưởng những quyền lợi nhất định, và không phải học sinh nào đi học
cũng phải chịu sự đe nẹt của thầy cô.

Làm nghề giáo, không chỉ dạy chữ, giáo dục trí tuệ mà còn giáo dục nhân cách,
dạy học sinh cách ứng xử, đi lại, nói năng, ăn mặc…vv nên giáo viên cần có cách
cư xử đúng mực, văn hóa trong học đường để tạo những ảnh hưởng tích cực cho con
trẻ.

Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trịnh Bích Liên (giảng viên Học viện Báo chí và
Tuyên truyền):
“Thầy cô không phải ông Thánh, bà Thánh”


 

Tiến sĩ Trịnh Thị Bích Liên: “Không
một ai ủng hộ thái độ xử sự thiếu văn hóa đó của giáo viên”


Không một ai ủng hộ thái độ xử sự thiếu văn hóa đó của giáo viên. Tuy nhiên,
phải hiểu rằng, giáo viên đứng lớp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực,
nếu không đủ kỹ năng kiềm chế cảm xúc, điều tiết lời nói, hành vi của mình sẽ
không thể vượt qua những tình huống khó xử đó.

Hậu quả tức thời của việc giáo viên cư xử "lệch chuẩn"sẽ khiến chính những em
học sinh đó tổn thương. Các em lứa tuổi tiểu học sẽ rơi vào hai trạng thái, hoặc
là im lặng, sợ hãi, có dấu hiệu bất ổn về tâm lý, xa cách với giáo viên, hoặc là
sẽ diễn biến tâm lý theo chiều ngược lại, có những lời nói khiến giáo viên bực
tức, nóng giận hơn, hay phản ứng ngầm, chống đối theo kiểu bê tha học hành, tiêu
cực trong thái độ như: tiếp tục làm việc riêng, nói chuyện trong giờ, chểnh
mảng, không làm bài tập về nhà…

Với bậc học lớn hơn, các em sẽ phản ứng mạnh hơn bằng cách bỏ giờ đi chơi, vẽ
bậy hoặc chụp ảnh chính giáo viên đó để bày trò, hay nói cách khác là "chơi xỏ"
thầy cô.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nhìn nhận một chiều và đổ toàn bộ lỗi cho giáo
viên được. Giáo viên không phải là những ông Thánh, bà Thánh, họ cũng có lúc yếu
mềm, khi nóng giận, mất bình tĩnh và chịu vô vàn áp lực từ nhiều yếu tố xung
quanh. Vì thế, có những người đạt thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy,
khi chạm vào thực tế vẫn va vấp. thậm chí giáo viên đứng lớp hàng chục năm vẫn
gặp "tai nạn nghề nghiệp" như thường.

Giáo dục tri thức còn có giáo trình, sách vở biên soạn sẵn, nhưng giáo dục
đạo đức, nhân cách lại là những bài học luôn luôn mới trong cuộc sống.

Hiện nay, tại các trường sư phạm đã có những lớp học, khóa đào tạo về kỹ năng
ứng xử trong học đường cho giáo viên. Nhưng theo tôi đánh giá, các giáo viên trẻ
còn thiếu rất nhiều kỹ năng mềm để xử lý trong các trường hợp cụ thể. Ngoài việc
bản thân mỗi người cần trang bị kiến thức, cách hành xử cho mình, những động
thái từ phụ huynh cũng tác động rất lớn tới tâm tư, tình cảm của các em."

Thay vì lên án, chỉ trích, đổ lỗi cho giáo viên, phụ huynh cần bình tĩnh nhìn
nhận, đừng hằn sâu vết hằn đối với con trẻ. Bố mẹ nên chỉ ra cho con thấy mình
có lỗi gì trong chuyện này và trao đổi trực tiếp với giáo viên để tránh những
mâu thuẫn, rạn nứt trong tình cảm thầy trò từ những vấn đề nhạy cảm này.

Giáo viên tương lai nói gì?
"Những giáo viên có thái độ, hành vi như vậy thì thiếu văn hóa quá. Có thể
bản thân họ không thể kiềm chế cảm xúc nhưng mình nghĩ phần nhiều do thiếu các
kỹ năng sư phạm. Ngay như mình, tới tận năm cuối mới được dạy các kỹ năng ứng
xử, tâm lý học nhưng tất cả đều là lý thuyết chung chung, khi va chạm thực tế
khác nhiều lắm" – Linh Nga (sinh viên Khoa Tiếng Anh – ĐHQG Hà Nội) cho biết.

Thu Hiền (sinh viên CĐ Sư Phạm Hà Nội) khi gặp học sinh cá biệt, có thái
độ chống đối cô giáo thường nói rất nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng với thái độ nghiêm
túc. Chiêu này khá hiệu quả vì những em đó rất ưa "nói ngọt", hoặc khi thấy cô
nghiêm khắc trò sẽ dịu ngay, cũng không tạo thêm áp lực làm căng thẳng tiết học
nữa.

Hải Nam (sinh viên Khoa Vật Lý – ĐH Sư Phạm Hà Nội) lại có tuyệt chiêu dẹp
trật tự trong giờ bằng các bài kiểm tra. Khi thầy giảng trò chẳng chịu nghe,
nhắc ba lần không được Nam sẽ cho cả lớp làm bài kiểm tra 15 phút, lấy điểm vào
sổ. "Những lúc như thế, cả lớp đều im phăng phắc làm bài, mình cũng không bị ức
chế."

  • Thu Thảo (ghi)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/65795/thay-co-khong-phai-la-thanh.html

Nhiều hướng đi sau phổ thông

Posted: 28 Mar 2012 06:09 AM PDT

Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Hà Tiên (Kiên Giang):

Nhiều hướng đi sau phổ thông

TT – Sáng 25-3, lần đầu tiên chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đến với học trò miền biên giới phía nam của Tổ quốc: Trường THPT Hà Tiên (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang)..

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT phối hợp với Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức.

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn tư vấn cho học sinh – Ảnh: Trần Huỳnh

Những con phố của thị xã Hà Tiên trong buổi sáng chủ nhật cuối cùng của tháng 3-2012 trở nên nhộn nhịp khác thường với hàng ngàn học sinh nô nức đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp.

Trực tiếp đưa học sinh đến chương trình, sắp xếp chỗ ngồi cho từng học sinh, thầy Nguyễn Công Thắng – hiệu trưởng Trường THPT Thoại Ngọc Hầu (huyện Giang Thành) – tâm sự: "Không chỉ học sinh, có nhiều giáo viên cũng đi dự tư vấn. ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, cả thầy trò đều rất cần thông tin".

"Nhiều lối dẫn đến thành công"

Xuyên suốt chương trình, học trò thị xã Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Giang Thành… tỏ ra "biết mình biết ta" khi liên tục đưa ra những thắc mắc về không đủ sức thi ĐH, cũng có học sinh băn khoăn việc "gia đình muốn em vào ĐH nhưng năng lực của em khó vào được ĐH", phải làm sao?…

TS Lê Thị Thanh Mai – ĐHQG TP.HCM – tư vấn: "Vào ĐH là một ước mơ chính đáng. Tuy nhiên thực tế nhiều khi không như mình mong muốn. Có khi gia đình không đủ điều kiện lo cho em học ĐH và cũng có khi em không đủ sức thi ĐH mà gia đình cứ ép phải thi… Môi trường học ĐH hoàn toàn khác bậc THPT. Bậc ĐH định hướng cho em đến một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai. Do đó nếu vì lý do nào đó buộc phải học ngành mình không yêu thích thì kết quả sẽ không tốt hoặc sẽ chán nản và bỏ học".

Ngoài ra, TS Mai tư vấn thêm khi xác định không đủ năng lực để vào ĐH, thí sinh nên chọn bậc học thấp hơn như CĐ hay trung cấp, học nghề. "Hệ thống trường nghề chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học THPT hoặc THCS. Các em cũng có thể theo học chương trình vừa làm vừa học hoặc học theo hình thức đào tạo từ xa. Dù chúng ta chọn lối đi nào chăng nữa, các em đừng quên rằng việc học là suốt đời. Có như vậy mới có thể thành công" – TS Mai nói.

ThS Hồ Minh Triết, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật Kiên Giang, khẳng định: "Có muôn vàn lối đi phù hợp với năng lực, sở thích của bạn và lối nào cũng đi đến thành công nếu bạn chọn đúng hướng và nỗ lực hết mình".

Chọn hướng liên thông…

ThS Hồ Minh Triết tư vấn thêm: "Thực tế không phải ai cũng đủ sức đậu ĐH. Hiện tỉnh nào cũng có hệ thống trường CĐ, trung cấp với đủ ngành nghề trong xã hội cho học sinh lựa chọn. Do đó, các em hoàn toàn có thể chọn ngành mình yêu thích ở bậc CĐ, sau đó liên thông lên ĐH. Có hai loại liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề liên thông lên ĐH từ 3-3 năm rưỡi và từ CĐ lên ĐH 1 năm rưỡi".

ThS Trương Thị Trúc Loan – trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Nghề Kiên Giang – cũng cho rằng "khi các bạn không đủ khả năng vào ĐH thì còn nhiều lối khác để có tương lai xán lạn". Cô Loan nói: "Tại nhiều trường CĐ nghề, khi ra trường tỉ lệ có việc làm từ 90-100% với mức lương khởi điểm từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Nhiều xí nghiệp, công ty cũng đặt hàng cho nhiều trường về các ngành cơ khí, kỹ thuật, du lịch, kế toán, nông nghiệp… nhưng trường không đủ cung cấp. Đặc biệt, ngành cắt gọt kim loại hiện có việc làm 100%".

ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng – Trường ĐH Y dược TP.HCM – đưa ra lời khuyên nếu sức học ở mức trung bình, yếu thì các em không nên thi vào ĐH dược vì điểm chuẩn ngành này rất cao. Do đó các em có thể thi ĐH khối B để xét vào bậc CĐ ngành dược của Trường CĐ Y tế. Nếu vẫn không trúng tuyển, các em có thể sử dụng học bạ THPT để xét tuyển vào bậc trung cấp ngành dược của trường này…

"Theo thống kê, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp TCCN các ngành xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, gây mê hồi sức và vật lý trị liệu tại Trường ĐH Y dược TP.HCM có việc làm trên 70%. Nếu các em học bậc trung cấp những ngành này trở về địa phương thì đảm bảo sẽ có việc 100%" – ThS Hồng khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều học sinh quan tâm tới nhóm ngành y dược lại tỏ ra không yên tâm với việc học liên thông vì "không biết nếu học TCCN, CĐ dược có thể liên thông lên ĐH và chuyển sang bác sĩ?".

BS chuyên khoa II Thái Viết Tặng – phó hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Kiên Giang – cho hay: "Nếu muốn vào ĐH ngành dược, điểm đầu vào rất cao. Trong khi Trường CĐ Y tế Kiên Giang cũng tuyển sinh các ngành này (bậc CĐ các ngành điều dưỡng, dược và hộ sinh) có điểm chuẩn thấp hơn. Nhà trường không tổ chức thi tuyển nên muốn dự thi vào trường các em phải thi nhờ khối B ở một trường khác để xét tuyển vào trường. Bậc trung cấp trường có đào tạo các ngành dược, y sĩ và điều dưỡng nha, xét tuyển từ kết quả học THPT. Học xong trung cấp, CĐ có thể liên thông lên CĐ, ĐH. Tốt nghiệp y sĩ, liên thông lên bác sĩ sẽ mất bốn năm nữa".

NHÓM PV GIÁO DỤC

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/483999/Nhieu-huong-di-sau-pho-thong.html

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần bắt đầu từ đâu?

Posted: 28 Mar 2012 06:09 AM PDT

(GDTĐ) – Giáo dục kỹ năng sống đang là một động thái trong sự nghiệp giáo dục hiện nay. Vấn đề là phải bắt nguồn giáo dục từ đâu để các em có lòng tin, có phẩm chất đạo đức, có ý thức, hiểu sâu hơn về kỹ năng sống… 

Nhiều quan điểm cho rằng: thầy cô giáo dạy kỹ năng sống cho học sinh chỉ cần  lồng ghép vào các môn học trong các trường phổ thông là đủ, về nhà bố mẹ chỉ chú trọng nhắc nhở các em học văn hóa. Đây là quan niệm giáo dục sai lầm.

(ảnh MH: Internet)
(ảnh MH: Internet)

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phụ huynh hốt hoảng "tách" con cái ra khỏi môi trường thường nhật, đưa chúng vào một môi trường riêng biệt có tổ chức chặt chẽ, huấn luyện nghiêm khắc, những mong qua những lớp học kỹ năng sống; sau những "học kỳ quân đội" như vậy, chúng sẽ lớn khôn, trưởng thành và vững vàng hơn trước sóng gió cuộc đời… Có lẽ đây là sự ngộ nhận lớn nhất về giáo dục lớp trẻ, bởi giáo dục kỹ năng sống trước hết phải bắt đầu từ trong mỗi gia đình, từ vai trò, trách nhiệm của mỗi người làm cha mẹ, không gì có thể thay thế được.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cho đội viên, đoàn viên, phải được xem như là sự tiếp tục, bổ sung, nâng cao, mở rộng kết quả giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ từ trong mỗi gia đình. "Dạy con từ thuở còn thơ", "Học ăn học nói, học gói học mở"; học chịu thương chịu khó, học kính trên nhường dưới, học thưa gửi, học cảm ơn, xin lỗi; học lễ học nghĩa, học làm con làm cháu, học làm anh chị, làm em, học làm người…

Để dạy cho trẻ những bài học đó trước hết và tốt nhất là từ gia đình. Những bài học kinh nghiệm tuy xưa mà chẳng bao giờ cũ, không thể quên lãng, càng không nên xem thường và cho đó là lạc hậu, lỗi thời, để rồi chạy theo "mốt" cho con đi học kỹ năng sống.

Các bậc cha mẹ ngày nay nên tỉnh táo và trung thực nhìn vào chính gia đình mình, xem ở đó trẻ được giáo dục kỹ năng sống như thế nào, khi mà dường như trẻ không được yêu cầu làm việc gì, chỉ tập trung vào ăn và học, mọi việc còn lại cha mẹ làm thay, hoặc cần thì thuê người giúp việc, gọi dịch vụ…?

Sự giao tiếp ứng xử giữa cha mẹ và con cái – trường học giáo dục kỹ năng sống – thì ngày càng thưa vắng hoặc luôn vội vàng, giản lược, chỉ còn là sự trao đổi vắn tắt thông tin mà thiếu hụt sự chia sẻ, cảm thông.

Hơn thế nữa, cùng với việc ép con học chính, học phụ, học giỏi, đỗ cao, đạt nhiều "danh hiệu", là việc cha mẹ hạn chế, cách ly con cái tiếp xúc với bên ngoài, không được trải nghiệm cuộc sống, nhằm phòng ngừa tiêu cực, tai nạn rủi ro… đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ "lơ ngơ như gà công nghiệp" và càng thiếu kỹ năng sống. Rõ ràng đây không chỉ là những lệch lạc về giáo dục kỹ năng, mà trước hết là sự lệch lạc về giáo dục giá trị sống trong mỗi gia đình.

Sự nhân – quả là ở đó, vậy thì tại sao lại đi tìm giải pháp từ bên ngoài gia đình? Hãy bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh. Ngày nay, tuy cùng sống trong một mái nhà, đa số là đầy đủ tiện nghi, nhưng giữa cha mẹ và con cái lại đang thiếu đi rất nhiều cái "cùng nhau", như cùng ăn, cùng chơi, cùng trò chuyện, cùng đảm trách mọi công việc trong nhà để cùng cảm thông, chia sẻ niềm vui và những lo toan.

Ngay từ nhỏ trong phận làm con cũng cần phải được rèn tập thực thi trách nhiệm, cùng cha mẹ vun đắp cuộc sống gia đình. Kỹ năng sống của trẻ được hình thành từ đó, đâu có đợi đến mai sau. Càng không thể trông đợi vào phép màu của các lớp học kỹ năng sống, vào một "học kỳ quân đội"… mà các em chỉ tham gia trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Vì vậy, mỗi gia đình, mỗi tế bào xã hội cần nhận thức đúng đắn hơn nữa trong việc giáo dục để trẻ có một môi trường lành mạnh, tự tin vui tươi thoải mái… trong gia đình thì trẻ sẽ học tập và tiếp thu được nhiều điều tốt trong xã hội./.

Nguyễn Khắc Ân

(Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3064/201203/Giao-duc-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-can-bat-dau-tu-dau-1960267/

Kịch bản nào cho thi tốt nghiệp 2012?

Posted: 28 Mar 2012 06:08 AM PDT

- Việc giảm thời lượng học một số môn học được cho là “môn phụ” là trái với chủ
trương của Bộ. Nhà trường không được chỉ đạo, ép buộc học sinh mua tài liệu tham
khảo dưới bất kỳ hình thức nào….Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD trung
học (Bộ GD-ĐT) khẳng định với VietNamNet sáng 27/3.

TS Vũ Đình Chuẩn (Ảnh Lê Anh Dũng)

 

Không được ‘ăn bớt’ môn phụ

Ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, Bộ đã yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các
trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch của các Sở
GDĐT, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2011-2012 và hướng
dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ. Tuyệt đối không được cắt xén
chương trình đã qui định. Việc giảm thời lượng học một số môn học được cho là
“môn phụ” là trái với chủ trương của Bộ.

Bộ cũng lưu ý các nhà trường và giáo viên cần kết hợp hướng dẫn học sinh tự
học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp. Ngoài ra, các trường
THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và
cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học
sinh, có hiệu quả nhất, nhưng không quá tải…

- Thưa ông, hiện nay ở các trường THPT đang tăng cường chỉ đạo cho học
sinh ôn thi tốt nghiệp.Bộ GD-ĐT đã có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng học
tủ, học lệch luôn tồn tại trong một bộ phận học sinh?

Trong việc tổ chức dạy học, Bộ cũng đã chỉ đạo các nhà trường phải dạy học
đầy đủ tất cả các môn trong Chương trình giáo dục cấp THPT nhằm đảm bảo mục tiêu
giáo dục toàn diện. Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT của Bộ cũng
không có kẽ hở cho việc học tủ, học lệch.

Bên cạnh đó, trong việc tổ chức dạy học cũng như trong ôn tập chuẩn bị cho kỳ
thi tốt nghiệp THPT, Bộ luôn chỉ đạo các Sở GD-ĐT hướng dẫn giáo viên dạy học
theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Riêng với các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012, giáo viên cần phải hướng dẫn
học sinh ôn tập đầy đủ, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng
của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú
trọng việc giúp học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức. Nếu chọn cách học tủ,
học lệch thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh sẽ phụ thuộc rất nhiều
vào yếu tố may rủi. Điều này cũng tạo cho học sinh tâm lý lo lắng, không yên tâm
khi ôn tập cũng như làm bài thi…

Không ép học sinh mua sách tham khảo

- Ông có lưu ý gì đối với các Sở GD-ĐT, các trường THPT và giáo viên trong
việc ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh để tránh học lệnh, học tủ?

Để giúp HS có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, về phía các Sở GD-ĐT,
cần sớm triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi, trong đó chú trọng rút kinh
nghiệm công tác tổ chức ôn tập cho học sinh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước.
Đồng thời, chỉ đạo các trường THPT triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp
với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm tổ chức tốt việc ôn tập cho
HS lớp 12, nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Trong quá trình ôn tập, các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn
cần chú trọng khâu thu nhận thông tin phản hồi về những thuận lợi, khó khăn và
kết quả ôn tập của từng HS, từng lớp, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý trong việc
chỉ đạo và tổ chức ôn tập cho HS, nhằm nâng cao hiệu quả của việc ôn tập.

- Thực tế, nhiều học sinh và một số giáo viên chưa thực sự cảm thấy yên
tâm khi tiến hành ôn tập thi tốt nghiệp THPT chỉ dựa vào sách giáo khoa. Theo
ông, việc sử dụng sách tham khảo trong ôn thi tốt nghiệp THPT có cần thiết
không?

Như đã nói ở trên, trong quá trình dạy và học cũng như ôn tập, chủ trương chỉ
đạo của Bộ là giáo viên và học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương
trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Bên cạnh đó, Bộ không có giới hạn chương
trình ôn tập mà nói rõ, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012 dựa theo yêu
cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm
trong chương trình lớp 12.

Như vậy, khi học sinh đã học đầy đủ chương trình theo yêu cầu chuẩn kiến
thức, kỹ năng các môn học, thì theo tôi, tài liệu để ôn thi tốt nghiệp THPT tốt
nhất vẫn là sách giáo khoa, kết hợp sử dụng sách bài tập theo qui định của Bộ và
vở ghi của học sinh.

- Hiện nay trên thị trường có nhiều loại sách hướng dẫn ôn tập thi tốt
nghiệp THPT và theo chúng tôi được biết có nơi Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo
các trường học vận động học sinh mua. Ông có ý kiến gì về việc này?

Bộ GD-ĐT không chỉ đạo việc biên soạn, in và phát hành tài liệu ôn thi tốt
nghiệp lớp 12 THPT năm 2012 và không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lấy
danh nghĩa Bộ để làm việc này.

Học sinh muốn tham khảo thêm tài liệu nào để ôn thi tốt nghiệp hoàn toàn tùy
quyền lựa chọn của các em, nhà trường không được chỉ đạo, ép buộc học sinh mua
tài liệu tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu ở nơi nào chỉ đạo các trường
học vận động học sinh mua là trái với chỉ đạo của Bộ.

- Cảm ơn ông!

  • Duy Thịnh (thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/65907/kich-ban-nao-cho-thi-tot-nghiep-2012-.html

Ngành “nóng” bắt đầu ế?

Posted: 28 Mar 2012 06:06 AM PDT


 

Vài năm trước đây, ngành Kinh tế, Tài chính – ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh… là ngành "nóng" được thí sinh ưa chuộng do cơ hội việc làm lớn sau khi tốt nghiệp. Do vậy, nhiều trường ĐH, CĐ ồ ạt mở những ngành học này, số lượng trường đào tạo ngành này lên tới 248 trường trên tổng số 416 trường. Chỉ còn 76 trường ĐH và 92 trường CĐ không tuyển sinh các ngành trên là trường thuộc khối y, dược, năng khiếu – nghệ thuật và một số trường sư phạm. Theo đó, chỉ tiêu những ngành học này cũng tăng theo chiếm xấp xỉ 38%, chỉ còn 62% cho tất cả các ngành đào tạo khác.

Tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của thí sinh trong 3 năm qua (2009-2011) vào những ngành nói trên chiếm gần 41% tổng số hồ sơ. Do số lượng đào tạo lớn ngành này trong những năm vừa qua quá nhiều dẫn tới bắt đầu dư thừa và gây mất cân đối nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận rằng: "Về mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, đây là một thực tế khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh".

Theo lãnh đạo nhà trường, dự báo nguồn nhân lực ngành kinh tế thời gian tới sẽ bão hòa. Việc mở thêm ngành học mới này nhằm đáp ứng thực tế đào tạo của trường bởi trong xu thế hội nhập hiện tại thì khi theo đuổi các lĩnh vực kinh doanh, kinh tế đòi hỏi phải nắm vững về luật. Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ luật sư ở Việt Nam còn thấp so với mức trung bình của các nước trên thế giới, thêm vào đó, chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: "Bộ GD-ĐT đang phối kết hợp với các Bộ, ngành địa phương để tổng hợp quy hoạch nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó gắn việc đào tạo của các cơ sở giáo dục với nhu cầu của nền kinh tế, của xã hội về nguồn nhân lực. Chúng tôi sẽ thông báo thường xuyên về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, các cháu học sinh, sinh viên có điều kiện tham khảo, lựa chọn".

Giải pháp trước mắt về tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực trên, Bộ trưởng Luận cho hay: "Đối với sinh viên Sư phạm, tiếp tục được miễn học phí. Đối với các ngành nông lâm ngư nghiệp, chúng tôi có chính sách khuyến khích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được miễn thi đại học vào học những ngành gần với môn học mà học sinh đoạt giải. Học phí khối các trường và các ngành đào tạo về nông lâm ngư nghiệp hiện nay được chỉ đạo xây dựng với mức thấp nhất trong tất cả các ngành học. Trong chính sách tới đây, sẽ tiếp tục ban hành theo thẩm quyền của Bộ các chính sách ưu tiên, và chúng tôi sẽ chủ động đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các chính sách cả về tài chính, tổ chức tuyển dụng và các điều kiện làm việc để thu hút, cân đối lại nguồn này".

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-579182/nganh-nong-bat-dau-e.htm

Chưa thi tốt nghiệp, trò mong được 3 điểm môn Sử

Posted: 28 Mar 2012 06:06 AM PDT

- Lo lắng là tâm trạng chung của giáo viên và học sinh khi biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có môn Lịch sử. Nhiều em chỉ mong đạt điểm trung bình và đã tính học bài "tủ". Còn giáo viên thì chia sẻ một số mẹo cho trò ôn tập tốt.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

 

 

 

Giờ học môn Địa lý của học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội). (Ảnh: Văn Chung)

 

Chỉ cần điểm 3

Nguyễn Thị Kim Oanh, học sinh lớp 12 D2, Trường THPT Yên Lạc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết em và các bạn khá bất ngờ khi thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có 4 môn tự luận. "15 phút trước tiết học cuối buổi học chiều thứ sáu (23/3) khi biết 6 môn thi tốt nghiệp cả cô giáo và chúng em đều ngẩn ngơ, không tập trung vào bài được vì lo lắng" – chia sẻ của Kim Oanh.

Trước đó, em hi vọng trong các môn thi sẽ có môn Sinh hoặc Địa lý. Dẫu được cô trấn an thi tốt nghiệp câu hâu hỏi ngắn, dễ đạt điểm khá nhưng em và các bạn vẫn "run". Kim Oanh cho hay mình chỉ cần một kết quả trung bình "còn tất cả trông vào điểm 3 môn Toán, Văn, Anh để kéo tổng điểm lên".  

Dù lo nhưng hiện Nguyễn Hà Ly, lớp 12 B9, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang chờ cuốn hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử của NXB Giáo dục sau đó mới lên kế hoạch ôn tập. Theo Hà Ly: "Chắc phải gần thi học mới vào được". Cô bạn Khánh Chi cùng lớp thì thẳng thắn "em chỉ hi vọng điểm 3 môn này".

Nhiều học sinh khi được hỏi cũng đã tính đến chuyện học "tủ", làm phương án loại trừ các câu hỏi của những năm gần đây. Thậm chí có em đã nghĩ tới làm "phao" để nếu không mang được vào phòng thi cũng làm dự bị cho yên tâm hơn.

Cô bày "mẹo"

Một số giáo viên bộ môn Lịch sử khi được hỏi đều khẳng định không khó để học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên nếu chú ý lắng nghe bài giảng trên lớp, nắm được một số kỹ năng và phương pháp khi làm bài cộng với tâm huyết của người dạy.

Cô Đỗ Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Vào phòng thi các em cần đọc kỹ câu hỏi, xác định nội dung trình bày và dàn bài. Nguyên tắc của môn này là không được đảo lộn các sự kiện, mốc thời gian. Nếu không nhớ em hãy để trống. Bài làm môn Lịch sử không cần dài nhưng phải đúng và đủ ý.

Với các sự kiện không nhớ ngày tháng năm em có thể chỉ cần ghi tháng, năm hoặc năm. Kết quả, các con số của từng sự kiện có thể chỉ cần ghi trong khoảng (hàng ngàn, trăm ngàn hoặc hơn 1/2, gần như toàn bộ). Giáo viên khi chấm có thể vẫn cho các em toàn bộ số điểm của câu hỏi.

Cô Ngô Thị Hiền Thúy, trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm bổ sung "Cần nhất là học sinh phải nắm được bản chất của từng sự kiện, ví dụ chiến đấu chống chiến tranh cục bộ thắng lợi của ta trên mặt trận quân sự là quan trọng nhất…”

Một số cách giúp học sinh nhớ được các con số hoặc mốc thời gian diễn ra sự kiện được cô Thúy chia sẻ như: trong CMT8 chỉ cần nhớ mốc Việt Nam giành độc lập là 2/9, ở Lào sau đó là 1 tháng 10 ngày; Ngày ký hiệp định Paris là 27/1 và Giơ-ne-vơ 21/7 …

Riêng mảng miền Nam (quan trọng) phải chiến đấu chống 4 chiến dịch phá hoại lớn của Mỹ. Học sinh cần nắm được chiến lược đó được tiến hành như thế nào, khái niệm của từng chiến dịch.” – lời cô Thúy.

Trường lên kế hoạch ôn thi

Theo cô Bùi Thị Minh Nga, Hiệu phó Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) việc có tới 4 môn học thuộc lòng sẽ khiến học sinh khá vất vả. Thông tin từ hiệu phó Nga cho biết: "Những năm trước điểm thi tốt nghiệp môn Lịch sử, học sinh của trường chỉ đạt điểm trung bình, ít điểm khá".

Dù không tăng tiết nhưng Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm sẽ hỗ trợ học sinh nếu các môn khác đã hoàn thành chương trình học sớm hơn. Cụ thể, một tuần trường có thể có thêm 1 tiết cho mỗi môn Lịch sử, Địa lý và Hóa học.

Tình hình ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) có khác hơn một chút. Theo hiệu phó Hà Thị Phương Lan: "Môn chúng tôi lo các em điểm thấp là Địa lý vì câu hỏi dàn trải, ý vụn vặt. Điểm môn Lịch sử của học sinh cũng ngang bằng so với các môn khác".

  • Văn Chung


 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/65813/chua-thi-tot-nghiep--tro-mong-duoc-3-diem-mon-su.html

Đại học châu Á lên ngôi, không có ĐH Việt

Posted: 28 Mar 2012 06:06 AM PDT

Mặc dù ĐH châu Á lên ngôi trong top 100 nhưng không có ĐH nào của Việt Nam có mặt trong danh sách này.

 

ĐH châu Á duy nhất (ĐH Tokyo) lọt vào top 10 trường ĐH hàng đầu thế giới.

 

Hàng năm, tạp chí Times Higher Education của nước Anh xếp hạng các trường ĐH trên thế giới dựa trên chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Vừa qua, tạp chí này công bố bảng xếp hạng các trường ĐH danh tiếng trên thế giới năm 2012. Bản báo cáo có nêu: "Phương Tây mất điểm trước phương Đông về chỉ số toàn cầu về uy tín học thuật".

Những trường ĐH thuộc hàng tinh hoa của thế giới mà tạp chí này gọi là "nhóm 6 siêu đại học" gồm các ĐH: Harvard, MIT (Massachusetts Institution of Technology), Cambridge, Stanford, University of California, Berkeley và Oxford.

Trong danh sách các trường ĐH hàng đầu thế giới, nước Mỹ có tới 44 ĐH trong top 100 trường ĐH hàng đầu, chiếm thế thượng phong.

Nhật Bản là nước châu Á duy nhất có ĐH nằm trong top 20, đó là ĐH Tokyo xếp thứ 8 và ĐH Kyoto xếp thứ 20.

Phil Baty, biên tập viên của tạp chí Times Higher Education cho biết sự thành công của Nhật Bản rất ấn tượng và dựa trên hàng thập kỷ phát triển sau chiến tranh.

 "Danh tiếng của ĐH Nhật Bản là không thể phủ nhận", Masako Egawa, Hiệu phó của ĐH Tokyo cho biết. "ĐH Tokyo được xây dựng nên từ truyền thống lâu đời của tinh hoa chính trị, công nghiệp, khoa học và văn hóa."

Sự lên ngôi của ĐH châu Á còn thấy ở sự di chuyển vị trí từ 23 lên 27 của ĐH quốc gia  Singapore, ĐH Thanh Hoa của Trung Quốc từ vị trí 35 lên 30. ĐH Bắc Kinh từ hạng 43 lên 38, ĐH Hong Kong từ 42 lên 39.

Phil Baty cũng cho biết: Mọi người ngạc nhiên về sự lên ngôi của ĐH châu Á cũng như về khoản đầu tư của chính phủ cho ĐH của họ. Điều này trái ngược với các cuộc biểu tình về tăng học phí ở Westminster, hay nhiều cuộc biểu tình chống tăng học phí ở London.

Tan Chorh Chuan, Giám đốc ĐH quốc gia Singapore cho biết: Nỗ lực đổi mới giáo dục của chúng tôi là cung cấp giáo dục có chất lượng hàng đầu, trao đổi sinh viên toàn cầu và cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên, cũng như có nghiên cứu xuất sắc.

Đáng chú ý là Trung Quốc có nhiều ĐH lọt top 100 hơn các nước như Brazil, Ấn Độ và Nga.  Brazil chỉ có một ĐH là São Paulo đứng thứ 70/100, Nga và Ấn Độ không có ĐH nào lọt top 100.

Mặc dù ĐH châu Á lên ngôi trong top 100 nhưng không có ĐH nào của Việt Nam có mặt trong danh sách này.

Hương Giang ( Theo New York Time)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/65821/dai-hoc-chau-a-len-ngoi--khong-co-dh-viet.html

Xác định trọng tâm, lộ trình phù hợp trong “xây dựng THTT, HSTC”

Posted: 28 Mar 2012 06:06 AM PDT

(GDTĐ) – Ngày 26/3, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu đã kiểm tra việc thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" tại tỉnh Bình Định. Đợt kiểm tra lần này nhằm đánh giá kết quả và ghi nhận thành tích đã đạt được ở địa phương chuẩn bị cho tổng kết Phong trào thi đua giai đoạn 2008- 2013.

h
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế tại trường học

Có thể nói, qua gần 4 năm thực hiện, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, Phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC đã nhận được sự đồng thuận của xã hội, phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu.

Đó là mức độ biểu hiện thân thiện trong các mối quan hệ giữa HS – HS, HS – GV, nhà trường – gia đình, nhà trường – địa phương, các ngành. Tính tích cực của HS được biểu hiện ở nhiều điểm như trường học vui hơn, chủ động hơn trong học tập, có điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn, mối quạn hệ thầy cô, bạn bè thân thiện hơn, học sinh tích cực đến trường hơn, biết trân trọng, giữ gìn "Trường học của mình" hơn và siêng năng học tập hơn. Đặc biệt là những tác động lớn của phong trào trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế… tại địa phương.

Đoàn công tác kiểm tra tại trường tiểu học Lý Thường Kiệt, TP. Quy Nhơn
Đoàn công tác kiểm tra tại trường tiểu học Lý Thường Kiệt, TP. Quy Nhơn, ảnh: Xuân Nguyên

Từ khi thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" tại Bình Định, mạng lưới trường lớp ngày càng khang trang sạch đẹp và có sức thu hút HS đến trường. Đến năm 2011, tỉnh Bình Định đã có 89/148 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia.

Phong trào cũng góp phần thúc đẩy việc sử dụng CNTT để đổi mới PPDH của GV và học tập của HS; 100% GV các trường THCS, THPT đã thực hiện các yêu cầu đổi mới trong kiểm tra đánh giá đã được tập huấn; 100% các phòng GDĐT và các trường THPT đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ cấp trường và tham gia Hội thi văn nghệ toàn nghành với nhiều tiết mục công phu, đặc sắc đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong dư luận xã hội…

Sau quá trình kiểm tra phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" tại Bình Định, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá cao một số kết quả mà Bình Định đạt được. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng gợi ý một số vấn đề để việc thực hiện triển khai đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tiếp theo. Theo đó, cách triển khai phong trào tại các nhà trường khá toàn diện nhưng cần đặt ra vấn đề nào trọng tâm, vấn đề nào phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể, vấn đề nào làm trước, làm sau…  để việc thực hiện được sâu sắc và toàn diện hơn.

h
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: cách triển khai phong trào cần đặt ra vấn đề nào trọng tâm, vấn đề nào phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể, ảnh: Xuân Nguyên

Cần tập huấn cho giáo viên về GD kỹ năng sống (GDKNS) để khi GV lồng ghép vào những bài học, bài giảng được linh động, mềm mại không gò bó, cứng nhắc, đồng thời qua đó cũng giúp GV tự tin hơn trong giảng dạy, không quá nặng nề trong tư duy và cách nhìn nhận về GDKNS.  Đặc biệt, bên cạnh việc chú ý tới tư vấn hướng nghiệp cho HS cũng cần xây dựng những tổ, nhóm GV tư vấn tâm lý kỹ năng sống cho HS. Làm sao để GV hiểu được HS, để HS mỗi khi có vấn đề thắc mắc có thể tin tưởng và gọi điện trực tiếp tới thầy, cô giáo xin tư vấn.

Việc lồng ghép GDKNS cũng cần mở rộng cho phù hợp. Cụ thể Bình Định là nơi thường có thiên tai nên cần thiết đưa nội dung phòng chống thiên tai vào nhà trường để  khi xảy ra thì HS đã có những kỹ năng nhất định để ứng phó – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhắc nhở.

Thứ trưởng cũng lưu ý, Bình Định là nơi có nhiều di sản nhưng việc GD vẫn chỉ dừng ở phần chăm sóc còn việc GD phát huy di sản chưa nhiều. Các trường có thể cho HS học tập và có kế hoạch tìm hiểu học tập về di sản trước khi đến tham quan, hay tổ chức các hoạt động chăm sóc.

PV

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201203/Trien-khai-xay-dung-THTT-HSTC-co-trong-tam-lo-trinh-phu-hop-1960236/

Comments