Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đề thi không có phần kiến thức giảm tải

Posted: 26 Mar 2012 02:26 AM PDT

Thi tốt nghiệp 2012:

Đề thi không có phần kiến thức giảm tải

TT – Những thắc mắc nóng nhất của học sinh trong mùa thi tốt nghiệp 2012 được giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ tổ chức trên website tuoitre.vn ngày 25-3.

Để ôn thi tốt nghiệp hiệu quả

* Ôn thi tốt nghiệp 2012 sao cho hiệu quả? Những phần kiến thức đã được giảm tải có ra trong đề thi tốt nghiệp năm nay?

- Ông Nguyễn Duy Kha (trưởng phòng khảo thí – Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT): Để ôn thi có hiệu quả, cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho từng môn. Trong đó, phải xây dựng đề cương ôn tập, xác định rõ các tài liệu tham khảo cơ bản, phân định thời gian hợp lý cho từng dung lượng kiến thức. Điều quan trọng vào thời điểm này là phải ý thức rõ lượng kiến thức và kỹ năng còn khiếm khuyết để bổ sung và tập trung ôn tập dứt điểm.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Những kiến thức đã được giảm tải và chuyển thành đọc thêm không có trong nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm nay.

* Làm cách nào ôn thi môn văn hiệu quả?

- Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội): Muốn ôn thi môn văn hiệu quả phải đảm bảo vừa ôn khái quát hệ thống tác phẩm, trong từng tác phẩm phải nhớ được những nội dung chính nhất, hệ thống nhân vật… Ngoài ra còn phải biết hành văn lưu loát, lập luận sắc sảo, có sáng tạo.

Trong trường hợp học sinh không thể bao quát hết kiến thức của tác phẩm thì cũng phải nắm được kiến thức giai đoạn, kiến thức thể loại để tránh lẫn lộn. Em vẫn có thể đạt điểm 5 hoặc hơn thế nếu biết cách viết văn và nắm chắc 2/3 số tác phẩm. Đừng nghĩ môn văn là học thuộc, sẽ rất ngại. Em hãy đọc lại các tác phẩm xem mình hiểu được bao nhiêu. Nhớ được các nhân vật chính, hiểu về họ trên những nét cơ bản và nhớ được hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng cũng như nội dung của các bài thơ. Môn văn không yêu cầu chính xác từng chữ, hãy nuôi cảm xúc cho mình thì sẽ không ngại học.

* Phương pháp học ôn lịch sử như thế nào có hiệu quả? Làm thế nào để chúng em có thể nhớ hiệu quả các con số đó trong bài học môn này?

- Cô Nguyễn Ái Hằng (tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM): Nên học theo thứ tự từng bài vì các bài này đã được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Bài nào quan trọng học kỹ, nắm kỹ. Bài ít quan trọng thì các em nên nắm những ý chính, không nên học bài dễ trước.

Các em cần lập kế hoạch ôn tập, cụ thể là chia thời gian ôn tập thành nhiều vòng (ít nhất là ba vòng ôn). Học lịch sử cũng như học toán, lý, các em phải vừa học vừa viết hoặc vẽ, lập sơ đồ. Để nhớ sườn bài, các em phải lập dàn ý chính từng bài rồi học sườn bài ấy. Về phương pháp riêng học một bài sử, trước hết các em cần đọc qua một lần để nắm kiến thức cơ bản. Bước tiếp theo phải xác định mốc thời gian trong bài học. Sau đó học từng phần, từng đề mục. Sau khi học hết các đề mục trong bài, các em mới học lại toàn bài. Các em cần đọc lại bài ít nhất 3-5 lần để khắc sâu kiến thức.

PHÚC ĐIỀN – VĨNH HÀ lược ghi

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/483998/De-thi-khong-co-phan-kien-thuc-giam-tai.html

Thi tốt nghiệp năm 2012: Người mừng, người lo

Posted: 26 Mar 2012 02:26 AM PDT

HS thành phố: Chạy đua với môn Lịch sử


HS thành phố phải chạy đua với thời gian để ôn tập môn Địa và Sử.

Nói là vậy nhưng trên thực tế, hầu hết HS thành phố đều nhắm vào mục tiêu "thi đỗ ĐH" nên từ học kỳ II đến giờ chủ yếu tăng tiết ôn tập 3 môn chắc chắn sẽ có trong kì thi tốt nghiệp THPT (Toán, Ngoại Ngữ và Văn học), 3 môn còn lại thì đợi Bộ GD-ĐT công bố thì mới bắt tay vào "chạy đua".

TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ: "Quan điểm của các trường là yêu cầu HS không được học lệch, học tủ. Việc Bộ GD-ĐT chọn Địa và Sử trong kì thi năm nay không khiến nhiều HS bất ngờ. Tuy nhiên để đảm bảo cho việc ôn tập tốt thì trong tuần tới trường sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành chương trình chính khóa. Sau đó sẽ cho HS ôn tập hai môn học này".

Cũng theo TS Lâm, với môn Địa Lý thì khâu ôn tập sẽ nhanh hơn bởi các em được phép sử dụng bảng Atlat. Thầy cô chỉ cần hướng dẫn các em rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat tốt thì việc kiếm điểm trung bình không quá khó.

Nếu để ý xu hướng chọn ngành những mùa tuyển sinh gần đến cho thấy, phần lớn thí sinh đều chọn các ngành thi khối A, B. Đối với khối C thì tỷ lệ chiếm ở một phần hết sức khiêm tốn. Qua đó cho thấy HS ngày nay, đặc biệt ở các thành phố chú trọng vào các môn tự nhiên nhiều hơn xã hội. Đây cũng vấn đề mà nhiều thầy cô dạy ở các trường THPT thành thị lo lắng ở kì thi năm nay. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều thầy cô ở Hà Nội, Hải Phòng…, nếu chịu khó thì những HS học lệch vẫn còn đủ thời gian để bổ sung kiến thức để có thể đạt điểm tối thiểu ở mức trung bình.

"Bản thân em và không ít bạn dùng phương pháp loại trừ để loại trừ những môn không thi. Chính vì thế nên khi nghe tin thi hai môn Địa và Sử ai cũng bất ngờ bởi đây là những môn mà gần đây liên tục thi. Tuy nhiên với thời gian còn hơn hai tháng đủ vẫn kịp để bọn em ôn tập, quan trọng là đầu tư môn Lịch sử bởi môn này mà không học thì chắc chắn là cắn bút!" - em Hoàng Văn Hưng, HS lớp 12 một trường THPT ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ.

HS vùng cao: Không ngại môn xã hội

Khi được hỏi có bất ngờ về việc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay xuất hiện nhiều môn thi xã hội, ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên chia sẻ: "Việc thi môn nào đối với HS Điện Biên giờ đây không quan trọng bởi các trường đều định hướng các em học đều các môn".

Cùng chung quan điểm này, ông Hoàng Đức Minh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu bày tỏ sự hoan hỉ: "Việc xuất hiện nhiều môn thi xã hội sẽ khiến cho nhiều HS vùng cao phấn khởi hơn, bởi các em chỉ cần chịu khó học thì không khó để đỗ tốt nghiệp. Nếu có nhiều môn tự nhiên thì các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi các môn này mà không biết thì không thể làm được bài".

Sở dĩ nhiều địa phương vùng cao, vùng khó giờ đây không còn phải lo lắng với kì thi tốt nghiệp THPT bởi nhiều trường THPT vùng cao tổ chức ôn tập và phụ đạo HS yếu kém ngay từ đầu năm. Quan trọng hơn là tâm lý nhiều em xác định đích đến đầu tiên là kì thi tốt nghiệp THPT sau đó mới tính đến kì thi ĐH, CĐ.

"Ngay từ đầu năm học, Lai Châu đã tổ chức ôn tập cả 8 môn học, trong đó chú trọng đến việc phân loại HS để đảm bảo phát huy được môn thế mạnh và cố gắng đạt điểm ở mức vừa phải đối với môn khó có khả năng. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi thì loại bớt hai tiếp tục phân loại một lần nữa để tổ chức ôn tập chuyên sâu thêm" - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu tiết lộ.

Về phía các trường THPT, cần chỉ đạo các tổ chuyên môn, GV dạy môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập; biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp; có hướng dẫn, gợi ý trả lời. Bên cạnh việc ôn tập trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình, SGK theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ, nhà trường và GV cần tổ chức tốt việc ôn tập cho HS theo từng chủ đề: nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các chương, bài khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12: nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập.

Bên cạnh đó, GV bộ môn cần chú trọng hướng dẫn HS biết cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi; chuẩn bị cho các em tâm lý tự tin trước khi bước vào kỳ thi.

"Một vấn đề cũng rất quan trọng là các nhà trường, GV chủ nhiệm, GV bộ môn cần hết sức chú trọng khâu thu nhận thông tin phản hồi về những thuận lợi, khó khăn và kết quả ôn tập của từng HS, từng lớp, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý trong việc chỉ đạo và tổ chức ôn tập cho HS, nhằm nâng cao hiệu quả của việc ôn tập" - ông Chuẩn nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-578861/thi-tot-nghiep-nam-2012-nguoi-mung-nguoi-lo.htm

Để ôn thi tốt nghiệp hiệu quả

Posted: 26 Mar 2012 02:26 AM PDT

 

* Đề thi tiếng Anh có yêu cầu cả bốn kỹ năng nghe – nói –  đọc – viết không? Nếu có, phần đề môn nghe, đọc sẽ có dạng như thế nào? Em ở tỉnh, không được học thêm Anh văn, không được giao tiếp, cũng không có băng đĩa gì để nghe. Bài học ở lớp thì khó và khô khan nữa. Nhiều bạn em cũng nghĩ vậy.

Em lo lắng, đối với tụi em môn Anh văn được 5 điểm là mừng lắm. Xin cô hướng dẫn cách học để tụi em có thể đạt điểm trung bình (có thể chỉ tập trung vào những phần nào dễ nhất thôi). Cảm ơn cô (Nguyễn Thị Trúc Đào, daotrucnguyenthi099@…)

Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: MINH ĐỨC

- Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM:

Đề thi tiếng Anh có 50 câu trắc nghiệm, như vậy sẽ không có kiểm tra kỹ năng nghe nói, để có được điểm trung bình các em cần nắm vững các kiến thức cơ bản của môn tiếng Anh đã được học trong 3 năm cấp 3. Cụ thể như cách sử dụng các thì, sự phối hợp các thì trong câu, cách sử dụng từ trong 1 câu cho chính xác (các em cần phân biệt danh từ, tính từ, trạng từ…). Về thì các em cần nắm các thì chính thường được sử dụng như Simple present, present continuous, simple past, present perfect, simple furture, past continuous.

Các em cũng cần biết sử dụng các liên từ để phối hợp các thì trong câu cho chính xác. Khi xác định thì các em cũng cần phải phân biệt số ít, số nhiều, active hoặc passive voice. Khi làm phần đọc hiểu đoạn văn, các em không nên chọn đáp án ngay lần đọc đầu tiên. Cần đọc đi đọc lại đoạn văn ít nhất là 2 lần, vì đôi khi chính những câu sau trong đoạn văn sẽ gợi ý đáp án cho câu trước. Em cũng cần tham khảo câu trả lời của cô về phần phát âm và dấu nhấn để có thể có được điểm 5 trong bài thi tiếng Anh. Chúc em thành công.

* Các thầy cô cho em hỏi cấu trúc đề tốt nghiệp tiếng Anh gồm những phần nào? Phần nhấn âm và phát âm có những từ có trong SGK phải không ạ?(Thanh Phương, 18 tuổi, babylovevas@…)

- Cô Trần Thị Liễu: Cấu trúc đề thi tiếng Anh gồm có 3 câu phát âm, 3 câu dấu nhấn, 1 đoạn văn đọc hiểu (4 câu hỏi), một đoạn văn điền từ (6 từ), các câu còn lại bao gồm những điểm ngữ pháp đã học trong chương trình, cụ thể như tenses, passive voice, relative clauses…. Phần ngữ nghĩa (trong 1 câu có 1 từ gạch dưới, học sinh chọn từ đồng nghĩa), phần viết lại câu (đã cho sẵn 4 gợi ý thí sinh chọn), phần speaking (từ 3 đến 4 câu), tất cả các câu hỏi đều là dạng trắc nghiệm (50 câu).

Phần nhấn âm vá phát âm chắc chắn cũng sẽ tương tự như những gì các em được học, được kiểm tra trong lớp, còn từ nào thì do người ra đề thi quyết định, giáo viên không thể biết được.

* Năm nay thi tốt nghiệp có những môn khá khó cho học sinh như lịch sử, hóa học. Xin hỏi đề thi ở mức nào, học sinh trung binh yếu có cơ hội đậu không? (Nguyễn Văn Hoành, 18 tuổi, doidaogian.cantinh@…)

- Thầy Nguyễn Duy Kha:  Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành quy định rõ nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bao quát được nội dung dạy học, đáp ứng yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng,  phù hợp về thời gian quy định cho từng môn thi và đảm bảo cho học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Nếu chăm chỉ, cố gắng đều có thể đạt kết quả tốt nghiệp.

* Ôn tập môn Văn cần lưu ý những nội dung gì ạ? (ngyen thanh tam, 18 tuổi, thuy_linh-kute@…)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Câu hỏi của em là toàn bộ hai cuốn sách tập I và II môn ngữ văn lớp 12. Tuy nhiên, cô có thể trả lời ngắn gọn là em phải nắm vững cấu trúc của đề: một là câu tái hiện kiến thức (2 điểm), hai là câu nghị luận xã hội (3 điểm), và câu thứ ba là nghị luận văn học (5 điểm). Thế cũng có nghĩa là em phải ôn học thuộc lòng khá nhiều, nhưng nếu nắm chắc trong quá trình học những ý chính thì việc được 5 điểm không khó.

Cụ thể em nên hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập bảng các bài học. Ví dụ: chia theo thơ gồm có các bài thơ nào theo thứ tự chương trình và văn là những bài nào. Sau đó rà soát lần lượt ôn theo trình tự nhất định, tránh nhảy cóc rồi quay lại sẽ lẫn lộn.

* Em xin hỏi cô Liễu, theo cô thấy bài làm môn tiếng Anh thường mất điểm ở phần nào? Làm sao tránh ạ? Cần lưu ý những gì để học và làm bài thi tiếng Anh tốt?

- Cô Trần Thị Liễu: Thường khi làm bài phần đọc hiểu các em hay hấp tấp chọn ngay đáp án khi mới đọc qua, trong khi đó trong 4 sự chọn lựa thường có 1 trả lời gần đúng với đáp án, do đó nếu không đọc và chọn lựa kỹ các em dễ mất điểm ở phần này.

Trong phần ngữ pháp những câu áp dụng về thì, các em cần phải chú ý kỹ đây là câu chủ động hay bị động, số ít hay số nhiều. Khi làm bài trắc nghiệm các em nên bôi đen từng câu trả lời một, không nên chờ đến cuối mới đánh vào bảng trả lời các câu hỏi, vì như thế các em có thể bị nhầm lẫn một câu, sẽ kéo theo nhiều câu bị sai.

Trong quá trình làm bài nếu có câu hỏi nào chưa có đáp án các em nên đánh dấu trong đề thi câu hỏi đó để sau khi làm xong những câu dễ các em sẽ trở lại làm những câu này và điều này cũng giúp cho các em tránh được việc đánh nhầm đáp án cho câu hỏi. Chúc em làm tốt bài thi.

* Phương pháp học ôn lịch sử như thế nào có hiệu quả ạ? Em cảm ơn (Nguyễn Việt Hải, 17 tuổi, blueweasley@…)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Trước hết em hãy nắm kỹ chương trình, phần nào giảm tải, phần nào đọc thêm. Thứ hai, các em cần lập kế hoạch ôn tập, cụ thể là chia thời gian ôn tập thành nhiều vòng (ít nhất là 3 vòng ôn).

Thứ ba, học lịch sử cũng như học Toán, Lý, các em phải vừa học, vừa viết, hoặc vẽ, lập sơ đồ. Ví dụ như học về các chiến dịch lịch sử.

Đó là phương pháp chung, còn phương pháp học một bài sử thì trước hết các em cần đọc qua một lần để nắm kiến thức cơ bản. Bước tiếp theo, phải xác định mốc thời gian trong bài học. Sau đó, học từng phần, từng đề mục. Sau khi học hết các đề mục trong bài thì các em mới học lại toàn bài. Các em cần đọc lại bài ít nhất 3-5 lần để khắc sâu kiến thức.

* Đề hóa học (chương trình cơ bản) có những phần đã được giảm tải không? Mong quý thầy cô cho em biết (Ngô Trần Nhật, 18 tuổi, nhat_thien1993@…)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có nội dung nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và phù hợp với nội dung đã được điều chỉnh trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học bậc trung học của Bộ GD-ĐT.

Như vậy, những phần đã được giảm tải như em hỏi, không có trong nội dung đề thi.

* Làm thế nào để em có thể hệ thống hóa kiến thức một cách đầy đủ nhất chương trình Địa lí 12 (Trần Trung Kiên, 18 tuổi, thusinh_1994@…)

- Cô Vũ Thị Bắc: Để hệ thống hóa kiến thức một cách đầy đủ nhất chương trình địa lý lớp 12, em có thể làm theo các cách sau:

- Đọc lại bài, tìm các từ khóa trong bài sau đó diễn đạt lại theo cách của mình, có thể dùng các kí hiệu, hình vẽ tùy theo ý mình.

- Sử dụng sơ đồ hình cây để hệ thống lại kiến thức nên đi từ khái quát đến cụ thể (không nên đi từ chi tiết đến khái quát). Ở đây các em có thể sử dụng sơ đồ tư duy cũng được, miễn làm sao cho dễ nhớ, dễ học là được.

- Nội dung chương trình lớp 12 được chia ra chủ yếu làm 4 phần là :

+ Các nguồn lực để phát triển kinh tế

+ Dân cư và nguồn lao động

+ Các ngành kinh tế

+ Các vùng kinh tế

Em cần nắm rõ các nguồn lực từ đó phân tích sự ảnh hưởng của nguồn lực đến sự phát triển kinh tế ngành và sự phát triển kinh tế vùng, nhớ là không nên học máy móc mà cần phải hiểu và nắm rõ vấn đề bởi các nội dung trong môn địa lý lớp 12 có mối quan hệ với nhau, nếu nắm được từng phần em sẽ học được các phần khác rất nhanh. Chúc em ôn thi tốt môn địa lý lớp 12.

* Cho em hỏi phương pháp ôn tập và thi đạt kết quả tốt môn Ngữ văn cả ôn thi tốt nghiệp và đại học.  Môn Văn thì nhiều dẫn chứng và có những phần giáo viên lướt qua hoặc không dạy ( như những nhân vật phụ). Vậy khi ôn thi, em có nên bỏ qua những phần đó hay không? Những phần Bộ giảm tải thì đề đại học có ra không? (Phạm Đình Bảo, 18 tuổi, pham_daithieugia@…)

Cô Nguyễn Kim Anh (áo khoác), giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh

- Cô Nguyễn Kim Anh: Thứ nhất, yêu cầu của hai kỳ thi khác nhau nên không thể một công đôi việc hoàn toàn, song nếu ôn tốt cho kỳ thi tốt nghiệp thì việc ôn thi đại học sẽ nhàn hơn rất nhiều. Nếu ôn tốt nghiệp là những nhân vật chính thì ở ôn thi đại học sẽ bổ sung cả những nhân vật phụ và những chi tiết nghệ thuật đặc tả trong tác phẩm sẽ được bình sâu ở kỳ thi đại học.

Thứ hai, cần có cách để nhớ dẫn chứng. Đó không hoàn toàn là học thuộc lòng những đoạn văn dài nhưng các em buộc phải nhớ những câu hoặc cụm từ tiêu biểu. Ví dụ: khi nói về vẻ đẹp của cô Mị, tác giả chỉ nói gián tiếp “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Câu này phải nhớ. Song mẹo nhớ là nên đi cùng với hình ảnh trong hình dung thì bài sẽ đọng hơn. Tuy nhiên, có lúc ngồi làm bài, nếu không biết mình nhớ có chính xác không, thì không nên đưa vào ngoặc kép. Như trường hợp trên, có học sinh viết là “đầu giường Mị” - gây hiểu nhầm - hay lỗi nhẹ hơn là “đầu phòng Mị” thì vẫn phải bỏ dấu ngoặc kép. Khi đó là văn của người viết bài, sẽ đỡ lo bị trừ điểm.

Những phần Bộ giảm tải, chắc chắn sẽ không có trong một câu hỏi chính thức của đề thi tốt nghiệp cũng như đại học. Nhưng môn Văn không thể bỏ qua kỹ năng liên tưởng, liên hệ. Nếu học sinh có được kiến thức từ những bài đã được giảm tải, chắc chắn sẽ thuyết phục giám khảo hơn nhiều. Bài văn sẽ phong phú và cho thấy người học chịu khó rộng mở, thu nhận kiến thức. Người học đối phó không thể có bài viết như vậy. Tôi đã từng đi chấm thi nhiều, tôi luôn trân trọng các bài thi có phần mở rộng, liên hệ, sáng tạo. Các đồng nghiệp khác của tôi đều như thế. Nhất là trong trường hợp chấm nhiều bài, thì bài nào có nét riêng sẽ được đánh giá cao hơn.

* Thưa cô cho em hỏi cách để có thể khai thác tốt nhất Atlat cho việc làm bài? Em xin chân thành cám ơn! (hà văn minhh hoàng, 18 tuổi, havanminhhoang@…)

- Cô Vũ Thị Bắc: Atlat được dùng trong việc rèn luyện kĩ năng phân tích xử lí số liệu, vì thế muốn sử dụng Atlat hiệu quả em cần vừa học kiến thức trong sách giáo khoa vừa tham khảo thêm số liệu trong Atlat. Hầu hết các số liệu về các ngành kinh tế và các vùng kinh tế đều có trong Atlat. Ví dụ, khi học bài 22 vấn đề phát triển nông nghiệp em cần tham khảo thêm trong Atlat phần bản đồ nông nghiệp chung và tình hình phát triển của cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm và hàng năm. Như thế em vừa đỡ phải nhớ nhiều số liệu, vừa khai thác được Atlat một cách hiệu quả.

Tuy nhiên cũng không nên quá phụ thuộc vào Atlat bởi Atlat chỉ được khai thác hiệu quả khi em đã có kiến thức cơ bản môn Địa lý lớp 12. Nếu trong lúc học em không thực hành chung với Atlat thì sẽ rất lúng túng khi đi thi.

Môt điều lưu ý là khi đọc Atlat có hai trang em cần tham khảo nhiều là phần Các kí hiệu chung trang đầu tiên và phần mục lục trang cuối. Khi có phần tham khảo trong Atlat em cần xem phần mục lục để tìm đúng bản đồ cần xem và tham khảo phần kí hiệu để đọc cho đúng.

* Cho em hỏi cách làm bài môn Hóa học? Làm sao để hệ thống lại lý thuyết hóa và nhận dạng các bài toán hóa học? (Tran Huu Phuc, 18 tuổi, vanphuag@…)

- Cô Trần Thu Hảo: Xin trả lời em theo hai nội dung:

Cô Trần Thu Hảo (phải), tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Tất Thành – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh

Thứ nhất, về cách làm bài môn Hóa: Trước tiên, em chọn những câu có tính chất thuộc lòng, dựa vào đáp án để làm trước. Sau đó, em chọn những câu trên cơ sở suy luận về lý thuyết để làm bài tập lý thuyết (như là nhận biết điều chế…) và cuối cùng là những câu thuộc về bài tập tính toán. Đó là cách tận dụng được thời gian làm bài ngắn nhất, đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ hai là hệ thống và nhận dạng các bài toán hóa học. Em có thể hệ thống lý thuyết Hóa học lớp 12 theo hai phần vô cơ và hữu cơ:

+ Về hóa hữu cơ: Mỗi loại hợp chất cần nắm vững bốn phần trọng tâm:

    *Đồng đẳng, đồng phân, danh pháp

    *Đặc điểm, tính chất lý học

    *Tính chất hóa học

    *Điều chế

+Về hóa vô cơ: Thí sinh nên hệ thống theo từng phần để tiện so sánh. Ví dụ:

   *Các đơn chất kim loại: kim loại nhóm A (IA, IIA, Nhôm), kim loại nhóm B (Sắt, Crom, Đồng)

   *Các hợp chất của chúng: Hợp chất của Natri; Hợp chất Canxi; Hợp chất của Nhôm; Hợp chất của Sắt, Crom, Đồng.

Em có thể nhận dạng bài toán hóa học qua những dấu hiệu chỉ điểm đặc trưng như sau:

+Với bài toán hóa hữu cơ: Trên cơ sở tính chất hóa học của từng loại hợp chất,  thi sinh có thể gặp các dạng bài: * Tìm được công thức phân tử;

       * Dựa vào phản ứng hóa học để giải bài toán hỗn hợp

+ Với bài toán vô cơ: Thí sinh có thể gặp các dạng bài toán sau:

                       *Kim loại tác dụng với: Phi kim, Axit, Kiềm, Dung dịch muối

                      *Bài toán về phản ứng nhiệt nhôm

                      * Bài toán về điện phân

* Môn sử chúng em học hay quên ngày tháng năm, làm sao em có thể nhớ nội dung và kể cả ngày  tháng năm (nguyễn kim thư, 18 tuổi, vickyphucan@…)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Để nhớ nội dung lâu, các em phải hiểu bài. Về ngày tháng năm, để nhớ được, các em có thể dùng biện pháp liên tưởng, ví dụ ngày tháng năm lịch sử đó có thể là sinh nhật của ai đó thân thiết, hoặc là ngày họp mặt, ngày chia tay… Ngoài ra, trước khi học một bài các em cần xem bài đó nằm trong giới hạn khoảng thời gian nào, thông tin này có trong tiêu đề bài học.

* Em xin hỏi bài thi môn toán thường dễ mất điểm ở những lỗi nào? Làm sao tránh? Em nên phân bổ thời khóa biểu môn Toán như thế nào?

- Thầy Trương Tiếu Hoàng: Lỗi các thí sinh thường gặp trong quá trình làm bài :

- Không đọc kỹ đề bài, nhầm lẫn các giả thiết

- Không nắm đầy đủ các yêu cầu của đề bài, chưa làm hết câu, thiếu kết luận.

- Thiếu cách đặt các điều kiện cần thiết hoặc quên so với điều kiện sau khi giải bài.

- Chép các dữ kiện từ đề bài ra bài làm bị sai.

- Tính sai 1 kết quả và sử dụng kết quả đó làm tiếp dẫn đến sai hàng loạt câu sau tuy rằng cách làm đúng .

Các em nên ôn tập mỗi ngày 2 tiếng (1 ngày ôn giải tích, 1 ngày ôn hình học)

 

* Làm cách nào để học thuộc bài Sử nhanh và nhớ lâu? (pj, 18 tuổi, pj_luv1201@…)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Thứ nhất là em phải thật tâp trung khi học. Thứ hai, em phải hiểu kỹ nội dung từng phần của bài. Phải hiểu thì mới nhớ lâu được em à.

* Thưa cô, học sinh trung bình (dở môn Văn) nên tập trung vào phần nào trong ba phần của để thi? (thanhthuythixdua@…)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Dù dở thế nào thì em cũng biết mình có khả năng phân tích thơ hơn hay phân tích văn hơn. Nếu đâu là điểm chưa mạnh thì lúc này “đầu tư” vẫn kịp. Ví dụ: đã từng có những học sinh học lệch văn hoặc thơ, và nghĩ rằng sẽ chọn ở câu 5 điểm làm một trong hai thể loại này. Tuy nhiên, cách đây mấy năm đề thi cả hai câu đều là văn. Vì vậy không nên tự chặn con đường của mình.

Câu nghị luận xã hội không bó hẹp kiến thức nên học sinh cũng dễ có được điểm 1,5 đến 2 điểm miễn là biết suy luận và có hiểu biết từ cuộc sống. Ví dụ: với đề hỏi về tác dụng của việc đọc sách. Các em hoàn toàn không phải ôn tập song cần phải là người từng đọc sách, từng mê sách thì chắc chắn bài làm sẽ thuyết phục được người chấm. Cũng có trường hợp chỉ nghe thầy cô và cha mẹ nói về tác dụng của đọc sách mà em viết vào bài làm cũng vẫn có thể đạt điểm không tệ. Những câu yêu cầu kiến thức xã hội không được bỏ qua hay xem nhẹ.

Cũng cần lưu ý có câu trong đề không nói thẳng mà mượn một câu ví von, so sánh, …thì phải có thao tác quy đổi. Ví dụ: “Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta cũng vương mùi hương.” Có thể hiểu là đề yêu cầu viết về tình bạn và sự giúp đỡ, hy sinh cho tình bạn.

* Em xin hỏi từ giờ tới lúc thi, học môn toán như thế nào để có 5 điểm (ở lớp em cũng chỉ đạt khoảng 5 điểm thôi). Còn nữa, xin thầy chỉ cách làm bài không sai để không bị trừ điểm? (thongreovivu_dl@…)

- Thầy Trương Tiếu Hoàng: Trước tiên em phải học thuộc các công thức trong SGK, trong quá trình làm bài kỹ năng tính toán phải tốt. Thông thường, các thí sinh thường mắc các lỗi:

- Sử dụng ký hiệu tùy tiện mà không giới thiệu.

- Làm bài quá vắn tắt, không giải thích, thiếu lập luận.

- Chọn phương pháp giải toán quá cầu kỳ, kỹ xảo trong khi đó có thể chọn cách giải đơn giản hơn.

-Không đánh số thứ tự của câu khi làm bài gây khó khăn, mất cảm tình của giám khảo.

 

* Phần phát âm trong đề thi thường có dạng như thế nào, chiếm bao nhiêu điểm? (honghanhdethuong@…)

- Cô Trần Thị Liễu: Phần phát âm cũng như dấu nhấn chiếm 3 đến 4 câu (thường là 3) trên tổng số 50 câu. Các em cần chú ý kiến thức nhận ra dấu nhấn của môt từ, vídụ: danh từ có 2 vần thì dấu nhấn ở đâu? Động từ ở đâu?, từ có 3 vần trở lên như thế nào. Các em cũng cần chú ý tiếp vĩ ngữ của các từ để xác định dấu nhấn của từ. Phần phát âm các em cần biết phân biệt những nguyên âm xuất hiện với những từ a, e, o, i, ea và những phụ âm như ch, sh, th…

* Các bạn em nói nếu học dở toán quá, nên tập trung học phần khảo sát hàm số thôi, vào phòng thi làm thêm vài phần nhỏ nữa là đủ điểm trung bình… Theo thầy, HS trung bình tụi em có thể hưởng trọn điểm phần khảo sát hàm số không, ngoài ra em nên tập trung phần nào nữa, phần nào dễ học và dễ có điểm? (tranchitrung357@…)

- Thầy Trương Tiếu Hoàng: Phần khảo sát hàm số bất kỳ kỳ thi tốt nghiệp nào cũng có. Phần này dễ nhưng khi làm bài phải cẩn thận theo các bước mà thầy cô đã dạy trên lớp. Muốn có điểm tối đa phần này, kỹ năng tính toán của học sinh phải tốt.

Theo thầy, phần dễ kiếm điểm là phần hình học giải tích không gian (phần riêng) vì không đòi các em suy luận nhiều mà chỉ cần áp dụng đúng công thức và tính toán chính xác.

 

* Em có thể ôn theo các cuốn sách hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp được không? Hay là ôn sách học ở trên trường mình đang học(nguyễn thanh hoàng, 18 tuổi, beauty_boy0606@…)

Thầy Nguyễn Duy Kha, trưởng phòng khảo thí – Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT – Ảnh: Nguyễn Khánh

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Tài liệu dùng để học và ôn luyện tốt nhất cho các em là sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình hiện hành. Các em có thể tham khảo thêm các tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp. Nhưng cần lưu ý các tài liệu này trên thị trường sách hiện nay rất đa dạng. Vì vậy cần phải có bản lĩnh để lựa chọn những tài liệu thật cần thiết, bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản, để không rơi vào tình trạng “đa thư loạn mục”.

* Thưa cô cho em hỏi, học môn văn như thế nào để có thể được 5 điểm. Đối với em kiếm điểm 5 môn này cũng không dễ? Đề thi có 3 phần, dài quá, thời gian không đủ để làm hoàn chỉnh được. Xin cô chỉ cách học và kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp môn Văn ạ? (hongdao _truongthi@…)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Đầu tiên, cần lập ý sơ lược của các câu vào tờ giấy nháp. Sau đó, canh giờ dành cho từng câu. Cụ thể: câu 1 nên dành khoảng 20 phút, câu 2 khoảng 40 phút, còn lại 90 phút cho bài văn. Tất nhiên, không cần canh chính xác từng phút, song cũng phải lưu ý vì một đặc điểm của môn Văn, kể cả với học sinh giỏi, dễ bị để cảm xúc cuốn đi.

Nhiều năm qua, với câu 3 điểm – nghị luận xã hội, học sinh thường dồn toàn bộ cảm hứng mà quên rằng đó là câu 3 điểm. Thậm chí ra khỏi phòng thi, khoe bố mẹ làm được điểm vẫn là khoe về câu 3 điểm. Muốn đạt 5 điểm thì em nên xác định không được bỏ qua cả câu trên (2 điểm) và câu dưới (5 điểm). Kể cả câu 2 điểm, mình chỉ làm được 0,5 điểm cũng viết. Các cụ có câu “Năng nhặt chặt bị”. Vì ở mỗi câu chỉ nhặt ra khoảng 60% đạt yêu cầu thì em mới yên tâm được điểm 5. Lý do còn xem chữ nghĩa, lỗi chính tả và cách diễn đạt của em thế nào nữa. Chúc thành công!

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/483806/De-on-thi-tot-nghiep-hieu-qua.html

Thi nhiều môn XH sẽ giảm kết quả tốt nghiệp là không có cơ sở

Posted: 26 Mar 2012 02:25 AM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT mới công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử và Địa lý. Trước dư luận băn khoăn khi số môn thi nghiêng nhiều về khối xã hội sẽ làm giảm kết quả thi tốt nghiệp, PGS. TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng việc lo lắng này là không có cơ sở.

Giáo viên và học sinh chuẩn bị tâm thế vững vàng trước kỳ thi tốt nghiệp
Ôn bài

Theo PGS. TS Văn Như Cương, các môn thi tốt nghiệp là do bốc thăm ngẫu nhiên, việc này khiến các trường phải dạy và học nghiêm túc tất cả các môn, đó là điều tốt. Còn về môn thi, dư luận cho là nặng về các môn xã hội, nhưng các em học sinh cũng không nên lo lắng quá. Môn Sử khó nhưng vì hầu hết thầy cô, học sinh đã chuẩn bị tâm lý từ đầu năm là năm nay có Sử, vì thế việc dạy và học đã được tăng cường. Riêng với môn Địa thì không khó kiếm điểm, chỉ cần mang theo cuốn Atlat thì đã thể vận dụng để kiếm được 5 điểm. Bởi vậy, lo lắng cho rằng thi nhiều môn xã hội sẽ làm giảm kết quả tốt nghiệp là không có cơ sở.

PGS,TS. Đặng Thanh Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì cho rằng, theo phản ứng của học sinh, một bộ phận khá vui vẻ vì dẫu sao đây là những môn "tương đối dể thở", dễ học hơn các môn Lí, Sinh. Tuy nhiên một số thí sinh cũng lo học các môn xã hội vẫn cho là chỉ cần thuộc như Sử hay Địa lí.

"Thực ra môn thi Tốt nghiệp năm nay theo tôi là tốt cho thí sinh vì ngoài ba môn "cứng" là Toán, Văn và Ngoại ngữ có tính chất bắt buộc, thì các môn còn lại tương đối dễ ôn và đạt điểm cao. Môn Sử năm nay theo hướng dẫn giảm tải Bộ GDĐT công bố đầu năm học thì khối lượng kiến thức cũng không nhiều, chỉ cần tâp trung ôn tập trong 2 tháng còn lại là có thể "vô tư". Tôi nghĩ việc chọn môn nào thi tốt nghiệp trong các môn còn lại chắc Bộ GDĐT cũng đã tính tới nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố có lợi cho thí sinh hơn. Vì vậy tôi tán thành các môn thi tốt nghiệp năm nay, nhất là môn Lịch Sử" – PGS,TS. Đặng Thanh Toán cho hay.

Riêng với  môn Lịch sử, PGS,TS. Đặng Thanh Toán cho rằng, việc chuẩn bị tâm lí thi môn Sử thực ra không bất ngờ đối với các trường với 3 nhẽ: Thứ nhất, môn Sử năm trước không thi tốt nghiệp; thứ hai, dư luận xã hội đã cảnh báo tình trạng hiểu biết Lịch sử của các em đáng báo động và thứ ba, tính chất quan trọng của môn Lịch sử với đời sống xã hội. PGS,TS. Đặng Thanh Toán tin tưởng thầy, trò và dư luận xã hội đón nhận các môn thi tốt nghiệp một cách tích cực và đạt kết quả tốt.

Là một trong những giáo viên có kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp nhiều năm, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Địa lý trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội cho biết, các em học sinh rất hào hứng khi biết trong các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, môn Địa lý tiếp tục "góp mặt". Riêng với việc chuẩn bị tâm lý thi cử, theo cô Nga, do cả thầy và trò đã xác định dạy và học với tinh thần thi tốt nghiệp dù có thi hay không ngay từ đầu năm học nên tâm lý rất bình tĩnh, tự tin. Khoảng 1 đến 2 tuần nữa, nhà trường sẽ tăng tiết các môn thi tốt nghiệp, với môn Địa như mọi năm sẽ tăng lên 2 – 3 tiết trên tuần.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201203/Thi-nhieu-mon-XH-se-giam-ket-qua-tot-nghiep-la-khong-co-co-so-1960217/

Một số kinh nghiệm ôn tập môn Lịch sử hiệu quả

Posted: 26 Mar 2012 02:25 AM PDT

(GDTĐ) – Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012, trong đó có môn Lịch sử. Đây là môn học được nhiều học sinh cho là "khó nuốt" nhất trong kì thi tốt nghiệp năm nay. Làm sao để ôn tập môn Lịch sử có hiệu quả vẫn là một câu hỏi khó đối với các bạn học sinh lớp 12. Dưới đây, tôi xin nêu ra một số kinh nghiệm nhỏ với mong muốn giúp các bạn học sinh ôn tập có hiệu quả hơn môn Lịch sử.

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

1. Nắm tổng thể nội dung của chương trình trước khi học các nội dung cụ thể

Để không bị lạc vào trong khối sự kiện quá lớn của chương trình Lịch sử lớp 12, trước khi ôn tập từng nội dung cụ thể, các bạn cần phải nắm một cách khái quát về tiến trình lịch sử:

Phần Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000 được trình bày theo tiến trình lịch sử: Giai đoạn 1919 – 1930 (gồm 2 giai đoạn nhỏ: 1919 – 1935 và 1925 – 1930); Giai đoạn 1930 – 1945 (gồm 4 giai đoạn nhỏ: 1930 – 1931, 1931 – 1935, 1936 – 1939 và 1939 – 1945); Giai đoạn 1945 – 1954 (gồm 4 giai đoạn nhỏ: 02/9/1945 – 19/12/1946, 1946 – 1950, 1951 – 1953 và 1953 – 1954); Giai đoạn 1954 – 1975 (gồm 5 giai đoạn nhỏ: 1954 – 1960, 1961 – 1965, 1965 – 1968, 1968 – 1973 và 1973 – 1975) và Giai đoạn 1975 đến 2000 (gồm 3 giai đoạn nhỏ: 1975 – 1976, 1976 – 1986 và 1986 – 2000). Dựa vào phân kì lịch sử này, các bạn tiến hành xác định những sự kiện lịch sử chính (chưa cần đi vào nội dung chi tiết) gắn liền với từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Phần Lịch sử thế giới từ 1945 đến 2000 được trình bày theo 6 chủ đề: 1/ Sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai; 2/ Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 – 1991) và Liên bang Nga (1991 – 2000); 3/ Các nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 – 2000); 4/ Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 – 2000); 5/ Quan hệ quốc tế (1945 – 2000); 6/ Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa.

2. Học theo từng chủ đề lịch sử cụ thể

Việc nhóm các vấn đề lịch sử cùng đặc điểm, liên quan với nhau thành một chủ đề là một cách giúp học sinh ôn tập hiệu quả hơn, có thể kể đến một số chủ đề như sau: "Quá trình thành lập Đảng: Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước  truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam  sự xuất hiện của 3 tổ chức cộng sản  thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam"; "Các hiệp định trong giai đoạn từ 1945 đến 1975: Hiệp định Sơ bộ, Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hiệp định Pa-ri"; Phong trào yêu nước theo xu hướng dân chủ từ 1919 đến 1930.

3. Học một nhóm các sự kiện lịch sử có liên hệ với nhau

Đặc điểm của lịch sử là diễn ra liên tục, kết quả của sự kiện trước có liên hệ đến sự kiện sau. Do đó, nếu các bạn học cả một chuỗi sự kiện có liên hệ với nhau trong cùng một giai đoạn lịch sử, thì sẽ thấy hấp dẫn, thú vị và nhớ có hệ thống hơn, cụ thể như:

Thứ nhất, diễn biến của cách mạng Việt Nam từ 1939 đến 1945 xoay quanh 4 sự kiện lớn là: Hội nghị Trung ương 6 (11/1939), Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Hội nghị Ban thường vụ TW Đảng 12/3/1945 (ra chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta) và cuối cùng là Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945).

Nếu nhóm cả 4 sự kiện này lại (từ bối cảnh đến nhận định tình hình, xác định kẻ thù, đề ra chủ trương của Đảng và quá trình triển khai các chủ trương đó), thì các bạn sẽ thấy được quá trình phát triển liên tục của Cách mạng Việt Nam từ 1939 đến 1945: từ chỗ bảo toàn được lực lượng vừa mới phục hồi (chủ trương của Hội nghị Trung ương 6) đến chuẩn bị lực lượng (chủ trương của Hội nghị Trung ương 8), rồi khởi nghĩa từng phần, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa (quyết định của Hội nghị Ban thường vụ TW Đảng 12/3/1945) và cuối cùng là tiến lên tổng khởi nghĩa thắng lợi (quyết định của Hội nghị toàn quốc của Đảng).

Thứ hai, trong giai đoạn từ 1946 đến 1954, các bạn cần chú ý đến 4 kế hoạch của thực dân Pháp: Bôlae (1947), Rơ-ve (1949), Đờ-lát-đơ Tát-xi-nhi (1950) và Nava (1953). Nếu nhóm 4 kế hoạch trên và quá trình ta đánh bại từng kế hoạch của địch bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, các bạn sẽ thấy được một thực trạng thú vị là các kế hoạch của Pháp đề ra theo kiểu "thua keo này, bày keo khác", sau một lần thất bại của kế hoạch trước, thực dân Pháp thay tướng và đưa ra một kế hoạch mới, nhưng cuối cùng đều bị quân và dân ta đánh bại, buộc phải kí hiệp định Giơ-ne-vơ rút quân về nước.

Thứ ba, trong giai đoạn 1954 – 1973, ở miền Nam Việt Nam, các bạn cần chú ý đến giai đoạn 1954 – 1960 (trước đây gọi là chiến tranh đơn phương) và 3 chiến lược: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh.

Nếu lập bảng tổng hợp tất cả các chiến lược trên với các nội dung: "Âm mưu, thủ đoạn", "quá trình triển khai" và "quá trình nhân dân ta đánh bại các chiến lược của Mĩ", các bạn sẽ thấy được một đặc điểm thú vị là sau mỗi lần thất bại, Mĩ lại can dự sâu hơn vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam: từ chỗ chỉ viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Sài Gòn (1954 – 1960), tiến đến đưa cố vấn quân sự vào chỉ huy, phong tỏa miềm Bắc,… (1961 – 1965), đưa quân đội trực tiếp tham chiến, ném bom hậu phương miền Bắc (1965 – 1968) và cuối cùng Mĩ đành phải chấp nhận rút quân đội ra khỏi Việt Nam  bằng cách tăng cường sức mạnh cho quân đội Sài Gòn song song với việc mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, thương lượng với Liên Xô và Trung Quốc giảm viện trợ, làm cho cách mạng miền Nam suy yếu dần (1969 – 1973). Và đừng quên những thắng của ta trong từng chiến lược qua những sự kiện lịch sử và số liệu cụ thể.

Thứ tư, đối với các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, các bạn bắt đầu từ chủ trương và kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Lúc đầu, Đảng ta đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, nhưng sau khi chiến dịch Tây Nguyên diễn ra, Đảng ta đã liên tục điều chỉnh rút ngắn kế hoạch giải phóng miền Nam. Cuối cùng, trong chưa đầy 3 tháng, ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Vấn đề còn lại chỉ là nhớ những sự kiện cơ bản của 3 chiến dịch này.

4. Một số lưu ý khác

Thứ nhất, đối với giai đoạn 1930 – 1931 và giai đoạn 1936 – 1939, các bạn chú ý đến cấu trúc: bối cảnh, chủ trương của Đảng, diễn biến, ý nghĩa và kết quả.

Thứ hai, đối với bài Việt Nam trong năm đầu tiên sau khi giành được độc lập (1946), các bạn cần lập một sơ đồ có cấu trúc gồm 2 vế: thứ nhất là tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong năm 1946 (bối cảnh, những khó khăn về đối nội, đối ngoại), thứ hai là quá trình giải quyết những khó khăn về đối nội và đối ngoại tương ứng.

Thứ ba, trong những năm gần đây, nhiều đề thi thường hỏi về mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam (chủ yếu rơi vào giai đoạn từ 1919 đến 1945). Chính vì vậy, các bạn cần chú ý đến mối liên hệ giữa lịch sử Việt Nam với các kiến thức lịch sử thế giới có liên quan trong sách giáo khoa.

Thứ tư, đối với phần lịch sử thế giới và các nội dung còn lại chưa được đề cập ở trên, có lẽ các bạn phải tự tìm cho mình một phương pháp học thích hợp.

Không thể có một phương pháp học tập phù hợp cho tất cả mọi đối tượng học sinh, hy vọng rằng những kinh nghiệm nhỏ trên đây sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn học sinh trong kì thi sắp tới. Chúc các bạn đạt kết quả cao nhất trong kì thi tốt nghiệp và kì thi tuyển sinh năm 2012.

TS. Phạm Phúc Vĩnh

(Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3064/201203/Mot-so-kinh-nghiem-on-tap-mon-Lich-su-hieu-qua-1960223/

Hiệu trưởng ‘đi kiện’ vì bị bỏ quên chế độ

Posted: 26 Mar 2012 02:25 AM PDT

- Gần 40 năm đứng lớp, dạy từ đời “bố trẻ đến trẻ” nhưng khi đến tuổi nghỉ một số giáo viên và hiệu trưởng mầm non ở huyện Mê Linh, Hà Nội chỉ được nhận chế độ chi trả một lần….Đó là lý do giáo viên và hiệu trưởng nơi đây đã đi “gõ cửa” khắp nơi hỏi về chế độ.

Nỗi lòng giáo viên 40 năm đứng lớp

Trung tuần tháng 3, VietNamNet nhận được lá thư với tựa "Một đời làm giáo viên – hãy cứu vớt" của giáo viên Tạ Thị Viền, Trường Mầm non xã Vạn Yên (huyện Mê Linh, Hà Nội). Thư cô trần tình, suốt 40 năm dạy trẻ, khi hết tuổi lao động cô chỉ được nhận chế độ chi trả một lần gần 10 triệu. Chưa rõ về quyền lợi chính đáng, cô đã gõ cửa nhiều nơi nhưng câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng là “những cái lắc đầu” và “phải chờ”.

 

Một đời đưa đò, dạy qua 2 thế hệ "bố trẻ và trẻ" chưa kịp vui vì chính thức được vào biên chế nhà nước thì cô Tạ Thị Viền (bên trái) thì tháng 1/2012 cô đã đến tuổi nghỉ, về một lần nhận gần 10 triệu cho 39 năm 4 tháng làm giáo viên mầm non. Cô Ngô Thị Tuất (bên phải), Hiệu phó Trường mầm non xã Vạn Yên dù đang công tác nhưng nếu không có thay đổi, tới năm 2013 cô cũng sẽ về nghỉ, hưởng chế độ chi trả 1 lần.

 

Vào ngành giáo dục từ tháng 8/1972, cô Viền dạy lớp 1 Trường cấp I xã Minh Quân, tỉnh Yên Bái. Đến tháng 8/1977 cô theo chồng về xã Vạn Yên, huyện Mê Linh (trước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), vào dạy lớp đình làng với "lương" toàn "sắn băm khô, hạt bo bo cả vỏ". Cô tâm sự "vì quê xa nên bố chồng không cho chuyển chế độ mà dạy bằng chế độ thóc UBND xã trả".

Những năm tháng khó khăn, quê nghèo mất mùa, thóc đành chịu lại giáo viên nhưng đói no các cô vẫn ngày 2 buổi đến lớp dạy trẻ. Đồng lương từ tính bằng công điểm, trả bằng thóc đến 200 đồng khiến người giáo viên dù ấm lòng nhưng "bụng vẫn đói".

Sau này các cô được cho đi học nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn. Cô cười mà như khóc khi nhớ những lần thi giáo viên giỏi, áo phải đi mượn của hiệu trưởng vậy mà "vẫn đạt giỏi".

“Hơn 10 năm tôi là giáo viên giỏi cấp huyện, 6 năm làm chủ tịch công đoàn” – cô tâm sự. Ghi nhận những cống hiến của cô, ngành giáo dục đã tặng cô "Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục".

Nhưng, đến năm 2002 cô mới được đóng bảo hiểm xã hội. Năm 2009, lương của cô được hơn 1 triệu. Đó "là cứu tinh" của giáo viên mầm non như cô. Tháng 10/2011, có chế độ biên chế và cô đã đủ tiêu chuẩn đạt viên chức nhà nước. Chưa kịp vui thì tháng 1/2012 cô đã đến tuổi nghỉ.
"Làm đơn xin ở lại 1, 2 năm cho bõ cả đời người vất vả với trường với lớp nhưng không được hồi âm. Giờ đây về nếu thanh toán chế độ trả một lần được mấy triệu đồng, so với giá cả bây giờ 39 năm 4 tháng sống sao đây? – cô Viền ngậm ngùi.

Hiệu trưởng cũng bị bỏ rơi…

Trong số những giáo viên "kêu cứu", cô Ngô Thị Minh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Minh A, xã Quang Minh là người phải chạy đi chạy lại nhiều nhất.

 

Lá đơn kêu cứu của cô giáo Tạ Thị Viền, Trường mầm non xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội.

 

Hơn 3 năm nay, cô đã đi hết từ phòng GD-ĐT huyện, UBND huyện đến BHXH huyện Mê Linh thậm chí là lên Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội để "xin vào hỏi chế độ". Nhưng mọi việc vẫn “bặt vô âm tín”….

Cô Minh bức xúc: "Với những giáo viên có thâm niên như chúng tôi nếu được giải quyết truy đóng BHXH từ tháng 1/1995 thì đến 2012 sẽ được 15 năm, thêm chính sách hỗ trợ đóng BHXH 5 năm không quá 60 tháng thì khi về nghỉ sẽ có chế độ lương. Nay chỉ nhận vài triệu, chị em nào cũng tủi hổ, xót xa".

Mới tháng 3 rồi cô đã nhận quyết định bàn giao chức hiệu trưởng. 39 năm làm giáo viên của cô nếu không có gì thay đổi cũng sẽ được quy đổi bằng gần chục triệu với chế độ về 1 lần.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng là hiệu trưởng, cùng đợt và trên cùng một huyện nhưng khi hết tuổi lao động “số phận” của mỗi hiệu trưởng lại có “đối xử” không giống nhau. Bởi chế độ Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tiền Phong tên Ph. lại trái ngược hoàn toàn với hoàn cảnh hiệu trưởng Nguyễn Thị Bông, Trường Mầm non xã Vạn Yên.

Cụ thể, cô Ph. vì đã làm hiệu trưởng từ lâu nên được đóng bảo hiểm. Hơn 30 năm, giờ về nghỉ cô được lương gần 3 triệu/tháng cộng thêm hơn 20 triệu truy lĩnh do thời gian công tác vượt khung gần 20 năm.

Trong khi đó cô Bông chỉ nhận tiền hỗ trợ về 1 lần khi về nghỉ…

Vất vả hơn cả trong số các giáo viên này có lẽ là cô Lê Thị Nguyên. Sinh năm 1955, vào ngành năm 1977 giờ về nghỉ cô chỉ có cậu con trai đang học lớp 10 làm chỗ bấu víu. Hết đi bế con thuê giờ cô lại chuyển sang làm ô sin. Sức già nhọc nhằn của cô kiếm vài trăm nghìn nuôi con ăn học không biết đến khi nào thì cạn.

  • Văn Chung

Đón đọc: Vụ Hiệu trưởng bị quên chế độ: Biết nhưng đành chịu?

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/65704/hieu-truong--di-kien--vi-bi-bo-quen-che-do.html

Thấu hiểu để nâng đỡ con trẻ

Posted: 26 Mar 2012 02:24 AM PDT

Thấu hiểu để nâng đỡ con trẻ

TT – Gần gũi, quan tâm, chia sẻ hơn… là những điều mà thầy cô cùng cha mẹ cần làm để có thể thấu hiểu con trẻ, nâng đỡ các em trong những giai đoạn khó khăn, giúp các em tránh hành vi nông nổi đáng tiếc.

Đó là chia sẻ trong tâm trạng đau buồn của hai cô giáo có học sinh đã dại dột làm điều thiệt thân, gây nên nỗi đau lớn cho gia đình và nhà trường mới đây.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga nói rằng cô luôn day dứt, mất ngủ sau khi xảy ra câu chuyện đau lòng của học sinh mình – Ảnh: Duy Thanh

Nguyễn Thị Thanh Nga (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Tuy Hòa, Phú Yên):

Day dứt vì chưa thấu hiểu học sinh

Mấy ngày nay, mỗi khi vào lớp, nhìn vào vị trí Sự ngồi chỉ là một chỗ trống, đầu óc tôi cũng trống rỗng và nỗi buồn lan tỏa cùng với sự day dứt (học sinh Trương Văn Sự vừa uống thuốc diệt chuột tự tử hôm 21-3)

Tôi làm giáo viên chủ nhiệm của Sự năm lớp 12 này, nhưng tới ngày 8-3 vừa qua, khi Sự đến nhà thăm tôi nhân Ngày quốc tế phụ nữ, cô trò tâm sự chân tình với nhau và tôi mới biết bố mẹ Sự ly dị nhiều năm trước. Nếu tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh từng học sinh, chắc chắn tôi đã có nhiều thời gian để thường xuyên quan tâm, chia sẻ với Sự nhiều hơn.

Vào ngày 19-3, ngày thứ hai Sự nghỉ học, tôi có hỏi mấy em học cùng lớp là bạn thân của Sự thì được biết là Sự đang trên đường từ Đà Lạt về, hẹn một số bạn vào tối cùng ngày sẽ liên hoan để chia tay vì sắp xuất cảnh. Ngay chiều đó tôi đến báo với mẹ Sự việc trên và được biết là không có việc Sự sắp xuất cảnh, mà em bỏ nhà đi mấy ngày trước, cầm chiếc xe Air Blade để lấy tiền tiêu xài. Nếu nhạy cảm hơn thì khi đó tôi phải nghĩ rằng với những bất hạnh vì hoàn cảnh gia đình, mặc cảm tội lỗi khi đi cầm xe, về khả năng bị gia đình la mắng… sẽ khiến Sự có hành động thiếu suy nghĩ. Đáng tiếc là việc đó đã xảy ra vào trưa 21-3.

Tôi có quan tâm đến học sinh của mình, nhưng thật sự chưa thấu hiểu các em, chưa là người để các em tâm sự, chia sẻ nhiều điều. Đó chính là điều làm tôi day dứt trước cái chết của em Sự.

Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng nghĩ rằng đây đó còn nhiều thầy cô giáo chỉ nghĩ rằng mình làm tốt công tác giảng dạy chuyên môn mà thiếu quan tâm đến việc tìm hiểu, chia sẻ để trở thành những người bạn thân thiết, hiểu các em và có thể giải tỏa được những vấn đề nghiêm trọng ở học sinh của mình.

Nhiều học trò còn thụ động, biết bạn mình có vấn đề nhưng chỉ tự chia sẻ với nhau mà không báo với giáo viên, nhà trường hoặc gia đình để tìm cách giải quyết, do vậy giáo viên cần khơi gợi để các em chủ động thông báo diễn biến bất thường của bạn bè nhằm có cách giải quyết kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Đáng nói là hiện nay, nhiều vị phụ huynh chỉ lo việc làm ăn mà quên chăm sóc con cái, chỉ hỏi con cần gì thì sẵn lòng đưa tiền để đáp ứng. Ngược lại, có phụ huynh lo lắng cho con quá mức đến việc gì cũng làm thay khiến con không tự quyết được. Lại có những vị phụ huynh chỉ biết la mắng, đánh đập, không chia sẻ, khuyến khích, động viên con vượt qua những khó khăn… Tất cả những điều đó đều làm cho trẻ ức chế và có thể có những hành vi phản ứng thiếu suy nghĩ.

Phải tinh tế mới hiểu được con

Sau nhiều ngày xảy ra sự việc đau lòng của ba nữ sinh Trường Phan Chu Trinh (xã Đắk Sắk, Đắk Mil, Đắk Nông), cô Trần Thị Nhài – giáo viên chủ nhiệm của ba nữ sinh này – cho biết vẫn không thể lý giải nguyên nhân dẫn đến sự việc trên.

Cô Nhài nói cô là người rất gần gũi với ba nữ sinh, nhiều lần có những chuyện "khó nói" các em đều tâm sự với cô nhưng trong sự việc đau lòng nói trên hầu như không có bất kỳ dấu hiệu thay đổi khác thường ở các em để cô có thể phát hiện. "Sau khi sự việc xảy ra, tôi là một trong ba người được tiếp cận cuốn nhật ký mà một em học sinh đã viết lại. Khi đọc xong nhật ký tôi thật sự choáng váng.

Trong cuốn nhật ký này một em đã đơn độc ôm những suy nghĩ, những muộn phiền nhiều năm mà nguyên nhân là những trắc trở nhỏ nhoi kiểu như: "Bố mẹ ai cũng đúng mà sao lại không chịu ngồi lại với nhau, hiểu nhau để giữ hòa khí gia đình", rồi: "Mình đang xem tivi mà anh trai lại tới chuyển qua kênh khác để xem, khi mình phản ứng thì bố mẹ lại la mình, tại sao lại phân biệt đối xử như thế?".

Theo cô Nhài, đối với người lớn thì những chuyện như thế là hết sức nhỏ nhặt, nhưng ở độ tuổi các em học sinh đôi khi lại là vấn đề rất lớn. Việc cha mẹ, người thân ít dành thời gian làm bạn với con, đặt mình vào lứa tuổi của con để có thể hiểu các em đang nghĩ gì chính là một trong những nguyên nhân khiến học sinh bế tắc và lựa chọn bạn bè để chia sẻ.

"Cũng là một người mẹ nên tôi hiểu phần nào về tâm sinh lý các em. Làm sao để có thể "kết bạn" và "đọc" những suy nghĩ của con cái là điều vô cùng khó, phải hết sức tinh tế và nhạy cảm, theo dõi từng cử chỉ, việc làm và cả những điều riêng tư nhất thì mới giải tỏa được".

Bố mẹ, thầy cô, anh chị… cần phải đặt mình ở lứa tuổi nhỏ, nói chuyện với con cái như một người bạn và chủ đề câu chuyện cũng phải hết sức đơn giản để thông qua đó đoán dò ý các em.

Gia đình là yếu tố quan trọng nhất nhưng hiện nay do bận bịu công việc, hoặc người lớn luôn lấy suy nghĩ ở lứa tuổi mình để nói chuyện với con khiến các em rơi vào cảm giác bị áp đặt hoặc lạc lõng dẫn đến những hành động dại dột" – cô Nhài nói.

ĐOÀN TỪ DUY – THÁI BÁ DŨNG

DUY THANH ghi

 ————————————

* Tin bài liên quan:

 Học sinh tự tử: Người lớn thiếu quan tâm?    
 Không có chuyện quyên sinh vì làm mất sổ đầu bài
 Đau đớn cái chết của ba học sinh lớp 7
Thêm hai học sinh tự tử

Nguồn: http://tuoitre.vn/Ban-doc/483997/Thau-hieu-de-nang-do-con-tre.html

Cô giáo “sát thủ” ngôn ngữ chat

Posted: 26 Mar 2012 02:23 AM PDT

Từ những bài văn… thiếu trọn vẹn

Bắt đầu từ năm 2007, cô Khánh Dương (SN 1980) nhận thấy trong các bài tập làm văn của học trò có những lỗi rất lạ về ngôn ngữ nhưng không phải là lỗi chính tả. Số đông các em cùng mắc phải các lỗi như chữ v thành chữ z, chữ i thành j…

"Nhiều bài văn rất hay, đang đọc rất mướt thì đột nhiên tôi bị khự lại vì "vấp" phải một từ nào đó. Cảm giác buồn và tiếc vô cùng cho bài văn hay không được trọn vẹn", cô Dương tâm sự.

Nhưng một chút khó chịu, mất hứng thú đó chỉ là một phần nhỏ trong tâm trạng của người giáo tâm huyết với nghiệp Văn. Cô Dương suy nghĩ sâu xa, những từ "lạ" còn vào cả bài viết kiểm tra thì sự trong sáng của tiếng Việt rồi sẽ thế nào.

Hơn nữa, là một giáo viên trẻ, cô Dương hiểu mình không dạy chữ mà còn có trách nhiệm dạy các em làm người. Và muốn hiểu được học trò thì giáo viên cũng cần hiểu được phong cách, ngôn ngữ của các em.

Thâm nhập "ngôn ngữ @"

Cô thâm nhập bằng cách tích cực lên mạng tìm hiểu và bắt đầu chat với học trò. "Một thứ ngôn ngữ nguyên sơ, có vẻ hữu ích lại trở nên lạ hoắc, "thần kỳ" đối với kẻ lâu ngày không tiếp cận máy tính", cô Dương không ngại thừa nhận. Một thế giới mới, rất năng động, nhanh nhạy mở ra với mình khi cô bước đến gần hơn với các em học sinh.

Hóa ra, lỗi lạ ở những bài văn là thứ ngôn ngữ chat các em vẫn sử dụng để nói chuyện, nhắn tin hàng ngày. Tiếp xúc với các em mỗi ngày, cô không khỏi lo ngại việc này về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tư duy của các em là ngại học hỏi những ngôn từ hay, sống hời hợt, nông cạn…

Để tiếp cận học trò, nhiều khi cô Dương còn ẩn danh đóng vai người cùng tuổi để dễ dàng nói chuyện với các em nhưng rồi phải hoa mắt không hiểu hết ý các em nói nên đành đầu hàng thú nhận “Cô đây!”. Hay không ít lần phải tỏ ra mình… thua cuộc: "Cô "bó tay" với con rồi, đừng đánh đố cô nữa, chỉ giúp cô ý nghĩa của từ đó là gì" thì học trò tỏ ra rất thích thú.

Đôi khi, nói chuyện với học trò, cô Dương cố tình sử dụng vài ngôn ngữ chát cùng thái độ trân trọng ngôn từ của các em. Cô không phủ nhận đó là ngôn tư của chat thể hiện sáng tạo, dí dỏm, đầy màu sắc, tượng hình… Vì thế, các em học sinh rất “khoái” cô Dương dạy Văn vì “Bọn mình nói gì cô hiểu hết trơn”

"Kiểm soát" bằng tâm huyết người thầy

Cô không tỏ ra cấm đoán mà nhấn mạnh cho học trò hay lúc nào mình có thể dùng và lúc nào thì không nên sử dụng ngôn ngữ chat. Bất ngờ, cô nhận được sự ủng hộ của học trò, có lớp 100% HS đồng tình loại ngôn ngữ chat ra khỏi môi trường học đường. “Bề ngoài các em rất bướng bỉnh nhưng mình làm như vậy với mục đích tốt cho các em, các em cảm nhận được và sẽ đối lại như vậy”, cô nói.

Ý thức được tác hại của việc lạm dụng ngôn ngữ chat không có nghĩa là các em sẽ bỏ được vì họ trò viết như một thói quen. Cô Dương lại mày mò các biện pháp để giảm dần ngôn chữ chát trong môi trường học đường.

Ở giờ lên lớp, cô Dương luôn cố gắng tìm tòi, truyền đạt cho các ngôn ngữ hay, đẹp để tiếng Việt thật sự thu hút các em. Cô khuyến khích các em sử dụng những câu từ trong sáng, nhiều nghĩa, hát những bài dân ca, đọc những câu tục ngữ, thành ngữ… theo phong cách trẻ trung, vui nhộn. Cô cũng tích cực giới thiệu cho học trò những cuốn sách hay, động viên các em tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức thiện nguyện để các em giảm bớt thời gian "vùi đầu" vào máy tính.

Với những học trò bị "ăn sâu" ngôn ngữ chat, cô Khánh Dương cùng các cô trong tổ Văn thống nhất trừ điểm khi dùng ngôn ngữ chat như lỗi chính tả giúp các em chú ý và "dè dặt" hơn với ngôn từ của mình. Ngoài ra, với các lỗi chat thương gặp khó bỏ, cô Dương cho các em viết  lại từ đúng nhiều lần để… tạo thói quen mới.

Học sinh trong Trường THCS Trường Chinh còn rộ lên phong trào "Nói không với ngôn ngữ chat" bằng các buổi học, buổi hội thảo thiết thực. Tổ môn Văn của trường thống kê, sau nửa học kỳ áp dụng các biện pháp trên ở mỗi lớp, tỷ lệ ngôn ngữ chat xuất hiện trong các bài văn đã giảm từ 20,1% còn 5,4%.

"Bài văn của các em đã giảm đi lối viết "mì ăn liền", câu cú rõ ràng, ngữ pháp trong sáng, lời văn đi vào chiều sâu nội tâm hơn", cô Dương không dấu được niềm vui khi lại được đọc những bài văn hay của trò. Không chỉ vậy, nhờ có nhiều thời gian tìm hiểu về đề tài ngôn ngữ chat, cô Dương tìm được hạnh phúc hàng ngày của mình là được sống gần hơn niềm vui cũng như sự trưởng thành, sâu sắc của học trò.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-578886/co-giao-sat-thu-ngon-ngu-chat.htm

Những câu mắng ‘bất hủ’ của người thầy

Posted: 26 Mar 2012 02:23 AM PDT

- "Thằng thần kinh". "Mày vừa mới ở Trâu Quỳ ra hả?". "Óc bã đậu". "Mặt thớt".
“Ngơ ngơ như bò đội nón”…là nhưng câu nói bất hủ của giáo viên, ngày càng xuất
hiện “như cơm bữa”.


 

Minh họa


"Óc bã đậu"

"Mẹ ơi, con bò đội nón tại sao lại ngơ ngơ?…"

Nghe con hỏi, một phụ huynh có
con học lớp 4 một trường tiểu học ở Hà Nội không biết phải giải thích kiểu gì.

Hỏi con, chị mới biết ở trên lớp, cô giáo thường dùng
những từ "Ngơ ngơ như bò đội nón", "Đầu óc con bã đậu đến là cùng" để mắng các
bạn khi không hiểu bài hoặc làm sai ý cô.

Không riêng bé, nhiều học sinh tiểu học thường bị ăn "bún mắng", "cháo chửi"
trên lớp nhưng không hiểu ý nghĩa của những lời nói đó đã về thắc mắc với bố mẹ.
Có lần đi học về, Duy Anh (Hà Nội), học sinh tiểu học thắc mắc:  "Con và các
bạn không hiểu "nước đổ đầu vịt" hay "bã đậu" là gì. Mỗi lần các bạn không làm
bài tập về nhà, hoặc mất trật tự cô lại nói như thế.

"Mày vừa mới ở Trâu Quỳ ra hả?

Trong một lần lên bảng làm toán và bị sai một câu,  Hiếu – cậu học sinh lớp 3 bị cô giáo lắc đầu ngán ngẩm "Sao mà ngu thế không biết?". Khuôn mặt cậu bé
xị xuống, ngẩn ngơ vài phút. Kể từ đấy, hễ thấy ai làm sai cái gì, Hiếu lại lẩm
bẩm "À, ngu nên mới thế!". Câu nói của cô giáo không chỉ chạm vào lòng tự ái của
Hiếu, nó còn "đi sâu" vào trong ý thức của cậu về cách sử dụng ngôn từ không
"đẹp" trong giao tiếp.

Còn cô L, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của một trường tiểu học ở Hà Nội thì
lại có cách "xoáy" học sinh đẳng cấp hơn.

Thấy học trò đứng lên trả lời một cách
ngô nghê, không đúng trọng tâm câu hỏi, cô không ngần ngại dọa "Tôi phải đưa
cậu vào trại Trâu Quỳ, đeo cho cậu tấm bảng "thần kinh" trên trán để mọi người
biết cậu… bị dở!".

Cô nói chưa dứt câu, lũ học trò ở dưới đã cười phá lên vì câu nói ám chỉ
mà cô dành cho "nạn nhân" xấu số. Cũng kể từ cách dạy của cô, học sinh có thêm
chủ đề để bàn tán. Chúng không ngần ngại gọi nhau bằng những từ thô tục hoặc hỏi
"xoáy" nhau theo "phong cách" của cô: "thằng thần kinh", "mày vừa mới ở Trâu Quỳ
ra hả?"…

“Trơ trơ như mặt thớt”

Còn học sinh cấp 2, cấp 3 thường hiếu động hơn nên việc bị thầy cô mắng, chửi
diễn ra "như cơm bữa". Thậm chí, nhiều giáo viên còn quát nạt, mạt sát, xúc phạm
các em bằng những lời đay nghiến.

Với những học sinh thường xuyên nói chuyện, làm việc riêng trong giờ, nhẹ thì
các cô rầy la : "Nói mãi cứ trơ trơ cái mặt thớt, không học thì cút ra ngoài!",
còn nặng thì coi như cả giờ học hôm đó chỉ ngồi nghe chửi.

Huy Hoàng (HS lớp 8 tại một trường THCS) kể lại: "Quát tháo, mắng mỏ không
được, cô giáo quay ra xúc phạm chúng em bằng những lời khó nghe, chúng em thực
sự bị tổn thương khi bị nói là "Không có lòng tự trọng, ý thức không bằng một
con ruồi!(?)"

Nhiều học sinh bất bình trước thái độ và lời lẽ thiếu tôn trọng của giáo viên
dành cho mình. Có những em sửng sốt nói rằng, không ngờ những người thầy lại có
thể chửi học sinh thậm tệ như "hàng tôm, hàng cá" ngoài chợ ngay trong lớp học.

"Anh là con người hay con vật mà sao ngu thế?"

Mất trật tự, làm việc riêng trong giờ, không chịu làm bài, ghi bài là những
tội đương nhiên sẽ bị chửi. Nhưng ở rất nhiều lớp học, trường hợp các bạn học
sinh yếu, chậm tiếp thu hơn cũng bị cho là "vô ý thức" và thường xuyên bị "tra
tấn" bởi những lời nói gay gắt của thầy cô.

Duy Anh học sinh lớp 9 một trường THCS cho biết: "Có hôm bạn N. không làm
được một bài toán, cô vừa giảng bài vừa đay nghiến, tay cô lăm lăm cái thước chỉ
trực quật vào người khiến bạn run rẩy không thể tập trung. Rồi cô cho bạn về chỗ
và thở dài: "Anh là con người hay con vật mà sao ngu thế?"

Theo một số bạn học sinh, có trường hợp cô giáo không chỉ mắng mỏ mà còn bêu
riếu học sinh trước lớp vì tội "quá dốt" khiến bạn đó mặc cảm, tự ti.

Học yếu môn Hóa, Đ. luôn sợ hãi mỗi khi có tiết môn này sau nhiều lần bị cô
giáo làm "bẽ mặt" trước lớp. Đ. nhớ lại: "Lần nào em lên bảng không làm được bài
cô cũng phạt đứng góc lớp rồi gọi một bạn giỏi lên giải quyết. Sau đó cô xóa hết
phần trình bày của bạn ấy và bắt em làm lại. Không làm được cô mắng xơi xơi:
"Ngu thì phải có mức độ chứ? Ngu lâu dốt dai ai mà đào tạo được?"…

Thu Thảo – Minh Hiền
*****************

Bạn hoặc con cái bạn đã khi nào có những thắc mắc tương tự và xử lí như thế nào? Những câu chuyện giáo dục bạn
chưa biết chia sẻ cùng ai bạn có thể gửi cho chúng tôi theo địa chỉ
bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/65330/nhung-cau-mang--bat-hu--cua-nguoi-thay.html

“Messi” của toán học 7 lần đến VN

Posted: 26 Mar 2012 02:22 AM PDT

Hội nghị do GS Hoàng Xuân Phú ở Viện Toán học VN đứng ra tổ chức và làm chủ tịch, với sự tham gia của 292 đại biểu, trong đó có hơn 200 đại biểu quốc tế, gồm rất nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới.

 

 



GS Đặng Vũ Minh, chủ tịch Viện Khoa học công nghệ VN, trao bằng TS danh dự cho GS M. Groetschel. (Ảnh: Xuân Sơn)

 

 

Theo sáng kiến của Hội Toán học VN, GS M. Groetschel – tổng thư ký và nữ GS I. Daubechies – chủ tịch Liên đoàn Toán học thế giới – đã đọc hai bài giảng đại chúng về toán học cho các bạn trẻ VN, phần lớn là sinh viên ngành toán và tin học, trong một cuộc gặp gỡ thân mật vào buổi tối.

 

 

Với lời khẳng định: "Toán học là đẹp và cần", bà Daubechies kể nhiều câu chuyện thú vị về nén và truyền ảnh trong khuôn khổ lý thuyết về sóng nhỏ (wavelets), còn ông Groetschel trình bày vô số ví dụ về tối ưu tổ hợp, để rồi chứng minh một cách thuyết phục rằng toán học chính là bản thân cuộc sống của chúng ta: "Khi bạn đi máy bay hay lên xe buýt, khi bạn mua sữa chua hay gọi một cuộc điện thoại…, bạn đều đang sử dụng những thành tựu của toán học".

 

 

Chưa bao giờ gọi được phở

 

 

Thật ra Martin, như tên gọi thân mật mà các nhà toán học VN vẫn dùng để gọi ông, đã là một người quen cũ. Chính ông đã làm rất nhiều, rất tận tình để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân dịp GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields. Nhưng chúng ta chưa biết Martin gắn bó với VN đến mức độ nào: ông đã thăm chúng ta tới bảy lần. Nếu hiểu hết tài năng, tầm ảnh hưởng và sự bận rộn của Martin, chúng ta biết sự ưu ái ông dành cho nền toán học VN, sự tận tâm ông dành cho các bạn trẻ yêu toán ở VN.

 

 

Trong câu chuyện đêm 7-3, Martin kể rằng ông đến VN lần đầu năm 1991, lập tức mê món phở. Như bản tính "toán học" muốn tự mình làm lấy mọi việc, ông đã rất cố gắng tự gọi món này khi vào cửa hàng ăn sáng nhưng chưa bao giờ thành công, vì âm "phở" ông phát ra chỉ làm những người phục vụ cười ngặt nghẽo.

 

 

Nếu bạn vào trang web của cá nhân, danh xưng đầy đủ của ông là Prof. Dr. Dr. h. c. mult. Martin Groeschel. Ông là tiến sĩ danh dự của rất nhiều trường đại học, rất nhiều quốc gia (Dr. h.c. mult.). Cần phải hiểu rằng có hai loại TS danh dự, một dành cho các nhà hoạt động chính trị xã hội, và hai dành cho các nhà khoa học vô cùng tài năng.

 

 

GS H.G.Bock, giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán ở Heidenberg, nói vui: "Ở chỗ chúng tôi, phải cỡ các nhà toán học nhận giải Fields mới được nhận bằng TS danh dự". Từ năm 1982-2011, chỉ tính riêng trong một danh sách rút gọn, GS Groetschel đã nhận 24 giải thưởng khoa học lớn, trong đó có giải Leibniz, giải Jon von Neumann, giải vàng châu Âu… Nói một cách ngắn gọn, ông thuộc về những nhà toán học đương đại tài năng nhất.

 

 

GS Hoàng Xuân Phú, bạn thân của Martin từ năm 1991, nhận xét:"Điều đặc biệt nhất ở ông là sức làm việc khủng khiếp, là sự sáng suốt và tính quy tắc rất nghiêm chỉnh trong mọi công việc".

 

 

Nhận bất cứ email nào Martin cũng sẽ trả lời. Nếu trả lời gọn dưới 3 phút tự ông sẽ viết. Nếu trả lời dài hơn 3 phút, ông sẽ đọc vào máy cho thư ký viết lại. Tốc độ đọc của ông cực nhanh: nếu ông đọc trong 5 phút thì thư ký phải hoàn thành văn bản trong vòng 50 phút. Và vì Martin làm việc ở ba cơ quan khác nhau, nên ông có tới năm thư ký riêng giúp việc. Có lần Martin hẹn đồng nghiệp khoảng 12 giờ trưa sẽ gặp nhau để cùng hoàn thành văn bản cho một dự án. Ông đến đúng giờ hẹn, rồi nói: "Xin lỗi, cho tôi nghĩ thêm ít phút".

 

 

Ông nhắm mắt lại, rồi 10 phút sau mở mắt ra, tuyên bố xong rồi, và đọc một mạch hơn nửa giờ. Đấy chính là toàn văn dự án, mà sau đó hầu như không còn phải sửa chữa gì. Thiết bị quan trọng nhất của Martin chính là máy ghi âm mini, và ông sử dụng cái thiết bị nhỏ nhoi này rất thường xuyên trong các chuyến đi. Martin thuộc về số các nhà toán học mà tên tuổi gắn với nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại.

 

 

Bạn thấy đấy, Martin chính là Messi trong toán học. Bạn có thể tưởng tượng ra rằng Messi đến VN chỉ một lần? Thế mà Martin đến với chúng ta đã những bảy lần, riêng lần này ông dành hẳn một buổi tối cho các bạn trẻ.

 

 

Lòng yêu toán và tối ưu tổ hợp

 

 

Có thể chúng ta chưa thể hiểu hết những gì GS Groetschel nói, vì ngay bản thân các thuật ngữ đã khó hiểu rồi, nhưng tình yêu dành cho toán, ý nghĩa của việc học – hiểu rồi dùng toán, và một phần con đường của toán thì bạn có thể lĩnh hội được, lĩnh hội với lòng mê say.

 

 

 

 

Đến đây, ông chiếu lên những đường phố Berlin mang tên các nhà toán học: Lambert, Euler, Crelle, Kronecker, Kepler, Gauss… Liền sau đó là những cơ sở toán học ở Berlin mà Martin đang làm việc: Viện Zuse (người phát minh máy tính đầu tiên), Viện Toán Trường TU (Tổng hợp kỹ thuật), FU (Tổng hợp tự do), HU (Tổng hợp Humbolt), rồi Matheon-được hiểu là "Toán học cho những công nghệ chìa khóa", nơi tập hợp 200 nhà toán học ứng dụng của ba trường và hai viện toán lớn nhất Berlin).

 

 

Đấy là chưa kể Liên đoàn toán học thế giới cũng có trụ sở ở Berlin (vì GS Broetschel là tổng thư ký)… Martin quả là một diễn giả kỳ tài khi ông nhanh chóng dẫn người nghe về tâm trạng yêu toán để thích nghe về toán.

 

 

GS Groetschel kể về những ứng dụng toán học của ông trong những năm 1991-1993. Khi đó ông giải bài toán tối ưu cho giao thông, cụ thể xe buýt công cộng. Bài toán lúc đầu khá đơn giản, nhưng lời giải đã chỉ ra một khả năng tiết kiệm lớn: giảm 12 xe với không ít các tuyến đường liên quan, trong khi vẫn giữ nguyên khả năng và chất lượng phục vụ.

 

 

Và ông nói khá bất ngờ với người nghe: "Rồi công trình của tôi cũng kết thúc ở chính kết luận này. Một số người không thích lời giải của tôi". Hóa ra ứng dụng toán vào thực tế, ngay ở Đức đôi khi cũng gặp không ít rắc rối ngoài toán học. Lại nhớ bài trả lời phỏng vấn của Groetschel khi GS Ngô Bảo Châu nhận Giải Fields, đại ý: toán học phải tham gia vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng muốn làm được điều ấy cần sự phối hợp của các nhà toán học, các nhà công nghiệp và các nhà chính trị.

 

 

Hiện nay, lĩnh vực hoạt động của các nhà toán học theo hướng tối ưu tổ hợp như GS Groetschel đã vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường của toán học như đa số chúng ta vẫn nghĩ. Họ thâm nhập sâu vào thực tế, cùng các nhà kinh tế lập ra bài toán, tổ chức ngân hàng dữ liệu, lập mô hình toán, làm mô phỏng, tìm lời giải, tìm thuật toán, viết chương trình, giải rồi so sánh với thực tiễn, hiệu chỉnh… Cho đến khi thực tế hành động theo những chỉ dẫn có lợi của toán học.

 

 

 

 

Ông nói rằng đấy là những bài toán rất phức tạp, như bài toán xe buýt ở Berlin lên đến 70 triệu bến, còn lợi ích cho Công ty xe buýt Berlin được hưởng lên đến hơn 400 triệu euro.

 

TS Hoàng Nam Dũng, học trò của GS Groetschel, kể một chuyện vui: "Khi Martin dọn ra nhà mới, nhà nước chỉ làm ống dẫn nước thải đến một điểm trung tâm cả khu dân cư. Còn mỗi nhà phải tự làm ống nối từ nhà mình vào điểm chung ấy. Martin lập tức nghĩ ngay ra bài toán: nếu làm đơn độc từng người sẽ đắt. Vậy thì cùng làm chung nhau. Nhưng mạng ống dẫn từ các nhà sẽ thiết kế thế nào, và mỗi gia đình chịu một cái giá là bao nhiêu?".

 

 

Sau này đấy chính là một hướng nghiên cứu mà TS Dũng đã theo đuổi, gọi là "bài toán phân chia chi phí". Chúng ta có thể tin rằng bài toán tối ưu tổ hợp là bài toán của mọi khía cạnh trong cuộc sống.

 

 

Lao động miệt mài

 

 

 

 

Ông tham gia hoạt động và lãnh đạo các hoạt động toán học không chỉ trên nước Đức mà cả trên phạm vi toàn thế giới, ông trực tiếp làm việc trong cương vị đầu não ở những cơ sở nghiên cứu và giảng dạy toán học mạnh nhất nước Đức. Lĩnh vực nghiên cứu của ông cũng vô cùng rộng rãi: toán học rời rạc, vận trù, tối ưu; ứng dụng toán học trong viễn thông, hậu cần và vận tải, trong thiết kế chip, trong sản xuất công nghiệp và phân phối năng lượng…

 

 

Có thể nói GS Groetschel là nơi gặp gỡ giữa thực tiễn và khoa học, giữa nhiều ngành khoa học khác nhau, và chính ở cái điểm giao lý thú ấy, cây cối đã nảy nhánh, sinh cành, ra hoa và kết trái.

 

 

Điều quan trọng không kém: Martin là người có sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Ông tài năng mà giản dị, nghiêm khắc mà chân thành, tự vắt kiệt mình trong công việc nhưng lại luôn có niềm vui sướng của sáng tạo, tự mình đi tiên phong nhưng bao giờ cũng tổ chức được một cộng đồng gắn bó xung quanh. Martin là nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhà tổ chức và nhà tuyên truyền không mệt mỏi cho toán học.

 

 

Thật hạnh phúc khi nhìn ông cười, khi nghe ông nói, khi ăn cơm và nói chuyện thoải mái cùng ông. Bạn có thể không hiểu toán, nhưng bao giờ bạn cũng có thể hiểu con người ông.

 

 

Tôi đề nghị ông viết đôi dòng cho bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Ông nhíu mày chăm chú: "Viết đôi dòng thì khó đấy, chứ một hai trang thì đơn giản hơn nhiều". Rồi ông cặm cụi viết, gạch xóa, sửa chữa, rồi chép lại trên một tờ giấy sạch.

 

 

Bây giờ bạn đọc có những dòng ông viết trước mặt: "Tất cả chúng ta đều mơ ước thấu hiểu thế giới. Toán học là gốc rễ cho sự thấu hiểu ấy. Nhưng không thể có niềm vui thấu hiểu nếu không lao động miệt mài".

 

 

 

Theo Vũ Công Lập

 

Tuổi Trẻ

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-578685/messi-cua-toan-hoc-7-lan-den-vn.htm

Comments