Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sáng tạo: Trường không có lớp học

Posted: 24 Mar 2012 06:37 AM PDT

Gần đây, một hệ thống trường học mới ở Thụy Điển đã loại bỏ toàn bộ các phòng học để ưu tiên môi trường nuôi dưỡng "sự tò mò và sáng tạo" của trẻ em.

Đây là “Núi” – điểm tập trung của trường

Tập đoàn Vittra, đơn vị điều hành 30 trường học ở Thụy Điển, mong muốn việc học diễn ra ở mọi nơi trong trường – đã xóa bỏ tư tưởng "trường học truyền thống" với những dãy bàn dài xếp thẳng hàng trong 4 bức tường lớp học.

Vittra đã mở trường Telefonplan ở Stockholm theo mô hình mới này. Kiến trúc sư Rosan Bosch đã thiết kế lại trường học để trẻ có thể học tập độc lập trong các không gian mở trong khi nghỉ ngơi, hoặc thực hiện các dự án học tập theo nhóm tại các "ngôi làng".

Trên "Đỉnh núi" là sân chơi và nơi quan sát

 

Trong lòng "Núi" được gọi là “Động”

Trang thiết bị trong trường được bài trí thành các đường uốn lượn nối tiếp nhau, giúp học sinh dễ dàng trao đổi với nhau khi thực hiện các dự án học tập. Đây là một mô hình trường học "phi truyền thống" ở mọi khía cạnh: không có tên lớp, học sinh học trong các nhóm cùng trình độ, không nhất thiết phải cùng độ tuổi. Trẻ có thể xin học tại trường hoàn toàn miễn phí, miễn là có số cá nhân (giống như số bảo hiểm xã hội) và bố hoặc mẹ của trẻ nộp thuế cho Thụy Điển.

 Xem một bộ phim bên trong "Động"

 

Đây là nhà ăn: học sinh được khuyến khích ăn trưa và học tập tại đây

 

Phía trong cửa sổ có không gian dành cho học cá nhân, nơi nhận được ánh sáng tự nhiên và đủ gần để có thể được bạn bè hỗ trợ khi cần

 

"Cây" tạo ra một “không gian tụ họp tự nhiên” – theo lời Rosan Bosch trên trang web của ông. Nó cũng là nơi tham khảo thông tin trong trường học

 

Gần "Cây" là những chiếc bàn nhỏ dành cho hoạt động nhóm

 

Đây là "Ngôi làng", nơi học sinh gặp nhau để thực hiện các dự án học tập

 

Nơi này được Rosan Bosch đặt tên là “nội thất tạo không gian trò chuyện” – nơi học sinh có thể làm việc cá nhân hoặc theo nhóm

 

Mọi trẻ em đều có một máy laptop trong các trường Vittra

 



Trẻ có thể thoải mái nhảy, la hét hoặc nhào lộn trong "Phòng múa"

 

 Đây là "Nhà phấn": bên trái là một phòng đa phương tiện, và bên phải là nơi đọc sách “chiêm niệm cá nhân”

 

“Những hòn đảo ngồi” được thiết kế cho học sinh ngồi nghỉ ngơi hoặc làm việc độc lập

 


Đây là một trong những bản phối cảnh gốc của trường

Đây là qui hoạch của trường

  • Phương Thy (Theo Business Insider)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/63093/sang-tao--truong-khong-co-lop-hoc.html

Trẻ bạc mặt học chữ “đón đầu” lớp 1

Posted: 24 Mar 2012 06:36 AM PDT

Khốn khổ trẻ 5 tuổi luyện chữ

Liên tục hơn một tháng nay, chiều nào cũng vừa rời lớp học là bé Long, đang theo học một trường mầm non ở Q. Tân Bình (TPHCM) lại được bố mẹ cho ăn uống vội vàng rồi "hộ tống" lên xe đến một điểm luyện chữ gần nhà. Cùng với một số bạn, bé học từ 6h30 đến 7h30 tối. Riêng hai ngày cuối tuần, các em học liền 2 ca sáng và chiều.

 

Chị L.T.K, mẹ bé Long kể những ngày đầu phải đến lớp luyện chữ, bé phản ứng rất dữ, khóc không chịu viết, phải mất mấy buổi làm quen. "Đến giờ thì cháu nó viết được chữ rồi, đọc chữ cái rất trôi. Sắp tới, cô sẽ dạy thêm môn Toán. Có vậy mình mới yên tâm cho cháu vào lớp 1".

 

Theo chị K, lý do cho con học chữ trước là sợ khi con vào lớp 1 thua bạn bè vì như chị biết thì nhiều bé cùng lớp cháu Long còn học từ rất lâu. Hơn nữa, chị cho rằng con mình biết rất thông minh, nhanh nhẹn nên muốn con sớm để phát huy khả năng.

 

Với một lịch học dày đặc không kém, con gái chị M, ngụ ở đường Võ Thị Sáu (Q.3) cùng lúc "luyện" chữ tại hai thầy. Tuần 3 buổi vào ngày chẵn, cháu được bố mẹ gửi tại trung tâm luyện chữ. Còn những ngày lẻ, vợ chồng chị M thuê giáo viên về tận nhà để kèm cặp cho con. Các lịch sinh hoạt, vui chơi, đi công viên của con chị trước đây giờ đều gác lại để đầu tư cho việc học.

 

Chị M còn tỏ ra tiếc nuối, lúc đầu vợ chồng họ còn dự tính cho con nghỉ học ở trường mầm non để chuyên sâu học kiến thức lớp 1 trước. Nhưng do không thu xếp được thời gian trông cháu nên đành "vỡ kế hoạch" chứ nếu không, cô con gái nặng 16 kg của chị M còn được luyện… không kém sĩ tử ôn thi đại học.

Không ít gia đình không có điều kiện cho con học ngoài thì bố mẹ còn làm thay việc thầy cô, cứ buổi tối là ngồi vào bàn học dạy chữ cho con. Hay như anh Trần Văn Lợi, nhà ở Q.12 còn nhờ cô sinh viên ở trọ gần nhà… dạy chữ cho cô con gái 5 tuổi của mình. “Cháu nó chưa thích học nhưng tui nghĩ là cần phải học trước”, anh Lợi nói.

Phản khoa học

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, thực tế có một số phụ huynh chỉ cho con học lớp mầm, lớp chồi, còn sang lớp lá là cho nghỉ vì "bận" học thêm. Hoặc nhiều trẻ 5 tuổi chỉ đến lớp lá và kỳ 1, còn sang kỳ 2 lại nghỉ ở nhà học chữ để chuẩn bị vào lớp 1.

Điều này rất phản khoa học vì lớp lá là một giai đoạn tạo nền tảng về nhân cách, sức khỏe, kỹ năng rất quan trọng cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Hiện nay, chương trình giáo dục mầm non mới trẻ được làm quen với chữ viết, con số… nhưng đúng chương trình, mức độ phù hợp với độ tuổi.

 

 
TS Trần Lan Hương (đại diện ban soạn thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi thuộc Bộ GD-ĐT) cho hay, nhiều phụ huynh ngộ nhận việc chuẩn bị cho con vào lớp 1 là tập trung vào việc hình thành các kỹ năng học tập như đọc, viết, đếm… những thứ cơ bản trẻ sẽ học ở lớp 1 mà cần phát triển các chức năng tâm sinh lý để đảm bảo cho việc học. Điều này dẫn đến trẻ phải đi học theo sự ép buộc của bố mẹ. Nếu trẻ bị ép học mà không thích thú sẽ gây áp lực lên bán cầu não trái làm trẻ căng thẳng và mất hứng thú với việc học.

 

 

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-577679/tre-bac-mat-hoc-chu-don-dau-lop-1.htm

Bất ngờ với môn thi tốt nghiệp THPT

Posted: 24 Mar 2012 06:36 AM PDT

Bất ngờ với môn thi tốt nghiệp THPT

TT – Chiều 23-3, Bộ GD-ĐT đã công bố môn thi tốt nghiệp THPT. Sáu môn thi vừa được quyết định giống các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 gồm: toán, văn, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý và hóa học.

Trong đó, môn địa lý là môn thi liên tục trong bốn năm trở lại đây.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM xem thông báo sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tại trường chiều 23-3 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đón nhận thông tin này, theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn học sinh (HS) không quá hoảng hốt, lo âu quá mức vì kỳ thi tốt nghiệp năm nay có cả hai môn lịch sử và địa lý. Tuy nhiên, khi được hỏi tâm trạng trước thông tin này, không có nhiều HS tỏ vẻ vui mừng, thay vào đó là cái lắc đầu.

Ngán hai môn tự luận

Trong khi đó, từ phía các trường và bản thân giáo viên (GV), vì môn địa lý đã được chọn trong ba năm liên tiếp nên không ai bất ngờ khi năm nay thi môn lịch sử. Tất cả GV lịch sử đã chuẩn bị tinh thần thi cử từ đầu năm. Trong khi đó, với môn địa lý, nói như một GV bộ môn này: "Thật lòng thông tin tiếp tục thi môn địa lý một lần nữa cũng có gây áp lực với chúng tôi. Đa số HS và cả một số GV cũng có tâm lý hi vọng năm nay sẽ "thoát" môn địa lý vì kiểu nghĩ: phải hàng chục năm mới có một lần chuyện sử địa song hành trong kỳ thi tốt nghiệp. Giờ thì vừa dạy vừa lo, dạy ôn một môn mà hầu hết HS đều ngán ngẩm, thậm chí bỏ bê, ai không lo lắng mới lạ!".

Cô giáo Kim Anh, chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cho biết: "Dù cũng có chủ quan với môn địa lý nhưng các em không sợ địa lý bằng môn lịch sử". Nguyễn Văn Hòa, HS Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, cho biết: "Dù xao nhãng môn địa vì nghĩ sẽ không thi năm nay, nhưng địa lý là môn có thể "học cấp tốc" để đạt điểm 5". Theo lý giải của thầy cô cũng như nhận định của những HS khá giỏi, môn địa lý được sử dụng Atlat địa lý nên không quá căng thẳng chuyện học bài. Nếu sử dụng Atlat tốt, việc kiếm điểm trung bình không quá khó với môn địa lý. Còn môn sử phải học hết trọng tâm, học tủ chẳng may "trật tủ" coi như bó tay!

HS Nguyễn Hồ Thắm, lớp 12A6 Trường THPT Tây Ninh (Tây Ninh), cho biết lớp em học nâng cao toán, lý, hóa, sinh. "Đối với em, môn sử có chuẩn bị tinh thần, học kỹ bài dễ kiếm điểm. Môn địa lý nói là được sử dụng Atlat, ở trường thầy cũng chú trọng rèn kỹ năng sử dụng Atlat nhưng nhiều bạn không quan tâm các môn xã hội hoặc không có thời gian đầu tư cho môn này. Bởi vậy, đến giờ việc đọc Atlat chỉ sơ sơ nên cũng lo mất điểm môn địa lý".

Trái với tâm lý "bất ngờ, nhưng không sợ" của HS thành phố, ở nhiều nơi khác nỗi lo lắng được chia đều cho tất cả các môn, do mặt bằng học lực của nhiều HS chỉ ở mức trung bình. Cô giáo Ngọc Hoa, Thủy Nguyên – Hải Phòng, cho biết: Với HS trung bình thì môn thi nào cũng đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu với môn vật lý, hóa học, sinh học đòi hỏi phải nắm vững kiến thức trong cả một quá trình thì những môn như địa lý, lịch sử lại được coi là dễ thở. Vì trong hai tháng tới các em chỉ cần chăm chỉ là có thể đạt điểm 5, nhất là với môn địa lý.

Còn thầy Đỗ Hoàng Điệp, hiệu trưởng Trường THPT Xuân Giang, thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội, cho biết:  "Dù bất ngờ nhưng HS vẫn sợ môn lịch sử chứ không sợ môn địa. Môn địa là môn "gỡ điểm" cho HS trong khi môn lịch sử là môn có nhiều sự kiện, con số phải ghi nhớ. Nếu không phải HS học ban C thì các em sẽ rất vất vả để ôn luyện trong hai tháng tới".

Sẽ chạy đua với lịch sử, địa lý

Ở thời điểm này, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã hoàn thành chương trình các môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, từ tuần tới hai môn sử, địa sẽ bắt đầu được tập trung dạy tăng tiết, thay vì 1-2 tiết/tuần mỗi môn theo đúng chương trình, nhiều trường HS sẽ được học 5-6 tiết/tuần đối với môn sử, địa. Số tiết tăng thêm này để bù cho HS (đặc biệt HS trung bình) vì đầu năm đến giờ chưa được tăng tiết sử, địa. Và số tiết tăng thêm cũng nhằm để thầy cô vừa ôn vừa dò bài cho HS. Trong khi đó, số tiết dành cho môn toán ở nhiều trường sẽ là 10 tiết/tuần, các môn còn lại 6-8 tiết.

Nhiều giáo viên THPT tại Hà Nội đều thừa nhận từ đầu học kỳ II, mặc dù các trường đã khởi động tổ chức cho HS ôn thi tốt nghiệp nhưng chủ yếu là tăng tiết các môn toán, văn, ngoại ngữ và các môn thi đại học. Theo GS Văn Như Cương – Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, HS của trường được tăng tiết chủ yếu các môn thi khối A, B. Thầy Nguyễn Quốc Thắng, hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết việc kèm cặp, phụ đạo HS yếu kém chỉ tập trung vào các môn thi tốt nghiệp được biết trước. Như vậy, thời gian tới các trường sẽ phải tăng tiết cho các môn lịch sử, địa lý.

Cứ đến ngày công bố môn thi tốt nghiệp, các trường bắt đầu tập trung cho các môn sử, địa đã không còn là chuyện lạ. Sâu xa hơn, như bày tỏ của nhiều HS, từ đầu năm học đến nay, thậm chí từ lớp 10, các bạn vào học các môn khối A (toán, lý, hóa) và hai môn văn và ngoại ngữ (đối với HS theo khối D). Việc dạy nâng cao hoặc phụ đạo, tăng tiết chủ yếu chỉ được nhà trường tập trung cho các môn này. Môn lịch sử và địa lý cũng chỉ ít ỏi với bình quân 1,5 tiết/tuần theo đúng chương trình. Trong khi kiến thức hai môn này ngồn ngộn, không hề thua kém các môn khác. Nay thi hai môn cùng lúc, HS ngán ngại cũng là điều dễ hiểu.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết việc chọn môn thi năm nay được thực hiện theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên. Hầu hết các trường đều chuẩn bị tinh thần từ đầu năm, thi môn nào cũng là việc bình thường. Chỉ khác thường ở chỗ năm nào cũng cứ đồn đoán và năm nào HS cũng ngán ngại môn sử và địa. Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này như tâm tư của trưởng bộ môn sử một trường THPT tại TP.HCM: "Vấn đề nằm ở chỗ khi dạy và học, nhà trường và HS chọn ban, chọn môn để học nâng cao, nhưng khi thi lại chọn môn ngẫu nhiên.

Từ khi phân ban khoa học xã hội không còn, nhiều trường bỏ lửng các môn sử, địa, HS ngày càng bỏ bê hai môn này. Đó là một bất công mà tất cả GV sử, địa ai cũng không khỏi chạnh lòng. Giải quyết được sự mất cân bằng này mới có thể xóa được tâm lý đồn đoán và tâm trạng căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp hằng năm".

VĨNH HÀ – PHÚC ĐIỀN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/483730/Bat-ngo-voi-mon-thi-tot-nghiep-THPT.html

“Cần phát huy tính chủ động sáng tạo của GV và HS”

Posted: 24 Mar 2012 06:36 AM PDT

(GDTĐ) – "Sử dụng di tích lịch sử để GD truyền thống – cần nâng cao chất lượng dạy học. Quan tâm đến GD nền tảng cho HS, dạy học hiệu quả phù hợp với đối tượng HS và phát huy tính chủ động và sáng tạo của GV và HS…" là những vấn đề được Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh trong chuyến công tác kiểm tra, đánh giá kết quả sau gần 4 năm triển khai, thực hiện 5 nội dung của phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC" tại tỉnh Quảng Ninh hôm nay (23/3).

Trong chuyến kiểm tra, đánh giá kết quả sau gần 4 năm triển khai thực hiện 5 nội dung của phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC" tại tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến kiểm tra thực tế tại Trường  mầm non Cẩm Sơn 2, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Thành phố Cẩm Phả), Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, Trường THPT Uông Bí  (Thành phố Uông Bí).

Tại các điểm đến làm việc, Thứ trưởng đã ghi nhận những thành tích mà tỉnh và Ngành GD Quảng Ninh đã làm được sau gần 4 năm triển khai phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC", đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế mà GD Quảng Ninh cần khắc phục để  làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác kiểm tra tại trường Mầm non Cẩm Sơn 2
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác kiểm tra tại trường Mầm non Cẩm Sơn 2

Tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thành phố Cẩm Phả), một trong những thành phố trẻ nhất của tỉnh Quảng Ninh công tác thực hiện phong trào, thi đua "Xây dựng THTT, HSTC" được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để. Ban giám hiệu nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, đưa những loại hình văn hoá dân gian vào trường học, chăm sóc và tôn tạo di tích văn hoá; xây dựng các tiết dạy mẫu về đổi mới phương pháp dạy học… Trong khuôn viên nhà trường được lát gạch sạch sẽ, có ghế đá cho HS nghỉ khi giờ ra chơi… Nhà trường luôn làm tốt công tác vệ sinh trường lớp, chăm sóc hệ thống cây xanh, HS thực hiện đúng nội qui, qui định vì vậy hàng năm nhà trường luôn đảm bảo an toàn trường học, không xảy ra tai nạn thương tích học đường. Hiện tại nhà trường đã trồng và trồng mới được trên 150 cây. Trong đó có 33 cây bóng mát và hơn 100 cây cảnh trong đó có nhiều cây cảnh có giá trị. Hàng năm HS nhà trường luôn được hoạt động trong cảnh quan môi trường xanh.

Đặc biệt, các chương trình GD ATGT, phòng chống bạo lực học đường, trò chơi điện tử có nội dung không lành mạnh, phòng chống đuối nước, bảo đảm an toàn khi đến trường được tiến hành lồng ghép vào các môn học thông qua môn GD công dân, Đạo đức… Ngay đầu năm học mới, nhà trường tổ chức cho HS học tập nội qui nhà trường đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua của các lớp, của chi đội nhằm GD HS ý thức giữ gìn và bảo vệ cây xanh, giữ gìn môi trường  xanh, sạch đẹp và an toàn trong trường học.

Việc tuyên truyền, GD truyền thống lịch sử và văn hoá, giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, các lễ hội, di tích, di sản, tìm hiểu lễ hội cũng được lồng ghép vào nội dung chương trình dạy học theo chủ điểm, được triển khai đến từng GV và HS.

Đại diện đoàn kiểm tra dự giờ học Văn của các em HS trường Tiểu học Võ Thị Sáu
Một thành viên đại diện đoàn kiểm tra dự giờ học Văn của các em HS trường Tiểu học Võ Thị Sáu

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết: "Để GD tinh thần uống nước nhớ nguồn cho HS, trường thường xuyên tổ chức cho các em tham gia tham quan các khu di tích lịch sử trên địa bàn thành phố và trong tỉnh như: Đền Cửa Ông, Chùa Yên Tử, Vịnh Hạ Long… nhằm khơi dậy lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống trong huyện, thành phố, tỉnh qua đó hình thành ý thức học tập. Qua đó tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng cho HS trở thành hướng dẫn viên các di tích ở địa phương mình cho khách du lịch. Từ đó HS mạnh dạn, tự tin, hứng thú tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, giao lưu và sinh hoạt cộng đồng…".

Khi được hỏi em hiểu thế nào về phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC", em Nguyễn Huy Hoàng, HS lớp 5 trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: "Theo em hiểu, trường học thân thiện phải là ngôi trường mà ở đó có sự tận tuỵ, yêu thương của các thầy, cô giáo dành cho HS. Là sự biết ơn của HS đối với thầy, cô qua sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong học tập và rèn luyện để đạt kết quả tốt nhất. HS lớp dưới xưng hô với lớp trên là anh chị, lớp trên gọi lớp dưới là em, cùng lớp, cùng tuổi thì phải gọi nhau là bạn, xưng tên, tạo nên sự thân mật và ấm cúng. Đặc biệt, có ý nghĩa nhất đối với chúng em chính là những cuộc thi tìm hiểu về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, địa chỉ các bà mẹ VN anh hùng trên địa bàn… đã khơi dậy cho lớp trẻ chúng em lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cách mạng, qua đó để hình thành ý thức học tập. Còn ở lớp, trong các buổi sinh hoạt tập thể hay giờ ra chơi, chúng em thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian, dân tộc giữa các nhóm bạn, qua đó chúng em phần nào hiểu nhau hơn và gắn bó hơn với nhau hơn…".

Môi trường sư phạm, cảnh quan được các trường quan tâm chăm chút
Môi trường sư phạm, cảnh quan được các trường quan tâm chăm chút

Kiểm tra một số trường tại thành phố Uông Bí, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV cho biết: Tập thể GV, HS trường THPT Uông Bí hay trường THCS Nguyễn Văn Cừ cũng như một số trường khác mà đoàn đến kiểm tra đã thực hiện rất tốt phong trào "Xây dựng THTT, HSTC". Qua kiểm tra cho thấy giữa số liệu báo cáo và thực tế rất sát nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở, lãnh đạo các Phòng GD cũng cần phải đẩy mạnh, bám sát tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để các GV, các em HS nhận thức được mục đích, ý nghĩa của phong trào này. Ngoài ra, BGH một số trường cần kiểm soát tốt hơn nữa bài giảng của GV, nhất là những bài giảng dùng trên máy tính… Cùng đó, nhà trường cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn, qua đó sẽ xác định được mục tiêu của từng bài giảng. GV của từng bộ môn sẽ có thể thống nhất được cách thức tổ chức, trình bày, nội dung của từng bài, từng môn học vì qua sinh hoạt bộ môn, những sáng kiến, đổi mới của mỗi GV sẽ được đem ra mổ xẻ, tranh luận, cuối cùng sẽ đưa ra được cách thức giảng dạy tối ưu nhất… Từ đó các GV của từng bộ môn sẽ có những bài giảng đồng nhất về nội dung để làm sao các em HS sẽ tiếp thu và hiểu bài giảng được nhanh hơn…

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Thuấn, Giám đốc Sở GD -ĐT Quảng Ninh cho biết: Là những người trực tiếp tham gia vào phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC", tôi thấy chúng ta vẫn tập trung nhiều vào để xây dựng trường học thân thiện, còn làm sao để cho HS tích cực thì nhiều BGH trường vẫn chưa quan tâm nhiều. Theo tôi, quan trọng nhất và để phát huy phong trào được lan toả hơn nữa là GV phải làm thế nào để HS tích cực, cho các em thấy mình được làm chủ, không tự ti, sống cởi mở hơn… Bởi cho dù thầy cô giáo có tích cực đến mấy, trường học có thân thiện đến mấy mà HS không tích cực, không thân thiện thì chắc chắn phong trào cũng sẽ không đem lại nhiều kết quả…

Đánh giá kết quả sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao công tác
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao việc triển khai thực hiện phong trào "Xây dựng THTT, HSTC" của Ngành GD Quảng Ninh trong thời gian qua

Đánh giá kết quả sau khi kiểm tra một số trường học trong việc thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC" của tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý, tuy phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC" ở Quảng Ninh đã được triển khai khá tốt và sâu rộng, các trường khá khang trang sạch đẹp, các em HS hăng hái tham gia các hoạt động. Tuy nhiên, thời gian tới BCĐ tỉnh vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa những nội dung GD văn hóa truyền thống cho HS thông qua các trò chơi dân gian, chăm sóc các di tích lịch sử, người có công với cách mạng, gia đình neo đơn, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn… Đối với các công trình trường học, nhất là đối với các công trình trường học đã và sẽ được triển khai xây dựng, cần phải chú ý đến khu vực vệ sinh đúng chuẩn. Những trường học có khu vệ sinh không đạt chuẩn cần sớm có hướng khắc phục nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em HS, đặc biệt là những em HS ở một số huyện vùng sâu, vùng xa…

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Quảng Ninh cần triển khai, đẩy mạnh hơn nữa phong trào, BCĐ tỉnh cần đặt ra kế hoạch chung mang tính đặc trưng của địa phương. Nhưng để phong trào có sức lan toả và triển khai sâu rộng hơn nữa mỗi đơn vị GD, mỗi trường cần tìm và tạo điểm nhấn riêng cho mình, làm phong phú, đa dạng hơn các nội dung của phong trào chứ không nên rập khuôn máy móc… để phong trào "Xây dựng THTT, HSTC" không ngừng được đẩy mạnh và phát triển.

Trung Toàn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201203/Can-phat-huy-tinh-chu-dong-sang-tao-cua-GV-va-HS-1960130/

Sẵn sàng ứng dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy

Posted: 24 Mar 2012 06:29 AM PDT

(GDTĐ)- Để chuẩn bị cho ứng dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy, ngày 22/3, tại trường THCS Trần Phú, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã dạy thử nghiệm ở ba môn Sinh, Lý, Hóa và tổ chức hội thảo phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột" cấp THCS ngay sau đó. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã dự “tham vấn” tiết học và hội thảo.

Tại hội thảo, ý kiến của các giáo viên tham gia đều cho rằng: qua thực tế thử nghiệm phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột” (BTNB), đây là một phương pháp dạy học tích cực, giúp hình thành thế giới quan khoa học và niềm say mê sáng tạo cho học sinh.


 Tiết dạy thử nghiệm môn sinh học theo phương pháp BTNB tại trường THCS Trần Phú. Ảnh, gdtd.vn

Ở phương pháp này, HS được tham gia các thí nghiệm, rồi tự đưa ra đánh giá, thảo luận so sánh kết quả với các bạn trong nhóm để đi đến kết quả. Hầu hết HS đều cảm thấy hứng thú, chủ động trong suốt quá trình thời gian của tiết học, nắm vững kiến thức, hiểu bài sâu hơn.

Để vận dụng phương pháp này vào giảng dạy, y kiến của giáo viên các trường THCS tại đây đều nhận định: đội ngũ giáo viên các trường THCS hiện nay đều chuẩn về trình độ và vững vàng về chuyên môn, sẵn sàng cho ứng dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy.

Tuy nhiên, giáo viên vẫn còn một số băn khoăn, như: nếu áp dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chỉ có thể đáp ứng được một phần trong tổng sĩ số các trường hiện có, lớp học thực tế đông hơn lớp học thử nghiệm rất nhiều; một bộ phận giáo viên còn thiếu kĩ năng về phương pháp mới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: hiện nay, giáo viên các trường học trên địa bàn có thế mạnh và thuận lợi là tuổi đời trẻ, năng động, sáng tạo trong giảng dạy, có nhiều kĩ năng dạy học tích cực và ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như sử dụng tốt trang thiết bị dạy học vào các tiết học. Tất cả những thế mạnh, kĩ năng đó đều rất cần thiết cho áp dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy.

 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: để ứng dụng BTNB vào dạy học, “cứ đi rồi sẽ thành đường”. Ảnh, gdtd.vn

Thứ trưởng cho biết, trên thực tế, phương pháp BTNB thực ra không hoàn toàn là mới đối với các giáo viên. Về cơ bản, đây là phương pháp tổng hợp của các phương pháp dạy học trước đây mà giáo viên đã từng tiếp xúc như: phương pháp giảng dạy giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học tích cực…

Trong phương pháp BTNB, yêu cầu đặt ra đối với giáo viên là tạo tình huống để học sinh phát hiện ra vấn đề trong bài học, từ đó để các em tự đưa ra các tình huống giải quyết vấn đề để đi đến kết quả.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định, phương pháp BTNB là phương pháp giúp tạo lập cho học sinh thói quen làm việc như các nhà khoa học và niềm say mê sáng tạo phát hiện, giải quyết vấn đề. Mục tiêu này rất quan trọng bởi trong cuộc sống các em gặp phải rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Do vậy giáo viên phải là người hướng dẫn cho học sinh kĩ năng tự mình phát hiện và giải quyết vấn đề ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Về các khó khăn mà các giáo viên nêu, Thứ trưởng cho rằng, đây là những khó khăn trước mắt, hoàn toàn có thể khắc phục trong quá trình ứng dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy.


Theo đánh giá, trong tiết học dạy bằng phương pháp BTNB, học sinh say mê nghiên cứu, thảo luận theo nhóm và rất hứng thú với phương pháp này. Ảnh, gdtd.vn

Lấy ví dụ như khó khăn về vấn đề thiếu thiết bị trực quan để học sinh thực hành trong giờ học BTNB, Thứ trưởng cho rằng, với phương pháp này giáo viên có thể linh hoạt ứng dụng những đồ dùng đơn giản nhất hiện có vào bài giảng; bên cạnh đó, hoàn toàn có thể tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học từ những vật liệu sẵn có để phục vụ bài giảng…

Khi các giáo viên và học sinh đã giảng dạy và học tập quen với phương pháp BTNB rồi thì các khó khăn khác đều sẽ được giải quyết. Thời gian trên lớp, giáo viên tập trung vào hướng dẫn học sinh phát hiện vấn đề, thảo luận nhóm; phần giải quyết vấn đề, có thể giao cho học sinh tự hoàn thành trong thời gian ở nhà…

Thứ trưởng khẳng định: “cứ đi rồi sẽ thành đường”; để ứng dụng BTNB vào dạy học, điều quan trọng nhất, như mọi vấn đề khác mà giáo viên thường phải giải quyết, đó là có đủ nhiệt huyết, quyết tâm để triển khai phương pháp mới hay không? Sau đó, cùng với giáo viên khác và đồng nghiệp trong tổ chuyên môn, nhà trường sẽ từng bước rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai giảng dạy.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201203/San-sang-ung-dung-phuong-phap-Ban-tay-nan-bot-vao-giang-day-1960109/

Trò tiểu học lướt web tả đồ vật

Posted: 24 Mar 2012 06:28 AM PDT

Hình ảnh học sinh tiểu học dùng điện thoại lướt web… hiện không còn lạ lẫm. Chính thói quen này cùng sự thiếu quan tâm của người lớn khiến nhiều em trở nên lạm dụng trong cả việc học như lên mạng chép văn mẫu, lấy điện thoại chụp bài giảng, thậm chí các phép tính đơn giản cũng dùng máy tính bỏ túi…

Lên mạng chép bài mẫu

Con trai chị B. (quận Tân Bình) năm nay học lớp 5. Chị B. cho cháu làm quen và dùng máy vi tính từ lúc tám tuổi vì muốn cháu phát triển trí thông minh. Một lần chị đọc được bài văn tả đồng hồ báo thức của con. Bài văn khá chỉn chu, câu chữ sinh động: "Đồng hồ hình tròn và dẹp như một khoanh bánh tét, kim giây nhảy nhót theo nhịp gõ đều đều chẳng hề mệt mỏi, tiếng kèn vang lên thật hùng tráng…". Nhưng càng đọc, chị phát hiện cái đồng hồ con mô tả trong bài chẳng giống gì với cái đồng hồ ở nhà. Chị thắc mắc hỏi con liền được cậu bé giải thích: "Vì không biết viết thế nào cho hay nên con viết theo trên mạng". "Mình hỏi con chỉ cách làm, nó liền mở máy tính xách tay, gõ ngon lành trong trang tìm kiếm Google với dòng chữ như nội dung đề bài. Sau đó, lấy ở mỗi trang web một vài câu hay hay, rồi thêm bớt một chút để thành bài văn hoàn chỉnh" – chị B. kể.

Dò hỏi, chị B. biết thêm một số bài văn khác cô giáo cho về nhà làm, con chị cũng dùng vi tính để lên mạng làm bài. Sau bữa đó, chị không cho con động đến máy tính nữa vì sợ bé ỷ lại rồi phụ thuộc vào nó.



Việc trẻ sử dụng công nghệ trong lứa tuổi tiểu học chỉ là sự tò mò khám phá, không kích thích sự sáng tạo và trí thông minh của trẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp), cho biết phần lớn học sinh tiểu học chưa rành về công nghệ để lạm dụng trong việc học. Tuy nhiên, cũng có một vài em ở khối lớp 4, 5 khá thạo, lên mạng copy những bài văn mẫu xuống chép. "Những bài tập đơn giản như tả cây cối, con vật… cũng có em lên mạng chép nguyên xi bài mẫu. Khi đọc, tôi phát hiện liền vì giọng văn khác lạ, câu cú hay và bay bổng, khác với lối viết ngây ngô bình thường của các em. Tôi nói với các em làm như vậy giống như ăn cắp của người khác, như thế là rất xấu.Một vài lần như vậy các em sẽ sợ, không tái diễn nữa" – cô Thúy chia sẻ.

Cần là bấm!

Giờ tan trường, trong khi chờ phụ huynh đến đón về, một nhóm học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) mang điện thoại ra lướt web, xem video, chỉ cho nhau cách tìm kiếm thông tin… Hỏi các em thường sử dụng điện thoại vào những việc gì, có em trả lời ngay để giải những bài tập khó cô giao về nhà, chat với bạn, nghe nhạc, chơi game…

Chị Dung, ở quận Phú Nhuận, có con học lớp 5, cho biết vợ chồng chị đi làm cả ngày, còn con học bán trú trong trường. Chị sắm cho con chiếc điện thoại để thỉnh thoảng gia đình gọi điện thoại biết tình hình con học và chơi ở trường. Một lần vô tình mở mục hình ảnh trong điện thoại, chị ngỡ ngàng khi thấy những bức ảnh chụp bài giảng của cô ghi trên bảng, những trang bài ghi từ vở của các bạn trong lớp (con mang về nhà chép lại vào vở). Chị thật sự lúng túng, chỉ biết la con chứ không thể cấm con sử dụng điện thoại.

Nguyễn Thúy Hòa, sinh viên, làm gia sư cho gia đình có hai anh em học lớp 3 và 6 tại quận Bình Thạnh, kể cả hai lúc nào cũng kè kè máy tính bỏ túi hoặc điện thoại bên cạnh để lúc "cần là bấm". "Nhiều bài tập có phép tính rất đơn giản như 3+5, 7+12, 32:4 các em cũng dùng đến máy tính, ít khi tính nhẩm hoặc dùng nháp. Lúc nào mình nói không được xài thì các em mới thôi, cũng có lúc chúng còn cãi lại "sinh ra máy tính để làm gì, bấm cho nhanh để còn học nhiều cái khác nữa" là mình chịu luôn!" – Hòa ngao ngán thuật lại.

Trẻ thạo công nghệ: Con dao hai lưỡi

 

Phụ huynh cho con sử dụng những công nghệ như laptop, điện thoại… ngay bậc tiểu học là sai lầm. Việc trẻ sử dụng công nghệ chỉ là sự tò mò khám phá, không kích thích tính sáng tạo và thông minh của trẻ, dẫn đến trẻ lười suy nghĩ khiến não bộ không phát triển tốt. Sự thông minh phải được hình thành từ quá trình tư duy lên não một cách liên tục như tính nhẩm, hưởng thụ âm nhạc, suy nghĩ… Sử dụng các thiết bị công nghệ làm cho tình cảm của các em dành cho sự vật giảm, cảm xúc giao tiếp trong cuộc sống và đối với cả người thân trong gia đình sẽ dần mất đi. Những nội lực trong bản thân các em như sự chăm chỉ, cố gắng, tư duy… cũng sẽ từ từ biến mất vì đã có công nghệ làm thay. Chưa kể, trong quá trình sử dụng, các em sẽ tò mò, bị dẫn vào những điều xấu như game, thông tin không hay, vừa làm mất thời gian vừa ảnh hưởng xấu đến trẻ.

 

Tuy nhiên, nếu biết kết hợp hài hòa giữa việc tự học và sử dụng công nghệ sẽ giúp các em bổ trợ tốt cho việc học như mở rộng kiến thức, dùng máy tính kiểm tra kết quả để đỡ tốn thời gian…

 

Nếu phụ huynh có điều kiện cho con sử dụng công nghệ nên giao ước và kiểm soát chặt về thời gian, mức độ sử dụng, nói rõ tác hại… để trẻ hiểu. Khi thấy con có dấu hiệu lạm dụng phải can thiệp ngay đừng để thành thói quen. – ÔngNGUYỄN THÀNH NHÂN,giảng viên Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương

 

"Thiếu gia" Mỹ đua nhau học trường "nguyên thủy"

 

Trong khi các trường học tại Mỹ đều trang bị máy tính trong lớp và coi đó là biểu hiện của một nền giáo dục thời hiện đại, Trường Waldorf vẫn trung thành với phương châm giáo dục hướng về "tự nhiên". Dụng cụ học tập nơi đây vô cùng giản dị với bảng đen, phấn trắng, một giá sách đặt những cuốn bách khoa toàn thư, vài cuốn vở bài tập và bút chì được đặt ngay ngắn trên bàn.

 

Theo cách lý giải của Waldorf, việc phụ thuộc vào máy vi tính khiến học sinh trở thành những nô lệ của máy móc. Chúng sẽ mất tập trung và thiếu hụt kỹ năng giao tiếp căn bản giữa người với người nếu quá lạm dụng các vật dụng công nghệ cao.

 

Điều đặc biệt, học sinh của trường này chủ yếu là con của nhiều đại gia ở Mỹ, thậm chí là những người "máu mặt" trong ban quản trị của eBay, Google, Apple, Yahoo, HP…

 

Pháp luật TPHCM

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-578046/tro-tieu-hoc-luot-web-ta-do-vat.htm

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Cần chuẩn bị tốt cho HS về kiến thức, kỹ năng và tâm lý

Posted: 24 Mar 2012 06:28 AM PDT

(GDTĐ) – Bộ GD-ĐT không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lấy danh nghĩa Bộ để in và phát hành tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 

Chuẩn bị thật tốt về kiến thức, kỹ năng, tâm lý… là "hành trang" vững chắc giúp các thí sinh tự tin trước bất cứ kỳ thi nào, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, làm thế nào để có những "công cụ" ôn tập tốt nhất, phương pháp ôn thi khoa học nhất… là điều các thí sinh rất quan tâm. Xung quanh vấn đề ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT sắp tới, GDTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ GD trung học, Bộ GD-ĐT.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 sẽ được tổ chức vào các ngày 02, 03 và 04/6/2012. Hiện nay, các trường THPT đang tăng cường chỉ đạo cho học sinh ôn thi tốt nghiệp. Liệu có xảy ra tình trạng một số trường cắt xén chương trình và chỉ tập trung vào dạy – học những môn thi tốt nghiệp THPT hay không, thưa ông? Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì về vấn đề này?

Ông Vũ Đình Chuẩn
Ông Vũ Đình Chuẩn

Ông Vũ Đình Chuẩn: Trong chỉ đạo, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch của các Sở GD-ĐT, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2011-2012 và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ; tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã qui định. Việc giảm thời lượng học một số môn học được cho là "môn phụ" là trái với chủ trương của Bộ.

PV: Năm nào cũng vậy, trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, tình trạng học tủ, học lệch luôn tồn tại trong một bộ phận HS. Bộ GD-ĐT đã có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Vũ Đình Chuẩn: Trong việc tổ chức dạy học, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rất rõ: Các nhà trường phải dạy học đầy đủ tất cả các môn trong chương trình giáo dục cấp THPT nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT của Bộ GD-ĐT cũng không có kẽ hở cho việc học tủ, học lệch.

Bên cạnh đó, trong việc tổ chức dạy học cũng như trong ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ luôn chỉ đạo các Sở GD-ĐT hướng dẫn GV dạy học theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Riêng với các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012, GV cần phải hướng dẫn HS ôn tập đầy đủ, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú trọng việc giúp HS thông hiểu và vận dụng kiến thức. Cần lưu ý rằng, nếu chọn cách học tủ, học lệch thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của HS sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may rủi. Điều này cũng tạo cho HS tâm lý lo lắng, không yên tâm khi ôn tập cũng như làm bài thi, bởi không có nền tảng kiến thức vững vàng.

 PV: Thực tế, nhiều HS, CMHS và ngay cả một số GV cũng chưa thực sự cảm thấy yên tâm khi tiến hành ôn tập thi tốt nghiệp THPT chỉ dựa vào sách giáo khoa. Theo ông, việc sử dụng sách tham khảo trong ôn thi tốt nghiệp THPT có cần thiết không? 

Ông Vũ Đình Chuẩn: Như đã nói ở trên, trong quá trình dạy và học cũng như ôn tập, chủ trương chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là GV và HS dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Bên cạnh đó, Bộ không có giới hạn chương trình ôn tập mà nói rõ, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012 dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Như vậy, khi HS đã học đầy đủ chương trình theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, thì theo tôi, tài liệu để ôn thi tốt nghiệp THPT tốt nhất vẫn là sách giáo khoa, kết hợp sử dụng sách bài tập theo qui định của Bộ GD-ĐT và vở ghi của HS. Ngoài ra, HS có thể sử dụng các tài liệu tham khảo để ôn tập thi tốt nghiệp phù hợp với khả năng nhận thức của mình.

PV: Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sách hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT và theo chúng tôi được biết, có nơi Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường học vận động HS mua. Ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Vũ Đình Chuẩn: Bộ GD-ĐT không chỉ đạo việc biên soạn, in và phát hành tài liệu ôn thi tốt nghiệp lớp 12 THPT năm 2012 và không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lấy danh nghĩa Bộ để làm việc này. HS muốn tham khảo thêm tài liệu nào là tùy quyền lựa chọn của các em. Nếu nơi nào chỉ đạo các trường học vận động hoặc ép buộc HS mua là trái với chỉ đạo của Bộ.

PV: Trong hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2012, GV và HS cần vận dụng các phương pháp ôn tập như thế nào để đạt được hiệu quả cao, thưa ông? 

Ông Vũ Đình Chuẩn: Vận dụng kết hợp các phương pháp ôn tập phù hợp là rất cần thiết để giúp HS có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc ôn tập. Bộ GD-ĐT lưu ý các nhà trường và GV cần kết hợp hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp. Kết hợp nhiều phương thức ôn tập như vậy không những có tác dụng giúp HS tự kiểm tra đánh giá được kết quả ôn tập của mình, mà còn nhận được sự kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra, đánh giá chung của toàn lớp, toàn trường. Từ đó, HS sẽ phát hiện được những phần kiến thức còn thiếu hụt để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời; đồng thời, HS cũng có thể trao đổi với nhau những cách ôn tập hay.

Bên cạnh đó, GV chủ nhiệm lớp cần phối hợp với GV dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm HS lớp mình theo khả năng nhận thức; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những HS học lực yếu; cử GV có khả năng, kinh nghiệm và vận động những HS khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những HS này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Ngoài ra, các trường THPT và GV chủ nhiệm, GV bộ môn phải thống nhất với HS và cha mẹ HS để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của HS, giúp cho việc ôn tập có hiệu quả nhất, nhưng không quá tải…

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

PV: Ông có lưu ý gì đối với các Sở GD-ĐT, các trường THPT  và với mỗi GV trong việc ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT cho HS?

Ông Vũ Đình Chuẩn: Để giúp HS có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, về phía các Sở GD-ĐT, cần sớm triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012; trong đó chú trọng rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập cho HS ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011; chỉ đạo các trường THPT triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng HS nhằm tổ chức tốt việc ôn tập cho HS lớp 12, nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Về phía các trường THPT, cần chỉ đạo các tổ chuyên môn, GV dạy môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập; biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp; có hướng dẫn, gợi ý trả lời. Bên cạnh việc ôn tập trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ, nhà trường và GV cần tổ chức tốt việc ôn tập cho HS theo từng chủ đề: nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các chương, bài khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12: nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập.

Bên cạnh đó, GV bộ môn cần chú trọng hướng dẫn HS biết cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi; chuẩn bị cho các em tâm lý tự tin trước khi bước vào kỳ thi.

Một vấn đề cũng rất quan trọng là các nhà trường, GV chủ nhiệm, GV bộ môn cần hết sức chú trọng khâu thu nhận thông tin phản hồi về những thuận lợi, khó khăn và kết quả ôn tập của từng HS, từng lớp, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý trong việc chỉ đạo và tổ chức ôn tập cho HS, nhằm nâng cao hiệu quả của việc ôn tập.

PV: Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, theo ông, HS cần trang bị cho mình "hành trang" như thế nào?

Ông Vũ Đình Chuẩn: Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, HS cần chuẩn bị thật tốt về kiến thức, kỹ năng và tâm lý. Ngoài việc nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và biết vận dụng những kiến thức đó khi làm bài thi, các em HS cần chuẩn bị một số kỹ năng quan trọng như: Biết tổng hợp kiến thức của các phần, các chương và của toàn bộ chương trình THPT đặc biệt là chương trình lớp 12; biết tự tổ chức thảo luận theo nhóm, trao đổi, tranh luận để hiểu sâu hơn về kiến thức, tự trau dồi kiến thức một cách chủ động; có các kĩ năng phân tích để hiểu đề thi, trình bày bài thi. Các em cần nắm được quy chế thi và thực hiện đúng quy chế để tránh những điều sơ xuất hoặc vi phạm trong khi thi, ảnh hưởng đến kết quả thi. Bên cạnh đó, các em cần tự tin vào kiến thức của mình, chuẩn bị tâm thế chủ động, vững vàng khi bước vào kỳ thi bởi yếu tố tâm lý đóng một vai trò không nhỏ trong kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng và các kỳ thi quan trọng nói chung.

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201203/On-thi-tot-nghiep-THPT-Can-chuan-bi-tot-cho-HS-ve-kien-thuc-ky-nang-va-tam-ly-1960087/

Kỹ năng sống

Posted: 24 Mar 2012 06:27 AM PDT

Ai được học, có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, ứng biến tích cực với mọi tình huống xảy ra, biết cách đối diện và đương đầu, vượt qua những khó khăn, hạn chế những mâu thuẫn, xung đột, bạo lực…, người đó được rèn luyện, phát triển tính cách tự chủ, tự tin vào bản thân, tinh thần trách nhiệm cùng khả năng diễn đạt, thuyết phục, thói quen chia sẻ, giúp đỡ người khác. Đó chính là những yếu tố quan trọng giúp mỗi người đạt được thành công trong đời.

Học kỹ năng sống, vì vậy, không chỉ cần cho trẻ em, mà cả người lớn cũng vậy. Thiếu kỹ năng sống, một người lớn cũng có thể “gục ngã", đầu hàng cuộc sống bằng nhiều cách tiêu cực, nói chi dạy dỗ thế hệ trẻ… Không ít người trưởng thành cũng hạn chế các kỹ năng như giữ gìn hạnh phúc, kiểm soát bản thân, làm chủ thời gian sống… Kỹ năng sống vì vậy chả nên coi là vấn đề để “lên lớp", dạy khôn. Đó là vô số kỹ năng, cách xử thế, kinh nghiệm trực tiếp cần cập nhật, có thể bàn bạc giữa các thế hệ để xử lý tối ưu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày". Đó có thể là một tập hợp những khả năng được rèn luyện và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cuộc sống hiện đại hóa. Bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy về kỹ năng sống, ông Trần Văn Hoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vườn ươm Doanh nghiệp Tâm Việt – Hà Nội thống kê thấy trẻ ở những gia đình thu nhập trung bình lại có kỹ năng sống tốt, biết chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người thân, biết tự giác tổ chức cuộc sống cho mình, bảo vệ bản thân trước nguy hiểm và biết cách vượt qua khó khăn

Một người lớn tuổi cũng có thể học kỹ năng sống từ lớp trẻ, như kỹ năng quản lý tài chính (cá nhân), sử dụng các loại thẻ ngân hàng, điện thoại di động, vi tính, xử lý tình huống nếu kẹt thang máy, nếu lạc trong sân bay quốc tế… Lớp trẻ lại có thể học kỹ năng chuẩn bị thức ăn, vệ sinh, cách diễn đạt và kỹ năng tổ chức…ngay tại nhà, chính từ cha mẹ mình.

Cách học đó hay và hiệu quả vì kỹ năng sống gắn với thực tế, đi liền với cuộc sống các thế hệ, nhất là khi không ít người lớn cũng thiếu kỹ năng sống. Không ít người gọi nhầm số điện thoại mà không xin lỗi, vào phòng không gõ cửa, không nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ, để chuông di động réo ầm ĩ trong cuộc họp, nói chuyện oang oang trong buổi hòa nhạc… Hãy nhìn quanh ta xem biết bao người cả một đời cũng không có nổi được kỹ năng đơn giản đó, đừng nói tới những kỹ năng phức tạp và tinh tế hơn nhiều!

Cách đây ít lâu, Bộ GDĐT tổ chức hội thảo Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông. Tại Hội thảo, chuyên gia Phan Thị Lạc nói: “Hãy nhìn vào tội phạm trẻ vị thành niên đang gia tăng; hành vi ứng xử tiêu cực khi các em gặp phải sự cố bất thường nho nhỏ trong cuộc sống; học sinh 18 tuổi tốt nghiệp THPT không biết lựa chọn cho mình hướng đi nào… Để tồn tại và phát triển, con người cần đứng vững và bước vững chắc trên đôi chân của mình và cần có kỹ năng sống".

Và nhiều cha mẹ say sưa cho con đi học kỹ năng sống, ngành giáo dục coi việc tăng cường kỹ năng sống cho học sinh là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng như Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Thạc sĩ Đỗ Doãn Hải, thì với kỹ năng sống, cũng như giá trị sống của mỗi học sinh, cần phải hoàn thiện theo cơ chế hình thành nhân cách, chứ không phải cứ học là có, cứ dạy là cảm thụ được. Vả lại, nhất trí việc dạy kỹ năng sống trong trường học trở thành nhu cầu cấp thiết nhưng dạy như thế nào?

Rõ ràng giảng dạy kỹ năng sống không giống như các môn học khác. Kỹ năng sống phải được giảng dạy theo phương thức tương tác, trải nghiệm thực tế, không thể là những bài học lý thuyết thông thường. Đòi hỏi số một là giáo viên phải được trang bị và thực hành thành thạo các phương pháp giảng dạy kỹ năng sống, gần gũi, thân thiện với học sinh và còn cần có vốn sống phong phú, những trải nghiệm của sóng gió cuộc đời và trên hết phải có tấm lòng nhân hậu. Đây dường như là một thách thức lớn với đa số giáo viên ở mọi vùng miền. Song nếu trong các bài giảng kỹ năng sống, học sinh không được suy ngẫm, trải nghiệm để khám phá các giá trị, cùng nhau thảo luận để hiểu sâu thêm và đồng cảm, e khó cảm nhận về giá trị sống một cách sáng tạo nhằm phát triển các kỹ năng. Ngay tại Hà Nội, rất ít trường học được trang bị phòng “Tham vấn học đường" giúp học sinh giải quyết những khúc mắc, dù việc này cần thiết.

Và điều cực kỳ quan trọng, để giáo dục giá trị sống thành công, mỗi giáo viên và phụ huynh phải trở thành tấm gương sống đúng với các giá trị. Thiếu kỹ năng sống và không được giáo dục về giá trị sống, con người có những biến động phức tạp trong nhân cách, dễ suy thoái về đạo đức dù ở độ tuổi nào. Nếu không có nền tảng giá trị sống, sẽ không biết cách tôn trọng bản thân và người khác, không biết cách hợp tác, không biết cách xây dựng và duy trì tình đoàn kết trong mối quan hệ, không biết cách thích ứng trước những đổi thay, có khi còn tỏ ra tham lam, cao ngạo về những kỹ năng nhất định mình có được. Trong khi đó, người lớn ở ta chưa quen, chưa cần đến “tham vấn" mỗi khi có khó khăn về cuộc sống và tâm lý.

Ngành giáo dục đang bắt tay vào việc đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong nhà trường. Thế nhưng cần hơn chính là chuyện người lớn, nhất là các thầy cô giáo, phải là một tấm gương về điều này.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-577939/ky-nang-song-nguoi-lon-cung-can.htm

Comments