Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Những phụ huynh tước đoạt niềm tin yêu

Posted: 17 Mar 2012 04:51 PM PDT

- Sự "quan tâm" của phụ huynh đang trở nên
thái quá khiến nhiều bạn trẻ có cảm giác mất lòng tin vào gia
đình, mặc cảm với bản thân.


Ảnh minh họa: Cha mẹ thương yêu và cũng cần có niềm tin vào con cái. (Nguồn:
Getty Images)

 

Bố đánh mẹ, con bỏ học

Nhận được thông báo Thắng bỏ học cũng là lúc vợ chồng anh Tài bàng hoàng sửng
sốt vì đứa con trước giờ rất ngoan hiền nay bỗng dưng lại "đổ đốn".

Thắng là sinh viên năm thứ ba một trường của ĐHQG Hà Nội, từ nhỏ đã rất được lòng tin từ
bố mẹ bởi sự thông minh và ngoan ngoãn. Em thi đậu ĐH có tiếng là niềm hân hoan
của gia đình.

Tuy nhiên, từ nhỏ, Thắng đã phải chứng kiến cảnh người cha đẻ chửi mắng, đánh
đập mẹ tàn nhẫn mà lòng đau thắt. Tuổi thơ gói gọn là những ký ức đầy đòn roi và
nước mắt. Cậu dần trở nên lì lợm và bất mãn.

Cuối cấp hai, Thắng ngộ ra mình cần phải hành động để giúp mẹ. Cậu quyết định
học tập cho thật tốt với mong muốn: "Bố sẽ vui và tự hào vì mình mà không mắng
chửi mẹ nữa". Vốn thông minh cộng thêm nghị lực và ý trí, Thắng đạt rất nhiều
kết quả tốt: Đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện môn Toán năm cấp ba, thi đậu
hai trường ĐH có tiếng tại Hà Nội.

Nhưng sự cố gắng cũng trở thành vôn nghĩa với Thắng khi đã không được bố thừa
nhận, cậu thất vọng khi không nhận lại được sự thay đổi tích cực từ bố.

"Học
sao nổi khi có một gia đình như thế. Mình bỏ học để thức tỉnh bố phải biết quý
trọng hạnh phúc gia đình. Bản thân mình quá chán nản rồi, chẳng còn tâm trí nào
mà gắng học thêm nữa", Thắng tâm sự.

Chỉ vì quá để tâm đến bố mà Thắng đã bỏ qua niềm tự hào của mẹ về mình, rằng
những năm tháng qua, mẹ đã vì cậu mà vượt lên hoàn cảnh.

"Chẳng ngờ, nó lại bỏ học
vì chuyện này. Ngần ấy năm, sống chịu đựng, vui vẻ cũng là nhờ con cái. Cứ nghĩ
đến con giỏi giang, sau này thành đạt là mừng lắm nên khổ thế nào cũng quên hết.
Tưởng con sẽ hiểu được tấm lòng của người mẹ, ai ngờ…", mẹ Thắng bùi ngùi kể.

Khóc thảm vì tấm bằng chết yểu

Khác với trường hợp của Thắng, Hoàng, sinh viên năm thứ 3 một trường kỹ thuật ở Hà Nội lại bỏ
học vì một lý do hết sức khó ngờ. Cậu "nổi tiếng" bởi sự thông minh, tháo vát và
liên tiếp giữ danh hiệu học sinh xuất sắc trong các năm học. Vì vậy, rất được lòng
bố mẹ và gia đình trong họ tộc.

Họ luôn coi Hoàng là tấm gương để dạy dỗ con cái: "Phải học như anh Hoàng thì
mới mong có bằng mà xin việc". Tuy nhiên, trong cuộc sống, Hoàng luôn có những ý
nghĩ, quan niệm trái ngược với bố mẹ.

Đáng nói nhất là quan niệm về bằng cấp. Thái độ bất mãn, Hoàng chia sẻ: "Bố
mẹ mình luôn xem trọng tấm bằng hơn là năng lực thực sự. Lúc nào cũng cho rằng
nếu không có một tấm bằng tử tế sau khi ra trường sẽ không làm được việc gì. Cái
họ quan tâm là bảng điểm. Luôn bắt buộc sau khi ra trường phải đạt bằng loại
này, loại kia. Mình thấy quá mệt mỏi vì những điều ấy".

Hoàng quyết định bỏ học với mong muốn sẽ thay đổi được cách nghĩ của bố mẹ.

"Biết tin mình bỏ học bố mẹ và họ hàng thân thích, họ ngồi vây quanh mình
khóc lóc thảm thiết vì tấm bằng đã bị mình làm cho "chết yểu" khi chưa kịp ra
đời. Tại sao họ lại tin, yêu tấm bằng hơn cả con trai của họ vậy?", Hoàng thắc
mắc.

Con nghỉ học vì cha mẹ nghi ngờ

Quang hiện đang là đầu bếp chính cho một nhà hàng tại Hà Nội.
Trước đây, Quang từng là sinh viên công nghệ thông tin một trường đại học hàng “tốp đầu” ở Hà Nội.

Học gần hết năm thứ
3, cậu bị nhà trường thông báo đuổi học vì … nghỉ học quá nhiều, lý do khiến đứa
bạn thân nào cũng bàng hoàng, không thể tin đó là sự thật.

Thấy tò mò, Quang kể lại: "Ngày ấy mình nghỉ nhiều cũng vì lo cày game, chơi đề
theo những gì mà bố mẹ "mong muốn". Nghĩ mà nản, đi học nhóm thì cứ vu cho là
đang ở quán game với lý do "học gì mà ồn thế". Thỉnh thoảng lại tra khảo xem có
chơi lô đề không. Có chứng minh, giải thích xong rồi đâu lại vào đấy. Sao họ
không thể đặt chút niềm tin vào con cái sao. Không mà cứ "ép" có, đã thế cho có
luôn".

Bố mẹ Quang cũng chỉ còn biết khuyên con nên thi lại, có nhận ra sai sót của
mình thì cũng quá muộn, bởi chính họ đã vô tình tạo cho con sự tổn thương sâu
sắc: "Mình luôn có cảm giác không được tôn trọng, không được là chính mình khi
mà bố mẹ cứ luôn nghi ngờ con cái quá mức. Đã gần một năm những ý nghĩ ấy vẫn
chưa thể xóa bỏ".

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/64411/nhung-phu-huynh-tuoc-doat-niem-tin-yeu.html

‘Trí thức’, một từ nhập nội

Posted: 17 Mar 2012 04:51 PM PDT

- Trong khoa học tự nhiên hay xã hội, nếu chúng ta không sáng tạo được một từ
hàm chứa một khái niệm mới về học thuật, thì cứ việc nhập nội mà dùng.



 

 

 

Nhận ra nội dung khác lạ của một từ mới

Số từ ngữ gốc Hán chiếm quá nửa hoặc 2/3 kho từ vựng của ta, Dưới thời phong
kiến điều này dễ hiểu. Nhưng thời Pháp thuộc, các từ gốc Âu vẫn cứ phải qua sách
báo chữ Hán để nhập nội, nói lên ảnh hưởng quá sâu của văn hoá Trung Hoa. Nguyên
tử, vi trùng, dân chủ, tự do
… dù viết bằng quốc ngữ vẫn được khuân về từ sách
chữ Hán.

Duy "trí thức" là ngoại lệ. Nó do ông cha ta tạo ra để chuyển nghĩa
"intellectuel" (Pháp),

Hẳn sĩ phu Trung Quốc cũng sớm biết tới "intellectuel", nhưng họ dịch là "tri
thức phần tử". Ở đây, "phần tử" là người (như, phần tử phản động, phần từ bất
mãn…). Vậy, trí thức là "người hiểu biết" – chẳng qua, cũng cùng nội hàm với
"người có học" của ta.

Sau Đông Kinh Nghĩa Thục, giới "có học" nước ta thông hiểu cả chữ Hán và chữ
Pháp. Để chuyển ngữ "intellectuel", các cụ không dùng những từ có sẵn (như:
người "có học", kẻ sĩ, sĩ phu, học giả hoặc bác học…v.v.) . Mà là "trí thức"
(trí tuệ và thức tỉnh?). Hẳn các cụ đã cân nhắc kỹ khi nhận ra một khái niệm rất
mới mẻ, hàm chứa trong "trí thức". Gần trăm năm rồi, liệu con cháu có cần nhớ
tới lựa chọn của cha ông nữa hay không?.

Với chính dân Pháp, "intellectual" cũng rất mới

Nó mới về hình thức, vì vốn là tính từ nhưng có người (liều lĩnh) sử dụng như
danh từ… Nhưng quan trọng là dần dần mọi người nhận ra nó gói ghém một nội dung
mới.

"Intellectuel" ra đời trong cuộc tranh luận sôi sục khiến xã hội Pháp bị chia
thành hai phe đối lập, kéo dài suốt mấy năm liền. Rốt cuộc, chân lý đã thắng –
dù do thiểu số khởi xướng. Và té ra "trí thức" không xấu xa như đa số từng nghĩ,
mà ngược lại. Qua tranh cãi dân chủ, xã hội Pháp trưởng thành vượt bậc, dân trí
Pháp mở mang chưa từng thấy.

Đến nay, mọi ấn phẩm nghiêm trang nói về xuất xứ, đặc trưng và định nghĩa trí
thức… đều ít nhất đã tham khảo hai cứ liệu:

a) bài báo có tên Tuyên Ngôn của Trí
Thức
– là nơi "trí thức" chính thức xuất hiện.

b) thái độ và hành vi của nhân
vật đứng đầu bản Tuyên Ngôn trên – người tiêu biểu cho phẩm cách trí thức.

Người đưa ra từ "trí thức" , tiến sĩ Clémenceau, vị thủ tướng tương lai, lúc
này đang là chủ bút báo L’Aurore (Bình Minh) – nổi tiếng là tờ báo tiến bộ. Tuy
nhiên, "trí thức" được xã hội chấp nhận không phải do học vị cao hoặc chức danh
lớn của người sáng tạo ra nó. Nó sống khoẻ là nhờ bầu không khí dân chủ và tự do
tiếp sinh lực cho nó. Vẫn biết, trước Zola từng có những người "có học" không
khuất phục trước uy vũ; nhưng khi đó hàm lượng dân chủ và tự do trong xã hội
chưa đạt mức để lớp "trí thức" ra đời.

Mọi chế độ độc tài từ thời phong kiến tới hiện nay đều sợ, nghi kỵ, ghét và
kỳ thị trí thức (nhẹ nhất dùng những tên gọi khinh thị, thô tục), nhưng lại rất
biết vuốt ve một số người "có học" tận tuỵ phục vụ và tâng bốc chính quyền. Mầm
trí thức vừa nhú. lập tức bị hai chiếc còng trói cả chân lẫn tay, bất nhúc
nhích.

Ngay ở xã hội dân chủ Pháp, "trí thức" ban đầu đã bị mỉa mai, chỉ trích

Mà lực lượng chỉ trích lại là đa số người "có học". Họ càng lợi thế khi dẫn
dắt dư luận của một khối dân chúng khổng lồ – dưới danh nghĩa yêu nước, yêu thể
chế cộng hoà.

Thập niên 1890, nguy cơ chiến tranh với Đức đã hiển hiện, khiến dân Pháp đề
cao và chiều chuộng hết mức giới quân sự, đồng thời rất lo lắng và cảnh giác với
"bọn phản bội". Công dân có gốc Do Thái càng dễ bị nghi ngờ.

Thì rất đúng lúc, toà án quân sự Pháp phát hiện và kết án đại uý Dreyfus là
"gián điệp" (1894), Cả nước Pháp trút mọi giận dữ vào viên sĩ quan khốn khổ này
(1894). Còn tên gián điệp thật, người Hung, vẫn chưa lộ mặt. Hỏi, ai dám lên
tiếng bênh Dreyfus?

Rất ít người sáng suốt nhận ra những sai lầm của ngành Tư Pháp trong thủ tục
điều tra và xét xử, từ đó đưa đến một bản án oan, nhưng lại được chủ nghĩa dân
tộc hẹp hòi và chủ nghĩa bài Do Thái cực đoan làm che lấp đi. Rốt cuộc, Lập Pháp
cũng bỏ phiếu bênh che bản án sai. Khi nhận ra sai, cả hệ thống không còn đủ can
đảm sửa chữa nữa.

Trong bối cảnh trên, nhà văn Zola đã lên tiếng chống lại bản án. Bài báo "Tôi
phản đối…" (J’accuse…) của ông – chiếm cả trang nhất báo L’Aurore số ra ngày
13-1-1898 – quả là việc thách thức dư luận. Tiếp, đến bức thư mang tính "tuyên
ngôn" do Emile Zola và Anatole France đứng đầu thì quả là họ đã đổ dầu vào lửa,
để hứng chịu mọi công phẫn của dân chúng đang được đa số giới "có học" khích lệ.
Họ nhân danh Tổ Quốc, "thể chế" và lòng yêu nước để chống lại phe "trí thức"
bằng mọi ngôn từ dè bỉu, miệt thị. Trong vô số những người "có học" chống lại
nhóm Zola, hăng hái nhất là 3 vị Viện sĩ hàn lâm: Charle Maurras, Maurice Barrès
và Ferdinand Brunetière – chưa kể 19 vị viện sĩ khác. Những bài báo của 3 vị này
khiến nhóm "trí thức" bị nhìn bằng con mắt đầy khinh miệt. Không chỉ thế, còn
nhiều cuộc biểu tình ủng hộ quân đội, toà án, chống Do Thái, bênh thể chế, với
tiếng hô "treo cổ Zola"… đã nổ ra khắp nước Pháp.

Trong những năm dấn thân, Emile Zola thật sự bị đàn áp. Quốc Hội bỏ phiếu
truy tố (312/122 phiếu). Riêng bài J’Accuse… đã đủ để ông bị kết tội vu khống,
mức phạt ban đầu 3000 franc và có thể tù 1 năm (phải đi trốn). Gia sản bị tịch
biên, huân chương bị thu hồi, mất hẳn cơ hội vào Viện hàn lâm… Ngay cái chết
cũng bị nghi do ám sát.

Thái độ khi sử dụng những từ ngữ khoa học nhập nội

Trong khoa học tự nhiên hay xã hội, nếu chúng ta không sáng tạo được một từ
hàm chứa một khái niệm mới về học thuật, thì cứ việc nhập nội mà dùng. Đó là
quyền.

Nhưng phái có thái độ đúng – thể hiện sự lương thiện: a) phải biết ơn người
sáng tạo ra nó; và b) phải tôn trọng nội dung "gốc" của từ ngữ.

Chúng ta có thể phát triển nghĩa "gốc" của từ để phù hợp với sự phát triển
nhận thức chung. Đó cũng là quyền. Nhưng không được tuỳ tiện, thiếu cơ sở.

Thật khó hiểu, nếu trong một cuộc thảo luận về định nghĩa mà các ý kiến cứ
bắt đầu bằng "theo tôi, nguyên tử là…", hoặc "theo tôi, trí thức là…".

Còn chuyện bóp méo khái niệm gốc của một từ, thậm chí biến trắng thành đen,
tốt thành xấu… thì quả là thiếu lương thiện. Tự do, dân chủ, nhân quyền… đều
mang ý nghĩa tốt, cao đẹp, được nhập nội từ châu Âu vào Việt Nam. Tác dụng tích
cực của chúng là nâng cao dân trí, thúc đẩy cuộc đấu tranh chống áp bức, nô
dịch. Và cả xây dựng xã hội tiến bộ (mà nơi sáng tạo từ ngữ đã đi trước chúng ta
hàng trăm năm).

Do vậy, chớ nên nói hay viết "dân chủ kiểu tư sản", "tự do kiểu phương tây"
nếu với mục đích làm xấu một khái niệm vốn dĩ cao cả; gây hiểu lầm cho bạn đọc.
Hồ Chí Minh không bao giờ làm như vậy.

Sức mạnh ngôn ngữ của số đông

"Người có học" là từ được số đông dân chúng sử dụng từ rất lâu nay – để chỉ
lớp người có trình độ học vấn cao hơn hẳn mặt bằng chung. Nhưng nghe có vẻ bình
dân quá. Ít oai. Đúng dịp, xuất hiện "trí thức", nghe oai hơn hẳn, thay thế cho
"người có học" – do vậy được số đông "người có học" sử dụng. Nó vào cả những từ
điển phổ thông. Nghĩa gốc của "trí thức" đã bị ngôn ngữ số đông làm thay đổi đi.
Trải nửa thế kỷ, nhiều người từ khi biết chữ đã được dạy trí thức đồng nghĩa "có
học". Tra từ điển cũng thấy thế.

Tuy nhiên, khi bàn về chức năng, sứ mệnh và phẩm chất cao cả ở một số người
"có học" – khác với số đông, chúng ta lại phải tìm về nghĩa ban đầu của từ trí
thức.
Do vậy, dẫu có hàng trăm ý kiến đang tồn tại – dù đó là của người thường hay
người học hàm rất cao, thậm chí nằm trong một nghị quyết quan trọng – nhưng phân
loại chúng rất dễ. Vì chúng chỉ gồm hai loại: theo nghĩa quen dùng, hay theo
nghĩa gốc.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/63683/-tri-thuc---mot-tu-nhap-noi.html

Sợ… điểm 10

Posted: 17 Mar 2012 04:50 PM PDT

Những ngày đầu đến trường, mỗi lần đi học về, trẻ rất háo hức lôi tập ra để khoe với bố mẹ: "Hôm nay con được điểm 10". Cả bố mẹ và con đều vui vì điểm 10 cho thấy con học rất khá. Nhưng rồi sự háo hức này giảm dần, giảm dần vì… ngày nào các em cũng nhận được nhiều điểm 10, đâu còn gì mới mẻ để khoe. Khi bố mẹ hỏi han việc học, có em còn xẵng giọng thiếu hứng khởi nhưng dư tự tin: "Tất nhiên là con được điểm 10 rồi".

Việc không tính điểm hàng ngày vào kết quả học tập ở bậc tiểu học giảm áp lực thành tích, điểm số cho các em rất nhiều. Đó cũng là lý do mà nhiều GV “rộng tay” cho HS điểm 10 một cách dễ dàng, đại trà. Quá nhiều điểm 10, đồng nghĩa với lời nhận xét "giỏi" của giáo viên, các em dễ ngộ nhận rằng mình đã rất giỏi. Mất hứng thú, trẻ có thể chủ quan, chán học nhưng lại tăng sự tự mãn ở bản thân. Có trẻ cho rằng, mình không cần học cũng được điểm 10 dễ ợt.

Không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh cũng có thể vì thế mà ảo tưởng về con, cho rằng con mình là nhất, là tuyệt đối vì… lúc nào cháu cũng toàn điểm 10.

Được nhiều điểm 10 cũng đồng nghĩa với việc học sinh được "ru ngủ" trên chiến thắng, nhất là khi điểm số đó chưa tương ứng, phù hợp với năng lực. Nên chỉ cần gặp một thất bại nào đó là các em bị "sốc" ngay. Có không ít học trò, đi học lúc nào cũng được tuyệt đối nên khi đi đến kỳ thi, nhận kết quả thấp hơn các em sẽ bị khủng hoảng tâm lý.

Không ít trường hợp các em học sinh tiểu học khi được điểm học kỳ thấp đã òi bỏ học, thậm chí đòi chết vì xấu hổ. Trầm trọng hơn, có em không chấp nhận sự thật, còn khăng khăng đổi lỗi cho… thầy cô chấm điểm sai cho mình.

Thế nên mới có chuyện ngược đời, phụ huynh trường nọ mạnh dạn gặp cô giáo đề nghị cô cho con mình ít điểm 10 thôi. Họ không chỉ muốn con mình được trải nghiệm với cảm giác thất bại khi nhận điểm 7, điểm 8 mà qua đó còn giúp cháu nhận thức được khả năng thực của bản thân để không ngừng cố gắng. Khi đó, điểm 10 thật sự sẽ giá trị hơn nhiều điểm 10 hình thức.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-575486/so-diem-10.htm

Ngày đầu nộp hồ sơ, thí sinh vẫn còn cân nhắc

Posted: 17 Mar 2012 04:49 PM PDT

Để thuận lợi cho việc thu nhận hồ sơ thí sinh tự do, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể tới 29 phòng giáo dục quận, huyện về những điểm mới trong tuyển sinh và tránh sai sót khi nhận hồ sơ.

Ngày đầu thu nhận hồ sơ, cán bộ tuyển sinh của nhiều quận huyện như Từ Liêm, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông… cho biết chưa nhận được hồ sơ nào. Một cán bộ tuyển sinh quận Đống Đa cho biết, trong ngày 15/3, chỉ vài ba thí sinh đến hỏi về cách ghi hồ sơ chứ chưa em nào nộp.

Kinh nghiệm nhiều năm về quản lý thu nhận hồ sơ, trao đổi với Dân trí, chiều ngày 15/3, bà Tạ Song Hà, Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Hầu hết tuần đầu thu nhận hồ sơ có rất ít thí sinh đến nộp bởi các em còn nghiên cứu tài liệu, tham khảo ý kiến của gia đình, người thân về trường dự thi, ngành dự thi. Tâm lý của thí sinh là phút cuối mới nộp".

Bà Hà cũng cho hay, năm nay, trong phiếu số 2, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho in đậm một số địa chỉ, số điện thoại để tạo thuận lợi cho thí sinh khi tìm hiểu thông tin về kỳ thi. Mục Tin tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN 2012 trên trang web của Sở (www.hanoi.edu.vn) cũng sẽ cập nhật đầy đủ, chính xác các quy định của Bộ GD-ĐT để các em tra cứu khi làm hồ sơ.

Về các thông tin liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, mời độc giả xem thêm tại chuyên trang Tuyển sinh 2012.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-575727/ngay-dau-nop-ho-so-thi-sinh-van-con-can-nhac.htm

‘Trò diễn’ của sự giả dối?

Posted: 17 Mar 2012 04:49 PM PDT

Bắt đầu bằng việc con con…

Biết tôi có những quan sát thực tế về ngành giáo dục, giờ lại là một “chuyên gia rỗi việc”, bạn tôi hỏi sao không viết đôi chút về biết bao vấn nạn trong ngành. Tôi vốn không thích cầm đao to búa lớn nên chỉ xin bắt đầu bằng những việc con con như chuyện dạy và học Sử hay chuyện bằng cấp và chất lượng đào tạo.

Dự giờ thăm lớp là hoạt động trong trường học có từ lâu nhằm tạo cho người dạy cơ hội thử nghiệm ý tưởng mới, cách dạy mới, và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, hoạt động này từ khi tôi còn là học sinh cho đến nay vẫn không có gì khác và dần dần bị biến tướng.

Cách tổ chức thăm lớp dự giờ thực hiện như hiện nay trong nhà trường Việt Nam có mang lại tác động như mong đợi hay không? Hay nó mang sắc thái của sự đóng kịch, hình thức và giả dối.

Mô phỏng được sử dụng trong khá nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Trong giờ dạy mô phỏng (Teaching Simulations ), người ta cố gắng sao cho giờ dạy hệt như giờ lên lớp thật với tất cả đặc điểm cơ bản. Người ta chọn một số học sinh thuộc cùng trình độ nhưng có mức năng lực khác nhau và tiến hành các hoạt động dạy-học đúng như một lớp học thật sự.

Tương tự như vậy, người ta cũng tiến hành dạy thử nghiệm (Microteaching). Trong giờ dạy thử, người ta thường thử nghiệm dạy một nội dung mới, một phương pháp hoặc một ý tưởng mới liên quan đến lý luận dạy học. Giờ lên lớp này có thể chỉ gồm giáo viên, thay nhau làm thầy và làm trò.

Sau giờ dạy, người ta rút kinh nghiệm và trao đổi giữa giáo viên dự giờ, thông qua các video ghi lại giờ dạy đó. Người ta tiến hành phân tích cái thành công, cái chưa thành công của giờ dạy.


Qua những hoạt động này, người ta đồng thời thu được thông tin phản hồi hữu ích cung cấp cho các nhà nghiên cứu giáo dục cũng như người xây dựng chương trình và sách giáo khoa. Hoạt động này là hoạt động thường xuyên trong năm học.

Nếu hoạt động thăm lớp dự giờ được tiến hành với mục đích và cách thức như vậy thì chẳng có gì phải phàn nàn.

Thế nhưng…

Bỗng nhiên thay đổi hẳn…bản chất

Có khá nhiều ý kiến của cả giáo viên và học sinh trên các diễn đàn thuộc nhiều trang mạng giáo dục nói đến “mặt trái của tấm huân chương”, phê phán sự vô bổ, tính hình thức của việc dự giờ và than rằng “dự giờ – giáo viên cũng chán”.

Thông thường, việc dự giờ được báo trước, hoặc do người dạy giờ đó đăng ký, hoặc theo kế hoạch của trường. Những giờ chỉ có giáo viên trong trường dự giờ với nhau thường có tính xây dựng và học hỏi, ít mang tính hình thức. Nhưng một khi giờ dạy đó là giờ được cấp trên về thăm-dự, nó bỗng nhiên thay đổi hẳn … bản chất.

Vì đây là giờ dạy thật với sự có mặt của đồng nghiệp, đặc biệt của người lạ, cả người dạy và người học đều chịu một áp lực tâm lý không đáng có. Đôi khi giờ dạy như thế được sử dụng cho việc nâng bậc, cất nhắc. Chính vì những lý do đó, cả người dạy và người học cần phải “diễn” và vô tình nó đã phục vụ cho bệnh thành tích. Rõ ràng, việc này là phản giáo dục đối với cả người lớn và trẻ con.

Khi được hỏi về chuyện dự giờ, tuyệt đại đa số giáo viên cho biết đều phải “lên gân”, dàn dựng và chịu áp lực về tâm lý. Sự có mặt của nhiều người không phải là đối tác của hoạt động dạy và mang cái nhìn “soi, xét nét” đôi khi làm giáo viên lúng túng hơn bình thường.

Vì mang tính hình thức, việc chuẩn bị công phu mất cả tuần trước, nhất là khi có khách dự giờ từ “trên” xuống.

Có những chuyện thật như đùa rằng để cho buổi “diễn” được thành công, học trò thao diễn cùng cô cả tuần trước. Cô chọn học sinh giơ tay phát biểu bằng quy ước và tín hiệu bí mật. Khi cô phát vấn, cả lớp đều giơ tay nhưng cô sẽ chọn học sinh giơ cả bàn tay,  học sinh yếu hơn giơ ba ngón …, đại loại như thế. Số lượng cánh tay học sinh giơ lên chắc sẽ gây ấn tượng mạnh với khách đến dự giờ!?

Những chuyện như trên và ví dụ tôi dẫn dưới đây là hình ảnh không đẹp cho gương mặt giáo dục Việt Nam, nhưng chắc không làm nhiều người trong ngành giáo dục ngạc nhiên vì nó gần như phổ biến.

Đó là chuyện có thật xảy ra tại một trường tiểu học dân lập XX của Hà Nội.

Vào giờ tiếng Anh lớp 3, khi có khách dự giờ, nhà trường cho học sinh ít nói sang phòng khác ngồi… đọc báo chờ cho xong giờ thao diễn của cô mới được trở lại lớp.

Tôi thấy xót xa cho các cháu nên buộc phải viết vài dòng này.

Tôi biết một trong số các cháu đó. Cháu rất hiền và thật thà. Bố mẹ cháu đều giỏi tiếng Anh, họ đều tốt nghiệp Anh ngữ (trình độ đại học) và đang công tác tại các cơ quan LHQ, nhưng chung quan điểm không học lối nhồi nhét khi cháu mới học đầu cấp, nên không cho đi học thêm tiếng Anh ngoài giờ. Tôi thấy quan điểm đó của anh chị là khoa học và hợp lý.

Về tiếng Anh của cháu, tôi biết chút tiếng Anh đủ mức để đánh giá khả năng tiếng Anh lớp 3 của cháu là khá tốt.

Cho dù năng lực của các cháu thế nào, việc tách các cháu học sinh trong giờ khách thăm của trường tiểu học dân lập XX như trên là không thể chấp nhận được.

Việc làm trên của trường tiểu học dân lập này chắc chắn gây hiệu ứng tiêu cực về tâm lý cho con trẻ. Cách làm đó không những phản khoa học, phản giáo dục, mà còn là hành vi dối trá, biến hoạt động dạy-học thành trò phô diễn vì thành tích giả dối.

Tôi có đầy đủ cả tên cô giáo, tên trường. Tuy nhiên, để cảnh báo chung về việc làm tiêu cực này, tôi chỉ nêu như thế là đủ, và mong chuyện trên không tái diễn ở trường này hay đâu đó trong hệ thống trường học Việt Nam.

Mọi giáo viên đều là “giáo viên dạy giỏi”

Bản thân việc dự giờ thăm lớp nếu không được tiến hành nghiêm túc và khoa học, nó có tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực như đã bàn ở trên.

Ngày nay khi giờ thao giảng đã mất đi mục đích tích cực cần có của nó và chỉ mang tính trình diễn hình thức, nó chỉ còn làm được một việc duy nhất là che đậy chất lượng giáo dục vốn đã quá yếu kém.

Những danh hiệu như: “Giáo viên dạy giỏi”, “Chiến sỹ thi đua”, “Nhà giáo …”, … đã mặc nhiên vạch ra ranh giới giữa thiểu số nhỏ nhoi, vì một lý do nào đó được coi là dạy giỏi, và đa số còn lại những giáo viên là “dạy không giỏi”. Đáng tiếc, các danh hiệu đó không phản ánh thực tế và đã vô tình gạt đại đa số giáo viên khỏi dòng chảy chung.

Liệu một nhúm “Chiến sỹ thi đua”, “Nhà giáo Nhân dân” … có vực dậy được cả ngành giáo dục hay không?

Đã đứng trên bục giảng, tất cả thầy cô đều phải là giáo viên dạy tốt, nếu không, họ đang làm thầy bất đắc dĩ. Thầy cô bất đắc dĩ thì làm sao có chất lượng giờ dạy tốt!

Nếu dựa vào kết quả những buổi trình diễn như thế để đánh giá giáo viên thì lại càng là một sai lầm nghiêm trọng.

Tôn trọng sự sáng tạo cá nhân người dạy

Để truyền đạt kiến thức có hiệu quả và biến hoạt động dạy- học là một sự hợp tác sinh động giữa người dạy và người học, người dạy cần sự sáng tạo, độc lập. Do vậy, không thể mọi giáo viên đều có cùng một phong cách lên lớp như nhau.


Không có một giáo án nào được coi là “hay nhất” cho mọi giáo viên. Người dạy được quyền sáng tạo cách lên lớp truyền đạt kiến thức của riêng mình, sao cho người học thấy giờ học có hiệu quả và thú vị. Những giáo án cứng nhắc không khéo lại là những sợi dây trói buộc kìm hãm tính sáng tạo và làm nghèo nàn phong cách lên lớp của người dạy.

Giáo án có thể là chiếc gậy cho người mới tập đi, nhưng khi đã biết đi mà cứ khư khư cầm cái gậy thì không thể đi bình thường được.

Không có cách lên lớp nào là duy nhất tốt hay tốt nhất cho mọi giáo viên và mọi đối tượng học sinh.

Chính vì vậy, việc dự giờ thăm lớp, góp ý …, đều chỉ có giá trị tham khảo đối với một giáo viên biết mình cần chủ động làm gì và làm thế nào trên bục giảng.

Rũ bỏ chiếc áo sờn

Để việc dự giờ đảm bảo được tính xây dựng, trao đổi kinh nghiệm, và để hoạt động này được thực hiện thường xuyên, mỗi trường nên có phòng riêng cho hoạt động dự giờ/ giảng thử. Có đủ phương tiện ghi lại các hoạt động để giáo viên phân tích, trao đổi.

Các phòng phục vụ hoạt động này được coi như “phòng thí nghiệm” của giáo viên. Không nên kéo cả một đoàn người lạ vào lớp học làm đảo lộn hoạt động bình thường vốn có của nó. Phương tiện thời công nghệ hoàn toàn có thể giúp hoạt động này một cách hiệu quả.

Hệ thống giáo dục được cấu thành từ rất nhiều cái nhỏ và cụ thể, từ cái bảng đen đến việc dự giờ. Một khi các thành tố đều lành mạnh thì cả cơ thể giáo dục mới khỏe mạnh được để tiếp thu những triết lý giáo dục lành mạnh.

Những thầy, cô giáo trung thực không bao giờ muốn việc dự giờ thăm lớp bị biến tướng thành màn diễn cho sự giả dối vì bệnh thành tích trong giáo dục.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-576026/tro-dien-cua-su-gia-doi.htm

Hiệu quả buổi thuyết trình dưới ánh sáng của xã hội học về ngôn ngữ

Posted: 17 Mar 2012 04:49 PM PDT

Thay vì vào cuộc phê bình hay nhận xét, xin phân tích thể loại ngôn từ của TS Lê Thẩm Dương dưới ánh sáng của "kinh điển", theo hai tác giả Basil Bernstein và Pierre Bourdieu.

 

Sau nhiều nghiên cứu và khảo sát, năm 1971, trong "Class, codes and control" ông đưa ra lý thuyết phân biệt ngữ vựng đơn giảnngữ vựng phức tạp.

 

Ông nhận thấy rằng những người của tầng lớp giai cấp cao, trí thức, thuộc "giới thống trị" dùng ngữ vựng phức tạp  đồng thời tôn vinh loại ngữ vựng này, xem đó là chính thống, là khuôn vàng thước ngọc. Họ xem thường các cách nói khác mà Bernstein gọi là ngữ vựng giới hạn hay đơn giản.

 

Ngữ vựng phức tạp bao gồm những từ trừu tượng, những khái niệm, những điển tích mà người "phàm phu tục tử" không có khả năng dùng, tuy là họ có thể hiểu.

 

Ngữ vựng đơn giản chỉ có những từ cụ thể, dùng hàng ngày, liên hệ mật thiết tới vật chất, không có khả năng diễn đạt những khái niệm trừu tượng.

 

Ở bên ta, trong tiểu thuyết "Xóm cầu mới" của Nhất Linh, có đoạn, khi Tý, con bác Lê, bệnh, ai cũng bảo "Tý nó sốt". Cô Mùi, con của một lương y, làm nghề bốc thuốc, tới sờ vào trán Tý và  nói "hỏa nó bốc". Hai câu này giống y nhau, nhưng minh họa được lý thuyết của Bernstein : cô Mùi dùng ngữ vựng phức tạp vì cô có hiểu biết chút ít, trong xã hội cô ở giai cấp cao hơn bác Lê và hàng xóm. Thế là "hỏa nó bốc" được mọi người truyền mồm nhau, lập lại như một "phán lệnh", như mẫu phải dùng trong trường hợp này. Tý không "sốt" nhưng "hỏa nó bốc" ở Tý …

 

Cho trường hợp những người nói tiếng Pháp, một nghiên cứu đã cũ (thập niên 1980) cho thấy là giai cấp thợ thuyền chỉ dùng khoảng trên dưới 800 từ thường ngày, Họ chỉ đọc những báo có thêm ảnh và hoàn toàn không có khả năng bàn chuyện triết lý. Ngữ vựng nắm vững của một người đã xong Trung học phổ thông có trên 1500 từ, họ biết dùng những cấu trúc văn phạm phức tạp và có khả năng bàn chút ít về triết lý được. Trong khi đó thì một giáo sư Đại học nhân văn thì ngữ vựng thường nhật có trên 3500 từ…. 

 

Chính vì thế, một giáo sư Đại học giỏi là một giáo sư biết rời "tháp ngà" của mình để mang hiểu biết chuyên môn ra cho phổ cập quần chúng, tránh những từ chuyên khoa và có khả năng dùng những chữ cụ thể, thậm chí có tính dân dã để tất cả mọi người đều lĩnh hội được.

 

Bernstein thêm vào là ngôn từ chính thống hay ngôn từ không chính thống là một sự áp đặt bởi giới "thống trị" chứ không dựa trên một tiêu chí khách quan nào hết.

 

Lý thuyết của Bernstein quan trọng vì khi ta đem nó vào ứng dụng, ta thấy con cái của những người dùng ngữ vựng đơn giản chỉ học được qua cha mẹ các ngôn từ này. Khi đến trường, các em sẽ thiệt thòi hơn con cái những người quen dùng ngữ vựng phức tạp.

 

Giàu về ngôn từ và khả năng tiến đến trừu tượng rất cần để học văn chương, dĩ nhiên rồi, mà cũng cần cho môn Toán và các khoa học khác.

 

Nhưng ở đây, Bernstein chưa nói đến những từ thô tục. Vì trong tiếng Pháp, ngay đến tên gọi, từ thô tục – mot familier -  là những từ chỉ dùng trong nhóm nhỏ, trong giới hạn gia đình chẳng hạn.

 

Thô khác với thanh, ngôn ngữ của nhóm nhỏ khác với ngôn ngữ của toàn xã hội. Bên Tây cũng như bên ta, luân lý bắt ta phải tự trọng và tôn trọng người khác. Ngôn là một trong tứ đức – công dung ngôn hạnh – mà người xưa đã dạy dỗ các bà và các mẹ của chúng ta. Không những chỉ ở trường học mà ngay đến trong quán cà phê – vì quán cà phê đã là một nơi công cộng -, ở trời Âu, dân tình cũng thường tránh dùng từ thô tục.

 

Pierre Bourdieu (1930-2002) một đại thụ của xã hội học Pháp, ông cũng nổi tiếng toàn cầu.

 

Với  "Ngôn ngữ của ngôn từ" (Ce que parler veut dire,  xuất bản năm 1982), Bourdieu nhấn mạnh rằng ngôn từ không những chỉ là một phương tiện để giao tiếp mà còn là công cụ của quyền lực, là biểu tượng của sự giàu có, của giai cấp thống trị. Mỗi từ có thể mang nhiều nghĩa ẫn sau đó. Những nghĩa đó nằm trong cấu trúc của xã hội, trong những liên hệ xã hội hay trong thế giới của những biểu tượng.

 

Thí  dụ với từ "giàu nghèo" ta sẽ nghĩ tới xung đột giai cấp, sự bóc lột giá trị thặng dư, tới các học thuyết của Marx hay của Weber, …

 

Như thế, ngay đến những từ thường dùng nhất, qua trí nhớ của cả xã hội, qua lịch sử, văn hóa, những từ ấy đều có nhiều ý nghĩa trừu tượng về liên hệ xã hội đi kèm. Từ "phụ nữ" sẽ đi kèm với thế giới của gia đình, việc tề gia nội trợ, sự đàn áp của nam giới trên phụ nữ, tới nhu cầu cần đấu tranh để được bình đẳng, …

 

Mặt khác, ngôn từ không quan trọng bằng người dùng ngôn từ vì ngôn từ có giá trị khác nhau tùy theo người nói.

 

Cùng với một nhóm chữ , "dân nhập cư" chẳng hạn, nhưng khi một nhà văn hóa bàn về dân nhập cư thì các biểu tượng "đính kèm" khác với những biểu tượng mà một nhà kinh tế có thể dẫn dắt người đối thoại suy nghĩ tới.

 

Trong đối thoại, có những người có quyền nói và có những người chỉ có quyền nghe tại vì phía sau hai vị trí này (người nói và người nghe) là cả những cấu trúc xã hội, những biểu tượng, những liên hệ quyền lực và sự phụ thuộc hay áp đặt, …

 

Khi một bà mẹ nói "con làm gì tùy con" có thể đứa bé đã hiểu "con phải làm những gì mẹ muốn con làm" vì nếu không thì sẽ mất lòng mẹ, gây thất vọng cho mẹ, hay không được mẹ khen thưởng, … Trong chừng mực đó, có thể bà mẹ phải "lý luận" cặn kẽ hơn với trẻ cho trẻ hiểu đủ lý do cần phải làm theo sở thích của mình, để tự tạo nhân cách, để độc lập với cha mẹ sau này, … mà không làm mẹ phật ý.

 

Ứng dụng lý thuyết Bourdieu cho trường hợp của người đi dạy cũng thế : nhận xét rõ hoàn cảnh xã hội, vị trí của các diễn viên trong cuộc (thày, trò, trường, …),mục tiêu và chủ đích của bài học, … là những điều kiện cần để có thể tìm ra phương thức, nội dung và ngôn từ  thích ứng cho mỗi bài giảng.

 

Trở về trường hợp cụ thể của TS Dương?

 

 


 

TS Dương có vị trí của người được mời để truyền hiểu biết, là "diển viên" duy nhất đối diện với "đám đông vô danh" (những học viên, những người ở đó để, nói một cách thái quá,  "uống lời vàng ngọc" của người thuyết trình), người duy nhất có học vị Tiến sĩ trong phòng, … thế có nghĩa :  TS Dương là người chiếm ưu thế hay có vai trò làm chủ tình hình theo phân tích xã hội học. 

 

Trong tình thế đó, TS Dương có quyền lực. Các học viên chỉ có quyền theo dõi. Nội dung và hình thức của buổi nói chuyện hoàn toàn tùy thuộc vào TS Dương.

 

Riêng cá nhân của TS Dương, trưởng khoa, là người thực tiễn, có kinh nghiệm, … tất cả những đặc thù ấy không ai có thể phê bình TS Dương được.

 

Buổi nói chuyện của TS Dương rất là sống động và cái sống động đó là một ưu điểm.

 

Thế nhưng, trong một liên hệ chia sẻ hiểu biết, dưới hình thức dân chủ chứ không áp đặt, ta có thể chờ đợi ở TS Dương một sự tôn trọng người đối diện lớn hơn. Khôi hài là một phương thức gây lôi cuốn nhưng cũng cần khôi hài thanh tao. Ở một giảng viên, có thể ngữ vựng cần phức tạp hơn tí nếu nói theo Bernstein mà ta vừa phân tích trên đây. Vì dù cho cử tọa rất là hài lòng, một trong những sứ mạng của giảng viên cũng là làm giàu thêm cho cử tọa (không những là làm giàu thêm về kiến thức chuyên môn mà còn là làm giàu thêm về ngôn từ nữa ) để cái OUT PUT,  lúc rời buổi nói chuyện, của cử tọa lớn và sâu hơn cái IN PUT, lúc vào buổi nói chuyện, của họ).

 

Dạy học, thuyết trình, đưa giới trẻ đến bến bờ hiểu biết cho thuận buồm xuôi gió, không bạo lực, … là một việc khó. Người đi dạy không phải là thánh,  "nhân vô thập toàn", nhưng trách nhiệm của người đứng trên bục giảng rất lớn. Ý thức trách nhiệm giúp ta hoàn thành tốt vai trò của mình để người đi học lĩnh hội thêm kiến thức và lĩnh hội một cách thoải mái.

 

(người đi học cũng có nhiều bổn phận nữa, nhưng đó là một đề tài khác, ở ngoài phạm vi của bài này !).  

 

Nguyễn Huỳnh Mai

 

Liège, Bỉ

 

 

LTS Dân trí - Đánh giá hiệu quả của một giờ giảng bài hay thuyết trình chủ yếu căn cứ vào hàm lượng kiến thức mà giảng viên đem lại cho học viên một cách sinh động, có sức thuyết phục và truyền cảm. Phải chăng vì đã đạt được hiệu quả này, cho nên những giờ giảng bài của TS, Lê Thẩm Dương có sức thu hút mạnh mẽ và được nhiều sinh viên hoan nghênh.

  

Đấy là cảm nghĩ sau khi đọc bài viết trên đây của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai vốn  là một giảng sư lâu năm của Đại học Liège.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-576031/hieu-qua-buoi-thuyet-trinh-duoi-anh-sang-cua-xa-hoi-hoc-ve-ngon-ngu.htm

Hàng ngàn thạc sĩ phải thi lại ngoại ngữ

Posted: 17 Mar 2012 04:49 PM PDT

- Sáng 16/3, Bộ GD-ĐT đã có họp với đại diện lãnh đạo 14 trường ĐH bị “tuýt
còi” vì tuyển sinh thạc sĩ sai quy định. Theo đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu
các cơ sở rà soát, kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ của các thí sinh đã
được miễn thi môn ngoại ngữ đợt tháng 8, 9/2011. Kết quả kiểm tra phải báo cáo Bộ trước ngày 5/4.

Thông báo của Bộ GD-ĐT

Bộ GD-ĐT cho hay, tham dự cuộc họp sáng nay có đại diện lãnh đạo của 14 cơ sở
đào tạo trình độ thạc sĩ, đại diện lãnh đạo và chuyên viên của một số đơn vị có
liên quan thuộc Bộ GD-ĐT.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã phê bình các Thủ tưởng cơ sở
đào tạo đã vi phạm quy định về thi tuyển sinh môn ngoại ngữ tại khoản 2 Điều 8,
quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGD ĐT
ngày 28/2/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Quy chế đào tạo trình độ
thạc sĩ quy định: Các môn thi tuyển gồm: môn ngoại ngữ, môn cơ bản, môn cơ sở
của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo.

Môn ngoại ngữ: Căn cứ vào yêu cầu của chương trình đào tạo và yêu cầu về
trình độ ngoại ngữ trước khi cấp bằng tốt nghiệp được quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 28 của Thông tư này, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định
môn ngoại ngữ trong tuyển sinh và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển
theo từng ngành hoặc chuyên ngành đào tạo.

Thí sinh dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ phải dự thi
ngoại ngữ thứ hai. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định môn ngoại ngữ thứ hai.

Môn cơ bản, môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo do cơ sở đào tạo đề
nghị trong hồ sơ đăng ký nhận nhiệm vụ hoặc hồ sơ đề nghị cho phép đào tạo trình
độ thạc sĩ ngành hoặc chuyên ngành đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền giao
nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo.

Bộ trưởng yêu cầu, để đảm bảo việc tuân thủ quy định của Quy chế đào tạo trình
độ thạc sĩ, Bộ trưởng yêu cầu các Thủ trưởng cơ sở đào tạo rà soát và tổ chức
kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ của thí sinh đã được miễn thi môn ngoại
ngữ trong kỳ thi tuyển sinh nêu trên, gửi kết quả kèm theo các tài liệu liên
quan về Bô GD-ĐT trước ngày 5/4/2012 để xem xét giải quyết.

Trước đó, Bộ đã có công văn gửi 14 trường đại học thực hiện miễn thi môn ngọai
ngữ trong kỳ thi tuyển sinh trình độ thạc sĩ tháng 8, 9/2011 gồmcác trường ĐH
Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Quốc gia
Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Công nghệ Bưu
chính viễn thông, Học viện Quân y, ĐH Y Thái Bình, Học viện Y học cổ truyền Việt
Nam, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Học viện An ninh, ĐH Nha Trang.

Hiện cả nước có 130 cơ sở đào tạo đại học được đào tạo trình độ thạc sĩ.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/64469/hang-ngan-thac-si-phai-thi-lai-ngoai-ngu.html

Comments