Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Trang thiết bị dạy học: Đắt tiền chưa chắc có hiệu quả

Posted: 10 Mar 2012 10:37 PM PST

(GDTĐ) - Tại một số trường đại học trọng điểm ở nước ta hiện nay, đã có những phòng thí nghiệm – thực hành được đầu tư gần trăm tỷ đồng/1 phòng (chưa tính giá trị cơ sở hạ tầng nhà, xưởng). Nhiều trường phổ thông cũng được trang bị cả tỷ đồng/1 phòng lab và phòng vi tính… Tuy nhiên, vẫn còn không ít trang thiết bị dạy học đắt tiền bị "trùm mền", khiến cho công cuộc cải tiến phương pháp dạy học vốn hết sức lạc hậu là "đọc – chép" càng nan giải.

Sử dụng thiết bị dạy học phải thành thạo

Theo PGS TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục, thuộc ĐHSP TP.HCM, lâu nay chúng ta quan niệm thông qua "dạy chữ" để "dạy người". Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như "vũ bão", thì việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học sẽ theo trật tự mới đó là: Thái độ – Kỹ năng – Kiến thức hoặc Kỹ năng – Thái độ – Kiến thức… Như vậy thiết bị dạy học (TBDH) đã trở thành một phương tiện không thể thiếu, giúp người dạy, cũng như người học tăng cường tự học, tự tìm đến kiến thức, theo yêu cầu đổi mới GD hiện nay là: dạy học là dạy phương pháp học, phương pháp nghiên cứu khoa học… Thực tế cho thấy, khi được trang bị những phương tiện dạy học hiện đại, không phải giáo viên (GV) nào cũng sử dụng được, hoặc sử dụng thành thạo. Vì thế, nâng cao trình độ sử dụng TBDH hiện đại cho đội ngũ GV phổ thông là một yêu cầu rất cấp thiết.

Khảo sát gần đây của PGS TS Vũ Trọng Rỹ và cộng sự về việc sử dụng TBDH ở trường tiểu học và trường THCS, sẽ giúp bạn đọc hình dung cụ thể vấn đề quan trọng này. Qua khảo sát 329 GV của 24 trường tiểu học của 6 tỉnh, thành phố trực thuộc TW cho thấy loại hình băng,  đĩa ít được sử dụng nhất (29,4% chưa bao giờ sử dụng; 54,3% thỉnh thoảng và 16,3% thường xuyên sử dụng vào dạy học). Đánh giá của 191 hiệu trưởng trường tiểu học cho thấy: 8,9% số hiệu trưởng cho rằng GV sử dụng TBDH chưa thành thạo; 80,1% cho rằng GV sử dụng tương đối thành thạo và 11,0% nhận định là GV sử dụng TBDH thành thạo.

Học sinh trong phòng thí nghiệm
Học sinh trong phòng thí nghiệm

Qua thăm dò 336 GV THCS từ 24 trường ở 6 tỉnh, thành, nhóm khảo sát nói trên cho biết tần suất sử dụng TBDH phụ thuộc vào loại hình TBDH. Với tranh ảnh – bản đồ: 100% GV đều sử dụng (77,8% thường xuyên sử dụng; 22,2% thỉnh thoảng sử dụng). Với các dụng cụ thí nghiệm 72,7% thường xuyên sử dụng ; 11,5% chưa bao giờ sử dụng (chủ yếu là GV các bộ môn KH xã hội). Có tới 31,7% số GV chưa bao giờ sử dụng băng, đĩa hình, đĩa tiếng vào dạy học. GV các bộ môn: Vật lý; Hoá học; Sinh học; Âm nhạc và Công nghệ sử dụng TBDH nhiều nhất (chiếm trên 90% số GV các môn học còn lại bậc THCS).

Qua dự giờ, trắc nghiệm GV các môn: Hoá; Lý; Sinh và Địa lý bậc THCS, nhóm khảo sát cho thấy còn khoảng 1/3 GV chưa nắm bắt kỹ năng sử dụng TBDH. Ví dụ, phân tích các bài trắc nghiệm Hoá học, có tới 17,1% GV lúng túng khi thao tác thí nghiệm sắt với lưu huỳnh. Qua bài trắc nghiệm môn Vật lý cho thấy: 61,9% GV không nắm được thứ tự các thao tác thí nghiệm nghiên cứu mạch điện mắc nối tiếp và mạch điện mắc song song; 49,2% không biết cần sử dụng dụng cụ nào khi thí nghiệm xác định điện trở của một dây dẫn bằng Ampere kế và Volt kế…

Cô Nguyễn Thị Thu Hà – trường THPT Nguyễn Trãi – TX Thuận An – Bình Dương cho biết: Nhiều GV có tâm lý lo sợ thí nghiệm không thành công, sợ mất nhiều thời gian chuẩn bị thí nghiệm, do đó họ ngại sử dụng TBDH, hoặc chỉ sử dụng đối phó khi cần thao giảng, dự giờ, thi GV giỏi… Đôi khi, các TBDH càng đắt tiền, GV càng sợ HS làm hỏng, nên họ chỉ cho HS quan sát chứ không cho sử dụng.

Cô Hồng Gấm – trường THPT Phú Riềng – Bù Gia Mập – Bình Phước lo lắng: Hầu như các hoá chất dùng trong các thí nghiệm Hoá đã cũ, bảo quản chưa tốt nên dễ biến chất, dẫn đến thí nghiệm thất bại. Một số ống nghiệm chịu nhiệt kém, dễ vỡ trong các phản ứng toả nhiệt, gây nguy hiểm cho GV và HS. Thời gian dành cho thực hành quá ít, HS chỉ được thực hành như "cưỡi ngựa xem hoa", nên kỹ năng thực hành yếu. Phòng thí nghiệm bộ môn của trường chưa có các thiết bị bảo hộ, nhiều thí nghiệm với các hoá chất độc hại như: khí H2S, khí Cl2 thì GV không thể để HS làm vì nguy hiểm. GV lo ngay ngáy giám sát trò nghịch ngợm, nên hiệu quả thí nghiệm không cao…

Giải pháp nào cho những rào cản?

Nói về những cản ngại lớn trong việc sử dụng TBDH, Thạc sĩ Phan Thanh Sử và Phạm Văn Luân, trường CĐ Bến Tre nhấn mạnh: Nội dung chương trình đào tạo của ta còn cứng nhắc, vừa thiếu tính ứng dụng, vừa quá tải, không đủ thời gian cần thiết để triển khai những thử nghiệm, cải tiến phương pháp dạy học là: giảm lý thuyết hàn lâm, tăng cường thực hành và thí nghiệm. Khảo sát ở 8 tỉnh, thành phố toàn tỉnh Bến Tre tại 30 trường tiểu học, đến cuối năm 2011 chưa có trường tiểu học nào dạy Tin học như là 1 môn học chính khóa. Trong khi đó, một số trường mầm non của tỉnh đã cho học trò làm quen với máy vi tính (!).

NGƯT – Thạc sĩ Nguyễn Thạc San, trường CĐ Công thương TP.HCM cảnh báo: Không ít nơi, cán bộ quản lý (CBQL) GD tưởng rằng khi đã trang bị một số phương tiện dạy học hiện đại là đã hiện đại hóa GD rồi. Thầy giáo đứng lớp tưởng rằng khi đã mang laptop và sử dụng phần mềm PowerPoint là đã đổi mới phương pháp dạy học rồi. Học trò tưởng rằng một khi đã biết vào internet tìm kiếm được thật nhiều thông tin là đã thành HS giỏi rồi… Hiện nay, khái niệm giáo án điện tử còn nhiều tranh luận. Nhưng trước hết phải là giáo án. Nếu coi những lát cắt, những phiến đoạn kiến thức được trình chiếu trên những slide kia là giáo án, thì không những làm mất giá trị đích thực của phần mềm PowerPoint, mà còn sẽ dẫn đến việc chuyển bi kịch Đọc – Chép sang bi hài kịch Chiếu – Chép của thầy và Nhìn – Chép của trò…

Một rào cản khác khiến việc sử dụng TBDH ở một số trường chỉ có tính chất đối phó là: đa số trường mầm non và phổ thông của ta hiện nay thiếu trầm trọng lực lượng nhân viên (còn gọi là CB phụ tá) trực tiếp phụ trách các phòng thí nghiệm, các xưởng thực hành và các phòng học bộ môn. Do đó, các trường phải cho GV dạy các bộ môn văn hoá kiêm nhiệm công tác này. Đã kiêm nhiệm thì kết quả công việc thường là "được chăng hay chớ". Ước tính cả nước hiện có khoảng 42.000 trường học và các cơ sở GD, chỉ 1/4 số trường có đầy đủ nhân viên trực tiếp phụ trách thí nghiệm – thực hành và phòng học bộ môn, vẫn còn thiếu ít nhất 30.000 nhân viên. Ngân sách Nhà nước không thể nuôi nổi đội ngũ này, đành phải để các trường tự "bơi" nên một số "chưa bơi đã chìm" là vì vậy, vì đã "học bơi" bao giờ đâu?

Còn thách thức nữa khá đau đầu! Càng trang bị nhiều TBDH hiện đại và đắt tiền, thì các trường càng khốn khổ vì chạy không đủ kinh phí để trả tiền điện, tiền nước và tiền bảo vệ. Có trường phải tự kiếm tiền thuê nhân viên bảo vệ từ 4-5 người lên cả chục người tuỳ theo quy mô trường. Một trường THPT đạt chuẩn quốc gia cho biết: trường có 8 phòng học bộ môn – phòng thí nghiệm: Toán; Lý; Hoá; Sinh (mỗi môn 1 phòng); 2 phòng lab tiếng Anh và 2 phòng Tin học (dự kiến buộc phải mở thêm 2 phòng Tin mới tạm đủ yêu cầu dạy học). Mỗi tháng riêng chi phí điện + 8 nhân viên phụ trách + nhân viên bảo vệ cho 8 phòng này và cả trường đã ngốn trên 100 triệu đồng. Ngân sách chỉ chi trả được 20%, còn lại trường phải "tự bơi". Là trường công lập, trường không được phép tự ý thu phí, mà nhờ hội cha mẹ HS cũng khó.

Hiện đại thì "hại điện". Đầu tư TBDH đắt tiền, chưa quan trọng bằng việc đầu tư cho người sử dụng TBDH. Quên mất điều này, sẽ khiến không ít phòng thí nghiệm bị mạng nhện giăng đầy và TBDH đắt tiền "trùm mền" là vì vậy. Chưa hết, theo thống kê gần đây của Bộ GDĐT, hơn 1/2 số trường học cả nước (mầm non và phổ thông), mỗi trường chỉ có 1 hoặc 2 phòng chứa tất cả các đồ dùng – TBDH, mà GV gọi đùa là "lẩu thập cẩm". Một số trường nhồi nhét cả thư viện vào "lẩu thập cẩm" này. Do đó, hầu hết CBQLGD, GV và cả HS rất ngán ngại chui vào kho chứa đồ bát nháo trên.

Hướng mở cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng TBDH, theo PGS TS Vũ Trọng Rỹ: Cần xây dựng giáo trình về sáng tạo và sử dụng TBDH và đưa vào giảng dạy ở tất cả các khoa của trường sư phạm. Mở trường hoặc khoa trong trường sư phạm để đào tạo đội ngũ phụ tá thí nghiệm. Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS theo hướng coi trọng kỹ năng thực hành – giải quyết vấn đề, nhằm tạo động lực để GV, HS tích cực sử dụng TBDH.

Đinh Lê Yên

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201203/Trang-thiet-bi-day-hoc-Dat-tien-chua-chac-co-hieu-qua-1959561/

Sẽ quan tâm hơn đến vấn đề con người

Posted: 10 Mar 2012 10:37 PM PST

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đối thoại với dân:

Sẽ quan tâm hơn đến vấn đề con người

TT – Sáng 7-3, ông Phạm Vũ Luận, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có cuộc đối thoại về GD-ĐT tại cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Trình bày những công việc sẽ giải quyết trong năm 2012 và chuẩn bị triển khai cho sau năm 2015, bộ trưởng nhấn mạnh: "Vấn đề nổi cộm mà Bộ GD-ĐT sẽ tập trung quan tâm là yếu tố con người, trong đó thầy cô giáo, học sinh, sinh viên sẽ là đối tượng trung tâm".

Xem tường thuật trực tuyến cuộc đối thoại

Ông Phạm Vũ Luận – Ảnh: Việt Dũng

Vừa đặt câu hỏi nhưng ông Tạ Quang Sum, hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), vừa gợi ý với bộ trưởng một hướng giảm tải hợp lý, hiệu quả hơn: không nên giảm tải như hiện nay mà nên soát xét toàn bộ chương trình để cắt giảm bộ môn, tiết học. Từ đó tăng chủ đề, nội dung, thời lượng cho một số bộ môn nhằm mở rộng phạm vi cung ứng kiến thức, lược những phần không cần thiết.

Giảm tải cần hiệu quả

Trao đổi với ông Tạ Quang Sum, ông Phạm Vũ Luận nhận xét ý kiến trên rất có ý nghĩa. Ông Luận khẳng định: "Có những việc sẽ giải quyết ngay trong năm 2012. Nhưng có những vấn đề chúng tôi sẽ trao đổi, thảo luận để chuẩn bị kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015".

Một học sinh lớp 12 đặt vấn đề với bộ trưởng: "Đổi mới SGK, phương pháp dạy học nên theo hướng dạy bằng thực hành, hình ảnh, video clip, mẩu chuyện, tình huống thực tế sẽ dễ nhớ, nhớ lâu. Đừng bắt chúng cháu học những cuốn sách chỉ có chữ và những câu hỏi, bài toán khó hiểu và phi thực tế".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ bất ngờ về sự hiểu biết và tâm huyết của em học sinh trên. Ông hứa: "Để đổi mới chương trình – SGK phổ thông sau năm 2015, chắc chắn chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến từ đối tượng phục vụ của mình là học sinh. Chúng tôi sẽ có cơ chế rộng rãi hơn để tiếp nhận ý kiến của cháu và các bạn khác một cách đầy đủ, sâu rộng".

Giáo viên không biết đến tiền thưởng tết, dài cổ đợi phụ cấp thâm niên

Rất nhiều ý kiến đề cập những bất cập trong chế độ, chính sách với nhà giáo. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (Hà Giang) nói: "Dù có chế độ ưu đãi nhưng đến nay đời sống của giáo viên vùng cao rất khổ cực, cơ sở vật chất thiếu thốn, đồng lương không đủ sống, có nơi giáo viên không biết đến tiền thưởng tết là gì. Vậy làm sao giáo viên có thể tâm huyết với nghề, thưa bộ trưởng?".

Một cán bộ quản lý giáo dục ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định cho biết đã làm công tác quản lý giáo dục 20 năm, sắp về hưu mà không được hưởng một loại phụ cấp nào.

Nhiều thầy cô giáo đặt câu hỏi: "Vì sao quy định về phụ cấp thâm niên có hiệu lực gần một năm qua mà giờ giáo viên vẫn chưa được nhận? Ở ngay Hà Nội, nhiều giáo viên cũng không biết bao giờ thì được nhận và nhận bao nhiêu, từ khi nào?".

Về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, bộ trưởng thừa nhận: "Chúng tôi muốn ban hành sớm nhất, nhưng do có tới bốn bộ tham gia ban hành, nội dung lại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau nên mặc dù các bộ, ngành làm rất nghiêm túc, rất quyết tâm nhưng có thể một phần do năng lực, phần lớn do cơ chế nên triển khai chưa được nhanh".

Đề cập đến chính sách đối với giáo viên vùng khó, người đứng đầu ngành GD-ĐT chia sẻ với khó khăn của các thầy cô giáo và cho biết Chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành đang đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, các đối tượng ưu tiên nhưng vẫn phải đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác. Riêng chính sách đối với giáo viên mầm non, bộ trưởng cho biết đã ban hành định mức giờ làm việc đối với giáo viên mầm non để các thầy cô giảm bớt căng thẳng, đang nghiên cứu để có biên chế cho bảo mẫu, triển khai chuyển giáo viên mầm non ngoài công lập ở khu vực khó khăn vào công lập.

Kiểm định mỏng, chất lượng ĐH "có vấn đề"

Nhiều ý kiến tại cuộc đối thoại lo ngại việc ĐH thành lập nhiều mà bộ phận kiểm định của bộ quá mỏng, không đủ để rà soát các trường có bảo đảm được chất lượng như cam kết thành lập.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận công tác kiểm định giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu, các trường vẫn được khuyến khích… tự đánh giá. Cuối năm 2011, trong đợt kiểm tra 20 trường ĐH, bộ đã buộc ngừng tuyển sinh bốn trường và dừng tuyển sinh hàng trăm ngành đào tạo ở các trường khác. Hiện bộ đang có những đoàn kiểm tra cam kết thành lập trường ở 80 trường ĐH. Tuy nhiên, bạn đọc Trần Đức Thụ (Đà Nẵng) vẫn hoài nghi về các biện pháp xử lý khi đặt vấn đề: "Bộ đã kiểm tra các trường, nhưng quan điểm của bộ trong xử lý các sai phạm như thế nào?".

Đáp lại, bộ trưởng đưa ra phương án khá mềm dẻo, được so sánh giống như những "lương y" với nhiệm vụ "cứu người" là trên hết, tức là hỗ trợ, giúp đỡ, nhắc nhở, cảnh báo để các trường khắc phục, bổ sung điều kiện. Với các vi phạm nghiêm trọng, sai sót lớn ảnh hưởng sâu sắc mạnh mẽ tới chất lượng giáo dục thì phải có biện pháp mạnh. Nhưng với những sai phạm kiểu như ĐH Hùng Vương thì không chỉ có chế tài của cơ quan quản lý nhà nước, chắc chắn sẽ cần sự can thiệp của pháp luật.

Bạn Ngọc Lan – một công chức trẻ – không giấu được sự hoang mang đối với chính khả năng, trình độ thật sự của mình dù đã tốt nghiệp ĐH ba năm, đã đi làm và hiện đang tiếp tục học cao học: "Sau khi tốt nghiệp ĐH, cháu đã rơi vào một cuộc khủng hoảng vì không biết mình sẽ làm gì và làm ở đâu vì thật sự những gì cháu học khác xa rất nhiều so với thực tế (…). Chương trình cao học cháu sắp tốt nghiệp thì quá chồng chéo, không thực chất".

Bộ trưởng thừa nhận: "Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều điều phải bàn" và cho biết "đã đưa ra quy định cao hơn về chuẩn, điều kiện mà các trường được phép tổ chức đào tạo sau ĐH và tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục ĐH không còn đủ điều kiện đáp ứng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để rút chỉ tiêu". Bộ yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ĐH có chuyển đổi chương trình đào tạo từ hướng đào tạo những cái mình có năng lực sang hướng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ ghi

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/481134/Se-quan-tam-hon-den-van-de-con-nguoi.html

Chưa có cơ sở để giao biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2012

Posted: 10 Mar 2012 10:37 PM PST

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn hỏa tốc số 1250/UBND-THKH – về việc báo cáo tình hình trường, lớp, học sinh các bậc Tiểu học và THCS.

Qua kiểm tra thực tế, và kết quả thẩm định của liên ngành: Nội Vụ, GD-ĐT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về số liệu báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố về tình hình trường, lớp, học sinh các bậc Tiểu học và THCS còn thiếu thống nhất, chưa đúng với quy định tại các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh như: Việc rà soát, thống kê tổng số học sinh của từng trường chưa chính xác; việc sắp xếp, bố trí số học sinh bình quân/lớp dạy học 2 buổi/ ngày chưa đúng thực tế. Do đó chưa có cơ sở để giao biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2012.

Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chặt chẽ các Phòng, ban chức năng thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác định chính xác lần cuối về tình hình trường, lớp, số học sinh bậc Tiểu học và THCS trên địa bàn quản lý, báo cáo kết quả rà soát với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 14/3/2012. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và quy định của pháp luật hiện hành về số liệu báo cáo của đơn vị mình.

Việc rà soát, báo cáo tình hình trường lớp (kể cả lớp ghép nếu có), số học sinh/lớp, số lớp dạy học 2 buổi/ngày của từng trường bậc Tiểu học và THCS phải thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản của Trung ương và tỉnh.

Giao Sở Nội vụ, GD-ĐT, Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thành lập đoàn công tác, trên cơ sở kết quả báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tiến hành kiểm tra thực tế để xác định tính chính xác của số liệu báo cáo về số trường, số lớp, tổng số học sinh, việc bố trí số học sinh/lớp, số lớp dạy 2 buổi/ngày…; phát hiện kịp thời đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm đối với đơn vị báo cáo số liệu không đúng với quy định và tình hình thực tế.

Trên cơ sở kiếm tra và khảo sát thực tế việc tổ chức lớp học ở các trường Tiểu học có nhiều khu lẻ (cơ sở vật chất, giao thông đi lại từ khu lẻ đến khu chính và đến các khu lẻ gần nhất, nhà ở cho giáo viên, việc tổ chức lớp ghép hiện nay…); giao Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên qua, xác định phương án tổ chức lớp học tại khu chính và các khu lẻ phù hợp, theo đó đề xuất số học sinh bình quân/lớp tiểu học ở địa bàn này sát hợp với quy định hiện hành, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/3/2012.

Đồng thời, báo cáo cụ thể tình hình thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Duy Tuyên

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-573715/chua-co-co-so-de-giao-bien-che-su-nghiep-giao-duc-nam-2012.htm

Những món hàng mua rẻ của giáo dục

Posted: 10 Mar 2012 10:36 PM PST

- Giống như đồ ăn, thức uống và các đồ gia dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày, giáo dục đang trở thành "mặt hàng" phổ biến, bày bán tràn lan trên các "chợ" online với  nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá, thậm chí đại hạ giá hấp dẫn đến khó cưỡng.

Các khóa học siêu giảm giá trên "chợ" online

Mua khóa học giảm giá, tặng phiếu ăn

Các sản phẩm giáo dục bán chạy nhất là những khóa học cơ bản về tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh bởi đây là ngành "hot", thu hút đông đảo nguồn nhân lực trẻ. Nếu như chỉ vài năm trước đây, giá của mỗi khóa học này khiến nhiều người đắn đo, cân nhắc thì bây giờ, với mức học phí "rẻ như cho", bất cứ ai cũng có thể "mua" cho mình một tấm bằng quản trị kinh doanh hay chứng chỉ kế toán mà không cần suy nghĩ.

Trên các "chợ" online, nở rộ các lớp học ngắn hạn, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ với nhiều ưu đãi hấp dẫn từ 50 – 97%.
Khóa học mini đào tạo theo chương trình MBA thế giới về mô hình kinh doanh mới, những kiến thức tổ chức, quản lý doanh nghiệp được quảng cáo trên một trang bán hàng qua mạng chỉ với giá 390 nghìn đồng. Đây là chi phí quá "sốc" so với mức giá gốc 12 triệu đồng/ khóa. Anh Tùng Linh (Từ Liêm, Hà Nội) từng tham gia khóa học này chia sẻ thêm: " Tôi theo học thạc sỹ quản trị kinh doanh với hình thức distance learning (đào tạo từ xa) còn được hỗ trợ đến 40 triệu đồng kết hợp 1 chuyến du học tại Malaysia 4 ngày. Chi phí rẻ nhưng giá trị thực là những con số ảo nên mình không thể định lượng được, vì nếu tính theo mức giá này có lẽ trung tâm phá sản".

"Sản phẩm" này không chỉ dừng lại ở việc giảm giá tới mức tối đa mà còn có thêm ưu đãi đặc biệt nhằm tăng sức hút với khách hàng. Học viên các lớp được tặng thêm một thẻ incard  trị giá 280 nghìn đồng dùng tại hàng trăm địa điểm ăn uống, mua sắm, giải trí.

Thị trường ngoại ngữ cũng trở nên sôi động với hàng loạt khóa học Tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn siêu rẻ. Thay vì phải bỏ 2 triệu đồng để theo học một lớp tiếng Nhật, chỉ cần đăng ký mua khóa học trên mạng với giá hơn 200 nghìn (rẻ hơn 10 lần), học viên sẽ có trong tay chứng chỉ tiếng Nhật trong vòng 3 tháng. Chị Nguyễn Liên (nhân viên Ngân hàng – Kim Mã, Hà Nội) cho biết: "Không biết chất lượng của những khóa học này ra sao nhưng mình vẫn mua vì học phí quá "bèo". Học được thì mua tiếp, còn không thì mất cũng chẳng đáng là bao". Các lớp học tiếng Anh công sở trên một số trang bán hàng trực tuyến cũng rất đắt khách với những mức phí ngang với đại hạ giá. Học viên được miễn phí kiểm tra đầu vào xếp lớp, tặng kèm phiếu học tiếng anh online trị giá gần 3 triệu đồng, chi 100 nghìn đồng có thêm thẻ giảm giá khóa học tới 70%.

Sách thông minh rẻ tiền

Bên cạnh những khóa đào tạo đại hạ giá cùng hình thức siêu khuyến mại đa dạng, các dụng cụ, đồ dùng dành cho giáo dục cũng được xếp vào "gian hàng" giá rẻ trên mạng internet. Thị trường sách tuy không phong phú bằng các khóa học nhưng với mức giá "tiết kiệm", nó vẫn "lọt mắt xanh" nhiều phụ huynh khó tính.

Dụng cụ giáo dục thông minh giá rẻ đắt khách

Với những bà mẹ công sở, không có nhiều thời gian để đi siêu thị mua sắm thì chợ sách online là nơi họ thường xuyên ghé đến. Theo nhiều người, mua sách cho con bằng hình thức này vừa nhanh, tiện lại rẻ gấp đôi, gấp ba so với hiệu sách.

Chị Thanh Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa sắm một bộ sách thông minh (gồm 10 quyển) cho con với giá 98.000 đồng. Chị Mai cho biết, trước đây chị còn mua gần như miễn phí một số bộ sách về số học IQ, thấy con cũng hứng thú nên cứ thấy quảng cáo là sách phát triển tư duy, trí tuệ cho bé mà giá rẻ bất ngờ là "rinh" ngay.

Các dụng cụ học tập đa năng, thân thiện với sức khỏe của bé như bút máy, bút chì chống cận, bộ tô màu số độc đáo, đèn học chống nóng, cặp sách tiện lợi là một trong những mặt hàng bán chạy nhất trên các trang bán hàng qua mạng. Giá của mỗi sản phẩm được "chiết khấu" tới mức tối đa, chỉ từ 50.000 đồng/ 1 sản phẩm. Ngoài ra, còn có thêm đồ khuyến mãi như tặng ngòi bút dự trữ, bút màu, sáp nặn dễ thương, tranh ghép hình để bé thỏa sức sáng tạo.

Đồ chơi thông minh giá rẻ trên các trang bán hàng trực tuyến cũng hấp dẫn không kém với các mức giá khó tin. Không cần biết tính giáo dục, khoa học của nó đến đâu, chỉ cần nhìn mác giá gắn kèm, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại rút ví mua ngay.
Trên một gian hàng online, một số bộ đồ chơi thiết kế đẹp mắt, đủ màu sắc như xếp hình, angry bird, làm tính, ghép chữ đều không quá 100 nghìn đồng, nếu có thẻ ưu đãi, mức giá này có thể giảm xuống 60 nghìn đồng.

Anh Trần Minh (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Làm sao một chiếc bút chống cận, có thể phát tín hiệu cảnh báo bằng đèn led nhấp nháy khi bé ngồi sai tư thế, ngòi bút thiết kế đặc biệt, khi bé cầm bút sai mực ra không đều nét, nhiều tính năng như vậy mà lại được giảm giá chỉ còn chưa đến 100 nghìn đồng?Liệu nó có tốt không hay chỉ như đồ chơi Trung Quốc, chưa dùng đã hỏng?".
Mặc dù không ít người thường xuyên mua sách, dụng cụ, đồ chơi thông minh siêu giảm giá với hi vọng giúp con phát triển tư duy, trí óc nhưng nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn với chất lượng thực sự của các sản phẩm giáo dục đại hạ giá này.

  • Thu Thảo

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/63434/nhung-mon-hang-mua-re-cua-giao-duc.html

Đề thi ĐH, CĐ năm 2012 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12

Posted: 10 Mar 2012 10:35 PM PST

Nội dung đề thi phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót. Đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.

Đặc biệt, đề thikhông được phép có sai sót về nội dung đề thi. Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.

Đề bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn). Có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Thống nhất các ký hiệu, thuật ngữ theo quy định hiện hành.

Bộ GD-ĐT yêu cầu những người có người thân (vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột) dự thi ĐH, CĐ ngay trong năm thi tuyển sinh không được tham gia vào ban Đề thi hoặc giúp việc ban Đề thi. Thành viên ban Đề thi được thay đổi hằng năm.

Khối thi và môn thi của các trường, ngành không thuộc diện năng khiếu, Bộ GD-ĐT quy định như sau: Khối A thi các môn: Toán, Vật lí, Hoá học; Khối A1 thi các môn: Toán, Vật lí, Tiếng Anh; Khối B thi các môn: Toán, Sinh học, Hoá học; Khối C thi các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; Khối D thi các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức và Tiếng Nhật). Các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngoại ngữ thi theo phương pháp trắc nghiệm.

Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi tự luận là 180 phút và đối với mỗi môn thi theo phương pháp trắc nghiệm là 90 phút.

Khối thi và môn thi của các trường, ngành năng khiếu: Khối N thi các môn: Ngữ văn, Kiến thức âm nhạc, Năng khiếu âm nhạc; Khối H thi các môn: Ngữ văn, Hội họa, Bố cục; Khối M thi các môn: Ngữ văn, Toán, Đọc, kể diễn cảm và hát; Khối T thi các môn: Toán, Sinh học, Năng khiếu TDTT; Khối V thi các môn: Toán, Vật lí, Vẽ mỹ thuật; Khối S thi các môn: Ngữ văn, 2 môn Năng khiếu điện ảnh; Khối R thi các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Năng khiếu báo chí; Khối K thi các môn: Toán, Vật lí, Kỹ thuật nghề.

Thời gian quy định cho mỗi đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là 4 ngày. Ngày thứ nhất làm thủ tục dự thi. Ngày thứ hai và thứ ba làm bài thi và ngày thứ tư dự trữ cho trường hợp cần thiết.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-573331/de-thi-dh-cd-nam-2012-chu-yeu-nam-trong-chuong-trinh-lop-12.htm

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ đối thoại trực tuyến với nhân dân

Posted: 10 Mar 2012 10:35 PM PST

(GDTĐ) – Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận sẽ đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vào 9 giờ thứ Tư ngày 7/3 tới. Cùng dự buổi đối thoại có các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GDĐT.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận

Nội dung đối thoại sẽ tập trung vào các vấn đề lớn như nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở các cấp học; đổi mới chương  trình đào tạo; chính sách ưu tiên cho giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục đào tạo và tiêu cực trong thi cử. Đặc biệt, buổi đối thoại cũng sẽ cung cấp những thông tin về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.

Cuộc đối thoại được truyền hình trên internet, truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1- Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, phát thanh trực tiếp trên Hệ Thời sự Chính trị- Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)

Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bạn đọc tham gia đặt câu hỏi gửi về địa chỉ email doithoai@chinhphu.vn

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201203/Bo-truong-Bo-GD-DT-doi-thoai-truc-tuyen-voi-nhan-dan-1959338/

Hôm nay con học được điều gì?

Posted: 10 Mar 2012 10:34 PM PST

Trước khi vào lớp 1, thời kì học mẫu giáo có lẽ là lúc trẻ em được thoải mái nhất.

Các bà mẹ vui vẻ đưa đón con về nhà, rồi ân cần hỏi: “Hôm nay con học được gì, con có vui không?”. Nếu mắc tí bệnh thành tích thì hỏi: “Tuần này con của mẹ có được nhận phiếu bé ngoan không?”. Để rồi đứa con nhỏ hớn hở đáp lại: “Vui lắm mẹ ạ, con biết cầm đũa này, con biết đi xe dừng lại khi đèn đỏ này, con được nhận tận 2 phiếu bé ngoan liền!” Và người mẹ trầm trồ: “Con của mẹ giỏi quá!”.

Nói nôm na thì vào thời kì này, các bậc phụ huynh thấy việc con mình học được những điều mới mẻ, cảm thấy thoải mái và hình thành một tính cách tốt là việc cần thiết.

Nhưng mà vừa bước vào độ tuổi đến trường là y rằng: “Hôm nay con của mẹ được mấy điểm mười?”. Rồi thằng bé, con bé đáp với vẻ hãnh diện:”Con được ba con 10 ạ. Hai con 10 Toán, một con 10 Tiếng Việt.”. Và người mẹ trầm trồ: “Con của mẹ giỏi quá!”. Áp lực thành tích, điểm số xuất hiện. Điểm cao đồng nghĩa với giỏi, cóc cần biết con mình học được cái gì.

Tư duy của cha mẹ cần phải thay đổi. Những bậc phụ huynh cần phải coi những điều mà trẻ học được quan trọng hơn điểm số mà chúng nhận được.

Những người cha người mẹ phải hành động như một nhà sư phạm có trách nhiệm. Họ cần phải đưa ra nhưng câu hỏi tương tự như hồi mẫu giáo kia, cần phải biết con mình học được điều gì ở nhà trường, trẻ có cảm thấy thoải mái trong môi trường học đó không, tính cách trẻ được định hình ra sao.

Những câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp của cha mẹ, tùy theo độ tuổi, sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển toàn diện của trẻ (nghe giống quảng cáo sữa thế nhỉ?).

Sau câu hỏi:”Hôm nay con học được điều gì?” và một vài câu hỏi liên quan, tùy cách trả lời của trẻ, cha mẹ có thể biết được con mình nhận thức được vấn đề đến đâu.

Giả sử như trẻ được học phép cộng, phụ huynh sẽ hỏi: “Thế 1+2 bằng mấy?”. Sau đó lại hỏi ngược lại: “Thế 2+1 bằng mấy?” Những trẻ tinh ý sẽ đáp rất nhanh, trong khi những trẻ học vẹt, máy móc sẽ mất nhiều thời gian hơn hoặc cứ gãi đầu gãi tai suốt. Thằng em trai tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Bước tiếp theo là thực tiễn. Những bậc phụ huynh cần phải tạo cơ hội để trẻ sử dụng những kiến thức chúng tiếp nhận được vào cuộc sống.

Đơn giản từ bài toàn 1+2 kia, họ hoàn toàn có thể đưa chúng đi chợ, sau đó dạy chúng cách cộng tiền hay tiêu những số tiền nhỏ. Và khi ấy, trẻ không những áp dụng được những kiến thức được học mà còn được biết thêm những kinh nghiệm thực tế.

Bước kế tiếp là phát triển ham muốn khám phá, khả năng tự học hỏi. Khi trẻ học được nhiều thứ, chúng sẽ bắt đầu tự đặt ra các câu hỏi. Khả năng nhận thức càng tốt, trẻ sẽ đặt ra càng nhiều câu hỏi.

Những bậc phụ huynh thường phớt lờ những câu hỏi ấy, nhưng thực sự, điều đó không tốt một chút nào. Chúng có thể hỏi: “Tại sao 1 + 1 lại bằng 2?”. Thay vì bảo đó là lẽ đương nhiên, có thể hỏi ngược lại: “Thế con có một quả cam, mẹ cho con thêm một quả, con có mấy quả?” Và trẻ có thể phản pháo ngay bằng một câu: “Con nhỏ một giọt nước vào một giọt nước khác, vẫn chỉ có một giọt nước. Thế là 1+1 bằng 1 chứ!”.

Những câu hỏi tại sao luôn là những câu hỏi khó trả lời vì chúng đi vào bản chất của vấn đề, nhưng, vì tương lai con em chúng ta, những bậc phụ huynh nên trả lời bằng cách nào đó để góp phần phát triển tư duy của trẻ.

Những câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí của trẻ em là động lực để chúng phải tìm kiếm, học hỏi. Phớt lờ điều đó là giết chết mong muốn học hỏi của trẻ. Tương lai của một người trí thức có khả năng phản biện xã hội bắt đầu từ những điều bé tí xíu như thế.

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/62930/hom-nay-con-hoc-duoc-dieu-gi-.html

Comments