Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Bộ GD-ĐT công bố toàn cảnh đổi mới tuyển sinh năm 2012

Posted: 24 Feb 2012 02:47 PM PST

 

Tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT

Tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm 2012 vào đại học và giải khuyến khích vào cao đẳng các ngành đúng hoặc ngành gần theo môn học sinh đoạt giải.

Học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng ngành hoặc ngành gần theo môn học sinh đoạt giải, nếu dự thi đại học, cao đẳng đủ số môn quy định theo đề thi chung, kết quả thi đạt từ điểm sàn cao đẳng trở lên, không có môn nào bị điểm 0, Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển.

Bổ sung khối thi A1 gồm các môn Toán, Lý, Tiếng Anh

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 vẫn tổ chức thi theo các khối thi truyền thống A, B, C, D, các khối năng khiếu và bổ sung thêm khối A1 gồm 3 môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh.

Để bảo đảm sự ổn định ở các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh trong 3 năm học trung học phổ thông (theo ban và theo khối), Bộ GD-ĐT yêu cầu các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng (gọi chung là các trường) vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với mục tiêu đào tạo của từng ngành đào tạo.

Bổ sung cụm thi Hải Phòng do Trường đại học Hàng Hải làm Trưởng cụm thi. Thí sinh dự thi tại cụm Vinh được đăng ký học các trường đại học đóng tại Hà Nội và TPHCM.

 

Cấp Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh

Thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 02 Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường.

Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường cao đẳng đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu (điểm sàn theo đề thi cao đẳng) theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường cao đẳng tổ chức thi cấp 02 Giấy chứng nhận kết quả thi cao đẳng, có đóng dấu đỏ của trường.

Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.

Các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển

Căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển,không hạn chế số đợt xét tuyển, không qui địnhđiểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, trên nguyên tắc: Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn (điểm sàn không nhân hệ số); bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm.

Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác điều kiện xét tuyển bổ sung, gồm: Hồ sơ đăng ký xét tuyển (ghi rõ nhận bản gốc hay bản sao Giấy chứng nhận kết quả thi); Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi đợt; Thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển; Thời gian nhập học; Chỉ tiêu cần xét tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; vùng tuyển, nguồn tuyển;…

Hàng năm, chậm nhất là ngày 31/12, các trường phải báo cáo về Bộ kết quả tuyển sinh, kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm.

Hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

Một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2. (Phiếu số 1 do Sở GD-ĐT lưu giữ. Phiếu số 2 do thí sinh giữ và được sử dụng trong các trường hợp cần thiết).

3 ảnh chân dung cỡ 4´6cm được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; 3 phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ, tên và địa chỉ, số điện thoại của thí sinh. Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

Riêng thí sinh có nguyện vọng học tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các đại học (sau đây gọi chung là trường) thì cần nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1.

 

Nộp hồ sơ và lệ phí đăng kí dự thi

Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó. Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại các địa điểm do Sở GD-ĐT quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT của học sinh đang học lớp 12.

Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: Theo hệ thống của Sở GD-ĐT: Từ ngày 15/3 đến 17.00 giờ ngày 16/4/2012; Tại các trường tổ chức thi: Từ ngày 17/4 đến 17.00 giờ ngày 23/4/2012. Các Sở GD-ĐT, các trường không thay đổi thời hạn, không kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT trước hoặc sau thời hạn quy định.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển:

Hồ sơ ĐKXT gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc hay bản sao có công chứng theo qui định của từng trường) và 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.

Thí sinh trúng tuyển nhập học, phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (nếu chưa nộp trong hồ sơ ĐKXT).

Nộp hồ sơ và lệ phí ĐKXT:

Trong thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.

Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

Hàng ngày, các trường nhận và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh.

Điều chỉnh quy định tại Điều 33 của Quy chế tuyển sinh

Bỏ quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 33 của Quy chế tuyển sinh hiện hành:

Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết;

Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.

Bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo như sau:

Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo từ 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường qui định.

Bổ sung chế tài xử lý hành vi vi phạm Quy chế: Cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi sau đây: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường; Xác định điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn; Tuyển sinh những ngành chưa được giao nhiệm vụ mở ngành; Xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Lịch thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-568689/bo-gddt-cong-bo-toan-canh-doi-moi-tuyen-sinh-nam-2012.htm

Tuyên truyền sâu rộng xây dựng Xã hội học tập

Posted: 24 Feb 2012 02:47 PM PST

Hội nghị Ban chấp hành lần này ngoài việc thảo luận báo cáo tổng kết công tác năm 2011 và phương hướng hoạt động năm 2012, Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả về phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện mới là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định rõ hướng phát triển xã hội học tập và xác định vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học Việt Nam (HKHVN) trong cuộc vận động nhân dân học tập; Nhà nước đã công nhận HKHVN là một tổ chức xã hội mang tính đặc thù, hoạt động trong phạm vi toàn quốc.

Hội nghị đã nhất trí những đánh giá và thành quả của phong trào khuyến học năm 2011 như chỉ tiêu phát triển hội viên đã đạt tỷ lệ hơn 10 % dân số; quĩ khuyến học đạt mức trên 10.000đ/một người dân, vượt mức Đại hội đại biểu toàn quốc HKHVN lần thứ IV đề ra. Tổ chức cơ sở của Hội được thành lập tại 98,2% xã, phường, thị trấn, 28.453 trường học và 93.247 cụm dân cư, cơ quan, xí nghiệp đã có chi hội hoặc ban khuyến học.

Tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định: "Có được những thành quả như trên, trước hết là do các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm đến sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Chỉ thị 11 của Bộ chính trị và văn kiện Đại hội Đảng các khóa IX, X, XI nhấn mạnh về hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là cơ sở chính trị quan trọng, là định hướng cho Hội triển khai công tác khuyến học, khuyến tài đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng tình và hưởng ứn. Hội có đội ngũ cán bộ tâm huyết, đầy trách nhiệm trước nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập; mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội Khuyến học với cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính tri, xã hội… đặc biệt là sự hợp tác và hỗ trợ của Ngành giáo dục đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội Khuyến học, đóng góp thiết thực cho việc hỗ trợ hệ thống giáo dục trong nhà trường và cuộc vận động xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" của ngành giáo dục".

Thống nhất các ý kiến tại hội nghị về phương hướng nhiệm vụ khuyến học năm 2012, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm đề nghị thực hiện 3 vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, Hội cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, nhân dân về sự cần thiết phải xây dựng xã hội học tập để thực hiện chủ trương hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.

Thứ hai, phải xác định Trung tâm học tập cộng đồng là một thiết chế giáo dục và là cơ sở của xây dựng xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Đề án xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam do Hội Khuyến học chủ trì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập, nhiệm vụ của Hội là tư vấn cho Đảng, Nhà nước đưa ra các chủ trương, việc triển khai thực hiện sẽ do Ban chỉ đạo điều hành, Hội giữ vai trò nòng cốt liên kết trong việc vận động xây dựng xã hội học tập.

Thứ ba, các cấp Hội phải đổi mới phương thức hoạt động, đưa các phong trào đi vào chiều sâu để nâng cao chất lượng và hiệu quả; cán bộ, hội viên Hội Khuyến học phải tích cực tham gia cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để xứng tầm là hội viên của một hội đặc thù.

Lương Thanh Sở

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-568566/tuyen-truyen-sau-rong-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap.htm

15/3, bắt đầu nộp hồ sơ ĐKDT đại học, cao đẳng năm 2012

Posted: 24 Feb 2012 02:47 PM PST

 

Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: Theo hệ thống của Sở GD-ĐT: từ ngày 15/3 đến 17giờ ngày 16/4; tại các trường tổ chức thi: từ ngày 17/4 đến 17giờ ngày 23/4.

Các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ không thay đổi thời hạn, không kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT trước hoặc sau thời hạn quy định.

Thí sinh có 2 giấy chứng nhận kết quả thi

Việc nhận bản gốc hay bản sao giấy chứng nhận kết quả thi khi xét tuyển là do hội đồng tuyển sinh của từng trường cân nhắc, quyết định.

Chốt thời gian xét tuyển vào ngày 30/11/2012

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-568593/153-bat-dau-nop-ho-so-dkdt-dai-hoc-cao-dang-nam-2012.htm

Từ năm 2012, nhà nước đầu tư đặc biệt cho đào tạo khoa học cơ bản

Posted: 24 Feb 2012 02:46 PM PST

(GDTĐ) – Một điều ai cũng nhận thấy rằng tại các quốc gia phát triển, khoa học cơ bản (KHCB) chính là xương sống để giữ vững vị trí siêu cường của họ. Còn đối với các quốc gia đi sau hoặc những quốc gia đang phát triển, việc đuổi kịp nhóm hàng đầu hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó xây dựng một nền KHCB vững mạnh và đúng hướng có vai trò quyết định. 

Đổi mới tư duy, đầu tư để không tụt hậu

Hãy nhìn những quốc gia gần gũi với chúng ta hiện nay đã gia nhập nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới như Hàn Quốc, hay Trung Quốc, để thấy vai trò của KHCB đối với sự phát triển vững mạnh của họ. Thực tế thế giới đã chứng minh đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu KHCB là sự đầu tư thông minh, mang lại lợi nhuận cao nhất và quan trọng nhất đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của mỗi quốc gia.

Theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài con người Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận các lĩnh vực của KHCB ở trình độ cao. Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hữu Dư – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) cũng đã chỉ rõ một thực tế đáng tự hào; đó là có rất nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic Quốc tế về Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học…; nhiều nhà khoa học đã trở thành chuyên gia hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học của nước ngoài….; hay chính thành tích kiệt xuất của GS Ngô Bảo Châu trong lĩnh vực toán học cũng là một minh chứng điển hình. Tuy nhiên, do sự đầu tư chưa thích đáng, nên cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn được xếp vào khu vực chậm phát triển.

Thời gian gần đây, có tín hiệu đáng mừng là Nhà nước đã đánh giá đúng vai trò của KHCB đối với sự phát triển và bảo vệ đất nước và bắt đầu chú trọng hơn đến việc đầu tư cho lĩnh vực KHCB nói chung và công tác đào tạo các ngành KHCB nói riêng; Đặc biệt việc Nhà nước đã phê duyệt đề án "Áp dụng cơ chế tài chính đặc biệt để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu ngành KHCB" của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN – một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu về lĩnh vực KHCB của đất nước hiện nay, được đánh giá là "cú hích" để mở rộng con đường phát triển đối với lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu KHCB của nước nhà trong tương lai.

Phòng thí nghiệm trọng điểm
Phòng thí nghiệm trọng điểm

Cơ chế thực hiện đề án "Áp dụng cơ chế tài chính đặc biệt để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu ngành KHCB" của Trường ĐHKHTN được triển khai theo phương thức nhà nước đặt hàng đối với cơ sở đào tạo, có cam kết của các đơn vị sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp (nhà nước đầu tư đặc biệt – cơ sở đào tạo cam kết chất lượng sản phẩm đầu ra – nhà nước đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp). Kể từ năm học 2012- 2013, Bộ Tài chính đã tạm cấp kinh phí cho Trường ĐHKHTN để thực hiện đề án theo mức: mỗi sinh viên thuộc những ngành đã được phê duyệt được hỗ trợ chi phí học tập là 4 triệu đồng/1 năm (tương đương với mức thu học phí) và 100 triệu đồng/ 1 ngành phục vụ cho việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu như: Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, thực tập,… Được biết, đây chỉ là mức tạm cấp để Trường ĐHKHTN thực hiện đề án ngay từ năm học 2012-2013. Kinh phí của dự án sẽ gấp 3 lần so với mức tạm cấp này ngay sau khi Bộ Tài chính thẩm định chi tiết các mức chi của dự án.

Với kinh phí được cấp theo đề án, sinh viên sẽ giảm được gánh nặng học phí, chi phí học tập, được tăng cường thực hành, thí nghiệm, thực tập thực tế và được tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Các ngành đào tạo KHCB trọng tâm của Trường ĐHKHTN được "hưởng lợi" từ chương trình này bao gồm các ngành: Máy tính và Khoa học thông tin, Khoa học vật liệu, Địa lý tự nhiên, Kỹ thuật Địa chất, Quản lý tài nguyên và môi trường, Hải dương học, Thủy văn, Khoa học đất.

Như vậy, năm học 2012-2013, nhà nước đã có sự đầu tư đặc biệt cho một đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu KHCB điều đó cho thấy sự quan tâm ngày càng rõ rệt và đi vào thực tiễn hơn của Đảng và Nhà nước đối với một lĩnh vực đặc biệt liên quan đến vận mệnh tương lai của đất nước.

Chỉ tiêu tuyển sinh và các ngành tuyển sinh năm 2012 của Trường ĐHKHTN:

(chi tiết xem tại www.hus.vnu.edu.vn/ Tư vấn tuyển sinh):

 

TT

Ngành học

Khối
thi

Chỉ

tiêu

 

Khoa Toán – Cơ – Tin học

220

1.

Toán học

A, A1

2.

Máy tính và khoa học thông tin

A, A1

 

Khoa Vật lý

 

150

3.

Vật lý học

A, A1

4.

Khoa học vật liệu

A, A1

5.

Công nghệ hạt nhân

A, A1

 

Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương

 

110

6.

Khí tượng học

A, A1

7.

Thủy văn

A, A1

8.

Hải dương học

A, A1

 

Khoa Hóa học

 

190

9.

Hoá học

A, A1

10.

Công nghệ kỹ thuật hoá học

A, A1

11.

Hoá dược

A, A1

 

Khoa Địa lý

 

110

12.

Địa lý tự nhiên

A, A1

13.

Quản lý đất đai

A, A1

 

Khoa Địa chất

130

14.

Địa chất học

A, A1

15.

Kỹ thuật địa chất

A, A1

16.

Quản lý tài nguyên và môi trường

A, A1

 

Khoa Sinh học

200

17.

Sinh học

A, A1, B

18.

Công nghệ Sinh học

A, A1, B

 

Khoa Môi trường

200

19.

Khoa học đất

A, A1, B

20.

Khoa học môi trường

A, A1, B

21.

Công nghệ kỹ thuật môi trường

A, A1

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201202/Tu-nam-2012-nha-nuoc-dau-tu-dac-biet-cho-dao-tao-khoa-hoc-co-ban-1958978/

Chốt lại 6 điều cần biết về tuyển sinh 2012

Posted: 24 Feb 2012 02:46 PM PST

- Sáng 24/2, trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, phương án chính thức được Bộ GD-ĐT quyết định có nhiều thay đổi so với dự kiến. Tuyển sinh 2012 có một số điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho các trường và thí sinh trong việc đăng ký, nộp hồ sơ, thi và xét tuyển.
TIN LIÊN QUAN



Thí sinh thi ĐH Năm 2011. Ảnh Văn Chung

 

Không lùi lịch thi

Các đợt thi sẽ vẫn diễn ra như cũ, không lùi như dự kiến.  Lịch các đợt thi như sau: đợt 1 sẽ thi vào ngày 4 và 5/7; đợt 2 vào ngày 9 và 10/7 và đợt 3 vào ngày 15 và 16/7. Năm nay Bộ GD-ĐT tổ chức cụm thi tại Hải Phòng, dự kiến có 50.000-60.000 thí sinh dự thi. Ngoài ra, cụm thi Vinh sẽ tiếp nhận thí sinh dự thi vào các trường ở TP.HCM.

Thêm khối A1

Thông tin từ Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc tuyển sinh thêm khối A1 sẽ được thực hiện ngay từ năm 2012. Thí sinh dự thi khối A1 sẽ thi ba môn: toán, vật lý, tiếng Anh và thi cùng đợt với khối A. Môn toán, vật lý thi chung đề với khối A, môn tiếng Anh có đề thi riêng, thi cùng ngày với môn hóa học của khối A. Không được thay thế hoàn toàn khối A bằng khối A1.

Hai bản gốc phiếu báo điểm

Nếu thí sinh không trúng nguyện vọng (NV)1 nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng, khu vực, không có môn thi nào bị điểm 0 sẽ được trường tổ chức thi cấp hai bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi (có đóng dấu đỏ của trường) với giá trị tương đương nhau. Bộ GD-ĐT không quy định việc trường có thể nhận nhận bản gốc hay bản sao giấy chứng nhận kết quả thi để thuận lợi và chủ động trong khâu xét tuyển.

Thí sinh chủ động nắm thông tin từ trường

Việc nộp hồ sơ, xét tuyển năm 2012 sẽ do các  trường quyết định, do đó thí sinh cần nắm chắc quy định của các trường. Như mọi năm, Bộ GD-ĐT đều yêu cầu  các trường phải tạo điều kiện cho thí sinh rút hồ sơ nếu các em muốn thay đổi nguyện vọng và liên tục cập nhật thông tin về số lượng hồ sơ đăng ký vào trường trên website của trường đó để thí sinh theo dõi và điều chỉnh NV.

Tuyển thẳng học sinh đạt giải 3 quốc gia

Thí sinh đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ theo đúng ngành, nhóm ngành trùng với môn đoạt giải hoặc ngành lân cận. Thí sinh đoạt giải khuyến khích sẽ được tuyển thẳng vào trường cao đẳng. Nếu không sử dụng quyền tuyển thẳng, những học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tham dự kỳ thi tuyển sinh đạt điểm bằng hoặc trên điểm sàn, không có môn thi nào bị điểm 0 sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các trường, ngành học khác.

Cơ chế mở cho các trường năng khiếu

Bộ GD-ĐT sẽ cho phép một số trường trực thuộc Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch được tổ chức tuyển sinh riêng theo đề xuất của các trường. Việc tổ chức tuyển sinh của các trường có thể lệch với kỳ thi “ba chung” để thí sinh có cơ hội dự thi vào các trường khác theo “ba chung”.

Về lo lắng của các trường nếu không được đào tạo hệ trung cấp sẽ gây nhiều khó khăn trong nguồn tuyển sinh ĐH, ông Ga cho biết: “Hiện Bộ vẫn đang xem xét và sẽ sớm có trả lời cho các trường”.

  • Phong Đăng

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/61564/chot-lai-6-dieu-can-biet-ve-tuyen-sinh-2012.html

Chỉ tiêu tuyển mới khối trường quân đội

Posted: 24 Feb 2012 02:46 PM PST

Sáng 24/2, Ban tuyển sinh (Bộ Quốc phòng) chính thức công bố chỉ tiêu vào các trường quân đội năm 2012. Cơ bản công tác tuyển sinh của các trường quân đội năm nay không có thay đổi nhiều so với năm trước.

 TIN LIÊN QUAN:

Năm 2012, chỉ tiêu hệ quân sự vẫn tương đối ổn định so với năm trước. Riêng hệ dân sự thì chỉ tiêu tăng mạnh. Đặc biệt năm nay ngoài thi tuyển khối C thì ĐH Chính Trị bổ sung thêm khối A, trường HV Kỹ thuật quân sự mở hệ CĐ dân sự…

Dưới đây là thông tin chỉ tiêu vào các trường:

 Học viện Kỹ thuật Quân sự: 1.657 chỉ tiêu (CT) trong đó: Đào tạo kỹ sư cho quân đội 387 CT; Đào tạo kỹ sư hệ dân sự 850 CT, thi tuyển khối A; đào tạo cao đẳng hệ dân sự 420 CT, xét tuyển khối thi A.

Học viện Quân y: 740 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội – Bác sĩ Quân y 190 CT; các ngành đào tạo đại học hệ dân sự 550 CT, thi tuyển khối thi A, B.

Học viện Khoa học Quân sự: 250 CT, trong đó: Các ngành đào tạo đại học cho quân đội 100 CT khối thi A, D1,2,3,4; các ngành đào tạo đại học hệ dân sự 150 CT, khối thi D1,2,3,4.

Học viện Biên phòng: 650 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội 360 CT, đào tạo đại học cho Bộ Công an 240 CT, khối thi C; đào tạo cao đẳng cho quân đội 50, xét tuyển.

Học viện Hậu cần: 852 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội 402 CT; đào tạo đại học hệ dân sự 250; đào tạo cao đẳng hệ dân sự 200, khối thi A.

Học viện Phòng không – Không quân: 360 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội 320, khối thi A; đào tạo cao đẳng cho quân đội 40, xét tuyển.

Học viện Hải quân: 380 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội 350 CT, khối thi A; đào tạo cao đẳng cho quân đội 30, xét tuyển.

Trường Đại học Chính trị: 370 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội 300 khối thi A, C; đào tạo đại học cho Bộ Công an 70, khối thi C.

Trường Đại học Trần Quốc Tuấn: 750 CT, trong đó: Đào tạo đại học cấp phân đội cho quân đội 400, khối thi A; đào tạo đại học ngành quân sự cơ sở 80, đào tạo cao đẳng ngành quân sự cơ sở 270, khối thi C.

Trường Đại học Nguyễn Huệ: 705 CT, trong đó: Đào tạo đại học cấp phân đội cho quân đội 365, đào tạo đại học cho Bộ Công an 60, khối thi A; đào tạo đại học ngành quân sự cơ sở 100, đào tạo cao đẳng ngành quân sự cơ sở 180, khối thi C.

Trường Sĩ quan Pháo binh: 125 CT, trong đó: Đào tạo đại học cấp phân đội cho quân đội 95, khối thi A; đào tạo cao đẳng cho quân đội 30, xét tuyển.

Trường Sĩ quan Công binh: 285 CT, trong đó: Đào tạo đại học cấp phân đội cho quân đội 85, khối thi A; đào tạo cao đẳng hệ dân sự 200, xét tuyển

Trường Sĩ quan Thông tin: 476 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội 146, khối thi A; đào tạo cao đẳng cho quân đội 30, đào tạo cao đẳng, hệ dân sự 300, xét tuyển.

Trường Sĩ quan Không quân: 150 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội – phi công quân sự 50, khối thi A; đào tạo cao đẳng cho quân đội 100, xét tuyển.

Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội: 200 CT, đào tạo đại học hệ dân sự 200, khối thi C, N, R.

Trường Đại học Trần Đại Nghĩa: 605 CT, trong đó: Đào tạo đại học cho quân đội 155, đào tạo đại học hệ dân sự 250 khối thi A; đào tạo cao đẳng hệ dân sự 200, xét tuyển.

Trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp: 30 CT, đào tạo đại học cho quân đội, khối thi A.

Trường Sĩ quan Đặc công: 30 CT, đào tạo đại học cho quân đội, khối thi A.

Trường Sĩ quan Phòng hóa: 30 CT, đào tạo đại học cho quân đội, khối thi A.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng: 250 CT, đào tạo cao đẳng hệ dân sự, xét tuyển khối thi A, D1.

 

  • Nguyễn Thanh

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/61572/chi-tieu-tuyen-moi-khoi-truong-quan-doi.html

Đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chung của toàn xã hội

Posted: 24 Feb 2012 02:46 PM PST

(GDTĐ) – Nhận định về tình hình giáo dục nước ta hiện nay người ta có thể khẳng định, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, song cũng tồn tại nhiều hạn chế….

Đó là sự tồn tại của một nền giáo dục đã không còn phù hợp với  những yêu cầu thực tế của đời sống xã hội, sự mất cân bằng giữa việc tăng số lượng và chất lượng giáo dục, giáo dục chạy theo số lượng, thiếu cân đối ngành nghề, trình độ đào tạo,.…bấy nhiêu hạn chế đó cũng đủ cho ngành và toàn xã hội nhận thức rằng: Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là nhiệm vụ bức thiết.

(ảnh minh họa)
(ảnh mang tính minh họa)

Vấn đề tất yếu là thay đổi ra sao? Và ai thay đổi?  Dễ thường người ta nghĩ đến trách nhiệm của cơ quan 'đầu tàu"- Bộ Giáo dục Đào tạo; và đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức rằng: nhiệm vụ đổi mới giáo dục là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không đơn thuần là chỉ một mình ngành Giáo dục mà dẫn đường là các chuyên gia có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm ở lĩnh vực giáo dục và đòi hỏi từng cá nhân có đầu óc tư duy đổi mới.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của một số đại biểu thanh niên các nước tham gia Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á trong buổi thảo luận về chủ đề giáo dục trong nhà trường, tôi nhận thấy thực trạng mà ngành Giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt, đang tìm kiếm giải pháp cũng là hình ảnh chung đối với một số quốc gia Đông Nam Á,  đâu đó vẫn là câu chuyện chất lượng giáo dục chưa đảm bảo với thực tiễn đời sống, thiếu nhân tài, nội dung và phương pháp đào tạo chưa hấp dẫn người được đào tạo, tình trạng xuống cấp về đạo đức….

Rất nhiều ý kiến của các bạn trẻ tại buổi thảo luận chia sẻ: xã hội, đặc biệt là những người đã, đang và sẽ hoạt động trong ngành giáo dục cần có cái nhìn mới mẻ hơn về giáo dục thực tại. Giáo dục thời nay không còn đơn thuần là sự tồn tại biệt lập của nhà trường so với yêu cầu chung của xã hội mà thay vào đó là sự chủ động trong việc liên kết, hỗ trợ mạnh mẽ lẫn nhau trong việc định hướng đào tạo ngành nghề cho học viên tiến tới sự cân bằng cung-cầu ngành nghề mà xã hội đang thực sự cần, thực trạng thiếu thừa việc làm của sinh viên tốt nghiệp vì thế mà cũng được đẩy lùi, tệ nạn xã hội phần nào được hạn chế.

Bổ sung biện pháp cải cách giáo dục các đại biểu thanh niên còn đưa ra khái niệm về giáo dục hiện đại mà ở đó người đào tạo và học viên sẽ dần xóa bỏ cách giảng và tiếp thu bài giảng một cách thụ động theo lối mòn cũ rích mà tạo không gian mở tối đa để trao đổi thông tin, kiến thức; tận dụng thời gian vốn dĩ chỉ dành cho lý thuyết bằng các giờ thực hành, ứng dụng vào thực tiễn đời sống đó cách kiểm chứng kết quả lý thuyết hiệu quả nhất cho học viên. Không gian lớp học sẽ không còn đơn giản người giảng cầm phấn viết lên bảng, học viên chỉ nghe viết và viết mà ở đó có sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị máy móc hiện đại: máy tính nối mạng, máy chiếu cùng các điều kiện khác phù hợp với từng ngành nghề đào tạo…

Tất nhiên đấy chỉ là một mặt của khái niệm giáo dục hiện đại, thực sự cải cách nó đòi hỏi phải xuất phát từ hệ thống, bộ máy cấu thành nên nó, đó là nội dung, phương pháp và con người thực hiện công tác giáo dục sao cho hiệu quả nhất.

Tất cả các ý kiến đều hướng tới một mục tiêu chung thay đổi giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tế tuy nhiên điều tôi ấn tượng có lẽ là câu kết cuối cùng cho bài báo cáo về vấn đề giáo dục trong nhà trường của các bạn: "giáo dục hiện đại không nằm ngoài giáo dục truyền thống mà giữa chúng còn giữ mối quan hệ bổ trợ cho nhau".

Cũng xuất phát từ thực trạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều bạn trẻ không nắm rõ lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc mình, ý thức đạo đức kém, vi phạm pháp luật hay nghiêm trọng hơn sa vào các tệ nạn xã hội…hậu quả ấy báo động một xã hội tất yếu cần thay đổi, trước nhất cần sớm đưa các môn lịch sử, đạo đức, văn hóa ngay từ những năm cấp I hoặc linh hoạt đưa vào hệ thống giáo dục mầm non để trẻ sớm hình thành nhận thức mỹ quan về văn hóa truyền thống dù đó chỉ là sơ nét và chưa đủ chín để tiếp thu nhưng đó thực sự là tiền đề quan trọng cho những giai đoạn sau của cấp đào tạo.

Giáo dục theo "xu hướng mở" không gói gọn trong phạm vi trường học mà tăng cường cho các em học sinh được tham quan, dã ngoại trên cơ sở kết hợp cùng gia đình sẽ là nền tảng vững chắc tạo cho các em học sinh tự ý thức yêu quý gia đình, xã hội, ý thức về bảo vệ môi trường… Vì vậy, để hướng tới một nền giáo dục hoàn thiện tất yếu phải xác định đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

H'Yuên 

(Gia Lai)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201202/Doi-moi-giao-duc-la-nhiem-vu-chung-cua-toan-xa-hoi-1958957/

Không thiếu tiền trả phụ cấp thâm niên

Posted: 24 Feb 2012 02:46 PM PST

-Lương giáo viên từ tháng 5/2011 có thêm
khoản “phụ cấp thâm niên” nếu đủ các điều kiện. Kinh phí chi trả phụ cấp thâm
niên cho nhà giáo đã được rót về cơ sở. Nhà giáo được truy lĩnh sớm hay muộn phụ
thuộc khâu duyệt danh sách của các cơ sở.  Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ
GD-ĐT) Trần Kim Tự cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) Trần Kim Tự

Nhà giáo được truy lĩnh từ tháng 5/2011

- Xin ông cho biết những đối tượng nào sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên?
Quy định hướng dẫn chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo dạy trường công và
trường tư có sự khác biệt nào không, thưa ông?

Ông Trần Kim Tự: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định
54 quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo trong các trường công lập,
Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội
vụ ban hành thông tư liên tịch số 68 hướng dẫn thực hiện. Thông tư có hiệu lực
từ ngày 20/2.

Trong Thông tư cũng khẳng định rõ, đối tượng được hưởng là các nhà giáo dạy
trong các trường công lập, trong các cơ sở giáo dục công lập. Phạm vi của các cơ
sở giáo dục công lập được nêu rất rõ ở Điều 1 của Nghị định.

Nhà giáo trường tư có được hưởng không thì Nghị định cũng không cấm không được
hưởng. Vì đây là hướng dẫn thực hiện ngân sách nhà nước cho nên được quy định
trong các trường công. Còn các trường tư có thể vận dụng chính sách này đưa vào
giao kết hợp đồng lao động về chế độ chính sách đối với các nhà giáo làm việc
trong các trường tư, các cơ sở giáo dục tư. Có thể áp dụng dưới hình thức như
tăng lương, thâm niên hoặc hình thức khác phụ thuộc vào chế độ hợp đồng.

Tuy nhiên, nhà giáo dạy trường tư có tham gia đóng bảo hiểm xã hội, sau đó lại
được tuyển dụng vào trường công thì trong thông tư hướng dẫn có nêu rất rõ.
Những nhà giáo chưa thuộc diện biên chế trong các trường công lập nhưng đã có
thời gian tham gia bảo hiểm bắt buộc ở trường tư, sau đó được tuyển ngay vào các
trường công lập thì thời gian đó sẽ được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

- Theo hướng dẫn ban hành thì mốc tính phụ cấp thâm niên cho những nhà giáo
công tác tính hưởng từ thời gian 1/5/2011 đến nay. Vậy thời gian công tác từ
tháng 4/2011 trở về trước được tính như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Kim Tự: Nghị định ban hành ngày 4/7/2011 và có hiệu lực sau đó
45 ngày. Tuy nhiên hiệu lực của chế độ thì lại được Chính phủ đồng ý cho các nhà
giáo hưởng phụ cấp thâm niên từ 1/5/2011 phù hợp với mốc tăng lương tối thiểu
chung đối với cán bộ công chức, viên chức của nhà nước.  Như vậy tất cả giáo
viên đủ điều kiên nhận phụ cấp thâm niên từ tháng 5/2011.

Lương giáo viên từ tháng 5/2011 bắt đầu được tính phụ cấp thâm niên nếu đủ các
điều kiện. Thời gian hưởng, cách tính và mức hưởng cụ thể thông tư quy định rất
rõ.

Kinh phí chi phụ cấp không thiếu

- Ngân sách chi phụ cấp thâm niên cho nhà giáo dạy trường công lấy từ đâu?
Và trường tư lấy nguồn từ đâu? Vì nhiều ý kiến băn khoăn, thời điểm hướng dẫn có
hiệu lực cũng là thời điểm năm học gần kết thúc, liệu có lý do “thiếu ngân sách”
dẫn đến nợ phụ cấp của giáo viên không thưa ông?

Ông Trần Kim Tự: Trong hướng dẫn xác định rất rõ, đối với các cơ sở giáo
dục được ngân sách nhà nước đảm bảo 100% thì kinh phí thực hiện phụ cấp thâm
niên nhà giáo do nhà nước chi trả. Thông tin từ Bộ Tài chính tôi được biết thì
ngân sách chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã rót về các cơ sở.

Về kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo tôi khẳng định là không
thiếu nguồn. Nhà giáo được truy lĩnh sớm hay muộn phụ thuộc khâu duyệt danh sách
của các cơ sở.

Đối với cơ sở giáo dục ngân sách nhà nước đảm bảo một phần kinh phí hoạt động,
một phần tự chủ thì kết hợp hai nguồn này để chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Còn những cơ sở giáo dục tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thì họ sẽ trích từ
nguồn ngân sách tự chủ để chi trả.

- Điều này đồng nghĩa với việc không xảy ra tình trạng nợ phụ cấp thâm
niên của nhà giáo?

Ông Trần Kim Tự: Việc chi trả phụ cấp thâm niên, đặc biệt là phần truy
lĩnh từ tháng 5/2011 đến nay chắc chắn còn phụ thuộc vào việc tính toán quyết
định của địa phương. Còn nguồn tiền tôi khẳng định họ đã chuẩn bị được rồi.

Nhà giáo được truy lĩnh vào thời điểm nào thì còn phụ thuộc vào tốc độ triển
khai thực hiện theo hướng dẫn thông tư 68 của các cơ sở. Tuy nhiên, theo như tôi
biết thì khi chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn thì đã có một số trường ĐH tự
chủ về ngân sách họ đã tính cho các nhà giáo từ tháng 9, tháng 10/2011.

Mặt khác, các sở GD địa phương cũng căn cứ vào Nghị định để có dự toán nguồn
chi. Vì hàng năm vào cuối năm thì các cơ sở phải tính dự toán nguồn chi cho năm
sau. Do đó, dù chưa có hướng dẫn nhưng các sở đã có dự toán nguồn chi trả phụ
cấp thâm niên cho nhà giáo để báo cáo với UBND tỉnh.

- Bộ GD-ĐT sẽ giám sát thế nào để tin vui này không làm giáo viên dài cổ
ngóng chờ, thưa ông?

Ông Trần Kim Tự: Trong quản lý nhà nước không thể bỏ qua chức năng giám
sát. Tuy nhiên, căn cứ tính tự chủ của các cơ sở thì Bộ sẽ có giám sát thông qua
các hệ thống của mình. Ví như giám sát việc thực hiên của các địa phương thông
qua các sở, phòng GD-ĐT.

Đồng thời giám sát trực tiếp các đơn vị trực thuộc và sẽ giám sát thông qua
phản ánh của dư luận. Vì mình Bộ không thể đi hết tất cả các cơ sở giáo dục được
nên phải chủ động thông qua các kênh như đã nói và thông qua chế độ báo cáo.

- Cảm ơn ông!

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/61519/khong-thieu-tien-tra-phu-cap-tham-nien.html

Chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh

Posted: 24 Feb 2012 02:43 PM PST

(GDTĐ) – Đó là yêu cầu đặt ra của Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội nghị giao ban lần thứ 2 năm học 2011 – 2012 các Sở GDĐT vùng đồng bằng Bắc bộ (vùng thi đua số 2).

Hội nghị diễn ra ngày 22/2/2012 tại thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, do Bộ GDĐT phối hợp với Sở GDĐT các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ (vùng thi đua số 2) tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa; cùng sự tham dự của Giám đốc các Sở GDĐT vùng 2; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ GDĐT; đại diện Công đoàn ngành và các Phòng chức năng thuộc các Sở GDĐT trong vùng.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị.

Báo cáo về kết quả triển khai nhiệm vụ từ đầu năm học đến nay và tình hình triển khai nhiệm vụ đến hết năm học 2011 – 2012 do ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình – đơn vị trưởng vùng – cho biết, ngay từ đầu năm học, nhất là từ sau Hội nghị giao ban lần một (diễn ra tại Thái Bình ngày 20/10/2011) đến nay, ngành GDĐT các tỉnh vùng 2 đã nỗ lực cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ học kỳ I, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ học kỳ II và cả năm học. Cụ thể đối với kết quả triển khai các cuộc vận động và phong trào thi đua, ngành GDĐT các tỉnh đều đã có sự chủ động triển khai sâu rộng, đi vào hoạt động thiết thực gắn liền với việc nâng cao chất lượng GD toàn diện. Thống kê cho thấy 100% trường học trong vùng 2 đều tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; hầu hết các nhà trường trong vùng đã có công trình vệ sinh, nước sạch phục vụ HS ở tất cả các cấp học, việc thực hiện chế độ chính sách đối với HS, SV thuộc diện chính sách, hộ nghèo, HS dân tộc ít người được bảo đảm. Công tác xã hội hóa GD được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu số HS bỏ học. Đặc biệt các địa phương trong vùng, kể cả vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người đã không còn tình trạng HS phải bỏ học do thiếu ăn, thiếu quần áo, thiếu sách vở…

Nhận thấy vai trò quan trọng của GDĐT đối với sự phát triển toàn diện của địa phương, trong những năm gần đây việc tăng cường đầu tư cho GDĐT đã ngày càng được các cấp đảng ủy, chính quyền các tỉnh trong vùng quan tâm và đẩy mạnh. Bằng chứng rõ nét nhất là CSVC phục vụ GDĐT đã được tăng cường đầu tư ở hầu hết các tỉnh; chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy – học, GD không ngừng được nâng lên. Cụ thể ở cấp tiểu học, kết thúc học kỳ I năm học 2011 – 2012, các tỉnh vùng 2 có trên 96% HS được xếp loại thực hiện đầy đủ về hạnh kiểm, trên 98% HS được xếp loại từ trung bình trở lên bộ môn Tiếng Việt, 97% HS được xếp loại trung bình trở lên về môn Toán. Đối với THCS và THPT, số HS khá giỏi chiếm tỷ lệ cao, ổn định và tăng so với năm học trước. Bên cạnh chất lượng GD, số trường đạt chuẩn Quốc gia của các tỉnh trong vùng cũng không ngừng được tăng lên trong thời gian qua ở tất cả các cấp học, ngành học. Công tác PCGD Tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS được duy trì có chất lượng, công tác phân luồng HS sau THCS ngày càng được chú trọng hơn…

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, GD các tỉnh vùng 2 cũng còn những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục kịp thời. Đó là sự chênh lệch về chất lượng GD giữa các vùng, miền, cơ sở GD ở mỗi tỉnh; việc khai thác, sử dụng các điều kiện dạy – học ở một số nơi chưa tốt, chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương; công tác xây dựng các cơ sở GD chất lượng cao phát triển chưa mạnh; chưa tạo thành mô hình chất lượng toàn diện để nhân rộng; việc xây dựng các điển hình tiên tiến qua thực tiễn các phong trào thi đua và nhân rộng còn hạn chế…

Với thực tế đó, tại Hội nghị, ngành GDĐT các tỉnh vùng 2 đã nhất trí kế hoạch và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ từ nay đến hết năm học 2011 – 2012; với 3 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là: Tiếp tục thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm nâng cao chất lượngGD, đặc biệt là GD đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho HS; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý GD; Triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng GD. Cùng với các nhiệm vụ này, lãnh đạo ngành GD các tỉnh vùng 2 cũng đã có những đề xuất và kiến nghị với Bộ GDĐT, các Bộ, ngành liên quan một số vấn đề nổi cộm liên quan đến chế độ chính sách; về việc triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020; về phổ cập GDMN; việc ban hành sớm quy chế thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần công văn số 5648/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng GD năm học 2011 – 2012, yêu cầu về đầu tư, đổi mới nâng cao chất lượng các trường Sư phạm… Phần lớn các đề xuất, kiến nghị trên cũng như một số ý kiến khác được nêu ra trong phần thảo luận, đã được đại diện lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Cục Nhà giáo, Vụ GD Trung học, Vụ GD MN, Thanh tra Bộ… giải đáp ngay tại Hội nghị, đồng thời cung cấp thêm một số thông tin mới hoặc làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc trong triển khai hoặc trong tiếp nhận của các cơ sở liên quan đến các văn bản chỉ đạo, các quy định về chế độ chính sách hay quy định về đánh giá chất lượng trong ngành….

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong học kỳ I năm học 2011 – 2012 cũng như những năm gần đây của các đơn vị GD thuộc vùng 2. Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT cần tiếp tục phát huy những kết quả này, đưa chất lượng GDĐT không ngừng phát triển, xứng đáng với vị trí dẫn đầu trong số các vùng thi đua trên cả nước.

Yêu cầu được Thứ trưởng đặt ra trong thời gian tới là cần quan tâm hơn tới chất lượng, nhất là chất lượng GD toàn diện cho HS, bắt đầu từ công tác phổ cập GDMN 5 tuổi (trong đó chú trọng chính sách cho đội ngũ và tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống CSVC phục vụ công tác dạy – học); tăng cường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng góp phần nâng cao chất lượng dạy – học. Trước mắt tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đúng quy chế, phản ánh được chất lượng thực của HS; tập trung hơn nữa việc đầu tư CSVC, trên cơ sở vốn trung ương, các tỉnh cần chủ động các vốn lồng ghép, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn vốn đầu tư; không ngừng đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và hướng vào thực chất đối với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của đất nước cũng như của ngành…

Phân tích một số mặt đã đạt được, những mặt còn hạn chế của GDĐT các tỉnh trong vùng thời gian qua cũng như một số vướng mắc tác động tới sự phát triển của ngành, Thứ trưởng nhấn mạnh bên cạnh trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc sớm triển khai các văn bản hướng dẫn, các định hướng chỉ đạo của ngành cũng như các thông tư liên tịch với bộ ngành liên quan về những vấn đề trọng điểm, các Sở GDĐT cũng cần đẩy mạnh hơn nữa sự chủ động và linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ của ngành; phát huy tinh thần sáng tạo để đưa chất lượng GD phát triển, đẩy mạnh công tác tham mưu tới chính quyền các cấp cũng như các cơ quan, ban ngành của địa phương đối với những vấn đề liên quan tới ngành…

Khánh Sơn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201202/Chu-trong-giao-duc-toan-dien-cho-hoc-sinh-1958900/

Lặng người trước bài văn của cô bé mất mẹ

Posted: 24 Feb 2012 02:42 PM PST

Uyên Thy mất mẹ từ khi mới lọt lòng nên mọi việc chăm sóc, dạy dỗ đều do bàn tay của người cha đảm đương.

Uyên Thy mất mẹ đã 10 năm nay. Lẽ ra ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", như những đứa trẻ khác, em sẽ có được tình thương của người thân và đặc biệt là sự chăm sóc của người mẹ thì Uyên Thy lại khác.

"Ở trường giờ ra về, em hỏi bạn "trong gia đình bạn quý ai nhất?". Bạn trả lời là mẹ. Em lặng lẽ đi qua ghế đá ngồi. Em thầm nghĩ "Nếu em còn mẹ thì em sẽ trả lời giống bạn thôi "nhưng ba đã thế chỗ đó …" (trích bài văn).


Dưới đây là toàn bộ bài văn của bé Uyên Thy.

Ở trường giờ ra về, em hỏi bạn "trong gia đình bạn quý ai nhất? "Bạn trả lời là mẹ. Em lặng lẽ đi qua ghế đá ngồi. Em thầm nghĩ "Nếu em còn mẹ thì em sẽ trả lời giống bạn thôi" nhưng ba đã thế chỗ đó. Chẳng may mẹ em mất sớm nên ba đã tảo tần nuôi hai anh em em ăn học suốt mười năm nay .

Năm nay ba bốn mươi lăm tuổi. Dáng người ba cao ráo, cao đến một mét bảy mươi. Trên khuôn mặt chữ điền của ba để lộ vầng trán cao và rộng. Mái tóc ba đen luôn được cắt gọn gàng, điểm vài sợi tóc bạc lơ thơ. Đằng sau cặp kính trắng của ba là đôi mắt to và sáng. Nước da ba ngăm đen do đi nắng nhiều. 

Ba em dạy toán ở Trường Trung học cơ sở Hùng Vương. Do trường gần nhà nên mỗi sáng ba đi làm không sợ bị muộn. Năm sau em sẽ qua trường ba học.

Ba giải toán rất giỏi, trên trường ba còn dạy thêm môn tin học. Mỗi khi có bài toán khó, em liền chạy lại hỏi ba. Ngoài việc dạy học ra ở nhà ba còn làm thêm bảng trang trí lớp học. Khi nhìn ba làm mà mồ hôi đầm đìa trên mặt, em lại rưng rưng nước mắt.

Buổi sáng ba dậy rất sớm để rửa chén, đọc báo trên mạng, pha cà phê uống, ủi đồ. Ba đã thay thế cho những công việc hàng ngày mà chỉ có phụ nữ làm. Ba còn biết nấu cơm nữa, nhưng mà ba không biết làm đồ ăn nên trưa nào ba cũng phải đi mua. Cũng có vài bữa nhà ngoại cho đồ ăn nữa.

Ba không bao giờ đánh em. Những lời dạy của ba em mãi mãi khắc sâu trong lòng. Ba là trụ cột của gia đình. Ba hay chở em lên ngoại để thắp nhang cho mẹ. Em xem cuốn album đám tang mẹ mà lại khóc tiếc thương cho ba và anh trai mình.

Ngày 20/11 học trò tặng ba một giỏ hoa lớn, ba liền chở em cầm giỏ hoa lên ngoại và để trên bàn thờ mẹ. Lúc ấy em rất cảm động. Em nhìn hình mẹ và thì thầm "Mẹ ơi ! con chúc mẹ 20/11 vui vẻ và luôn phù hộ cho ba cha con con". 

Dù không còn mẹ nhưng em vẫn tự hào vì có một người ba giỏi giang như thế. Ba thương em nhiều mà em cũng thương ba nhiều. Em sẽ cố gắng học giỏi để ba vui lòng. Em mong ba sống thật lâu để ở với em.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-567994/lang-nguoi-truoc-bai-van-cua-co-be-mat-me.htm

Comments