Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hơn 1 triệu nhà giáo nhận tin vui thu nhập

Posted: 20 Feb 2012 06:38 AM PST

- Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng như sau: Mức tiền phụ cấp
thâm niên bằng hệ số lương theo ngạch, bậc cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo,
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x mức lương tối thiểu chung do
Chính phủ quy định từng thời kỳ x mức % phụ cấp thâm niên được hưởng.


 

Giáo viên có thâm niên từ 5 năm trở lên được hưởng phụ cấp. (Ảnh NLĐ)

Đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên là nhà giáo trong biên chế, đang giảng
dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được nhà nước cấp kinh phí hoạt
động.

Hướng dẫn phụ cấp thâm niên cho nhà giáo do liên Bộ GD-ĐT, Tài Chính, Nội vụ
và Bộ Lao động – Thương Binh Xã hội có hiệu lực từ ngày 20/2. Chế độ phụ cấp
thâm niên quy định tại Thông tư liên tịch này được tính hưởng từ ngày 1/5/2011.

Hướng dẫn nêu rõ, riêng năm 2011 các cơ sở giáo dục công lập, các Bộ, ngành,
địa phương sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương chưa sử dụng hết
để chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo hướng dẫn tại Thông tư liên
tịch này. Trường hợp nguồn kinh phí thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên
tịch này nhỏ hơn so với nhu cầu kinh phí chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà
giáo theo quy định, các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo nhu cầu và nguồn kinh
phí thực hiện về Bộ Tài chính để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền bổ sung
phần chênh lệch thiếu.

Ước tính có hơn 1 triệu nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo quy
định.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/60948/hon-1-trieu-nha-giao-nhan-tin-vui-thu-nhap.html

Toàn cảnh thông tin tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội 2012

Posted: 20 Feb 2012 06:38 AM PST

(GDTĐ)-ĐHQG Hà Nội vừa công bố toàn bộ những thông tin chi tiết về kỳ tuyển sinh ĐH năm 2012 của các trường thành viên.

Trường Đại học Công nghệ: Điểm trúng tuyển theo nhóm ngành. Thí sinh trúng tuyển sau khi nhập học sẽ được phân vào các ngành cụ thể dựa theo nguyện vọng đăng ký, điểm thi tuyển sinh của thí sinh và chỉ tiêu của từng ngành. SV các ngành Vật lý Kỹ thuật và Cơ học Kỹ thuật từ năm thứ 2 có thể đăng ký học bằng kép ngành Công nghệ Thông tin.

 

Trường Đại học Ngoại ngữ: Môn thi ngoại ngữ tính hệ số 2. Điểm trúng tuyển theo ngành học. Thí sinh không trúng tuyển vào ngành ĐKDT sẽ được chuyển vào học ngành khác của trường nếu còn chỉ tiêu. Sau khi học hết năm thứ nhất, SV học các chương trình đào tạo chuẩn có cơ hội học thêm ngành thứ 2 (bằng kép) Kinh tế Quốc tế, Tài chính-Ngân hàng của trường ĐH Kinh tế; ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường ĐH KHXHNV và ngành Luật học của khoa Luật; SV các ngành Ngôn ngữ Nga, Trung, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc và Ả rập và SV các ngành Sư phạm tiếng Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật được đăng kí học thêm chương trình đào tạo thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh của trường.

Trường Đại học Kinh tế:
Điểm trúng tuyển theo ngành kết hợp với điểm trúng tuyển vào trường theo khối thi. Thí sinh đủ điểm vào trường theo khối thi nhưng không đủ điểm vào ngành đã ĐKDT sẽ được chuyển vào ngành khác của trường cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu. Thí sinh trúng tuyển vào Trường, nếu có nguyện vọng, sẽ được tuyển vào học chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế và Tài chính – Ngân hàng. Sau khi học hết năm thứ nhất, SV có cơ hội học thêm ngành thứ hai (bằng kép) Ngôn ngữ Anh (phiên dịch) của trường ĐHNN, ngành Luật kinh doanh của khoa Luật. SV ngành Kinh tế, Kinh tế phát triển còn có cơ hội học ngành thứ hai Tài chính – Ngân hàng tại Trường.

 

 

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201202/Toan-canh-thong-tin-tuyen-sinh-cua-DHQG-Ha-Noi-2012-1958831/

Những tư thế học chồn chân, mỏi gối

Posted: 20 Feb 2012 06:38 AM PST

– Toàn bộ học sinh ở điểm trường Trà Veo (Trường TH và THCS Trà Xinh, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đều phải đứng trong hầu hết các giờ học do bàn ghế quá cao với khổ người.

Điểm trường Trà Veo chỉ có 2 phòng học được dựng sơ sài bằng tre nứa và bạt, 4 lớp học chia làm 2 ca sáng, chiều.

Với những bộ bàn ghế quá cao những học trò người Hơ Rê, Xơ Đăng và Cor gần như không thể ngồi trong giờ học. Chỉ những lúc chân chồn, gối mỏi, những trò nhỏ mới tranh thủ ghé mông thư giãn trên những mặt ghế cao quá khổ.


Tất cả học sinh lớp 1 do cô Hồ Thị Hiệp làm chủ nhiệm đều phải đứng khi học do bàn ghế cao quá khổ.


Nếu không đứng lên, những cô cậu trò nhỏ này không thể viết được.


Ngay cả khi đứng, nhiều học trò cũng còn xa để đạt khoảng cách giữa mắt với sách vở  theo tiêu chuẩn.


Những lúc mỏi gối, chồn chân các trò nhỏ cũng không thể ngồi, chỉ có thể dựa vào ghế để thư giãn.


Với tư thế học thế này không chỉ mỏi đôi chân mà còn hỏng đôi mắt.


Ngay cả những học sinh lớp 3 cũng không thể ngồi học bình thường trên những bộ bàn ghế quá khổ này.


Toàn bộ học sinh lớp 3 sát vách lớp 1 cũng phải đứng mới có thể viết bài.


Một cách khắc phục cho đôi chân mỏi của cô trò nhỏ lớp 1.


Cậu học trò lớn hơn ở lớp 3 bên cạnh lại thư giãn cho đôi chân bằng tư thế lạ hơn.


Dù đã phải đứng, việc viết bài vẫn rất khó khăn với các trò nhỏ Trà Veo.


Phút thư giãn hiếm hoi của học trò lớp 3. Bàn chân không thể chạm đất nên khó để có thể có được tư thế ngồi nghiêm túc trong giờ học.


 "Thôn Trà Veo trước nằm trong dự án lòng hồ chứa nước cho khu công nghiệp Dung Quất nên mới chuyển lên địa điểm mới hiện nay từ cuối năm 2011, điểm trường Trà Veo cũng được dựng tạm từ đó. Đến nay do nhà trường chưa xin được kinh phí nên các em nhỏ tại đây vẫn phải học trong lán tạm và những bộ bàn ghế quá khổ này". Cô giáo Hồ Thị Tiệp cho biết.

Lê Anh Dũng

 

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/60968/nhung-tu-the-hoc-chon-chan--moi-goi.html

ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Đô mở thêm nhiều chuyên ngành học mới

Posted: 20 Feb 2012 06:38 AM PST

Trường ĐH Cần Thơ sẽ mở thêm 2 ngành mới hệ đại học là: Khuyến nông và Kỹ thuật nông nghiệp; mỗi ngành sẽ tuyển 80 chỉ tiêu trong kỳ tuyển sinh năm 2012 này.

Ngành Khuyến nông là một chuyên ngành mới của ngành Phát triển nông thôn (khối A, B) có thời gian đào tạo 4 năm. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư.

Ngành kỹ thuật nông nghiệp (khối B) có thời gian đào tạo 4 năm. Sinh viên tốt nghiệp cũng được cấp bằng kỹ sư.

Trong khi đó, Trường ĐH Tây Đô thông báo năm nay sẽ mở 2 ngành mới hệ cao đẳng là Tài chính ngân hàng và Nuôi trồng thủy sản.

Huỳnh Hải

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-567242/dh-can-tho-dh-tay-do-mo-them-nhieu-chuyen-nganh-hoc-moi.htm

Văn hóa học ứng dụng: “Lối mở” ngành nghề cho thí sinh khối C, D

Posted: 20 Feb 2012 06:37 AM PST

 

Những năm gần đây, các ngành nghề khoa học kĩ thuật, tài chính ngân hàng trở nên hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội mới cho học sinh theo học khối A, B. Tuy nhiên, đứng trước xu thế nổi lên những ngành nghề "nóng" như vậy, một bộ phận lớn học sinh theo khối C, D cảm thấy hoang mang, lo lắng cho tương lai của mình. Kéo theo xu thế đó là hiện tượng cả xã hội thấy bất an hơn khi càng ngày càng ít học sinh muốn theo học các môn Văn, Sử, Địa; các trường đại học khối khoa học xã hội càng ngày càng vắng bóng thí sinh dự thi ngành Sư phạm, Lịch sử, Văn học, Triết học, Lưu trữ…

Có thể kể đến những vị trí cụ thể như chuyên viên nghiên cứu, khảo sát, phân tích, điều tra các giá trị văn hóa cá nhân và cộng đồng; chuyên gia thẩm định, đánh giá các chương trình tài trợ đầu tư phát triển văn hóa xã hội; chuyên viên lập dự án văn hóa, hoạch định các chính sách về văn hóa hay các giảng viên giảng dạy, nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và thế giới; Phóng viên, biên tập viên, thông tín viên, bình luận viên, phát thanh viên, người sản xuất chương trình, người dẫn chương trình, chuyên viên quan hệ công chúng, chuyên viên quảng cáo, cộng tác viên… liên quan đến văn hóa được đào tạo bài bản về các kĩ năng làm chương trình nhưng kiến thức về văn hóa lại chưa đủ khiến cho các chương trình chưa thực sự hoàn thiện cả về nội dung lần hình thức.

Phải chăng đó là một lối mở mới cho những thí sinh khối C, D có thể mở rộng cơ hội ngành nghề của mình trong quá trình lựa chọn đăng kí thi đại học?

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-566026/van-hoa-hoc-ung-dung-loi-mo-nganh-nghe-cho-thi-sinh-khoi-c-d.htm

Gửi mẹ

Posted: 20 Feb 2012 06:36 AM PST

Gửi mẹ

Vĩnh Chánh, bấc lạnh gió heo may, ngày 12-7-2011

TTO – Mẹ yêu! Lại bắt đầu một mùa gió lạnh và nó cũng lại sẽ ra đi như mọi năm. Thế là một năm nữa con không có mẹ cạnh bên. Con nhớ mẹ, nhớ nhiều lắm! Nước mắt con không còn rơi như những ngày đầu xa mẹ.

Có lẽ những giọt nước mắt ấy mãi mãi gắn liền với sự sống của con. Mẹ ơi! Con sợ lắm. Sợ một ngày nào đó mình sẽ quên mất hình ảnh của mẹ, quên mất vị ấm của nụ hôn mà mẹ thơm con trong hơi thở cuối cùng.

Tám tuổi con đã phải nhận lấy nỗi mất mát đau đớn nhất của cuộc đời người, đã phải biết tránh xa sự kỳ thị của đôi mắt người đời. Con trở nên một đứa trẻ sống lạnh lùng, biệt lập với xung quanh. Con yêu mẹ bao nhiêu thì càng căm hờn ba bấy nhiêu. Con ghét ba vì chính ba đã đẩy mẹ xa với cuộc sống của con. Đã biến con thành đứa trẻ không có mẹ. Để con phải ngày ngày đối mặt với hai từ "tội nghiệp" của tất cả mọi người.

Mỗi đêm con phải khóc trong chăn khi thiếu đi lời ru và vòng tay của mẹ. Tất cả những gì thiêng liêng nhất của một đứa trẻ và của cả một đời người đều bị mất đi trong ngày tồi tệ (ngày 18-7-2000 theo âm lịch). Con gán tất cả tội lỗi vào ba nhưng con đâu biết rằng sau lưng con, những giọt nước mắt đang xoáy lòng và quặn thắt trên đôi mắt của ba. Ba chưa một lần rơi nước mắt để con hay.

Ba cho con những gì tốt đẹp nhất, ba hi sinh trong lặng lẽ. Ba thương con với vô vàn tình thương cao vời vợi. Vậy mà bấy lâu, con giẫm lên tình thương ấy một cách vô tình. Con chưa hề êm ấm với ba một bữa cơm, chưa một lời ân cần khi thấy đôi mắt ba buồn và chẳng một lần nắm lấy đôi bàn tay ba. 20 năm, ba nắn con thành người, 20 năm ba đã rơi đi biết bao giọt mồ hôi với nhọc nhằn để cho con được chăn ấm nệm êm. Và bao giọt nước mắt ba âm thầm rơi những lúc con không nghe lời dạy bảo. 20 năm ba chưa một lần đòn roi trên da thịt con.

Mẹ ơi! Giờ nhìn lại con mới hay ba đã già. Mái tóc ba điểm hai màu đen trắng, tấm lưng to ngày nào giờ khom còi với tuổi về chiều. Con thương ba với những buổi cơm ba ngồi đợi. Mắt con rưng rưng với tình cha sao mênh mông quá mà bao lâu nay con không thấy được điều này. Con không can đảm để nói với ba tất cả! Qua lá thư này mẹ giúp con gửi lời đến ba, mẹ nhé:

Ba kính yêu của con!

Đã rất lâu con chưa được ôm ba như những ngày mẹ chưa mất. Con đã quên hẳn đi công việc nhổ tóc sâu cho ba. Thời gian không bao giờ dừng lại và quay về quá khứ đúng không ba? Con mất mẹ, mất đi một lẽ sống, mất đi tình cảm lớn lao. Nhưng bù lại, con có được sự che chở vững vàng của ba, một vòng tình cảm khép kín của gia đình và tất cả mọi người.

Con yêu ba! Người ba vĩ đại của con. Cuộc đời không bao giờ cho ta mọi thứ trọn vẹn đúng không ba? Ba mẹ tạo con ra trong dáng người lành lặn vậy mà con chưa để ba yên tâm và vui vẻ ngày nào. Con hay khiến ba rơi những giọt nước mắt tuyệt vọng và đau đớn.

Ngày con đỗ vào trường đại học, con biết ba vui rất nhiều. Đôi mắt ba không kềm được niềm hạnh phúc. Chắc có lẽ chỉ một lần duy nhất con làm được điều hãnh diện cho ba. Và giờ đây, lời xin lỗi của con có quá muộn màng lắm không? Có bù đắp lại và xóa được bao vết thương lòng mà con đã khắc lên cho ba không?

Ba ơi! Đôi mắt ba mẹ cho con nó đang khóc, kết thành những giọt lệ ngượng ngùng không dám vướng lại đôi môi. Ba mẹ cho con trái tim đầy độ lượng và khoan dung nhưng sao con lại biến nó thành sự lạnh lùng và vô cảm đến thế? Ba mẹ cho con đôi tay để ôm chặt cuộc sống này, để nắm chặt những đôi bàn tay của tất cả mọi người, vậy mà con đã từ chối đôi tay ba. Mong cho đôi bàn chân của con sẽ đi đến trước mặt ba để một lần đôi môi con được mở lên một lời xin lỗi.

Cảm ơn đôi mắt ba mẹ cho con vì nó cho con thấy được giọt nước mắt ba rơi, cho con chợt nhận ra rằng dáng ba gầy và già hơn trước lắm! Ba hãy yên tâm về con gái của ba nhé. Con chưa làm sai bất cứ việc gì ngoài việc hay cãi lời ba. Con sẽ cố gắng luôn là niềm tự hào của ba. Con không trượt dài như trong những ngày trước. Cảm ơn ba mẹ đã đem con đến với cuộc sống này!

Xin lỗi ba!

Con gái yêu của ba.

Mẹ ơi! Ba có thể đọc được lá thư này không? Thời gian không đợi bất cứ ai dù đó là lời van xin động lòng đến đấng tối cao. Thời gian là quy luật, là quyền năng của nhân loại. Con phải biết tôn trọng những gì mình đang có. Con sẽ bỏ qua tất cả mặc cảm để đến nói với ba một lời xin lỗi. Mẹ sẽ tin vào con phải không?

Con xin mẹ đừng rơi thêm một giọt nước mắt nào. Con yêu mẹ và nhớ mẹ nhiều! Lá thư này sẽ gửi đến mẹ theo lời trong gió!

Tiểu Dư của mẹ.

NGUYỄN THỊ DƯ (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/477141/Gui-me.html

Tập huấn hướng nghiệp cho hơn 200 giáo viên

Posted: 20 Feb 2012 06:36 AM PST

Tập huấn hướng nghiệp cho hơn 200 giáo viên

TT – Ngày 17-2, hơn 200 giáo viên phổ thông từ các tỉnh Tây nguyên, miền Trung, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự "Tập huấn công tác hướng nghiệp – tuyển sinh" do ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia từ Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM đã giới thiệu những nét mới trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012, hệ thống ngành nghề, xu hướng nhân lực trong tương lai, hướng dẫn sử dụng "nhà tư vấn ảo" (công cụ trắc nghiệm ngành nghề trên máy tính) để giáo viên tư vấn chọn nghề cho học sinh.

Ngoài ra, giáo viên cũng tham gia một "tour" vòng quanh các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM và một số trường ĐH khác để tìm hiểu thực tế ngành nghề.

HÀ BÌNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/478157/Tap-huan-huong-nghiep-cho-hon-200-giao-vien.html

Sự học nơi điểm trường

Posted: 20 Feb 2012 06:36 AM PST

(GDTĐ) – Đó là câu chuyện của những giáo viên đã và đang công tác tại những điểm trường, khu lẻ hay phân hiệu của những trường học ở vùng cao heo hút. Do học sinh ở xa nên nhà trường phải bố trí dựng những phân hiệu để tạo điều kiện cho các em được đi học chữ.

Vắng vẻ cuộc sống nơi các điểm trường
Cảnh vắng lặng là “đặc trưng” ở các điểm trường bởi thường được đặt ở các bản nằm sâu, xa

Vì học trò ở xa…

Có lẽ đây là lý do cơ bản nhất để các trường học vùng cao dựng lên các phân hiệu để cho các em có điều kiện đến lớp.

Các điểm trường dựng lên hầu như chỉ mang tính chất "tạm" về cơ sở vật chất. Lớp học, bàn ghế, rồi cảnh quan xung quanh không được bằng khu chính. Do vậy, học sinh và giáo viên ở những điểm này thường thiếu thốn đủ bề. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương, một số trường đã chủ động xây dựng được lớp học và phòng ở cho giáo viên ngay tại các khu phân hiệu.

Học sinh trường Tiểu học Xuân Thượng (Lào Cai) vượt suối tới điểm trường
Học sinh trường Tiểu học Xuân Thượng (Lào Cai) vượt suối tới điểm trường

Vì học trò ở xa nên việc bố trí biên chế lớp học cũng khá phức tạp. Không thể có phân cấp, phân lớp như ở khu trường trung tâm mà các học sinh ở khu phân hiệu được ghép chung với nhau trong một lớp học. Có khi từ lớp 1 đến lớp 3 được học chung một lớp với sỹ số đếm trên đầu ngón tay. Và giáo viên cùng một lúc có thể dạy 3 đến 4 chương trình sách giáo khoa của lớp học. Điều kiện bắt buộc phải như vậy chứ chẳng giáo viên nào muốn dạy thế.

Chúng tôi được thực tế tại phân hiệu trường tiểu học Nghĩa Đô (Bảo Yên- Lào Cai) tại bản Đáp, phân hiệu dành cho học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 2, cả thầy và trò chưa đến chục người. Vậy mà hàng ngày, thầy Hoàng Văn Anh đã gần đến tuổi nghỉ hưu vẫn miệt mài "chèo lái" kiến thức cho các em học sinh.

Nói là phân hiệu ngay tại bản để cho học sinh có điều kiện đến trường nhưng trên thực tế không hẳn vậy, mà chỉ là giảm bớt phần khó khăn đi thôi, bởi hầu hết các em ở trên các đỉnh núi cao nên việc đến lớp học cũng là một quãng đường khá xa và khó khăn so với bàn chân " nhỏ xíu" trên những đoạn đường đá lởm chởm hay lầy thụt. Đó là hoàn cảnh ở hầu hết các điểm trường ở các huyện, các tỉnh vùng cao.

Chính vì vậy, khi thầy cô giáo đến lớp có khi phải chờ hàng giờ đồng hồ mới thấy các em đến. Thầy Lý Gìn Phù, giáo viên phụ trách điểm trường Tiểu học Vĩnh Yên (Bảo Yên- Lào Cai) tại bản Mông Tổng Kim cho biết: Sáng nào thầy cũng đến sớm để chờ học sinh, nhìn thấy các em đi bộ thấp thoáng trên các dẻo núi nhưng phải mãi gần một giờ đồng hồ sau mới thấy các em đến lớp, đứa nào đứa ấy mồ hôi đầm đìa, gấu quần sắn tận đầu gối. Thầy cho biết thêm, chuyện thầy cô giáo đi tìm học sinh, đón học sinh qua suối thì như… cơm bữa.

Chuyện chuyên môn…

Dạy học ở các phân hiệu, các điểm trường thường chỉ có một thầy hoặc một cô " cắm chốt" . Nhiều thì gần như cả đời dạy học, ít thì 3 đến 5 năm hết  "nghĩa vụ" lại hạ sơn. Điều đó đồng nghĩa với việc thầy cô giáo ở các điểm trường đó phải " độc thoại" trong trau dồi và rèn giũa chuyên môn hàng ngày. Vất vả hơn, họ phải đứng lớp tới 2 đến 3 chương trình sách giáo khoa thì việc học tập để nâng cao năng lực chuyên môn là cả một việc khó khăn và đáng bàn. Nỗi lo về lán lớp, sĩ số học sinh theo từng ngày rồi đưa đón học sinh vào những ngày thiên tai bão lụt đã là cả một gánh nặng trên vai.

Tuy vậy, việc sinh hoạt chuyên môn của giáo viên ở các điểm trường vẫn được duy trì đều đặn hàng tuần. Có điều, muốn sinh hoạt, dự giờ thăm lớp và trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp thì bắt buộc giáo viên tại các điểm trường phải "hạ sơn" để đến trường chính theo đúng lịch.

Tại các điểm trường, sĩ số học sinh thường ít
Việc dạy học tại các điểm trường thường vất vả, khó khăn hơn

Năm 2011, chúng tôi đến một trường tại Hố Quáng Phìn (Đồng Văn- Hà Giang), ngôi trường THCS này chỉ có 1 trường trung tâm còn lại là 8 điểm trường nằm rải rác trong các bản Dao, bản Mông xa xôi.

Thầy Phạm Đức Sơn Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tuy ở các phân hiệu nhưng các thầy cô giáo vẫn khắc phục mọi khó khăn để về trường trung tâm sinh hoạt chuyên môn vào thứ bảy hàng tuần, không bỏ một buổi nào. Ngược lại, Ban giám hiệu nhà trường cũng bố trí hàng tháng vào các điểm trường dự giờ thăm lớp và kiểm tra chất lượng chuyên môn của giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân, phụ trách giảng dạy tại một điểm trường thổ lộ với chúng tôi: Phân hiệu cách trường tới hơn chục cây số, lại không thể đi xe nên đành phải đi bộ đến trường chính để sinh hoạt chuyên môn, và tiếp lương thực trong 1 khoảng thời gian. Những lúc khó khăn về bài giảng hay kiến thức lại thấy khổ tâm vì chẳng có ai để hỏi, trao đổi, xung quanh chỉ có núi, có rừng, có dân thôi.

Qua câu chuyện này, chúng tôi mới biết được hiện nay, đa số các trường mới chỉ dừng lại ở việc sinh hoạt chuyên môn như vậy. Còn chất lượng chuyên môn ở các điểm trường phụ thuộc lớn vào sự tự giác, lòng yêu nghề và cái tâm của các thầy cô giáo cắm bản.

…Và những bàn chân không mỏi

Tất cả vì học sinh. Có lẽ đó là khẩu hiệu của bất kì thầy cô giáo nào trước khi "khăn gói" vào bản công tác. Mặc dù Nhà nước có ưu đãi cho giáo viên vào các phân hiệu song cũng không thấm nổi những khó khăn, thiếu thốn và thiệt thòi của những giáo viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Không chỉ khó khăn trong việc đưa đón học sinh, rèn luyện nâng cao chuyên môn mà chuyện ăn ở, đi lại của các thầy cô giáo ở các điểm trường là cả một câu chuyện dài khó nói hết được. Khi mà cuộc sống ở các khu dân bản còn heo hút, thiếu thốn, khi mà đường đi lại còn hiểm trở thì bàn chân của những người đi "cắm bản" vẫn còn nhiều gập ghềnh.

Để thu hút những đứa trẻ Mông nơi vùng cao heo hút này thì chỉ có đặt điểm trường, cùng sự nhiệt huyết của thầy, cô giáo mới có thể
Để thu hút những đứa trẻ Mông nơi vùng cao heo hút này thì chỉ có đặt điểm trường, cùng sự nhiệt huyết của thầy, cô giáo mới có thể “kéo” các em tới trường học chữ

Tại phân hiệu trường mầm non xã Tân Tiến (Bảo Yên- Lào Cai) đóng ở bản Mông Cán Chải trên một đỉnh núi cao, cách trung tâm xã gần 10km, cô Lê Thị Thúy đã về bản cách đây 2 năm. Khi ấy, cô là một sinh viên mới tốt nghiệp trường CĐSP, được phân công lên Cán Chải. Khi đó cô giáo trẻ không khỏi băn khoăn, có phần dao động. Không phải không yêu nghề mến trẻ mà nghĩ đến chặng đường lên núi và lại xuống núi hàng tuần cô thấy "rợn" cả người.

Tại phân hiệu, bản làm cho cô một phòng bằng tranh tre tạm, đêm nằm vẫn thấy sao trời rõ mồn một rồi chỉ nghe thấy tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng suối chảy ào ào đến não lòng. Từ ngày đầu, cô đã bị "vô hiệu hóa" trước  lũ trẻ ở đây là con em đồng bào Mông, hoàn toàn chưa biết nói tiếng Kinh, vậy là cô phải dạy chúng từ những vần ê, a ban đầu. Sinh hoạt hàng ngày chỉ có cá khô, lạc, mì tôm mua từ đầu tuần. Thế rồi dần dần, đất ấm chân người, cô Thúy cũng đã thêm quen, thêm yêu bản.

Tại phân hiệu của Trường Tiểu học Thu Ngạc huyện Tân Sơn (Phú Thọ), câu chuyện tình nguyện gieo chữ của cô giáo Nguyễn Thị Thoa đã làm ấm thêm miền đất mù sương này. Cô giáo Nguyễn Thị Thoa đã tình nguyện xung phong lên dạy chữ ở Cọ Sơn ngay từ những ngày đầu, thấm thoắt đã 24 năm gắn bó với Cọ Sơn cũng là từng ấy năm nhọc nhằn "chống gậy" leo núi để dạy chữ.

Ngày nào cũng vậy, cô đều dậy từ rất sớm, chuẩn bị giáo án, vượt hơn 8 km đường suối, đường rừng để đem đến cho các em cái chữ không kể nắng mưa. Có những ngày trời mưa to, lũ lớn, cô Thoa phải chống gậy đi tắt lên đường rừng rồi lại vòng xuống rất nhọc nhằn. Cô cho biết, những ngày đến đây dạy chữ, cô vượt lên trên tất cả những khó khăn về phía gia đình. Chồng cô ốm yếu, các con học xa rồi đồng lương hợp đồng ít ỏi có lẽ chẳng đủ cho trang trải cuộc sống. Những giờ tan lớp, cô cùng các con phải trồng lúa, trồng khoai để cải thiện cuộc sống.

Cô Thoa tâm sự: "Chỉ mong các em có được chữ để sau này cuộc sống sẽ tốt hơn, sáng sủa hơn".

Không thể làm gì khác được khi nhu cầu học tập ở những bản làng xa xôi, heo hút của con trẻ ngày một lớn, không thể đếm được những bước chân băng rừng lội suối của những người thầy người cô cùng những gian nan gánh chữ ở những nơi điểm trường xa xôi. Chỉ biết rằng, tất cả vì học sinh thân yêu, vì khát vọng mang đến ánh sáng cho những bản làng xa xôi.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4341/201202/Su-hoc-noi-diem-truong-1958795/

Cân nhắc kỹ khi dự thi khối A1

Posted: 20 Feb 2012 06:36 AM PST


 

Năm nay, Bộ GD-ĐT mở thêm khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh) để tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng cửa cho thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, với điểm mới này, nhiều trường ĐH vẫn còn dè dặt chưa tổ chức thi. Do vậy, thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký dự thi khối này, bởi mỗi trường tổ chức thi khối A1 theo ngành khác nhau, chủ yếu là khối ngành Kinh tế và Công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, thí sinh dự thi khối này chỉ được xét tuyển vào cùng khối chứ không được xét tuyển sang khối A.

Cho đến thời điểm hiện tại, rất ít trường thông báo tuyển sinh khối A1. Cụ thể, trường ĐH Kinh tế, Đà Nẵng thông báo tuyển 2 ngành là Kinh tế đầu tư và Quản trị hệ thống thông tin, 2 ngành này cùng tuyển khối A, A1 và D1, 2, 3, 4 với 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành.Trường CĐ Công nghệ thông tin - ĐH Đà Nẵng mở thêm ngành Hệ thống thông tin cho khối A, A1, D1 với 60 chỉ tiêu. ĐH Kỹ thuật Hưng Yên tuyển sinh khối A1 cho tất cả các ngành; ĐH Ngoại thương tuyển khối A1 cho tất cả các ngành (trừ ngành ngoại ngữ), trường ĐH Xây dựng tuyển sinh khối A1 với ngành công nghệ thông tin; ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, một số trường ĐH dân lập và trường ĐH khu vực phía Nam thông báo tuyển sinh khối A1.

Việc thông báo thi khối A1 của Bộ GD-ĐT cũng hơi muộn để thí sinh cân nhắc và lựa chọn thi. Bởi thi đại học, học sinh đã định hướng từ khi vào bậc THPT, bên cạnh đó lại thi trùng đợt với khối A nên một lần nữa thí sinh cần cân nhắc, lựa chọn.

Ông Lê Quốc Hạnh, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hà Nội, chia sẻ: "Năm nay là năm đầu tiên thi khối A1, việc thông báo cũng hơi muộn, do vậy thí sinh nên cân nhắc lựa chọn khối thi. Khối A1 cửa xét tuyển hẹp, bởi năm nay nhiều trường không tổ chức thi khối A1. Nếu em nào lựa chọn thi khối A1 thì cân nhắc giữa môn Hóa và môn Ngoại ngữ xem môn nào là thế mạnh của mình thì thi vào. Nếu phân vân giữa khối A1 và A thì nên thi khối A. Các em cần phải tự tin vào sự lựa chọn của mình".

Rộng cửa với thí sinh thi khối D1

Mặc dù A1 được dự báo "hẹp cửa" xét tuyển nhưng đây lại là một điểm lợi cho thí sinh dự thi khối D1 khi có thêm cơ hội vào đại học.

Trường ĐH Ngoại thương năm nay tổ chức thi khối A1 cho tất cả các ngành vào trường (trừ các môn chuyên ngành ngoại ngữ). Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết: "Những thí sinh thi khối D1 có thể thi thêm khối A1. Đây là cơ hội cho các em thử sức thêm với khối mới thuận lợi hơn khi thi khối A. Tuy nhiên, các em cần so sánh môn Hóa và Ngoại ngữ, xem môn nào là sở trường của mình thì đăng ký thi".

Tính toán trước khả năng do thời gian thông báo thi khối A1 muộn, nhiều trường không tổ chức thi khối A1 và nhiều thí sinh băn khoăn lựa chọn vì chưa kịp chuẩn bị, Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra phương án: Đề thi môn Toán, Vật lý khối A1 sẽ giống đề khối A; môn tiếng Anh khối A1 có đề riêng, không chung với đề tiếng Anh của khối D.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ đang xem xét phương án khác là cho phép các trường tổ hợp các môn thi ở các khối khác nhau để xét tuyển. Và như vậy, nếu thí sinh thi cả khối A và khối D có thể lấy điểm Toán, Vật lý của khối A kết hợp với điểm tiếng Anh của khối D để xét tuyển khối A1. Nếu vậy, thí sinh dự thi hai khối A, D sẽ có thêm cơ hội đăng ký nguyện vọng khối A1 theo kết quả thi các môn Toán, Vật lý (khối A) và tiếng Anh (khối D).

Các trường ĐH có thi tuyển khối A và khối A1 sẽ xét theo chỉ tiêu đã đăng ký, không phân biệt bao nhiêu chỉ tiêu cho khối A và bao nhiêu chỉ tiêu cho khối A1 (việc ngành nào sẽ tuyển ưu tiên khối A hay khối A1 sẽ hiệu trưởng của nhà trường quyết định). Hiệu trưởng cũng quyết định điểm xét tuyển giữa hai khối A và khối A1 (tối thiếu trên điểm sàn). Quyết định này sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong thời gian tới.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-566855/can-nhac-ky-khi-du-thi-khoi-a1.htm

Thưa thầy! Em đã thuộc

Posted: 20 Feb 2012 06:36 AM PST

Thưa thầy! Em đã thuộc

TTO – Thời gian qua đi, có những thứ bị rơi vào quên lãng, có những thứ đổi thay. Tôi và các bạn phòng G401 niên khóa 1999-2002 giờ đã là cô giáo. Thầy tôi đã ở trên cao xanh.

Dẫu biết rằng thời gian có thể làm lãng quên nhiều thứ nhưng những gì thầy dạy tôi vẫn ghi lòng tạc dạ.

Ngày đó, phòng G401 là tổng hợp các lớp: tiểu học, cao đẳng văn, sử, sinh… Chúng tôi mỗi đứa một giọng quê, vui lắm tuổi sinh viên không lo nghĩ. Ở được một học kỳ, cả phòng đều bị mất trộm những thứ rất lặt vặt. Mua chai dầu gội về, sáng lấy ra gội đổ ra chỉ thấy nước, tuýp kem đánh răng cũng bị vắt cạn, bỏ một 100.000 trong túi thì mất 20.000, mất một chiếc áo lót… Cả phòng đứa nào cũng là bạn bè, suốt ngày nói cười, biết nghi ai bây giờ?

Năm đó, trường tổ chức cắm trại, Hà làm thủ quỹ. Tối, Hà săm soi đếm tiền, hí hửng bàn tính món này món kia. Sáng, xấp tiền không cánh mà bay. Mất tiền, Hà khóc than thảm thiết. Bác bảo vệ nội trú và thầy cô hết lời giảng giải, đề nghị bạn nào lỡ lấy thì im lặng gửi tiền lại ở phòng trực nội trú hoặc đưa cho thầy cô, sẽ không ai biết việc này, thời hạn là hết buổi chiều.

Chờ đợi mãi vẫn không có kết quả, có yêu cầu nhất định khám phòng, tất cả đều gật đầu. Đứa nào cũng hăng hái xách đồ mình ra đợi lục, cứ như cả phòng không có đứa nào là thủ phạm. Vừa lúc đó bỗng nhiên thầy Vân bước vào và bảo:

- Không phải khám xét gì hết, có một bạn ở lớp thấy Hà bỏ quên xấp tiền trên hộc bàn kìa. Cứ sợ mất nên hay lấy ra săm soi, quên cất. Cẩn thận khi giữ tiền em nhé!

Cả phòng thở phào nhẹ nhõm. Tôi bỗng nghĩ sao Hà học lớp sinh, thầy dạy sử lại bảo thấy xấp tiền bỏ quên trên lớp? Ôi! Không tra cứu nữa, bởi nếu sự việc bại lộ chắc bạn nào lỡ làm chuyện đó sẽ nghỉ học vì xấu hổ mất.

Là một thạc sĩ xuất thân từ đồng ruộng, “tri thức của thầy có mùi rơm rạ, mùi mồ hôi của ba mẹ, của quê hương” - thầy hay nói như vậy. Thầy luôn giữ cho mình nét chân chất, giản dị của một "tri thức nông dân". Bộ quần áo đơn sơ nhưng gọn gàng sạch sẽ, một phong thái thân thương, mộc mạc.

Có lần tôi "ngạo mạn", ngồi trong lớp nhưng miệng nói huyên thuyên. Thầy không một lời, một tay cốc vào đầu tôi và một tay đặt lên môi. Cái cốc đầu đó làm tôi nhớ mãi…

Cuối học kì I, mấy bạn đi nhận học bổng về bảo: "Thấy tên cậu cũng có, học bổng loại giỏi, mau lên nhận đi!". Tôi lắc đầu bảo với chúng bạn rằng mình dư điểm giỏi nhưng khống chế vì môn đại cương tâm lý học chỉ có 4 điểm. Thi lại thì làm sao có học bổng? Mấy bạn kêu cứ đi nhận đại, trường cho mình mới nhận chứ mình có sai đâu mà sợ!

Là một cô sinh viên nghèo, mỗi tuần mẹ cho đúng 20.000 đồng đi học, chưa bữa nào dám ăn đĩa cơm 2.000 đồng, hỏi làm sao không ham khi 180.000 đồng của tháng học bổng đầu tiên đang chờ mình. Tôi liều mạng đi nhận, tay run run khi nhận được một quý học bổng. Mùa đông năm đó tôi có chiếc áo ấm mới, một bộ áo dài mới chứ không phải rầu rĩ khi mặc bộ áo dài mà mẹ xin lại từ một cô giáo trong xóm.

Hai tuần sau, tôi bị phòng giáo vụ gọi lên. Lần đó tôi đã khóc vì cô giáo la: "Em là cô sinh viên sư phạm không thật thà! Tại sao biết nội quy xếp loại học lực rồi mà vẫn cố tình vi phạm?". Tôi chỉ ngồi cúi gằm mặt xuống đất và khóc. Tôi khóc không phải vì ấm ức, vì bị oan mà khóc vì xấu hổ, vì nghèo. Chỉ vì nghèo tôi mới ham tiền. Nói như vậy là ngụy biện, không được đổ thừa cho cái nghèo đúng không thầy? "Đói cho sạch rách cho thơm", thầy luôn nhắc chúng em như vậy.

Thấy tôi ngồi khóc sướt mướt, lo lắng vì nghĩ tiền đâu để trả lại trường đây, nỗi lo đó làm tôi như muốn ngất. Thầy lại ngồi bên cạnh, rất nhẹ nhàng bảo: "Em sai, nhà trường cũng sai. Thôi thì thầy mong rằng đây là bài học mà em cần phải nhớ. Chỉ nên hưởng những gì mà mình xứng đáng được nhận em nhé! Thầy sẽ giúp em đưa lại số tiền này cho trường!". Tôi lắc đầu ngồi khóc, thầy bảo thầy cho mượn, sau này đi làm có tiền trả thầy sau cũng được!

Buổi học hôm sau, thầy kết thúc bằng một bài học đạo đức rất ý nhị. Thầy kể câu chuyện về loài hươu. Hươu mẹ đứng sinh con, hươu con phải rơi từ trên cao và nằm đơ dưới đất. Hươu mẹ đá vào con, chú hươu con lòm còm đứng dậy. Sau khi hươu con đã đứng được rồi, hươu mẹ lại hất để hươu con ngã xuống, lại phải cố gắng đứng lên lần nữa.

Thầy bảo: “Khó khăn sẽ làm ta trưởng thành, có ai đó từng nói cuộc sống như đại dương, ai không bơi người đó sẽ chìm. Vậy nên chỉ khi chúng ta vượt qua khó khăn, khi đó chúng ta mới thành công. Các em hãy ghi ra vở và học thuộc câu danh ngôn này của Jim John: Thành công - đó không chỉ là những gì ta có, mà còn ở chỗ ta trở thành người như thế nào. Các em sẽ là người cầm phấn, là những kỹ sư tâm hồn, các em là người chèo đò trên dòng tri thức và sẽ đưa những tâm hồn đến những triền sông đầy hoa nắng. Hãy nhớ lời thầy, các em sẽ là những thầy cô giáo mẫu mực, các em nhé! Và chỉ khi các em "thiết kế" nên những tâm hồn đẹp thì khi đó các em sẽ là những người thành công”. Thầy đã kết thúc buổi học cuối cùng bằng những lời tha thiết như vậy. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe thầy giảng.

***

Ngày tôi đã trở thành cô giáo, thật bàng hoàng khi nghe tin thầy đã ngủ một giấc dài. Tôi thả rơi viên phấn khi nghe tin dữ, chỉ muốn bỏ lớp để đi tiễn thầy một đoạn nhưng lời thầy đã thức tỉnh tôi. Em sẽ là cô học trò không biết nghe lời khi không làm tốt nhiệm vụ người cô đúng không thầy? Thế là tôi nuốt nước mắt, tiếp tục sống trong tiết học.

Xin mượn mây nhờ gió mang giùm đến thầy tôi những lời này: Thầy ơi! Em thật vô tâm khi không nhớ đầy đủ tên họ của thầy. Chưa một lần em đến thăm thầy, lần đầu em định đi thăm thầy cũng là ngày thầy về cõi vĩnh hằng. Xin đọc tặng thầy hai câu thơ, dù không nhớ tác giả là ai, nhưng mỗi lần đọc là em lại nghĩ ngay đến thầy, người thầy đã giúp em trưởng thành:

Dòng sông sâu con sào dài đo được
Lòng người đưa đò ai dò được nông sâu

Thầy ơi! Em đã là một cô giáo thành công chưa khi đam mê nghề nghiệp, bước vào lớp là em gạt hết tâm trạng của đời thường mà chỉ sống trong tiết giảng, phải làm sao để các em đến với bài học bằng một tâm thế hứng thú chứ không phải là đối phó? Em kêu học sinh tới nhà giảng dạy nhiệt tình, mong các em giỏi hơn chứ không lấy tiền của học sinh vùng khó. Em luôn cố gắng sẽ là một tấm gương để các em noi theo. Em đã là một cô học trò ngoan, đúng không thầy?

Ngồi viết những dòng này, ký ức về thầy lại hiện lên trong em. Thầy ơi! Cô học trò nghèo ngày xưa vẫn còn nợ thầy, em nợ thầy lời tri ân thành kính. Hôm nay, viết dâng thầy những dòng chữ nghĩa tình, mong rằng trên cao xanh xa xa, thầy có thể đọc được những lời tri ân này của em. Tha lỗi cho em nhé thầy!

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (Nguồn: http://www.netbuttrian.vn/)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/477121/Thua-thay-Em-da-thuoc.html

Comments