Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Học sinh Việt Nam giành 3 huy chương vàng giải sáng chế quốc tế

Posted: 18 Feb 2012 06:37 AM PST

Triển lãm diễn ra từ ngày 10 đến 13/2/2012, do Trường ĐH Viễn Đông (FEU), Đài Loan phối hợp với Các Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIIPA) đồng tổ chức tại Đài Nam, Đài Loan. Tham dự triển lãm này có hàng trăm em học sinh và sinh viên có độ tuổi dưới 20 đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng lớn sáng chế tham gia dự giải là Úc, Canada, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan… Đoàn Việt Nam do PGS. TS Nguyễn Ngọc Bình – hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN dẫn đầu.

Cụ thể, 3 Huy chương Vàng đã được trao cho các sáng chế gồm: Mini Calculator 2.0 (tác giả: Tạ Ngọc Linh, Trường THPT Chuyên KHTN, ĐHQGHN); Phone Directory 3.0 (tác giả: Tạ Ngọc Linh, Trường THPT Chuyên KHTN, ĐHQGHN); Phần mềm nhận diện vân tay (tác giả: Lê Hoàng Anh, ĐH Đà Nẵng).

5 Huy chương Bạc đã được trao cho các sáng chế là The Clique CMS (tác giả: Nguyễn Đức Tùng, Trường THPT Chuyên KHTN, ĐHQGHN); Vua Cờ lau (tác giả: Phan Thanh Thanh, Nguyễn Văn Thế, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum); Máy D2T (tác giả: Thẩm Thị Hằng, Trường THCS Hùng An, Hà Giang); Mê cung Rôbốt dế mèn (tác giả: Lò Văn Cường, Trường tiểu học Hoằng Trạch, Hoằng Hóa, Thanh Hóa); Rôbốt cứu hộ ATX (tác giả: Đỗ Hoàng Giang, Trường THPT Ngô Quyền, Đông Anh, Hà Nội).

3 Huy chương Đồng được trao cho các sáng chế: Máy cắt đa năng (tác giả: Lê Xuân Thu, Trường THPT Kim Sơn B, Ninh Bình); Mô hình lắp ráp cấu trúc hình học không gian, biến đổi kích thước (tác giả: Võ Thị Thu Hiền, Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Thuận An, Bình Dương); Hệ thống tự động tưới cây nhằm tái sử dụng nước thải sinh hoạt ở nông thôn góp phần giảm sức lao động và tiết kiệm nguồn nước (tác giả: Đỗ Đức Huy và Lê Duy Thái, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Hà Nội).

Được biết, đây là lần đầu tiên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN phối hợp cùng với Quỹ Vifotec (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ Thuật Việt Nam) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự một triển lãm quốc tế về sáng chế dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-566469/hoc-sinh-viet-nam-gianh-3-huy-chuong-vang-giai-sang-che-quoc-te.htm

Cần thiết ban hành Quy chế mới về thực tập sư phạm

Posted: 18 Feb 2012 06:36 AM PST

(GDTĐ)- Sáng nay (17/2), Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng “Quy chế về thực tập sư phạm trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Phổ thông”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì hội thảo.


 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo. Ảnh, gdtd.vn

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết của việc ban hành Quy chế về thực tập sư phạm trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Phổ thông. Quy chế về thực hành, thực tập sư phạm đã được Bộ ban hành những năm trước đây cho đến nay có những nội dung không còn phù hợp với thực tế đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cũng như xuất phát từ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên ở giáo dục phổ thông và TCCN.

Quy chế mới về thực hành sư phạm phải thể chế hóa các vấn đề về mục đích, nội dung, phương thức tổ chức, cách đánh giá, các điều kiện đảm bảo đối với hoạt động thực hành, thực tập sư phạm trong các trường ĐH-CĐ đào tạo giáo viên phổ thông, mầm non phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của thực tế đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và TCCN hiện nay, đáp ứng đòi hỏi đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Các ý kiến tại hội thảo đã tập trung thảo luận về các vấn đề chung như thời gian, nội dung, kiến thức, hình thức thực hành, trách nhiệm của các bên liên quan đến công tác thực hành sư phạm. Riêng đối với giáo viên hệ TCCN có một số yếu tố đặc thù nên có ý kiến cho rằng, bên cạnh những vấn đề chung sẽ được thể chế hóa trong quy chế, những yếu tố lên quan đến thời gian thực hành, nội dung kiến thức (lý thuyết/ thực hành) cũng cần phải được quy định cụ thể, riêng rẽ nhằm tạo lập cơ sở đánh giá trình độ của giáo sinh trong quá trình thực tập sư phạm.


Hội thảo Quy chế về thực tập sư phạm trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Phổ thông. Ảnh, gdtd.vn  

Thời gian thực tập sư phạm, đa số đại biểu đều nhất trí cho rằng 3 đến 4 tuần thực tập sư phạm là quá ngắn so với thực tế đòi hỏi thực tập sư phạm. Trong quy chế mới, cần phải tăng thời gian thực tập để giáo sinh có điều kiện trau dồi kiến thức và nghiệp vụ sư phạm.

Về điều kiện đảm bảo đối với thực hành sư phạm, có ý kiến cho rằng, cần phải có sự đồng bộ trong hệ thống các trường học phổ thông để tiếp nhận các giáo sinh từ các trường ĐH sư phạm nhằm nâng cao chất lượng của quá trình thực tập.

Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng, muốn nâng cao chất lượng của công tác thực tập sư phạm, nên thành lập bộ môn (hoặc khoa thực hành) về thực tập sư phạm trong các trường ĐH sư phạm. Tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển, công tác thực tập sư phạm được một khoa chuyên môn đảm trách. Kiến thức kĩ năng thực tập sư phạm và điểm đánh giá quá trình này quan trọng ngang bằng với các bộ môn khác…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, các đại biểu đều nhất trí cao về việc Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế về công tác thực tập sư phạm ở các trường sư phạm. Trên cơ sở đảm bảo tính tự chủ của các trường SP trong đào tạo giáo viên. Trong đó sẽ đề cập nhiều vấn đề rộng hơn phạm vi thực tập sư phạm. Đơn cử như vấn đề rèn luyện sư phạm, hoặc các vấn đề khác liên quan trong quá trình đào tạo: thời gian thực tập, cách thức tổ chức dạy học, đào tạo trong tất cả các bộ môn chứ không chỉ quy định riêng về thực tập sư phạm.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201202/Can-thiet-ban-hanh-Quy-che-moi-ve-thuc-tap-su-pham-1958762/

Chữ Nôm hay chữ quốc ngữ mới là thuần Việt?

Posted: 18 Feb 2012 06:35 AM PST

– "Không thể nói chữ Nôm thuần Việt được, vì chữ Nôm do người Việt vay mượn từ tiếng Hán nên chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa. Chữ quốc ngữ mới là ngôn ngữ của người Việt".

Trong khi nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phủ nhận nguồn gốc của chữ Nôm thì một số ý kiến tại hội thảo về chữ quốc ngữ lại cho rằng đó mới chính là Tiếng Việt thực sự.


"Sẽ rất đáng tiếc khi các ngành, các nghề đều có ngày kỉ niệm còn chữ quốc ngữ thì không!" – Ông Nguyễn Lân Bình chia sẻ.

Tại hội thảo, bên cạnh những vấn đề liên quan đến chữ quốc ngữ, ảnh hưởng của nó đối với đời sống và văn hóa của người Việt, vai trò của nhà tân học, nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh trong việc "bắc cây cầu nối hai nền văn minh Đông – Tây" bằng sợi dây ngôn ngữ, các diễn giả Nguyễn Lân Bình, Lại Nguyên Ân, Mai Thành Chung, và nhà sử học Dương Trung Quốc đã đề xuất việc xác lập ngày kỉ niệm Chữ quốc ngữ nhằm tôn vinh ngôn ngữ của dân tộc.

Cần Luật hóa ngôn ngữ

Qua những phân tích cụ thể cùng dẫn chứng có tính khoa học, các nhà nghiên cứu đã khẳng định vai trò to lớn và sức sống mãnh liệt của chữ quốc ngữ trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử.

"Chữ quốc ngữ là điểm đến của những nỗ lực, những quá trình tìm tòi nhằm xác lập chữ viết riêng cho cộng đồng người Việt với tư cách một dân tộc – quốc gia. Tôi đồng tình với đề xuất cần có ngày kỉ niệm chữ viết của dân tộc". – Nhà phê bình văn học, nghiên cứu ngôn ngữ Lại Nguyên Ân khẳng định.

Diễn giả Nguyễn Lân Bình (cháu nội ông Nguyễn Văn Vĩnh) nhấn mạnh: "Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, việc có một ngày để tôn vinh chữ quốc ngữ là điều nên làm. Sẽ rất đáng tiếc khi các ngành, các nghề khác đều có ngày kỉ niệm còn chữ quốc ngữ thì không. Bởi lẽ, nguồn gốc của lòng yêu nước là văn hóa, đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ một mảnh ruộng, một con trâu là đã thể hiện tình yêu quê hương mà tình yêu ấy còn thể hiện qua chữ quốc ngữ, hay nói cách khác là qua nền văn học, thơ ca của dân tộc".

Người có công rất lớn trong việc truyền bá và phát triển chữ quốc ngữ phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh. Ông không sáng tác nhiều nhưng các tác phẩm dịch và những hoạt động ý nghĩa của ông đã góp phần vào quá trình tạo nên ngôn ngữ thuần Việt, chính là chữ quốc ngữ chúng ta sử dụng bây giờ. Tuy nhiên, ông là người không thích được ca ngợi nên những việc ông đã làm ít ai được biết đến, công nhận. Như trong hồi ký của mình, nhà văn Vũ Bằng đã viết: "Nguyễn Văn Vĩnh từng nói rằng, nếu cuộc đời này có một cái nhà kính để sống, để quan sát thì tôi sẽ đứng trong nhà kính đó" – Ông Nguyễn Lân Bình chia sẻ thêm.


Nhà phê bình văn học Lại
Nguyên Ân cho biết, nếu có ngày kỉ niệm Chữ quốc ngữ, có thể lấy ngày ra
đời tờ báo tiếng Việt đầu tiên (Gia Định báo, ngày 15/4/1965).

Nói về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký hội Lịch sử Việt Nam) cho rằng bên cạnh việc xác định ngày kỉ niệm chữ viết dân tộc, cần có thêm Luật về ngôn ngữ vì có rất nhiều vấn đề đặt ra:

"Tôi cho rằng ý tưởng về ngày chữ viết của dân tộc rất hay và cần thiết. Nhưng vấn đề bức xúc hiện nay là nước ta có hơn 54 dân tộc, có rất nhiều loại ngôn ngữ, chữ viết khác nhau. Tại sao không đưa chữ Hán Nôm vào đời sống, tất nhiên không phải là sự trở lại mà là để gìn giữ văn hóa nước nhà? Có nhiều loại chữ nhưng chữ nào chuẩn hóa? Vì vậy, cần phải có Luật ngôn ngữ".

Quốc ngữ: đâu mới là tiếng mẹ đẻ?

Hội thảo tranh luận sôi nổi với nhiều quan điểm đa chiều về chữ quốc ngữ. Theo ông Lại Nguyên Ân, chữ Nôm không thuần Việt, vì đó là sản phẩm vay mượn của người Hán nên chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Hoa. Ông khẳng định: "Chữ quốc ngữ mới là của người Việt".

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Ý tưởng ngày kỉ niệm chữ quốc ngữ rất hay. Nhưng cần có Luật để giải quyết những vấn đề bức thiết".

Diễn giả, thạc sỹ Mai Thành Chung cũng hình tượng hóa chữ quốc ngữ một cách khéo léo: "Chữ quốc ngữ là chữ ghi thanh (nói như thế nào, viết như thế đấy), được Việt hóa hoàn toàn, nó xuất xứ từ tiếng La tinh nhưng do người Việt hoàn thiện. Việc tạo ra ngôn ngữ cũng giống như quá trình làm bánh, chúng ta chỉ dựa trên những nguyên liệu có sẵn để chế tạo ra sản phẩm cuối cùng, đó là chữ quốc ngữ".

Nói về nguồn gốc và ảnh hưởng của chữ Nôm, anh Mai Thành Chung cũng giải thích, đó không phải do người Việt sáng tạo như nhiều người vẫn nghĩ. Thêm vào đó, chữ Nôm khó sử dụng để giao tiếp, tư duy nên đã bị loại bỏ, và lùi xa so với chữ quốc ngữ trong tiến trình phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng, chữ Nôm mới chính là sản phẩm thuần Việt, mang tính dân tộc và chứa đựng bản sắc dân tộc. Quốc ngữ có từ khi người Việt còn dùng chữ Nôm để sáng tác thơ văn, ghi lại sử ký. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện (Phó Giám Đốc Viện nghiên cứu Hán Nôm dẫn chứng: "Từ thời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có Bạch Vân am Quốc ngữ thi tập, hay như Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi với hàng trăm bài thơ Nôm".

Trao đổi trong cuộc thảo luận, có sự tham gia của rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học. Nhiều vấn đề nảy sinh xoay quanh chữ quốc ngữ được đưa ra tranh luận, phân tích, và mổ xẻ. Trong khi Giám đốc Viện nghiên cứu Minh Triết Việt Nam, Nguyễn Khắc Mai đặt ra câu hỏi: "Tại sao lại gọi là chữ quốc ngữ?", thì nhà nghiên cứu văn học Huệ Chi lại trăn trở: "Điều gì để chữ quốc ngữ trở thành độc tôn của dân tộc?". Các nhà nghiên cứu cho biết, liên quan tới việc xác định ngày kỉ niệm chữ quốc ngữ còn rất nhiều vấn đề cần bàn bạc để đi đến thống nhất.

• Thu Thảo

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/60706/chu-nom-hay-chu-quoc-ngu-moi-la-thuan-viet-.html

Cá tính, hài hước, tưởng tượng… có cần cho trí thức?

Posted: 18 Feb 2012 06:35 AM PST

– Cá tính, khiếu hài hước, trí tưởng tượng… có cần cho một sinh viên ở đại học danh tiếng? Hãy xem những câu hỏi tuyển sinh đặc biệt do các giáo sư đưa ra.

 

"Ai quyền năng hơn? Hoàng Đế hay Đức Phật Như Lai?"

"Nếu bỗng nhiên bạn có một triệu nhân dân tệ (160.000 USD), bạn sẽ sử dụng nó như thế nào?"

"Hãy tưởng tượng về một buổi sáng bình thường của 20 năm sau."

"Hãy nghĩ cách bán chiếc cốc dùng một lần này với giá 500 tệ"

"Bạn dùng loại cây nào để miêu tả người Trung Quốc và tại sao?"

"Bạn lên kế hoạch cho cuộc sống của mình như thế nào nếu bạn trở lại thời nhà Tần (221-207 trước Công nguyên)?"

"Nói cách nấu cơm trộn trứng chiên"

Những câu hỏi hay yêu cầu này ban đầu có thể khiến người ta bất ngờ vì sự lố bịch hay khôi hài nhưng nó lại đang diễn ra và tác giả của chúng là một hội đồng giáo sư. Câu trả lời mà các ứng cử viên đưa ra có thể quyết định việc họ có được bước chân vào một số trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc hay không. Cụ thể, đối với những học sinh may mắn vượt qua bài kiểm tra này thì thang điểm sẽ được hạ xuống trong kì thi tuyển sinh đại học quốc gia nổi tiếng là gắt gao của nước này.

Đây chỉ là một số dạng câu hỏi được đặt ra cho những học sinh phổ thông đang khát khao bước chân vào cánh cổng đại học trong những cuộc phỏng vấn được tiến hành kể từ năm ngoái.

Trong một sáng kiến cải cách bắt đầu vào năm 2003, một số trường đại học được chọn đã được trao cho "sự linh hoạt có giới hạn" trong việc tuyển sinh viên mới bằng cách tiến hành 2 bài kiểm tra: một là bài kiểm tra vấn đáp và một là phỏng vấn. Kết quả kiểm tra này sẽ được xem xét bên cạnh điểm thi tiêu chuẩn được quản lý trên quy mô quốc gia hay thành phố.

Nhiều phụ huynh đang hoang mang về mục đích của những bài kiểm tra này. Họ đặt ra câu hỏi liệu những bài kiểm tra này nhằm mục đích đánh giá khả năng thể hiện mình một cách rõ ràng, khiếu hài hước, trí tưởng tượng, sự linh hoạt hay tính cách của thí sinh?

Liệu những yếu tố như ngoại hình, khả năng ứng phó linh hoạt và tính cách có phải là lý do thích hợp để đối xử phân biệt với những ứng cử viên có trình độ học vấn?  Bản thân những câu hỏi này lại đặt ra những hoài nghi về trình độ của các chuyên gia đã nghĩ ra chúng và đánh giá các câu trả lời.

Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm 2011, các ứng viên của một số trường đại học trong đó có ĐH Peking (hay còn gọi là Beida) đã được hỏi rằng: "Hãy nêu suy nghĩ của bạn về câu được viết trong Thư viện Harvard: "Hãy tận hưởng những đau khổ không thể tránh khỏi'".

Sau đó, người ta phát hiện ra rằng Thư viện Harvard chưa bao giờ sử dụng câu châm ngôn này. Cuộc điều tra sau đó đã khám phá ra một cuốn sách thuộc hàng “bán chạy nhất” có tên "Những câu nói trên tường Thư viện Đại học Harvard" (2008) của tác giả Danny Feng – người mà sau đó thừa nhận rằng ông đã tự bịa ra những câu châm ngôn này.

Một câu khác: "Lúc này nếu ngủ, bạn sẽ có một giấc mơ, nhưng lúc này nếu học, bạn sẽ giải thích được giấc mơ" đã được sử dụng trong một bài kiểm tra đạo đức ở một trường trung học thuộc tỉnh Sơn Đông vào đầu năm nay.

Chúng ta không biết hội đồng chuyên gia đó tiến hành các nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn của họ như thế nào, nhưng những câu hỏi hay yêu cầu này cho thấy họ vẫn có thể cả tin và lố bịch đến mức nào.

Nếu họ không quá bị mê hoặc bởi vầng hào quang đặt xung quanh Harvard, họ có thể đơn giản là mở một bản sao của Luận ngữ Khổng tử hay Mạnh Tử và tìm được hàng trăm lời giáo huấn có ý nghĩa hơn, có liên quan hơn và tinh tế dí dỏm hơn.

Tranh đấu vì tài năng

Thay vì phí thời gian để suy đoán về "một buổi sáng của 20 năm sau", các chuyên gia sẽ làm tốt hơn khi xem xét một tác phẩm được viết cách đây 88 năm của học giả nổi tiếng Wang Guowei (1877-1927) – chủ đề của một câu hỏi kiểm tra viết cho kì thi tuyển sinh vào ĐH Thanh Hoa năm ngoái.

Trong một bài phê bình cuốn tiểu thuyết Trung Quốc "Hồng Lâu Mộng", ông Wang nhận xét: "Quan điểm của phương Tây có hại ở 2 khía cạnh. Đầu tiên, nó bắt nguồn từ những thói tật của con người như tham lam, cạnh tranh hay khát vọng giàu có, tất cả đều dẫn tới những kết quả thảm hại".

"Thứ hai là phương pháp khoa học – những thứ nhằm mục đích chinh phục không gian, thời gian, vật chất… nhưng không có nghĩa là được phép tác động tới trái tim con người, xã hội con người và đặc điểm quốc gia…"

Nếu như những giáo sư này không cuống quýt lên vì cái được cho là được viết trên tường của phòng nghiên cứu Thư viện Harvard thì họ có thể nhớ ra rằng tinh thần đặc trưng của Beida được tóm tắt trong cụm từ "toàn diện và tự do trao đổi ý kiến".

Rõ ràng, Beida hôm nay rất độc quyền khi họ quan tâm nhiều tới 'lời hứa' của sinh viên hơn là chất lượng giảng dạy.  Trong một quảng cáo gần đây về ngôi trường danh tiếng này, tinh thần của Beida được gợi lên bởi ánh đèn neon, nước và âm thanh, lợi dụng nhiều quá khứ của Beida.

Để thu hút những sinh viên xuất sắc nhất, một số trường đại học hàng đầu đã ganh đua lẫn nhau trong việc cam kết rằng các ứng viên sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trường kia.  Thậm chí, một số trường còn lừa gạt hoặc phá hoại để cắt các giao dịch của trường đối thủ. Khi cuộc xung đột này leo thang, trách nhiệm và nghĩa vụ đôi khi bị mua bán giữa những ngôi trường hàng đầu.

Trái ngược với thông lệ này ở phương Tây – nơi mà học sinh có thể đồng thời được chấp nhận bởi các trường đại học khác nhau, những bài kiểm tra trước thực ra là một mưu mẹo được các trường tư sử dụng để khóa chân các ứng cử viên mong muốn.

Một số học giả có tuổi vẫn nhớ về cách mà Beida trước kia đã từng hoạt động giống như một trường mở nhiều hơn – nơi mà hầu như tất cả học viên đều được lợi từ các bài giảng.  Một số trường đại học hàng đầu hiện có nhiều tiền hơn, cơ sở rộng hơn, các tòa nhà cao hơn và nhiều sinh viên điểm cao hơn. Nhưng đó chưa là tất cả.

Các bậc cha mẹ đang hoài nghi một cách chính đáng về cái mà những người thiết kế ra bài kiểm tra này muốn gợi ra hoặc dự liệu. Nó khiến người ta dễ so sánh những cuộc phỏng vấn này với cuộc thi tìm kiếm tài năng "Got Talent" – nơi mà một ứng viên sẽ biểu diễn bất cứ chiêu trò gì để gây ấn tượng với ban giám khảo.

Từ những ví dụ được dẫn ra, có vẻ như những người thiết kế bài kiểm tra này đã nhầm lẫn sự pha tạp với sự nổi trội hơn người. Trong thời đại tràn ngập thông tin, họ đã đánh giá thấp lợi thế của sự trong sáng, sự chuyên sâu và sự cống hiến.

Mục tiêu của giáo dục

Trung Quốc có thể cần một hoặc hai trường đại học nhìn xa hơn "sự thành công" (nghĩa là tiền bạc và những chức danh chính thức) để trở thành những trí thức. Nhà xã hội học Lewis Coser từng nói rằng "trí thức là người gác cổng của ý tưởng và là nguồn gốc của hệ tư tưởng". Nói cách khác, trí thức là người chăm sóc cho những ý tưởng, người bảo vệ sự công bằng xã hội và quan tâm tới số phận con người.

Liệu người trí thức đó có quan tâm tới một diễn đàn truyền hình dành cho người nổi tiếng hay không, liệu họ có thể nấu một bữa ăn với cơm trộn trứng hay không, liệu trông họ có sáng sủa hay có tài ăn nói hay không – những điều đó ít liên quan hơn dưới ánh sáng của mục đích to lớn này.

Họ là những người gìn giữ đạo đức, những nhà phản biện xã hội. Họ quan tâm đến những giá trị cuối cùng hơn là những giá trị chi phối thực tế chính trị và kinh tế.  Rõ ràng, những khả năng đó sẽ đóng góp rất ít cho các vấn đề thực tế của cuộc sống.

Đáng buồn thay, ngày nay một số trường đại học danh tiếng đang rất tự hào về số lượng quan chức hàng đầu trong số các cựu sinh viên. Thậm chí, các giáo sư có thể được đánh giá cao hơn với các chức danh tương ứng.

Ví dụ như các giáo sư là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học là những người được tìm kiếm nhiều nhất sau khi họ được trao cho các đặc quyền của Thứ trưởng về nhà ở, phương tiện, chăm sóc sức khỏe và các lợi ích khác.

Ban đầu, những bài kiểm tra trước được nghĩ ra như một cách để làm giảm bớt gánh nặng của học sinh trong việc chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học quốc gia – kì thi được xem là một bước tiến 'một mất một còn' dẫn tới thành công. Nhiều năm qua, người ta cho rằng nên có những thay thế cho một kì thi duy nhất mang tính quyết định này.

Nhưng hiện tại, nhiều người than phiền rằng cách "điều trị" này dường như còn tồi tệ hơn "căn bệnh" ban đầu, vì những bài kiểm tra và những cuộc phỏng vấn thay thế chỉ mang lại thêm căng thẳng và gánh nặng.

Như chúng ta có thể thấy, hiện đã có thêm nhiều lý do thuyết phục hơn để xem xét lại những bài kiểm tra trước này.

Nguyễn Thảo (Theo Shanghaidaily)
Ảnh: Zhou Tao

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/60707/ca--tinh--hai-huoc--tuong-tuong--co-can-cho-tri-thuc-.html

Tư duy lại về trí thông minh

Posted: 18 Feb 2012 06:34 AM PST

- Trí thông minh rất dễ nhận thấy, nhưng không phải ai cũng biết con mình có một tài năng xuất chúng. Trong phần tiếp theo của bài thuyết trình “giáo dục triệt tiêu khả năng sáng tạo”, diễn giả Ken Robinson nêu những quan niệm về tương lai của giáo dục, nhìn nhận lại “trí thông minh”.

Lạm phát bằng cấp

 

Bên cạnh quan điểm “môn học nào hữu dụng nhất cho các nhóm công việc hàng đầu”, thì quan điểm thứ hai ảnh hưởng đến thự tự ưu tiên các môn học trong nhà trường chính là khả năng học thuật.

Đây là một phạm trù đã ngự trị trong cách nhìn nhận của chúng ta về trí thông minh, bởi các trường đại học đã vạch ra hệ thống này theo ý niệm của họ.

Toàn bộ hệ thống giáo dục công trên thế giới là một quá trình kéo dài để dẫn tới cổng trường đại học. Và hậu quả là rất nhiều người tài năng, thông minh, sáng tạo không được mọi người nhìn nhận và đánh giá đúng. Bởi những khả năng mà họ thể hiện ở trường học lại bị cho là không có giá trị gì, thậm chí còn bị bêu xấu.

Và tôi nghĩ chúng ta không thể cứ tiếp tục như vậy.

Trong 30 năm tới, theo UNESCO, số người tốt nghiệp các trường lớp trên toàn thế giới sẽ lớn nhất trong lịch sử. Bỗng nhiên, bằng cấp sẽ không còn giá trị nữa. Thời tôi còn là sinh viên, nếu bạn có bằng, bạn sẽ có được một công việc. Còn nếu bạn không có, nghĩa là vì bạn không muốn có!

Nhưng bây giờ những bạn trẻ có bằng cấp, thường quay về nhà, tiếp tục chơi điện tử. Bởi vì một công việc mà trước đây chỉ đòi hỏi bằng cử nhân, thì bây giờ lại yêu cầu phải có bằng thạc sĩ. Thậm chí, bây giờ bạn cần có cả bằng tiến sĩ để làm một số công việc khác.

Đó là một quá trình lạm phát học thuật. Và nó chỉ ra toàn bộ cấu trúc của giáo dục đang trượt xuống dưới chân chúng ta. Chúng ta cần suy nghĩ lại một cách căn bản và triệt để về trí thông minh.

Ba điều về trí thông minh

Chúng ta biết ba điều về trí thông minh. Thứ nhất, nó đa dạng. Chúng ta suy nghĩ về thế giới theo mọi cách mà chúng ta trải nghiệm nó. Ta suy nghĩ bằng trực quan, bằng âm thanh, và bằng tất cả những vận động của cơ thể ta. Ta suy nghĩ qua ngôn ngữ trừu tượng và qua cả những biến đổi xung quanh.

Thứ hai, trí thông minh rất năng động. Nếu bạn để ý đến sự tương tác của não bộ thì có thể thấy trí thông minh tương tác một cách diệu kỳ. Bộ não không chia thành các phần tách biệt.

Thật ra, tính sáng tạo, mà tôi định nghĩa như một quá trình sở hữu những ý tưởng nguyên bản có giá trị, thường xảy ra trong quá trình tương tác của những cách thức rèn luyện trí óc khác nhau khi nhìn nhận một vấn đề.

 

Phát hiện tài năng xuất chúng

Tôi đang viết một cuốn sách dựa trên một loạt phỏng vấn với nhiều người, về việc họ phát hiện ra tài năng của mình ra sao. Tôi bị mê hoặc bởi cách họ khám phá điều đó.

Nó được thôi thúc bởi một lần nói chuyện với một phụ nữ tuyệt vời tên là Gillian Lynne. Cô ấy là nghệ sĩ múa và mọi người đều biết các tác phẩm của cô.

Khi tôi hỏi: “Gillian, cô trở thành nghệ sĩ múa như nào?”, cô ấy nói điều đó khá thú vị. Vào những năm 30, khi cô còn học ở nhà trường, cô cảm thấy rất tuyệt vọng. Và nhà trường đã gửi thư cho bố mẹ cô và phàn nàn: Chúng tôi nghĩ Gillian bị rối loạn trong chuyện học hành.” Gillian không thể tập trung và luôn bồn chồn, đứng ngồi không yên.

Tôi nghĩ bây giờ người ta sẽ nói cô ấy bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nhưng đó là năm 1930, và khái niệm ADHD còn chưa ra đời lúc đó. Người ta đã không nhận thức được rằng con người có thể có triệu chứng đó.

Trở lại câu chuyện, cô ấy được mẹ dẫn đi gặp một bác sĩ chuyên khoa. Gillian được dẫn tới ngồi trên một chiếc ghế cuối phòng, và cô ấy nhấp nhổm suốt 20 phút trong khi vị bác sĩ nói chuyện với mẹ cô về mọi vấn đề mà Gillian gặp phải ở trường như luôn làm phiền mọi người, bài tập về nhà luôn nộp muộn… và rất nhiều những rắc rối khác của một đứa bé 8 tuổi.

Cuối cùng, vị bác sĩ tới ngồi cạnh Gillian và nói, “Gillian, ta đã nghe mọi chuyện mà mẹ cháu đã kể, và ta cần nói chuyện riêng với bà ấy.” Ông ấy nói tiếp: “Cháu hãy đợi ở đây, chúng ta sẽ quay lại, không lâu đâu” và họ rời khỏi phòng, để cô ấy lại. Nhưng trước khi họ bước ra, ông bác sĩ bật chiếc đài đặt trên bàn của ông ấy.

Khi hai người đã ra khỏi phòng, ông ấy nói với mẹ cô, “Hãy đứng và xem con bé.” Và Gillian kể rằng, giây phút họ rời khỏi phòng, cô ấy đứng dậy, bắt đầu di chuyển theo nhạc. Hai người họ đứng theo dõi vài phút, rồi ông bác sĩ quay sang mẹ cô và nói, “Bà Lynne, Gillian không bị bệnh, cô bé là một nghệ sĩ múa.” Hãy để cô bé theo học trường múa”.

Và mẹ cô đã làm theo lời của bác sỹ. "Tôi không thể diễn tả điều tuyệt vời đó. Chúng tôi bước vào căn phòng có toàn những người như tôi. Những người không thể ngồi yên. Những người phải di chuyển để suy nghĩ", Gillian chia sẻ.

Cô ấy đã thi vào trường múa balê hoàng gia, rồi trở thành vũ công, với những thành tích tuyệt vời ở ngôi trường danh tiếng này. Sau khi tốt nghiệp, cô còn thành lập công ty riêng của mình hoạt động về lĩnh vực mà cô yêu thích. Cô ấy chịu trách nhiệm sản xuất những vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử, cô ấy đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người và hơn nữa cô còn là một triệu phú. Vậy mà, một ai khác có thể đã bắt cô điều trị bệnh và yêu cầu cô phải học cách điềm tĩnh.

Tôi tin rằng niềm hy vọng duy nhất cho tương lai là tiếp nhận một quan niệm mới về nhân sinh học, mà trong đó chúng ta bắt đầu xây dựng lại nhận thức của chúng ta về khả năng dồi dào của con người.

Hệ thống giáo dục của chúng ta đã định hướng suy nghĩ của chúng ta theo hướng bóc lột Trái Đất để đạt được những tiện nghi đặc biệt. Và trong tương lai, nó sẽ không thể đáp ứng được chúng ta nữa. Chúng ta phải nghĩ lại những nguyên tắc nền tảng mà dựa trên đó chúng ra đang dạy dỗ thế hệ trẻ.

Có một câu nói tuyệt vời của Jonas Salk rằng “Nếu tất cả côn trùng biến mất khỏi trái đất, trong vòng năm mươi năm sự sống trên Trái Đất sẽ chấm dứt.Nếu tất cả loài người biến mất khỏi trái đất, trong vòng năm mươi năm tất cả sự sống sẽ sum xuê.” Và ông ấy nói đúng.

Điều mà TED đề cao là khả năng tưởng tượng của con người. Chúng ta giờ đây phải sử dụng khả năng này một cách cẩn trọng, thông thái. Cách duy nhất chúng ta có thể làm điều đó là thấy được sự dồi dào của khả năng sáng tạo của chúng ta, và thấy được niềm hy vọng vào thế hệ trẻ.

Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục chúng một cách toàn diện, để chúng có thể đối mặt được với tương lại. Mặc dù có thể chúng ta không được chứng kiến tương lai này, nhưng thế hệ trẻ sẽ được. Và trách nhiệm của chung ta là giúp đỡ chúng làm được điều gì có ích cho tương lai đó.

Cám ơn các bạn rất nhiều!

Sinh Phạm
(Lược dịch)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/60712/tu-duy-lai-ve-tri-thong-minh.html

Tinh hoa giáo dục thế giới bàn chuyện Talent

Posted: 18 Feb 2012 06:34 AM PST

Chuyện 1:

Cô bé 6 tuổi và ngồi ở cuối lớp, hí hoáy
vẽ. Giáo viên nói rằng cô bé hiếm khi chịu tập trung chú ý, nhưng
trong giờ học hôm nay thì lại khác hẳn.

Cô giáo thấy tò mò nên hỏi: Em đang vẽ gì thế?.

Cô bé trả lời, “Em đang vẽ Chúa trời ạ.”

Cô giáo lại nói “Nhưng không ai
biết Chúa trời trông như thế nào cả.”


Và cô bé hồn nhiên đáp: “Họ sẽ
biết trong một phút nữa thôi ạ”.


Chuyện 2:

Khi con trai tôi bốn tuổi, nó có một vai trong vở kịch "Truyền thuyết sự ra đời của Chúa".
Chúng tôi ngồi phía dưới, và tôi nghĩ chúng bị sai kịch bản, bởi chúng
đã tự đổi thứ tự cho nhau.

Đến đoạn khi ba vị vua tiến mang theo vàng,
hương trầm và nhựa thơm, cậu bé đầu tiên nói, “Tôi xin dâng tặng ngài
vàng.” Cậu bé thứ hai nói, “Tôi xin dâng tặng ngài …(ậm ừ, vì không
nhớ lời thoại)”. Và cậu bé thứ ba nhanh nhảu: “Frank đã gửi cái này”
(khán giả nghe và cười ầm – người dịch chú thích).

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/60577/tinh-hoa-giao-duc-the-gioi-ban-chuyen-talent.html

Ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo

Posted: 18 Feb 2012 06:33 AM PST

 

Theo thông tư hướng dẫn, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên là nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).

Nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập.

Nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập (những đối tượng này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo)

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau: Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập; Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);

Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có); Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;

Những đối tượng trên có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng như sau: Mức tiền phụ cấp thâm niên bằng hệ số lương theo ngạch, bậc cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng nhân với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳ sau đó nhân với mức % phụ cấp thâm niên được hưởng.

Về nguồn kinh phí thực hiện, thông tư nêu rõ: Đối với các cơ sở giáo dục công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên do ngân sách nhà nước đảm bảo và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;

Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;

Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được đảm bảo từ nguồn thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị.

Thông tư cũng nhấn mạnh: "Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở công lập là phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện trích nộp bổ sung phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ phụ cấp thâm niên và điều chỉnh lại mức lương hưu đối với nhà giáo đã nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2011 cho đến ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành".

Nguyễn Hùng

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-566340/ban-hanh-huong-dan-thuc-hien-che-do-phu-cap-tham-nien-cho-nha-giao.htm

Comments