Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Ngành Luật Kinh tế, cơ hội việc làm có nhiều?

Posted: 13 Feb 2012 05:21 AM PST

Năm nay HV Tài chính hay HV Ngân hàng có tuyển sinh khối D1 cho các ngành kinh tế không? Hay chỉ tuyển khối D1 cho ngành Ngôn ngữ Anh kinh tế? (namnt2208@gmail.com)

Theo lãnh đạo của 2 trường, tuyển sinh năm nay của trường giữ ổn định như các năm trước, ngành thi và khối thi không thay đổi.

Tôi có cháu gái đang học lớp 12 chuyên Pháp ở Hải Dương. Năm nay cháu muốn thi vào Đại học Ngoại thương. Tôi nhờ ban tư vấn tuyển sinh cho biết cháu có thể đăng kí vào ngành nào và triển vọng của các ngành đó sau khi ra trường. Nếu đủ điểm chuẩn vào trường mà không đủ điểm vào ngành đã đăng kí thì có thể chuyển vào những ngành nào? (liverius2997@yahoo.com.vn)

Cháu bác có thể đăng ký vào ngành Kinh tế đối ngoại bởi ngành này tuyển sinh tiếng Pháp. Học ngành Kinh tế đối ngoại, sinh viên sau khi ra trường có thể trở thành cán bộ hoạch định chính sách hoặc cán bộ làm việc tại bộ phận Kinh tế Đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương (các Bộ, Ban, Ngành, Sở…). Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo Đại học, Viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế; cán bộ nghiên cứu, tư vấn tại các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước trong lĩnh vực Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, có thể là cán bộ quản lý, chuyên viên tại các doanh nghiệp (trong và ngoài nước) có liên quan đến các yếu tố quốc tế như xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư quốc tế, kinh doanh quốc tế… Do vậy, cơ hội việc làm rất lớn.

Nếu thí sinh đủ điểm vào trường theo từng khối thi nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký thi ban đầu thì đăng ký chuyển sang các ngành và chuyên ngành cùng khối thi còn chỉ tiêu.

Cháu có nguyện vọng thi vào các trường khối ngành kinh tế, cháu đọc trên báo được biết ngành ngân hàng hiện đang có xu hướng bão hòa. Vậy nếu đăng kí vào ngành ngân hàng thì cơ hội xin việc như thế nào. Về chuyên ngành Tài chính quốc tế, năm 2009 đến nay chênh lệch điểm khá nhiều, có năm lên tới 26 điểm. Cháu muốn hiểu rõ hơn về ngành này, cụ thể là về cơ hội xin việc làm, khi ra trường có bão hòa như ngành ngân hàng không. Hơn nữa là ngành này trong năm nay xu hướng “lấy điểm trúng tuyển” sẽ biến động thế nào? (hoaboconganh_bay_tan_tronggio@yahoo.com.vn)

Đó chỉ là dự báo của một số chuyên gia, còn nhiều chuyên gia vẫn nhận định ngành Tài chính ngân hàng vẫn luôn khát nhân lực. Cháu thích ngành ngân hàng thì cháu cứ đăng ký vì nếu làm đúng nghề mình thích, cháu sẽ có nhiều cơ hội thành công. Cơ hội xin việc làm tùy thuộc vào năng lực của chính bản thân cháu và nhiều cơ hội khách quan khác đem lại.

Chuyên ngành Tài chính ngân hàng Tài chính – Ngân hàng là một ngành khá là rộng. Ngành học này liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ chính vì vậy nó có rất nhiều các lĩnh vực chuyên ngành hẹp mà tuy thuộc vào mục tiêu đào tạo của từng trường. Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính. Nhiệm vụ của người tốt nghiệp ở lĩnh vực này là định hướng các chiến lược chính sách, chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa cho Chính phủ.

Ngành Tài chính ngân hàng là ngành "nóng" của nhiều trường đại học nên điểm chuẩn luôn luôn cao do thí sinh lượng sức mình để đăng ký dự thi vào. Do vậy, thường mấy năm trở lại đây, điểm chuẩn ngành này thường dao động từ 1 - 2 điểm.

Chỉ còn 1 tháng nữa là bắt đầu nộp hồ sơ thi ĐH. Vậy khi nào các trường ĐH mới thông báo các thông tin tuyển sinh, Bộ GD mới thông báo lịch thi. Và nếu thông báo thì em phải xem ở đâu?. (huong_kenh@yahoo.com.vn)

Hiện nay các trường đang dần dần thông báo phương án tuyển sinh. Sau hội nghị tuyển sinh ngày 14/2, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức công bố phương án tuyển sinh năm 2012, đến cuối tháng 3, Bộ sẽ công bố cuốn "Những điều cần biết" về tuyển sinh trong đó có lịch nộp hồ sơ, lịch thi và đầy đủ thông tin của các trường. Em có thể theo dõi trên mục Giáo dục – báo điện tử Dân trí để biết thông tin cụ thể.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội phân ngành ngay sau khi trúng tuyển hay là học 1 năm sau đó mới được phân vào ngành mà mình đã trúng tuyển? (hocngu_baothu@yahoo.com.vn)

ĐH Bách khoa Hà Nội xét điểm chuẩn trúng tuyển theo khối thi và nhóm ngành. Bên cạnh điểm chuẩn cho từng nhóm ngành trường sẽ đưa ra điểm sàn cho mỗi khối thi. Thí sinh không đạt điểm chuẩn vào nhóm ngành đăng ký nhưng đạt điểm sàn của khối thi sẽ được xét tuyển vào một nhóm ngành hoặc vào chương trình có điểm chuẩn thấp hơn nếu thí sinh có nguyện vọng. Trường phân ngành ngay sau khi thí sinh trúng tuyển vào trường.

Cho em hỏi học ngành Luật Kinh tế ở ĐH Mở Hà Nội thi sau này sẽ như thế nào? Việc làm ra sao? (boy_cute9x67@yahoo.com)

Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, ngoài việc trở thành luật sư (kinh tế, dân sự, tranh tụng trách nhiệm đối với sản phẩm…), những công việc tương đồng cũng có thể thích hợp với bạn như: Làm chủ doanh nghiệp; kinh doanh chứng khoán; cố vấn tài chính; thẩm định giá; giám đốc quản trị rủi ro; bảo hiểm; ngân hàng…

Theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nội dụng trọng yếu của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020: “Từ nay đến năm 2015, phát triển số lượng khoảng 12.000 luật sư, mỗi năm được từ 800 đến 1.000 luật sư, trong đó tại mỗi địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn phát triển được từ 2 đến 3 luật sư".

Chiến lược đề ra mục tiêu là đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng từ 18.000 – 20.000 luật sư, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500 đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế – xã hội có từ 30-50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.

Như vậy, cơ hội việc làm của ngành Luật trong tương lai rất cao. Chúc bạn thành công.

Ban Tư vấn tuyển sinh

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-564884/nganh-luat-kinh-te-co-hoi-viec-lam-co-nhieu.htm

Giảng viên trẻ

Posted: 13 Feb 2012 05:20 AM PST

(GDTĐ)-Đội ngũ giảng viên trẻ là nguồn lực vô cùng quan trọng trong các trường ĐH, CĐ. Do những khó khăn trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp, thì ngoài sự quan tâm giúp đỡ của nhà trường và lãnh đạo, giảng viên trẻ rất cần một môi trường năng động để hoạt động và phấn đấu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để trở thành giảng viên: không dễ dàng

ThS. Nguyễn Việt Hà, một giảng viên trẻ của Trường CĐ Sư phạm Hà Nội tâm sự, để trở thành giảng viên thực sự là một việc không hề dễ dàng. Một sinh viên muốn trở thành giảng viên và được ở lại trường sau khi tốt nghiệp đại học phải đạt được những tiêu chí tương đối khắt khe như: Tốt nghiệp đại học loại giỏi, có bằng thạc sĩ và cử nhân hệ chính quy đúng chuyên ngành loại khá trở lên đối với vị trí giảng, tiếng Anh trình độ TOEFL 500 trở lên, sử dụng thành thạo máy vi tính.

Bên cạnh đó, ứng viên còn phải tham gia các kì sát hạch gắt gao về cả nhận thức chính trị cũng như về chuyên môn. Trước khi giảng chính thức phải có 1 năm trợ giảng và thử việc. Sau đó mới chính thức trở thành giảng viên của một trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Nhưng khi đã trở thành giảng viên của một trường đại học, cao đẳng thì người giảng viên trẻ phải luôn luôn nỗ lực phấn đấu, trau dồi phẩm chất đạo đức và nhân cách, đồng thời phải thường xuyên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kĩ năng sư phạm. Điều này tưởng chừng rất đơn giản và tất nhiên, nhưng với các giảng viên trẻ lại là sự thách thức vô cùng to lớn nhất là với giảng viên của trường sư phạm.

Theo ThS. Nguyễn Việt Hà, các giảng viên trẻ phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía: áp lực về kinh tế, về bằng cấp, về thời gian, do đó thời gian đầu tư vào chuyên môn nghiệp vụ sẽ bị xao nhãng dẫn đến sự mai một về tay nghề. Nhiều giảng viên trẻ đã không chịu được các áp lực này nên lòng tin về nghề, lòng yêu nghề đã giảm sút và có xu hướng rời bỏ nghề giáo để đi tìm các công việc có thu nhập cao và tính chất công việc nhẹ nhàng hơn.

Không chỉ thế, người giảng viên lại phải kiêm nhiệm hai nhiệm vụ chuyên môn cơ bản đó là giảng dạy và nghiên cứu. Mỗi giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ NCKH được giao, chức danh hoặc vị trí công việc, phải công bố kết quả nghiên cứu (sản phẩm, bài báo, đề tài,…). Ngoài ra người giảng viên trẻ còn phải học thêm ngoại ngữ và hoàn thành các chỉ tiêu về chuyên môn do nhà trường quy định: Hoàn thành thạc sĩ, tiến sĩ, các văn bằng chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học, lí luận chính trị,…

Vừa soạn bài, vừa phải tự bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức sư phạm và kĩ năng giảng dạy, lại phải chịu các áp lực rất lớn về kinh tế và công việc, để có một chuyên môn giảng dạy tốt đối với người giảng viên trẻ đó thực sự là một chặng đường gian nan vất vả.

Cần có chính sách phù hợp hơn đối với cán bộ giảng viên trẻ

Nhận định, chế độ lương hiện nay không hấp dẫn cán bộ trẻ có năng lực làm giảng viên ĐH, nhất là ở các chuyên môn như công nghệ thông tin, kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh cho rằng cần có chính sách lương phù hợp hơn đối với cán bộ giảng viên trẻ. Riêng với ngành sư phạm, theo Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh nên tính toán lại giờ lao động của giảng viên cho phù hợp với đặc điểm lao động của họ, nên có chế độ phụ cấp, bồi dưỡng đứng lớp, tính ngay từ giờ đầu tiên, điều này có lợi cho cán bộ trẻ và không biến họ trở thành “thợ dạy”.

Nhấn mạnh đến vấn đề NCKH cho giảng viên trẻ, TS. Đoàn Văn Thược-Khoa Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, Nhà nước và các trường đại học cần tăng cường nguồn kinh phí cho các tài liệu khoa học. Cùng với nguồn tài liệu, các cán bộ trẻ cần được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ tiếng Anh, nâng cao văn hóa đọc, tích cực tìm kiếm thông tin tài liều từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh nguồn kinh phí thường xuyên dành cho đào tạo, các trường đại học cần có chiến lược huy động và dành kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ NCKH….

Giảng viên Nguyễn Hà My -  Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội yêu cầu, nhà trường và Đoàn trường nên có nhiều hình thức và biện pháp hoặc chính sách để động viên, khuyến khích giảng viên đặc biệt là giảng viên trẻ NCKH, có những công trình có giá trị cao để áp dụng vào thực tiễn giảng dạy như những nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy học, đề xuất, thử nghiệm các nội dung dạy học mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học,… và có cơ chế đảm bảo thực hiện các hoạt động NCKH, đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên trẻ.

Tiến sĩ Đỗ Tiến Sĩ, Học viện Quản lý giáo dục thì đề nghị cần có một chế độ pháp lý sao cho việc phát triển nghề nghiệp của giảng viên không phải là chuyện của cá nhân, mà là chiến lược phát triển chung của nhà trường.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201202/Giang-vien-tre-don-bay-nang-cao-chat-luong-GDDH-1958622/

Dạy học bằng bản đồ tư duy

Posted: 13 Feb 2012 05:20 AM PST

 

Dạy học bằng bản đồ tư duy là phương pháp dạy học bằng cách sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết, với sự tư duy tích cực của giáo viên và học sinh. Đây là phương pháp tạo hứng thú trong học tập cho học sinh, góp phần làm đổi mới và phong phú hơn các phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng giáo dục.

Một tiết học được áp dụng phương pháp bản đồ tư duy kết hợp với sử dụng hình ảnh Powerpoint.
Một tiết học được áp dụng phương pháp bản đồ tư duy kết hợp với sử dụng hình ảnh Powerpoint.

Hiện nay, các giáo viên đang áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực để từng bước chuyển dần cách dạy học từ chỗ trang bị kiến thức cho học sinh sang dạy cho học sinh cách tiếp cận và tìm tòi kiến thức. Từ đó, vận dụng kiến thức vào thực tế và biến đổi thành kỹ năng cho riêng bản thân mình. Việc áp dụng phương pháp dạy học bằng bản đồ tư duy kết hợp với các phương pháp học nhóm, công nghệ thông tin,… vào trong giảng dạy hiện đang là công cụ phù hợp và đạt hiệu quả mà ở một số trường đang dần thực hiện trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong giáo dục hiện nay. Thầy Lư Xuân Hoan, Hiệu phó Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A), cho biết: "Sau khi được tập huấn thì từ đầu tháng 10 năm học vừa qua, trường đã bắt đầu triển khai phương pháp dạy học bằng bản đồ tư duy, đến nay, có 100% giáo viên trường đã áp dụng vào trong các tiết dạy của mình. Đây là một phương pháp mới, nhưng tính hiệu quả rất cao và được tập thể giáo viên tâm đắc vì phương pháp này giúp cho học sinh phát huy được sự tự tin, sự logic, sáng tạo và phát triển được khả năng tư duy,…". Ngoài ra, dạy học bằng bản đồ tư duy giúp cho học sinh thuộc bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu và chính xác nội dung bài học của mình. Đặc biệt, đối với phương pháp này còn giúp cho học sinh không nhàm chán mà luôn sôi nổi và hào hứng trong tiết học, từ đó tạo được điều kiện cho học sinh tập trung thảo luận và cùng tìm ra vấn đề cốt lõi trong nội dung của bài học. Với phương pháp này buộc học sinh phải chủ động trong việc học của mình, từ đó mà hiệu quả trong việc học không ngừng được nâng cao.

Trong phương pháp dạy học trước đây thì việc dạy học bằng bản đồ tư duy đã được nhiều giáo viên áp dụng như vẽ sơ đồ hay biểu bảng nhưng ở mức độ đơn giản và giáo viên áp dụng không thường xuyên. Còn đối với phương pháp dạy học bằng bản đồ tư duy hiện nay là một phương pháp được thực hiện với mức độ cao và ưu điểm vượt trội nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh trong việc tìm tòi, đào sâu hay mở rộng một ý tưởng,… bằng việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét và chữ viết với sự tư duy tích cực. Cùng một chủ đề nhưng mỗi người có thể trình bày dưới dạng bản đồ tư duy theo một cách riêng, với cách dùng màu sắc, hình ảnh và cụm từ diễn đạt khác nhau. Chính từ đó mà việc lập bản đồ tư duy luôn phát huy được khả năng sáng tạo của mỗi giáo viên và học sinh. Thầy Hoan còn cho biết thêm: "Bản đồ tư duy có thể được vẽ trên giấy bìa, bảng, sử dụng bút chì, màu, phấn,… hoặc có thể thiết kế trên Powerpoint hay các phần mềm tin học chuyên dùng để hỗ trợ việc thiết kế bản đồ tư duy". Với phương pháp này không chỉ phát triển được trí tuệ của học sinh qua khả năng vẽ và viết ngắn gọn, cô đọng nội dung bài học trên bản đồ tư duy, mà các em học sinh còn hệ thống được kiến thức khi tổng hợp và chọn lọc ý để trình bày trên bản đồ. Thầy Võ Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Hòa An (huyện Phụng Hiệp), cho biết: "Với hình thức trình bày kết hợp hình vẽ, chữ viết và sự vận dụng kiến thức trong sách vở và trong cuộc sống đã khiến cho bài học thêm sinh động và hấp dẫn hơn. Đây là phương pháp hỗ trợ tích cực cho tiết dạy, ôn tập kiến thức cho học sinh một cách khoa học. Qua đó học sinh ghi nhớ sâu sắc kiến thức, tránh được kiểu học vẹt, học thuộc lòng một cách máy móc".

Theo báo Hậu Giang Online

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201202/Day-hoc-bang-ban-do-tu-duy-1958619/

Đưa chuyện đổi giờ học vào đề kiểm tra lớp 10

Posted: 13 Feb 2012 05:19 AM PST

– Đề bài kiểm tra yêu cầu học sinh lớp 10 của một trường THPT tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nêu quan điểm và suy nghĩ về việc đổi giờ học. Không chỉ bày tỏ bức xúc, có em còn thẳng thắn "đây là quy định coi chúng em là "chuột bạch trong thí nghiệm".

 

Phân tích


Một ngày sau khi Hà Nội thực hiện việc đổi lịch học mới, trong tiết học Giáo dục công dân của học sinh lớp 10 một trường THPT thuộc quận Hoàn Kiếm, cô giáo đã cho học sinh được thể hiện quan điểm về việc này.

Gần 30 bài viết, có bài chỉ là những gạch đầu dòng, một câu chuyện ngăn ngắn, nhưng cũng có em phân tích tỉ mỉ  những khó khăn của bản thân và gia đình khi thực hiện quyết định này và tỏ ý không ủng hộ.

Từ chuyện giờ học dở dang, vào lúc 14h30, kết thúc sau 19h, mùa hè nắng, mùa đông thì quá lạnh đến chuyện đói bụng rồi những nguy hiểm có thể xảy ra với bạn nhà xa, một học sinh lấy ví dụ từ chính nỗi khổ mà giáo viên dạy Toán của lớp em để làm minh chứng cho bài viết:

"5h sang dậy đi chợ, nấu cơm, đưa con đi học. 6h15 nhanh chóng đến trường để 6h30 có mặt ở trường chuẩn bị 7h dạy. Sau đó là 11h30 tan, về nhà thì ngại mà ở trường lại mệt, lại còn dạy thêm nên không biết phải làm thế nào đành phải mang cặp lồng cơm đi dạy để ăn. Học sinh học buổi sáng cũng mang luôn cơm để ăn rồi học thêm luôn.

Sau 19h, giáo viên đi về, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ tắm rửa rồi đến 23h vào bàn soạn giáo án nhanh chóng để 1h30 đi ngủ rồi 5h sáng lại dậy! Cứ như thế, như thế!…"


Tiết học muộn của học sinh Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa). Ảnh: Văn Chung

 

Một học sinh khác đưa thêm lí do: "Gia đình nào bận bịu mà không có điều kiện cho con cái lái xe riêng hay cho đi xe ôm thì đúng là vấn đề đau đầu".

Em khác lại nêu khó khăn nảy sinh: "Học sinh ngày nay ai cũng phải đến những lò luyện thi, những lớp học thêm vào buổi tối. Đối với những học sinh ca chiều, phải học đến 19h thì sẽ rất khó khăn để tiếp tục học thêm. Hãy thử tưởng tượng mà xem, học sinh phải học đến 19h tối thì làm sao có thể đến lớp học thêm để học tiếp được, nếu học thì có lẽ đến 22h mới về nhà được. Việc này sẽ rất nguy hiểm và bất tiện cho học sinh và gia đình họ".

"Chưa kể học sáng phải dậy rõ sớm đi học →mệt, không được ngủ bù →tiếp thu bài không hiệu quả, không kịp ăn sáng →thường xuyên phải ăn sáng ở ngoài →tốn tiền chi tiêu" – một em khác phân tích.


Không giảm được ách tắc

Từ góc nhìn và trải nghiệm của bản thân, nhiều học sinh cho rằng việc đổi lịch học sẽ không giảm được ùn tắc giao thông.

L.Q.T cho rằng: "Giờ học và giờ làm của học sinh và bố mẹ chênh lệch nhau làm việc sinh hoạt gia đình rất bất tiện. Ngoài ra, đến giờ tan học, bố mẹ lại tụ tập trước cổng trường đón con, điều này vẫn dẫn đến ách tắc giao thông".

Vẫn với cách phân tích kiểu toán học, L.U.M đưa ra suy nghĩ: "Trường hợp các trường gần nhau cùng tan một giờ vẫn gây ra ùn tắc, mất trật tự giao thông→chưa triệt để".

"Vào buổi đầu tiên thay đổi giờ học, em vẫn không thấy được giao thông giảm ách tắc. Buổi tối không thể học thêm hay khó làm bài tập về nhà vì 19h mới được tan học" – học sinh L.M.N ghi ngắn gọn trong bài của mình.

Là "chuột bạch thí nghiệm"

"Em chỉ là một học sinh bình thường nhưng theo em nghĩ việc đổi giờ học cho học sinh lệch với giờ di làm của cán bộ công nhân viên chức là một quyết định mang tính chất coi chúng em là học sinh nói riêng hay công dân thành phố nói chung là "chuột bạch thí nghiệm".

Bất cứ vấn đề gì cần đưa ra thử thì chúng em đều là những người áp dụng và thực thi mệnh lệnh: từ việc cải cách sách giáo khoa cho học sinh, từ việc cấm học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi quy định để giảm tai nạn giao thông….Cho đến bây giờ là việc thay đổi giờ học để giảm ách tắc giao thông trong giờ cao điểm" – T.H.A bức xúc viết trong bài của mình.

Cũng trong bài của T.H.A có đoạn: "Tuy chỉ là mọt học sinh, em chưa tìm được biện pháp giải quyết nào cho giao thông của thành phố nhưng: nếu không tắc vào giờ này thì đường cũng tắc vào giờ khác, giờ cao điểm không ở giờ này thì nó cũng vào giờ khác".

Đồng quan điểm, N.H.A cho rằng: "Việc tắc đường là do cơ sở vật chất và ý thức người dân. Vậy cớ sao lại liên quan đến ngành giáo dục? Cơ sở vật chất xuống cấp quá tải thì đã đành, những tại sao ý thức người dân không thay đổi? Sao không chịu khó tìm cách thay đổi ý thức người dân, thay đổi thiếu xót trong giao thông? Sao lại cứ xuề xòa rồi bê nguyên trách nhiệm của mình bằng việc thay đổi giờ học một cách vô lí như vậy?

Chưa biết hiệu quả thế nào nhưng đã thấy bao hậu quả. Tại sao không đưa việc thay đổi giờ học ra hỏi ý kiến học sinh mà tự quyết định. Rồi người chịu ảnh hưởng cũng là chính là học sinh. Thế có gọi là bất công không ạ?"

Cuối bài viết T.H.A mong mỏi: "Xin hãy xem xét và nghĩ cho chúng em một chút, dù chỉ là một chút thôi, hiểu được cho chúng em về việc điều chỉnh giờ học".

Đã đọc các bài viết, giáo viên – Bí thư đoàn trường chia sẻ tâm sự một cách ngắn gọn: "Âu đó cũng là những lời cô và trò đều muốn nói thôi. Hà Nội đã đẩy lịch học tan sớm hơn 1 tiếng (từ sau 19h đến sau 18h). Dẫu vậy, mình vẫn mong trở lại lịch học như cũ (tan sau 17h15) hơn".

  • Phong Đăng

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/59926/dua-chuyen-doi-gio-hoc-vao-de-kiem-tra-lop-10.html

Comments