Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Vĩnh biệt thầy của những bậc thầy

Posted: 04 Feb 2012 11:13 PM PST

Vĩnh biệt thầy của những bậc thầy

TT – Gần trưa 3-2, mấy đồng nghiệp đã liên tiếp gọi điện thoại bằng một giọng thảng thốt, buồn thương, báo cho tôi biết tin giáo sư – nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn vừa mới từ trần.

Giáo sư Lê Trí Viễn (trái) tại lễ thượng thọ 90 tuổi của giáo sư được tổ chức ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Ảnh: PHÚC ĐIỀN

Tôi thật sự bàng hoàng, vì mới đây – những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, tôi và hai bạn văn Vu Gia – Nguyễn Thanh Văn còn đến thăm, chúc tết thầy. Chúng tôi mừng vì thầy tuy ngồi xe lăn nhưng hồng hào, tỉnh táo. Càng mừng hơn vì thầy được vợ chồng cháu Hoa Qui – con trai và con dâu thầy, chăm sóc chu đáo, chí tình. Thầy trò chúng tôi trò chuyện vui vẻ. Xin phép thầy để ra về, thầy còn lưu giữ để tiếp tục câu chuyện – chuyện thơ, chuyện đời, chuyện dạy học… Mới đấy, có hơn mười ngày, vậy mà hôm nay chúng tôi phải vĩnh biệt thầy.

73 năm dạy học

Dù biết ở tuổi 95 (1918-2012) thầy thuộc thế giới những người đại thọ, nhưng với quan hệ thầy trò gắn bó đã 56 năm, lòng riêng tôi không tránh được nỗi đau xót. Tâm trạng ấy chắc chắn không phải chỉ của riêng tôi, mà là của hàng trăm ngàn người đã được học thầy suốt 73 năm qua, từ năm 1939, lúc thầy dạy Trường tiểu học Bảo An – rất gần nơi chôn nhau cắt rốn của thầy (thôn Bào Đông, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trong lịch sử giáo dục của dân tộc ta, có ai đạt đến tuổi nghề cao như thế không?

Từ điểm xuất phát ban đầu khiêm tốn ấy, thầy lần lượt được tổ chức tín nhiệm giao cho những nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn: dạy trung học trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), biên soạn sách giáo khoa (1955-1957), dạy đại học (từ năm 1958) và trên đại học (từ năm 1973). Thầy đã lãnh đạo khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong 15 năm liền (1963-1978), nhưng rồi thầy đã từ chối chức vụ hiệu trưởng nhà trường và chuyển vào giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Đến tuổi hưu, thầy vẫn tiếp tục nhận lại lời mời của trường, tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, đồng thời làm hiệu trưởng một trường tư thục nổi tiếng có tới hơn 6.000 học sinh – Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến. Càng gần gũi, hiểu thầy, chúng tôi càng quý trọng thầy về nhiều phương diện.

Thầy đã nêu gương sáng về công phu học tập – tự học thật lặng lẽ, kiên trì và quyết liệt. Tự học để đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài triết học năm 1945. Tự học để chiếm lĩnh những tri thức khoa học liên ngành, cần thiết cho việc giảng dạy và nghiên cứu văn học. Tự học để từ cái vốn chữ Nho ít ỏi được người cha truyền dạy thuở ấu thơ và trình độ tiếng Pháp còn hạn chế của bậc cao đẳng tiểu học để rồi nắm vững hai ngôn ngữ quan trọng bậc nhất ấy, tạo đà cho việc nghiên cứu văn học cổ, soạn hàng ngàn trang giáo trình Hán Nôm và chuyển ngữ (hoặc góp phần chuyển ngữ) hàng chục tác phẩm kinh điển của V.Hugo, H.Balzac, A.Dante, Lỗ Tấn.

Người thầy tinh tế và tài hoa

Cũng như nhiều giáo sư, học giả nổi tiếng khác, từ lâu thầy đã hình thành cho mình sự gắn kết cần thiết giữa giảng dạy và nghiên cứu. Tính đến nay thầy đã cho công bố 46 công trình. Thầy tinh tế và tài hoa trong bình và giảng văn (Những bài giảng văn ở đại học – 1982, Bình thơ xuân  – 1986, Đến với thơ hay – 1997…). Thầy là đồng tác giả của bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam dày hơn 1.000 trang, gồm ba tập (1958). Thời kỳ làm chuyên gia ở ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), thầy viết và cho xuất bản tại chỗ bộ sách Một số vấn đề về lịch sử văn học Việt Nam (1961). Các tác gia lớn của văn học cổ điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến… được thầy quan tâm đặc biệt trong nhiều công trình dày dặn.

Trên cơ sở "thâm canh" ấy, thầy đã có hai chuyên luận mang tính khái quát cao: Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1996), Quy luật phát triển của lịch sử văn học Việt Nam (1998). Bộ Lê Trí Viễn toàn tập (2006) gồm bảy cuốn, non 6.000 trang khổ lớn là tập đại thành của những ngày thầy miệt mài bên bàn viết, kể cả 15 năm làm chủ nhiệm khoa văn – một khoa lớn, đông hàng ngàn sinh viên – trong đó có non 10 năm sơ tán hết lên núi rừng Việt Bắc lại về với đồng ruộng Hưng Yên.

Sẽ là một thiếu sót nếu không đề cập những thành công của thầy trong lĩnh vực sáng tác. Hàng chục truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn nghệ của Liên khu 4 (Thương nữ, Núi che mặt trời, Trường học Lương Sơn Bạc…), qua đó có thể thấy niềm vui và lòng tin của tác giả trước "chất lãng mạn và khí phách Việt Nam kháng chiến". Là một người thiên về sống nội tâm, thầy thường tìm đến với thơ ca. Những câu thơ có khi rất tài hoa:

Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn
Anh đến với em đêm thần tiên ấy
Trăng với đèn chếnh choáng hơi men.

Không ít bài thơ lại có ý vị khác – chân mộc, lắng đọng lại ngân vang rất sâu. Chẳng hạn, trong dịp thầy đưa cả đại gia đình từ TP.HCM và Hà Nội về thăm quê hương. Quê đấy, nhưng nhà đâu, mẹ già tần tảo nơi đâu… ở tuổi 86, thầy đã nghẹn ngào xúc động:

Có quê mà chẳng có nhà
Đành đem giấc ngủ gửi bà con thôi
Nửa đêm sực tỉnh bồi hồi
Mẹ ơi, con chết nửa người, mẹ ơi!

Tác giả của những câu thơ thấm đẫm nghĩa tình ấy, nhà nghiên cứu uyên bác và cẩn trọng ấy, nhà giáo hết lòng vì học trò ấy – giáo sư – nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn, giờ đây đã thành người thiên cổ. Bình tĩnh nghĩ lại, đúng như Nguyễn Công Trứ đã viết, đó là "Nhân sinh tự cổ thùy vô tử" (Người đời từ xưa ai mà không chết). Nhưng điều quan trọng hơn, có thể tin thầy tôi cũng như các học giả khả kính tiền bối đã qua đời sẽ tiếp tục hiện diện trong cuộc sống hôm nay, ân cần nhắc nhở chỉ dẫn các thế hệ trí thức lối sống, cách sống và lý tưởng sống, bởi vì thầy đã "lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh" (cốt được tấm lòng son lưu truyền sử xanh).

TRẦN HỮU TÁ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/475982/Vinh-biet-thay-cua-nhung-bac-thay.html

Từng bước cải tiến chế độ lương, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo

Posted: 04 Feb 2012 11:03 PM PST

(GDTĐ)-Cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và CBQLGD theo hướng khắc phục những bất cập hiện có, tạo động lực đủ mạnh cho nhà giáo và CBQLGD toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục. Đó là một trong những giải pháp về chế độ chính sách nhằm thực hiện phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020.

Cùng với đó, là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách ưu đãi và chế độ nhà công vụ đối với nhà giáo và CBQLGD công tác ở các vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và ở các trường chuyên biệt.

Đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và kiểm tra, đánh giá đối với nhà giáo và CBQLGD trong các trường ngoài công lập.

Xây dựng chính sách ưu đãi thích đáng cho đội ngũ nhà giáo bậc cao, thu hút các nhà khoa học đầu ngành, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Có chính sách để thu hút các nhà giáo có kinh nghiệm, có học hàm, học vị và có sức khỏe, tâm huyết đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục tham gia giảng dạy ở các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học.

Xây dựng và hoàn thiện một số quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Rà soát, đánh giá lại hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá, các chức danh hiện có của các ngạch nhà giáo và CBQLGD; kiến nghị những sửa đổi, bổ sung cần thiết cho phù hợp với yêu cầu mới của việc xây dựng, nâng cao chất lượng nhà giáo và CBQLGD.

Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ phục vụ trong các cơ sở giáo dục ngày càng đông đảo, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, công tác phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Những giải pháp chế độ chính sách trên đây thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh của ngành trong phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2010-2020 của đất nước.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201202/Se-cai-tien-che-do-luong-phu-cap-uu-dai-cho-nha-giao-1958279/

Nghĩa hiện nay của từ ‘trí thức’

Posted: 04 Feb 2012 11:02 PM PST

– Từ "trí thức" xuất hiện năm 1906 với nội
hàm mới, đủ phân biệt với những từ ngữ vẫn quen dùng trước đó. "Trí thức" xâm nhập Việt Nam từ ngót trăm năm, đến nay nghĩa gốc có nhiều thay đổi. Đại thể, có hai hướng lớn.


Nghĩa ban đầu

Intellectuel (tiếng Pháp) hay intellectual (tiếng Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là intellect (trí  tuệ, trí thông minh).

Nhưng một văn bản kháng nghị công bố năm 1906 – do nhà văn Zola ký tên đầu – lại được thủ tướng Pháp Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels).

Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa hề có trong các từ điển lớn trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902. Ngay sau đó, thế giới đã chấp nhận một từ ngữ mới.

Đó là bản kháng nghị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, chống lại một bản án oan cũng nổi tiếng là xấu xa trong lịch sử tư pháp (xử đại úy Dreyfuss, sau gọi là "Sự kiện Dreyfuss").

Trên thực tế, các tác giả của bản kháng nghị đã bị chính quyền chỉ trích, phân biệt đối xử, hăm dọa, kể cả tù đầy, nhưng không nao núng, mà vẫn theo đuổi sự việc tới cùng. Nay gọi là dấn thân.

Như vậy, danh từ "trí  thức" ra đời nhân một sự kiện chống bất công nói riêng và chống mọi bất cập của xã hội nói chung.

Từ đó, một người có học vấn cao sẽ được mang danh "trí thức" nếu ông ta sẵn sàng tạm bước ra khỏi lĩnh vực chuyên sâu của mình để lên tiếng – với lập luận vững chắc – về những bất cập xã hội, với động cơ không vụ lợi. Nay gọi là phản biện.

Sau 100 năm, nghĩa gốc bị thay đổi

Từ rất lâu trước khi có từ "trí thức", xã hội đã sử dụng nhiều từ tôn vinh dành cho những người có học vấn uyên thâm, làm nghề sáng tạo: nào là học giả, nhà văn, nào là nghệ sĩ, bác học…

Đó là bước tiến lớn khi xã hội nhận ra các sản phẩm tinh thần ngày càng đặc trưng cho văn minh nhân loại.

Từ "trí thức" xuất hiện năm 1906 với nội hàm mới, đủ phân biệt với những từ ngữ vẫn quen dùng trước đó… Để được gọi là trí thức, điều kiện "cần" là làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần; còn điều kiện "đủ" là phản biện xã hội – để xã hội tốt đẹp thêm.

"Trí thức" xâm nhập Việt Nam từ ngót trăm năm, đến nay nghĩa gốc có nhiều thay đổi. Đại thể, có hai hướng lớn:

- Một hướng cố giữ nguyên nghĩa: tuy chỉ thoi thóp, bị chìm lấp, nhưng khi cần thiết và gặp hoàn cảnh thuận lợi vẫn cứ bùng lên – chứng tỏ nó chưa chết hẳn. Bằng chứng là cách đây 5 năm – khi mọi người thảo luận sôi nổi về vai trò trí thức – đã có những "suy nghĩ về khái niệm trí thức". Sau đó, thêm một ý kiến khác tỏ vẻ không đồng tình (với hướng thứ hai) về sự tầm thường hóa trí thức, với nhận định "trí thức ngày càng đông, nhưng càng… không đúng nghĩa"…

- Một hướng khác, áp đảo, đã rất thành công biến "trí thức" thành một từ bao quát và gói ghém trong nó tất cả các từ cụ thể quen dùng trước đó (như: học giả, soạn giả, tác gia, bác học, văn gia…). Ở mức độ cụ thể hơn nữa, ta có các từ chỉ rõ bằng cấp và nghề nghiệp của họ (ví dụ): tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, giáo sư, nhà văn, nhà khoa học, nhà toán học… Tất cả, đều được quan điểm này coi là trí thức.

Theo hướng thứ hai, công lao của người sáng tạo từ "trí thức" rốt cuộc chỉ là đưa ra một từ chung, để gộp vào nó các từ sẵn có về giới "có học" trong xã hội.

Hướng thứ hai mạnh tới mức khuất phục được cả nhiều người soạn từ điển và soạn Nghị Quyết ở nước ta. Và do vậy, cũng là ý kiến của đông đảo bạn đọc trong cuộc thảo luận đầu năm 2012. Cụ thể, số người nói giống như GS Ngô Bảo Châu (và như Nghị Quyết) vẫn đông gấp bội số người đồng ý với GS Chu Hảo.

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58775/nghia-hien-nay-cua-tu--tri-thuc-.html

Ôn thi sao cho hiệu quả

Posted: 04 Feb 2012 11:02 PM PST

(GDTĐ) – Sắp đến mùa ôn thi Đại học, Cao đẳng, các em học sinh 12 đã chuẩn bị những gì? Thường học sinh hay làm là tăng cường học cua, ôm cua, rồi bao cua… Không phải thế, học tập là học cho chính bản thân các em. Chuyện ôm cua hay bao cua không có nghĩa là tiếp thu được kiến thức của các thầy cô giàu kinh nghiệm?

Học cái gì?

-Tự học trước tiên phải soạn ra đề cương, có trật tự theo hệ thống chương trình đã học ở lớp. Phân biệt được kiến thức trọng tâm, đâu là lý thuyết, đâu là bài tập ứng dụng.

-Tự học phải phối hợp nhuần nhuyễn cả lý thuyết và thực hành – trong thi cử người ta phân loại kiến thức lý thuyết và kỹ năng vận dụng. Tránh trường hợp học lý thuyết thấy dễ ợt, vận dụng thì không trôi, thậm chí một số câu hỏi bài tập đơn giản vẫn lúng túng, một khi phải ràng buộc thời gian!

Ôn thi (ảnh: Internet)
Ôn thi (ảnh: Internet)

Học ở đâu?

- Rõ ràng và khoa học, các em vẫn học từ tài liệu, sách giáo khoa, sách  tham khảo, trên sườn đề cương tự soạn  và cuối cùng là tài liệu ôn thi, đề thi thử, đề thi cũ.

Học lúc nào? 

- Chúng ta thường ngộ nhận, phải học nhiều giờ trong ngày, học sáng, học chiều và cả đêm đến tận 23 giờ. Làm như vậy là không nên, không khoa học và không ai yêu cầu như vậy.

- Học theo thời khóa biểu, theo chương trình hiện hành. Nếu buổi sáng học 4 tiết lý thuyết theo hướng dẫn của thầy cô, thì buổi chiều học 4 tiết rèn luyện kỹ năng ở các môn tương ứng. Buổi tối học 2 tiết với các môn lý thuyết nhiều, tài liệu tham khảo, văn thơ, báo chí… là quá đủ.

- Nếu một em học sinh có năng lực thật sự, có phương pháp học tập tốt mà bảo rằng học ngày hai buổi, ngoài ra còn học cua học kèm 3 môn thi hết 6 giờ mỗi ngày nữa là hỏng bét! Với kinh nghiệm vừa làm cha mẹ vừa thầy cô, tôi đoán ngay là học sinh ấy đang lừa dối điều gì! Có thể là lấy lòng thầy cô, có thể bị lãng phí thời gian sức khỏe vì  lỗi không tự tin mình.

Học như thế nào?

- Xưa sao nay vậy. Học có đề cương có thứ tự, "học phải hành"! trước tiên là soạn ra một đề cương, lúc này vừa kiểm tra lại mình đang hỏng chỗ nào. Đề cương phải bám vào chương trình đang học cho tiết kiệm thời gian dễ nhớ, và thừa hưởng tính logic của khoa học giáo dục.

- Chia thời gian biểu, vừa phải, phù hợp nhưng thật nghiêm túc. Lúc nào ôn lại lý thuyết của bài này chương này, thời lượng bao nhiêu? Phần rèn luyện kỹ năng bao nhiêu bài tập áp dụng? Các em nhớ đến với chuyên mục thi cử của Báo Giáo Dục Việt Nam, ở đó có nhiều cố vấn giàu kinh nghiệm và tâm huyết!

- Nếu gặp bài khó không giải quyết nổi thì sao? các em có thể tham khảo qua tài liệu hướng dẫn, công thức và thầy cô.

Một vài trao đổi, chúc các em ôn tập hiệu quả, thi đạt kết quả cao!

 

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201202/On-thi-sao-cho-hieu-qua-1958255/

Tuyển sinh 2012: Thí sinh cân nhắc khi đăng ký vào ngành “nóng”

Posted: 04 Feb 2012 11:02 PM PST

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tuyển mới 576.000 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu nhiều nhất là ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng với 184.300 chỉ tiêu. Tiếp đến là ngành Kỹ thuật công nghệ 172.800 chỉ tiêu; ngành Sư phạm 54.600 chỉ tiêu; ngành Khoa học tự nhiên và Xã hội nhân văn 51.800 chỉ tiêu; ngành Nông Lâm ngư 43.200 chỉ tiêu; ngành Y dược 40.300 chỉ tiêu và ngành Nghệ thuật – Thể dục thể thao 29.000 chỉ tiêu.

Số lượng chỉ tiêu ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng nhiều so với các nhóm ngành khác bởi nhu cầu nhóm ngành này vẫn "nóng" nhất và đông thí sinh dự thi nhất. Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc khi đăng ký bởi điểm chuẩn của các ngành này luôn thuộc tốp cao.

Cụ thể đối với các trường thuộc tốp đầu trong lĩnh vực ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng điểm chuẩn lúc nào cũng cao, tỷ lệ "chọi" của các trường cũng không giảm. Trường ĐH Ngoại thương điểm chuẩn 3 năm trở lại đây từ 22 – 26 điểm; trường ĐH Kinh tế quốc dân điểm chuẩn từ 18 – 25,5 điểm, trong đó nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng – Kế toán điểm chuẩn cao nhất trường là 24,5 – 25,5 điểm; Học viện Ngân hàng điểm chuẩn từ 18,5 – 20,5 trong 3 năm trở lại đây…

Không chỉ ở các trường thuộc "tốp" trên, ngành này có điểm chuẩn cao mà các trường đại học đa ngành khác, điểm chuẩn ngành này cũng thường dẫn đầu. Ví dụ, năm 2011, trường ĐH Công đoàn, ngành Tài chính ngân hàng và ngành Kế toán có điểm chuẩn cao nhất trường từ 16,5 – 17,5 điểm; Trường ĐH Thương mại, ngành Tài chính - Ngân hàng: 20, 5 điểm, ngành Kế toán – Tài chính: 21,0 điểm; Trường ĐH Công nghiệp ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng khối A 17 điểm, khối D1 16,5 điểm…

Trao đổi với Dân trí, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân Nguyễn Quang Dong cho biết: "Trong những năm tới, ngành Kinh tế – tài chính - ngân hàng vẫn "nóng" vì nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, việc thu hút thí sinh dự thi vào trường tùy theo sức hút của từng trường. Tôi tin trường Kinh tế quốc dân thí sinh dự thi vẫn đông vì trường tuyển sinh theo ngành và điểm chuẩn của chúng tôi cũng sẽ không giảm nhiều trong những năm tới".

Còn bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương, cho hay: "Ba năm trở lại đây, hồ sơ đăng ký dự thi vào trường luôn giữ ổn định bởi thí sinh đã lượng được sức mình để đăng ký. Với ngành Tài chính - Ngân hàng, 2 năm trở lại đây số lượng hồ sơ nộp vào trường tăng vọt, chứng tỏ sức hút của ngành này vẫn mạnh".

Tuy nhiên, bà Thủy chia sẻ: "Cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi, thí sinh cần xem xét năng lực và lựa chọn ngành nghề mình yêu thích chứ không nên chạy theo thị hiếu xã hội".

Nhận định về chỉ tiêu ngành Kinh tế – Tài chính - Ngân hàng năm nay vẫn nhiều nhất so với các nhóm ngành khác, ông Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính băn khoăn cho rằng: "Khi phân bổ chỉ tiêu, ngành quản lý cần cân đối xem xét lại chứ không vài năm nữa sẽ thừa nguồn nhân lực ngành này. Hiện nay, nguồn nhân lực của ngành này cũng đã dư thừa, nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc. Nếu có "đắt sô" chỉ là những sinh viên thuộc vài trường "tốp trên" đào tạo chuyên về lĩnh vực này. Hiện nay vẫn chưa có cuộc khảo sát tổng thể về sinh viên thuộc các ngành này ra trường có việc làm".

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-561341/tuyen-sinh-2012-thi-sinh-can-nhac-khi-dang-ky-vao-nganh-nong.htm

Nhiều trường ĐH công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012

Posted: 04 Feb 2012 11:00 PM PST

 

 

 


 

 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo của trường cho biết, trường vẫn thực hiện theo phương thức "3 chung", hình thức tuyển sinh vẫn theo như năm trước. Tổng chỉ tiêu của trường năm nay cũng không thay đổi, hệ đại học 5.200, hệ cao đẳng 800".

 

Trường ĐH Công đoàn năm nay lại giảm 200 chỉ tiêu tuyển sinh. Tổng chỉ tiêu vào trường năm 2012 là 2.000.

Trường ĐH Mỏ Địa chất, theo PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo của trường, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay tăng hơn so với năm trước. Cụ thể, hệ đại học là 3.500 chỉ tiêu, tăng so với năm trước 300 chỉ tiêu, hệ cao đẳng 1.000 chỉ tiêu, tăng 400 so với năm 2011. Trường mở thêm chuyên ngành mới là ngành Hệ thống điện, Xây dựng dân dụng, Xây dựng hạ tầng cơ sở và ngành Kỹ thuật môi trường. Hệ cao đẳng, trường mở thêm chuyên ngành mới là Công nghệ thông tin.

Trường ĐH Điện lực năm nay cũng tăng 300 chỉ tiêu. Theo đó, tổng chỉ tiêu vào trường năm 2012 là 2.600. Ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, trường tăng chỉ tiêu do năm vừa qua trường tăng số lượng giảng viên và xây dựng thêm nhiều cơ sở vật chất. Trường dự kiến và đang xin Bộ GD-ĐT mở thêm mã ngành mới là Xây dựng, trong đó có chuyên ngành là Công trình điện. Về phương thức tuyển sinh, trường giữ ổn định như năm 2011, không thay đổi nhiều.

Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam năm nay về cơ bản giữ ổn định như năm trước, thi theo hình thức "3 chung". Đối với khối thi, trường dự kiến tổ chức thi thêm khối A1 (theo quy định của Bộ GD-ĐT) đối với các ngành có thi khối A.

Đối với Khối V: gồm Toán, Lý và môn năng khiếu (môn Vẽ mĩ thuật). Môn Vẽ mĩ thuật nhân hệ số 2 và chỉ tổ chức thi tại cụm thi ĐHLN – Hà Nội. Thí sinh sẽ làm hai bài thi, gồm: (i)- bài thi chính (vẽ tổ hợp tĩnh vật có nền – 7 điểm) và (ii)- bài thi phụ (kiểm tra khả năng sáng tạo của thí sinh theo chủ đề – 3 điểm). Thí sinh cần chuẩn bị các vật dụng: bảng vẽ khổ A3, bút chì (loại HB, 2B, 3B, v.v…), kẹp cố định giấy, que ngắm tỷ lệ.

Điểm trúng tuyển theo khối thi và nhóm ngành học. Nếu thí sinh không đủ điểm vào ngành đăng ký sẽ được chuyển vào ngành khác cùng khối thi có điểm trúng tuyển thấp hơn (nếu còn chỉ tiêu). Trong quá trình học, sinh viên được xem xét chuyển nguyện vọng học.

Nếu thí sinh không đủ điểm vào đại học sẽ được đăng ký xét tuyển vào Cao đẳng.

Ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên: đào tạo theo chương trình tiên tiến với sự giảng dạy của các Giáo sư, Tiến sĩ đến từ của Đại học tổng hợp Colorado – Hoa Kỳ); hỗ trợ SV học tiếng Anh trong 6 – 12 tháng đầu để đủ điều kiện học tập bằng tiếng Anh, học phí 1.200.000 đồng/tháng, học bổng 1.000.000đồng/tháng cho sinh viên khá, giỏi. Sau khi nhập học, sinh viên có thể đăng ký học theo chương trình liên kết đào tạo 2+2 giữa trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam với các trường Đại học hàng đầu Trung Quốc các ngành Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật xây dựng công trình, Công nghệ Chế biến lâm sản, Lâm sinh, Kế toán, Công nghệ sinh học… Sinh viên học 2 năm đầu tại Việt Nam (được hỗ trợ học tiếng Trung Quốc), học 2 năm cuối tại Trung Quốc. Bằng tốt nghiệp được cấp bởi Đại học phía Trung Quốc.

Thí sinh tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2012 của trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam tại đây.

Dân trí tiếp tục cập nhật thông tin chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2012.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-561425/nhieu-truong-dh-cong-bo-chi-tieu-tuyen-sinh-nam-2012.htm

3.500 chỉ tiêu vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM

Posted: 04 Feb 2012 11:00 PM PST

3.500 chỉ tiêu vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM

TTO – Kỳ thi tuyển sinh năm 2012, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) sẽ tuyển sinh ngành mới: kỹ thuật hạt nhân. Ngành này tuyển khối A với 50 chỉ tiêu.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn hóa vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên năm 2011 - Ảnh:  Minh Giảng

Cũng theo dự kiến của trường, một số ngành sẽ tuyển bổ sung khối A1 (toán, lý và ngoại ngữ) nếu Bộ GD-ĐT quyết định bổ sung khối thi này. Năm 2012, trường dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu. Chỉ tiêu cụ thể theo ngành như sau:

Tên trường/Ngành học

 

Mã ngành

 

Mã ngành cấp IV

 

Khối

 

Chỉ tiêu

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

 

 

 

 

3.500

 

227 Nguyễn Văn Cừ, Q.5, TP.HCM;

 

ĐT: (08) 38354394 - (08) 38304380

 

Website: http://www.hcmus.edu.vn

 

 

 

 

 

Các ngành đào tạo đại học:

 

 

 

 

2.800

 

- Toán học (giải tích, đại số, giải tích số, tin học ứng dụng, toán kinh tế, thống kê, toán cơ, phương pháp toán trong tin học, tài chính định lượng, sư phạm toán tin)

 

101

 

D460101

 

A, A1

 

300

 

- Vật lý (VL lý thuyết, VL chất rắn, VL điện tử, VL ứng dụng, VL hạt nhân, VL trái đất, VL – tin học, VL môi trường)

 

104

 

D440102

 

A

 

250

 

- Kỹ thuật hạt nhân (năng lượng và điện hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân, vật lý y khoa)

 

 

D520402

 

A

 

50

 

- Kỹ thuật điện tử, truyền thông (điện tử Nano, máy tính mạng, viễn thông, điện tử y sinh)

 

105

 

D520207

 

A

 

200

 

- Hải dương học (hải dương học vật lý, hải dương học toán tin, hải dương học hóa sinh, hải dương học kỹ thuật kinh tế, khí tượng và thủy văn)

 

208

 

D440228

 

A, B

 

100

 

- Nhóm  ngành công nghệ thông tin

 

107

 

D480201

 

A, A1

 

550

 

            + Truyền thông và mạng máy tính

 

 

 

 

 

            + Khoa học máy tính

 

 

 

 

 

            + Kỹ thuật phần mềm

 

 

 

 

 

            + Hệ thống thông tin

 

 

 

 

 

- Hóa học (hóa hữu cơ, hóa vô cơ, hóa phân tích, hóa lý).

 

201

 

D440112

 

 

A

 

250

 

- Địa chất (địa chất dầu khí, địa chất công trình – thủy văn, điều tra khoáng sản, địa chất môi trường)

 

203

 

D440201

 

 

A, B

 

150

 

- Khoa học môi trường (khoa học môi trường, tài nguyên môi trường, quản lý môi trường, tin học môi trường, môi trường tài nguyên biển)

 

205

 

D440301

 

 

A, B

 

150

 

- Công nghệ kỹ thuật môi trường (công nghệ môi trường nước và đất, công nghệ môi trường khí và chất thải rắn)

 

206

 

D510406

 

 

A, B

 

120

 

- Khoa học vật liệu (vật liệu linh kiện màng mỏng, vật liệu polymer composite,  vật liệu từ  y sinh )

 

207

 

D430122

 

 

A, B

 

180

 

- Sinh học (tài nguyên môi trường, SH thực vật, SH động vật, vi sinh sinh hóa)

 

301

 

D420101

 

 

B

 

300

 

- Công nghệ sinh học (sinh học y dược, CNSH nông nghiệp, CNSH môi trường, CNSH công nghiệp, sinh tin học)

 

312

 

D420201

 

 

A, B

 

200

 

 Các ngành đào tạo cao đẳng:

 

 

 

 

700

 

- Tin học

 

C67

 

C480201

 

 

A

 

700

 

Thông tin cụ thể về các chương trình đào tạo:

1. Nhóm ngành công nghệ thông tin: sau ba học kỳ đầu tiên, sinh viên sẽ đăng ký theo một trong các ngành thuộc nhóm ngành CNTT.

2. Chương trình cử nhân tài năng:

+ Tuyển sinh nhóm ngành công nghệ thông tin, ngành toán – tin, hóa học, vật lý, điện tử viễn thông.

+ Đối tượng: thí sinh trúng tuyển hoặc tuyển thẳng nguyện vọng 1 kỳ thi ĐH chính quy vào trường QST có nguyện vọng học hệ cử nhân tài năng.

3. Chương trình tiên tiến: tuyển 50 sinh viên vào chương trình tiên tiến ngành CNTT theo chương trình của Trường đại học Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ. Giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh.

Website: http://www.apcs.hcmus.edu.vn.

4. Chương trình đào tạo CNTT bằng tiếng Pháp: ĐH KHTN hợp tác với Đại học Claude Bernard Lyon 1(Pháp) tuyển 50 SV hệ chính quy. Sinh viên theo học chương trình này có cơ hội nhận hai bằng cử nhân do hai trường đại học nói trên cấp và có khả năng học tiếp bậc thạc sĩ (master) ở UCBL1.

Website: http://www.fit.hcmus.edu.vn/PFInfo/.

5. Chương trình đào tạo từ xa qua mạng tuyển sinh:

+ Đối tượng: thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

Website: http://www.e-learning.vn.

6. Chương trình  cử nhân quốc tế: tuyển sinh hai ngành:

• Công nghệ thông tin (hợp tác với ĐH AUT, New Zealand)

• Kinh doanh quốc tế (hợp tác với ĐH Keuka, Mỹ)

Đối tượng xét tuyển: tốt nghiệp THPT

Hình thức đào tạo: toàn thời gian tại Việt Nam, các môn chuyên ngành do giáo viên nước ngoài qua giảng dạy.

Bằng cấp: cử nhân đại học do trường đối tác cấp.

Thông tin liên hệ: Trung tâm Đào tạo quốc tế – ITEC, điện thoại: 08.38303625; www.itec.hcmus.edu.vn.

MINH GIẢNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/475576/3500-chi-tieu-vao-Truong-DH-Khoa-hoc-tu-nhien-TPHCM.html

Quan tâm đào tạo, sử dụng SV sư phạm

Posted: 04 Feb 2012 10:59 PM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT cho biết sẽ hoàn thiện chính sách tuyển chọn sinh viên ngành sư phạm từ khâu tuyển sinh đến suốt quá trình đào tạo nhằm đào tạo những người có đức, có tài, sẵn sàng và toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Đối với các vùng khó khăn, hoàn thiện chính sách tạo nguồn tuyển sinh sư phạm cho người dân tộc thiểu số và ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Giao chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo chế độ cử tuyển. Nâng cao hiệu quả chế độ cử tuyển để tăng nhanh số lượng giáo sinh là người dân tộc trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm, từ đó tăng số lượng giáo viên là người dân tộc thiểu số. Ban hành và triển khai quy định về nghĩa vụ của giáo sinh sau khi ra trường phải tuân theo sự điều động của nhà nước để góp phần khắc phục sự thiếu hụt giáo viên ở các vùng khó khăn.

Chỉ tiêu đào tạo hằng năm của các trường sư phạm phải với nhu cầu giáo viên (theo số lượng, cơ cấu môn học…) của các địa phương. Trên cơ sở điều tra về thực trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay, cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh, tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên còn thiếu, đảm bảo đủ giáo viên cho các môn học: nhạc, họa, thể dục, công nghệ, tin học, giáo dục quốc phòng, giáo dục công dân… tạo sự cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên các cấp bậc học.Trên cơ sở quy hoạch lại hệ thống các cơ sở sư phạm, phân công trách nhiệm cụ thể cho các trường trong việc cung ứng giáo viên theo từng cấp học, môn học cho từng vùng, từng tỉnh.Tăng cường quan hệ "cung cầu" giữa địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở quy hoạch nhân lực giáo dục.

Bộ cũng sẽ tổ chức bồi dưỡng và ổn định đội ngũ giáo viên cốt cán cho các bậc mầm non, phổ thông của từng trường, từng huyện, từng tỉnh. Đội ngũ này tuyển từ những giáo viên có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi, trình độ đào tạo cao để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và bồi dưỡng giáo viên.

Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới công tác bồi dưỡng thường xuyên cho Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên đã được ban hành. Thực hiện đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng thực sự tăng cường tính tự học, tự bồi dưỡng của người học, trách nhiệm của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giảng viên đại học, cao đẳng. Cụ thể, bồi dưỡng các chuyên đề trong nước và ngoài nước cho đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng nhằm tiếp cận với tri thức và thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới. Kết hợp chặt chẽ công tác bồi dưỡng giảng viên với công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất theo hướng đưa kết quả nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất thành một tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá giảng viên.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học, gắn với quy hoạch đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.

Nhà giáo và CBQLGD cũng được tạo điều kiện để được tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác quốc tế. Có chế độ mời giảng viên nước ngoài tới làm việc, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học. Tiếp tục tăng đầu tư và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các đề án đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; trong đó đặc biệt ưu tiên cho đội ngũ nhà giáo các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201202/Quan-tam-dao-tao-su-dung-SV-su-pham-1958226/

Ngôi trường mơ ước: Cha mẹ được chọn giáo viên

Posted: 04 Feb 2012 10:59 PM PST

Quyết định quan trọng nhất trong việc học hành của con cái bạn là chọn trường, đúng không? Đó là sự sáng suốt thông thường, nhưng lại rất sai lầm – hay nhiều nhất nó chỉ đúng một nửa.

Sự hiệu quả của các giáo viên khác nhau rất nhiều trong các trường học, thậm chí trong cả những ngôi trường tốt.

Điều đó có nghĩa là chỉ chọn trường tốt cho con bạn thôi là chưa đủ để chọn được giáo viên tốt. Vì thế, trong khi việc "chọn trường" đang được tranh luận một cách sôi nổi thì lại có rất ít cuộc họp được tổ chức để trao cho các bậc phụ huynh quyền được chọn một giáo viên cụ thể.

Đó là vì toàn bộ hệ thống này đang bị sắp đặt để chống lại việc trao quyền cho các gia đình theo cách này. Thực tế là, vì cách thức hoạt động của những quy tắc lâu đời mà việc giáo viên chọn học sinh thường phổ biến hơn nhiều so với việc học sinh chọn giáo viên.

Vấn đề giáo viên mang tính cá nhân nhiều đến mức nào có liên quan nhiều tới một phân tích được tiến hành ở 2,5 triệu học sinh và giảng viên. Phân tích này được công bố vào tháng 12 và là tiêu điểm thời gian gần đây trên tờ New York Times.

Nghiên cứu dài hạn và có quy mô lớn này của các nhà kinh tế tại ĐH Columbia và Harvard đã sử dụng 2 thập kỉ dữ liệu để xem xét sự khác biệt trong kết quả học tập của học sinh và liên kết những khác biệt này với mức độ hiệu quả mà các giáo viên của chúng đã mang lại đối với việc cải thiện điểm số trong các bài kiểm tra thành tích.

Phát hiện giật mình này là: việc thay thế một giáo viên không hiệu quả bằng một trong những giáo viên trung bình sẽ làm tăng thu nhập cả đời của một lớp học lên ¼ triệu đô-la Mỹ.

Đó là nhờ việc giao một nhóm trẻ cho một giáo viên trung bình trong thời gian 1 năm thay vì một giáo viên tồi.

Nghiên cứu thứ 2 được công bố ngày 12/1 bởi Education Trust-West – một nhóm các nhà vận động giáo dục ở California. Nghiên cứu này đã xem xét 3 năm dữ liệu về giáo viên của hệ thống trường công Los Angeles và ghi nhận rằng các sinh viên dân tộc thiểu số và thu nhập thấp có khả năng được học những giáo viên nằm trong 25% giáo viên hiệu quả cuối cùng cao gấp 2 lần.

Nghiên cứu của Ed Trust không nhận được nhiều sự chú ý như nghiên cứu của các nhà kinh tế tới từ Ivy League, nhưng chúng cùng đi đến một kết luận rõ ràng rằng: giáo viên hiệu quả hơn sẽ thúc đẩy việc học tập của học sinh.

Dữ liệu này có đủ sức thuyết phục rằng, ngày nay chỉ có những người vẫn tin Trái đất bằng phẳng của ngành giáo dục mới tiếp tục cho rằng giáo viên không quan trọng và rằng những nỗ lực để duy trì và khen thưởng những giáo viên xuất sắc nhất, loại bỏ những giáo viên tệ nhất là không cần thiết đối với việc cải thiện việc học tập.

Tuy nhiên, đối với các bậc cha mẹ, có một vấn đề tức thời hơn: nghiên cứu cho thấy sự khác biệt trong sự hiệu quả của giáo viên thường lớn trong các trường hơn là giữa các trường.

Ví như, khi các nhà phân tích của Trung tâm Phân tích Dữ liệu Nghiên cứu giáo dục quốc gia theo chiều dọc (CALDER) so sánh chất lượng giáo viên ở các trường chất lượng rất thấp và trường chất lượng khá thấp thì thấy rằng có khá ít khác biệt nhưng lại có sự khác biệt đáng kể giữa các giáo viên giảng dạy trong cùng một trường – đặc biệt là ở những trường chất lượng rất thấp – những nơi mà một số giáo viên năng lực kém thực sự đã kéo thêm cả những giáo viên trung bình. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những giáo viên tốt nhất ở các trường chất lượng thấp cũng tốt như những giáo viên tốt nhất ở những nơi khác.

Dù vậy, hãy để tôi nói rõ rằng có rất nhiều lý do để gửi con bạn tới một ngôi trường chất lượng cao.

Bạn và con bạn có nhiều khả năng được tôn trọng, những ngôi trường này có nhiều khả năng đáp ứng các vấn đề có thể nảy sinh.

Vì thế, đây không phải là cuộc tranh luận để cố gắng tìm ra những giáo viên tốt trong một ngôi trường hoàn toàn tồi tệ.

Thay vào đó, hãy nghĩ về nó theo cách này: Khi mua một chiếc ô tô, bạn có thể quyết định rằng những chiếc xe của nước ngoài lợi thế hơn xe Mỹ, nhưng bạn sẽ không dừng ở đó mà không quan tâm tới việc bạn có mua một chiếc Audi hay Yugo không.

Là phụ huynh, bạn phải xem xét kĩ càng hơn, nhưng đừng kì vọng quá nhiều vào sự giúp đỡ của nhà trường trong vấn đề này. Có ít chính sách chính thức và ở hầu hết mọi nơi, cha mẹ có ít thông tin để tiếp tục. Một số nỗ lực sai lầm như công bố điểm số bổ sung giá trị của các giáo viên trên báo chí – nó không có tác dụng gì nhiều ngoài việc khiến mọi người sợ hãi và hiểu nhầm. Những người ủng hộ khác sẽ đề xuất nhiều chính sách hợp lý hơn – bao gồm cả việc không để sinh viên bị giao cho những giáo viên nhận được những đánh giá không đạt yêu cầu trong nhiều năm – nhưng hiệp hội giáo viên đang kịch liệt phản đối loại 'nhãn mác' ấy.

Tuy nhiên, có một vài điều mà các bậc cha mẹ có thể làm ngay bây giờ. Đầu tiên, hãy hỏi mọi người xung quanh. Các bậc phụ huynh khác thường nhanh chóng chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của họ. Chú ý sát sao tới việc mà các gia đình có anh chị em lớn tuổi hơn làm với những đứa con nhỏ hơn của họ. Bạn cũng có thể ghé qua hoặc giám sát một, hai bài giảng. Bạn không cần là một chuyên gia để có thể hiểu được lớp học đó có phải là nơi mà bạn muốn con mình dành nhiều thời gian ở đó hay không. Nếu bạn không vừa lòng với giáo viên đó thì hãy đề nghị được quan sát một giáo viên khác.

Đừng ngần ngại nói với các lãnh đạo nhà trường nếu bạn thực sự quan tâm và thích giáo viên đó. Không có gì đảm bảo rằng họ sẽ điều tiết cho bạn nhưng cùng lúc đó, họ thậm chí sẽ không nghĩ đến việc giao con bạn cho một giáo viên khác. Và những chiếc bánh xe cọt kẹt cần được bôi trơn.

Tóm lại: Trong khi những người ủng hộ chính sách công, các nhà lãnh đạo hiệp hội và các học giả tiếp tục tranh cãi thì phát hiện nổi bật nhất từ nghiên cứu này về chất lượng giáo viên có thể chỉ đơn giản là các bậc cha mẹ không thể coi việc giáo dục con cái họ như khán giả của một môn thể thao. Bạn phải tham gia vào trò chơi.

Tiết lộ: Tôi ở trong ban cố vấn cho CALDER nhưng không tham gia vào nghiên cứu nói trên.

  • Andrew J. Rotherham (đồng sáng lập và là đối tác tại
    tổ chức phi lợi nhuận Bellwether Educatio)
  •  Bài viết thể hiệnquan điểm của
    riêng tác giả
  • Nguyễn Thảo (chuyển dịch từ Time)

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/58488/ngoi-truong-mo-uoc--cha-me-duoc-chon-giao-vien.html

Giải thưởng Fields và cánh đồng Tiên Lãng

Posted: 04 Feb 2012 10:59 PM PST

Cọ xát ngôn ngữ

Bài phỏng vấn còn nêu những giả định như “lãnh đạo căn cứ vào các ý kiến
nào để ra quyết định sau khi lắng nghe các ý kiến” và GS Ngô Bảo Châu
thì nhìn  nhận “phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính
lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng
những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình”.

Tuy nhiên, các ý kiến trao đổi trên nhiều trang mạng lại xoay quanh quan niệm về trí thức mà GS Châu đã phát ngôn, dù trước đó vài ngày vừa xuất hiện một góc nhìn khác không kém phần sắc sảo của nhà văn Phạm Thị Hoài khi gọi Chu Hảo là “đối lập trung thành”.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ nhân trang blog “Quê choa” với lượng bạn
đọc đông đảo, đăng tải bài viết của tác giả Trần Minh Khôi “phản pháo” lại những lời nói của GS Châu.

GS Nguyễn Huệ Chi, người được biết tới là có nhiều phản biện các chính
sách nhà nước cũng không hài lòng với quan điểm GS Châu đưa ra.

Những định nghĩa về từ “trí thức” từ trang từ điển mở trên mạng wikipedia, hay cắt nghĩa theo gốc Anh, gốc Nga, gốc Trung, lý giải theo trường từ vựng, đặt trong bối cảnh du nhập vào Việt Nam kèm theo quen sử
dụng từ ngữ, truyền thống, văn hóa… được dịp tái hiện.

Những từ ngữ “trí thức phản biện”, “trí thức trùm chăn”, “trí ngủ”, “ngụy trí thức”, “trí thức xu thời”, rồi “trí thức sẻ chia” lại được gọi tên.

Câu chuyện sử dụng “kẻ sĩ, trí thức” ở nhiều triều đại Trung Quốc rồi
Liên Xô được nhà vật lý Nguyễn Đình Đăng (hiện đang sống và làm việc ở
Nhật Bản) lược lại. Ông còn dẫn một tổng hợp và đề xuất 10 dấu hiệu của
giới trí thức hiện đại của tiến sĩ lịch sử người Nga Vitaly Tepikin
trong tác phẩm "Trí thức và vai trò của nó trong quá trình văn hoá".

Mùng 3 Tết, nhà văn Phạm Toàn – một tiếng nói phản biện sắc sảo với nhiều vấn đề trong nước,  góp một bài viết mà ở đó, ngôn từ toát lên sự khoan dung với GS Ngô Bảo Châu – cũng ở độ tuổi của người con trai ông (một dịch gia am tường thế sự) mà vẫn không khoan nhượng với những thông điệp ẩn ngôn “giữa các làn chữ”.

Một tạp chí ở Pháp nhận diện ý tưởng của GS Ngô Bảo Châu theo giả thiết “biên tập lại”.
Những câu hỏi trong bài trả lời phỏng vấn có tiêu đề hiền hòa “Bạn trẻ
vẫn đầy niềm tin ở tương lai
” của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, sau đó được trang
này rút tít với tiêu đề “Không ai độc quyền chân lý”.

Không chỉ vậy, trong thời gian ngắn, những “ngôn ngữ hình ảnh” lấy cảm
hứng từ cuộc “phím chiến” này cũng kịp ra đời. Hình ảnh chú cừu thông
thái (ý tưởng từ một phát ngôn nổi tiếng của GS Châu có từ “cừu”) hoặc lấy ý tưởng
phát ngôn của một nhân vật lịch sử về trí thức đã kịp được các bạn trẻ
phóng họa với nét vẽ hài hước.

Câu
chuyện không dừng lại ở định nghĩa trí thức mà lan rộng tới cả công
việc của GS Châu (ở Viện Toán cao cấp), mối quan hệ của ông với giới
lãnh đạo. Điều này được cắt nghĩa bởi trong suy nghĩ của nhiều người Việt bây giờ, mỗi phát ngôn của GS
Châu đều được đặc biệt chú ý (sau sự kiện giải thưởng Fields và cơn hưng phấn quá đà của truyền thông hiện không còn nóng nữa,
GS Ngô Bảo Châu ghi dấu ấn trong cộng đồng mạng với 2 phát
ngôn “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải người tự do” và “Không
thể lấy sự sợ hãi làm phương tiện bảo vệ chế độ”
).

Giải Field và giải thưởng cánh đồng

Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sắp hết, một cây viết gắn bó với nông dân miền Tây nghi ngại
liệu những tranh luận sôi nổi về chủ đề trí thức có khiến những người
quan tâm tới thế sự vô tình xao lãng câu chuyện đang nóng lên trong
những ngày trước Tết về vụ việc người nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng)
hay không.

Sau gần một tháng từ ngày bị cưỡng chế, khu đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý ngổn ngang, hoang tàn. Ảnh: Kiên Trung/VietNamNet

Một người dùng Facebook trẻ – góp ý tưởng ra đời chuyên mục của
một tờ báo mạng về những phát ngôn và hành động (nay đã thay bởi
chuyên mục khác) -, sau khi trích dẫn vài câu viết của nhà vật lý Nguyễn Đình Đang, đã chia sẻ suy nghĩ ngắn gọn: “Đã sắp hết kỳ nghỉ Tết dài, năm 2012 đang đến với nhiều khó khăn, khủng hoảng và cần nhiều việc bắt tay vào hành động”.

Một tuần sau cuộc thảo luận, GS Ngô Bảo Châu gửi thư cho chủ nhân trang
blog Quê Choa với cách diễn đạt dân dã: ” “Bọ tạm ngưng cơn bão trong
cốc thủy tinh nhé”.

Cơn bão “luận trí thức” rồi cũng qua trong ngày đầu tiên cả nước đi làm sau đợt nghỉ dài
hiếm có của Tết con Rồng này.

Trong những ngày đi làm trở lại, nhiều người dân Thủ đô lại đương đầu và rối quanh với một chính sách ngay tắp lự đi vào cuộc sống: đổi giờ học, giờ làm. Nhưng nơi đầu sóng Hải Phòng đã không bị lãng quên. Câu chuyện sôi nổi trở lại trên nhiều trang
mạng, qua nhiều đường link chia sẻ là thông tin về những diễn biến còn
dang dở từ vụ đất đai Tiên Lãng.

Những năm gần đây, GS Ngô Bảo Châu có điều kiện về nước xuân thu nhị kỳ.

Mùa xuân năm 2011, ông về khi nước nhà vừa xong một sự kiện lớn. Tại Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 diễn ra trong tháng 1, một trong những
thảo luận có nhiều ý kiến khác biệt nhất là nên sửa nghị quyết đề cập tới “đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa”: Quyền sở hữu về tư liệu sản xuất
(mà với người nông dân quan trọng là đất đai) là ‘tư hữu’ hay ‘công hữu chủ yếu’? (Và ĐH đã thông qua phương án xác định đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp")..

Mùa xuân năm nay, ông trở về vài ngày vào tháng 1 – thời điểm mà thông
tin đang được lưu tâm trên mặt báo chính thống cũng như các diễn đàn là
sự kiện người nông dân Đoàn Văn Vươn nổ súng vào chính quyền khi bị
cưỡng chế đất.

Ở một xứ sở mà ước mong đổi đời và con đường thoát nghèo của nông dân
chủ yếu là thông qua con đường đi học, người dân có tâm lý kỳ vọng những
người có chữ, được ăn học đến nơi đến chốn nói hộ mình tâm tư hoặc thuyết phục được người trên mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mình.

Trong bài “Hàn lâm liệt truyện’ vẫn với lối viết nhuần nhị  (cũng được gợi cảm hứng từ cuộc thảo luận trên), Hiệu Minh (một người làm khoa học ở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam xưa, nay đang ở Mỹ làm việc cho Ngân hàng Thế giới) đã kể lại những câu chuyện “rất đời” về mối quan hệ giữa người làm khoa học và người nông dân. Bài viết nhắc nhớ tới trách nhiệm chưa tròn của
những người làm khoa học và quản lý của Việt Nam.

Những ngày đầu xuân lạnh giá này, người nông dân không biết hoặc ít
biết tới “cơn bão trong chén nước trà” đã lướt qua trên mạng ra sao.

Nhưng trên những cánh đồng dù bé mọn hay bất tận, người nông đang đi những đường cày đầu tiên, dù nơi đó có mở lễ tịch điền hoặc không. Có nơi, không trâu, không tiền thuê máy, một số hộ nông dân phải dùng sức người kéo bừa.

Người nông dân Việt, lực lượng lao động chiếm áp đảo dân số vẫn hy vọng
những người làm khoa học và những người có chữ nghĩa sẽ có nhiều hơn lời nói, hành động, sản phẩm và cả “gây sức ép lên người lãnh đạo” (chữ dùng của Ngô Bảo Châu) để giúp họ đổi cái đời nghèo khổ.

Hai bố con ở Hưng Yên đi bừa trên đồng. Ảnh: Trường Phong/Tiền Phong

Giải thưởng Fields của thế giới 4 năm mới được trao một lần, được thẩm định nghiêm ngặt bởi những đầu óc học thuật hàng đầu, dù giá trị hiện kim khiếm tốn, nhưng vẫn có tác dụng rất lớn với việc khuyến khích những người làm khoa học về toán cống hiến các công trình có giá trị cho tương lai, như ý nghĩa khởi nguyên của nó.

Giải thưởng Field của Việt Nam (nếu có) xin đặt tên “giải thưởng những cánh đồng” (những cánh đồng cũng là một trong những nghĩa tiếng Việt của từ “fields”). “Giải thưởng  cánh đồng”, do người nông
dân tôn vinh, có lẽ cũng có giá trị ghi nhận lớn lao cho những con người có đóng góp đặc biệt để làm cho cuộc sống của người nông dân
lương thiện luôn được đón những mùa xuân.

  • Hạ Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/58587/giai-thuong-fields-va-canh-dong-tien-lang.html

Comments