Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tìm hiểu phương pháp giáo dục Montessori và áp dụng tại Việt Nam

Posted: 02 Feb 2012 06:06 AM PST

(GDTĐ) – Những năm gần đây, ở Việt Nam nở rộ các trường mầm non mang tên nhà giáo dục nổi tiếng Montessori hoặc áp dụng phương pháp Montessori(*). Nhiều bậc phụ huynh vui mừng gửi con vào các trường này, trong khi nhiều người khác lại băn khoăn không hiểu phương pháp trên là gì, và liệu người ta có "treo đầu dê bán thịt chó" hay không.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực trạng trên không chỉ xảy ra ở  Việt Nam. Ngay cả ở  Mỹ, một số chương trình giáo dục trẻ  em cũng tự gọi họ  là "Montessori" bởi  do một lý do nào đó, người ta quên không nói rõ rằng họ chỉ đang áp dụng những ý tưởng và giáo cụ mà Montessori sáng tạo ra hay đã đạt những tiêu chuẩn thực sự của một chương trình giáo dục Montessori.

Trong khuôn khổ  bài viết này, chúng tôi xin cung cấp một số  thông tin cơ bản nhất về  triết lý, ưu điểm và  hạn chế của phương pháp này nhằm vẽ  nên bức tranh tổng quan về  một phương pháp nổi tiếng thế  giới và đang lan rộng ở  Việt Nam.

Montessori là  ai?

Tiến sĩ Maria Montessori (1879 – 1952) là một nhà giáo dục người Ý đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho những cống hiến của mình trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Là một người tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục trẻ em ở Châu Âu, những lý thuyết của bà là tiền đề cho các công trình nghiên cứu sau này của các tên tuổi lớn như Piaget và Vygotsky. Năm 1907, khi Maria Montessori 28 tuổi, bà mở trường mầm non đầu tiên của mình ở Rome và đạt được thành công rực rỡ tới mức, chỉ 5 năm sau, ở nước Mỹ phía bên kia đại dương, đã có hàng trăm trường áp dụng phương pháp này của bà.

Ngày nay, phương pháp của người phụ nữ tốt nghiệp ngành Y này vẫn tiếp tục được áp dụng khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều ý tưởng của bà là cơ sở cho cách chúng ta nghĩ về giáo dục trẻ em ngày nay.

Vậy tại sao nó lại có sức hút mạnh mẽ đến thế?

Triết lý  và phương pháp

Trong khi phần  đông các nhà giáo dục lớn đều thiên về  lý thuyết, Maria Montessori là người dành cả  cuộc đời cho công việc giảng dạy trẻ em. Không dựa trên các nghiên cứu bài bản, các ý tưởng của bà xuất phát trong quá trình làm việc với trẻ em, và được thực tế kiểm chứng mức độ đúng đắn. Hãy xem cách làm của bà.

1.Xây dựng môi trường 

Trẻ học ngôn ngữ và các kỹ năng quan trọng cơ bản của cuộc sống thông qua tiếp nhận một cách vô thức từ môi trường xung quanh, do đó tạo ra một môi trường học tập tốt cho trẻ là ưu tiên số một của phương pháp này. "Môi trường" ở đây, theo Montessori, không chỉ bao gồm vùng không gian mà trẻ sử dụng, nội thất phòng học, đồ chơi; mà còn là những giáo viên, nhân viên nhà trường và các trẻ khác mà trẻ được tiếp xúc hàng ngày. Do đó, bà chuẩn bị tất cả mọi thứ có thể để mang lại môi trường tốt nhất cho trẻ.

Lớp học Montessori trông thực sự giống ngôi nhà của bảy chú  lùn trong truyện cổ tích. Ở đó có những chiếc bàn, ghế, đĩa bát v.v bé xinh vừa với trẻ em. Tất cả nhằm xây dựng một môi trường thoải mái nhất cho trẻ nhằm giúp trẻ tiếp thu kiến thức tốt nhất. Không chỉ có nội thất kích thước trẻ em, trong lớp học Montessori, chúng ta bắt gặp những đồ gia dụng thực sự với kích thước này. Thay vì những con dao nhựa, trẻ được học cách sử dụng những con dao lưỡi sắc mà không gây thương tích cho mình và những người xung quanh. Montessori quan niệm những con dao, cái kéo, lò nướng … thu nhỏ này giúp trẻ học được những kỹ năng thực sự cần thiết và cả ý thức về an toàn.

Tất cả các vật dụng trong lớp đều có một vị trí cố định ở dưới thấp, vừa tầm tay với của trẻ. Bất cứ khi trẻ cần cái gì, trẻ đều biết chính xác vật đó đang ở đâu và sau khi sử dụng xong rồi thì bé phải cất lại chỗ nào. Sự sắp xếp này tạo điều kiện cho trẻ thực hiện một hoạt động được liên tục cho tới khi ý tưởng của bé hoàn thành. Thử tưởng tượng trẻ muốn làm một cô nàng búp bê giấy, mà không thể tìm được kéo ở đâu, hồ dán chỗ nào, và liên tục phải chạy ra nhờ cô giáo lấy hộ khi thì cuộn chỉ, khi thì hộp sáp màu tận tít trên cao. Đến lúc tìm được hết những thứ cần thiết, có khi ý tưởng về một cô búp bê biết chơi bóng đá đã bay vèo qua cửa sổ mất rồi.

Với Montessori, việc giáo viên biết cách tạo dựng môi trường lớp học luôn đẹp và ngăn nắp cũng quan trọng như biết cách chăm sóc trẻ khỏe mạnh vậy. Bà đòi hỏi giáo viên hình dung chi tiết khi trẻ đến lớp, hình ảnh và âm thanh đầu tiên các bé ghi nhận là gì, không khí lớp học có thoáng đãng không, có hoa tươi hay không v.v. Đây chính là những hành động cụ thể của giáo viên để giáo dục cảm giác cho trẻ.

Ngoài ra, để tăng cường sự gắn bó của trẻ với "cộng đồng nhỏ" của mình, một lớp học sẽ bao gồm nhiều nhóm trẻ khác độ tuổi. Điều này khiến trẻ có thể học hỏi từ bạn bè, từ  các trẻ lớn hơn. Cách bố trí lớp học như  vậy cũng khiến trẻ được tiếp xúc lâu dài với một vài giáo viên trong suốt những năm học trong trường. Giáo viên, do đó có thời gian tìm hiểu rõ điểm mạnh yếu và cách học của từng trẻ đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh.

2.Tự lập và tập trung

Montessori cho rằng trẻ em cần và muốn được tự mình lo lấy các việc cá nhân. Người lớn chúng ta đang "phục vụ" trẻ em quá nhiều, trong khi nên nhớ rằng nếu trẻ không được làm cái gì, chúng sẽ không biết làm cái ấy. Tại sao trẻ không được tập dọn đồ ăn cho bản thân mình chỉ vì nỗi sợ của người lớn là chúng sẽ đánh đổ bát đĩa? Với niềm tin trên, Montessori khuyến khích giáo viên tạo cơ hội cho trẻ được làm mọi thứ trong khả năng, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các cô bé cậu bé giữ gìn lớp học luôn sạch sẽ và gọn gàng như vốn có.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để phát triển năng lực tư duy, rèn luyên kỹ năng làm việc và quản lý công việc của trẻ, Montessori dành cho trẻ những khoảng thời gian mở để thực hiện các "dự án" của mình. Dựa trên quan sát, bà đưa ra kết luận rằng, trẻ em thể hiện sự tập trung cao độ khi được tự do khám phá vô số những điều thú vị xung quanh. Do đó các giáo viên Montessori cho phép trẻ tự chọn công việc mà chúng sẽ làm, tự quyết định cách làm và thời gian hoàn tất. Như vậy, học sinh thì được tự do tìm hiểu và trải nghiệm trong khi giáo viên có thời gian để quan sát và giúp đỡ trẻ khi cần. Giáo viên không yêu cầu trẻ bỏ dở công việc của chúng, trừ khi thực sự cần thiết.

3.Quan sát học sinh

Tiến sĩ Montessori cho rằng không có ai là không có khả năng học tập. Nếu trẻ không học được, có nghĩa là người lớn chưa lắng nghe trẻ đủ cẩn thận, hoặc là chưa quan sát trẻ đủ kỹ càng. Với cách thiết kế lớp học trong đó học sinh tự  làm các công việc phục vụ bản thân và tự  làm chủ quá trình học tập như trên đã trình bày, các giáo viên hoàn toàn có đủ thời gian để tìm hiểu nhu cầu và phương pháp học thích hợp cho trẻ.

4.Bộ trò chơi phát triển năng lực

Montessori phát triển bộ giáo cụ để phát triển năm lĩnh vực: giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Bộ giáo cụ này bao gồm 134 trò chơi khác nhau dành cho trẻ. Các trò chơi này được thiết kế để trẻ tự chơi và tự kiểm chứng kết quả công việc của mình (ví dụ bộ xếp hình bản đồ thế giới, nếu các mảnh ghép sẽ chưa khớp lại được với nhau, trẻ tự biết là mình chưa xếp đúng). Giáo viên được đào tạo để hiểu rõ ý nghĩa của mỗi trò chơi, quy trình và cách giải thích cho trẻ. Trong giờ học, trẻ tự lựa chọn trò chơi cho mình – mỗi trò nhằm phát triển một hay một vài trong số năm lĩnh vực trên. Nếu trẻ gặp khó khăn, giáo viên sẽ đưa ra chỉ dẫn hợp lý cho trẻ.

Đây là video giới thiệu các hoạt động trong giờ học của trẻ: http://www.youtube.com/watch?v=OM1Gu9KXVkk

Ưu điểm và hạn chế

Học sinh học trong một ngôi trường Montessori luôn thích đến lớp, có  tính kỷ luật cao, độc lập, biết cách tự suy nghĩ giải quyết vấn đề. Phương pháp này cũng ghi nhận thành công ở mọi đối tượng trẻ  em, bao gồm cả những trẻ gặp vấn đề về  trí tuệ, thể chất hoặc cả hai. Ở các nước Âu, Mỹ, các trường Montessori cũng dành cho mọi tầng lớp xã hội, từ thu nhập cao tới thấp, từ các cộng đồng trí thức tới người dân lao động. Tuy rằng cùng chung một triết lý, cùng dùng chung bộ giáo cụ, và nhiều quy chuẩn khác, chúng ta không bao giờ tìm thấy hai trường Montessori giống hệt nhau. Các chương trình Montessori "thích nghi" cao độ với mỗi đối tượng trẻ em khác nhau, thậm chí là với cả các bậc phụ huynh khác nhau và các giáo viên khác nhau; cho đến cả các vùng địa lý khác biệt cũng tạo nên những sự khác biệt cơ bản cho chương trình Montessori ở đó.

Là một trong những mô hình tốt nhất và nổi tiếng nhất thế  giới, tuy nhiên theo đánh giá của một số nhà giáo dục, phương pháp của Montessori cũng có những điểm chưa hoàn hảo. Bà coi trọng sự phát triển trí tuệ hơn là mặt cảm xúc và xã hội của một đứa trẻ. "Người giáo viên Montessori giới thiệu trò chơi, sau đó lùi ra phía sau, cho phép trẻ tự làm công việc của mình. Trong quan điểm của bà, đồ vật – chứ không phải con người – là những giáo viên tốt nhất" (Kramer, 1976, trang 21). Thêm vào đó, bà không cổ vũ cho những câu chuyện cổ tích – ngày nay đã được chứng minh là rất tốt cho sự phát triển về tình cảm và nhận thức của trẻ em. Theo bà, "các câu chuyện tưởng tượng chỉ khuyến khích trẻ xa rời thực tế. Hơn nữa, khi trẻ em nghe truyện cổ tích, chúng thụ động tiếp nhận quan điểm, cảm giác của người lớn. Trẻ không tự mình suy nghĩ" (Montessori, 1917, trang 259)

Montessori trong bối cảnh Việt Nam

Với nhiều ưu điểm như vậy, nhưng việc đưa một chương trình Montessori "thực sự" vào Việt Nam không hề dễ dàng. Rào cản lớn nhất là chi phí và nhân lực.

Với yêu cầu môi trường học tập đẹp, tạo sự thoải mái cho học sinh, mọi đồ nội thất được thiết kế  riêng theo kích thước trẻ em, và theo chuẩn của Montessori, chi phí sẽ không hề rẻ. Giáo cụ dành cho phương pháp này, hiện nay theo hiểu biết của những người viết, là không sẵn có ở Việt Nam. Trong khi một bộ giáo cụ như vậy ở Mỹ bán với giá trên 2500 đô la (khoảng trên 50 triệu đồng Việt Nam), và chỉ dùng được cho một lớp học duy nhất – không thể chia ra cho nhiều lớp hoặc dùng chung.

Yêu cầu về  giáo viên của chương trình Montessori cũng rất ngặt nghèo(**). Ở Mỹ, ngoài việc phải có bằng đại học (bắt buộc), những người muốn thành giáo viên để làm việc trong các trường Montessori phải tham dự khóa đào tạo một năm bao gồm 10 tuần học lý thuyết, và một năm thực hành dưới sự hướng dẫn của các giáo viên đã có chứng chỉ. Chi phí cho các khóa học vào khoảng từ 4.000 tới 10.000 đô la Mỹ, phụ thuộc vào từng trung tâm đào tạo và chất lượng đào tạo. Hai tổ chức lớn nhất và được công nhận trên phạm vi toàn thế giới là Cộng đồng Montessori Mỹ (AMS) và Liên hiệp Montessori Quốc tế (AMI).

Với mức đầu tư và những yêu cầu nghiêm ngặt về cơ  sở vật chất và chất lượng giáo viên như trên, thông thường học phí của các trường Montessori ở Mỹ rơi vào mức cao ngay cả đối với người Mỹ (***).

Kết luận

Qua hàng trăm năm phát triển, các trường Montessori đã xây dựng được niềm tin và sự yên tâm ở các bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Hiển nhiên, nếu có điều kiện để gửi con vào một trường như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên cảnh giác với vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vốn vẫn xảy ra không chừa cả lĩnh vực giáo dục. Để nhận diện một trường Montessori thực sự, phụ huynh cần kiểm tra không chỉ cơ sở vật chất (phòng học thoáng đẹp, nội thất kích thước dành cho trẻ em, bộ giáo cụ chuẩn) mà còn phải yêu cầu nhà trường cung cấp chứng chỉ giáo viên Montessori của đội ngũ giáo viên và thông tin về nơi cấp các chứng chỉ đó.

Một điểm nữa cần lưu ý, đó là, phương pháp giáo dục theo tiêu chuẩn Montessori không phải là phương pháp duy nhất tốt. Vẫn còn đó những mô hình khác tốt, và hợp lý với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Hy vọng các vị phụ huynh đủ tỉnh táo để nhận biết cái gì là tốt nhất với con mình.

Ngô Bích Hằng

——————————————-

(*):Tuy rằng chúng ta có thể bắt gặp những trường Montessori cho trẻ từ 1 đến 18 tuổi, phương pháp này được biết đến nhiều nhất là dành cho lứa tuổi mầm non. Trong phạm vi bài viết này, "trường Montessori"  được hiểu là trường mầm non.

(**):Chúng tôi  đưa ví dụ ở Mỹ. Các vùng khác có thể  khác.

(***):Tuy rằng thông thường, các trường Montessori thu học phí cao, ta vẫn có thể bắt gặp các trường Montessori với các mức học phí thấp bởi một số lý do:

1.Đầu tư ban đầu đắt đỏ, nhưng học cụ thường làm bằng gỗ, rất bền. Các trường ít phải tái đầu tư hàng năm cho đồ chơi, học cụ.

2.Tỉ lệ giáo viên trên trẻ cao nên chi phí trả lương thấp

3.Tuy yêu cầu chất lượng giáo viên nghiêm ngặt, lương của một giáo viên Montessori không cao hơn so với mặt bằng lương của một giáo viên bình thường.

Tài liệu tham khảo:

Bài báo: Some basic information that every Montessori parents should know (Tim Seldin, Chủ tịch "The Montessori Foundation")

Sách: Basic Montessori (David Gettman, 1987)

Sách: Theories of Development (William C.Crain, 1997)

Sách: Theories of Childhood (Carol Garhart Mooney, 2000)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3064/201201/Tim-hieu-phuong-phap-giao-duc-Montessori-va-ap-dung-tai-Viet-Nam-1958168/

Nhiều trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh 2012

Posted: 02 Feb 2012 06:04 AM PST

(GDTĐ)-Trước khi phương án kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 được quyết định trong thời gian tới, nhiều trường ĐH lớn đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh cũng như cho biết sẽ mở thêm ngành mới trong đợt tuyển sinh năm nay.

Theo TS.Nguyễn Thành Nam (ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM), kỳ tuyển sinh 2012, ĐHQG HCM sẽ tuyển sinh với tổng 13.420 chỉ tiêu, trong đó có 12.570 chỉ tiêu ĐH và 850 chỉ tiêu CĐ. Trường vẫn chung thủy với phương án "3 chung".

ĐKDT vào trường, nếu thí sinh không trúng tuyển vào ngành ĐKDT (NV1), nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển vào ngành cùng khối thi còn chỉ tiêu và có điểm trúng tuyển thấp hơn tại các đơn vị đào tạo trong ĐHQG-HCM (NV1B).

TS.Nguyễn Thành Nam cũng cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới của ĐH Bách khoa HCM năm 2012 là 3950 chi tiêu, trong đó 3800 chỉ tiêu các ngành đào tạo ĐH và 150 các ngành đào tạo CĐ. Trường mở thêm 2 chuyên ngành mới tuyển sinh khối A gồm: hóa dược thuộc ngành kỹ thuật hóa học và kỹ thuật thiết kế thuộc ngành kỹ thuật cơ khí.

Trường tuyển sinh ngành Kiến trúc thi khối V gồm Toán, Vật Lí thi theo đề khối A cộng với môn năng khiếu "Vẽ đầu tượng" thi riêng (Toán – hệ số 2, Lí và Năng khiếu – hệ số 1). Điều kiện tiên quyết môn năng khiếu có điểm thi từ 5 trở lên. Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng đăng ký vào ngành Kiến trúc phải thi các môn năng khiếu và điểm thi phải từ 5 trở lên mới được xét trúng tuyển.

Trường cũng tuyển 170 SV Chương trình hợp tác Việt – Pháp đào tạo kĩ sư chất lượng cao (PFIEV). Đối tượng là tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH Bách khoa HCM có điểm thi tuyển sinh từ 42,0 trở lên – tính hệ số (Toán x3 + Vật lý x2 + Hóa x1). Sinh viên học chương trình này có chế độ hỗ trợ học bổng, khi tốt nghiệp được nhận bằng của ĐHBK và bằng của trường đối tác Pháp (tương đương Master châu Âu)

Bốn trường thành viên khác của ĐHQGHCM là ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc tế  và ĐH Khoa học tự nhiên sẽ mở thêm ngành mới. Cụ thể, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn mở ngành Ngữ văn Ý (khối D1) với 50 chỉ tiêu; ĐH Khoa học tự nhiên tuyển ngành kỹ thuật hạt nhân (khối A); ĐH Kinh tế – Luật tuyển ngành kinh doanh quốc tế (khối A và D1); Trường ĐH Quốc tế mở thêm ngành dược (tuyển sinh khối A, A1 và B với 50 chỉ tiêu) và ngành kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro (tuyển sinh khối A và A1) với 30 chỉ tiêu.

Trường ĐH Tài chính Marketing cũng cho biết vừa được Bộ GDĐT cho phép mở thêm 3 ngành học mới tuyển sinh khối A và D1. Đó là ngành Kinh doanh quốc tế; bất động sản và quản trị khách sạn.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2012 mở thêm 2 chuyên ngành mới là quản trị dự án xây dựng (khối A) và kỹ thuật kết cấu công trình (Khối A). Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mở thêm chuyên ngành truyền thông và văn hóa thuộc ngành văn hóa học, tuyển sinh khối C và D1 với 50 chỉ tiêu. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM mở thêm chuyên ngành địa chính – quản lý đô thị trong ngành quản lý đất đai, tuyển sinh khối A và D1 với 50 chỉ tiêu.

Năm 2012, ĐHQG Hà Nội vẫn giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước là 5.500 đồng thời mở thêm hai ngành bác sĩ đa khoa và dược học. Hai chương trình này sẽ được áp dụng một số quy trình của các mô hình đào tạo chất lượng cao và đào tạo đạt chuẩn quốc tế.

Giống như ĐHQG Hà Nội, một số ĐH khác cũng cho biết sẽ giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Bưu chính – Viễn thông…

 

 

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201201/Nhieu-truong-cong-bo-chi-tieu-tuyen-sinh-2012-1958171/

Tuyển sinh 2012: Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển

Posted: 02 Feb 2012 06:04 AM PST

Thí sinh được nhiều lần xét tuyển

Cùng với nộp đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012, các trường đồng thời phải gửi báo cáo về các điều kiện xác định chỉ tiêu như quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất. Với các ĐH, trường ĐH, học viện, lấy số giảng viên có trình độ thạc sĩ làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng chính quy trong năm. Đối với các trường CĐ và trường TCCN, lấy số giảng viên có trình độ ĐH làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ CĐ và TCCN hệ chính quy trong năm.

Hai tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh là số học sinh, sinh viên chính quy/1 giáo viên, giảng viên quy đổi và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo/1 sinh viên.

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, tuyển sinh 2012 có nhiều thay đổi lớn có lợi cho thí sinh như sẽ bổ sung khối thi A1 với các môn toán, lý, ngoại ngữ và cho phép các trường tự công bố thông tin tuyển sinh về trường mình và tự chủ trong xét tuyển. Bộ sẽ không quy định các mốc thời gian tuyển sinh của từng đợt. Sau khi có kết quả thi, những thí sinh có điểm thi trên sàn sẽ được xét tuyển vào tất cả những trường có nhu cầu mà không bị khống chế bởi thời gian của từng đợt như trước đây.

Nhiều trường "tốp trên" không tăng chỉ tiêu

Thông tin từ nhiều trường đại học "tốp trên" cho biết năm nay không thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh. Trường ĐH Ngoại thương, theo bà Lê Thị Thu Thủy – Trưởng phòng đào tạo, năm nay trường không tăng chỉ tiêu tuyển sinh, sẽ giữ ổn định như năm 2011, tổng chỉ tiêu là 3.400, trong đó đại học là 3.300 chỉ tiêu, CĐ là 100 chỉ tiêu.

"Nếu Bộ tổ chức thi khối A1, trường sẽ tổ chức thi ở tất cả các ngành học" - bà Thủy cho hay.

ĐH Ngoại thương cho biết, nếu có khối A1, trường sẽ tổ chức thi vì phù hợp với những ngành trường đang đào tạo.

Thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, vẫn giữ chỉ tiêu như năm trước là 5.500 để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, trường tổ chức tuyển sinh đào tạo hai ngành Bác sĩ đa khoa và Dược học.

Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho biết: "Học viện dự kiến tuyển sinh khối A, A1, D1 và chỉ tiêu vẫn giữ ổn định như năm trước là 2.650, chỉ giảm chỉ tiêu hệ liên thông".

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-560764/tuyen-sinh-2012-thi-sinh-co-nhieu-co-hoi-trung-tuyen.htm

Tản mạn học trò xưa và nay

Posted: 02 Feb 2012 06:03 AM PST

(GDTĐ) – Tốc độ đổi mới của cuộc sống nhanh đến chóng mặt và nó ít nhiều cũng góp phần làm thay đổi cả tính cách con người. Thử hình dung cách nay vài mươi năm các teen học trò học hành, sinh hoạt như thế nào so với các teen ngày nay nhé!

Chuyện đến trường

Mỗi buổi sáng, học trò ngày xưa dậy sớm, ôn lại bài cũ, rồi đạp xe đến trường. Bây giờ, học trò ngày nay cũng dậy sớm nhưng không ôn bài mà ngồi vào bàn… trang điểm để make up dung nhan, soi gương, chải tóc hết cả tiếng, rồi leo lên xe máy phóng vèo vèo đến trường, vừa đi mắt vừa "đá" trai, "liếc" gái.

Nếu như đồ dùng trong cặp của học trò ngày xưa thường là thước kẻ, bút chì, gôm, compas… thì bây giờ học trò đến lớp, cái mà họ mang theo ngoài sách vở là điện thoại di động, IPod, Mp3, Mp4, máy ảnh, camera… và còn "tỷ" tiền để ăn uống bù khú với bạn bè, thậm chí trốn học đi chụp hình Hàn Quốc! Trong chiếc ba lô của các bạn còn có cả dao, kéo, nhưng không phải chỉ để dùng cho môn thủ công mà còn… hơn thế nữa, không ai biết!

Ngày xưa, học trò đến trường chủ yếu nghe thầy cô giảng bài thật chăm chú, miệt mài "đi một ngày đàng để học một sàng khôn". Còn học trò ngày nay cũng nghe thầy cô giảng song còn muốn "nhận" thêm kiến thức từ… các bạn trong lớp, nghe và cùng nhau tám, "chém gió" hả hê. Tuy vậy, học trò ngày nay cũng có những tính cách có phần "trội" hơn học trò ngày xưa. Học trò ngày xưa thường e thẹn, nhút nhát, chỉ dám đứng trước lớp mỗi khi có thầy cô gọi trả bài, còn bây giờ các teen nhà mình tự tin hơn, mạnh dạn hơn, dám làm dám chịu. Nhiều bạn còn "đa tài" khi tổ chức kinh doanh, đi làm thêm, và còn rất "máu" trong các hoạt động từ thiện, đi trao quà, thăm các mái ấm nhà mở…

Học trò ngày xưa rất kính trọng thầy cô giáo, đa phần xem giáo viên là "thần tượng", là cha là mẹ cho đến tận sau này, đến khi vào đời vẫn quay về thăm thầy cô giáo cũ của mình. Còn học trò ngày nay, tất nhiên đa số cũng kính yêu thầy cô song có một bộ phận thích gọi thầy cô của mình là "ông" này, "bà" nọ cùng vô số nickname nghe không thủng được lỗ tai!

Học trò ngày xưa đa phần học là học cho mình, còn bây giờ học cho mình có một nửa, còn một nửa học cho… "ông bà già"! Tan trường, học trò ngày xưa luôn về nhà đúng giờ, ăn uống tại gia để còn chuẩn bị học bài vào buổi tối, trong khi học trò bây giờ còn đi lượn vòng vòng thành phố, rồi ghé cà phê, quán ăn, nhà hàng, thậm chí chạy tuốt ra ngoại thành để tìm không khí trong lành và có khi tìm sự riêng tư ở những quán cóc, bờ sông… Học trò ngày xưa hầu như không đi học thêm, còn học trò bây giờ gần như 100% phải đi học thêm, nhờ thế có nhiều teen nhà giàu lấy cớ đó để đến vũ trường, karaoke, đi bay…

Đặc biệt chuyện oánh nhau thì khác một trời một vực. Học trò ngày xưa oánh nhau thường là solo 1 chọi 1 – còn gọi là chơi tay đôi, hai teen giải quyết nhau giữa đám đông đứng cổ vũ cho đến khi có người ra can, tách cả hai ra mới thôi. Và sau trận oánh nhau tơi tả, hôm sau lại bình thường như không có chuyện gì xảy ra, bắt tay nhau để hiểu thêm. Học trò bây giờ đánh nhau rất… có bài bản, có tổ chức sao cho hoành tráng… Nào là hẹn trước địa điểm, đội ngũ dàn binh bố trận sẵn; đáng sợ là ngoài vũ khí học trò (bút viết, ghế bàn, chai lọ…) còn có cả vũ khí hạng nặng như dao, kéo, mã tấu… Khi họ đánh nhau thì ít ai dám can, và kết thúc thường là vài teen nhập viện, nhiều teen bị nhà trường kỷ luật.

Học trò ngày nay đánh nhau không chỉ có phe tóc ngắn. Cả phe tóc dài cũng không chịu kém cạnh khi lao vào nhau giật tóc, xé áo rùng rợn. Có lúc còn chuẩn bị máy quay, để ghi hình lại những trận thư hùng cho thế hệ đàn em xem rồi tung lên mạng cho bàn dân thiện hạ bàn tán, biết ta đây là nữ lưu anh hùng (!).

Chuyện iu


Còn chuyện iu ư? Rất khác! Học trò ngày xưa cũng biết iu khá sớm nhưng thường là giấu kín trong lòng, không cho mấy ai biết, chỉ là những cử chỉ, những ánh mắt liếc nhìn xa xa gần gần. Họ thường bên nhau đi học, cùng giúp nhau tiến bộ… Rồi những tối thứ 7, họ đến nhà xin phép gia đình đi dạo phố, ăn kem nhẹ nhàng. Mức độ thân thiết hơn thì đi coi ca nhạc, xem phim. Để biểu hiện tình cảm, họ tặng nhau những bông hoa hồng, tặng sách, đĩa nhạc… Con trai thì ôm ghi ta độc tấu, hát những bài tình ca lãng mạn hay nắn nót chép thơ tình của các thi sĩ nổi tiếng để thay lời muốn nói gửi cho người mình thương.

Còn học trò ngày nay iu như thế nào nhỉ? Rất ít có những mối tình lãng mạn theo kiểu romantic mà là iu theo kiểu bắt cặp: Con gái xinh thì yêu con trai giàu có, còn con trai xinh thì tìm yêu những cô gái vừa xinh vừa giàu. Và họ iu "mãnh liệt" hơn các thế hệ ngày xưa khi cùng một lúc có thể iu được 2 – 3 người! Thậm chí có cô nàng con triết lý "tim 4 ngăn thì phải yêu 1 lúc 4 chàng mới xứng tầm!". Khi "nhận" lời iu nhau, họ thường cùng nhau đi cà phê đèn mờ, vũ trường, một bộ phận còn đi… nhà nghỉ để tâm sự riêng tư! Những tối thứ 7, các cặp đôi… không hoàn hảo này cùng nhau uốn lượn trên chiếc xe tay ga bóng loáng, rồi rủ nhiều cặp khác tụ họp đàn đúm, ăn chơi nhảy múa. Quà tặng thì thường có giá trị vật chất nhiều hơn là giá trị tinh thần, chẳng hạn áo quần, giày dép, túi xách, nhẫn vàng…

Thái Khuê

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201201/Tan-man-hoc-tro-xua-va-nay-1958161/

Comments