Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Cựu sinh viên KTX Mễ Trì hỗ trợ sinh viên nội trú

Posted: 15 Jan 2017 08:27 AM PST


 – Chiều ngày 13/1, tại ký túc xá Mễ Trì, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên – ĐHQG HN phối hợp với Ban quản lý Ký túc xá, Ban liên lạc cựu sinh viên Ký túc xá Mễ Trì của ĐH Quốc gia Hà Nội và đã trao 10 suất quà cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Mỗi suất quà là 1 năm ở trong ký túc xá miễn phí, có được từ sự đóng góp của các cựu sinh viên KTX Mễ trì.

Cựu sinh viên KTX Mễ Trì hỗ trợ sinh viên nội trú
Hội cựu sinh viên KTX Mễ Trì trao học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Dương Triều

Ông Phạm Đình Việt – Trưởng ban quản lý KTX Mễ Trì cho biết, chương trình "nối yêu thương" này là của các cựu sinh viên KTX Mễ Trì hợp tác với Ban quản lý Ký túc xá.

Mục đích xuyên suốt của chương trình này là lời cảm ơn "cảnh cũ, người xưa" của các cựu sinh viên với quá khứ, với các bác, cô chú, anh chị đã từng là cán bộ quản lý, làm việc trong KTX trước đây.

Ngoài phần quà miễn phí 1 năm ở ký túc xá, các cựu sinh viên còn trao những cơ hội thực tập tại các viện, cơ quan, công ty theo chuyên ngành; những cơ hội việc làm để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải học phí, chi phí sinh hoạt cho các em.

"Ngày nay, nhiều sinh viên của trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, vốn chỉ nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản, khi ra trường rất khó xin được việc. Vì thế, tôi tin rằng việc "nối yêu thương" của những sinh viên khóa trước với các sinh viên hiện đang học tập tại trường thực sự có ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thực tế" – ông Việt chia sẻ.

Giải thích về việc chọn sinh viên nội trú là đối tượng hỗ trợ, ông Hoàng Trung Thuấn – Trưởng ban liên lạc Cựu sinh viên KTX Mễ Trì cho biết, "chúng tôi từng là những sinh viên nội trú, từng có một thời sinh viên đầy khó khăn, vất vả, nên chúng tôi hiểu cảnh sống xa nhà của các em hiện nay".

"Sinh viên nội trú thời nào cũng thế thôi, thường thì vất vả hơn so với sinh viên có gia đình tại Hà Nội. Vì xa nhà nên các em phải lo toan nhiều thứ trong sinh hoạt và học tập".

Ông Thuấn cho biết, hội cựu sinh viên cũng đã kêu gọi và lập ra một quỹ hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn lực của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, những cơ hội thực tập chuyên môn, tạo việc làm thêm cho các em là tính khác biệt rõ nhất của chương trình.



Xem nguồn

Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Posted: 15 Jan 2017 07:45 AM PST


Ông Huỳnh Thành Đạt được bổ nhiệm vào vị trí Ảnh: hochiminhcity.gov.vnÔng Huỳnh Thành Đạt được bổ nhiệm vào vị trí Ảnh: hochiminhcity.gov.vn

Ông Huỳnh Thành Đạt sinh năm 1962, quê Bến Tre. Trình độ: phó giáo sư, tiến sĩ vật lý, cử nhân chính trị. Ông Đạt từng trải qua các chức vụ: Chánh Văn phòng ĐH Quốc gia TP HCM, phó giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP HCM.

Ngày 6/1, ông được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM.



Xem nguồn

Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2017

Posted: 15 Jan 2017 07:03 AM PST


Tham gia khai mạc ngày hội có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng đại diện lãnh đạo hơn 100 trường ĐH -CĐ khu vực phía Nam. 

Ngày hội tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp 2017 tại TPHCM là ngày hội đầu tiên trong chuỗi chương trình tư vấn năm 2017. Chương trình được tổ chức từ ngày 14/1 đến 19/3 tại 18 tỉnh thành, gồm 3 ngày hội (tại TPHCM, Cần Thơ, Hà Nội) và 15 chương trình tư vấn.

Tham gia ngày hội thí sinh không chỉ được trực tiếp tìm hiểu thông tin ngành, nghề, cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ mà còn được tham gia các buổi tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm ngành nghề cụ thể. Bên cạnh đó thí sinh cũng sẽ được các chuyên gia tư vấn chi tiết về quy chế tuyển sinh, chương trình đào tạo, phương thức xét tuyển, hình thức nộp hồ sơ, lựa chọn nghề nghiệp, định hướng chọn trường…



 Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại một trường cao đẳng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá cao hoạt động mang tính cộng đồng của báo Tuổi Trẻ, đồng thời ghi nhận sự đồng hành của Báo với Bộ GD&ĐT trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhiều năm qua.

Thứ trưởng hy vọng hoạt động thiết thực và bổ ích này sẽ tiếp tục được báo Tuổi Trẻ tiếp nối để mang đến cho học sinh cả nước thông tin hữu ích, thiết thực về những đổi mới trong công tác tuyển sinh. 



Xem nguồn

Lớp học giữa đại ngàn Trường Sơn

Posted: 15 Jan 2017 02:51 AM PST


Vượt sông gieo chữ

Bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là một bản làng nằm ở nơi xa xôi, tách biệt với bên ngoài. Để vào được bản làng này, chỉ có một cách duy nhất là phải vượt qua sông Long Đại, rồi qua gần chục cái thác lớn nhỏ mới tới nơi.

Lớp học mầm non trong căn nhà mượn của dân. (Ảnh: V.T)

Chính vì địa hình hiểm trở mà việc học của các em học sinh nơi đây vẫn còn lắm gian nan.

Bản Hôi Rấy hiện có một lớp mầm non với 18 học sinh, độ tuổi từ 3-5 tuổi, do hai cô giáo trẻ Trần Thị Hồng và Trương Thị Trang phụ trách.

Cô Hồng và cô Trang người ở trung tâm xã Trường Sơn, hai cô cũng phải vượt sông vượt thác, vượt qua bao đoạn đường hiểm trở để vào dạy chữ cho các em.

Trước đây, bản Hôi Rấy không có lớp học mầm non, thương các em học sinh ở xa lại bị thiệt thòi, nên năm rồi chính quyền địa phương và các thầy cô giáo mới thành lập một điểm trường mầm non ở đây.

Bên cạnh lớp học là chỗ ngủ của hai cô giáo trẻ. (Ảnh: P.P)

Điều kiện quá khó khăn, cơ sở vật chất lại không có, nhà trường đành mượn tạm một căn nhà nhỏ lợp bằng bờ rô xi măng của một hộ dân trong vùng cho cô trò "tá túc".

Từ căn nhà này, hai cô giáo trẻ tự cắt giấy trang trí thành lớp học. Lớp học chỉ vỏn vẹn mấy cái ghế nhựa cho các em học sinh ngồi học. Không có nhà vệ sinh, các cô đành lấy mảnh bạt quây lại để làm nơi rửa chân, tay… cho các cháu.

"Dạy ở đây khổ nhất là đường đi và thiếu thốn cơ sở vật chất. Nhiều khi đi đường thấy vất vả quá chúng tôi cũng thấy nản, nhưng lại nghĩ các em học sinh ở trên này còn thiệt thòi hơn mình gấp mấy lần.

Rồi chúng tôi lại cố gắng, lại cùng các em cố gắng học chữ với hi vọng mai này các em sẽ có cuộc sống tốt hơn", cô Trần Thị Hồng tâm sự.

Sự học nơi đây cũng chông chênh như đường đi vào bản vậy. (Ảnh: V.T)

Trong căn nhà nhỏ bé được trang trí thành lớp học cũng là chỗ ngủ của 2 cô giáo. Vì không có giường, dân bản đã làm cho hai cô một chiếc giường được ghép từ mấy tấm ván do dân đóng góp.

Bao giờ mới hết cảnh học… nhờ?

Không chỉ các em mầm non mà các em học sinh tiểu học ở đây cũng phải học nhờ ở nhà văn hóa bản vì không có trường. Tuy nhiên, nhà văn hóa đã xuống cấp trầm trọng, mùa hè thì nóng nực, còn mùa đông gió thổi thốc vào lạnh tê tái.

Điểm trường tiểu học tại nhà văn hóa bản. (Ảnh: P.P)

Điểm trường tiểu học ở bản Hôi Rấy có 24 em học sinh, do 3 thầy giáo phụ trách. Vì chỉ có một nhà văn hóa nên các thầy phân ra học thành hai buổi. Buổi sáng các em lớp 1 và lớp 3 học, còn buổi chiều là các em lớp 2 và lớp 4.

Thầy Nguyễn Văn Dinh, (có 8 năm cắm bản ở xã Trường Sơn) cho biết: "Vì ở đây không có điện nên buổi tối chúng tôi phải soi đèn pin để soạn bài. Cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều thiếu thốn và vất vả lắm.

Đến cắm bản ở nơi rừng núi xa xôi cách trở, nhiều khi tôi thấy nhớ nhà da diết, nhưng nghĩ đến các em học sinh là tôi lại có động lực để đi tiếp. Chỉ mong sao nơi đây phát triển hơn, để các em đỡ thiệt thòi hơn".

Ông Nguyễn Văn Tráng – Chủ tịch UBMTTQVN xã Trường Sơn cho biết: "Nhiều lần xã đề nghị lên huyện xin vốn để xây điểm trường ở bản Hôi Rấy, huyện cũng đồng ý chủ trương, nhưng chỉ ghi vốn có 200 triệu (trong khi để xây dựng trường ở đây phải mất đến tiền tỷ). Do đó, đến nay các em học sinh và thầy cố giáo vẫn phải tiếp tục dạy học trong tình trạng như vậy, không biết tận khi nào?".

 



Xem nguồn

Trưởng phòng Giáo dục và văn hóa phát ngôn "chọc ngoáy"

Posted: 15 Jan 2017 02:09 AM PST


LTS: Trước những câu chuyện về phát ngôn thiếu trách nhiệm của một số Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng cần khi trước phát ngôn trước công luận cũng cần có môt cái phông văn hóa nhất định.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thường, khi đã là Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thì các lãnh đạo này đã có những tháng năm làm người thầy đứng trên bục giảng.

Sau đó, được qui hoạch và bổ nhiệm vào Ban giám hiệu nhà trường, rồi đi lên từ chức Phó Hiệu trưởng trưởng, đến Hiệu trưởng.

Trong hàng chục vị Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của một huyện thì chỉ một vài người được cơ cấu và bổ nhiệm làm Phó phòng một thời gian mới lên đến Trưởng phòng.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng có nhiều lãnh đạo "tài năng", họ đang là giáo viên bình thường rồi được điều lên làm chuyên viên của Phòng Giáo dục một vài năm rồi trở thành Phó, rồi Trưởng phòng.

Tuy nhiên con đường thăng tiến như trường hợp thứ 2 này này không nhiều.

Vì là lãnh đạo ngành giáo dục của một huyện hay một thành phố trực thuộc tỉnh nên Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo có một vị thế tương đối lớn.

Nhất là ngành giáo dục của các huyện có một lực lượng nhân sự đông đến hàng nghìn người mà lại là toàn người có trình độ cao.

Những nhân viên trong trường cũng đã có trình độ trung cấp trở lên và trình độ của giáo viên ngày nay phần lớn đã có bằng đại học và thậm chí đã có người có học vị là tiến sĩ làm công tác giảng dạy ở các trường phổ thông.

Vì thế, lãnh đạo được một tập thể lớn như vậy không chỉ là một nhà quản lí giỏi về mọi mặt mà phải còn là một nhà "ngoại giao" để đại diện cho ngành khi làm việc với các cá nhân hay cơ quan khác.

Song, vẫn còn những Trưởng phòng có những phá ngôn làm buồn lòng dư luận, chưa xứng đáng là một lãnh đạo của ngành giáo dục ở địa phương.

Sau vụ việc các giáo viên nữ ở Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được điều động đi làm tiếp tân được báo chí vào cuộc.

Trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân – Hà Nội. (Ảnh HC)

Thay vì bảo vệ quyền lợi cho giáo viên bởi đó là những con người do mình quản lí, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo Thị xã Hồng Lĩnh, Lê Bá Thiềm đã trả lời báo chí bằng những ngôn ngữ ráo hoảnh không thể hiện được vai trò người đứng đầu ngành giáo dục của một huyện:

Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống“.

Những ngôn từ của vị trưởng phòng thật là nực cười bởi trước khi là Trưởng phòng thì vị này cũng là giáo viên, cũng có gia đình.

Vậy, nếu trong số những người được đi tiếp khách mà có con dâu, con gái của trưởng phòng bị một số "hành động không đẹp" của các quan khách thì ông Lê Bá Thiềm có thể coi là "bình thường" được không?

Đó là chưa nói về vai trò, trách nhiệm của người thầy khi muốn dạy học trò những điều tử tế, tốt đẹp, thì chính các thầy cô phải là những tấm gương cho các em noi theo.

Vậy nhưng khi những nữ giáo viên thành nhân viên lễ tân để họ phải chịu đựng những "hành động không đẹp" của quan khách lúc say xỉn mà ông Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo coi là "chuyện bình thường trong cuộc sống"!

Nực cười hơn nữa là khi được phóng viên hỏi về từ: "Lễ tân" thì ông Lê Bá Thiềm đã thừa nhận với phóng viên, ông không hiểu nghĩa của từ "lễ tân".

Bởi theo ông: "Tôi không biết lễ tân là cái gì. Tôi không hiểu cái chuyện lễ tân…".

Báo chí phản ánh tiêu cực, trưởng phòng giáo dục cho rằng… “chọc ngoáy”

Rất nhiều người không đồng tình với cách phát ngôn, trả lời thiếu trách nhiệm, vô cảm của ông Lê Bá Thiềm, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh. 

Mấy ngày nay, khi phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đang điều tra, phản ánh về tình trạng liên kết dạy ngoại ngữ ở địa bàn thành phố Hà Nội với nhiều những bất cập.

Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên thì ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo quận Thanh Xuân đã nói:

"Tôi rất hiểu báo chí, bạn tôi rất nhiều Tổng biên tập, chúng tôi có báo cáo, có gì đâu mà che giấu ở đây. Quận Thanh Xuân là một quận nhỏ so với các quận khác, có làm gì đâu mà các ông "ngoáy" vào nhiều thế".

Trước cách trả lời của vị Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo khiến cho bạn đọc hiểu được cách trả lời là: ông thầy này hiểu luật báo chí, là người có nhiều bạn là "Tổng Biên tập" và vì thế các phóng viên đừng "ngoáy" vào…

Rõ ràng, cách trả lời của một Trưởng phòng không hề có ý hợp tác với báo chí mà đó là sự hậm hực, tức tối – đây điều tối kị của một người thầy, chứ chưa nói là ở vị trí Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo một quận ở thủ đô đất nước. 

Việc phóng viên báo Giáo dục Việt Nam chứng kiến và ghi hình trong một lớp học mà có rất nhiều học sinh đang mải mê chơi game rồi phản ánh trước công luận về tình trạng dạy liên kết đã giúp cho bạn đọc hiểu hơn về "sự thật" của việc dạy và học ngoại ngữ liên kết ở đây.

Tuy nhiên, trước những minh chứng hiện hữu như vậy mà Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân nói là phóng viên "chọc ngoáy" thì thật là một nỗi buồn không thể gọi thành tên.

Từ câu chuyện học ngoại ngữ ở các trường trên địa bàn Hà nội nói riêng và học ngoại ngữ ở Việt Nam ta từ lâu đã cho thấy rất nhiều điều bất cập không chỉ ở các trường phổ thông, tiểu học mà nó còn thể hiện rất rõ trong việc dạy và kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên hiện nay.

Việc Bộ giáo dục cho phép 10 trường đại học, trung tâm ngoại ngữ được phép cấp chứng chỉ ngoại ngữ A2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cũng thể hiện rất rõ những điều bất cập.

Kiểm tra vài câu hỏi chỉ để mà hỏi nhưng giáo viên phải bỏ ra hàng triệu đồng. Không biết những chứng chỉ như vậy để làm gì?

Và, tiền mà các trường đại học, các trung tâm ngoại ngữ được ăn chia như thế nào với các địa phương?

Chỉ khổ giáo viên phải bỏ ra một khoản tiền lớn để hoàn thiện bằng cấp mà phần nhiều những chứng chỉ đó cũng chẳng nâng cao được khả năng ngoại ngữ là bao.

Tuy nhiên, khi phần lớn giáo viên đã đăng kí học, kiểm tra năng lực ngoại ngữ suốt thời gian qua thì mới đây Bộ lại nói là "không bắt buộc"…

Ông cha ta thường nói: "lời nói không mất tiền mua", vì thế trước khi phát ngôn trước công luận cũng cần có môt cái phông văn hóa nhất định.

Nhất là ở cương vị lãnh đạo của ngành giáo dục. Cần lắm sự thể hiện văn hóa phát ngôn để tránh những luồng dư luận không tốt khi nhìn vào lãnh đạo của ngành.



Xem nguồn

Dạy sử, cần biết là dạy cho ai!

Posted: 15 Jan 2017 01:27 AM PST


LTS: Trước ý kiến của tác giả Thành Trung trong bài viết "Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên", thầy giáo Tùng Sơn chia sẻ những phản biện về ý kiến này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Sau khi bài "Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng!" của tác giả Tùng Sơn đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/12/2016, bạn đọc Thành Trung đã có bài viết phản hồi với tiêu đề "Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên".

Trước hết tác giả Tùng Sơn xin cảm ơn sự quan tâm tới vấn đề dạy học lịch sử của bạn đọc Thành Trung.

Qua bài phản hồi của bạn Thành Trung, Tùng Sơn thấy Thành Trung chưa có thực tế tiểu học và bạn chưa quan tâm vấn đề tâm sinh lí lứa tuổi trong nhận thức của con người – một vấn đề hết sức quan trọng trong giáo dục học được các nhà biên soạn sách giáo khoa đặt lên hàng đầu khi viết ra những nội dung trong sách.

Việc dạy Sử bậc Tiểu học cần hiểu tâm lý học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: Tuoitre.vn)

Trước hết, nói về lịch sử nước nhà

Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Không phải ngẫu nhiên mà một đất nước chìm trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc mà vẫn quật cường giành độc lập.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà một đất nước hàng trăm năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp mà nay vẫn có tên đàng hoàng trên bản đồ thế giới. 

Có đất nước nào, có dân tộc nào mà lại tiến hành cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mĩ những 21 năm để giành chiến thắng?

Vậy thì có phải hiển nhiên, lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của đấu tranh giữ nước. 

Và có phải hiển nhiên, lịch sử nước ta, là tiến trình của khởi nghĩa giành độc lập, của chiến đấu chống ngoại xâm. Và đó mới là cái khác biệt của lịch sử nước nhà với lịch sử các dân tộc khác.

Chúng ta không cực đoan nhìn vào lịch sử của nước ta là nhìn vào toàn chiến tranh loạn lạc, mà chúng ta cần giáo dục con cháu phải thấy những gì mà ông cha ta phải đánh đổi bằng xương máu để có hôm nay.

Đó cũng là bổn phận của những người dạy sử.

Dạy sử cần toàn diện, nhưng phải biết trọng tâm và hợp lứa tuổi

Nói như bạn Thành Trung, lịch sử nước nhà gồm nhiều lĩnh vực, kinh tế, văn hoá, quân sự,… Điều đó đúng. 

Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng!

Nhưng bạn Thành Trung phải hiểu rằng ở cấp Tiểu học, chỉ có 70 tiết Lịch sử mà phải dạy từ buổi đầu dựng nước tới công việc thống nhất đất nước năm 1976. 

Vậy thì ta phải dạy những gì để bước đầu giúp các em nhận biết một cách sơ lược về lịch sử dân tộc.

Nói cụ thể, trong khuôn khổ 70 tiết học, chúng ta nên dạy về những sự kiện mang tính mấu chốt trong tiến trình phát triển của con người Việt Nam cũng đồng thời là những mốc son chói lọi, đáng tự hào về một dân tộc anh hùng. 

Xét về tâm sinh lí lứa tuổi, ở Tiểu học ta chưa cần dạy nhiều về sự phát triển văn hoá xã hội hay những thành tựu về văn học, khoa học,… Những kiến thức đó, lên các cấp học cao hơn, các em sẽ học kĩ hơn.

Nói tóm lại, cấp Tiểu học với 70 tiết Lịch sử, ta chỉ nên dạy những sự kiện chính về lập nước, lập triều đại mới và đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Dạy sử về chiến tranh, đương nhiên phải dạy chiến đấu và chiến thắng!

Con người ta sinh ra, không ai thích chiến tranh. Thế nhưng một dân tộc đã phải thực tế trải qua bao cuộc chiến đấu để giữ vững và làm nên tên tuổi của mình thì cần phải truyền lại cho con cháu niềm tự hào về điều đó. 

Bạn Thành Trung có ý không thích dạy sử theo cách chiến đấu là chiến thắng. Và hiện nay cũng có ý kiến cho rằng chúng ta đang dạy sử theo cách chiến đấu là chiến thắng. 

Vấn đề này, chúng ta phải hiểu rằng lịch sử là một quá trình. Nếu xét theo một quá trình, rõ ràng dân tộc ta đã chiến đấu là chiến thắng. Hay nói cách khác, cuối cùng, chúng ta giành chiến thắng. 

Một cuộc kháng chiến, nếu không có sách lược, chiến lược đúng thì sao có chiến thắng. Sự thực lịch sử là như vậy, thế thì chúng ta không dạy về chiến công huy hoàng thì dạy cái gì đây?

Trong chiến tranh, mỗi chiến thắng đều phải trả giá bằng xương máu. Để có chiến thắng lớn, đều phải trải qua những thất bại nhất thời. 

Điều đó ai không biết. Nhưng với học sinh, ta cần gì phải phân tích điều đó. Nhất là học sinh Tiểu học.

Cách học môn Lịch sử để thi trắc nghiệm đạt được kết quả cao

Giáo viên không có gì phải thay đổi cách nhìn về dạy sử!

Bạn Thành Trung viết "Không phải sách giáo khoa khó mà do nhận thức của giáo viên" là một cách nói của người không có thực tế. 

Các tác giả của sách giáo khoa hiện hành lâm vào tình trạng thiếu thực tế trên nhiều bài học. 

Giáo dục Tiểu học có tính đặc thù của học sinh dưới 11 tuổi. Nhận thức của các em là nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Những gì không sinh động các em khó có hứng thú. 

Thực tế, những gì là hàn lâm trong sách Lịch sử lớp 4,5 mà tác giả Tùng Sơn chỉ ra là khó với lứa tuổi các em. 

Bạn Thành Trung viết "không thể coi những kiến thức về tín ngưỡng, về tổ chức xã hội, về học tập, về văn học, về khoa học, về tư tưởng canh tân,… là hàn lâm được. Bởi "không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi" " là viết theo cái nhìn dạy cho học sinh lớn học. 

Nếu hiểu về đặc điểm nhận thức trẻ Tiểu học, có lẽ bạn đã không viết như thế.

Còn nói về việc dạy học của giáo viên, các thầy cô giáo hiện nay nhìn chung đang rất cố gắng tìm mọi cách đem đến cho các em những giờ học hay về Lịch sử. Bàn về phương pháp, có lẽ còn nhiều vấn đề. 

Thế nhưng không phải các thầy cô thấy sách sử khó là e ngại hay né tránh những bài giảng khó. Thực tế, làm nghề gì hiểu nghề đó bạn Thành Trung ạ. 

Các thầy cô còn không dám biểu lộ trước học sinh là bài này hàn lâm hay bài kia không hợp lí, mà các thầy cô chỉ biết tìm cách làm cho học sinh hiểu bài, hứng thú trong hợp tác với bạn, với thầy cô để tìm hiểu kiến thức bài học. 

Việc nói những hạn chế của sách sử nước nhà là mong muốn chúng ta sẽ có những bộ sách giáo khoa lịch sử hợp lí với từng cấp học để Lịch sử luôn là những bài học hay, bổ ích.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn bạn Thành Trung đã trao đổi về bài viết và qua đây, cũng mong tất cả chúng ta đều nhất trí dạy sử cần biết là dạy cho ai và dạy những gì.



Xem nguồn

Tiến sĩ chân trong chân ngoài, chạy sô khắp các trường

Posted: 15 Jan 2017 12:45 AM PST


Đó là thực trạng chung của nhiều trường đại học hiện nay, được nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra mổ xẻ, phân tích tại một hội do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng mới đây.

Tỷ lệ Tiến sĩ nước ta rất thấp

PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Đại học khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM và nhiều lãnh đạo các trường Đại học trong cả nước cho rằng, tỷ lệ tiến sĩ của nước ta hiện nay rất thấp.

Nhiều Tiến sĩ là nhân sự của Trường này nhưng tham gia giảng dạy, đứng tên ở rất nhiều trường khác. Ảnh: giaoduc.net.vn

Cả chục năm nay mà cứ mãi ở con số 17% số lượng tiến sĩ là rất thấp. "Tôi rất buồn vì số lượng tiến sĩ quá thấp như vậy" ông Sen chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay, ông thực sự quan tâm đến vấn đề Tiến sĩ.

Bởi theo thống kê mới nhất thì hiện số lượng Tiến sĩ tăng lên được 2%. Như vậy số lượng Tiến sĩ của cả nước là 19%.

Mặc dù số lượng Tiến sĩ đang có xu hướng tăng, tuy nhiên Bộ trưởng nhìn nhận: "Đây là chỉ số đáng báo động".

“Không thể cứ đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất, đi đâu thì đi”

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, với số lượng tiến sĩ quá ít thì sẽ rất khó khăn, khó lòng để nâng cao chất lượng đào tạo.

"Một nền giáo dục mà chỉ có số lượng là Tiến sĩ như vậy thì lấy đâu ra chất lượng? Phải tạo sự cạnh tranh, thu hút và bồi dưỡng cho được những giáo viên giỏi, cơ hữu, trọng dụng họ" ông Nhạ phân tích thêm.

Người đứng đầu ngành giáo dục đặt ra câu hỏi: "Trách nhiệm ở đâu? Trách nhiệm hàng đầu của hiệu trưởng là đầu tư nâng cao chất lượng.

Gần đây, nhiều dự án như đề án 911 (đề án đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020) trình lên, tôi đã đề nghị phải làm lại.

Đồng thời, tôi đề nghị Chính phủ dành nguồn kinh phí này cho chính các trường rà soát lại đội ngũ.

Nguồn kinh phí này có kế hoạch dành cho cả trường công, trường tư như nhau, không phân biệt.

Mục đích để trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải đầu tư cho sinh viên đi du học xong không về" Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ ra thực tế: "Dù Tiến sĩ trình độ kém đi nữa thì cũng hơn Đại học".

Theo đó, nhiều Tiến sĩ chưa chắc có trình độ, năng lực đã hơn thạc sĩ vì có rất nhiều thạc sĩ rất giỏi, nhưng chắc chắn sẽ hơn cử nhân.

"1 chân trong trường 1 chân dạy khắp nơi"

Đánh giá về chất lượng tiến sĩ, GS.TS  Đặng Kim Vui – Giám đốc trường Đại học Thái Nguyên cho rằng, việc đào tạo Tiến sĩ hiện nay không đúng ngành nghề hoặc chỉ tập trung vào một số ngành nghề nhất định.

Còn đội ngũ Tiến sĩ thì phần nhiều học xong thường ham làm hiệu trưởng, hiệu phó hơn là chuyên môn.

GS. Vui chi sẻ: “Nhiều em học Tiến sĩ về lên gặp hiệu trưởng đề nghị xem xét, sắp xếp cho việc gì đó để làm (làm cán bộ quản lý – pv). Tôi bảo làm nghiên cứu và giảng dạy là chính chứ còn làm gì hơn được nữa?”

“Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị”

Theo Bộ trưởng Nhạ: "Sắp tới, Bộ sẽ xác định rõ phân tiêu đào tạo Tiến sĩ là đào tạo cho những giảng viên đại học chứ không phải đào tạo như là cứ có bằng Tiến sĩ.

Nên phải đưa vào chuẩn: một là học chuyên, đã là Tiến sĩ phải tham gia trợ giảng.

Tính chuyên của Tiến sĩ khác hẳn. Mục tiêu chính của việc đào tạo Tiến sĩ là để cho khoa học chứ không phải để "phổ cập" Tiến sĩ. Chúng ta tiếp cận đến hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao".

Trong khi đó, GS.TS Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM thì đánh giá, vấn đề Tiến sĩ đang rất cấp bách và cần phải có cơ chế đầu tư và quản lý.

GS. Qùy có đề xuất, để giải quyết vấn đề đội ngũ giảng dạy cần phải có kỷ cương rất chặt chẽ. Và giao cho Hiệu trưởng thẩm quyền giải quyết vấn đề về giảng viên.

Ngoài ra, GS. Qùy còn nêu lên một thực trạng đang xảy ra rất phổ biến ở các trường là, "Tiến sĩ là nhân sự của trường này nhưng tham gia giảng dạy, đứng tên ở rất nhiều nơi". Lãnh đạo dù biết rõ mười mươi, nhưng không có biện pháp xử lý.

“Chúng tôi đầu tư cho đi học, gánh vác tất cả các thứ. Nếu trả lương gấp trăm lần mà không có cơ chế quản lý thì vẫn 1 chân ở Đại học này 1 chân đi dạy khắp các nơi. Mà hiệu trưởng các trường chẳng làm được gì trong vấn đề đấy cả”.

GS. Quỳ nói tiếp, hiện nay các trường đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý đội ngũ Tiến sĩ. Dù biết rất rõ họ làm ở nhiều nơi, nhưng cũng bó tay.

 "Vậy Cục nhà giáo phải xem xét làm sao trong vấn đề này khi mà các trường chen nhau đua nở nhưng tiến sĩ thì chỉ có chừng đó thôi.

Ví dụ, hiện nay cả nước Tiến sĩ luật có bao nhiêu? đi dạy ở khắp nơi, đứng tên khắp nơi.

Tôi là hiệu trưởng cũng rất quyết liệt nhưng chẳng làm được gì. Bởi vì nếu làm gì đấy thì 'Tôi xin lỗi cô, tôi đi trường khác, tôi làm trưởng khoa, tôi làm phó khoa, tôi không làm ở trường này nữa'" GS. Quỳ nêu thực trạng.  

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ khẳng định, các trường cần tạo điều kiện tốt nhất để giữ chân những người làm chuyên môn chứ không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính.

"Đừng dùng hành chính để quản lý nhà khoa học mà phải có môi trường tốt để giữ chân và thu hút họ, tạo điều kiện cho họ tỏa sáng".

Bộ trưởng nhấn mạnh thêm: "Có những trường có rất nhiều giảng viên giỏi nhưng lại đang tỏa sáng ở những nơi khác, các giáo sư bây giờ quan hệ rộng lắm, quan hệ với toàn cầu"

Từ đó, Bộ trưởng khẳng định, để quy tụ và phát triển tạo điều kiện cho các giảng viên giỏi "tỏa sáng" là trách nhiệm của Hiệu trưởng.



Xem nguồn

Cấm cắt xén chương trình, sắp công bố đề thử nghiệm các môn thi quốc gia 2017

Posted: 15 Jan 2017 12:03 AM PST


Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I khối Sở GD&ĐT tổ chức ngày 14/1 tại Hà Nội, PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục đã báo cáo về công tác chuẩn bị đề thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017. 

Theo ông Trinh ngay sau khi ban hành phương án thi, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương triển khai chuẩn bị đề thi – vấn đề có ý nghĩa tiên quyết đối với thành công của kỳ thi.

"Đầu tháng 9/2016, Ban Chỉ đạo công tác đề thi do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm Trưởng Ban được thành lập nhằm chỉ đạo việc xây dựng ma trận đề thi, công bố đề minh họa, đề thử nghiệm theo môn và theo bài; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi…", ông Trinh cho biết. 

Tháng 4 sẽ có đề cho thí sinh thi thử

(GDVN) – Dự kiến cuối tháng 4/2017, Bộ GD&ĐT sẽ cho chạy thử nghiệm đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2017 khi học sinh đã hoàn thành chương trình học tập toàn khóa

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục khẳng định, ma trận đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được xây dựng phù hợp với hình thức thi đã công bố trong phương án thi, theo hướng tiếp tục thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn;

Và bảo đảm phân hoá kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Căn cứ ma trận đề thi, Bộ đã xây dựng các đề minh họa làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. 

Ông Trinh nhấn mạnh, ngày 6/10/2016, Bộ GD&ĐT đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017.

Bộ GD&ĐT cũng gấp rút bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đã có tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục bằng nhiều nguồn khác nhau (như huy động giáo viên tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi; khai thác các câu hỏi thi phù hợp trong ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông Trinh cho biết thêm, từ tháng 10 đến tháng 12/2016, Bộ đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô tại 10 điểm trên cả nước; lựa chọn giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành phố và các giảng viên đại học có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá tham gia viết câu hỏi. 

Dữ liệu câu hỏi thô, sản phẩm của các đợt biên soạn này được chuyển về Hà Nội để biên tập, thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Quy trình trên được tổ chức tập trung tại các địa điểm cách li, được giám sát, bảo vệ chặt chẽ, liên tục.

Sắp công bố đề thử nghiệm các môn thi THPT quốc gia 2017 (Ảnh: Báo Zing)

Cán bộ tham gia không được mang các thiết bị thu phát thông tin vào phòng làm việc; không được mang tài liệu liên quan đến câu hỏi thi ra khỏi phòng làm việc và chỉ được phép tiến hành công việc khi có ít nhất 2 người của tổ bộ môn.

Máy tính lưu trữ sản phẩm được quản lý theo chế độ mật và dùng phần mềm để vô hiệu việc sao chép dữ liệu. Các bản dự thảo, bản nháp trong quá trình biên soạn, biên tập được tổ bộ môn lưu giữ để hủy sau khi kết thúc đợt biên soạn, biên tập.

PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định: "Cho đến thời điểm này, đã thực hiện được 8 đợt biên tập, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6 năm 2017″. 

Kế hoạch thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 vào cuối tháng 01/2017 để thí sinh và các nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập. 

Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã nhấn mạnh nội dung này khi trao đổi với giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành. 

Ở Phần Lan, giáo viên đứng ở vị trí nào?

(GDVN) – Thực tế, học sinh Phần Lan chỉ phải thực hiện 1 bài kiểm tra tiêu chuẩn trong suốt quá trình học tiểu học và trung học.

Vấn đề này cũng được Bộ GD&ĐT nhắc đến trong báo cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục về công tác chuẩn bị kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu trong thời gian tới, các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh trong các trường phổ thông thuộc quyền quản lý.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, các cơ sở giáo dục cần thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đặc biệt, Bộ nghiêm cấm việc cắt xén chương trình đã quy định.

Và việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và các quy định của UBND tỉnh, thành phố, đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học.

Không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua các tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kì thi THPT quốc gia nói riêng.



Xem nguồn

Tết đến, thầy lại lo học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật và bỏ học

Posted: 14 Jan 2017 11:21 PM PST


LTS: Thời điểm nghỉ Tết học sinh được nghỉ ngơi thoải mái nên một số em vui chơi hết mình thậm chí tham gia uống rượu bia, chơi bài bạc, vi phạm an toàn giao thông…

Đây là những điều thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc lo lắng khi thời điểm Tết đang tới gần.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tết Nguyên đán Đinh Dậu sắp đến gần, các địa phương, các trường học đã có thông báo học sinh, sinh viên được nghỉ khá dài ngày, học sinh phổ thông có trên 10 ngày nghỉ Tết, còn sinh viên các trường chuyên nghiệp, Đại học, Cao đẳng có thời gian nghỉ Tết dài hơn (gần 20 ngày). 

Đây là khoảng thời gian quý báu để các cô cậu học sinh, sinh viên được nghỉ ngơi, vui chơi, sum vầy cùng với gia đình, bà con, bè bạn sau thời gian dài học tập, thi cử vất vả, căng thẳng. 

Ngày Tết, tâm lý của nhiều bậc phụ huynh khá thoải mái, nhẹ nhàng, thường để con em tha hồ được vui chơi…

Nhiều năm nay, bên cạnh niềm vui ngày Tết, mọi người ở các nơi chứng kiến không ít chuyện đau lòng do chính học sinh, sinh viên gây ra. 

Học sinh cần được tham gia những hoạt động vui chơi lành mạnh trong thời gian nghỉ Tết tránh sa đà vào các hoạt động trái pháp luật. (Ảnh minh họa, nguồn: infonet.vn)

Tết đến, xuân về, nhiều học sinh, sinh viên coi đây là dịp để thể hiện mình, nên vui chơi đến hết mình, thậm chí còn tham gia vào những trò chơi, việc làm trái pháp luật.

Học sinh nam cấp 2, cấp 3 cùng giới sinh viên bây giờ biết uống rượu bia, nhậu nhẹt tối ngày, không phải là hiện tượng hiếm.

Có men vào, bốc lên, mỗi xe máy chở 3, chất 4, không đội mũ bảo hiểm, cứ thế phóng nhanh, chạy ẩu, lạng lách, đánh võng… nghênh ngang trên đường. 

Nhiều học sinh, sinh viên gây tai nạn giao thông, không chỉ bản thân bị thương, mất mạng mà còn khiến người khác cũng mang họa theo, hết sức đau lòng.

Ngày Tết, học sinh, sinh viên hay tụ tập lại, rủ nhau đi chơi, với bản tính sốc nổi, không kiềm chế được những lời khích bác, gây gổ của đám bạn khác, thế là choảng nhau đến lỗ đầu, chảy máu…

Tình hình trật tự an ninh tổ dân phố, khu dân cư, xóm làng… nhiều nơi trở nên phức tạp, khó kiểm soát hơn, một phần do có sự tham gia “tích cực” của sinh viên, học sinh về địa phương. 

Học sinh Hà Nội nghỉ Tết 8 ngày

Tệ nạn bài bạc, đỏ đen, sát phạt lẫn nhau xuất hiện nhiều trong những ngày Tết, cũng cuốn hút, lôi kéo không ít sinh viên, học sinh nhập cuộc, say mê.

Hết tiền thì thế chấp đồ đạc, xe cộ… chơi tới cùng…

Những ngày Tết và sau Tết, thường nghe nhiều câu chuyện buồn về học sinh, sinh viên, để xảy ra hàng loạt vi phạm pháp luật, nhất là liên quan đến giao thông, đánh nhau, cờ bạc… Số lượng và mức độ sai phạm năm sau đều cao hơn năm trước.  

Thiết nghĩ, trước thời gian nghỉ Tết, nhà trường cần phối hợp cùng công an địa phương có những buổi nói chuyện, giáo dục về hiểu biết pháp luật, nhắc nhở, căn dặn kỹ lưỡng và cho học sinh, sinh viên ký bản cam kết không vi phạm pháp luật.

Về phía gia đình trong thời điểm Tết, không thể chủ quan, lơi lỏng việc quản lý con em và luôn có định hướng, nhắc nhở con em vui chơi lành mạnh, bổ ích.

Năm nào cũng vậy, thời gian cận Tết và đặc biệt là sau Tết, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học ở các trường phổ thông, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng gia tăng đáng kể.

Nhiều năm, số học sinh phổ thông nghỉ học sau Tết, đạt mức kỷ lục trên hàng trăm ngàn em (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Có nơi, có trường ở miền núi, ven biển học sinh bỏ gần hết, mỗi khối chỉ còn mấy chục em, trường lớp điu hiu, trống trơn.

Quảng Ngãi, quê tôi, các huyện miền núi và huyện ven biển, sau Tết từng vô cùng nhức nhối tình trạng học sinh bỏ học đi biển, đi theo cha mẹ vào rừng hái đót kiếm tiền.

Vì sao việc xử lý học sinh vi phạm giao thông chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”

Nhà trường, thầy cô giáo phải thay nhau đi đến nhà phụ huynh, vận động con em quay trở lại trường. 

Tại sao, học sinh phổ thông lại hay chọn thời điểm sau Tết để nghỉ học?

Phải nói ngay rằng, phần đông diện học sinh này học tập yếu kém, đạo đức sa sút, không còn thiết tha việc học hành nữa.

Thêm vào đó, Tết đến, thấy nhiều thanh thiếu niên cùng trang lứa đã nghỉ học, đi làm ăn xa, Tết về rũng rỉnh tiền bạc, ăn mặc, chơi bời sành điệu, thoải mái, các học sinh ấy liền bị cám dỗ, lôi kéo.

Bố mẹ ra sức khuyên bảo, can thiệp, nhiều khi cũng không còn hiệu lực.

Điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh miền núi, ven biển buộc phải nghỉ học, tham gia lao động, làm thuê để kiếm sống, đỡ gánh nặng cho gia đình, cộng với nhận thức về học tập của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn lệch lạc, hạn chế.

Đấy cũng là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tình trạng bỏ học sau Tết. Nhiều biện pháp hạn chế, ngăn chặn đã được địa phương, nhà trường áp dụng, như đến nhà vận động, cho tiền và gạo hằng tháng.

Kết quả có đạt, nhưng sự bền vững chưa cao, tính lặp lại vẫn tiếp diễn.

Chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta đã biết trước thực trạng ấy hay tái diễn sau Tết rồi, thì công tác giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở nên  được đẩy mạnh trong thời gian trước Tết, qua các hình thức sinh hoạt lớp, chào cờ, trong đó vai trò, khả năng thuyết phục của thầy cô giáo chủ nhiệm là rất quan trọng.

Quan trọng hơn, nhà trường, thầy cô cần tạo cho tất cả học sinh có được nhiều niềm vui, phấn khởi trong học tập, tránh hành xác, gây căng thẳng quá mức và luôn biết quan tâm, nâng đỡ, dìu dắt những em học hành còn hạn chế, yếu kém, đừng để các em chán nản, vô vọng…



Xem nguồn

Thầy Trần Trí Dũng góp giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Posted: 14 Jan 2017 10:39 PM PST


LTS: Tiếp tục bàn về các giải pháp đổi mới giáo dục toàn diện, thầy giáo Trần Trí Dũng đưa ra một số ý kiến giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Theo đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập sẽ giúp sinh viên tự tin, chủ động, tăng khả năng tư duy nghiên cứu khoa học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Giáo dục ở bậc Đại học được xem là lá cờ đầu cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, giáo dục ở bậc học này được đánh giá còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng chung. 

Vì thế, xét trong công cuộc đổi đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, việc đổi mới giáo dục Đại học được xem là sự tiên quyết cho sự phát triển của giáo dục. 

Theo đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc học này đóng vai trò then chốt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.             
   
Thực trạng giảng dạy ở bậc học đại học trong nhiều qua cho thấy, phương pháp dạy học hiện nay ở nhiều trường đại học vẫn nặng về cách ‘lấy giảng viên làm trung tâm”, nặng về thông báo, truyền thụ kiến thức một chiều theo kiểu độc thoại làm sinh viên thụ động trong việc tiếp thu kiến thức bài giảng.             
Tại nhiều trường đại học hiện nay, phương pháp giảng dạy vẫn là phương pháp truyền thống.

Theo đó, quá trình giảng dạy được xem là quá trình truyền tải thông tin từ người dạy sang người học và do đó phụ thuộc căn bản vào tài năng sư phạm của người thầy. 

Khi đó, thầy thuyết trình, diễn giảng, trò nghe và ghi theo đang hiện hữu là phương pháp giảng dạy phổ biến. 

Giáo dục đại học cần đổi mới để nâng cao tính độc lập và khả năng phản biện của sinh viên. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Quan hệ sư phạm giữa thầy và trò là qua hệ trực diện, đơn tuyến theo đường thẳng từ trên xuống. Thầy là chủ thể, tâm điểm và trung tâm của quá trình giảng dạy, còn học trò là khách thể, xem như những quỹ đạo bao quanh.                
Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân nên ở Việt Nam ta quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy chưa được nhận thức nhất quán rộng rãi trong đội ngũ thầy cô giáo. 

Tình trạng giảng dạy theo kiểu “nhồi sọ”, thuyết giảng và truyền thụ một chiều vẫn đang tồn tại. 

Trong lối giảng dạy đó, vai trò của người thầy là số một, lấn át vai trò của học trò; trò rất thụ động, ỷ vào sách và giáo trình; quan hệ sư phạm giữa thầy giáo và sinh viên do đó thiếu thân thiện, mất dân chủ, mang tính áp đặt một chiều. 
   
Mặt khác, khả năng lựa chọn và tổ chức sử dụng, phối kết hợp một cách hợp lý các phương pháp giảng dạy của các giảng viên còn yếu. 

Trong quá trình giảng dạy, người thầy chưa chú ý tổ chức các hoạt động nhận thức nhằm phát huy khả năng độc lập và sáng tạo của học sinh. Phương pháp giảng dạy còn nghèo nàn, đơn điệu và hình thức.
   
Khi xét tới tình trạng học tập của sinh viên Việt Nam trong nhiều năm qua, “chơi cả năm, học một tuần” là thực tế của sinh viên tại hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay. 

Theo đó, sinh viên vẫn lên lớp thường xuyên nhưng không phải chỉ để chuyên tâm học tập.

Đối với học đại học của sinh viên ta hiện nay, không còn các bài kiểm tra đều đặn như thời học sinh, mà sinh viên hiện giờ chỉ coi trọng các kỳ thi cuối kỳ và chỉ thực sự quan tâm chuyện sách vở trước mỗi kỳ thi đó. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

Kết quả khảo sát đã cho thấy, sinh viên hiện nay không còn quá câu nệ chuyện ghi chép, ngay cả khi nhiều giảng viên truyền đạt những kiến thức không có trong giáo trình, và nhiều sinh viên ngày càng ỷ lại vào những cuốn sách in sẵn. 

Tuy nhiên, những cuốn giáo trình thì không thể chỉnh sửa hàng năm nên nhiều sinh viên đang tự thỏa mãn với những kiến thức từ cách đây tới cả chục năm.
   
Trong giờ học, sinh viên cũng không cần ghi chép tất cả lời giảng của thầy cô vào vở. Một chiếc điện thoại có tính năng ghi âm, chụp ảnh phần nội dung trình chiếu trên bảng là trợ thủ đắc lực trong giờ học. 

Dựa dẫm vào đề cương và những tài liệu in sẵn, phương pháp học tập theo kiểu "nước đến chân mới nhảy" đã và đang làm lười đi một thế hệ cử nhân tương lai của đất nước. 
  
Nếu như cấp học phổ thông một môn học kéo dài 10 tháng thì khi lên Đại học, Cao đẳng, một môn chỉ học trong vòng 1 tháng là thi, do đó thi xong quên là chuyện bình thường đối với sinh viên. 

Vì thế, nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học đã trở nên bức thiết. Vậy cần thiết đổi mới phương pháp giảng dạy theo những định hướng cụ thể nào?  
   
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung vẫn theo theo một định hướng nhất quán là lấy người học làm trung tâm. Khi đó, tuỳ từng đối tượng sinh viên mà áp dụng những pháp giảng dạy thích hợp.

Trên thực tế, các sinh viên trước khi vào đại học đã được tuyển lựa qua khâu tuyển sinh của từng trường nhưng năng lực và ý thức học tập của sinh viên không đồng đều nhau. 

Vì thế, đối với những sinh viên có trình độ còn thấp, thái độ học tập yếu thì ngoài việc chấn chỉnh ý thức học tập, giảng viên nên giảng dạy theo phương pháp truyền thống và có cải tiến. 
   
Trước hết, giảng viên cần làm cho sinh viên nắm vững mục tiêu bài học là để giải quyết vấn đề gì và để giải quyết nó cần phải có kiến thức gì? 

Về các nội dung này, giảng viên không đọc nhưng nói chậm, ngắn gọn, chặt chẽ để sinh viên có thể ghi chép các nội dung cơ bản nhất. 

Tiếp đến là dẫn dắt vấn đề sinh viên suy nghĩ và trả lời cùng với vận dụng kiến thức đã được trang bị từ các học phần khác. 

Trên cơ sở các kiến thức đã trang bị thì vấn đề đã được giải quyết đến đâu, việc còn lại phải làm tiếp theo là gì và bằng cách nào.
 
Sau đó cần tiến hành cho sinh viên thảo luận. Sau khi thảo luận, tương tác giữa sinh viên với nhau và với giảng viên, giảng viên rút ra kết luận có phân tích sâu hơn về căn nguyên của vấn đề. 

Khi đó, giảng viên nên động viên người học ghi chép nhiều nhất, nhanh nhất. Bởi khi ghi chép, sinh viên buộc phải chăm chú nghe, tai làm việc và mắt làm việc, đầu phải suy nghĩ để câu viết ra có nghĩa. 

Cách động viên sinh viên làm việc như vậy cũng là hình thức rèn kỹ năng nghe, ghi chép nhanh và đó cũng là một phương pháp làm việc khoa học.
   
Theo đó, tập trung làm việc ở lớp là một lần học rất quan trọng. 

Theo phương pháp giảng dạy này, giảng viên vẫn đặt ra các vấn đề (nhưng không quá lớn) để truy vấn sinh viên. 

Câu hỏi đưa ra để truy vấn là một chuỗi vấn đề để hệ thống hóa kiến thức, có thể là các vấn đề vận dụng kiến thức mới học cho công tác thực tế, có thể là các bài tập…
   
Khi đó, sự tương tác giữa thầy và trò cần được diễn ra liên tục, để sinh viên phải luôn hoạt động, phải luôn tập trung vì lúc nào cũng có việc để làm. 

Theo đó, những vấn đề dễ để sinh viên yếu hơn trả lời, còn vấn đề khó dành cho sinh viên khá. Sao cho kết quả là, ai cũng cảm thấy mình có đóng góp cho thành công chung; từ đó, sinh viên sẽ tự tin, phấn khởi.
    
Đối với những sinh viên có năng lực, thái độ học nghiêm túc, tích cực và chủ động thì cuối buổi giảng, giảng viên giới thiệu những vấn đề sẽ nghiên cứu trong buổi học kế tiếp. 

Những vấn đề cần điều chỉnh về quản trị giáo dục đại học trong khung cơ cấu mới

Giảng viên giao các vấn đề, các tình huống có thể xảy ra, các nguồn tài liệu, cách tìm kiếm để sinh viên tìm đọc và chuẩn bị báo cáo trình bày vào buổi học tiếp theo.
    
Ở đây, cách tốt nhất đối với sự tiếp cận vấn đề là giao cho từng cặp sinh viên đọc và phản biện cho nhau. 

Trước lớp, các nhóm lần lượt trình bày báo cáo đã chuẩn bị, nghe phản biện của nhóm được phân công và của cả lớp. Trên thực tế cách làm này rất lôi cuốn sinh viên. 

Họ tìm đọc, suy nghĩ và chuẩn bị công phu, hiểu vấn đề sâu sắc, đa chiều. Do thực tế nhiều phong phú nên để giải quyết một vấn đề có thể có nhiều phương án khác nhau. 

Lúc này, giảng viên là người hướng dẫn, trọng tài, phân tích và đưa ra kết luận. 

Các tình huống đặt ra có thể là vấn đề liên quan đến lý thuyết, có thể là vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi, các vấn đề này không nhất thiết là giảng viên gợi mở mà có thể là từ quan sát thực tế sinh viên có thể đặt ra để cùng giải quyết.
    
Cách làm này sẽ giúp sinh viên hiểu sâu sắc vấn đề, nâng cao năng lực tiếp cận, phân tích, đánh giá vấn đề một cách toàn diện hơn và chủ động; đồng thời rèn luyện cho sinh viên kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày và sự tự tin. 

Đó là cách dạy học thích ứng với kiến thức không ngừng thay đổi. Bởi lẽ, cái mà sinh viên được học, được làm quen, tính toán, biết đâu chỉ một vài năm nữa đã thay đổi và khả năng đó là rất lớn. 

Và thị trường lao động cũng không ngừng thay đổi; tính cạnh tranh ngày một cao và khắc nghiệt hơn.  

Trong hoàn cảnh đó, trong giảng dạy và trong chương trình đào tạo phải cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản để có đủ năng lực học thêm, tiếp cận với kĩ thuật và công nghệ mới. 
   
Tiếp đến, phải rèn cho sinh viên kỹ năng xử lý tình huống, biết nhận định, chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng để định hướng giải quyết vấn đề. 

Trên cơ sở đó, biết thu thập tài liệu cần thiết, tổng hợp, phân tích số liệu, xây dựng bài toán và giải bài toán. 

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần định hướng nội dung và gợi mở vấn đề để sinh viên tiếp cận tìm tòi.

Các vấn đề cần được mở rộng ra thực tiễn, và từ đó giảng viên giới thiệu nguồn tài liệu tham khảo cần thiết cho những nội dung được học.     
   
Một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra đối với giáo dục đại học là tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên. 

Trên thực tế, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Việt Nam còn yếu. Vì thế, cần phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. 

Theo đó, cần năng cao nhận thức, khơi gợi khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên. 

Mặt khác, cần đầu tư về cơ sở vật chất, huy động tăng cường những nguồn lực hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. 

Từ đó, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên đối với nhu cầu thực tế từ các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, hướng đến phục vụ lợi ích cộng đồng.               
    
Để thích ứng với sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại, ngoài kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, con người cần có kỹ năng mềm. 

Vì kỹ năng mềm cùng với các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ là những kỹ năng giúp con người sống hạnh phúc và thành công. 

Qua khảo sát cho thấy kỹ năng mềm của sinh viên ở mức độ trung bình thấp so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do chưa có biện pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên một cách phù hợp. 

Do đó, việc nghiên cứu thực trạng và đề ra biện pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên là hết sức cần thiết.
   
Bên cạnh đó, hình thành năng lực sáng tạo cho sinh viên cũng rất cần thiết.

Bởi lẽ, nhờ năng lực sáng tạo, các cử nhân tương lai sẽ tự ý thức, chủ động và tích cực tạo nên sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích và mục đích đa dạng, ngày càng tăng của sự phát triển con người và xã hội.
   
Đổi mới định hướng và phương pháp giảng dạy cho sinh viên là cả một quá trình mà các giảng viên phải đầu tư công sức để tìm tòi và sáng tạo. Khi đó, tùy theo từng ngành nghề mà cần có những phương pháp thích hợp. 

Theo đó, những phương pháp tác nghiệp trong giảng dạy cùng hết sức cần thiết.

Để sinh viên học chăm chỉ hơn, bớt đi sự “nhàn hạ” như hiện nay, các thầy cô giáo cần tổ chức thường xuyên các buổi thảo luận theo chuyên đề trên cơ sở nội dung đã học. 

Cụ thể, các thầy cô giáo cần thường xuyên ra các chủ đề thảo luận cho sinh viên ở từng môn học theo định kỳ hàng tháng. Nội dung thảo luận là những chuyên đề cụ thể theo những chủ điểm của môn học. 

Những buổi thảo luận này sẽ tăng cường tính chủ động của sinh viên trong việc học, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm, từ đó có sự đào sâu kiến thức đã học theo từng chủ điểm, và nhờ đó môn học cũng trở lên hấp dẫn hơn, kiến thức theo đó được trau dồi thường xuyên hơn. 
   
Sau mỗi buổi thảo luận sinh viên sẽ phải viết cụ thể những kiến thức thu lượm được thành một tham luận chuyên đề dưới dạng tiểu luận khoa học. 

Các bản tiểu luận này sẽ được giáo viên cho điểm và lấy đó làm cơ sở đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng môn học. 

Đây cũng là cơ sở đặt ra để sinh viên tự giác học tập, chủ động và tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, có sự ứng dụng thực tiễn trên cơ sở nhận thức và những kiến thức đã được tích lũy.  
   
Như thế, khi tiến hành thực hiện đồng thời các giải pháp liên quan trực tiếp đến việc đổi mới giảng dạy và học tập ở bậc đại học này sẽ làm tăng hiệu quả học tập của sinh viên, hoạt động học hành của sinh viên được sôi động hơn và không có chuyện càng học lên cao càng nhàn và không có chuyện khi thi thì mới học, để rồi khi thi xong kiến thức rơi vào quên lãng. 

Khi thực hiện các giải pháp đó đòi hỏi các thầy cô giáo và các sinh viên cũng có sự nỗ lực chung, tạo đà thúc đẩy hiệu quả giảng dạy và học tập.   
   
Trên đây là một số nội dung liên quan đến những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, mà đổi mới phương pháp giảng dạy là khâu trọng tâm đối với với quá trình đổi mới, để chúng ta cùng quan tâm, tham khảo. 

Hy vọng rằng, với những giải pháp thích hợp, giáo dục dục đại học sẽ luôn là lá cờ đầu trong sự phát triển của nền giáo dục nói chung.



Xem nguồn

Comments